Site icon Sen Trắng

Hoa Đàm #2: Nghĩ Về Truyền Thông Phật Giáo

NGHĨ VỀ
TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO

Hoa Ðàm – Bộ mới, Số 2
phát hành ngày 30 tháng 6, 2015

Chủ trương và thực hiện:
Hoa Ðàm Group, US.

Kết tập:
Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ
Nguyên Túc Nguyễn Sung
Quảng Pháp Trần Minh Triết

Mục Lục

Thay cho lời ngỏ
Chánh ngữ
Những đôi dép ngoài cửa trai đường – Chân Văn
Truyền Thông Nhìn Từ Phật Giáo – Nguyên Giác
Nghĩ về truyền thông và Phật Giáo – Tâm Huy
Thế giới ảo – Vĩnh Hảo
Đức Phật sẽ sử dụng mạng xã hội như thế nào?
Tác giả: Sinead Mac Manus. Dịch: Nguyễn Hoàng Huy
10 cách sử dụng mạng xã hội có ý thức – Tác giả: Lori Deschene. Dịch: Nguyễn Hoàng Huy
Áp dụng những nguyên tắc Phật giáo cho thời đại truyền thông xã hội – Tác giả: Alexander Berzin. Dịch: Băng Tâm
Truyền thông: Phương tiện “mềm”, thế mạnh của Phật Giáo – Minh Thạnh

Phụ bản:
Nguyên lý hòa bình trong Phật giáo Đại thừa – Thích Đồng Thành
Thế giới yêu cầu gì về phía chúng ta – Pháp Hiền cư sĩ
Mối quan hệ giữa phật giáo và sự thiết lập hòa bình thế giới – Dr. Arvind Kumar Singh
Xây dựng thanh bình trong cuộc sống – Thích Quảng Trí
Gieo hạt giống phòng chống tự tử cho tuổi teen – Trịnh Thanh Thủy
Đem chánh niệm và tình thương vào nhà tù tiểu bang California – Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

______________________________________

Thay lời nói đầu

Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 27. 10. 2014
trong khóa tu chánh niệm dành cho thầy cô giáo và các nhà giáo dục
được tổ chức tại Làng Mai từ ngày 25/10 – 1/11/2014

Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải. “Anh ơi, em biết là anh có rất nhiều khổ đau trong những năm vừa qua. Em đã không giúp gì được cho anh mà còn làm cho tình trạng trở nên tệ hại hơn. Em xin lỗi anh! Em không cố ý làm cho anh khổ. Nhưng em đã không thấy và không hiểu được nỗi khổ niềm đau trong anh, vì vậy anh phải giúp cho em. Anh phải nói cho em biết những gì trong lòng anh, những khó khăn và những khổ đau của anh. Em tin chắc rằng nếu hiểu được khổ đau trong anh thì em sẽ không hành xử như em đã từng làm những năm qua. Anh phải giúp cho em. Anh phải nói cho em biết những gì chất chứa trong lòng. “Đó là ái ngữ, là chìa khóa để mở cửa trái tim của người kia. Sự thực tập này rất là hiệu nghiệm, cho dù là giữa hai người đã có khó khăn trong 5 năm rồi. Người kia sẽ nói cho ta biết những gì trong trái tim họ và bây giờ ta có thể thực tập như Bồ tát Avalokiteshvara (Bồ tát Quán Thế Âm): Chỉ lắng nghe thôi và lắng nghe với tâm từ bi. Lắng nghe với tâm từ bi có mục đích: Giúp cho người kia trải hết lòng ra để cho họ bớt khổ.

Nếu người kia có những cái thấy sai lầm thì ta cũng không nên cắt ngang. Ta phải để cho người kia nói. Sau này, nếu có thì giờ thì ta sẽ cung cấp vài dữ kiện để người kia thấy được tri giác sai lầm đó, nhưng bây giờ thì chưa. Bây giờ là lúc mình thiết lập lại truyền thông và hòa giải với nhau.

______________________________________

Chánh ngữ

Thích Nhất Hạnh | trích Trái tim của Bụt

Chánh ngữ tức là lời nói chân chính. Đây là một phép thực tập rất quan trọng. Chúng ta biết rằng chánh tư duy cũng là một hình thức của chánh ngữ, tư duy là loại ngôn ngữ thầm ở trong tâm. Tuy người khác không nghe thấy nhưng trong tâm, ta thường thường vẫn đang nói. Tầm và từ là hai hình thức ngữ ngôn ở trong tâm. Như có một cuốn bặng ghi âm phát thanh ở trong đầu mình một cách liên tục, ta nghĩ cái này rồi nghĩ qua cái khác. Tư duy ở trong ta, như con tầm tự giam mình trong kén, lúc nào cũng tự nói mình nghe. Nếu có chánh tư duy thì tầm và từ sẽ soi sáng cho ngôn ngữ và cho hành động, và làm giàu cho chánh kiến. Ngược lại, tà tư duy sẽ làm giảm bớt chánh kiến, đánh mất chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, v.v.. Có những tư duy bị che dấu, thỉnh thoảng tự nhiên ta bật nói ra. Bởi vậy chánh tư duy sẽ đưa đến chánh ngữ. Về tư duy có tầm và từ, còn về chánh ngữ có ngôn và luận. Ngôn tương đương với tầm (vitarka), còn luận tương đương với từ (vicara). Ngôn chỉ là nói, còn luận là có phân tích, chứng minh, mổ xẻ.

Ái ngữ

Kinh Tạp A Hàm số 785 định nghĩa chánh ngữ bằng cách nêu ra bốn đặc tính: không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu và không nói thêu dệt. Đây là một định nghĩa phổ thông, thấy trong tất cả các kinh điển. Thứ nhất là không vọng ngữ, nghĩa là không nói dối. Vọng là sai. Có nói là không, không nói là có, trắng nói đen, đen nói trắng, nói không đúng sự thật, là vọng ngữ.

Thứ hai là không lưỡng thiệt. Lưỡng thiệt tức là hai lưỡi (double tongues), với người này nói thế này, với người khác thì nói khác. Đôi khi nói cho vừa ý một người, rồi lại nói khác đi để làm vừa ý một người khác, kết quả là nói lời không đúng sự thật. Cố nhiên cách nói có thể thay đổi cho người ta dễ tiếp nhận, nhưng chánh ngữ là phải nói đúng sự thật.

Thứ ba là không ác khẩu. ác khẩu tức là nói to tiếng, thô tục, quát mắng, chửi thề, nói lời tạo đau khổ, bực tức, hận thù cho người khác. Có những người tâm rất tốt, không muốn làm hại ai, nhưng khi nói ra thì như châm trích và tàn hại người ta vậy. Đó là khẩu xà tâm Phật. Tuy gọi là tâm Phật, nhưng thực sự bên trong còn có quá nhiều nội kết cho nên cái miệng mới nói lời ác. Nếu có thói quen ái ngữ thì ta sẽ không nói như vậy. Dầu là tâm ta không có ý hại ai nhưng nếu ta bị tập khí ác ngữ miệng ta vẫn gây ra những đổ vỡ. Lời nói có thể làm cho người khác thêm mặc cảm, lời nói có thể làm cho người ta mất hết ý chí, và có khi lời nói có thể làm cho người khác đi tự tử. Khi cha mẹ mắng con: ‘‘Mày là đồ vô dụng, không ra cái tích sự gì cả!ì nói như vậy cũng là ác khẩu, vì câu nói đó tiêu diệt niềm tin của em bé, làm cho nó có mặc cảm tự ti. Cho nên tu tập chánh ngữ rất quan trọng.

Thứ tư là không ỷ ngữ. ỷ ngữ tức là nói những lời thêu dệt. Thêu dệt là vẽ vời ra cho sự việc thêm đẹp đẽ hơn gấp bội, hoặc xấu xa hơn gấp bội. Như nói thế nào làm cho mọi chuyện thê lương hơn, hay mơy miều hơn, giật gân hơn hoặc hấp dẫn hơn mà không cần đúng với sự thật.

Nhiều kinh điển định nghĩa chánh ngữ là không nói dối mà phải nói lời chân thật, không nói hai lưỡi mà chỉ nói một lời thôi, không ác khẩu mà chỉ nói những lời dịu dàng, không ỷ ngữ, chỉ nói sự thật không thêm không bớt. Trong Trung Bộ (Majjhima nikaya), kinh số 117, cũng có định nghĩa giống như vậy. Khi nói về chánh ngữ, chúng ta trở về với giới thứ tư trong năm giới: không được nói dối, không được nói để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không được nói lời gây chia rẽ căm thù, không loan truyền những tin mà mình không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều mình không biết rõ. Phải có can đảm nói ra sự thật về những điều bất công, và phải dùng lời nói của mình để thực hiện hòa giải và thương yêu. Giới thứ tư nhằm duy trì chánh ngữ.

Khi dùng điện thoại, chúng ta có thể thực tập chánh ngữ. Thiền điện thoại không những là phép thực tập chánh ngữ, mà còn thực tập chánh tư duy. Trước khi bấm số, chúng ta thở theo một bài kệ:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm, Xây dựng niềm tin yêu, Mỗi lời là châu ngọc, Mỗi lời là gấm thêu.

Lúc bắt đầu thực tập, chưa thuộc những câu kệ, chúng ta viết kệ xuống một mảnh giấy, dán vào chỗ điện thoại. Mỗi khi ta dùng điện thoại ta lại nhìn thấy bài kệ, và bắt đầu tập hơi thở chánh niệm: thở vào đọc câu đầu (tiếng đi ngoài ngàn dặm), thở ra đọc câu thứ hai (xây dựng niềm tin yêu). Thở vào đọc câu thứ ba (mỗi lời là châu ngọc), thở ra đọc câu thứ tư (mỗi lời là gấm thêu). Trong khi thực tập thở ra và thở vào, ta lặp lại lời nguyện ái ngữ, nguyện sẽ nói những lời xây dựng, bồi đắp thương yêu và hiểu biết. Trong lúc đó, ta cũng đang thực tập chánh tư duy, nhờ vậy lòng ta an tĩnh hơn, ta nhìn thấy mọi chuyện sáng rõ hơn. Người bên kia cầm ống điện thoại lên sẽ được tiếp xúc với một con người tươi mát, nghe những lời xây dựng, êm đẹp, không làm họ đau khổ, có thể giúp họ đạt được an tịnh trong giây lát.

Dùng ái ngữ, chúng ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác. Lời nói của mình có thể khơi dậy những hạt giống của niềm tin và an vui nơi người khác. Đó là một hành động phát xuất từ tình thương yêu.

Khi thấy hai người không hòa hợp với nhau, ta có thể dùng lời nói hòa giải để đưa họ tới gần nhau. Quán chiếu vào tâm trạng, hoàn cảnh và nỗi đau khổ của mỗi người, ta có thể luôn luôn tìm ra những điểm tích cực. Nói những sự thật tích cực về người này cho người khác nghe sẽ giúp họ hiểu lẫn nhau. Chỉ cần nói sự thật thôi, khi hai bên hiểu nhau hơn họ sẽ sẵn sàng tha thứ cho nhau, sẽ dễ dàng hoà giải với nhau hơn. Như ở Nam Phi, có một cộng đồng da trắng, một cộng đồng da đen thường thù ghét, kỳ thị và chống đối nhau từ lâu. Ta biết rất rõ là cả hai cộng đồng, dù đen hay trắng đều đau khổ, vì cả hai đều sống trong sợ hãi, lo lắng. Người thực tập chánh ngữ trình bày những nỗi khổ đau, sợ hãi, mặc cảm, những ước vọng của cộng đồng này cho người trong cộng đồng kia nghe. Mỗi bên bắt đầu thấy an ninh và hạnh phúc của mình liên hệ tới hạnh phúc của bên kia. Nhờ vậy lòng họ có thể chuyển hóa. Nếu ta đứng về một phe thì sẽ chỉ làm cho tình trạng càng cặng thẳng, càng khó khăn hơn.

Muốn thành công trong việc hòa giải ta cần biết nói năng khéo léo. Nhưng bản chất nội tâm của con người hoà giải rất quan trọng. Con người đó cần chứa đựng sự hiểu biết, thương yêu, cần được cả hai bên tin cậy, thì lời nói mới có ảnh hưởng lớn lao hơn. Vì lời nói phát xuất từ chánh tư duy, chánh ngữ, chứ không phải là do mưu mẹo, và những khéo léo bên ngoài mà thôi.

Chánh ngữ là nói sự thật, nhưng sự thật nhiều khi cũng có thể cũng gây ra đau khổ. Cho nên sự thật phải được diễn tả bằng ngôn ngữ khôn ngoan để giúp cho người nghe dễ chấp nhận. Nói một sự thật mà gây tan vỡ và hư hại thì không phải là chánh ngữ. Khi nói phải biết tâm lý, dùng thứ ngôn ngữ thích hợp với người nghe, chọn thời gian và hoàn cảnh thuận tiện, và diễn tả cách nào để họ hiểu được, chấp nhận được, thì mới nên nói.

Kinh Pháp Hoa có nói về một vị bồ tát hiệu là Diệu Âm. Bồ tát Diệu Âm thành tựu một tam muội gọi là hiện nhất thiết ngữ ngôn tam muội, nghĩa là thể hiện được, hiểu và sử dụng được tất cả các loại ngôn ngữ. Ngài có thể đối thoại với bất cứ loài chúng sinh nào, vì ngài hiểu tâm ý của chúng sinh, và nói ngôn ngữ nào thích hợp với họ. Vì vậy chánh ngữ cần chất liệu của chánh tư duy, lại cần chất liệu của nghệ thuật nói năng khôn ngoan. Chúng ta phải học hỏi nghệ thuật truyền thông và diễn đạt. Nhưng hình thức khéo léo có nghệ thuật phải chứa đựng chánh tư duy. Nịnh nọt, tán dương, tâng bốc sai sự thật, hoặc chỉ làm tăng thêm ngã mạn của người, đều là tà ngữ.

Hạt giống của Chánh Ngữ

Không thể hiểu được chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ nếu không biết rằng tất cả chúng ta đều có hạt giống của những chánh đạo này trong tâm thức. Hạt giống của ngôn ngữ căn cứ trên tưởng. Tưởng là tri giác.

Nhắc lại, năm yếu tố tạo thành con người là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Sắc là phần sinh lý. Thọ là cảm giác. Tưởng là tri giác (perceptions). Tri giác gồm có hai phần: năng tưởng và sở tưởng. Một là chủ thể của tri giác, hai là đối tượng của tri giác. Chúng ta thấy một cái bàn, cái bàn mà chúng ta đang thấy và đang sờ vào là đối tượng của tri giác, của tưởng. Còn tự thân cái bàn có thể rất khác. Đối với một con mọt đang ăn cái bàn thì đó là một kho thức ăn. Cũng một dòng sông, đối với con cá là nhà cửa, lâu đài của nó mà đối với chúng ta đó là cái chỗ để lấy nước tắm và giặt. Khi hai người ghét nhau, thì trước hết họ ghét cái đối tượng tri giác, cái tưởng của họ về người kia. Nhưng tự thân người kia so với ý niệm mình có về người kia thường rất khác nhau. Hai kẻ yêu nhau cũng vậy. Người được yêu khác với hình ảnh trong tri giác người đang yêu. (Cưới về ba, bốn năm sau mới thấy được một phần sự thật!). Vậy tri giác có thể rất sai lầm, rất khác với cái sở duyên duyên đã giúp tạo ra đối tượng của tri giác. Ví dụ như ta chụp ảnh cây bồ đề. Nhìn hình ảnh ta thấy cây bồ đề, nhưng đó chỉ là hình ảnh cây bồ đề thôi. Cây bồ đề thật ở ngoài không phải là cây bồ đề in trên phim ảnh. Chánh kiến tùy thuộc vào tưởng. Vì thế luôn luôn ta phải dùng chánh niệm, phải trở về khám phá những thiếu sót, sai lầm của tưởng. Đó là phương pháp duy nhất để cho cái thấy của ta bớt sai lầm, để tăng thêm phần chánh kiến. Chánh kiến mạnh thì tư duy mới vững vàng được.

Uẩn thứ tư là hành (mental formations). Hành tức là những hiện tượng tâm lý phát khởi trong ta. Vui, buồn, giận, ghen, thương, ghét, đều là hành. Chữ PHạn là cittasamskara. Giáo lý duy thức của đạo Bụt Bắc Truyền nói tới 51 loại tâm hành. Năm tâm hành phổ biến nhất là xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, trong đó có thọ và tưởng. Thọ và Tưởng là những tâm hành rất quan trọng trong số năm tâm sở biến hành, nên được tách ra liệt kê thành hai uẩn. đạo Bụt Nam Truyền, hệ phái Theravada cũng nói có 50 tâm hành.

Uẩn thứ năm là thức (vijnana). Tất cả những cảm thọ và tri giác của chúng ta đều có hạt giống chứa ở trong thức. Thức ở đây phải hiểu là tâm địa, là đất tâm, tức là mảnh vườn trong đó có sẵn tất cả những hạt giống của tâm hành, gọi là chủng tử. Chúng ta có chủng tử của tình thương, của sự ghét bỏ, chúng ta có hạt giống của sự trung kiên, hạt giống của sự phản bội. Chúng ta có đủ các loại hạt giống, tốt cũng như xấu. Thức ở đây còn gọi là nhất thiết chủng thức. Nhất thiết chủng (sarva bijaka) là tất cả các hạt giống. Phật giáo Nam Truyền, hệ phái Đồng Diệp Bộ (Theravada, Tamrasatiyah), có nói về Hữu phần thức (bhava anga citta). Đây là cái tương đương với nhất thiết chủng thức. Còn Hữu Bộ thì gọi là căn bản thức. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của chánh kiến. Có chánh kiến, không phải tại vì Bụt trao cho ta, thầy trao cho ta, mà vì chúng ta có sẵn hạt giống chánh kiến trong tâm rồi. Khi chúng ta nói ‘‘Phật tại tâmì là nghĩa như vậy. Tuệ giác đó đã có sẵn ở trong tâm thức của ta. Tuệ giác ấy chỉ cần người hay hoàn cảnh giúp khơi mở ra thôi. Có thể đó là Bụt, là thầy, là bạn, có thể là một nỗi đau khổ cùng cực của ta. Khi ta đau khổ nhiều tự ta cũng có thể khơi mở được chánh kiến.

Ngày Bụt thành đạo, Ngài ngồi thiền suốt đêm. Và buổi sáng tinh sương, nhìn lên thấy ngôi sao mai mọc, Ngài đạt được quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác (giác ngộ hoàn toàn). Những lời đầu tiên mà Bụt thốt ra chứa đựng một chút ngạc nhiên. Ngài nói: ‘‘Lạ quá, tất cả mọi người đều có tuệ giác trong lòng. Vậy mà đời này sang đời khác, kiếp này sang kiếp khác, con người cứ trôi lặn trong biển trầm luân, khổ ải. ì Câu nói của Ngài có nghĩa rằng tuệ giác Ngài đạt tới không phải được từ bên ngoài mang vào mà đã từ trong chiều sâu tâm thức phát hiện lên. Hạt giống của trí tuệ, hạt giống của từ bi đều có sẵn trong tâm thức mỗi người.

Hạt giống chánh kiến ở trong tâm thức ta gọi là giác tánh. Tất cả chúng sinh đều có sẵn giác tánh, nên ta vẫn nói rằng Bụt ở trong lòng. Phật tức tâm là một sự thật có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là lý thuyết. Vì nếu không sẵn hạt giống giác tánh thì có tu, có học gì chúng ta cũng sẽ không thành công. Tu học có nghĩa là tạo những điều kiện tưới tẩm cho hạt giống tuệ giác nở ra. Khi hạt giống của chánh kiến nẩy mầm rồi, tự nhiên tư duy sẽ đi vào đường chánh. Càng thực tập chánh tư duy, chúng ta lại càng giúp cho những hạt giống chánh kiến khác nẩy nở thêm. Chánh kiến nuôi dưỡng chánh tư duy và chánh tư duy khơi mở thêm chánh kiến. Rồi nhờ sự phát triển của chánh kiến và chánh tư duy mà chánh ngữ biểu hiện. Bởi vậy khi lời nói của chúng ta còn gây ra đau khổ thì ta phải biết là cái thấy của chúng ta chưa sáng, và tư duy của chúng ta chưa đúng.

Ngôn ngữ có hạt giống trong đất tâm. Những lời nói, kho ngữ vựng, những hình thức diễn tả trong ngôn ngữ đều có hạt giống ở đấy cả. Tu tập chánh ngữ bắt đầu từ tâm, bắt đầu từ tưởng, tức là tri giác. Tri giác sai lầm sẽ sinh nhiều tà kiến. Tri giác càng đúng thì càng thêm chánh kiến. Tri giác sai lầm, tư duy chúng ta sẽ sai lầm. Chúng ta thấy mối liên hệ rất mật thiết giữa chánh ngữ, chánh kiến và chánh tư duy. Cho nên nếu chúng ta muốn tu tập chánh ngữ thật vững chãi thì chúng ta phải dựa trên chánh kiến và chánh tư duy.

Vì vậy các vị bồ tát sau khi tu tập chánh kiến và chánh tư duy thì đạt tới biện tài. ‘‘Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài. ì Biện tài ở đây không phải là nói khéo. Biện tài chính là ‘‘nhất thiết ngữ ngôn tam muội, ì phát hiện khi bồ tát có chánh kiến và chánh tư duy vững chãi. Biện tài ở đây là khả năng nhiếp phục được người khác, khả năng khai thông cho tâm ý, làm cho người ta bỏ con đường mê tối mà hướng tới con đường sáng. Đôi khi chỉ cần nói một hai câu mà có thể đưa người khác trở về với con đường an lạc. Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài nghĩa là nhờ trí tuệ sâu rộng, nên bồ tát đã đạt tới biện tài vô ngại để thuyết pháp độ sinh.

Sự tu tập chánh ngữ phải căn cứ trên chánh kiến và chánh tư duy. Những hạt giống của tri giác nằm sâu trong tâm thức, những hạt giống của tư duy cũng ở sâu trong tâm thức, những hạt giống ngữ ngôn cũng vậy, ba loại hạt giống đó có dính líu với nhau. Trong tương giao giữa mọi người, chúng ta cần tập nhìn đúng, nghĩ đúng về người khác. Muốn tập chánh ngữ, ta phải bắt đầu bằng sự quán chiếu về người và về mình. Xung đột giữa vợ chồng, cha con hay bạn bè có khi xảy ra chỉ vì lời nói. Tu tập chánh ngữ trở thành một yếu tố rất quan trọng để gây niềm thông cảm.

Bài thực tập Chánh Ngữ

Ta hãy lấy một ví dụ thực tập về chánh ngữ để giải toả những nội kết gây xung đột giữa hai người bạn. Cũng có thể áp dụng cho hai người thân yêu, như anh em, vợ chồng, v.v.. Có một người tên là A và có một người tên là B, liên hệ giữa A và B không tốt đẹp. Mỗi khi A nói thì B khó chịu và mỗi khi B nói thì A khó chịu. Có thể A có lòng tốt không muốn làm khổ B, và B có lòng tốt không muốn làm khổ A, nhưng hai người vẫn làm khổ nhau hoài. Có thể là A vụng về trong khi nói hay B vụng về trong khi nói. Muốn giải quyết, chúng ta không thể chỉ tuyên bố rằng cả hai bên đều có lòng tốt cả, không sao. Nói như vậy không đủ. Chúng ta phải quán chiếu sâu xa để thấy nguồn gốc ở nơi tưởng, nơi tri giác của mỗi người.

Ở làng Hồng các thiền sinh đã thực tập viết thư gửi Bụt. Chúng ta thử bắt chước phương pháp đó trong trường hợp này. Mời hai người cùng đại chúng vào ngồi trong một căn phòng, hai người ngồi hai bàn khác nhau. Đưa cho A và B mỗi người một tờ giấy trắng, A sẽ viết cho B một lá thư, và B viết cho A một lá thư. Viết xong hai người trao thư cho nhau. Mỗi người nhận rồi đem thư ra đốt, không cần đọc. Trong đại chúng không ai biết trong thư nói gì cả.

Trước khi thực tập, hai người được hướng dẫn riêng về ‘‘mẫu viết thưì. Mục đích của lá thư là cho mỗi người có dịp quán chiếu về tánh tình, phản ứng và hành động của mình và của người kia. Thí dụ lá thư của A viết như sau:

Phần 1 – A biết tánh của B như thế này (…) Mấy dấu chấm trong ngoặc này là nơi A quán chiếu về B. Nhìn vào người kia, ta thấy tánh khí và tâm trạng của người đó, các thói quen, tập khí của người đó, quá khứ thời thơ ấu lớn lên trong gia đình, trong học đường như thế nào, v.v.. Như thế gọi là quán chiếu.

Phần 2 – Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (như vậy là làm sao, phải nhớ rõ về các hành động của B đã gây đau khổ cho mình), thì để tránh gây ra xích mích, A phải biết không nên có những phản ứng như mình thường vẫn có (kể rõ những phản ứng thường xẩy ra của chính mình).

Phần 3 – A cũng biết rằng tánh A như thế này (tự nói về mình) và hay phản ứng như thế này (là phản ứng ra sao, tự mình kể ra cho rõ), nên A đã khổ, A cũng đã làm cho B khổ và không giúp gì được cho B.

Phần 4 – Vậy từ nay để phá vỡ vòng luẩn quẩn và tạo cơ hội cho cả hai chuyển hóa, A sẽ thực tập những cách sau đây (ghi những ý kiến về cách thực tập của mình). Tới đây cần viết một câu quan trọng: ‘‘Sự chuyển hóa của A chắc chắn thế nào cũng đưa tới sự chuyển hóa của B ì, Câu này nên lặp đi lặp lại hoài. Tại vì thường thường chúng ta hay nghĩ: ‘‘người kia không thay đổi tại sao mình tôi phải thay đổi?

Đây chỉ là mới là phần thực tập của A thôi, còn phần của B là khác. Chúng ta hãy thử đọc lại và chiêm nghiệm thêm về mẫu thư trên một lần nữa.

1 – A biết rằng tánh của B như thế này (…) Mỗi người phải nhìn vào người kia, dù đó là cha mình, thầy mình, anh, em của mình. Ba dấu chấm trong ngoặc đơn đó quan trọng lắm. Nên viết càng nhiều càng tốt. Mỗi người phải tìm hiểu về người kia. Có thể là B sanh ra trong một gia đình mà bố mẹ có tánh tình như thế, không khí gia đình như thế. Rồi lớn lên học ở trường có ông thầy thế nào, và được đào tạo theo mẫu mực, lề thói thế nào. Chìa khóa là ở chỗ ta nhìn thấy như vậy. Phải thấy được, mà thấy rồi thì chúng ta sẽ dễ chấp nhận nhau hơn. Mới chỉ quán chiếu thôi, chưa đòi hỏi người kia phải thay đổi mà ta đã thấy khỏe hơn rồi. Lá thư không bắt đầu bằng những câu như ‘‘Nếu anh mà muốn em thương anh thì phải sửa cái tánh đó đi. ì Mình bắt đầu nghĩ lại là anh mình sở dĩ nói năng như vậy (…), hành xử như vậy (…), có lề thói phản ứng như vậy (…) là vì đã có quá trình sinh ra, lớn lên và được đào tạo như vậy. Hiểu được rồi tự nhiên ta cười xòa, không còn bực tức nữa. Phản ứng của ta thay đổi. Mà ta thay đổi cách phản ứng của ta thì ta sẽ giúp được anh của ta thay đổi.

2 – Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (…) thì A phải biết không nên có những phản ứng như mình thường có (…) Phần giữa hai ngoặc đơn này cũng rất quan trọng. Phải quán chiếu rất lâu. Đoạn này liên hệ hành động của hai người: vì B như thế đó (…), cho nên A nói hay làm như thế này (…). Chỉ trong ba chấm đó thôi nhưng chúng ta phải thiền hành, thiền tọa rất lâu để tĩnh tâm mà tìm cho ra rõ nguồn cơn, ‘‘Lắng nghe thấu tận nguồn cơn, học nhìn lại hiểu và thương. ì Chìa khóa là quán chiếu. Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (…) thường thường A bực bội, chống lại, không chịu nổi. Khi mà thấy được và hiểu được tại sao rồi thì dù người kia vẫn còn nói, vẫn còn làm như cũ, A vẫn có khả năng ngưng những phản ứng như trong quá khứ. Sự chuyển hóa bắt đầu từ trong tâm mỗi người, chứ ta không đòi hỏi người kia chuyển hóa trước thì ta mới chịu thay đổi (peace begins with me!).

