Site icon Sen Trắng

Quảng Pháp: Thầy Ngồi Khâu Chiếc Áo Lam, Nặng Lòng!

Ngày 30 tháng 10 năm 2015, vào lúc 12 giờ 57 phút sáng, một vụ nổ bình gas xảy ra tại tịnh thất, nơi trú ngụ của Hòa thượng Thích Hạnh Tuấn. 03 giờ chiều cùng ngày, tin Hòa Thượng viên tịch được loan đi. Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh, đời thứ 42, trụ thế 60 năm và 49 Hạ lạp.

*

Buổi ấy, Thượng tọa Từ Lực gọi và đề nghị “Triết về giúp Thầy lo chụp ảnh và làm bản tin tang lễ của cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn”. Tất nhiên không chút lưỡng lự, tôi sắp xếp về ngay. Về vì Thầy Từ Lực, và về với Thầy Hạnh Tuấn. Còn nữa, về vì mong gặp gỡ Anh-Chị-Em GĐPT quen lẫn chưa quen.

Trước đó khá lâu, ba vị Thầy, trong đó có Hòa Thượng Hạnh Tuấn đã từng chiếu cố, hoan hỷ trực tiếp gọi điện thoại hỏi tôi về ý định sẽ đưa ra một Lá Thư Chung, kêu gọi các hệ phái GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ thống nhất. Tình thật, tôi đã thưa với Thầy: “Chưa đúng lúc, ‘vì con hiểu tính Anh-Chị của con!’” – Lúc nào nhớ lại, tôi cũng xúc động vì hình ảnh của Sư Ông Trí Hiền, viết tâm thư và thân hành “tam bộ nhất bái” cầu nguyện cho sự thống nhất này, chưa kể cố đại lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu gởi thơ mời mọc quý Anh Nguyên Tịnh, Tâm Kiểm về gặp nhau, hòa giải. Nhưng việc làm của bao vị Thầy lớn vẫn vô phương!

Thượng Tọa Thích Từ Lực trong ngày đưa tiễn Pháp lữ | Ảnh: Quảng Pháp

Trúc Lâm, Chicago, những ngày tang Thầy ở Chùa, ban đêm tôi mang túi ngủ ra phòng Tổ – nơi thiết trí di ảnh cố Hòa Thượng Hạnh Tuấn – vừa làm việc, vừa ngả lưng. Ở đây yên ắng và ấm cúng.

Hồi còn ở trại tỵ nạn Sungei Besi, Malaysia, sau giờ giới nghiêm chỉ có chùa là được phép chong đèn neon suốt đêm. Vì vậy tôi hay trốn lên chùa, nằm dưới bàn Tổ đọc sách. Mặc dù ở đây cũng là nơi thờ cúng tro cốt người chết, nhưng tôi lại không thấy sợ. Ngược lại cảm giác an bình. Nhất là mỗi khi mấy Điệu, hay chư Tăng thay phiên khơi đèn, thắp hương gian ngoài Chánh Điện, và thỉnh chuông… Tiếng chuông nâng tôi bay vào một phương trời cao rộng khác…

Bài viết này không nhằm nói thêm về tình thương của Thầy với màu áo Lam, nghĩa là với Gia Đình Phật Tử. Cái này nhiều Anh-Chị_Em đã biết và hiểu rồi. Điều tôi muốn nói là sự HY SINH của Thầy cho Gia Đình Phật Tử, nói đúng hơn là VÌ SỰ TOÀN VẸN CỦA GĐPT VIỆT NAM TẠI HOA KỲ.

Trong thâm tâm của không ít người, sự cố nổ bình gas đến nay vẫn còn là một nghi vấn. Điều này tuy không truy tầm thêm chứng cứ, nhưng cũng dễ hiểu và cảm thông, vì Phật Giáo Việt Nam có đủ kinh nghiệm lịch sử thiết kỷ, thiết thân nếu hiểu vai trò của Hòa Thượng thuở ấy trong sứ mệnh Người Đưa Tin, đồng thời góp phần lớn lao kiến trúc ngôi nhà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hải Ngoại, Văn Phòng II – trong toàn cảnh vô cùng quan trọng, chuyển mình phục hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà. (đọc thêm Thích Hải Tạng, “Còn Nghe Văng Vẳng Tiếng Người”).