3 – A cũng biết rằng tánh A như thế đó (…) Trong đoạn này ta tự tìm hiểu để tự thấy mình. Ta được sinh ra ở một hoàn cảnh khác, được lớn lên, dạy dỗ và đào tạo trong hoàn cảnh khác. Ta rất khác B cho nên ta hay có phản ứng như vậy. Do những phản ứng đó chính ta làm cho ta khổ và cũng làm cho người kia khổ. Thấy được điều đó cho nên A mới tìm và thử có phản ứng khác. Mình tự thay đổi mình trước, biết rằng người kia sẽ thay đổi sau. Không có nghĩa là mình phải chấp nhận người kia như vậy hoài. Hiểu và thương tức là chấp nhận người kia và hy vọng với sự tu học, với phản ứng mới của mình, người kia sẽ thay đổi. Điều đó sẽ xảy ra. Người nào trong chúng ta cũng biết là khi mình thay đổi thì người kia sớm muộn cũng sẽ thay đổi.

A cũng biết rằng tính tình của mình như thế đó (…) – ‘‘Như thế đóì là như thế nào? Phải nói ra, phải dám soi gương để nhìn rõ tính khí của mình. Mình cũng có thể nhờ các bạn thân của mình soi sáng cho mình, chỉ bảo cho mình. Mình cũng có lúc nóng nảy, cũng có lúc vội vã, sai lầm. Và mình hay phản ứng như thế này, cho nên mình đã khổ và làm cho người kia khổ. Cho nên A quyết lòng tu tập để phá vỡ vòng lẩn quẩn. Trong quá khứ, mỗi khi bên này nói một câu gì là bên kia nổi điên ngay, vì thế bên này lại giận hơn nữa, và nội kết của hai bên lôi cuốn lẫn nhau. Bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn đó là thoát khỏi một vòng luân hồi.

Như thế chúng ta tạo cơ hội cho cả hai chuyển hóa. Và đây công thức của sự tu tập trong một tăng thân: sự chuyển hóa của người này sẽ đưa tới sự chuyển hóa của người khác. Có một thiếu nữ đến tu tập ở Làng Hồng, sáu tháng rồi trở về Hoa Kỳ. Tự nhiên cô cảm thấy có thể bắt đầu nói chuyện được với một người mà từ năm, bảy năm nay cô không thể nào nói chuyện được. Cô cảm thấy một điều rất lạ. Trước kia cô không thể nói chuyện, không muốn nhìn mặt người kia; thế mà sau khi tu tập ở Làng Hồng sáu tháng trở về, tự nhiên cô thấy mình có thể nói chuyện được dễ dàng. Ngay trong lần gặp gỡ và chuyện trò, cô đã thấy người kia thay đổi. Và sau đó gặp lại nhau trong mấy tuần lễ kế tiếp thì sự thay đổi càng rõ rệt. Tình thân ái lại nẩy nở, khi chia tay thì bịn rịn. Sự thay đổi của hai người không xảy ra cùng một lúc, vì đã chỉ có một người bắt đầu. Sự hòa giải nào cũng vậy. Ta tự hòa giải trong tâm ta trước, không cần người kia biết. Khi trong lòng mình có sự hòa giải rồi thì tâm bình an của mình tỏa chiếu ra, người kia sẽ tiếp nhận và đến lượt người kia sẽ được chuyển hóa.

Khi hai bên thực tập viết thư và trao cho nhau xong, có thể phép lạ sẽ xảy ra trong những ngày kế tiếp. Mỗi người đã xét mình và đã quán chiếu để hiểu người kia. Mỗi người tự phát nguyện là sẽ thay đổi, sẽ không làm, không nói theo tập khí của những ngày trước. Nói và cư xử cách nào phù hợp để người kia có thể chấp nhận được, có thể hiểu được. Sau khi quán chiếu, mình sẽ thấy nhiều điều lâu nay mình tưởng là đúng, mà quả thực là sai. Có khi điều mình nói là sự thật, nhưng cách mình nói ra vụng về và nóng nảy cũng có thể tạo ra sự tan vỡ, vì người kia không tiếp nhận được. Vì vậy ta phải học phương pháp thực tập chánh ngữ. Vì chánh ngữ bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, nhưng cũng gồm cả nghệ thuật diễn tả. Cách ngôn Trung Hoa có câu là một lời mà nói ra bốn con ngựa chạy theo cũng không kịp (nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy). Phải tu tập ngay từ chánh kiến và chánh tư duy mới có thể thành công được về chánh ngữ.

Phương pháp thực tập chánh ngữ này rất cụ thể, ai cũng có thể thực hành ngay. Nếu thực tập cho đàng hoàng trong một vài tuần, ta sẽ thấy kết quả. Tu tập là chúng ta tu tập trong một tăng thân. Hạnh phúc của một người tùy thuộc hạnh phúc của người khác. Đừng nghĩ người nào tu riêng người đó, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Nghĩ như thế là thất bại. Phải làm cho người khác có hạnh phúc thì mình mới thật sự có hạnh phúc. Luôn luôn bắt đầu bằng sự thay đổi trong tâm mình. Khi ngồi thiền, thay vì quán chiếu về cây tùng trước sân hay là tiếng vỗ của một bàn tay, chúng ta hãy quán chiếu về một đề tài thiết thực. Đó là làm thế nào để thiết lập được chánh ngữ, chánh kiến và chánh tư duy ngày hôm nay. Viết lên giấy trắng mực đen có thể giúp cho sự tu học. Ngồi xuống, cây viết trên tay, quán chiếu về tánh khí của người kia và của mình, do môi trường, hoàn cảnh, tập quán nào gây ra. Thấy được rồi ta mới hiểu tại sao ta hay phản ứng như thế này, mà người kia hay nói, hay làm như thế kia. Ta đi tới kết luận là từ bây giờ ta muốn áp dụng phương cách mới trong cách nói và cách làm. Ta nói và làm hai hoặc ba lần theo phương thức mới thì người kia sẽ bắt đầu thấy và cũng tự chuyển hóa. Nếu hai người cùng thực tập thì mỗi người đều làm như vậy cả. Hai người sẽ trao cho nhau tuệ giác của mình, giúp nhau tu tập, và họ là anh em, chị em thực sự. Giữa hai anh em, giữa vợ chồng, giữa cha con phương pháp này đều có thể làm được, trong cách cư xử tương kính và thật sự bình đẳng.

Trong truyền thống đạo Bụt, tăng thân được tổ chức như một gia đình. Vì vậy chúng ta thường gọi nhau là sư ông, sư chú, sư bác, sư anh, sư chị, sư em. Khi sống chung, chúng ta phải hoà hợp những cá tính lại thành một cọng tính. Không người nào giống người nào, sở thích cũng khác nhau. Nhưng tính chất đa dạng đó đem lại những dáng sắc rất đẹp cho cộng đồng. Tăng thân sống hòa hợp, nhường nhịn nhau được cũng nhờ ở sự thực tập chánh ngữ.

Hạnh lắng nghe

Trong giới thứ tư của năm giới, chúng ta học: ‘‘Biết rằng lời nói có thể đem lại khổ đau hay là hạnh phúc cho nên tôi thực tập chánh ngữ để có thể làm vơi bớt khổ đau và mang lại hạnh phúc cho người.’’ Và một điều thực tập cần thiết là hạnh lắng nghe. Cái nói liên hệ tới cái nghe. Nói mà không biết nghe tức là chưa có chánh ngữ. Muốn cho lời nói của ta là chánh ngữ thì ta phải lắng nghe người khác. Cho nên tập lắng nghe là một phần của sự thực tập chánh ngữ. Điều này là một ý kiến mới bổ túc cho giới thứ tư. Từ nay nói về chánh ngữ ta phải nói cả về chánh thính (right listening). Trong kinh ta vẫn đọc: ‘‘Chúng con xin học hạnh lắng nghe’’, tức là hạnh của bồ tát Quán Thế Âm. Nếu không nghe, thì ta sẽ không hiểu và chánh ngữ sẽ không vững vàng. Trong Kinh có danh từ đế thính: Nhữ đẳng tỳ kheo đương đế thính, này các tỳ kheo, các thầy lắng nghe tôi nói đây. Đế thính là lắng nghe cho kỹ. Chữ đế này giống như trong tứ đế. Đế thính là nghe với tất cả tấm lòng của mình, nghe với một tâm hồn lắng dịu, không sôi động, không thành kiến. Đế thính là một nghệ thuật; nếu tâm hồn còn xao động, còn đầy dẫy tư duy và thành kiến, nếu chỉ dùng trí năng (intellect) của mình để nghe, đó chưa phải là đế thính. Có một Kinh về Bát chánh đạo, thay vì dùng từ chánh ngữ đã dùng từ đế ngữ và chánh định thì gọi là đế định. Đế thính cần cho đế ngữ. Vậy khi nghe, ta đừng nghe với thành kiến. Ta phải nghe bằng cả trái tim của mình. Phải nghe bằng cái tâm trống không, nghe như vậy mới có thể hiểu được. Nghệ thuật nghe là không phải chỉ nghe bằng tai. Mắt theo dõi người nói, nét mặt tự nhiên biến đổi theo những lời phát biểu, ta nghe bằng toàn thể thân tâm ta. Nhiều khi chỉ cần lắng nghe thôi ta đã giúp cho người bớt khổ rồi.

Có những lúc ta chỉ nghe bằng tai, còn tâm ta không nghe, trong tâm ta vẫn đang nói. Tuy không nói thành lời, nhưng ở trong lòng ta tầm và từ đầy ắp, không còn chỗ để ta nghe nữa. Nghe một câu, trong lòng ta có phản ứng. Tuy không nói ra nhưng trong tâm ta đã bắt đầu phê bình, lên án, bắt bẻ, v.v.. Như vậy không phải là đế thính. Nghe lời dạy của Bụt ta phải đế thính, mà nghe lời của những người khổ đau ta cũng phải đế thính. Nghe lời của bạn hay của thù cũng phải đế thính. Trong tâm lý học Tây phương có phương pháp nghe gọi là emphatic listening, tức là vừa nghe vừa đồng nhất mình với người nói, không lên Đn, không chê bai, không có thành kiến. Empathic listening, dịch tiếng Việt là nghe thẩm thấu, nghe và để lời nói thấm vào. Khi lắng nghe những người khổ đau, như bác sĩ tâm lý trị liệu, thì ta phải nghe với tất cả tâm hồn. Lắng nghe như vậy người nói cảm thấy rằng họ có thể nói sự thật và họ sẽ nói sự thật. Muốn nghe như vậy trong lòng phải đạt một trình độ tĩnh lặng, một mức độ từ bi. Người bác sĩ tâm lý trị liệu phải có từ bi và tĩnh lặng, phải có tuệ giác ở trong lòng thì phẩm chất của sự trị liệu mới cao. Cho nên người bác sĩ tâm lý trị liệu nào cũng phải thực tập chánh kiến, phải thực tập đế thính, phải thực tập từ bi. Khi ta nghe mà mắt ta biểu lộ hiểu biết và thương yêu thì người nói mới có can đảm nói những điều họ chưa bao giờ nói. Chỉ ngồi nghe không thôi đã làm sứ giả của Như Lai rồi. Ở Làng Hồng đại chúng có Hiệp Ước Sống Chung An Lạc, một phương pháp rất mầu nhiệm. Thực tập Hiệp Ước Sống Chung An Lạc phải quán chiếu, nhìn sâu sắc vào chính ta và vào người khác, đó là phép thực tập căn bản. Không phải cứ họp nhau, nói qua nói lại là có thể giải quyết các vấn đề. Cần thực tập chánh ngữ, căn cứ trên sự thực tập chánh kiến và chánh tư duy. Có chánh kiến và chánh tư duy thì tự nhiên có tình thương. Khi tất cả mọi người đều đã nắm được nghệ thuật đế thính và chánh ngữ, những lời nói ra đều mang chất liệu của sự hiểu biết, của lòng tha thứ và thương yêu. Danh từ đế thính (sravana) ta đọc thấy trong Kinh Trường A Hàm, cũng có thể tìm thấy ở Thắng Thiên Vương Bát Nhã Kinh. Sau này mỗi khi nói đến chánh ngữ thì chúng ta phải nói tới đế thính, tại vì nghe là một phần quan trọng của nói. Nếu không biết nghe thì ta sẽ không biết nói.

Một vài điều ta cần nói thêm để kết luận về phần thế gian, tức là phần tục đế, của chánh ngữ. Chúng ta biết, cũng như khi thực tập chánh tư duy, muốn thực tập chánh ngữ ta phải liên hệ với sự thực tập quán chiếu về tưởng (perception). Thực tập Chánh ngữ, ta phải thấy sự liên hệ với chánh niệm hoặc thất niệm. Nếu sống trong thất niệm mãi thì chúng ta không có hy vọng tiến bộ trên con đường thực tập chánh ngữ. Nói phải biết rằng mình đang nói gì. Trước khi nói ta biết ta sẽ nói gì, chứ đừng có để lời nói chạy ra trước rồi mình chạy theo sau. Tu tập chánh niệm giúp ta nắm được thân, tâm và ngôn ngữ của ta.

Thực tập chánh ngữ phải quan tâm đến tập khí. Ta có những tập khí, những thói quen, cho nên đôi khi lời nói ta chỉ là phản ứng rất máy móc. Nghe một điều, ta tự nhiên có những phản ứng tự động và bật nói ra. Đó là do tập khí. Chúng ta phải nhận diện các tập khí, mỉm cười mỗi khi chúng xuất hiện, và nói: ‘‘tập khí ơi, chào mi!’’ Rồi thực tập chánh ngữ, tình thương và bồ đề tâm. Cần quán chiếu, cần thấy nỗi khổ của người, cần thấy hạt giống của niềm vui nơi người, nhờ đó ta có thể tạo hạnh phúc cho những người xung quanh ta. Ta có thể ban phát rất nhiều hạnh phúc, chỉ cần nhờ thực tập chánh ngữ. Và cố nhiên khi tạo nên hạnh phúc cho người thì chính ta không thể nào không có hạnh phúc.

______________________________________

Những đôi dép ngoài cửa trai đường

Chân Văn Đỗ Quý Toàn

Có lần tôi ghé thăm một tu viện Phật giáo ở Miến Điện. Ni viện u nhã, tĩnh lặng, đám du khách tự nhiên bước đi chậm rãi. Những con đường mát bóng cây giữa các thiền đường, và bảo tháp không thấy một bóng người, cũng không nghe tiếng động.

Qua một ngôi nhà lớn, có người thì thào: “Đây là phòng ăn,” tay chỉ vào những hàng dép xếp trên thềm, trước những khung cửa gỗ đóng kín, Chắc giờ này các ni sư đang thọ trai. Trai đường yên ắng; như bên trong không có người, hoặc có nhưng không ai chuyển động hay trò truyện.

Từ nhỏ đi Hướng Đạo đã tập thói quen quan sát cho nên tôi đếm các đôi dép xếp bên ngoài cửa trai đường để đoán có bao nhiêu người bên trong. Đếm hàng dọc, hàng ngang, rồi nhân lên. Có hơn 80 người trong trai đường. Khi đếm, tôi mới nhận thấy các đôi dép được xếp thành đúng một hình chữ nhật ngay ngắn. Dép xếp thẳng hàng. Đôi này cạch đôi kia những khoảng cách nhỏ đều đặn, hai chiếc dép trong mỗi đôi đặt thẳng, không nghiêng ngả, không xô lệch.

Tôi tự nhủ: Tu viện này rất trang nghiêm. Tôi đứng im với tấm lòng tôn kính nhìn lên những cánh cửa gỗ đã mang màu sơn úa cũ im lìm bất động. Ở đây, mọi người tu trì nghiêm cẩn.

Hơn tám chục đôi dép, có cũ, có mới, làm bằng nhiều thứ vật liệu, đủ thứ mầu sắc, không đôi nào nổi bật lên vì mang kiểu cách riêng hay được trân trọng đặt ở một chỗ cao hơn, gần bậc cửa hơn. Không thể đoán được một đôi nào là của vị ni viện trưởng, của các giáo thọ hoặc các vị có trách nhiệm với đại chúng. Các đôi dép nằm im, những chúng sinh bình đẳng.

Tôi thoáng nghĩ đến hình ảnh một bàn chân trái đang rút ra khỏi chiếc dép; rồi bàn chân trái hạ xuống chạm mặt đất để bàn chân phải trút chiếc dép kia ra. Một bàn tay với xuống xếp hai chiếc dép sóng đôi ngay ngắn trước khi thân người duỗi lên đứng thẳng. Phía trên những cử động khoan thai, nhẹ nhàng của hai bàn chân có đôi mắt chăm chú của một ni cô đang nhìn chân mình lần lượt tháo từng chiếc dép. Đằng sau hai con mắt đó là bộ não đang được vận dụng để chỉ chú ý tới cử động chậm rãi của từng bàn chân rút ra khỏi từng chiếc dép. Đó là một bộ óc đang ngưng tụ bình yên trong từng chuyển động của bàn chân, của bàn tay, của thân thể. Thân là tâm, tâm là thân, an trú trong từng giây phút. Khi ngài Huệ Năng quét rác trong sân chùa chắc ngài cũng quét như vậy. Người ta vào tu viện để sống như vậy.

Hình ảnh các đôi dép bầy trước phòng ăn tu viện đã cho thấy nội dung tu tập trong ngôi chùa này. Không cần nghe thuyết trình về chương trình tu học, về kỷ luật, thanh quy của tự viện. Không cần ai phân phát tài liệu, chiếu phim, triển lãm. Những đôi dép trước cửa trai đường chứa một thông điệp về uy nghi của người tu tập. Nhìn thấy bỗng phát khởi những suy nghĩ, khuấy lên những tình tự. Hình ảnh các đôi dép xếp ngay ngắn làm tâm mình chuyển động, có thể thay đổi cả thái độ, cả cách sống của những người sẵn sàng mở lòng đón nhận những thông điệp không lời.

Tôi liên tưởng đến những hàng chữ trên báo, trong sách mình viết. Thanh Tâm Tuyền có câu thơ, “… Hằng đêm đọc sách hàng chữ ngay thẳng như lòng người – Hay chúng ta đến đây bằng trí óc trong sạch – Hãy khép mắt, khép mắt thật khẽ…” Những hàng chữ cũng chuyển các thông điệp, giống những đôi dép ngoài cửa trai đường; nhưng theo cách khác hẳn. Bây giờ chúng ta viết các hàng chữ ngay ngắn nhờ những chương trình soạn cho máy vi tính chạy. Hình ảnh các hàng chữ ngay hàng không cho ta biết về cái tâm người viết như thế nào như thời mọi người chỉ viết tay. Người viết dùng lời nói để gửi đi các thông điệp, thường hay viết quá nhiều lời.

Những cuốn phim, những tấm ảnh, các nét vẽ cũng vậy. Người làm nghề truyền thông luôn cố ý chuyên chở những tình những ý của mình. Dù tường thuật một trận bão, hay kể câu chuyện một người con đi tìm mẹ, hoặc làm phóng sự về một hội xem hoa hay một trận động đất, người viết đều muốn chuyển đi các thông điệp.

Nhưng người ta còn có thể nhận được những thông điệp bên ngoài những lời lẽ, những hình ảnh hoặc sự kiện được gửi đi; dù mình có ý định hay không. Thường đọc lại một bài mình viết tôi luôn luôn cảm thấy không hài lòng. Tôi có thể nhớ lại mình đã định diễn tả những ý tưởng nào, có thể nhớ lại động cơ nào đã thúc đẩy khiến mình thấy cần gửi đi tới độc giả những tình ý đó. Nhưng có khi chỉ sau một hai ngày, đọc lại những lời mình viết thấy thất vọng. Khi đóng vai một độc giả, thấy cả bài viết không mang lại cái thông điệp lúc đầu mình định chuyển đi. Không gây cho mình, người đọc, những suy nghĩ hay xúc động mà mình, người viết, tha thiết muốn gợi ra. Tóm lại, là thất bại.

Sau nhiều lần trải qua kinh nghiệm đó, tôi nhận ra một lý do chính là thấy cái tâm của người viết không bình yên, lúc viết đã không làm chủ cái tâm mình. Cái tâm xôn xao hay náo loạn không hiện ra trong riêng một lời, một câu hay một ý tưởng nào mà cảm thấy khi đọc nhiều đoạn, hay cả bài. Tâm đã bị bao nhiêu thứ lôi cuốn, áp đảo, mà người viết không biết. Có thể chỉ vì một chi tiết nhỏ nằm trong cơn cảm hứng đã trồi lên, trùm lấn tất cả. Hay vì lòng tham muốn trút hết những cơn sóng trào lên trong lòng, lôi kéo và thúc đẩy. Người viết đã quên những người sẽ đọc mình, chỉ cắm cúi chạy theo những tình ý ở trong mình.

Mỗi bài viết cũng chuyển tới người đọc cả tình trạng trong lòng của người viết. Tâm đang bình an hay náo động, đều hiện ra trong cách dùng chữ, cách đặt câu, cách trình bầy các tình ý hay sự kiện. Người đọc sách sẽ tiếp nhận cả cái tâm không bình an của người viết. Tâm người đọc cũng xao động, rối loạn mà thường chính họ không ý thức điều đó. Chúng lẳng lặng thấm vào tâm não họ, nằm đó chờ đợi. Mỗi hạt giống gieo vào tâm thức được chứa trong các nơ ron và các xi náp của chúng ta, không biết khi nào sẽ thức dậy, nẩy mầm và tác động trên thân, khẩu, ý mình.

Nhìn những đôi dép bầy gọn gàng, thứ tự tôi chợt thấy lòng mình an vui, trong sáng hơn. Các ni cô xếp những đôi dép thẳng hàng đã nhiếp hóa tâm đại chúng. Một thông điệp được chuyển đi từ tâm sang tâm, cho người nào sẵn sáng tiếp nhận. Cho nên tôi nghĩ đến các hàng chữ mình vẫn viết. Người viết không gửi các tình ý tới người đọc nhưng không phải chỉ có vậy. Cái tâm của mình trong lúc viết thế nào, nó cũng chuyển sang tâm người đọc.

Chúng ta muốn viết những “hàng chữ ngay thẳng như lòng người” thì cần tấm lòng phẳng lặng, bình an, như những đôi dép xếp hàng ngay ngắn trước cửa trai đường. Tại sao Thanh Tâm Tuyền viết về thành phố Budapest năm 1956 lại thốt lên: “Sao ở trên trời sao rơi nhẹ nhàng… bếp lửa củi hồng tiếng thì thầm nụ cười cháy đỏ… chúng ta đứng giữa cánh đồng phì nhiêu tâm hồn, trên triền núi cao tình thương yêu…”? Khó trả lời những dấu hỏi này. Đọc bài thơ, chúng ta có thể làm theo đề nghị của thi sĩ: “Hãy khép mắt, khép mắt thật khẽ…” Rồi ngắm nghía xem tâm mình nó chuyển thế nào.

______________________________________

Truyền Thông Nhìn Từ Phật Giáo

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

Khi thông tin được truyền đi từ người này sang người kia, đó là truyền thông. Phương tiện trao truyền thông tin có nhiều hình thức, như lời nói, nụ cười, khóe mắt, cử chỉ… cho tới chữ viết, hình ảnh, ký hiệu, truyền hình, truyền thanh, Internet, điện thoại di động, và vân vân.

Truyền thông, do vậy, cần tới kỹ năng. Riêng với người Phật tử, khi bước vào ngành truyền thông không chỉ luyện kỹ năng viết, sử dụng máy ảnh, quay phim, phối khí nhạc… mà cũng cần phải hiểu pháp, và biết cách trao truyền vừa đúng sự thực ngoaì đời, vừa xử thế khéo léo sao cho đúng chánh pháp.

Trong Kinh Pháp Cú, bản do Hòa Thượng Thích Thiện Siêu dịch, có tóm lược về vai trò truyền thông của Phật Tử: phải có kỹ năng đặt câu cho có nghĩa lý, và truyền được chánh pháp để người nghe biết cách giữ tâm cho tịch tĩnh.

Trích Phẩm Ngàn, như sau:
“100. Tụng kinh đến ngàn câu vô nghĩa chẳng bằng một câu có nghĩa lý, nghe xong tâm liền tịch tịnh.
101.
Tụng đến ngàn câu kệ vô nghĩa, chẳng bằng một câu kệ có nghĩa lý, nghe xong tâm liền tịch tịnh.
102. Tụng đến trăm câu kệ vô nghĩa chẳng bằng một Pháp cú, nghe xong tâm liền tịch tịnh.”

Thực ra, kỹ năng ngôn ngữ không chỉ riêng người trong ngành truyền thông cần tới. Bất kỳ Phật tử nào cũng cần giỏi tiếng Việt, và nếu có thể, nên học thêm tiếng Anh. Như thế, chúng ta sẽ đọc tin hàng ngày được bằng tiếng Anh, và thêm một chân trời mới sẽ hiện ra, sẽ thấy rằng trí thức Hoa Kỳ và Châu Âu đang theo học Phật Giáo rất đông. Và hầu hết, họ có khuynh hướng khác Phật Tử Việt Nam – thí dụ, đa số trí thức Mỹ – Âu tới chùa để tìm hiểu và học Thiền, trong khi đa số Phật Tử lo chuyện tụng kinh cầu siêu, cầu an. Những hiện tượng xã hội đó cần được nghiên cứu cho kỹ, để có những phương pháp truyền thông phù hợp, để nói đúng những gì người nghe muốn tìm hiểu và trình bày theo những trình độ thích nghi.

Trong thế giới bây giờ, những gì chúng ta muốn học về kỹ năng hầu hết đều có thể tìm trên mạng. Bạn có thể tự học trên Internet rất nhiều kỹ năng: tiếng Anh ở VOA, BBC, YouTube; cách bố cục một bản tin viết hay nói; hay cách viết một bài nghiên cứu, một truyện ngắn, một vở kịch… và vân vân ở rất nhiều trang web Anh hay Việt. Học nhiều, rèn luyện nhiều, tất nhiên sẽ giỏi.

Nhưng nơi đây, chúng ta chỉ bàn về điểm nhìn Phật tử về truyền thông. Và điều này rất cần thiết, vì cõi này vô thường, nghe được Phật pháp càng sớm càng tốt, rồi sẽ giúp nhau qua được dòng sông sinh tử. Từng dòng chữ viết xuống, nếu đúng chánh pháp, sẽ tạo phước cho người viết, và cũng lợi ích cho người đọc.

Cách sử dụng ngôn ngữ viết hay nói, dù là ghi lại một cuộc phỏng vấn, hay kể lại một buổi thuyết pháp, hay ghi nhận về một buổi lễ Vu Lan, Phật Đản… cũng cho thấy tài năng của phóng viên. Vì viết bản tin, cũng có thể là một cách thuyết pháp qua một lăng kính mới.

Trong Kinh Tạp A Hàm, Quyền 18, Kinh Diêm Phù Xa, số 490, Đức Phật dạy:
“Nếu thuyết pháp mà điều phục dục tham, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si; đó gọi là vị khéo thuyết pháp.”

Như thế, chúng ta phảỉ tránh những hình ảnh hay ngôn ngữ gợi dục, tránh ngôn ngữ kích động sân hận hay căm thù, và cần sử dụng ngôn ngữ giúp người nghe thấy được chánh pháp. Thái độ của nhà truyền thông lúc đó là phải nhu hòa, dung ái ngữ, thay vì dung ngôn ngữ hung hăng. Chỗ này cũng cho thấy trình độ tu học của nhà truyền thông. Cũng nên ghi nhận: Đức Phật cấm sử dụng ngôn ngữ khủng bố, cấm cả ý nghĩ khủng bố.

Kinh Tạp A Hàm, Quyền 42, Kinh Bất Hại, số 1156, Đức Phật dạy:
Nếu thân không sát hại
Cả khẩu, ý cũng vậy
Thì đó lìa sát hại
Không khủng bố chúng sanh.

Do vậy, đối với Phật tử trong ngành truyền thông – dù là nói, viết, chụp ảnh, quay phim, vẽ bích chương… có thể tự thấy việc mình làm cũng là bố thí pháp. Và như thế, sẽ rất hoan hỷ khi làm việc, vì thấy mình đang bố thí pháp không mệt mỏi. Với tâm như thế, sẽ thấy cần tu học rất nhiều. Vì những gì mình nói ra, viết ra cần mang theo chánh pháp. Kỹ năng truyền thông giỏi với tinh thần chánh pháp được Đức Phật ca ngợi là biện tài.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 5, Đức Phật dạy:
“Có 4 loaĩ biện tài là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện… Trong lúc thuyết pháp, không có khiếp nhược, không có sợ hãi, hay khiến cho chúng bốn bộ hòa vui. Đó gọi là ứng biện.”

Đó là lý do Đức Phật khuyến học, khuyên là phải nghe pháp nhiều. Ngày xưa, học là nghe, cho nên người học giỏi còn được khen là người nghe [pháp] nhiều, tức là đa văn.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27, Phẩm Đẳng Thú Bốn Đề, kinh số 7, Đức Phật dạy:
Dũng mạnh, không sợ hãi,
Đa văn hay thuyết pháp,
Trong chúng là sư tử
Hay trừ pháp khiếp nhược.

Và Đức Phật gọi những người đa văn là: “hạng người đệ nhất.”

Tuy nhiên, chớ tưởng rằng Phật pháp chỉ cần học qua chữ. Vì nếu không tu thật sự, sẽ chỉ hiểu lờ mờ và thậm chí, có thể sẽ hiểu nhầm pháp nghĩa; lúc đó lại tai hại. Như trường hợp ngài Châu Lợi Bàn Đặc, không học thuộc nổi giới, bị ông anh cũng là tỳ kheo nói rằng thôi em về đời đi, sao học giới hoàì không thuộc.

May mắn, Đức Phật dùng thiên nhãn, thấy từ xa ngài Châu Lợi Bàn Đặc than khóc, mới hỏi, và rồi chỉ đưa chổi và dạy 2 chữ thôi: “quét chổi.” Vậy mà phát huệ, đắc quả A La Hán. Truyện này ghi trong Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20, Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 12.

Truyền thông cực kỳ quan trọng trong Phật pháp. Đó là lý do Đức Phật ca ngợi “hai hạng người khó gặp” trong Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 19, Phẩm Khuyến Thỉnh, Kinh số 10:
“Có hai hạng người xuất hiện thế gian, rất khó gặp được. Hai hạng người ấy là ai? Người hay thuyết pháp xuất hiện ở thế gian, thật là khó gặp được; người hay nghe pháp, thọ trì phụng hành, thật là khó gặp được.”

Người truyền thông giỏi cũng là người biết khi nào phải im lặng. Kinh Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40, Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 1, Đức Phật dạy: “Một là luận bàn như pháp; hai là im lặng như Thánh Hiền. Các ngươi làm hai việc này, luôn luôn được an ổn, không mất thời nghi.”

Im lặng của bậc thánh? Đúng vậy, Đức Phật dạy là có lúc phải giữ im lặng như bậc thánh.

Đúng là có những lúc phải lên tiếng, và đúng là có những lúc phải im lặng. Xin dùng câu này để kết thúc bài viết này.

GHI CHÚ: Tất cả trích dẫn Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm nêu trên đều từ bản dịch của Tỳ Kheo Thích Tuệ Sỹ và Tỳ Kheo Thích Đức Thắng, đăng lại trong “A Hàm: Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não, Tập 2” của Ni sư Thích Nữ Giới Hương.

______________________________________

Nghĩ về truyền thông và Phật Giáo

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Trong đạo Phật có câu nói rất phổ biến là “Nhất niệm thông tam giới,” một niệm biến khắp ba cõi – cõi dục, sắc, và vô sắc. Một niệm tức là một móng tâm, một ý nghĩ khởi sinh từ tâm. Điều này cho thấy hai ý nghĩa: làn sóng vi ba khởi sinh từ tâm dù vô hình vô tướng vẫn có thể lan xa khắp ba cõi, và qua đó, ảnh hưởng của một niệm có thể bao trùm cả cõi không gian rộng lớn vô cùng.

Quan điểm này có thể nhìn thấy rõ nhất trong thế giới truyền thông ngày nay. Chỉ trong chớp mắt, trong một cái nhấp tay hay cái bấm tay trên máy điện toán hay điện thoại cầm tay thì một bản tin, một sự kiện, một hình ảnh có thể đi khắp thế giới và ảnh hưởng đến hàng tỉ người trong “ngôi làng toàn cầu.”[1]

Những chữ và hình ảnh mà chúng ta đọc hay nhìn thấy được trên các máy điện toán, các máy truyền hình, các điện thoại di động đều được cấu thành bởi những ký hiệu mã hóa hay những điểm phân giải vi tế. Khi chúng ta đọc được chữ hay nhìn được hình ảnh trên màn ảnh của máy điện toán, máy truyền hình, hay điện thoại cầm tay, chúng ta chỉ nhìn thấy chữ và hình sau khi được tập thành hoàn chỉnh, nếu không thì chúng ta không thể đọc được chữ hay nhìn thấy được hình gì cả. Thực tế, chữ và hình đó chỉ là phần được biến thái của mã số hay điểm phân giải do nhà lập trình máy tạo ra, giống như Duy Thức Học nhà Phật gọi là “thức biến” từ dạng nguyên bản của các chủng tử nằm trong A Lại Da Thức thành thiên hình vạn trạng của năng tri và sở tri. Chúng là kết quả của một quá trình chuyển biến thần tốc và vi tế đến mức mắt thường của chúng ta không thể thấy. Chúng thực sự không phải là cái mà chúng ta gọi là hiện thực như thực của sự kiện, hay của một pháp đang diễn ra dù là trước mắt của chúng ta. Đó là thế giới ảo, thế giới mà chúng ta có thể nhìn thấy hay nghe những biến tướng của chúng nhưng không thể bước vào đó để cảm nhận như cuộc sống hiện thực.

Điều kỳ lạ đến không thể tưởng tượng được là chính thế giới ảo của truyền thông đó đã ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 21, mà trong đó có Phật Giáo.

Nhờ kỹ thuật tin học hiện đại, truyền thông đã đi một bước dài chưa từng thấy trong lịch sử từ lãnh vực thông tin đại chúng với truyền hình, báo chí, truyền thanh vào sâu và xa trong thế giới thầm kín của từng cá nhân con người qua các dạng trang mạng xã hội, Facebook, Twitter, blog, Friendster, hi5, Tagged, Flixster, Classmates, Bebo, Orkut, Netlog, Google+, Linkedln, Tumblr, v.v… Nói là mạng xã hội vì qua những trang mạng cá nhân này, con người có thể tự mở cửa nhìn vào xã hội và ngược lại xã hội cũng có thể nhìn vào sinh hoạt của từng cá nhân con người một cách tương đối dễ dàng và thuận lợi. Ở đây, thế giới tư ẩn của mỗi cá nhân đã được phô bày ra trước xã hội có thể là tự nguyện và cũng có thể là không tự nguyện. Từ đó nhiều nhà xã hội học như Brian Jung, từ University Hospitals tại Cleveland tiểu bang Ohio, quan tâm đến quyền tư ẩn bị xâm phạm.[2]

Theo thăm dò của Trường Cao Đẳng Tiểu Bang Georgia có chủ đề “Những Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Truyền Thông Xã Hội Đối Với Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên” được công bố trong năm nay, nói rằng giới trẻ Mỹ tuổi từ 8 tới 18 đã vào các trang mạng xã hội từ 45 phút tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. 51 phần trăm trẻ em cho biết họ đã bị trang mạng bắt nạt, ngược lại 49 phần trăm trẻ em cho biết họ đã quấy rầy người khác trên mạng. Trong khi đó cũng theo thăm dò nói trên thì 72 phần trăm những người làm cha mẹ lo ngại con em họ phát hiện ra những thông tin không chính đáng trên mạng.[3]

Trong khi đó, thăm dò của Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu Pew có chủ đề “Trang Mạng Toàn Cầu Ảnh Hưởng Tốt Về Mặt Giáo Dục Nhưng Cũng Ảnh Hưởng Xấu Về Mặt Đạo Đức Tại Các Nước Đang Trỗi Dậy Và Phát Triển,” được công bố hôm 19 tháng 3 năm 2015 cho thấy rằng 64 phần trăm người sử dụng internet tại 32 quốc gia đang trỗi dậy và phát triển cho rằng trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng tốt về mặt giáo dục, với ít nhất một nửa nói rằng rằng nó có ảnh hưởng tốt về mặt quan hệ cá nhân (53%) và kinh tế (52%). Cũng theo thăm dò của PEW nói trên, 42% số người trả lời cho biết trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng xấu về mặt đạo đức, ngược lại chỉ có 29% cho là có ảnh hưởng tốt. Thăm dò của PEW nhấn mạnh rằng không một quốc gia nào được thăm dò có đại đa số người cho là internet có ảnh hưởng tốt về mặt đạo đức.[4]

Tất nhiên, các phương tiện truyền thông đại chúng như internet, truyền hình, báo chí, và các trang mạng xã hội đã và đang đem đến cho con người nhiều điều bổ ích và tiện lợi. Chẳng hạn, nhờ truyền thông đại chúng và mạng xã hội, chúng ta có được vô số tin tức cập nhật từng phút từng giờ trên khắp thế giới. Bao nhiêu kiến thức phổ thông và chuyên môn về nhiều lãnh vực từ giáo dục, sức khỏe đến mọi nhu cầu của cuộc sống, cũng như hàng khối dữ liệu, sách báo, phim ảnh quý báu mà nếu không có internet, truyền thông và mạng xã hội hiện đại thì một đời người chắc chắn không thể nào sưu tìm ra được.

Đối với Phật Giáo, thế giới tục đế là tương đối và vì vậy luôn luôn có tốt và xấu, có thiện và ác cùng hiện hữu. Tự bản chất, thế giới truyền thông được hình thành và phát triển trong mối tương quan tương duyên của nhiều điều kiện và không có tự tính cố định. Chúng cũng luôn luôn biến đổi và vô thường trong từng sát na chứ không phải chỉ trong giờ phút. Nó là thế giới ảo luân diễn trong ba cõi không thật. Nhìn sâu vào bản chất cả truyền thông và con người dưới tuệ nhãn của nhà Phật đều là không thật, chỉ như những ảo ảnh chợt hiện chợt tắt trên màn hình kỹ thuật số. Cả hai đều đang đóng vai của những diễn viên trên sân khấu cuộc đời mà đạo diễn chính là tâm thức con người. Tâm thức ấy có khi thiện và cũng có lúc ác. Nhưng kỳ thật cái tâm chủ nhân ông tạm thời đó cũng chỉ là trạng huống biến thể của một thế lực vô hình vô tướng nhưng năng lực thì thật là kỳ diệu vô song mà mắt người không thấy được, giống như luồng điện kích động cho những mã số và điểm phân giải hoạt động trên máy điện toán và màng ảnh truyền hình.

Nhưng làm sao con người có thể thoát được tác động của thế giới truyền thông, dù nó cũng là sản phẩm do chính con người tạo ra, trong cuộc sống tương đối và nhiều hệ lụy này? Đây có lẽ cũng là điều mà nhiều người đang quan tâm.

Đức Phật đã nói từ lâu rằng con người là kẻ thừa tự những gì do chính họ tạo ra. Chiêm nghiệm lời Phật dạy và nhìn vào thực tế chúng ta thấy con người tạo ra máy điện toán, điện thoại cầm tay, trang mạng toàn cầu, truyền hình, báo chí, v.v… Rồi cũng chính con người ở một bình diện nào đó là nạn nhân của những sản phẩm kia. Điều mà đức Phật gọi là do con người tạo ra chính là hảnh động tạo tác của thân, miệng và ý, hay nói theo thuật ngữ nhà Phật là ba nghiệp. Trong 3 nghiệp này thì chủ chốt nhất là tâm. Vì vậy, để giải nghiệp thì phải bắt đầu từ tâm. Tâm nghĩ điều lành thì miệng sẽ nói điều lành và thân sẽ làm điều lành. Nhờ đó mà cuộc sống cá nhân và cộng đồng xã hội sẽ được nhờ, sẽ được an ổn, hòa bình. Đây là điều kiện chính yếu và quan trọng nhất để xây dựng và phát triển truyền thông theo chiều hướng cải thiện và xây dựng con người và xã hội.

Trong ý nghĩa này, nhà làm truyền thông cần nên có cái tâm. Cái tâm mà thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều gọi là, “Thiện căn ở tại lòng ta…” Đó là cái tâm lành mà nhà truyền thông nên nghĩ đến khi viết hay đưa một bài viết, một bản tin, một hình ảnh lên các phương tiện truyền thông để phổ biến đến đại chúng. Nghĩ cho người khác là tâm vị tha của nhà Phật. Nó phát xuất từ tấm lòng biết nghĩ cho tha nhân, biết cảm thông và thương tưởng đến đồng loại, cũng như biết điều mình sắp làm sẽ có tác dụng như thế nào đến cá nhân con người và xã hội chung quanh. Trong thế giới tương đối này, chúng ta sống được là nhờ tất cả những điều kiện, những duyên từ bản thân đến gia đình và cộng đồng xã hội gộp lại, tuyệt nhiên trong đó không có một điều kiện nào đóng vai trò độc lập duy nhất làm cho chúng ta tồn tại. Do đó, nhà truyền thông thực hiện quyền tự do ngôn luận không phải là muốn nói gì, muốn viết gì cũng được, mà phải biết nghĩ đến người khác, biết tôn trọng các quyền cơ bản của người khác, theo khuôn khổ luật pháp của quốc gia mà mình đang sống, và không làm hại đến tha nhân và cộng đồng xã hội. Chính vì thế, ngoài cái tâm ra, nhà truyền thông còn cần có cái trí để biết cách hành xử quyền tự do ngôn luận của mình sao cho hợp tình hợp lý. Cái tâm là từ bi. Cái trí là trí tuệ. Đó là hai cái bánh của cỗ xe Đạo Phật mà nhà truyền thông Phật Giáo đang lái trên đường trung đạo đưa mình và người ra khỏi sự trói buộc của nghiệp lực bủa vây để vươn đến cuộc sống an lạc, giải thoát và phát triển toàn diện.

Khi đức Phật sắp nhập niết bàn, Thầy A Nan hỏi đức Phật sau này ghi lại những lời dạy của Phật thì lấy gì làm bằng cho người khác tin, đức Phật dạy Thầy A Nan nên bắt đầu mỗi bài kinh bằng câu: “Như thị ngã văn,” tức là “Tôi nghe như vầy.” Tôi là Thầy A Nan. Nghe như vầy là nghe đức Phật giảng như thế nào thì tụng lại, ghi lại như thế đó, không thêm không bớt. Nguyên tắc này có thể ứng dụng thích đáng cho lãnh vực truyền thông. Nghe như thế nào, thấy như thế nào thì kể và viết lại như thế đó, tức là tôn trọng sự thật. Không tôn trọng sự thật, nhà truyền thông tự mình phá đổ niềm tin của khán thính độc gỉa, của quần chúng. Nhà truyền thông không còn được tin tưởng nữa thì vai trò và chức năng truyền thông của người đó cũng tự động mất hiệu năng.

Tuy nhiên, tôn trọng sự thật và phương cách trình bày sự thật để quần chúng chấp nhận đòi hỏi đến kỹ thuật chuyên môn và kinh nghiệm đầy đủ. Vì thế, nhà truyền thông cũng cần phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dồi dào để hoàn tất nghiệp vụ một cách tốt đẹp và nâng cao thành quả của công tác truyền thông.

Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân con người đến cộng đồng xã hội, những Phật tử, tăng, ni và nam nữ cư sĩ, không thể không sử dụng đến truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp và góp phần xây dựng và phát triển con người và xã hội. Tất nhiên, cho đến thời điểm này đã có nhiều thành quả rất đáng khích lệ trong việc dùng truyền thông để hoằng pháp với hàng ngàn trang mạng toàn cầu, trang mạng xã hội, đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, tạp chí, sách vở, tài liệu, v.v… do cá nhân, chủa viện hay tổ chức Phật Giáo của nhiều nước thực hiện.

Dù vậy, dường như đối với Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước đều chưa thật sự vận dụng đúng mức vai trò và chức năng của truyền thông cho công cuộc hoằng pháp có hiệu quả rộng lớn không những trong giới Phật Giáo mà còn đối với quần chúng và xã hội bên ngoài. Chẳng hạn, có rất nhiều chùa và tổ chức Phật Giáo làm nhiều Phật sự ý nghĩa, nhưng vì không có người viết tin, viết bài có nội dung thuyết phục để phổ biến trên các phương tiện truyền thông nên, đã không đánh động được sự tham gia đông đảo hơn nữa của quần chúng Phật tử các giới. Qua việc này có thể hiểu thêm một điều nữa là nếu các vị trú trì một ngôi chùa có khả năng viết bản tin, viết bài Phật pháp có chất lượng để phổ biến trên các cơ quan truyền thông thì sẽ giúp ích nhiều hơn nữa sự hiểu biết Phật Pháp và xây dựng vững chắc hơn niềm tin của Phật tử.

Khi các phương tiện truyền thông tin học, kỹ thuật điện toán, kỹ thuật số phổ biến rộng rãi thì giới Phật tử, xuất gia và tại gia, cũng cần phải cảnh giác cao độ đối với việc lạm dụng hay bị lạm dụng quá đáng để gây ảnh hưởng không tốt cho uy tín của Phật Giáo.

Tóm lại, truyền thông Phật Giáo gánh vác một sứ mệnh thật khó khăn, nhất là trong thời đại tin học bùng nổ hiện nay với tình trạng ngày càng phức tạp của thế giới ảo. Sứ mệnh khó khăn đó là vừa chu toàn chức năng truyền thông hiện đại với việc bắt kịp những tiến bộ và đổi thay nhanh chóng từng ngày, vừa giữ gìn được truyền thống phẩm chất giải thoát và giác ngộ của Phật Giáo. Nhưng, có làm được như thế, truyền thông Phật Giáo mới có thể xứng đáng góp phần vào việc xiển dương Chánh Pháp của đức Phật giữa thời đại tin học, điện tử, kỹ thuật số biến đổi và tiến bộ phi mã.

_________________________________
[1] Marshall McLuhan, Understanding Media, Gingko Press, 1964 và 2003.
[2] Brian Jung, The Negative Effect of Social Media on Society and Individuals, http://smallbusiness.chron.com
[3] Nguồn: http://www.gcsu.edu/adp/docs/social_media_issue_guide_1_.pdf
[4] http://www.pewglobal.org/2015/03/19/internet-seen-as-positive-influence-on-education-but-negative-influence-on-morality-in-emerging-and-developing-nations/

______________________________________

Thế giới ảo

Vĩnh Hảo

Mai năm nay nở sớm trước Tết. Qua Tết thì những cánh hoa vàng đã rụng đầy cội, và trên cây, lá xanh ươm lộc mới. Quanh vườn, các nhánh phong lan tiếp tục khoe sắc rực rỡ giữa trời xuân giá buốt. Đêm đến, trời trong mây tịnh, vườn sau đón ngập ánh trăng, tạo một không gian huyền ảo lung linh.

Đã không có những ngày xuân rực nắng, không có những đêm xuân ấm cúng tiếng đàn câu ca và những chung trà bằng hữu; nhưng chân tình của kẻ gần người xa, vẫn luôn tỏa sự nồng nàn, tha thiết. Cái gì thực thì còn mãi với thời gian thăm thẳm, vượt khỏi những cách ngăn của không gian vời vợi.

Nhân loại ngày nay đang tiến, và còn tiến xa hơn, trong công nghệ thông tin điện tử, thế giới mạng, không gian mạng. Kỹ thuật hiện đại như trao cho mỗi cá nhân phép thần thông biến hóa để giao tiếp, liên lạc, tìm và thấy nhau qua cầu nối có dây (internet), cầu nối không dây (wifi), trên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ, nơi bàn làm việc, và ngay cả trên bàn tay nhỏ bé. Nhưng thần thông cách nào thì thế giới mà họ đang đắm mình, tiêu phí gần hết thời gian vào đó, vẫn được xem như là thế giới ảo (the virtual world), không gian ảo (the virtual landscape, cyberspace).

Ảo ở đây không có nghĩa là không có, mà là có trong ý nghĩa không thực, không hiện hữu như thực tế (fact, reality). Biết là ảo, nhưng người ta không thể phủ nhận nó; trái lại, đối với một số người, đó là cả đời sống thực của họ, không thể thiếu vắng mỗi ngày. Hậu quả là có những nhân vật ảo, công ty ảo, hàng hóa ảo, tiền bạc ảo, trò chơi ảo, tình yêu ảo… tạo thêm khổ đau, khủng hoảng, bất an cho cuộc đời và những con người đang tìm kiếm hạnh phúc. Các nhà giáo dục luôn cảnh giác tuổi trẻ (mà cũng ngầm nhắc luôn cho những người lớn ham vui), chớ đắm mình trong thế giới ảo mà hãy trở về với thực tế đời sống – tức là phải đủ can đảm và nghị lực để rời khỏi máy vi tính, máy chơi game, điện thoại cầm tay… Nhưng theo khảo sát của các nhà tâm lý, đa phần những người nghiện “thế giới ảo” đều không có hạnh phúc, hoặc có nhiều khúc mắc trong đời sống thực – những người này tìm quên trong thế giới ảo, hy vọng có thể khỏa lấp sự bất toàn của cuộc sống hoặc biết đâu, may mắn tìm ra một nhân dáng hay sự việc ảo (mà cũng là người thật, việc thật) cho đời mình.

Suy cho cùng, dù có ra khỏi thế giới ảo, trở về với đời sống gọi là “thật” đi nữa, chưa hẳn là con người có thể tìm thấy hạnh phúc, an lạc cho đời mình. Bởi vì, hãy tự hỏi đời sống “thật” này có thực sự là “thật” không. Nếu là thật thì phải còn mãi trong không gian, thời gian. Thực tế cho thấy không có gì, từ vật chất đến tinh thần, có thể giữ nguyên vẹn tính nguyên thủy của nó. Những lâu đài, tượng đài nguy nga kiên cố có thể tan thành tro bụi trong vài phút; những ngai vàng, các chế độ, các tổ chức và đảng phái được cho là bền vững, trường trị muôn năm, có thể bị lật đổ bởi các cuộc cách mạng, canh tân; và tình yêu, dù là tình yêu chân thật, keo sơn, thủy chung nhất, cũng phải có lúc dẫn đến chia lìa khổ đau.

Thực tế cũng cho thấy, ngay trong đời sống thực, chúng ta lại luôn sống trong ảo tưởng, quá nhiều ảo tưởng. Từ người ít học đến hàng trí thức, từ kẻ vô danh đến kẻ nổi danh, từ hàng thuộc cấp đến kẻ lãnh đạo… từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ văn học đến chính trị, xã hội, tôn giáo… đều dễ vướng cái bệnh ảo tưởng, hoang tưởng – được vài tiếng khen đã cho mình là thiên tài, trung tâm vũ trụ; được người khác bầu chọn (hoặc ép họ bầu chọn, hoặc tự mình bầu chọn mình) đã cho mình là trên hết, nổi trội hơn hết. Tự cao tự mãn, say đắm trong ảo tưởng về sự vĩ đại của bản ngã, thì sẽ không bao giờ thấy được thực tánh, thực chất của con người và cuộc đời.

Theo kinh nghiệm và tuệ giác của những bậc minh triết để lại, muốn tìm ra sự thực, chân lý, trước hết phải nhận thức đúng đắn về cái ảo, cái không thực. Phải “giải ảo” thì may ra mới thấy được cái Chân. Một khi cái Chân xuất hiện, mọi điều tốt (Thiện) và đẹp (Mỹ) mới thực sự có mặt, trong cuộc sống toàn diện, cũng như trong văn học nghệ thuật. Và điều mà tất cả chúng ta có thể áp dụng là hãy sống rất thực, rất chân tình, như là bước khởi đầu để thoát khỏi thế giới ảo và các ảo tưởng.

Dù thế nào, hai vầng nhật nguyệt vẫn luôn lơ lửng trên bầu trời ngày đêm. Có hay không nền công nghệ thông tin hiện đại, có hay không thế giới ảo và không gian ảo, thì trời và trăng vẫn thế, vẫn tỏa sáng từ vạn cổ.

Dưới ánh trăng xuân, chiêm nghiệm trần gian ảo hóa: Như giấc chiêm bao của người mỏi mệt, như trò huyễn mị của ảo thuật gia, như bọt nước lao xao bờ sông mé biển, như ảo ảnh xuất hiện trên sa mạc bỏng cháy khô khan, như sương mai đọng trên đầu ngọn cỏ, như ánh chớp xuyên qua trời đêm mịt mùng…* Thế giới ảo không có gì xấu xa, tội lỗi. Nó huyền diệu và đẹp như thơ, nếu được lặng nhìn và lắng nghe như là chính nó.

* Mượn hình ảnh của một bài thi kệ trong kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật.

______________________________________

Đức Phật sẽ sử dụng
mạng xã hội như thế nào?

Tác giả: Sinead Mac Manus
Dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Tuần này, tôi được mời đến thuyết giảng cho các chuyên gia về tiếp thị đang làm việc trong lĩnh vực từ thiện. Buổi nói chuyện được tổ chức bởi Third Sector Women, đây cũng là một dịp để tôi có thể gặp gỡ, ăn uống, trò chuyện và nới rộng mối giao tiếp với nhiều công chức khác.

Truyền thông xã hội là một chủ đề đã khá nhàm chán, cho nên tôi muốn đưa ra một cái gì đó mới hơn. Mới đây tôi cũng vừa học thêm nhiều điều về cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật, qua một quyển sách đã được nghiên cứu kỹ lưỡng của tác giả Karen Armstrong, nên tôi nghĩ mình sẽ thuyết trình theo cách Đức Phật có thể sẽ sử dụng mạng xã hội như thế nào, nếu ngài còn tại thế.

Đức Phật là ai?

Đối với những ai không biết rõ lắm về Phật, Phật là một người đàn ông bình thường được sinh ra vào khoảng năm 583 trước công nguyên tại một nơi mà ngày nay là Nepal. Ông xuất thân từ một gia đình hoàng tộc và được sống một cuộc sống sung sướng, chở che. Vào độ tuổi thanh niên ông ngộ ra được tất cả những hoàn cảnh khổ đau trên thế gian, và đã từ bỏ hoàn cung ra đi ở độ tuổi 29, để xem mình có thể khám phá ra được ý nghĩa của cuộc đời, vượt qua được những khổ đau thường ngày hay không. Một đêm nọ, trong lúc ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề, ngài đã Giác Ngộ và suốt 40 năm sau đó ngài đã đi khắp nơi truyền dạy cho người khác làm thế nào để có thể giác ngộ như ngài. Nhiều nhà bình luận cho rằng nếu Đức Phật còn sống hôm nay, ông có thể sẽ là một nhà tâm lý học đẳng cấp thế giới, hay một tác giả nổi tiếng thay vì là một nhân vật tôn giáo.

Bát Chính Đạo là gì?

Một trong những giáo lý chính của Đức Phật được gọi là Bát Chính Đạo. Đạo là con đường; con đường này mô tả cách để đạt được giác ngộ. Nó là con đường Trung Đạo, giữa hai thái cực: khoái lạc và khổ hạnh. Về mặt bản chất, nó cung cấp cho chúng ta một phương thức quân bình để có được một cuộc sống tốt hơn. (Bạn cũng có thể thấy đây cũng chính là cách tôi lấy được cảm hứng cho công ty của mình!)

Điều này liên quan gì tới truyền thông xã hội? Mục đích của truyền thông xã hội là để kết nối giữa người với người. Liệu chúng ta có thể sử dụng Bát Chính Đạo để kết nối với người khác một cách sâu sắc và trọn vẹn hơn?

Con đường này gồm có 8 phần, mỗi phần là một bài học cốt lõi mà tôi nghĩ rằng chúng ta có thể áp dụng nó vào thế giới mạng của mình.

1. Chính kiến – Hiểu đúng

Chính kiến là nền tảng của 7 con đường còn lại. Trong truyền thống Phật giáo nó có nghĩa là: nhìn và hiểu được sự việc đúng như bản chất của nó. Xét theo thực tế thì nó có nghĩa là có được một tâm trí cởi mở và linh động với những gì xảy ra và đồng thời nhận biết rằng không có gì là mãi mãi – mọi thứ diễn ra trên thế giới này đều như bọt biển.

Với kinh nghiệm của bản thân, mạng xã hội đôi lúc cũng có thể khiến cho nhiều người cảm thấy căng thẳng. Chúng ta lo lắng không biết mình có làm đúng hay không, không biết mình có ở đúng nơi hay không, và không biết mình có nói gì sai hay không.

Mọi thứ đều vô thường. Dù bạn có đăng một ý tưởng mà có người cho rằng nó vớ vẩn, nó cũng sẽ sớm tan biến vào hư vô. Cho nên giữ một thái độ vui vẻ dành cho mạng xã hội, cũng như cho cuộc sống, có thể giúp bạn loại bỏ đi căng thẳng nếu có.