Với vai trò huyết mạch và âm thầm đó, Phật sự của Giáo Hội hẳn nhiên phải là tâm huyết của Thầy. Một Giáo Hội Thống Nhất mà trong đó, GĐPTVN LỊCH SỬ được thừa nhận như là một đứa con trung kiên; Một Giáo Hội Thống Nhất, mà trong đó, Thầy là một thành viên, được trao phó lãnh đạo tinh thần cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, với vai trò Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên. Thầy mang trọng trách như vậy của một Giáo Hội Thống Nhất, nhưng vẫn an bày cho đàn con Áo Lam thỏa thích túa đi ngàn phương. Suy nghĩ đó, hành động đó đã nói lên điều gì?

Không có một mặc định nào để gọi là  “phải trực thuộc” – mà chỉ có những mặc định “không được trực thuộc” là thật sự phổ biến, công khai hoặc âm thầm.

Tôi biết Hòa Thượng Viên Lý chưa bao giờ ép GĐPT Chánh Đạo và Điều Ngự phải trực thuộc Tăng Đoàn GHPGVNTN; Tôi biết Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu không bao giờ bắt GĐPT Hoa Nghiêm phải trực thuộc GHPGVNTN-HK; Trước đây, tôi cũng từng biết Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác, hội chủ Tổng Hội PGVN cũng chưa từng o ép GĐPT Long Hoa trực thuộc Tổng Hội; và cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, cũng chưa từng đòi hỏi GĐPT Bảo Quang trực Thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới, v.vcũng vậy, Hòa Thượng Thích Chơn Thành, chưa bao giờ nêu vấn đề GĐPT Liên Hoa phải quy thuận Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ mà Hòa Thượng từng là Phó Tăng Thống v.v và v.v…

Tôi biết phần nhiều chư Tăng Ni, tùy mỗi hoàn cảnh, ngoài việc khuyên nhũ nên chăng, nhu nhuyến hành xử tùy thuận và chưa bao giờ có những chỉ đạo gay gắt cho việc trực thuộc hay không trực thuộc Giáo Hội đối với GĐPT.

Ở đây, cần phải nhắc lại một chi tiết lịch sử trước đại hội toàn quốc 2004, là Buổi Cơm Thân Mật cùng với Hòa Thượng Đệ Nhị Viện Trưởng Viện Hóa Đạo – Ôn Hộ Giác – đưa ra giải pháp thành hình một Ban Điều Hợp GĐPT, nghĩa là chu toàn hết mọi khuynh hướng quan điểm tổ chức GĐPT lúc bấy giờ. Giá như chúng ta dừng lại lúc này! Nhưng chính Anh-Chị-Em chúng ta từ khước giải pháp dung hòa đó, cố đặt Giáo Hội vào thế khó phân xử, và đặt chính chúng ta vào ngưỡng cửa phân ly bằng một Đại hội Hợp nhất chỉ trên danh nghĩa, nhưng thiếu thực tế, chí ít ở ngay thời điểm đó. Nhưng một dịp khác, tôi xin sẽ trình bày thêm những nguyên nhân, xa gần về giai đoạn này.

Vậy thì ở đây phải nhìn nhận “trực thuộc” là khái niệm tích cực, và bao quát hơn cách suy nghĩ phiến diện của Anh-Chị-Em chúng ta lâu nay. Nói cách khác đó chính là Ý CHÍ THỐNG NHẤT.

Đứng trước sự THỐNG NHẤT của GIÁO HỘI. Tấm lòng bao dung của Hòa thượng Hạnh Tuấn đã thể hiện bằng sự ưu tiên trước hết là sự THỐNG NHẤT của tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ.

GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, quả phải mang ơn Thầy ở tấm lòng độ lượng này, để tiếp tục suy gẫm, tiếp tục hành động nhắm tới sự Thống Nhất toàn diện đó. Thống nhất ý chí, hành động và thống nhất tổ chức.

Một tổ chức mà trong đó các thành viên không thống nhất ý chí, hành động là một tổ chức ô hợp; và đó không thể được xem là tổ chức có ngần ấy năm hoạt động và lịch sử hoạt động vẻ vang đã có như Gia Đình Phật Tử, ngoại trừ chúng ta không có Nội Quy-Quy Chế; không có một Chương trình đào luyện mà chỉ đến với nhau “xoay một vòng hát mà chơi.”

Di Ảnh Ân Sư Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, GHPGVNTN Hoa Kỳ,
Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn (1965-2015)
| Quảng Pháp ký họa

Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn, vị Cố Vấn Giáo Hạnh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên của Giáo Hội, nhưng lại đứng ra xin cho GĐPTVN tại Hoa Kỳ không trực thuộc Giáo Hội? Đây phải chăng là một công án?