2. Chính tư duy – Ý nghĩ đúng

Chính tư duy mô tả trạng thái năng lượng tinh thần điều khiển hành động của chúng ta, theo thuật ngữ Phật giáo nó có nghĩa là không hại người mà hãy đối xử tốt với mọi người.

Đây là một thái độ lành mạnh đẹp đẽ dành cho truyền thông xã hội. Nếu chúng ta có ý định sử dụng mạng xã hội một cách trung thực, mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ từ đó – nội dung, thảo luận và kết nối. Sẽ không có một bức tường cách ngăn giữa bản chất thật của chúng ta và những gì chúng ta đang nói.

3. Chính ngữ – Nói đúng

Chính ngữ đòi hỏi chúng ta phải nói sự thật, thân thiện và chỉ nói khi cần thiết. Một bài học chúng ta có thể học được và áp dụng vào mạng xã hội. Nói sự thật rất quan trọng. Khi bạn bắt đầu đưa ra những ý kiến và ý tưởng của mình, cũng sẽ có nhiều điều thú vị xảy ra. Followersfans sẽ xuất hiện và cơ hội cũng sẽ bắt đầu phát sinh. Nhưng cũng có những nhà phê bình, đây có thể là một vấn đề khó nuốt.

Nếu chúng ta chỉ nói khi cần thiết, liệu chúng ta sẽ nhớ để dừng lại trước khi bấm nút đăng bài? Liệu những gì chúng ta đang chia sẻ có tạo ra được giá trị gì cho người đọc không hay chúng ta chỉ đang thêm vào những tiếng ồn?

4. Chính nghiệp – Làm đúng

Chính nghiệp muốn chúng ta đừng hại người và tôn trọng những gì của người khác.

Mạng xã hội là một cái chợ trời nội dung và ý tưởng và chia sẻ thông tin là một phần trong đó. Nhưng chúng ta cần biết tôn trọng ý tưởng và những tài sản trí tuệ của người khác. Một người văn minh là một người biết công nhận những ý tưởng của người khác. Cụ thể là khi tôi sử dụng những hình ảnh Creative Commons tôi đều ghi ra tên tác giả của hình ảnh đó.

5. Chính mạng – Sống đúng

Chính mạng khuyên chúng ta kiếm sống và làm việc một cách có đạo đức.

Thế giới mạng thu hút nhiều người có hành động thiếu đạo đức, những người sử dụng mạng xã hội để lừa đảo tiền bạc người khác. Điều chúng ta nên làm là sử dụng mạng xã hội để tạo ra những giá trị mới và để tiếp cận, giúp đỡ người khác mà không luôn mong trả ơn.

6. Chính tinh tấn – Nỗ lực đúng

Không có nỗ lực thì không có gì được hoàn tất. Nhưng những nỗ lực sai lầm khiến chúng ta lạc mất đi nhiệm vụ của mình.

Đây có lẽ là một trong những bài học quan trọng nhất chúng ta có thể học được từ Đức Phật để áp dụng vào mạng xã hội. Nếu chỉ thiết lập một vài tài khoản rồi ngồi chờ fans tới thì chuyện đó sẽ không xảy ra. Bạn phải chủ động tiếp cận tới mọi người.

Tuy nhiên, biết được điểm cần tập trung nỗ lực mới thật sự thiết yếu. Nếu bạn dành thời gian của mình vào những nơi vô bổ bạn sẽ lãng phí thời gian quý giá của mình. Đừng sử dụng mạng xã hội chỉ vì bạn thấy ai cũng sử dụng nó. Bạn có thể thử dùng qua nhiều trang mạng xã hội khác nhau nhưng cũng nên biết khi có gì đó không ổn đang xảy ra.

7. Chính niệm – Tâm thức đúng

Chính niệm là một sự rèn luyện tập trung vào hiện tại. Cốt lõi của nó chính là có được một tâm thức luôn sinh động về những gì đang thật sự diễn ra, chứ không phải những gì chúng ta NGHĨ rằng nó đang diễn ra.

Hãy ý thức được những gì mình đang làm trên mạng xã hội. Hãy tự hỏi chính mình xem nó có hữu ích và trung thực không. Hãy sống trong hiện tại.

8. Chính định – Tập trung đúng

Nhiều Phật tử phát triển sự tập trung của họ bằng thiền định. Chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội để phát triển khả năng tập trung cũng giống như khi chúng ta sử dụng hơi thở trong thiền định để luyện tập cách sống trong hiện tại. Blogger Alexandra Samuel có tweet trên trang mạng của mình về Twitter như một phòng gym mini cho tâm trí:

“Nếu sử dụng đúng, Twitter có thể là một phòng gym nhỏ cho sự chú ý của chúng ta. Nó liên tục làm mạnh lên khả năng tập trung của chúng ta: vào những việc cá nhân hay những công việc nghề nghiệp. Những tính chất khiến Twitter có cảm giác như quá phiền nhiễu: sự vắn tắt, sự tràn lan, và sự khó cưỡng – điều này khiến nó trở thành một nền tảng lý tưởng để rèn luyện sự định tâm.

______________________________________

10 cách sử dụng mạng xã hội
có ý thức

Tác giả: Lori Deschene
Dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Trong hai năm qua, mỗi ngày tôi đã đăng lên trang Twitter Tiny Buddha của mình những câu trích dẫn về trí tuệ. Vì số lượng người theo dõi đã gia tăng đáng kể, nhiều người đã gợi ý tôi nên đăng bài thường xuyên hơn. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng bài học lớn nhất tất cả chúng ta có thể học được là: ít là đủ. Trong thời buổi mà những kết nối dường như là những hàng hóa và những tương tác trực tuyến có thể trở nên giả tạo một cách bình thường, tỉnh thức (mindfulness) không phải chỉ đơn giản gia tăng ý thức (awareness), mà là hiệp thông một cách tỉnh thức với người khác và với chính mình. Hướng tới mục tiêu này, tôi đã soạn ra một danh sách 10 mẹo vặt để sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh thức hơn.

1. Biết được ý định của chính mình

Tác giả Doug Firebaugh của trang SocialMediaBlogster.com đã nêu ra 7 nhu cầu tâm lý chúng ta có thể có mỗi khi đăng nhập: sự công nhận, chú ý, chấp thuận, biết ơn, khen ngợi, bảo đảm, và hội nhập. Trước khi bạn đăng một cái gì, hãy hỏi chính mình: Có phải mình đang muốn được mọi người nhìn thấy hay chấp thuận? Mình có thể làm được điều gì mang tính cách xây dựng hơn không để đạt được nhu cầu đó?

2. Sống thật với chính mình

Trong thời đại của sự đánh bóng thương hiệu cá nhân, đa số chúng ta đều có một cá tính chúng ta muốn phát triển và gìn giữ. Những câu status từ – bản – ngã tập trung vào một lịch trình; còn bản chất thật thì đối thoại từ trái tim. Hãy nói về những điều thật sự quan trọng với bạn. Nếu bạn cần một lời khuyên hay hỗ trợ, hãy hỏi mọi người. Sống trong hiện tại trở nên dễ dàng hơn khi bạn sống thật với chính mình.

3. Nếu bạn chuẩn bị đăng status, hãy luôn hỏi bản thân: Nó có thật không? Nó có cần thiết không? Nó có tử tế không?

Đôi khi chúng ta đăng những câu status mà không nghĩ đến nó sẽ ảnh hưởng tới những người đọc như thế nào. Chúng ta rất dễ quên rằng có bao nhiêu người đang đọc nó. Trước khi bạn chia sẻ điều gì, hãy hỏi bản thân: Liệu chuyện này có làm hại ai không?

4. Làm một người tốt bụng

Thỉnh thoảng tôi hay tweet trên Twitter, “Tôi có thể làm được gì để giúp đỡ hay hỗ trợ bạn hôm nay không?” Nó là một cách đơn giản của sự cho đi mà không mong nhận lại. Bằng cách dang tay ra giúp một người lạ, bạn tạo ra một khả năng kết nối thân thiết với những người theo dõi mình, bằng không thì bạn chỉ biết họ ở bề ngoài.

 5. Trải nghiệm trước, chia sẻ sau

Không có gì lạ khi bạn lấy điện thoại của mình ra và chụp một tấm ảnh rồi đăng lên Facebook. Điều này che lấp đi trải nghiệm hiện tại. Nó cũng làm giảm đi sự gần gũi riêng tư của khoảnh khắc, bởi vì toàn bộ followers của bạn sẽ tham gia nhập hội ngay lúc đó. Cũng giống như khi chúng ta cố gắng giảm bớt những âm thanh ồn ào nội tâm để sống trong hiện tại, chúng ta cũng có thể làm được điều tương tự với những âm thanh kỹ thuật số.

6. Hãy chủ động, đừng thụ động

Bạn có thể nhận email thông báo mỗi khi có hoạt động gì đó trên các tài khoản truyền thông xã hội, hay cũng có thể nhận được các thông báo qua điện thoại. Điều này khiến bạn phải quyết định xem mình có muốn hay cần trả lời không. Một cách tiếp cận khác đó là lựa chọn cẩn thận những cuộc đối thoại, và sử dụng thời gian offline của mình để quyết định những giá trị nào bạn có thể mang lại.

7. Hãy trả lời với tất cả sự chú ý

Nhiều người thường chia sẻ những đường link mà chưa thật sự đọc chúng, hay tham gia bình luận các bài viết khi chỉ mới đọc lướt qua. Nếu món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng một người là sự chú ý, thì mạng xã hội cho phép chúng ta rộng lượng vô tận. Chúng ta có thể sẽ không trả lời được tất cả mọi người, nhưng một câu trả lời chứa đầy tư duy khi có thể tạo ra tất cả sự khác biệt.

8. Hạn chế sử dụng mạng xã hội bằng mobile

Năm 2009, Pew Research có thống kê cho thấy 43% người dùng di động truy cập internet trên điện thoại nhiều lần trong ngày. Điều mà Linda Stone, cựu nhân viên Microsoft, gọi là sự tập trung liên tục ngắt quãng – khi bạn thường xuyên check facebook không bỏ sót chuyện gì. Nếu bạn tự giới hạn chính mình sử dụng điện thoại để truy cập internet, bạn có thể sẽ bỏ sót những gì trên mạng, nhưng bạn sẽ không bỏ sót những gì ngay trước mắt mình.

9. Luyện tập sự buông bỏ

Có thể bạn sẽ có cảm giác như mình không tốt lắm khi lờ đi một số status hay tweets, nhưng chúng ta cũng phải cần thời gian cho chính mình. Hãy cho phép bản thân bỏ đi những gì ngày hôm qua. Như vậy bạn sẽ không cần phải “bắt kịp” với những status đã qua rồi và thay vào đó bạn sẽ có cơ hội được tham gia vào những gì xảy ra ngày hôm nay.

10. Tận hưởng niềm vui!

Những điều ở trên chỉ đơn thuần là những gợi ý để giúp bạn cảm nhận hiện tại và nhiều hơn sử dụng mạng xã hội một cách có chủ đích hơn; chúng không phải là những quy luật cứng nhắc. Hãy làm theo bản năng của bạn và hãy tận hưởng niềm vui. Nếu bạn có thể sống tỉnh thức khi ngắt kết nối với công nghệ, bạn đã có đủ mọi công cụ cần thiết để có thể tỉnh thức khi lên mạng.

______________________________________

Áp dụng
những nguyên tắc Phật giáo
cho thời đại truyền thông xã hội

Tác giả: Alexander Berzin
Dịch: Băng Tâm

Kỷ nguyên thông tin, cùng với Internet, đã mở ra một kỷ nguyên của truyền thông đại chúng trên nền tảng các dịch vụ của Internet, với các mạng xã hội như là Facebook, Twitter, hay việc sử dụng tin nhắn trên điện thoại di động ở khắp mọi nơi. Điều này đã làm thay đổi cách mà mọi người liên hệ với nhau. Thêm vào đó là sự phát triển chưa từng có việc sử dụng iPods, việc nghe nhạc cả ngày dài, và sự sinh nổi nảy nở của các trò chơi điện tử, thế nên ngày nay rất nhiều người được kết nối với âm nhạc, trò chơi, tin nhắn và mạng xã hội ở bất cứ nơi nào, cả ngày lẫn đêm. Mỗi tiến bộ này đã mang đến cả những lợi ích và tác động có hại. Bất luận thế nào, những tiến bộ này đều đang có những ảnh hưởng sâu sắc lên con người. Tôi muốn khám phá ra bằng cách nào mà Phật Giáo lại có thể hữu ích trong việc tăng cường những lợi ích và giảm thiểu những tổn hại đến từ sự thay đổi trong xã hội này. Vậy hãy để tôi trưng ra một vài điểm là mặt lợi của truyền thông đại chúng, sau đó là những bất lợi của chính nó, và những gì Phật Giáo có thể đem đến cho chúng ta trước những tiến bộ này.

Trước những nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu toàn cầu, sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, suy thoái kinh tế toàn cầu, tình trạng thất nghiệp, người ta thường cảm thấy bản thân tầm thường, nhỏ bé và đơn độc. Mạng xã hội, như Facebook, có thể giúp đem lại cho họ cảm giác rằng những việc họ làm và những gì họ nghĩ thực sự có ý nghĩa – từ một nhóm bạn, những người có thể hưởng ứng lại với những gì người ta đăng về cuộc sống và suy nghĩ của họ hằng ngày, thông qua việc ra hiệu rằng họ thích nó. Bằng cách nào đó, điều này khẳng định với họ sự tồn tại, sự quan trọng của bản thân trong thế giới mà họ cảm thấy quá bất lực này.

Tuy nhiên mặt trái của đặc trưng này ở mạng xã hội, của việc nhận “tôi thích điều này”, là nó có thể gây ảo tưởng về tầm quan trọng của bản thân, nó cũng có thể thúc đẩy tính tự ái. Ngoài ra “tôi thích điều này” cũng khá hời hợt và không thực sự nói lên điều gì. Thêm vào đó, người ta cảm thấy số lượng bạn bè hay lượng “tôi thích điều này” mà họ nhận được trên Facebook quan trọng hơn nhiều so với chất lượng và sự chân thành của tình bạn. (Và nếu họ không nhận được “tôi thích điều này”, họ sẽ cảm thấy thất vọng). Việc đăng lên Facebook những điều vô vị diễn ra xung quanh bạn, ví dụ những gì bạn ăn trong buổi trưa và rằng bạn thích nó, có thể làm lãng phí thời gian của bạn và những người khác như việc nói chuyện phiếm. Và nói chuyện phiếm, dĩ nhiên, là một trong bốn hành động tiêu cực của lời nói đã được đề cập trong những điều Phật dạy – cụ thể là việc xem xét đâu là những điều vô nghĩa và đâu là những điều có nghĩa.

Vậy Phật giáo cần đem lại điều gì cho chúng ta về khía cạnh này? Một trong những điều Phật dạy về lòng trắc ẩn, nhấn mạnh rằng chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào sự ưu đãi của vạn vật. Tất cả những gì chúng ta ăn và tận hưởng đều đến từ thành quả lao động của những người khác. Vì vậy chúng ta đều có mối liên hệ với nhau. Đó là sự thật. Và những gì mỗi người làm, kể cả chính bản thân chúng ta, đều góp phần ảnh hưởng đến cuộc sống của những người khác. Những người trồng ra thức ăn của chúng ta, người vận chuyển nó, người xây những con đường mà theo đó thức ăn được vận chuyển, người chế tạo phương tiện, và người bán nó, vân vân – tất cả mọi thứ đều có sự liên hệ. Chúng ta không cần những người bạn nói rằng “tôi thích điều này” về việc chúng ta thích bữa trưa của mình để khiến chúng ta cảm thấy khá hơn và bằng cách nào đó, chứng minh hoặc củng cố sự hiện diện của bản thân. Chúng ta đã hiển nhiên tồn tại và có liên kết với nhau.

Bằng cách chỉ ra những điểm khác biệt, trong triết lý Phật giáo, giữa cái “bản ngã” và “vô ngã”, chúng ta có thể cảm thấy được sự liên hệ với những người khác như một điều hiển nhiên. Cái tôi hay cái “bản ngã” chỉ là – tôi đang ở đây; tôi đang ngồi; tôi đang nói chuyện; tôi đang ăn; tôi đang ngủ; vân vân. Và cái “vô ngã” chính là cái tôi được thổi phồng khiến chúng ta cảm thấy chúng ta rất quan trọng và rằng mọi người khác phải biết tôi ăn gì vào bữa trưa; một dạng của tự cao tự đại, một cái tôi quá lớn. Vì vậy Phật giáo chỉ ra rằng mặc dù cái tôi, bản ngã… hiển nhiên tồn tại, tuy nhiên cái tôi bị thổi phồng chỉ là ảo tưởng. Đó chỉ là một phép chiếu. Vậy nên nếu chúng ta có thể tái xác nhận và rời khỏi sự nhấn mạnh này, sự nhấn mạnh mang tính tự ái về “Mọi thứ tôi làm rất quan trọng và thú vị đối với mọi người”, và chỉ tái xác nhận rằng “Tất nhiên là tôi tồn tại”, thì chúng ta có thể cảm thấy mình được kết nối với mọi người như là một điều hiển nhiên và biết được rằng sự thật này không khiến chúng ta trở thành cái tôi to lớn tồn tại vững vàng như là trung tâm của sự tự cao và tự ái. Chúng ta càng cảm thấy an toàn trong giới hạn của “bản ngã” mà chúng ta biết là nó tồn tại và không cần sự xác nhận để chứng minh cho điều đó, chúng ta sẽ dừng việc mong đợi sự tán thành từ người khác.

Ngoài ra, Phật giáo cũng dạy ta phải sống chân thành hơn. Thay vì chỉ một thông diệp hời hợt vô nghĩa “tôi thích điều này”, chúng ta có thể viết những điều đầy ý nghĩa và sâu sắc hơn đến những người khác, để giúp họ bằng bất cứ cách nào cần thiết. Tôi nghĩ đó là điều vô cùng quan trọng xét về mặt chúng ta thực sự giao tiếp với nhau như thế nào. Một câu vô nghĩa “Vâng, vâng, điều này thật tuyệt” – hay việc nhấn nút “tôi thích điều này” – thực sự không giúp ích trong việc giao tiếp với bất kỳ người nào khác. Và việc tưởng rằng điều này rất quan trọng, hay việc cảm thấy thoải mái hơn khi mình có mười cái “tôi thích điều này” cho “tôi ăn gì vào bữa trưa hôm nay” – cuối cùng người ta cũng sẽ nhận ra rằng điều này khá vô nghĩa và hời hợt.

Một lợi ích khác của truyền thông đại chúng là nó giúp đỡ những người sống cô lập – chỉ đi làm, rồi về nhà, và sống một mình. Mạng xã hội giúp họ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Điều này đem đến cho họ cảm giác hòa đồng, cảm giác khích lệ hạnh phúc bên trong họ. Suy cho cùng, bởi vì con người là động vật xã hội; cho nên việc cảm nhận được sự tồn tại của mình trong cộng đồng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mặt trái của điều này là có lẽ chúng ta không có bất kỳ giao tiếp ý nghĩa nào với nhóm bạn mà chúng ta cảm thấy mình liên hệ, và nhóm bạn này có lẽ được liên kết với nhau bởi điều gì đó khá tầm thường.

Phật giáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những người bạn tâm linh. Và việc cảm thấy mình là một phần của một cộng đồng là rất hữu ích. Dĩ nhiên chúng ta có điều này ở những tu viện, ở các trung tâm Phật Giáo trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không thực sự cần phải là một phần của cộng đồng Phật giáo hay một cộng đồng tâm linh nào, mà chỉ cần chúng ta được đem đến gần nhau bởi những giá trị tích cực và những nỗ lực để giúp đỡ lẫn nhau. Có thể hiểu rằng, nếu chúng ta sắp sửa thuộc về một mạng xã hội, sẽ rất là hữu ích hơn nếu mạng xã hội đó được liên kết dựa trên điều gì đó tích cực, điều gì đó mang tính xây dựng mà họ có thể chia sẻ.

Một ích lợi khác của mạng xã hội, là cho phép các gia đình có thể giữ liên hệ với nhau, giúp cho mỗi thành viên có thể biết được những thành viên khác đang làm gì. Điều này cực kỳ hữu ích trong các gia đình ở Châu Á, nơi mà con người thường được đánh giá dựa trên gia đình hơn là chính cá nhân họ, nơi mà người già thường cảm thấy người trẻ chính là sự tiếp nối chính bản thân họ. Vì vậy, với Facebook hay những công nghệ tương tự, mỗi thành viên trong gia đình có thể biết những người khác đang làm gì. Điều này vô cùng hữu ích, tuy nhiên có một hạn chế, đó là sự riêng tư dần bị biến mất. Mặc dù, chúng ta có thể chỉ giao tiếp với chỉ một người thông qua Facebook hoặc Email, hoặc là để chế độ riêng tư đối với những gì chúng ta viết – ý tôi là những gì viết trên Facebook -, thì những điều đó hoàn toàn có thể bị lan truyền chính bởi những người mà chúng ta chia sẻ, mà chúng ta không thể biết được. Tin nhắn riêng tư, tin nhắn văn bản và email là hữu ích hơn cả, tuy nhiên tin nhắn văn bản có thể dần biến thành những cuộc nói chuyện phiếm: viết những thứ hoàn toàn vô nghĩa.

Phật giáo cũng dạy cho ta cách phát triển những nhận thức đúng đắn. Trong trường hợp này là nhận thức đúng đắn giữa những gì thì công khai và những gì thì riêng tư. Ví dụ trong cơn giận chúng ta học cách giữ một số điều được học nào đó riêng tư hoặc bí mật, bởi vì người khác có thể hiểu nhầm hoặc lạm dụng những gì chúng ta nói. Nhận thức đúng đắn này có thể được mở rộng ở khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống nếu chúng ta không muốn mọi thứ về bản thân mình trở thành thông tin công cộng. Đây là vấn đề về việc tự kiểm soát bản thân. Nếu bạn đang định đăng một điều gì đó trên Facebook, bạn phải nhận thức được rằng những điều đó sẽ trở thành thông tin công cộng, bằng không thì tin nhắn văn bản hoặc thư điện tử thì tốt hơn nhiều.

Hãy cùng bàn về Twitter, nơi mà chúng ta đăng những thông điệp rất ngắn. Một lợi ích đó là việc nhận những tin Twitter mỗi ngày từ người truyền cảm hứng cho bạn, có thể giúp những người sống cuộc sống cô lập cảm thấy phần nào được giao tiếp với con người mà không hề có sự ràng buộc thực sự nào với người khác. Mặt trái của nó là bạn chỉ có thể dùng nó dể cảm thấy tốt hơn, nhưng không thực sự nhận được sự truyền cảm hứng đích thực để giúp bạn theo đuổi hình mẫu, hay những lời khuyên từ chính những người truyền cảm hứng cho bạn. Rất nhiều người hằng ngày vẫn đọc tin Twitter từ Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc những nhân vật vĩ đại khác.

Trong phật giáo chúng ta có Guru – Yoga, một loại hình giúp bạn củng cố cảm hứng bạn nhận được từ người thầy tâm linh, với một mục đích nguyên vẹn đó là cảm nhận được sự hòa hợp giữa cơ thể, lời nói và tinh thần của bạn với cơ thể, lời nói và tinh thần của người thầy. Và điều đó có nghĩa là bạn phải thực sự cố gắng để hành động, nói năng, và suy nghĩ như thầy của bạn; không chỉ trên lý thuyết và cả trong thực tế đời sống. Cho nên chiến lược này có thể được sử dụng đối với những người truyền cảm hứng mà bạn nhận tin trên bản tin Twitter, vượt qua giới hạn phạm vi chỉ những hình thái tâm linh. Nói cách khác, nếu bạn đang nhận những thông điệp từ Twitter này mỗi ngày để giúp bạn cảm thấy được kết nối một chút với những gì ý nghĩa hơn, cố gắng thực sự hòa nhập nó vào cuộc sống của bạn, đừng chỉ sử dụng nó để cảm thấy ổn.

Một lợi ích nữa đó là nó cho phép những người nhút nhát có thể giao tiếp với những người khác theo một cách cởi mở hơn rất nhiều so với cách mà họ có thể giao tiếp trực tiếp từ trước đến nay, đặc biệt là khi bạn bè của một người đang ở nước ngoài hay là ta đang viết bằng một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ chính của bản thân. Mọi người thường diễn đạt bằng văn viết tốt hơn văn nói nhiều. Mặt trái của điều này là nó có thể giới hạn khả năng giao tiếp trực tiếp của chúng ta. Chúng ta có thể đánh mất tính nhạy cảm, điều mà là một phần trong một cuộc chạm trán mặt đối mặt; đặc biệt là, như một số người thường làm, nếu ta tạo một tài khoản giả trên chat room, và có xu hướng tắt thiết bị của mình hoặc chỉ không trả lời khi chúng ta nhận được một tin nhắn gây khó xử hay khi chúng ta không thích nó. Đó thực sự là một vấn đề lớn.

Mặt khác, Phật Giáo dạy chúng ta không được giả vờ rằng chúng ta có những phẩm chất mà mình không có và không cố thiếu sót những gì mình thực sự có. Nếu chúng ta thu được sự tự tin từ phương tiện truyền thông đại chúng này – nhưng dựa trên nền tảng của việc trung thực với bản thân – thì chúng ta cần bắt đầu mở rộng điều này đối với những tình huống đời thực. Vậy nên điều này thực sự khá là hữu ích với phương tiện truyền thông đại chúng: rằng nếu nó cho phép chúng ta thu được càng lúc càng nhiều sự tự tin trong việc giao tiếp, thì hãy ra ngoài và thực sự giao tiếp mặt đối mặt; đừng chỉ trốn phía sau màn hình máy vi tính của bạn.

Một lợi ích nữa đó là Twitter và tin nhắn văn bản cho phép chúng ta diễn đạt suy nghĩ của mình nhanh chóng và súc tích để chúng ta có thể giao tiếp một cách hiệu quả. Chúng ta không cần thiết phải tiêu tốn một khoảng thời gian chắc chắn là rất lớn để giao tiếp thông qua một cuộc gọi hay là một cuộc chuyện trò video trên Skype. Điều này thực sự hữu ích khi đang di chuyển hoặc trong những tình huống khẩn cấp. Chúng ta cũng có thể nhận những tin nhắn khẩn cấp từ những người khác. Vậy nên nó rất là hữu ích. Nhưng mặt trái của việc diễn đạt chỉ trong vòng vài từ và thậm chí còn không viết đầy đủ chúng ra, là việc chúng ta có thể đánh mất khả năng diễn đạt suy nghĩ một cách đầy đủ, hay thậm chí là diễn đạt tốt hoặc duy trì cuộc trò chuyện. Khả năng tập trung và duy trì sự chú ý của chúng ta cũng có thể bị giảm bởi những thứ này – nơi mà ta chỉ làm mọi thứ rất nhanh chóng chỉ trong phút chốc.

Phật Giáo nhấn mạnh việc có khả năng giao tiếp một cách ý nghĩa và tốt với người khác để giúp họ là rất quan trọng. Vậy nên những thứ như Twitter, nơi mà tin nhắn bạn viết bị giới hạn số ký tự – nó có thể rèn luyện cho chúng ta khả năng loại bỏ tính dài dòng không liên quan khi cố gắng trình bày điểm chính một cách khúc chiết trong một cuộc chạm trán thực sự: Chỉ trình bày điểm chính, chứ không phải tất cả mọi thứ xung quanh nó. Nhưng chúng ta vẫn phải cẩn thận – và cũng với Twitter – việc chúng ta có thể diễn đạt được ý chính, chứ đừng đến mức chúng ta thực sự không giao tiếp.

Vậy là Phật Giáo có khá nhiều cách để giúp chúng ta trở nên tập trung hơn, để thấy được đâu là điểm thiết yếu của một điều gì đó và tất nhiên cũng có rất nhiều các phương pháp thiền định để giúp chúng ta phát triển khả năng tập trung. Tôi nghĩ điều này sắp sửa trở thành một điều rất quan trọng mà Phật Giáo sẽ được sử dụng cho nó trong tương lai. Ví dụ, ngay cả khi bạn nhìn vào bản tin trên TV, bạn thấy một phát thanh viên đang nói điều gì đó; nhưng sau đó có một dòng tin phía dưới nói một điều gì đó khác, và đôi khi bạn có hai hoặc ba thứ chạy cùng lúc trên màn hình, và rất khó để mọi người có thể tập trung. Sự chú ý của họ một ít thì ở chỗ này, một ít thì ở chỗ kia, còn hình ảnh và mọi thứ thì thay đổi rất nhanh. Vậy nên rất bất lợi để mà tập trung được. Nhưng như tôi đã nói, nếu người ta thực sự muốn đi xa hơn trong việc phát triển bản thân, thì Phật Giáo sẽ đặc biệt hữu ích cho việc phát triển tính tập trung. Thực sự thì có lẽ người ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách bởi vì ảnh hưởng của truyền thông làm giảm khoảng thời gian tập trung của mình; nhưng tôi phải tiếp tục làm việc với nó.

Một điểm nữa đó là với một chiếc điện thoại có kết nối Internet, chúng ta có thể giao tiếp ở bất kì đâu vào bất cứ lúc nào và mọi người có thể liên lạc được với ta ở mọi lúc mọi nơi. Mặt bất lợi của điều này là bởi tính chất chiếu ánh sáng nhấp nháy trên màn hình, những thiết bị điện tử này thu hút sự chú ý của bạn và có xu hướng khiến bạn bị nghiện. Một dạng hấp dẫn. Một điều rất thú vị là trong xe điện ngầm ở Berlin (chúng tôi gọi nó là U – bahn), người ta lắp đặt một màn hình ti-vi thực tế là hai màn hình ti-vi) trên mỗi chiếc xe để phát tin tức, quảng cáo, dự báo thời tiết và những thứ tương tự như vậy. Và thật ngạc nhiên làm sao khi mặc dù bạn không muốn xem nó – đèn nhấp nháy – vẫn cứ thu hút sự chú ý của bạn; kiểu như chúng ta là một con côn trùng hay động vật, và thật khó để không nhìn vào đó.

Vậy nên, cũng như thế, điện thoại di động và màn hình máy tính rất hấp dẫn đối với chúng ta, và chúng ta trở nên nghiện. Và bởi vì chúng rất gây nghiện, bạn cảm thấy rằng bạn phải thường xuyên kiểm tra tin nhắn của mình để chắc chắn rằng bạn không bỏ lỡ bất kì điều gì. Thêm vào đó bạn luôn cảm thấy hơi không an toàn và có ảo giác về sự an toàn bởi việc cầm điện thoại di động cả ngày dài. Điều này luôn gợi cho tôi nhớ đến những thánh nhân đi lại xung quanh với một cái chậu nhỏ và một cái xô nhỏ đựng nước Ganga – cái cách mà những người này phải luôn cầm chúng trên tay. Và việc kiểm tra rồi trả lời tin nhắn văn bản và tin nhắn Facebook cả ngày dài khiến bạn lãng phí hàng đống thời gian, vì chúng hầu hết đều nói về những chuyện tầm phào.

Với sự ảo tưởng về sự tự cao, chúng ta cũng có thể cảm thấy rằng mình có thể ngắt lời của bất cứ ai vào bất kì lúc nào bởi tin nhắn hay một cuộc gọi của chúng ta. Và chúng ta cũng có thể có xu hướng khá là thô lỗ và khó gần gũi; bởi vì ngay cả khi chúng ta đang ở với một ai đó, chúng ta có thể đang nhắn tin gọi điện với một ai đó khác trên điện thoại di động của mình. Rất là phổ biến ở thanh thiếu niên.

Do đó, Phật Giáo một lần nữa dạy chúng ta cách giảm bớt sự quyến luyến. Sự quyến luyến là gì? Sự quyến luyến là việc phóng đại những giá trị tốt của một việc gì đó – những lợi ích của nó – đôi khi thậm chí tưởng tượng ra nhiều hơn những lợi ích không tồn tại, và hoàn toàn lờ đi những mặt tiêu cực. Và thế là bạn không muốn từ bỏ nó. Đó là sự quyến luyến. Và nếu chúng ta có thể lạc quan hơn về những lợi ích của truyền thông đại chúng – chắc chắn là có những lợi ích từ nó – nhưng vẫn nhận thức đúng đắn những mặt trái, thì nó sẽ giúp chúng ta vượt qua một chút quyến luyến và những cách cư xử thiếu suy nghĩ mà bạn mắc phải với những thiết bị này.

Hơn nữa Phật Giáo cũng dạy chúng ta phải ý tứ với người khác và không được ngắt lời và lãng phí thời gian của họ với những cuộc tán gẫu vô nghĩa. Khi bạn nhìn vào những ảnh hưởng tiêu cực của việc tán gẫu vô nghĩa – nói chuyện phiếm – tại sao nó là gây hại? Và nó không chỉ đơn giản như chúng ta tưởng rằng những gì vô nghĩa có ý nghĩa rất lớn, mà chúng ta còn làm phiền người khác. Chúng ta lãng phí thời gian của mình và cả của người khác. Đặc biệt là khi ta ngắt quãng ai đó đang làm một việc gì đó khá quan trọng và có ích, với việc tán gẫu vô nghĩa của chúng ta, là rất tiêu cực, rất có hại. Vậy nên điều đó có thể giúp ích rất nhiều nếu chúngt ta được học nó từ Phật Giáo.

Nói chung, một lợi ích nữa đó là trước những vấn đề phức tạp khổng lồ nổi trội của thế giới, truyền thông đ ạ ai chúng, iPods, trò chơi điện tử,… cho phép người ta giới hạn sự chú ý của họ và chăm chú vào những phạm vi tập trung của những tác nhân kích thích và hoạt động. Bằng cách này, nó cung cấp một chỗ ẩn náu trước nỗi tuyệt vọng khi nghĩ về tình hình thế giới và những vấn đề cá nhân. Thế giới rất phức tạp và rất khó khăn, và vấn đề của riêng cá nhân bạn về tình trạng thất nghiệp hay là bất cứ điều gì có thể – kinh tế khó khăn – quá tải đến nỗi bạn chỉ muốn đắm chìm vào một thế giới nhỏ bé được bảo vệ trên màn hình với những người bạn của mình và chơi trò chơi. Hoặc bất cứ thứ gì có thể: Nghe nhạc – những thứ đại loại như vậy. Vậy nên trong tư tưởng b ạ n cảm thấy rằng mình đang ở trong vùng được bảo vệ.

Vậy những mặt trái của điều đó là gì? Đó chính là việc bạn không thực sự đối mặt với các vấn đề của mình. Đó là khuynh hướng thoát ly thực tế. Và đối với điều này, Phật Giáo dĩ nhiên mang đến bốn sự thật đáng khâm phục. Sau cùng, đó là lời dạy chính của Đức phật; cốt lõi của những điều Đức phật dạy là đối mặt với vấn đề, với những khó khăn của chúng ta; chấp nhận thực tế, rằng chúng ở đó, và đương đầu với chúng, đừng chỉ giả vờ rằng chúng không có ở đó. Và bằng cách nào chúng ta làm được điều đó? Chúng ta nhìn vào nguyên nhân của chúng. Vậy nên bạn thực sự cần phải suy nghĩ về nó, nghiên cứu tỉ mỉ và vân vân. Đi sâu vào đủ để tìm ra nguyên nhân sâu xa nhất, chứ không phải chỉ những nguyên nhân hời hợt. Và đừng chỉ đổ lỗi cho một nguyên nhân duy nhất, mà phải hiểu rằng vấn đề phát sinh từ sự tương tác khổng lồ giữa rất nhiều nguyên nhân và điều kiện khác nhau. Và rồi nhận ra rằng thực sự chấm dứt những vấn đề này là hoàn toàn có thể, tống khứ chúng đi để chúng không bao giờ quay trở lại lần nữa.

Một điều gì đó thật sự khá uyên thâm và thực sự là một ý nghĩa rất lớn mà chúng ta cần phải tin tưởng, nếu chúng ta sắp sửa là tín đồ đạo Phật – rằng tống khứ những vấn đề này là hoàn toàn có thể để chúng không bao giờ quay lại nữa. Rằng chúng ta không chỉ thực hiện một phiên bản Phật Giáo rất nhẹ nhàng – chỉ cố tối thiểu hóa vấn đề của chúng ta, chúng ta nghĩ rằng chắc hẳn chúng sẽ quay trở lại, nên tôi sẽ chỉ cố gắng khiến cho tình hình trở nên tốt nhất có thể. Đó thực sự không phải là Phật Giáo chân chính. Và do đó chúng ta nỗ lực để hiểu rằng việc khiến những vấn đề này chấm dứt để chúng không bao giờ quay lại nữa là hoàn toàn có thể. Và rồi chúng ta thấy được điều đó sẽ dẫn đến cái gì. Và cái mà điều đó dẫn đến, thường được biết như là con đường chân chính. Con đường ở đây có nghĩa là lối suy nghĩ, hành động, nói năng nhưng tất yếu là cách hiểu mà sẽ là đối lập hoàn toàn với sự hiểu lầm, sự nhầm lẫn của chúng ta. Vậy nên thay vì tạo ra càng ngày càng nhiều vấn đề cho bản thân ta với những nhầm lẫn của mình, chúng ta có thể thay thế bằng sự hiểu biết đúng đắn. Nếu chúng ta có thể có được sự hiểu biết đó mọi lúc thì những vấn đề này sẽ không quay trở lại nữa.

Vậy nên thay vì chỉ chăm chăm vào việc bỏ trốn khỏi những vấn đề của chúng ta bằng cách đắm chìm vào một trò chơi điện tử hoặc tán gẫu trên Facebook, chúng ta hãy cố gắng đối mặt với nó. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tạm thời tìm kiếm một chút giải trí trong những thứ đó. Trong lời dạy của Phật: Nói rằng nếu một người đi đến một nơi tị nạn khác – được thôi, nhưng đó chỉ là thứ tạm thời; chỉ là thứ hời hợt. Nhưng không được cho rằng đó là nơi nương náu cuối cùng. Nơi nương náu ở đây có nghĩa là phương hướng mà chúng ta đang đi trên đường đời và những gì chúng ta làm để vượt qua những khó khăn mà chúng ta đang đối mặt.

Bây giờ nếu như chúng ta đi tiếp đến những lợi ích thêm nữa: Một mặt, dù truyền thông đại chúng có thể giới hạn phạm vị về những gì mà chúng ta dính dáng đến, FacebookTwitter mặt khác lại có thể cho phép chúng ta lan truyền thông tin một cách dễ dàng đến một lượng lớn người xem. Ví dụ, nó có thể được sử dụng cho việc lan truyền những thông điệp về chính trị hoặc tôn giáo. Nó cho phép bạn công khai những đường link đến các website mà bạn bè và mọi người có thể thấy chúng hữu ích. Vậy nó cũng có thể được sử dụng để mở mang đầu óc của chúng ta, cũng như là của người khác. Bây giờ mặt trái của điều này chính là nó cũng có thể được sử dụng để lan truyền những thông tin không công bằng và khuyến khích sự thù ghét. Đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng, không chỉ với Twitter và mạng xã hội mà với cả Internet nói chung.

Tôi nghĩ rằng có lẽ một trong những thử thách lớn nhất của Internet – là việc có quá nhiều thông tin hiện hữu. Làm sao để chúng ta phân biệt được? Và bất kì ai có một trang web và ai đã từng nghiên cứu về nó đều biết rằng có những thủ thuật để khiến trang web của bạn hiện lên trên top của danh sách trên trang đầu tìm kiếm của Google khi ai đó tìm kiếm một từ. Đó chỉ là thủ thuật mà bạn làm, và vậy nên không có nghĩa là những gì ở trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm là những bài báo hay nhất cho chủ đề cụ thể sau. Và điều này thực sự nghiêm túc. Nếu bạn đánh “Buddhism” vào một công cụ tìm kiếm, như Google, và ôi thần linh ơi, có bao nhiêu triệu bài báo và trang mạng tồn tại? Vậy làm cách nào chúng ta phân biệt trong số tất cả những bài báo và trang mạng đó, bởi vì rất nhiều trong số đó có thể là rác rưởi? Một số thì rất đáng tin; một số lại không.

Vậy nên đầu tiên, từ quan điểm về những gì bạn đăng lên TwitterFacebook…, Phật Giáo dĩ nhiên nhấn mạnh đến việc có một động cơ thích hợp. Động cơ của chúng ta là gì? Động cơ thúc đẩy là một điều thú vị trong Phật Giáo bởi vì nó có hai mặt trong đó. Một là: Mục tiêu của chúng ta là gì? Chúng ta có đang nhắm vào một mục đích nào đó – như trong phần trình bày về lam – rim kinh điển (con đường giác ngộ) – bạn có đang nhắm vào một sự tái sinh tốt đẹp hơn, bạn có đang nhắm vào sự tự do, bạn có đang nhắm vào sự khai sáng? Và mặt thứ hai của động cơ thúc đẩy là: Tại sao? Cảm xúc phía sau điều khiến cho bạn mong muốn đạt được những mục tiêu đó là gì? Nó có phải là sự hy sinh hay không: rằng bạn chán ngấy việc chịu đựng và tái sinh, nên bạn muốn tự do? Nó có phải là lòng trắc ẩn, tình yêu, tâm giác ngộ khiến bạn muốn được khai sáng? Nó có phải là nỗi sợ hãi những cõi thấp và hiểu được rằng có một cách để thoát khỏi khiến bạn nỗ lực cho một lần tái sinh tốt đẹp hơn? Những điều đại loại như vậy. Vì thế nó tồn tại hai mặt. Và rồi điều khá thú vị là (nó không thường được nhắc đến) bạn sẽ làm gì một khi bạn đã đạt được mục đích đó? Tôi nghĩ điều đó cũng là một phần của động cơ. Chúng ta sẽ giúp ích hoặc cố gắng giúp ích người khác nhiều nhất có thể nếu chúng ta hoàn thành được mục đích của tâm giác ngộ. Và vì vậy, với mục đích của việc được khai sáng, tâm giác ngộ mang chúng ta đến đây.

Và do đó nếu chúng ta chuẩn bị đăng điều gì đó lên mạng Internet, dù nó là Twitter, website, bất cứ thứ gì có thể – hoặc chỉ là đăng lên Facebook đến vòng tròn tình bạn của chúng ta – tôi nghĩ rằng động cơ là rất quan trọng. Tại sao tôi lại muốn đặt nó ở đó? Điều gì sẽ đạt được bởi việc kể với mọi người về trưa nay tôi đã ăn gì và rằng tôi thích chúng. Hoặc là tôi đã xem một chương trình ti-vi và nó không được hay cho lắm; tôi không thích nó? Mục đích ở đây là gì? Bạn đang nhắm đến điều gì khi làm những việc này? Và tại sao? Tại sao bạn đăng những điều này lên? Và bởi việc gửi đi thông tin đó, bằng cách nào nó có thể giúp ích cho bất kỳ ai biết được nó? Vậy nên tôi nghĩ những việc này là quan trọng cần được xem xét. Và nếu một ai đó được rèn luyện Phật pháp theo những hướng này thì họ có thể sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng một cách hiệu quả hơn nhiều – với một cách có ý nghĩa hơn nhiều – so với việc chỉ đăng những gì bạn đã ăn vào bữa trưa.

Một lợi ích khác nữa, trong trường hợp này là về Twitter, ví dụ, người ta có thể diễn đạt suy nghĩ của mình mà không cần phải quan tâm về việc liệu những người khác có thích nó hay là không. Facebook: những người khác nói “tôi thích điều này” hay là không. Twitter: không có ai có thể phản hồi lại những gì mà bạn nói. Điều này đặc biệt hữu ích khi người ta cảm thấy nản lòng và tức giận về một những vấn đề nào đó và chỉ muốn giải tỏa những cảm xúc dồn nén của họ với thế giới mà không thực sự muốn đối mặt với những gì mà ai đó nghĩ về họ. Vậy nên mặt trái của điều này là nó có thể cho phép người ta lạm dụng việc trút giận và một lần nữa, thúc đẩy lòng thù ghét và bạo lực.

Vậy nên, một lần nữa, mọi thứ đều phụ thuộc vào động cơ thúc đẩy. Phật Giáo dạy chúng ta phải luôn luôn kiểm tra động cơ của mình trước khi làm hay nói bất cứ điều gì. Hơn nữa, xét về kỹ năng giao tiếp, nó dạy chúng ta phải cố gắng thấu hiểu người nghe và sử dụng những phương tiện khéo léo để mói chuyện với họ. Khéo léo trong các phương pháp là những gì mà nó thực sự hướng tới. khéo léo trong cách thức giao tiếp, trong việc giúp đỡ người khác. Và do đó, một lần nữa, người nghe là rất quan trọng. Và từ ngữ mà chúng ta dùng sẽ ảnh hưởng gì lên người khác nếu như tôi cứ: ” A, tôi quá chán nản với cuộc sống. Nó thật tồi tệ.” và những điều tương tự như vậy? Việc đăng những điều đó sẽ ảnh hưởng gì đến những người khác? Nó có thể khiến chúng ta nhẹ nhõm một chút khi chúng ta có thể thật sự giải tỏa sự chán nản và giận dữ, nhưng chắc chắn là nó không có ích đối vói người khác. Vậy nên đối với rèn luyện Phật pháp, chíng ta quan tâm đến việc người khác sẽ phản ứng như thế nào, chứ không chỉ nghĩ cho bản thân mình và nhu cầu thể hiện bản thân – dù liệu có bất kì ai hứng thú với nó hay là không và liệu có ai đó được lợi hay không.

Một lợi ích khác: Twitter cho phép chúng ta khiến những thông tin mà chúng ta chứng kiến được biết đến ngay lập tức, điều mà có lẽ không được tường thuật lại trên những phương tiện truyền thông khác. Thông qua máy ảnh trên điện thoại di động và Facebook, bạn có thể đăng tải những hình ảnh và video về những sự kiện đang diễn ra. Nên điều này rất hữu ích, đặc biệt trong những môi trường khó khăn nơi đang có chiến tranh, phản động, những thứ tương tự vậy. Hoặc là chỉ đăng những thứ sẽ không bao giờ hiện lên trên bản tin – thường là những sự kiện tốt đẹp hơn là những sự kiện kinh khủng.

Mặt trái là bạn cũng có thể sử dụng phương tiện này để đăng những chuyện tầm phào. Người ta đăng những thứ vớ vẩn nhất, và có thậm chí có thể đi theo chiều hướng khiêu dâm, bạo lực,… Phật Giáo dạy chúng ta nhận thức đúng đắn, và tôi nghĩ điều này là một khía cạnh rất quan trọng trong việc rèn luyện Phật pháp. Và nhận thức đúng đắn không chỉ ở mức độ sâu nhất là phân biệt giữa thực tế và ảo tưởng – điều thực sự là tình thế thế giới, chúng ta tồn tại như thế nào – phân biệt điều đó khỏi phép chiếu gây bối rối của chúng ta, nhưng nó cũng dạy chúng ta trên một mức độ thông thường để phân biệt điều gì và có nghĩa, điều gì là vô nghĩa. Và đây là một kỹ năng rất quan trọng mà chúng ta cần phải bồi dưỡng.

Lợi ích cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến liên quan đến iPod; tất cả mọi thứ về nó. Khá là đáng chú ý tại nhà tôi ở Berlin, khi tôi đi nghe điện ngầm và dễ thấy rằng 80% số người trên xe đeo tai nghe và đang nghe nhạc. Và bất cứ khi nào họ đi bộ trên phố, họ nghe nhạc. Vậy nên nghe nhạc trên iPod dài ngày, phụ thuộc vào thể loại nhạc, có thể giúp cho người ta giữ bình tĩnh khi họ có quá nhiều áp lực. Hoặc khi họ nghe nhạc techno – một loại nhạc cực kì mạnh – có thể khiến cho họ cảm thấy được tiếp thêm sinh lực nếu họ cảm thấy kiệt sức. Vậy nên đây chắc hẳn là một lợi ích. Nhưng mặt bất lợi chính là việc ngăn cản sự suy nghĩ, và nó có thể khá trở ngại trong việc khiến đầu óc trở nên tĩnh lặng.

Rất nhiều người mắc chứng mà chúng ta gọi ở tiếng Đức là “ear worrn”, khi mà nghe một giai điệu hoặc một bài hát thì nó không thể ra khỏi đầu của bạn được, nó cứ lặp đi lặp lại. Và việc liên lục nghe nhạc dĩ nhiên sẽ thực sự ngăn bạn suy nghĩ.

Và một lần nữa nếu người ta cảm thấy rằng “Ồ, nếu tôi có thể suy nghĩ về mọi thứ, tôi sẽ suy nhược mất. Vậy nên tôi không muốn nghĩ gì cả: – điều này thực sự không hề có ích đối với bất kỳ sự phát triển tâm linh nào. Và đầu óc của họ sẽ không bao giờ được yên tĩnh. Để thực sự tiến bộ trong việc phát triển bản thân, chúng ta cần phải làm lắng xuống những tiếng ồn bên trong đầu mình và có được điều gì đó ý nghĩa hơn.

Do đó Phật Giáo dạy chúng ta luyện tập để phát triển tính tự giác. Làm cách nào để phát triển tính tự giác? Một lần nữa bằng việc nghĩ về mặt lợi và mặt hại hành vi của chúng ta, để hy vọng rằng chúng ta chỉ nghe nhạc vào những lúc cần thiết và chỉ phụ thêm cho việc làm dịu đầu óc xuyên suốt quá trình suy ngẫm. Lời dạy về việc phát triển lòng nhiệt tình và tính kiên nhẫn – sự bền bỉ đáng mừng – cho chúng ta biết khi nào cần nghỉ ngơi. Nếu bạn ép bản thân mình quá mức, nó sẽ trở nên khá có hại. Vậy bạn nên biết khi nào cần nghỉ ngơi, nhưng đừng lạm dụng nó, đừng đối xử với bản thân như một đứa trẻ và nghỉ ngơi mọi lúc. Bạn áp dùng một mặt trái – như việc nghỉ giải lao một chút – nhưng bạn nên biết khi nào thì không được áp dụng mặt trái đó.

Vậy nên việc áp dụng điều này không chỉ nên việc nghe nhạc mà còn xem phim, xem DVDs, và những thứ tương tự là rất quan trọng. Phương tiện truyền thông đại chúng này rất gây nghiện, như tôi đã đề cập đến – đèn nhấp nháy và tất cả những thứ như vậy. Do đó như một con vật, chúng ta trở nên bị thôi miên và thật khó để tắt chúng đi. Nhưng có một chiến lược có lẽ sẽ hữu ích, đó là việc thiết lập thời gian giới hạn: Tôi sẽ nghe nhạc, xem ti vi hay lướt web, hay gì cũng được trong vòng nửa giờ hay một khoảng thời gian nào đó. Không quan trọng khoảng thời gian đó là bao nhiêu.

Lời dạy của Phật về đạo đức tự giác thì khá thú vị. Tôi nhớ một lần tranh luận điều này với GesheWangchen (anh ta là gia sư của Ling Rinpoche) và anh ta nói rằng điều quan trọng nhất là việc thiết lập những biên giới. Đối với những người khác nhau thì dĩ nhiên những biên giới cũng hoàn toàn khác nhau. Bởi vì nếu bạn nhìn vào những cuộc tranh luận về những hành vi tiêu cực trên nhiều văn bản bởi những tác giả khác nhau, nó giải thích hoàn toàn khác nhau; giới hạn của những gì là tiêu cực và những gì không thì khác biệt hoàn toàn. Ví dụ, với hành vi tình dục không thích hợp nếu bạn nhìn vào lịch sử của nó, nó được giải thích khá khác nhau trong những văn bản khác nhau. Và điều mà anh ta nói quan trọng đây là phải có những biên giới, để nói rằng “Chừng này thì tôi sẽ làm, nhưng nhiều hơn thì không. Vượt ra ngoài biên giới tôi sẽ không làm.”

Điểm chính là phát triển nhận thức đúng đắn mà nó nói rằng những tình huống nào đó, những điều nào đó̉ là có hại và bất lợi. Tôi chỉ đơn giản là sẽ không làm điều đó, bởi vì nó mang lại những bất lợi. Và nếu chúng ta có thể tạo nên những biên giới như vậy, bất cứ là biên giới gì, và dĩ nhiên lúc bắt đầu hãy thiết lập một biên giới hợp lý vừa phải mà chúng ta có thể duy trì được, và thiết lập nó cho một khoảng thời gian ngắn hơn nếu nó là vấn đề đặc biệt khó đối với chúng ta. Bạn biết đấy: Trong một tuần tôi sẽ không lướt web hay bất cứ điều gì cũng được. không quan trọng đó là điều gì. Điều quan trọng là việc phát triển tính kỷ luật, để sống với những rào cản cụ thể mà một người lập ra. Không được tùy tiện, không phải một luật pháp hay chính sách nào đó áp đặt lên chúng ta, mà dựa trên sự nhận thức đúng đắn của chính chúng rằng có những thứ chỉ gây hại – gây hại đến bản thân tôi, gây hại đến mọi người – và tôi không muốn làm những điều đó: nó chỉ gây phiền phức và rắc rối. Và nếu chúng ta có thể giữ vững những rào cản cụ thể thì bạn có thể khiến chúng càng lúc càng chặt hơn. Bất kể chúng ta đang đối mặt với điều gì, bất kể vấn đề nào mà chúng ta cần phải thiết lập rào cản.

Và điều này rất quan trọng khi chúng ta đối mặt với thứ gì đó rất tiềm ẩn khả năng gây nghiện như là iPods và tin nhắn văn bản, những thứ đại loại như vậy, những thứ đó chắc chắn có lợi – không phải chúng là những điều sai trái, nhưng chúng ta phải biết giới hạn của chúng. Và nếu chúng ta biết giới hạn của chúng và giới hạn việc sử dụng chúng, sử dụng chúng khi thực sự có ích, cố gắng sử dụng chúng theo một cách có ý nghĩa hơn. Ví dụ như là với iPods: nghe những bài giảng về tâm linh, bài giảng của Phật pháp, những thứ như vậy, thay vì chỉ nghe đi nghe lại cùng một loại nhạc và tìm kiếm những loại khác xung quanh.

Vậy đây là những suy nghĩ mà tôi muốn chia sẻ với các bạn về những gì đang xảy ra trên thế giới. Bởi vì nếu chúng ta tham dự vào Phật Giáo và cố gắng làm cho những lời Phật dạy có thể tiếp cận đến người khác – hữu ích và thích đáng với người khác – thì chúng ta cần phải suy nghĩ về những gì đang diễn ra trên thế giới hôm nay. Và thế giới thì thay đổi rất nhanh chóng với truyền thông đại chúng, và nó là điều mà rõ ràng là chúng ta cần phải chú tâm và hiểu bằng cách nào mà Phật Giáo có thể hữu ích trước tiến bộ xã hội này.

Xin cảm ơn.

______________________________________

Truyền thông:
Phương tiện “mềm”,
thế mạnh của Phật Giáo

Minh Thạnh

“Phương tiện cứng” và “Phương tiện mềm”

Khảo sát lịch sử truyền bá các tôn giáo chính trên thế giới, chúng ta có thể chia các phương tiện mà các tôn giáo sử dụng trong việc truyền đạo ra thành hai nhóm chính:

Nhóm các “phương tiện cứng”: Đó là phương tiện bạo lực, chiến tranh tôn giáo, sức mạnh quyền uy, tiền bạc, sức mạnh kinh tế… Các tôn giáo xuất phát từ Trung Đông đều sử dụng đến “phương tiện cứng”. Nhiều tôn giáo có lực lượng vũ trang riêng phục vụ cho việc truyền đạo. Một số tôn giáo xác định rõ trong giáo lý của họ rằng các phương tiện cứng là công cụ để phục vụ việc truyền đạo.

Thực tế, phương tiện cứng vẫn là một phương tiện truyền đạo hiệu quả. Phật giáo bị đẩy ra khỏi tiểu lục địa Ấn Độ cũng vì một tôn giáo khác sử dụng phương tiện cứng trong việc truyền đạo.

Ngày nay, phương tiện cứng dù có hạn chế hơn trong hoạt động truyền đạo, nhưng nó vẫn được sử dụng, và một số tôn giáo vẫn xác định đây là phương tiện chính của tôn giáo họ.

Phật giáo không hề chủ trương sử dụng phương tiện cứng trong hoạt động truyền đạo và trong thực tế chưa hề dùng đến phương tiện này.

Nhóm các “Phương tiện mềm”: Đó là việc truyền bá bằng tư tưởng văn hóa, học thuật, nghệ thuật với một trong các công cụ chính là các phương tiện truyền thông. “Phương tiện mềm” là phương tiện mà Phật giáo sử dụng trong hơn 2500 năm truyền bá của mình.