Bởi Hòa Thượng luôn tin tưởng, luôn kỳ vọng vào vai trò của GĐPT LỊCH SỬ, đã từng là một trong những tác nhân tạo nên nền Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam của thập niên 50. Làm được điều này, tự thân GĐPT phải là một tổ chức thật sự Thống Nhất, Thống Nhất chắc bền.

Bấy giờ, mối quan tâm của Hòa Thượng, người đại diện cho Giáo Hội không phải là “trực thuộc”. Song, nhất thời để GĐPT được “đứng ngoài Giáo Hội” – đứng ngoài HIẾN CHƯƠNG LỊCH SỬ, đứng cả ngoài NỘI QUY và QUY CHẾ LỊCH SỬ của chính tổ chức, phải chăng với tấm lòng tha thiết cho vận mệnh Phật Giáo Việt Nam; bằng tâm thức bảo lưu văn hóa Phật Việt nơi xứ lạ; và mang trọng trách kiến thiết ngôi nhà thống nhất Phật Giáo hải ngoại…, thì đây không phải là chuyện lôi kéo, hẹp hòi, mà đó là sự thấu tình đạt lý, là tầm nhìn xa, chiến lược, của vị Thầy Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, GHPGVNTN tại Hoa Kỳ – Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn. Hơn hết, trong tình thế bấy giờ, chính là để bảo toàn cho sự Hòa Hợp của Tăng Già.

Đứng ngoài không phải vì muốn đứng ngoài; đứng ngoài nhưng không phải ngoài, phải chăng là công án “ƯNG VÔ SỞ TRỤ.” Không trụ nhưng vẫn thấy mình đang an trú trong bản thệ Tăng Già Phật Giáo Việt Nam. Đó là toàn bộ ý nghĩa hành động với tinh thần Bi, Trí và Dũng của tổ chức GĐPT Việt Nam, của mỗi anh chị em Huynh trưởng đã nhận thức trọn vẹn GIÁ TRỊ LỊCH SỬ trong lịch sử, và sứ mệnh lịch sử ở tương lai đối với sự nghiệp thống nhất Phật Giáo Việt Nam mà Thầy đành dang dở.

Họp mặt lam viên hai thực thể GĐPT chia lìa từ đại hội 2004, tìm phương thống hợp | Ảnh: Quảng Pháp

Tiếc và Thương! Hòa Thượng đã ra đi từ một biến cố đau buồn. Tiếng nổ khiến ta đau, nhưng không làm ta tỉnh thức(!?) Hòa Thượng ra đi đành để dở dang bao điều chưa kịp nói, bao điều chưa thành tựu. Ở đây không phải là chuyện trực thuộc hay không – mà cần phải thấu cảm lòng trắc ẩn của Thầy mình – là tâm huyết thống nhất các tổ chức Phật giáo thành một khối kim cương bất hoại: Vì tiền đồ Dân Tộc và Đạo Pháp. Bấy giờ, tiếng vọng của Đức Đệ Tam Tăng Thống, rồi kế tục là của Nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ thật quá bi thiết!

Như người Mẹ đêm đêm chong đèn ngồi khâu vá chiếc áo con trẻ trót nghịch phá rách tươm. Mỗi lời ca “Tôi yêu màu Lam” mà Thầy vẫn thường hát như mũi kim luồn chỉ hằng mong khép lành chỗ rách.

Vai áo tuy sờn nhưng vai hãy cứ kề vai; màu áo tuy có bạc nhưng xin Anh-Chị-Em đừng mãi bạc lòng!

Nhưng có một câu nói thế này, “Một trong những thứ thiếu nhất trên thế giới này không phải là sự đồng cảm về cảm xúc, mà là sự đồng cảm về mặt nhận thức,” (“One of the things that’s most lacking in the world is not emotional empathy, it’s cognitive empathy” – Robert Wright) – Vì vậy, “tình lam” thôi vẫn chưa đủ!

Tâm huyết của Hòa Thượng là bài học giúp chúng ta tiếp tục suy gẫm và nhận thức – “Trực thuộc” ư? Không! Cái tâm, cái tầm và điều trăn trở của Thầy lớn hơn nhiều, đó là tính Thống Nhất lịch sử của Phật Giáo Việt Nam!

Hôm nay, tưởng nguyện Ân Sư – vị Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, GHPGVNTN tại Hoa Kỳ – Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn, kính xin Giác Linh Thầy linh ứng thùy từ gia hộ cho chí nguyện của chúng con chóng viên thành.

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Quảng Pháp Trần Minh Triết

Tập San Hoa Đàm 12
số Tưởng Niệm Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn

Hình ảnh Tang Lễ Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn

Exit mobile version