Khái niệm “phương tiện cứng” và “phương tiện mềm” mà chúng tôi nêu ra ở đây được gợi ý từ khái niệm “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” do học giả Joseph Nye đề xuất đầu tiên. Giáo sư Joseph Nye là hiệu trưởng trường Kennedy School of Government, Đại học Havard, Hoa Kỳ. Theo ông, “sức mạnh cứng” đồng nghĩa với sức mạnh chỉ huy, dựa trên sức mạnh về kinh tế và quân sự. “Sức mạnh mềm” là sức mạnh dựa trên văn hóa, tư tưởng. Joseph Nye vẫn dùng những khái niệm này trong những tác phẩm nghiên cứu lịch sử thế giới của ông.

Từ giữa thế kỷ XX trong hoạt động truyền bá của các tôn giáo, “phương tiện mềm” được chú trọng nhiều hơn, một phần cũng do sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, từ in ấn, xuất bản đến phát thanh, truyền hình…

Về một số kết quả truyền đạo bằng “Phương tiện mềm” trong thế kỷ XX

1. Trường hợp đạo Tin Lành tại Hàn Quốc:

Hàn quốc vốn là một nước Phật giáo. Năm 1950, Hàn Quốc có khoảng 97% dân số theo đạo Phật. Đến thập niên 80, chỉ sau 30 năm, số người theo đạo Phật giảm 1/3, với sự gia tăng tín đồ Tin Lành và Thiên Chúa Giáo lên đến khoảng 30%. Việc gia tăng tín đồ Tin Lành và Thiên Chúa Giáo ở Hàn Quốc diễn ra tập trung ở thành thị. Các phương tiện truyền thông như in ấn, xuất bản báo in, phát thanh truyền hình, v.v… đã TẬP SAN PHÁP LUÂN 89 được các Giáo hội Tin Lành và Thiên Chúa Giáo tận dụng khai thác nhắm vào đối tượng là người dân ở các thành phố, đối tượng có điều kiện tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông hiện tại. Ngày nay, đạo Phật Hàn Quốc chỉ còn lại ở nông thôn, khép kín trong các nghi lễ cúng kiến, ma chay. Phần lớn Phật tử là người già, phụ nữ, nông dân có học vấn thấp. Những nhà hoạt động Phật giáo Hàn Quốc cũng ý thức được về vấn đề, nên bắt đầu quan tâm đến việc khai thác các phương tiện truyền thông hiện đại, chẳng hạn như báo chí, phát thanh… để cố gắng khôi phục Phật giáo Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chương trình truyền thông Phật giáo tại Hàn Quốc vẫn còn nặng về kinh kệ, tán tụng, trong khi các chương trình truyền thông của các tôn giáo mới, đặc biệt là Tin Lành, lại đi sát với các vấn đề xã hội. Các số liệu thống kê cho thấy tín đồ Tin Lành tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục gia tăng mạnh.

2 – Trường hợp đạo Tin Lành ở Châu Mỹ La Tinh:

Theo thống kê đăng trên sách The Clash of Civilization and the remarking of World order, tác giả Sammuel Hungtingson, thì tại Châu Mỹ La Tinh, xứ sở truyền thống của Thiên Chúa Giáo La Mã, số tín đồ đạo Tin Lành tăng từ khoảng 7 triệu người năm 1960 lên 50 triệu người năm 1990. Đặc biệt, “chất lượng” tín đồ Tin Lành ở Châu Mỹ La Tinh cũng gia tăng, thí dụ ở Brazil đầu những năm 90 thế kỷ trước có 20% dân số theo đạo Tin Lành , 73% theo Thiên Chúa Giáo, nhưng vào chủ nhật thì lại có khoảng 20 triệu người đến nhà thờ Tin Lành, trong khi chỉ có 12 triệu người đến nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Lý giải về nguyên nhân của sự việc này, tác phẩm dẫn trên cho biết: “Các phong trào tôn giáo bao gồm cả những phong trào chính thống sử dụng rất thông thạo các kỹ thuật thông tin và tổ chức hiện đại để truyền bá thông điệp của họ, mà được minh họa rõ nét nhất là sự thành công của việc truyền đạo Tin Lành qua TV ở Trung Mỹ” (M.T. nhấn mạnh).

3. Trường hợp Chính Thống giáo ở Nga từ sau 1991.

Cũng theo số liệu của tác phẩm trên, năm 1994, 30% số thanh niên Nga tuổi dưới 25 đã chuyển sang là tín đồ của đạo Chính Thống Nga. Số nhà thờ Chính Thống ở Moskva tăng từ 50 năm 1988 lên 250 vào năm 1993.

Nếu nhìn từ phương thức truyền đạo để lý giải thành quả truyền đạo của nhà thờ Chính Thống Nga thì có thể ghi nhận việc Giáo Hội Chính Thống Nga đã khéo léo khai thác sự ưu đãi của các hệ thống truyền hình ở Nga, dựa trên tình cảm đặc biệt của Tổng Thống Nga lúc bấy giờ là ông Yeltsin và của Duma Quốc gia Nga (Hạ Viện Nga) dành cho Chính Thống Giáo. Các buổi lễ của nhà thờ Chính Thống thường xuyên được đưa lên truyền hình, các tu sĩ đạo Chính Thống được tạo điều kiện thường xuyên xuất hiện trước ống kính TV và các chương trình truyền hình về văn hóa Nga thì được xây dựng với nội dung gắn liền với truyền thống đạo Chính Thống Nga…

4. Trường hợp Phật giáo tại Châu Âu và Bắc Mỹ:

Đạo Phật truyền bá thành công sang Châu Âu và Bắc Mỹ trong giai đoạn cuối thể kỷ XX một phần nhờ vào phim ảnh, xuất bản phẩm, báo chí và nhờ trang web Phật học từ sau 1990. Chùa Phật giáo dành cho tín đồ Âu Mỹ tuy có tăng, nhưng không thể so sánh với số Phật tử Âu Mỹ hành đạo tại gia, tu tập theo kinh sách gia tăng “đại nhảy vọt”. Có kết quả này, không gì khác hơn là nhờ vào các “phương tiện mềm”, mà trong đó truyền thông đóng vai trò quan trọng.

5. Trường hợp Phật giáo tại lãnh thổ Đài Loan:

Từ sau 1950, các giáo hội Tin Lành, đặc biệt là những giáo hội xuất phát từ Hoa Kỳ, và Giáo hội Thiên chúa La Mã, đã tổ chức nhiều “chiến dịch” truyền đạo với quy mô lớn tại lãnh thổ Đài Loan, tương tự những gì mà các giáo hội này đã làm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn là một xứ sở Phật giáo. Điều đã diễn ra ở Hàn Quốc đã không diễn ra ở Đài Loan. Tỷ lệ tín đồ Tin Lành và Thiên chúa La Mã so với tổng dân số Đài Loan vẫn không tăng. Đó là nhờ các nhà lãnh đạo Phật giáo Đài Loan đã sớm nhận thức được vai trò của các phương tiện truyền thông trong hoạt động hoằng pháp và huy động được tổng lực các “phương tiện mềm”, đặc biệt là phát thanh và truyền hình. Ngày nay, mục tiêu của đài truyền hình Phật giáo BLTV (thuộc Giáo hội Phật giáo Phật Quang Sơn, Đài Loan) đang nhắm đến mục tiêu khôi phục và chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa Đại Lục bằng việc sử dụng công nghệ truyền hình vệ tinh kỹ thuật số, một trong những công nghệ truyền hình hiện đại nhất hiện nay, phát hình toàn Trung Hoa và Châu Á, Châu Đại Dương, Bắc Mỹ.

“Phương tiện mềm” – Thế mạnh của Phật giáo

Phật giáo chúng ta đã không hề và không bao giờ sử dụng đến bạo lực, quyền uy, sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế để truyền đạo. Như vậy, chúng ta chỉ có “phương tiện mềm”. Đây là phương tiện duy nhất và là phương tiện sở trường của chúng ta. Nếu không ý thức về điều này, chúng ta sẽ không còn phương tiện nào cả để truyền đạo. Nếu như thế, Phật giáo sẽ như một ngọn đèn tắt dần. Một tôn giáo chỉ thực sự tồn tại khi nó còn truyền đạo, và truyền thông là công cụ sống còn của Phật giáo chúng ta. Ưu thế về sự thâm sâu của tư tưởng, về giá trị quan điểm nhân sinh của Phật giáo chỉ phát huy tác dụng khi nó được truyền bá đến với tất cả mọi người, nghĩa là khi triệt để khai thác “phương tiện mềm”. Bỏ quên phương tiện này, chúng ta sẽ hầu như không còn gì cả.

“Phương tiện mềm”, đó là hoạt động xuất bản, báo chí, diễn giảng như trước nay chúng ta vẫn làm và đó còn là phát thanh, truyền hình, internet, những phương tiện chỉ mới phổ biến trong vài chục năm nay. Không kịp thời nắm lấy những cộng cụ hiện đại và đắc dụng thuộc “phương tiện mềm” này, Phật giáo Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn như Phật giáo Hàn Quốc đã gặp phải trong những thập niên trước, mà bây giờ việc đối phó không còn kịp nữa.

______________________________________

Phụ bản

Nguyên lý hòa bình trong Phật giáo Đại thừa
Thế giới yêu cầu gì về phía chúng ta
Mối quan hệ giữa phật giáo và sự thiết lập hoà bình thế giới
Xây dựng thanh bình trong cuộc sống
Gieo hạt giống phòng chống tự tử cho tuổi teen
Đem chánh niệm và tình thương vào nhà tù tiểu bang california

______________________________________

Nguyên lý hòa bình
trong Phật giáo Đại thừa

Thích Đồng Thành

Đã từ lâu, vấn đề vai trò của tôn giáo trong việc kiến tạo và bảo vệ nền hòa bình thế giới đã thu hút sự quan tâm không chỉ của giới chính khách mà hầu như của tất cả những ai đang ưu tư đến sự an ninh của toàn cầu. Kể từ Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình thế giới được tổ chức lần đầu tiên tại Kyoto, Nhật Bản vào tháng 10 – 1970, qui tụ 250 đại biểu từ 39 quốc gia đại diện cho mười tôn giáo chính trên thế giới, đã xuất hiện những thay đổi rất có ý nghĩa trong cộng đồng các tôn giáo trong nỗ lực tìm kiếm những giải pháp thỏa đáng cho những vấn đề lớn, từ lĩnh vực chính trị cho đến tín ngưỡng và xã hội.

Mặc dầu các tôn giáo đều có những quan điểm và đường hướng khác nhau về nhân sinh quan và vũ trụ quan, nhưng tất cả đều quan tâm đến một môi trường cộng sinh hài hòa giữa họ với nhau, vì tất cả đều ý thức rằng một khi sự quân bình nhận thức giữa các cộng đồng tôn giáo bị phá vỡ, mâu thuẫn và xung đột tất yếu sẽ xảy ra. Tuy mang những sắc thái tín ngưỡng đặc thù, mỗi tôn giáo đều có những điểm tích cực có thể đóng góp cho nền an ninh toàn cầu. Do đó, việc nghiên cứu, áp dụng những ưu điểm này sẽ mở ra một chân trời mới cho vấn đề hòa bình của nhân loại. Truyền thống Phật giáo Đại thừa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong các sinh hoạt xã hội tại nhiều quốc gia Á châu trong suốt hàng nghìn năm qua. Vai trò của Phật giáo Đại thừa đối với các quốc gia đó được thể hiện qua sự đóng góp của truyền thống này trong việc chuyển hóa cá nhân và cộng đồng, cũng như trong công cuộc kiến thiết những hình thái văn hóa và chính trị tiến bộ của mỗi dân tộc. Để phần nào hiểu rõ những đóng góp này, chúng ta cùng tìm hiểu quan điểm của truyền thống này về sự tương hệ giữa việc tu tập tâm linh đối với nền hòa bình cũng như những tư tưởng căn bản mà truyền thống này có thể cung hiến cho việc giữ gìn nền hòa bình cho nhân loại hôm nay.

Nói đến đạo Phật là nói đến một truyền thống tâm linh hướng đến sự giác ngộ và giải thoát được truyền thừa suốt nhiều thiên niên kỷ qua. Quan điểm của Phật giáo về vai trò của đời sống tâm linh được thể hiện ngay trong ước nguyện chân thành của Thái tử Tất – đạt – đa khi Ngài quyết định từ bỏ mọi danh vọng cao tột của chính mình để sống cuộc đời thanh đạm của một người xuất gia, hầu tìm đến niềm an lạc đích thực trong đời sống tâm linh. Giữa hai con đường: quyền lực thế tục và sự chuyển hóa tâm linh, Ngài đã chọn con đường thứ hai và chính sự quyết định này đã khiến Ngài trở thành một trong những vị thầy tâm linh khả kính nhất trong lịch sử tôn giáo của nhân loại.

Phật giáo cho rằng tất cả những mâu thuẫn, nội kết, xung đột trong phạm vi cá nhân hay xã hội đều được phát sinh từ ba độc tố trong tâm thức, đó là tham, sân, và si. Những bạo động, chiến tranh chẳng qua chỉ là biểu hiện bên ngoài của những loại phiền não này. Mâu thuẫn của cá nhân hay cộng đồng thường phát sinh từ sự tham cầu dục lạc, danh vọng, quyền lực kinh tế và chính trị cho cá nhân và tập thể. Chính vì thế, kinh điển thường gọi thế giới này là dục giới (Kāma – loka), tức thế giới được tạo thành từ tham ái, dục lạc. Kinh Vô lượng môn đà – la – ni cũng nói rằng: “Bất cứ nơi nào xảy ra mâu thuẫn trong chúng sanh, thì ý niệm sở hữu là nguyên nhân.” Mặt khác, chính sự cố chấp vào những tà kiến và những giáo điều cực đoan cũng dẫn đến các cuộc chiến tranh tôn giáo và ý thức hệ. Điều này đã được đức Phật cảnh báo trong kinh Phạm võng (Trường bộ I). Sự đắm chấp vào ý niệm ngã và ngã sở trong tư duy cũng như trong hành động cũng chính là nguyên nhân khác dẫn đến mâu thuẫn và bạo động. Từ nhận thức trên, Phật giáo cho rằng muốn giải quyết các mâu thuẫn, chiến tranh trong phạm vi cá nhân và xã hội, con người cần phải chuyển hóa nghiệp thức của chính mình qua sự tu tập thiền định. Thiền định có công năng giúp cho hành giả hóa giải những nội kết, chuyển hóa sân hận, si mê thành lòng từ ái, bao dung, cảm thông và hiểu biết chân chính. Đức Phật cũng luôn nhắc nhở các đệ tử của mình rằng hận thù không thể dập tắt được hận thù mà chỉ có lòng từ mới có thể chuyển hóa được tâm thù hận (kệ Pháp cú 223). Ngài còn dạy rằng trong số những chiến công của con người, chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất (kệ Pháp cú 103). Như thế, theo Phật giáo, hòa bình không chỉ có được qua những chính sách ngoại giao và thương thảo hài hòa giữa các chủng tộc, các quốc gia, mà sự tu tập và chuyển hóa tâm linh, đặc biệt là việc tu tập thiền định cũng góp phần mang lại nền hòa bình cho nhân loại.

Truyền thống Phật giáo Đại thừa luôn đề cao lý tưởng Bồ – tát với việc thực hành sáu pháp ba – la – mật. Kinh điển Bát – nhã thường xem Bát – nhã ba – la – mật là nhân tố tối quan trọng có ảnh hưởng đến năm pháp ba – la – mật còn lại. Nếu như thiếu đi trí huệ, các pháp còn lại cũng ví như năm người mù đang lang thang trên những nẻo đường vô định. Bát – nhã cũng mang những đặc tính siêu việt của Phật quả, như chánh giác (saṁbodhi), biến tri (sarvajñatā), như thị (tathatā)… Vì Bát – nhã có công năng giúp hành giả thấy được tánh Như thị (yathābhūtatā) của các pháp, nên pháp ba – la – mật này được xem là mục tiêu của sự thành tựu tối thượng trong Phật giáo Đại thừa.

Như chúng ta đã biết, một trong những nguyên nhân gây ra nội chiến cũng như thế chiến chính là vấn đề ý thức hệ. Một khi con người còn mang nhận thức lầm lạc rằng ý thức hệ là nguyên lý tối hậu có tính cách quyết định, cấu thành, và chi phối xã hội thì họ dễ chạy theo những giáo điều mù quáng. Chính sự cố chấp vào những hình thái ý thức hệ khác biệt đó, họ sẵn sàng chống đối và đấu tranh nhau. Chỉ khi nào có được chánh kiến và chánh trí, con người mới có thể phá bỏ những rào chắn của thành kiến và ngục tù của vô minh. Bàn về điều này, giáo sư H. Nakamura cho rằng: “Ý thức hệ chỉ đơn thuần là một phương pháp để chuyển tải một điều gì đó mang tính tuyệt đối. Vì rằng sự tuyệt đối đó giống như là ‘không’ nên nó không thể được diễn tả chính xác bằng ngôn từ. Do vậy, để giúp con người có thể hiểu thêm về sự tuyệt đối đó, triết học và ý thức hệ đã ra đời. Dầu rằng không hoàn hảo lắm, nhưng những hình thái triết học và ý thức hệ này cũng chứa đựng phần nào chân lý của cuộc đời. Nếu hiểu được điều này, người ta sẽ không còn chém giết nhau để bảo vệ tính tuyệt đối trong lối tư duy của họ.” Phật giáo xem sự cố chấp cũng như những nhận thức lầm lạc về bản chất của ý thức hệ như thế thực ra chỉ là một hình thức của tà kiến và vô minh. Chỉ khi nào hiểu rõ được nguyên lý nhị đế (chân lý tương đối và tuyệt đối) bằng trí Bát – nhã, con người sẽ không còn bị chi phối bởi tà kiến trên.

Học thuyết xã hội của Phật giáo Đại thừa được hình thành trên nền tảng lý thuyết của tư tưởng Bát – nhã và tinh thần thực tiễn của giáo lý từ bi. Hai phẩm tính này chính là những cột trụ chính của Phật giáo. Chúng được ví như đôi cánh của một con chim hay hai bánh xe của một cỗ xe kéo. Thiếu đi một trong hai phẩm tính này, chỉnh thể Đại thừa mất đi tính toàn hảo của nó. Lòng bi mẫn không giống như tình thương cảm tính bình thường bởi lẽ nó luôn mang tính vô vị kỷ và xả ly. Mục tiêu chính của tâm bi hướng đến trạng thái khổ đau của tha nhân và làm sao để chia sẻ nỗi khổ của họ. Trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận, ngài Vô Trước giải thích rằng: “Khi quán chiếu sự khổ đau của chúng sanh, bậc Bồ – tát thường khởi tâm bi mẫn và cùng chia sẻ nổi khổ đó. Và vì cùng chia sẻ như thế, bậc Bồ – tát cũng phải gánh chịu nỗi khổ này. Tuy nhiên, nỗi khổ của vị ấy sẽ chuyển hóa thành niềm vui vì rằng ngay khi đối mặt với nỗi khổ đó, nhờ vào trí Bát – nhã, vị ấy liền nhận rõ thực tánh của những tướng trạng khổ đau này. Song mặc dầu bản thân không còn bị khổ đau chi phối, bậc Bồ – tát chỉ cảm thấy an vui khi biết rằng những chúng sanh khác được an lạc thật sự”. Như thế, xét cả hai phương diện lý thuyết và thức tiễn, tinh thần Phật giáo Đại thừa không chỉ chú trọng đến niềm hạnh phúc của hành giả, mà còn hướng đến niềm hạnh phúc của tha nhân.

Hòa bình là khát vọng muôn đời của loài người. Trong đạo Phật, sự tịch tĩnh, an bình là một trong những đặc tính của trạng thái Niết – bàn. Đó cũng là yếu tính trong tâm thức của một hành giả Đại thừa. Dầu rằng trạng thái an tịnh nội tâm của một hành giả và tinh thần hòa bình của cộng đồng xã hội bên ngoài là hai phạm trù khác biệt, nhưng chúng lại có sự tương quan mật thiết với nhau. Những sứ giả của hòa bình hay các nhà lãnh đạo quốc gia chân chính luôn phải đối mặt với biết bao thế lực bạo động, thù địch. Nếu họ được trau dồi và trang bị phẩm chất định tĩnh nội tâm thì không những họ có thể tìm ra những phương thức hữu hiệu để giải quyết những cuộc xung đột, bạo động, hay chiến tranh, mà ngay bản thân họ cũng không phải chịu đựng những áp lực nặng nề từ tác nhân ngoại tại. Thánh Đức Thái tử (574 – 622) được xem là hiện thân của Chuyển Luân Thánh Vương trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản. Chính ông đã thể hiện một nhân cách lý tưởng cho tinh thần đoàn kết dân tộc của Nhật và được xem là người đã kiến thiết nền văn minh Nhật Bản qua việc biên soạn bộ hiến pháp đầu tiên của đất nước này. Người dân Nhật luôn tôn kính và ngưỡng mộ ông bởi nhân cách cao thượng trước bao nghịch cảnh cũng như tinh thần hy sinh của ông. Thánh Đức Thái tử đã viết sớ giải cho ba bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, đó là kinh Thắng man, Duy – ma, và Pháp hoa. Hai bộ kinh đầu nhấn mạnh đến tư tưởng cũng như triết lý sống lý tưởng của hàng cư sỹ, trong khi nhiều phẩm trong bộ kinh thứ ba đề cao nhân cách, sự nghiệp, và sự thành tựu của người cư sỹ ở những vị thế khác nhau. Hẳn nhiên, khi chọn ba bộ kinh trên để viết sớ giải, Thánh Đức Thái tử muốn đề cao sự thành tựu cao tột của người Phật tử trong khi vẫn sống đời thế tục. Bên cạnh đó, ông cũng muốn đề cao những hành động vị tha của hàng Phật tử và xem đó như là phương thức áp dụng hữu hiệu những lời dạy của đức Phật vào thực tiễn xã hội. Triết lý xã hội của Phật giáo Đại thừa đã hun đúc nhân cách của Thánh Đức Thái tử, hành động cuối đời của ông đã góp phần chấm dứt nội chiến, thống nhất quốc gia, và thiết lập một kỷ nguyên hòa bình mới cho dân tộc Nhật.

Giáo lý từ bi vừa là tư tưởng nền tảng của Phật giáo vừa là nguyên lý căn bản của chủ nghĩa hòa bình trong truyền thống Đại thừa. Nền hòa bình bền vững chỉ có thể xác lập ở những nơi nào mà tinh thần từ bi của nhà lãnh đạo được thể hiện một cách chân thực và trọn vẹn. Một nhà cầm quyền lý tưởng là người biết kính thờ tổ tiên, tôn quý chánh pháp, phụng sự dân chúng, bảo vệ đất nước, không xâm lấn các nước lân bang. Nhà cầm quyền còn có thể xây dựng quốc gia mình thịnh vượng và an bình bằng chính sách ngoại giao khôn khéo và sự quan hệ hòa hiếu với các quốc gia khác. Trong kinh điển Đại thừa, Chuyển Luân Thánh Vương, một mẫu nhà lãnh đạo lý tưởng, không hề dùng bạo lực để uy hiếp dân chúng, không làm tổn hại đến muôn dân, luôn xa lánh vũ khí. Chuyển Luân Thánh Vương nhiếp phục các quốc gia khác bằng uy đức của mình. Vua chúa và dân chúng tại các quốc gia bị thần phục vẫn sống bình yên và gắn bó với các nước khác. Như thế sự thành công của một nhà lãnh đạo không chỉ phát xuất từ tài năng, kiến thức, và sự nhiệt tâm, mà còn từ đức hạnh, và đặc biệt là lòng từ ái của vị ấy. Chính tâm từ bi sẽ giúp cho nhà lãnh đạo cai trị muôn dân trong thanh bình và nhiếp phục được tinh thần hiếu chiến của kẻ thù ngoại bang. Vào thế kỷ V TL, khi Cầu – na – bạt – ma, một Cao tăng Ấn Độ đến xứ Java truyền đạo. Bằng đức độ của mình, ngài Bạt – ma đã hóa độ Hoàng thái hậu, nhà vua và rất nhiều người dân xứ ấy theo đạo Phật. Lúc ấy ngoại bang tiến đánh xứ này, nhà vua bèn thưa lên với ngài Bạt – ma rằng: “Nay giặc ngoại xâm đem quân xâm chiếm biên cương, nếu trẫm đem quân đánh trả thì gây thương vong rất nhiều, bằng như không kháng cự, thì nước mất nhà tan, nay tôn sư có kế sách gì chăng?” Ngài Bạt – ma bèn đáp: “Giặc bạo tàn gây chiến thì ắt phải đánh trả, nhưng phải khởi tâm bi mẫn, chớ nên sanh niệm hại.” Vua vâng theo lời dạy ấy liền tự mình đem quân đánh trả. Vừa khi trống trận của quân Java nổi lên, kẻ thù bỗng nhiên hoảng sợ, vội rút lui. Nhiều văn bản Đại thừa thường nhấn mạnh vai trò của các nhà lãnh đạo quốc gia trong nhiệm vụ chống quân ngoại xâm, giữ gìn sự thanh bình của quốc gia mình. Một khi kẻ thù xâm lược, nhà lãnh đạo phải làm trọn bổn phận bảo vệ bờ cõi. Ngoài ra nhà lãnh đạo cần phải cảnh giác khi kẻ thù lợi dụng thiện chí hòa bình của mình, cần phải biết đâu là nguyên nhân của những cuộc nổi loạn trong đất nước mình. Khi kẻ thù không chịu thương thảo, nhà lãnh đạo buộc phải cầm quân giữ gìn đất nước.

Nguyên lý hòa bình của Phật giáo Đại thừa còn được hình thành trên nền tảng của giới luật của các hành giả Đại thừa, đó là Bồ – tát giới. Giới luật Phật giáo khuyến hóa các hành giả tránh xa các hành vi mang tính bạo động và chiến tranh. Không sát sanh được xem là một giới điều tối quan trọng trong tất cả các truyền thống của Phật giáo. Theo kinh Phạm võng Bồ – tát giới, ngoài giới trọng không sát sanh bằng bất cứ hình thức gì, ở bất cứ nơi đâu, hay vào bất cứ lúc nào, hành giả Bồ – tát còn phải vâng giữ các giới khinh như không cất chứa, không buôn bán những khí cụ sát sanh hay các loại vũ khí giết người, cho đến không đi sứ làm môi giới, khiến cho chiến tranh giữa các quốc gia nổ ra. Luận Du già sư địa nói rằng; nếu các hành giả Bồ – tát nuôi lớn những hạt giống phẫn nộ, sân hận, dần dần khiến cho không chỉ miệng nói lời thô tục, mà thân còn dùng dao, gậy hại đến người khác, thì những hành giả đó đã tự hủy hoại hạnh nghiệp tu tập của mình. Kinh Đại Bát – nhã cũng nói rằng Bồ – tát giới được gọi là vô tướng giới ba – la – mật. Hành giả an trú trong vô tướng giới này mà hành trì các phẩm loại giới khác nhau như: danh tự giới, tự nhiên giới, luật nghi giới, tác giới, vô tác giới, v.v… Vì biết rằng tất cả pháp chỉ có một tướng duy nhất, đó là vô tướng, nên dầu hành trì các phẩm loại giới như trên hành giả không hề phát nguyện do nhân duyên trì giới này mà được sanh vào các chủng tộc cao thượng, dòng họ quyền quý, cũng không cầu chứng các quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, mà chỉ mong an trú vào cảnh giới Bồ – tát, phụng sự, cúng dường chư Phật, làm lợi ích cho các loài hữu tình chúng sanh. Bồ – tát giới biểu trưng cho tinh thần vị tha của Phật giáo Đại thừa, là động cơ để giới tử phát khởi Bồ – đề tâm cao quý, là nhân tố để chuyển hóa nhân gian vốn vô thường và khổ đau. Theo luận sư Tông – khách – ba (Tsong – kha – pa), hành giả thọ trì giới không phải chỉ vì sợ thọ thân trong cảnh giới thấp hèn hay mong muốn được sanh vào cảnh giới tốt đẹp hơn, mà còn vì để mang lại sự an bình cho tất cả chúng sanh. Như thế, điểm nổi bật của Bồ – tát giới là tinh thần vô trụ, vô trước, và vị tha. Hành giả thọ trì Bồ – tát giới là để tận dụng mọi khả năng tự nội của mình xây dựng một xã hội thanh bình và tiến bộ hơn. Hành Bồ – tát giới cũng chính là một nhân tố thiết yếu để mang lại hòa bình cho xã hội.

Theo truyền thống Đại thừa, tinh thần vị tha được đề cao triệt để vì rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật. Hình ảnh và lời xưng tán của Bồ – tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp hoa được xem như là thông điệp quý báu nhằm nhắc nhở mọi người về khả năng vốn có của mình. Chính vì nhận thấy khả năng phi thường đó trong mỗi chúng sanh, nên trong mỗi niệm, mỗi hành vi của hành giả Bồ – tát luôn luôn mang chất liệu vị tha. Trong bốn lời thệ nguyện sâu rộng của Bồ – tát đạo, lời thệ nguyện độ khắp chúng sanh được phát khởi trước tiên. Điều này cũng phần nào nói lên được Phật giáo Đại thừa luôn đề cao sứ mạng chuyển hóa xã hội và đây cũng chính là điểm đặc biệt của truyền thống này. Nhưng để thể hiện tinh thần vị tha một cách thiết thực và trọn vẹn, hành giả Bồ – tát phải dùng đến pháp phương tiện. Trên bình diện chung, Phật giáo đề cao tinh thần bất bạo động và vô hại. Nhưng trong những trường hợp bất khả kháng việc dùng đến bạo động được xem là cần thiết và thích hợp. Kinh Phương tiện thiện xảo có ghi lại rằng, trong một kiếp quá khứ, khi đức Phật còn hành Bồ – tát hạnh, ngài đã từng giết một tên cướp để cứu 500 thương gia. Lúc ấy Bồ – tát nghĩ rằng nếu báo cho các thương gia hay ý đồ của tên cướp, các thương gia sẽ nổi giận và giết tên cướp kia. Như thế họ sẽ không giữ trọn Bồ – tát nguyện và gây tạo ác nghiệp. Còn nếu Bồ – tát im lặng thì tên cướp cũng sẽ gây tội ác và đọa địa ngục. Nhờ quán chiếu rằng nếu tên cướp không giết người mà qua đời thì hắn sẽ được sanh lên cõi trời, Bồ – tát quyết định giết hắn. Câu chuyện này cho thấy tính linh động của giới luật trong truyền thống Đại thừa. Mặc dầu phạm giới sát, nhưng vị Bồ – tát kia vẫn chưa tạo trọng nghiệp vì hành vi của vị ấy phát xuất từ động cơ tích cực và tấm lòng lân mẫn.

Khi bàn đến triết lý xã hội của Phật giáo, chúng ta không thể không nói đến nguyên lý duyên khởi, một trong những nét đặc thù trong triết học Phật giáo. Nguyên lý này đã được trình bày khá chi tiết trong truyền thống Phật giáo nguyên thủy, nhưng đến giai đoạn Đại thừa, nó được diễn dịch rộng hơn, theo những quan điểm mới mẻ hơn. Một trong những quan điểm đó là triết lý “nhất niệm tam thiên” do đại sư Trí Khải của tông Thiên Thai đề xuất dựa trên giáo lý Thập như thị của Pháp hoa và tư tưởng pháp giới trong kinh Hoa nghiêm. Triết lý nhất niệm tam thiên (một niệm bao hàm cả ba ngàn thế giới) này được trình bày trong Ma – ha chỉ quán như sau: “Tâm vốn hàm đủ mười pháp giới (Phật, Bồ – tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Thiên, A – tu – la, nhân, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), mỗi pháp giới cũng có đủ mười pháp giới nên thành ra trăm pháp giới. Cứ mỗi cảnh giới lại có đầy đủ ba mươi chủng loại thế gian (gồm thập như thị và ba chủng tánh: chúng sanh (chánh báo), không gian (y báo) và uẩn xứ (năm uẩn), thành ra ba mươi chủng loại). Như vậy trăm pháp giới trên có đủ ba ngàn chủng thế gian. Ba ngàn chủng thế gian này vốn lại gồm thâu trong một niệm”. Theo ngài Trí Khải, bản tánh nguyên sơ của chúng sanh vốn là thanh tịnh, tất cả pháp chỉ là hiện khởi của một niệm đơn lẻ, và niệm ấy vốn đồng đẳng với chư Phật, Bồ – tát, và chúng sanh. Không một niệm nào mà không hàm chứa cả mười pháp giới, do đó ba ngàn pháp giới trên chỉ hàm tàng trong một niệm. Khái niệm nhất niệm tam thiên này là một nguyên lý quan trọng trong vũ trụ quan Phật giáo, vì nó cho thấy rằng chỉ một niệm khởi lên trong tâm thức của một cá nhân đơn lẻ cũng có ảnh hưởng đến hàng ngàn thế giới của loài hữu tình. Cũng thế, mỗi niệm từ ái, an tịnh của mỗi người cũng có ảnh hưởng rất ý nghĩa đến nền hòa bình thế giới. Pháp sư Nikkyō Niwano, nhà sáng lập hội Rissho Kosei – kai (Lập Chánh Giáo Thành Hội), một tổ chức Phật giáo hoạt động trên nền tảng đạo đức của kinh Pháp hoa, cho rằng kinh Pháp Hoa mang thông điệp hòa bình của Phật giáo, do vậy chúng ta có thể tìm thấy vô số lời dạy về hòa bình trong bộ kinh này. Ông còn cho rằng lòng nhân ái chính là khởi điểm của hòa bình và hòa bình được xây dựng bền vững trên tinh thần từ bi vô vị kỷ của hành giả Bồ – tát. Theo ông, với nguyên lý nhất niệm tam thiên, con người có thể thay đổi môi trường thế giới theo bất cứ chiều hướng nào, và đây chính là nguyên lý để xây dựng một nền hòa bình đích thực cho thế giới.

 Nói đến một thế giới thanh bình, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến cảnh giới Tịnh độ được diễn tả trong kinh A – di – đà. Theo bản kinh này, Tịnh độ cảnh giới thù thắng trang nghiêm, không có các cảnh bạo động khổ đau, về vật chất thì sung túc, tráng lệ, về tinh thần thì luôn có đầy đủ thuận duyên để tu tập. Sự thành tựu đại nguyện của Bồ – tát Pháp Tạng và phương pháp trì niệm danh hiệu của đức Phật có hào quang vô lượng và thọ mạng vô biên đã nói lên đường hướng của truyền thống này trong việc thiết lập một thế giới an lành và hạnh phúc cho vô lượng chúng sanh. Phương pháp trì niệm danh hiệu của đức Phật A – di – đà vừa giúp hành giả tạo duyên lành để sanh về cảnh giới của Ngài, nhưng nó cũng giúp cho tâm của hành giả thuần thục, an tịnh, và luôn an trú trong trạng thái tự tại, an vui. Thuật ngữ Tịnh độ không phải chỉ cho cảnh giới mà hành giả của truyền thống này muốn được sanh về, mà nó còn chỉ cho một trạng thái an bình, thanh tĩnh trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Trong Thập trụ tỳ bà sa luận, ngài Long Thọ giải thích rằng Tịnh độ là cảnh giới không cấu uế. Cấu uế ở đây là chỉ cho độc tố của chúng sanh và nghiệp báo của họ. Khi đã trực nhận được tánh không, độc tố này sẽ chuyển hóa thành công đức. Như thế, theo ngài, Tịnh độ chính là tánh không, và tánh không đó được diễn tả bằng ngôn ngữ như là một cảnh giới công đức vô lượng của những chúng sanh thanh tịnh. Đối với các đại sư và hành giả Tịnh độ, niệm Phật là phương pháp để từng bước điều phục, chuyển hóa tâm thức hành giả từ động đến tĩnh, từ mê đến giác. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ (904 – 975) cho rằng niệm Phật là một quá trình tịnh hóa tâm để từ đó cảnh giới Tịnh độ được hiển lộ trong hành giả. Ngài cũng dạy rằng nếp sống đạo đức là một phần của quá trình này. Cùng cách lý giải này, kinh Duy – ma – cật sở thuyết cũng nói rằng: “Bồ – tát muốn nghiêm tịnh quốc độ Phật, thì trước phải nghiêm tịnh tâm mình, một khi tâm tịnh thì quốc độ Phật cũng được thanh tịnh.” Những lời dạy trên đã phần nào thể hiện tính thiết thực của giáo lý Tịnh độ đối với vấn đề hòa bình thế giới. Thứ nhất, Tịnh độ không phải là sự xinh đẹp, thanh tịnh của bề mặt trái đất do tác động của phương tiện ngoại tại, mà nó chỉ cho sự chuyển hóa, hay nói đúng hơn là sự tịnh hóa nội tâm; Tịnh độ không phải là cảnh giới nào xa xôi, một khi tâm hành giả được thuần tịnh, thì trú xứ của vị ấy cũng nhờ đó mà thanh tịnh. Vì thế khái niệm tịnh, uế của thế gian vốn xuất hiện trong tâm, chứ không phải trên đất đai, thế giới. Ngoài ra, khi đã an trú trong cảnh giới Tịnh độ, mọi ý niệm phân biệt, vọng chấp đều tan biến. Như thế, nếu nhận ra tính tương quan giữa tâm và cảnh, y báo và chánh báo trên, con người sẽ hiểu biết hơn, ý thức hơn trách nhiệm của họ trong việc kiến tạo một thế giới thanh bình và an lạc hơn.

Những nội kết cá nhân cùng những biến động, mâu thuẫn trong phạm vi tập thể, cộng đồng, quốc gia, và rộng ra trong phạm vi quốc tế đã thể hiện những điểm tiêu cực và giới hạn của các chính sách ngoại giao thế tục. Trong bối cảnh như thế, vai trò của tôn giáo càng được nhìn nhận và đề cao hơn. Lý tưởng Bồ – tát trong truyền thống Đại thừa thực sự đã thiết lập một cơ sở nhận thức đúng đắn cho khát vọng xây dựng một thế giới thanh bình và vị tha của nhân loại. Cơ sở nhận thức này bao gồm ba yếu điểm như sau: 1) Hạnh phúc hay khổ đau của muôn loài chúng sanh không do một thượng đế hoang tưởng nào đặt để, mà do chính chúng sanh quyết định; 2) Trên cơ sở của giáo lý nhân quả, nghiệp báo, hòa bình được kiến lập chỉ khi nào mỗi và mọi chúng sanh biết tu tập để chuyển hóa nghiệp thức của mình; 3) Khả năng thành tựu giác ngộ, trí giác, và tâm từ bi vốn có trong mỗi chúng sanh là nhân tố thiết yếu để biến ước mơ về một viễn cảnh hòa bình thế giới trở thành hiện thực. Quả là một điều sai lầm nếu ai đó cho rằng việc kiến thiết một thế giới thanh bình chỉ là điều hoang tưởng. Nhưng sự hoang tưởng này sẽ là sự thật nếu con người hôm nay dầu có kiến thức sâu rộng, nội lực dồi dào, đầy đủ lòng nhiệt huyết, và phương thức đúng đắn, nhưng lại thiếu đi tâm từ bi và lòng yêu thương đồng loại. Tinh thần vị tha của lý tưởng Bồ – tát được khởi đầu từ đại nguyện, được trưởng thành từ đại hạnh sẽ là nhân tố thiết yếu để chuyển hóa cuộc đời. Nếu chỉ nhờ vào biệt nghiệp của từng cá nhân đơn lẻ mà không cùng chuyển hóa cộng nghiệp của mọi người thì ước vọng hòa bình sẽ thật xa tầm với hạnh phúc của nhân loại. Hòa bình chỉ có thể kết nụ khi mọi người cùng biết gắn bó, chia sẻ, và đặc biệt cùng ý thức về tầm quan trọng của việc điều phục và chuyển hóa nội tâm để hướng đến cuộc sống cao thượng hơn cho mình và người.

______________________________________

Thế giới yêu cầu gì
về phía chúng ta

Pháp Hiền cư sĩ

Đối với chúng ta, tất cả đều đang ở phía trước, còn phía sau là một sân khấu hỗn mang, những cuộc cách mạng chưa từng hoàn thành, bởi vì, thế giới sắc là thế giới của tái tạo và luân chuyển. Các hình dạng, các khái niệm và các bước tiến vinh quang mà con người đang trên đà khám phá về chúng, thế giới Sắc, đang là “không có gì-Nothing!”. Một bước đi tiến về phía trước là một dịp người ta lấp lại dấu chân sau và cứ như thế, hình thành nên các vết loang trần thế. Lý tưởng Phật giáo trong một chừng mực nào đó, là lý tưởng của chinh phục sắc, một Phật tử rất cần là một hiện thân của “Thế gian giải” và, người ta nói rằng, ba cõi được vinh quang là do Thiền định. Thế thì, việc học Phật, phải đặt trên cơ sở chắc thật, nguồn tri thức mà ta sở hữu được từ đó, phải là nguồn tri thức vô giá, chớ không nằm trong lý thuyết. Có nghĩa rằng, mọi thứ phải được chứng minh bằng cả hai khía cạnh:

Năng hành và Sở hành. Vậy, trong mọi trường hợp ngôn ngữ thật cần thiết, qua hạnh “Thế gian Giải” của mình. Thế giới đang yêu cầu về phía chúng ta, những gì phải là hoàn toàn chắc thật.

Thế giới vốn dĩ đã đau thương vì ngôn ngữ, và rồi, chính nó cũng là nơi ta đứng dậy, nếu như Pháp có thể dụ cho ngôn từ. Đích xác, nó là phương tiện đưa đến Niết-bàn, như kinh Lăng-già đã dạy.

Mười năm về trước, khi về Già Lam tu học, môn học thứ nhì mà tôi tiếp cận, chính là Duy thức học, và môn học đó, đã khiến tôi say mê cho đến bây giờ. Niềm say mê ấy, cũng chính là niềm say mê của tất cả học viên, bởi vì, chúng tôi được một vị thầy am tường toàn diện về lãnh vực này dạy dỗ.

Muốn hiểu Duy thức, thì phải học Lăng-già, hay ít nhấ ra, ta cần phải học trực tiếp với một vị thầy nào đó, mà thật sự vị ấy đã đắc nghiệm môn học này, trong cả hai lĩnh vực, ngôn ngữ và tu chứng. Chúng ta biết rằng, Duy thức là một trong hai trường phái học lý vĩ đại, Trung quán và, có thể nói, nó hoàn thành những gì mà Trung quán chưa được vạch ra toàn diện với chúng ta. Hơn thế, môn học này đã đặt một vấn đề hết sức hệ trọng, đó là, ngôn ngữ. Nếu ta vừa cho rằng, bản kinh Lăng-già là bản kinh triệt thuyết về vấn đề ngôn ngữ và lật đổ toàn diện cái mà, ngày nay, người ta đổ xô tìm đến: Siêu hình học.

Tiếc thay, khi muốn học Duy thức, thì việc cơ bản, người ta, phải biết đôi chút về Phạn văn, bởi vì, văn ngôn Hán tự, thường hay dẫn ta đến những ngộ nhận theo lối siêu hình, (mà, tính siêu hình ấy lại đặt trên một xứ sở lấy văn minh nông nghiệp làm nền tảng), do vậy, ta vừa nói là, cần đến sự hướng đạo của một bậc đắc nghiệm. Nói như thế, tức là ta khẳng định rằng, pháp Phật, nếu được đắc nghiệm, thì sự thanh bình của tự thân và tha nhân là một viễn cảnh hoàn toàn có thật, một nguồn cảm hứng sáng tạo kỳ vĩ mà nhân loại chứng kiến, đức Phật.

Thật vậy, con người là con người của ngôn ngữ và, chúng ta tuyệt đối không thể thiếu nó, thậm chí, không là lời nói, ngôn từ, thì cũng là điệu bộ hay hành vi. Ngôn ngữ, không nhất thiết là ngôn âm hay từ hoặc tự hay bất cứ hình vị nào được thiết lập. Nó là chu cảnh hiện sinh của chúng ta, cho dù, nó khiến ta đôi lúc lao đao, như voi sa lầy và trên thực tế ta đã sa lầy.

Ta không thể không có ngôn ngữ.

Khi luận về ngôn ngữ, có thể, ta sẽ không đặt mình trên phạm trù tu tập và cũng không đặt mình trên bất cứ niềm tin nào, ta sở y trên phân tích triết học, nếu như, Duy thức, trên bình diện tương đối mà nó cho phép, là một môn học chuyên khảo sát về sự vận hành của tâm thức, tâm thức vận hành trên ngôn ngữ cấu trúc (vakvikalpa), mà, một trong bốn loại hình của bản kinh Lăng già, trong tiểu đoạn thứ 27 đã nêu, ý thể bẩm sinh hay là Vô thủy niệm. Ngôn ngữ học ngày nay, hầu như chuyên nghiên cứu về “ý niệm bẩm sinh” này, mà đại diện ưu việt chính là N.Chomsky, một nhân vật, vượt lên trên học thuyết miêu tả của Mỹ, hướng tư duy nhân loại đi về cội nguồn của ý thể mà ở đó là kho ngôn từ, nơi mà ý thức nhân loại sản sinh, tức là “tập khí di truyền” hay “kho lưu trữ kinh nghiệm” mà, ta vừa nói là, ở đó, nhận thức xuất sinh. Nhận thức là nhận thức trên kinh nghiệm, là nhận thức trên ngôn ngữ vậy.

Tuy nhiên, Tướng phần của tri thức được rút ra từ kho dữ liệu này, nó hoàn toàn không phải là một hình ảnh chết cứng, nó lây lan và biến hóa. Tác dụng của “Kiến phần và tự chứng phần” là nền tảng cốt tủy của tri thức chúng ta, vấn đề là chúng ta “tự chứng” như thế nào. Tuy thế mà, “tôi tin là, người ta cần xác quyết nhiều hơn nữa các khái niệm hiện thành trong tư duy của chúng ta, mọi thứ xét trên mặt lý luận là những sản phẩm tự do của chúng ta và không thể cho là chúng hoàn toàn xuất thân từ kinh nghiệm giác quan (ngũ uẩn). Điều đó sở dĩ khó nhận thấy là vì tập khí của chúng ta” (Einstein / Sien Einfluss auf Physik, Philosophie und Politik.) Tức là cái mà ta cần vượt qua các hấp dẫn từ các hố đen do kiến, tướng, tự chứng phần tạo ra.

  1. Chomsky, lập cước trên học thuyết của Descartes, với cái gọi là “tôi tư duy là tôi tồn tại”. Hơn thế, khi dựng dậy phạm trù này, N. Chomsky, tiến lên một bước nữa, đó là phạm trù hóa toàn diện lãnh vực vận hành tâm bằng các kỹ thuật dấu hiệu của ngôn ngữ học. Cách làm này, như những nhà A-tỳ-đàm đã làm cho học thuyết củamình.

Bởi vì, tâm thức liên hệ đến hai phạm trù biểu và vô biểu, cho nên, ngôn ngữ cũng được thiết lập trên hai hình thái: cấu trúc bề sâu và bề mặt. Và từ tính liên hệ này, người ta nghiên cứu về sự chuyển dịch. Ở mức độ chuyên môn, “hoằng pháp”, tức là chuyển dịch những gì mà Phật đã thuyết-từ ngôn bản (corpus), chuyển sang ngữ đích (target language) nào đó mà một dịch giả hay một thông ngôn nhắm đến, chẳng hạn, chuyển thành ngôn ngữ bẩm sinh của họ. Dịch, không nhất thiết là chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, nếu ta nói Thi kệ, chính là một cách dịch của văn trường hàng, dù, đức Phật, chưa ai gọi Ngài là đại thi sỹ hay đại thi hào. Một trường hợp khác, chẳng hạn, thi sỹ đã chuyển dịch “cảnh” thành ngôn từ, mà ở đó, các quy luật cú pháp cho một ngôn ngữ hầu như được họ vượt qua, cái mà M. Mighley, cho rằng, thi ca là “một thứ cú pháp chưa được thừa nhận.” Thi sỹ, người sáng tạo ra quy luật ngôn ngữ, điểm này, Đông phương chúng ta thừa. Thế nhưng, trên mặt phổ kiến, ta phải thừa nhận rằng, lý thuyết dịch thuật, có thể chưa có ở Đông phương, cho dù một vài sử liệu mà, người Trung Hoa có đề ra về bộ môn khoa học này, song, nói chung rất còn mờ nhạt (theo Tuệ sỹ). Chính xác, lý thuyết này, được hình thành sơ bộ từ thời La Mã cổ đại, cha đẻ của nó là Cicero và Horace và theo hai vị ấy, dịch thuật là một quá trình sáng tạo văn học được hình thành qua biên giới ngôn ngữ. Tuy nhiên, vì mục đích truyền bá Thánh kinh cho người Hy Lạp, nên học thuyết về dịch của Horace còn rất hạn chế, nhất là quan điểm “La Mã là trung tâm văn hóa”. Tuy nhiên, học thuyết của hai Ông đã ảnh hưởng đến cuối thế kỷ thứ 19. Νhư ta vừa nêu, dịch thuật chủ yếu là do các nhà truyền giáo, trong trường hợp này, ta có La Thập, Huyền Trang, v.v… và, họ chẳng có một lý thuyết dịch thuật nào cả, cái mà họ để lại cho chúng ta, chính là phẩm chất hay tư cách của họ hàm ngôn trong các dịch bản, đã trở thành định bản. Do vậy, lý thuyết về dịch, người ta sẽ học ở đó trên các định bản này và, có phải đây là nét đặc trưng của Phật giáo hay không?

Tuy nhiên, hậu học, vì thiếu cái phẩm chất của các tiền nhân mình, cho nên nếu có thể xây dựng được một lý thuyết dịch thuật khả dĩ nào đó mà, chính chúng ta được truyền thừa qua tư chất ấy, thì đây phải là một công trình lịch sử. Nó nói lên được khái niệm “truyền tâm ấn” như ta đã từng tự hào. Dịch thuật, trên mặt lý thuyết, ta cần phải học ở người Tây phương, phải học mọi ý niệm về bộ môn “tiểu ngôn ngữ này”, ít ra là phải có một chút hiểu biết suốt lịch trình từ Horace đến tận cuối thế kỷ 20, nhất là môn Vật lý đang phát triển với độ tăng tốc khó tưởng như ngày nay, đến độ ngôn ngữ được cho là hệ di truyền “vô thủy” của nhân loại, trên thực tế thì loại quan niệm ấy đã được kinh Lăng-già và chính ngay Duy Thức đã chi tiết hóa toàn diện, mà một người nói bản ngữ, nhờ thế có khả tính liên hệ đến bất cứ ngữ hệ nào trên thế giới này một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đối với một ngôn ngữ thứ hai nào đó, người ta chỉ có thể biết tới hạn của nó, trên bình diện “dẫn giải” (explanation and introduction) và người ta không thể đạt đến một tri thức bẩm sinh về bản ngữ của một người nói bản ngữ. Vì thế, muốn có một chủng tính đặc dị này, chẳng hạn “tâm truyền tâm”, theo N. Chomsky, nhà ngôn ngữ hay dịch giả, trước tiên phải trầm tư về nó, bởi vì, nó chẳng những nằm bên ngoài cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ thứ hai, mà nó lại là chủng tính tự cấu trúc toàn diện của chính người nói bản ngữ này. Trong khoa Vật lý, lý thuyết đối song luận về ý nghĩa như vậy được hiển minh, người ta học ngôn ngữ thứ hai bằng chính chủng tính của mình, thông qua “dẫn giải” và ý niệm đó được chứng minh qua các dịch bản của Huyền Trang và, chẳng hạn, La Thập…

Trong tình huống như vậy, lý thuyết về ngôn ngữ, dịch, đang phải đối mặt với một vấn đề hết sức cam go: sự lấp đầy khoảng trống từ ngôn ngữ nguồn sang ngữ đích, nói như Fitzgerald, “thà có con chim sẻ còn sống trong tay, còn hơn có con chim đại bàng nhồi bông”. Vì thế, đáng lẽ ra, một dịch giả là người phải thuộc lòng bảng từ vựng của một ngôn ngữ nguồn trước khi chuyển sang ngôn ngữ đích, song le, do chính ở tính liên hệ vừa nêu, nên điều đó có lẽ chưa cần thiết, là vì, nếu cần đến một cỗ máy dịch thuật, thì “các nhà ngôn ngữ học đã đề nghị các khoa học gia làm nên cỗ máy ấy rồi”. Tuy nhiên, sự kiện ấy là không thể.

Chẳng hạn, tác phẩm La terre de l’homme của A. Gide, thi sĩ Bùi Giáng dịch là Cõi người ta, thi sĩ đã cảm thụ tác phẩm bằng chính cái tâm thức “Nguyễn Du” của mình hơn là mạng lưới của ngôn bản hay ngữ nguồn.

Trong trường hợp như thế, sátna Xúc của thi sĩ nội hàm toàn diện trạng thái “12 chi nhân duyên”, một trạng thái “nhân quả đồng thời”, một “dãn nở vũ trụ” vượt ngoài “bức tường thời gian của Planck”, một tình trạng “cái này có thì cái kia có”, ở đây khái niệm (notion) chính là ý niệm (conception) hay nói khác hơn, trạng thái ấy, Hữu đã hiện hữu rồi, thi sĩ cho ta một cú hích, như cú hích đầu tiên của vũ trụ vậy. Còn bản dịch của học giả Đào Đăng Vỹ thì dịch theo bảng từ vựng-Đất người. Tất nhiên, đây là vấn đề “nan tư”.

Làm sao mà người ta đạt đến ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ bẩm sinh của mình, liệu “học” ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba, thứ tư… nào đó vài chục năm thì ta có thể đạt được tri thức của ngôn ngữ thứ hai v.v… mà ta đã học? Tham vọng của các nhà Vật lý và các nhà Di truyền học, chính là đạt đến một thực thể mang tính phổ quát này, một loại nhân bản nào đó trong quá trình chuyển hóa ‘ghen’ di truyền. Trong Phật giáo dạy ta rằng, muốn đạt được mục đích này và hơn thế nữa, ba phạm trù “Văn, Tư, Tu” hầu như là cơ sở chung cho những ai theo Phật. Tóm lại, thầy Tuệ Sỹ, đã nói “rất dài hơi” về thể tài ấy, ngay từ bài kệ đầu tiên của Duy thức, qua cách dịch của đại sư Huyền Trang. Ta có thêm một vài quan hệ nữa:

Hán bản: “Do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển, bỉ y thức sở biến. Thử năng biến duy tam…”

Phạn bản: “ātmadharmopacārohivividho yaḥ pravartate / vijñānapariṇāme’ sau pariṇāmaḥ sa ca tridhā …”

Bản tiếng Anh của Vi Đạt:

Conceps of Atman and dharmas do not imply the existence of a real Atman and real dharmas, but are merely fictitious constructions (produced by numerous causes).

Because of this, all varieties of phenomental apparances and qualities arise. The phenomena of Atman and dharmas are (all mental representations) based on the manifestion and transformation of consciousness.

Consciousnesses capable of unfolding or manifesting themselves may be grouped in three general categories.

Ở đây, qua Phạn bản, một từ rất quan trọng, đó là upacāra, từ này phát sinh từ ngữ đoạn vị từ upa √car (cận hành, tiếp cận, hầu hạ tận tụy, tiến hành).

Theo Moniere, upacāra, còn có nghĩa là sự biểu đạt hàm ngôn hay sự biểu đạt mang tính ẩn dụ (metaphorical expression), từ này chỉ cho ý niệm ngầm hay cấu trúc ẩn dụ. Ở đây, vị từ đã chia là pravartate được cho là bị động thể, thế thì tác thể là gì?

Tức là vijñānapariṇama, vậy ātmadharmopacāro và vividho với tư cách là chủ ngữ sẽ là đối cách; ta có: thật vậy, chính cơ cấu hàm ẩn về ngã và pháp có các hình thái đa dạng mà trên sự chuyển biến của thức, cơ cấu ấy được hiện thành. Sự chuyển biến này phân thành ba nhóm.

Như vậy, tiểu từ do (由) không chỉ cho mệnh đề chỉ lý do, mà nó có nghĩa là thật vậy, bởi vì xét về văn phong của ngài Huyền Trang, khi lập thành mệnh đề chỉ lý do, Ngài thường bắt đầu bằng vị (為) và cố (故) như ta thấy trong các dịch bản của Ngài. Tiểu từ thật vậy này, nhằm xác định cơ cấu khái niệm tiềm ẩn của chúng ta về ngã và pháp-có xúc, thọ, tưởng, thì có hành và… hữu. Ở đây, 12 chi nhân duyên phát triển từ xúc, thọ, tưởng, hành đến hữu, nằm gọn trong 2 câu kệ này của Thế Thân, nhất là thuật ngữ upacāra, mà đại sư Huyền Trang đã cảm dịch là giả thuyết, theo các ý nghĩa giả thi thiết, giả lập…(theo Tuệ Sỹ), và kế đến là hữu chủng chủng, tức là Ngài nhắm đến sự Hữu-vì vividho là tính ngữ của ngữ đoạn danh cách ātmadharmopacāro, nên Ngài dịch là hữu, tức là ātmadharmopacāro có (mang tính chất) vividho-đã thành trong ý niệm của ta về Ngã và Pháp, mà thật sự ra, sự hình thành hay lập ngôn tiềm thể ấy, chỉ do duyên sinh, như đoạn dịch bổ sung của Vi Đạt (produced by numerous causes).

Vấn đề của chúng ta, ở đây, chính là sự cảm dịch của đại sư Huyền Trang, từ một ngôn ngữ thứ hai, đã biến thể thành bản ngữ của Ngài, không một chút gượng ép, chẳng những thế mà nó còn chuyển tải được hàm ý của Thế Thân bằng thơ năm chữ nữa. Chúng ta nên nhớ rằng, dịch (translation) và chuyển dịch (translating) là khác nhau hoàn toàn. Pariṇāma tương đương với thuật ngữ vật lý đương đại: Alternative- chuyển tướng. Chúng ta không thể hiểu là do đâu mà đại sư Huyền Trang có thuật ngữ “giả thuyết” như vậy, nếu không là công phu tu hành của Ngài, “học giả” thì không thể có được điều này. Đến độ, thuật ngữ ấy, tiếng Anh phải liên hệ đến một tập hợp giải thích dài-Conceps…[produced by numerous causes]. Conceps là ý niệm mà ý niệm là do duyên sinh, nói khác hơn, sự phát triển của cơ cấu ý thức chỉ là sự phát triển của sắc mà thôi-giả thuyết, là cấu trúc liên hệ sắc vậy, do đó, chúng không có thực thể.

Bài kệ này, như ta thấy, tôn giả Thế Thân đang nhắm tới tính liên hệ của các pháp, khi xác định rằng chỉ có thức. Tôn giả không cho rằng, thức là một hiện hữu tuyệt đối, nó cũng “chỉ” là tính liên hệ mà thôi, nếu cái gì có thực, thì cái đó phải sinh ra cái có thực khác.

Tuy nhiên, cái gì có thực thì cái đó vô sinh. Duy thức, không nằm trong ý nghĩa là Duy biểu, mà hơn thế, nó còn là “Duy liên hệ” nữa. Đây là lý do vì sao chủng tử có khi vừa là sắc, có khi vừa là tâm. Duy thức, phủ định thế giới sắc hay phi sắc ngoại tại, không có nghĩa là không công nhận sự hiện hữu “giả thi thiết” của chúng, mà chỉ phủ nhận tính bất thực của chúng mà thôi. Thế thì, khi quan niệm rằng “sắc tức là tâm”, ta chớ vội phê phán hay phủ định các công trình Vật lý.

Phủ định thế giới ngoại tại, tức là phủ định tiến trình tâm, là thủ tiêu hành trình vượt sang bờ bên kia của chúng ta. Ta không thể bỏ chiếc bè và mọi thứ cứu hộ, khi đang trên dòng sông bão táp. Một người đi con đường vòng với các công cụ, và một người đi thẳng với công cụ tư duy chủ quan, theo cách nói của đức Đạt-lai Lạt-ma, trong hai trường hợp đều có chung một mục đích, bởi vì “sắc chính là tâm.” Đây là lý do vì sao, đức Đạt-lai Lạt-ma, ngợi ca khoa học và các thành tựu của nó, và sự cận hành là một điều tất yếu, tất yếu hơn, một khi khoa học đặt mình trên lòng bi, hơn là khẳng định bằng lý thuyết. Nếu như, ta muốn vá vết thương đời, trong một trường hợp nào đó, viên Aspirine cần hơn chiếc áo “Tứ Diệu Đế” mà mình đang mặc, việc này thầy Tuệ Sỹ nói “chính tôi cũng không làm nổi”.

Thời đại mà chúng ta đang chạm mặt, chúng ta có phần may mắn hơn các tiền nhân mình, khi mà, khoa Vật lý đang vượt trên một lộ trình thăm thẳm với một tốc độ không thể nghĩ bàn, nó đang hướng đến bản chất của hữu thể bằng kinh nghiệm và các công cụ cụ thể, nó đang gần đến đích, những cái mà nhân loại trông chờ, không phải là một cái gì đó mà người ta chỉ bắt gặp trên khái niệm. Tức là, không thể bắt gặp trên tình trạng Xúc, mà phải bắt gặp nó trên cả hai mặt: Hành và Tưởng để cho một phạm trù Hữu chân thật phát sinh. Ở đây, Hành và Tưởng, minh dụ cho tiến trình chuyển hóa từ khái niệm sang ý niệm, có nghĩa là, có sự tham gia toàn diện của nhận thức và rồi, khi nhận thức được soi mình trong hành và tưởng này, thì khả năng chấm dứt tưởng có thể xảy ra. Và một cách bất ngờ, khoa Vật lý, đang vươn đến chân trời hữu thức, nơi mà Phật giáo dạy ta rằng, ta cần khám phá nó, bằng bất cứ cách nào. Có thể nói, khi một hành giả chứng nghiệm được hữu thức như là hữu thể, trên những gì mà vị ấy lập cước, thế thì, cái gì còn ẩn mình trong Phật thuyết, có thể được lộ ra, như một nền nhân bản đích thực mà Phật giáo đã cống hiến cho ba cõi này, một sự vinh danh vô thuyết. Thiết nghĩ, một Phật tử với bản hoài của mình, chẳng cứ gì phải lập ngôn trên “các ngôi chùa xưa”, mà thật sự mình còn cần lập ngôn trên cả những tòa lâu đài nguy nga của trần gian này nữa, nếu như, “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, một tòa lâu đài Vật lý đang song hành cùng “ngôi chùa xưa” của chúng ta. Phật giáo đặt sự trầm tư của mình trên góc độ tự thân, “dĩ chư thân chiêm kỳ ngoại tượng”, còn Khoa học đặt tư duy mình trên gốc độ hiện sinh ngoại tại với các công cụ, tuy nhiên, đích điểm của cả hai vẫn là chứng thật “bản thể học” theo một ý nghĩa nào đó.

Ở đây, chúng ta không cần bằng cấp. Người ta dạy Đại học, mình chẳng cần dạy Đại học, nhưng phải nghiên cứu chắc chắn. Sau này, tôi thấy các thầy chịu học, tôi rất mừng.

Tôi chỉ sợ phong trào thế này, đó là “bất lập văn tự”, nghĩa là bây giờ, tu Thiền, ngồi khoanh chân, không cần học hành gì cả. Điều này đúng một phần trên phương diện lý thuyết, trong Thiền có, nhưng cái này là lười biếng, và nghĩa là, học nửa mùa. Nói rằng, như ngài Huệ Năng không biết chữ, mà thế giới được mấy ngài Huệ năng, lịch sử nhân loại được bao nhiêu Huệ Năng? Ai muốn làm Huệ Năng thứ hai? Bản thân tôi không làm nổi. Nếu ai không cần học, thì cứ đi gánh củi nấu cơm mà thành đạo, thì làm đi. Nhưng nói có Huệ Năng đi nữa, mà không ai biết Pháp Bảo Đàn kinh, thì ai biết Huệ Năng là ai? Những người biết, rõ ràng toàn là Tiến sỹ văn học viết lại về Ngài. Chứ còn, những cây viết không ra gì, cũng không ai nói đến Huệ Năng làm chi? Thế thì, đừng nói đến chuyện “bất lập văn tự”. Rồi sau Huệ Năng, những Thiền sư viết rất nhiều. “Bất lập văn tự” vẫn nói. Không có tông phái nào ở Trung Quốc nói nhiều bằng Thiền tông.

Sách dày cộm… Ngồi thiền một chỗ thì dễ, còn dễ hơn tụng kinh nữa. Tụng kinh còn hao hơi, tụng tán rất mệt… Ngồi thiền, nếu tê cứng, thì ngồi xếp bằng, ngồi kiết già… hay bán già.

Ngồi thế nào cũng được… Như học trò khi đi học, nó ngồi 4,5 tiếng đồng hồ còn được. Thành đạo không phải dễ, tu ba Tăngkỳ kiếp còn chưa làm nổi, chúng ta làm như hơn cả Phật, cả Tổ ngày xưa, siêu đẳng, thành liền, giác ngộ liền. Cái đó, phần do lười biếng, một phần do tự cao tự đại. Tôi không biết là mình kiêu ngạo cỡ nào, nhưng mấy vị ấy, còn kiêu ngạo gấp mấy lần tôi nữa… Thành ra phải học… Người ta nói “trăm năm trồng người”, còn ta “A-tăngtỳ kiếp trồng Phật”, thì phải trồng”. (Tuệ Sỹ / khóa giảng Duy thức).

Lời dạy của bậc đại sư, thầy của mình quả là tuyệt vời trên con đường viễn du “tạm chia tay” “ngôi chùa xưa” vậy.

Cũng thật là may, khi tham gia lớp học Câu-xá, tại tu viện Già Lam, thầy Tuệ Sỹ đã cấy vào chúng tôi một ít khái niệm về Vật lý qua các cuộc tranh luận của các nhà Hữu bộ và Kinh bộ. Lý thuyết về Tam thế thực hữu, của Hữu bộ, có thể xem như là một phát kiến về Vật lý và nền tảng vật chất đen (black matter), như ngày nay ta biết, vốn đã được các nhà Hữu bộ luận bàn, khi họ cho rằng: “sắc, vô kiến vô đối, nằm giữa các thành phần sắc hữu kiến hữu đối”, quan niệm này được cho là tương đương với thuyết hạt nguyên tử bây giờ. Và rồi, lý thuyết ấy được Thế Thân, bổ sung bằng học lý chủng tử, tâm, được xét trên quan kiến của Einstein, chủng tử ấy “vừa là sóng vừa là hạt-both a wave and a particle” hay có khi, tâm vừa là sắc, cũng có khi là tâm, tức là tính liên hệ hay tương đối của vũ trụ này. Nên nhớ rằng, ngữ nguyên của sát-na còn có nghĩa là ánh sáng. Thay vì, tiến theo các mức độ không thể lường được của khoa Vật lý, trên tính liên hệ này, Phật giáo chia sẻ với chúng sinh, sự giải thoát của mình qua lập trình chứng nghiệm tự thân. Chúng ta, nên “qua sông bằng chính những đồng tiền”. Và đây, theo đức Đạt-lai Lạt-ma, mới là nền tảng của mọi nghiên cứu. Chủng tử, thật vậy, chính là “những biến tướng theo lý thuyết dây hay (chuỗi)-Alternatives to String Theory” như nhà vật lý Joseph Polchinski của viện Đại học Kavli đã nói. Nói cách khác, “sắc tức là tâm”. Bởi vì, còn một điểm cần nhấn mạnh là, lý thuyết, dù lý thuyết gì, chỉ có thể hình thành trên chuỗi “lây lan” của thức mà thôi, thay vì nói, sinh hóa của não bộ là nhân của thức. Thức, cái mà chúng ta nói đến, chính là nỗi ưu tư của khoa Vật lý. Vật lý chọn, và, cũng bởi vì tư duy bằng các công cụ, có lẽ sẽ dễ chịu hơn là “ngồi khoanh chân suy nghĩ lan man” như thầy Tuệ Sỹ đã dạy. Lee Smolin, là một trong những nhà Vật lý của thế hệ đầu tiên, vậy mà khi hỏi về những thành tựu của thế hệ này, ông có niềm tự hào nào không?

Ông trả lời “Nothing”. Câu trảclời ấy, giống như thái độ xả lyccủa một Phật tử.

Kể từ năm 1780, với những kinh nghiệm về ngành hóa học định lượng (quantitative chemistry) của Antoine Lavoisier, đã cho ta biết rằng, vật chất được bảo toàn, tức là sự bảo toàn năng lượng của vật chất, kế đến là quy luật chuyển động và hấp dẫn của Isaac Newton, cả hai kinh nghiệm này đã có được chỗ đứng hàng trăm năm. Tuy rằng, trong khoảng thời gian mà Newton đã cho ta một bộ khung tri thức về tất cả hiện tượng tự nhiên hoàn hảo, và biên giới đã được rộng mở. Thì cũng là lúc người ta mới bắt đầu học hỏi những sự thật cơ bản về vật chất, ánh sáng, hơi nóng và các hiện tượng siêu hình như điện năng, từ trường và chúng đã được giải thích. Mãi đến 20 năm tiếp theo sau, các lãnh vực như vậy, mới được khám phá từng phần.

Chúng ta bắt đầu hiểu rằng, ánh sáng là sóng. Chúng ta đã khám phá, quy tắc chi phối lực giữa các hạt có điện tích (electrically charged). Và chúng ta có được một cú nhảy vọt quan trọng trong sự hiểu biết của mình nhờ vào lý thuyết nguyên tử của John Dalton. Tới đây, những ý niệm về năng lượng đã được hướng dẫn; sự giao thoa và hiện tượng nhiễu xạ (interference and diffraction) đã được giải thích theo lý thuyết ánh sáng sóng; điện trở và sự liên quan giữa điện và hiện tượng từ tính cũng đã được lý giải. Vài ba ý niệm căn bản nằm bên dưới vật lý đương đại đã xuất hiện trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, tức là từ năm 1830 đến 1855. Micheal Faraday đã giới thiệu cho chúng ta khái niệm về các lực bị bao phủ bởi những trường, một ý tưởng giúp cho ta một bước tiến nhận thức khổng lồ về điện và từ lực.

Tiếp diễn trong chính thời kỳ này, dựa trên cơ sở ý niệm về các trường thực tại, cuộc hội thoại về năng lượng được đặt ra, như là quy luật phụ của các nhiệt động lực.

J.C Maxwell dẫn ta vào lý thuyết đương đại về từ trường trên cơ sở mà Faraday đã giới thiệu cách đó một phần tư thế kỷ. Maxwell không chỉ thống nhất điện và từ tính, Ông còn giải thích ánh sáng như là sóng điện từ. Ông cũng giải thích tính chất của hơi theo lý thuyết nguyên tử. Cũng trong thời kỳ này, Rudolf Clausius đã giới thiệu ý niệm về entropy.

Thời kỳ từ năm 1880 đến năm 1905 cho thấy những khám phá về điện tử và các tia X. Sự nghiên cứu về phóng xạ nhiệt đã được phát triển vài bước và vào năm 1900 đưa đến sự khám phá của Max Planck về công thức chính xác dùng để miêu tả các đặc tính nhiệt của phóng xạ (the thermal properties of radiation)-một mô thức làm bật lên cuộc cách mạng lượng tử. Và năm 1905, khi Albert Einstein đã 26 tuổi, Ông quên bẵng đi việc tìm kiếm công việc hàn lâm của mình, bất chấp việc làm vừa rồi chỉ riêng trên khoa vật lý về phóng xạ nhiệt được xem như là một đóng góp quan trọng cho khoa học. Có thể đây là bước khởi đầu. Ông chú tâm ngay vào những câu hỏi cơ bản của Vật lý. Trước tiên, làm thế nào mà tính tương đối của sự chuyển động được hợp nhất cùng các quy luật của Maxwell về điện và từ tính? Ông nói với chúng ta về thuyết tương đối hẹp của mình. Liệu chúng ta có nghĩ về các nguyên tố hóa học với tư cách là những nguyên tử theo trường phái Newton chăng? Einstein cung còn ta thì cầu (Einstein proved we must). Làm thế nào ta hợp nhất lý thuyết ánh sáng cùng sự hiện hữu của các nguyên tử? Einstein đã nói với chúng ta như thế nào, mà trong tiến trình này, cho ta biết rằng, ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt.

Trọn năm 1905 đó, công việc lặng lẽ của ông xét như là một công trình nghiên cứu ưu việt.

Sự giải trình về những khảo sát của Einstein đã được giữ nguyên cho mãi đến một phần tư thế kỷ. Vào năm 1930, ta có lý thuyết tương đối rộng của ông, lý thuyết này tạo nên chủ trương cách mạng rằng, hình học không gian chẳng những không cố định mà nó còn tiến hóa theo thời gian nữa. Tính [chất] hai mặt sóng-hạt (waveparticle duality) đã bị Einstein khai phóng vào năm 1905 đã trở thành một thuyết lượng tử thành tựu hoàn chỉnh và nó cho chúng ta một tri thức chi tiết về nguyên tử, hóa học, vật chất và hiện tượng phóng xạ.

Vào năm 1930, chúng ta cũng biết rằng, vũ trụ đã chứa đựng những con số khổng lồ của các thiên hà, như nó đã chứa đựng chính chúng ta và ta còn biết rằng, chúng luôn chia tay khỏi những thiên hà khác. Những hàm ngôn như vậy không chỉrõ ràng, mà chúng ta còn biết là mình đã sống trong một vũ trụ đang bành trướng. Tiếc thay! Khi thuyết Tương đối thành tựu một cách viên mãn, thì cũng là lúc hai quả bom nguyên tử “thành tựu” trên hai hòn đảo Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản và cũng tiếc thay, liệu hai quả bom ấy có “thành tựu” trong lòng chúng ta hay không? Trước khi đôi cánh trí bi mà ta vốn tự hào, có kịp bay thoát khỏi vùng “phóng xạ lộng lẫy” của chúng chăng? Và, liệu “Duy Ma bệnh vì chúng sinh” có phải chỉ là lời nói trên môi “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”? Câu hỏi ấy dành cho chúng ta và cuộc đời cũng dành cho chúng ta câu hỏi ấy, những người theo Phật. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. T Thích Trí Quang, Đọc Pháp cú Nam Tông.
  2. Thích Tuệ Sỹ, Luận Thành Duy thức.
  3. Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, Nhân quả đồng thời.
  4. Brian Greene, Phạm Văn Thiều dịch, Giai điệu dây và bản giao hưởng của vũ trụ.
  5. Cheng Weishih Lun, Doctrine Of Mere-Consciousness
  6. Dbammankara, Was Der Buddha Lehrt
  7. Lee Smolin, The Trouble with physics.
  8. Nida, Language Structure and Translation.
  9. Sapir,
  10. Crystal and D. Davy, Intivesgating English Style.
  11. Chomsky, Aspects of The Theory of Syntax.
  12. Cicero, Right And Wrong.
  13. Horace, On the Art of Poetry

Halliday, On The Language of Physical Science.

______________________________________

Mối quan hệ
giữa phật giáo và sự thiết lập
hòa bình thế giới

Dr. Arvind Kumar Singh
Department of Buddhist Studies, University of Delhi

Đã đến lúc chúng ta phải bàn về vấn đề hoà bình thế giới. Lâu nay thế giới rất cần hoà bình. Chính thực trạng biến đổi đã xô đẩy hành tinh này đến bờ vực chiến tranh và thảm hoạ. Nhiều vũ khí được chế tạo để huỷ diệt hàng loạt bằng chất hoá học, sinh học, hạt nhân, v.v…

Hiện nay, các tổ chức hòa bình được hình thành và nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra tại khắp nơi trên thế giới trong niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, kết quả thực sự chỉ là con số không. Hoà bình sẽ không được thiết lập trừ khi chính nhân loại biết tự giác.

Trong thời đại nguyên tử hạt nhân, một nền hoà bình thế giới bền vững là điều kiện tiên quyết cho sự bảo tồn văn minh nhân loại và sự tồn tại của con người. Không có gì quan trọng và cần thiết bằng sự thiết lập và duy trì hoà bình thế giới.

Hoà bình có nghĩa là lòng yêu thương, nhân đạo, hạnh phúc, công bằng, nhân phẩm và bình đẳng về kinh tế – xã hội. Vì vậy, hoà bình thế giới ngày nay bao hàm nhiều ý nghĩa chứ không phải là sự vắng bóng chiến tranh và bạo lực. Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau hiện nay, Liên Hiệp Quốc cần trở thành tổ chức tiêu biểu cho một thế giới hiện đại và thể hiện tính năng dân chủ, bởi vì tổ chức này được thiết lập nhằm cứu nguy cho các thế hệ khỏi thảm hoạ của chiến tranh.

Giải pháp để đạt được hoà bình là một vấn đề nóng bỏng nhất trong thực trạng thế giới hiện nay. Theo khuynh hướng này, Phật giáo đóng một vai trò quyết định tạo ra điểm tựa và gìn giữ hoà bình thế giới. Nền tảng của hoà bình và an ninh có thể trở nên vững chắc trong khuôn khổ Phật giáo, một giáo lý từ bi, quảng đại và uyển chuyển. Nhiệm vụ của tôn giáo là hướng con người đến việc tuân giữ các giá trị đạo đức để có một đời sống an lành, và cũng nhằm duy trì phẩm hạnh.

Đức Phật đã dẫn dắt nhân loại đi theo con đường đúng đắn sau khi tự thân Ngài nghiệm rõ những yếu mềm và mạnh mẽ của nội tâm. Đạo Phật là một giáo lý thực nghiệm, nhằm giải thoát khỏi khổ đau trước, sau đó làm sáng tỏ các vấn đề mang tính triết lý.

Nhưng Đương nhiên hai lĩnh vực thực nghiệm và triết lý không kết thành một. Pháp học (Pariyatti) và Pháp hành (Paṭipatti) phải cùng song hành, như hai bánh xe ngựa lăn trên đường đời bằng thẳng. Đó là một hệ thống gồm một vấn đề – một giải pháp, và con đường hướng dẫn nằm giữa.

Khó khăn của nhân loại là nỗi đau khổ (dukkha) và giải pháp nhằm đạt được an lành vĩnh viễn (Nibbāna) là con đường Bát Chánh Đạo (Atthaṅgika Magga); đồng thời đó cũng chính là một phương cách tích cực đưa đến sự hoàn thiện và hòa hợp hoàn toàn trong tổng thể xã hội, không bạo động, thế giới tràn ngập an lành và bình yên.

Trước hết chúng ta bàn về ý nghĩa của hòa bình theo triết lý nhà Phật. Trong Phật học, một số thuật ngữ tiếng Pāli được dùng cho chữ hoà bình như ‘Santi’ (tiếng Sanskrit là ‘Shanti’), Santa, Samatha, Upasama… tất cả những từ này đều có cùng gốc ‘sama’ nghĩa là ‘làm an ổn’, ‘tạo bình an’.

Những từ này sở dĩ khác nhau là vì có tiếp vị ngữ khác nhau đặt ở cuối mỗi từ. Do vậy, từ Pali Santi có gốc là ‘sama’ cộng tiếp vị ngữ ‘ti’ thành Santi, mang nghĩa là ‘hoà bình, bình an’.

Hoà bình, an tịnh được dịch từ chữ ‘santi’ là “bình an, xoa dịu tất cả mọi bệnh tật và đau khổ (sabbadukkhupasama).”[1] Nó cũng có nghĩa là sự chấm dứt đau khổ (dukkhanirodha) nhờ diệt sạch tham muốn, nguyên nhân tạo ra đau khổ (dukkhasamudaya). Điều này được nói đến trong Diệu đế thứ ba, một trong Tứ Diệu Đế (Catavāri Ariya Saccāni).

Hoà bình, an tịnh theo định nghĩa trên là một trong các đặc tính của Niết Bàn, cứu cánh siêu việt của Đạo Phật. Điều này được nói rõ trong Tăng Chi Bộ Kinh, tiếng Pali: “Đây là an tịnh (santi), đây là tột đỉnh, gọi là sự chấm dứt các hình thức tạo nghiệp, sự từ bỏ tất cả các dạng hiện hữu, sự mất dần tham muốn, dính mắt, sự tịch diệt (và) Niết Bàn. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Niết Bàn cũng được mô tả như “trạng thái thanh tịnh và an toàn không gì có thể sánh bằng”.

Mục tiêu chủ yếu của Đạo Phật là hoà bình, không chỉ là hoà bình cho nhân loại mà còn là hoà bình cho tất cả chúng sinh. Đức Phật đã dạy rằng bước khởi đầu trên con đường đạt đến hoà bình là sự hiểu rõ căn nguyên nhân của hoà bình.

Trong số những lời dạy của Đức Phật, có thể nói rằng tâm giác ngộ là yếu tố dẫn đầu đưa đến hoà bình. Ý nghĩa phân tích của tâm giác ngộ là tâm đạt được tỉnh thức. Nếu tâm của mọi người ở trạng thái bình an thì cả thế giới này được hoà bình, yên ổn.

Hoà bình liên quan đến tâm, tâm là mấu chốt phát sinh mọi hành động. Đức Phật đã dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, tác ý (cetanā) được gọi là nghiệp, hành động.”

Trong kinh Pháp Cú, Ngài chỉ dạy:
Không làm các việc ác,
Năng làm các việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời Chư Phật dạy.

Vì vậy, khi đạt được tâm giác thì hoà bình, an ổn được thiết lập; bạo lực và thù hận bị tiêu trừ. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến cuộc chiến Kaliṅga của vua Asoka. Theo Sắc lệnh thứ 13, vua Asoka tuân giữ “Pháp âm” (Dhammaghosha), tức âm thanh của Sự Chân Chính thay vì “Nhạc âm”, tức tiếng kèn trumpet, sau khi nhà vua đã thấy được rất nhiều lời khuyên bảo ở đời và cuộc sống vật chất trong suốt thời chiến.

Những lời dạy của Đức Phật là di sản quan trọng nhất mà đất nước Ấn Độ cổ đại đã dâng cho thế giới. Những lời dạy này là một tập hợp các quy tắc thực hành, một cách thức thanh lọc và cách sống nhân từ. Những lời giáo huấn đầy trí tuệ của Ngài được giải thích rõ trong Bát Chánh Đạo (Atthaṅgika Magga), phần sau cùng của Tứ Diệu Đế, con đường được chia làm ba: Giới (sīla), Định (samādhi) và Tuệ (paññā). Theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật đã tuyên bố rằng để sống một đời thanh tịnh, hạnh phúc và bình an, con người phải tránh xa hai thái cực: tham đắm, khoái lạc (Kamesukamasukhallikanuyogo) và khổ hạnh (Attakilamathanuyogo). Điều này được mô tả trong Trung Đạo (Majjhimapatipadā), con đường mà nhân loại nên đi theo.

Để duy trì hoà bình, an tịnh trên thế giới, con người phải thực hành Trung Đạo, bao gồm tám bước từ thấp lên cao (Ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo).

Nhìn chung, Bát Chánh Đạo có ba bước, đó là Giới (gồm Chánh Ngữ, Pāli: Samma vāca; Chánh Nghiệp, Samma kammaṅta; Chánh Mạng, Samma – ājiva), Định (gồm Chánh Tinh Tấn, Samma – vayāma; Chánh Niệm, Samma – sati; và Chánh Định, Samma – samādhi) và Tuệ (gồm Chánh Kiến, Samma – diṭṭhi; Chánh Tư Duy, Samma – saṅkappa)

Giới là bước đầu tiên loại bỏ những hành động (nghiệp) xấu về thân và khẩu. Định là loại bỏ những nghiệp xấu của ý. Tuệ mở rạng sự hiểu biết chân chánh nhờ ánh sáng từ sự thấy biết bản chất của sự thật. Giới, Định, Tuệ là ba yếu tố cơ bản để thoát khỏi những khó khăn ,rối rắm.

Khi nguyên tắc này được thực hành đúng, thì bốn lậu hoặc (Āsava) năm triền cái (Nivaraṇa), mười kiết sử (Samyojana) sẽ tự động bị tiêu trừ và ắt có sự xuất hiện của Tứ vô lượng tâm (Bốn phẩm hạnh cao cả, Brahmavihāra), năm Ba – la – mật (Pāramitā) chấm dứt sự điên đảo vọng tưởng. Đây là lý do tại sao Trung Đạo được coi như là liệu pháp thích hợp nhất để điều trị chứng loạn tâm của nhân loại.

Theo truyền thống Phật giáo giai đoạn đầu, hoà bình, an ổn là một trạng thái của tâm thức trong đời sống con người. Ngay giây phút đầu tiên của kiếp người đã chuyển thành một dòng tâm thức tự nhiên, sau đó do nghiệp lực nó có thể biểu hiện ra bên ngoài thành hành động hoặc tiềm ẩn.

Vậy, “hoà bình” có thể là cách diễn đạt của “tâm an tịnh” (santa citta), một tâm thanh thản, vô cùng tĩnh lặng, không bị xáo động, lại uyển chuyển, vi tế và được thể hiện qua tất cả các yếu tố thuần hậu của tâm. Trong cách giải thích này, có thể xuất hiện một trật tự xã hội dựa trên việc thực hành con đường thánh thiện – Bát Chánh Đạo, mà Đức Phật đã chỉ dạy.

Sự hận thù là chướng ngại lớn nhất cho việc thiết lập hoà bình trên thế giới. Hận thù chỉ mang lại hận thù. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật khuyên rằng hận thù không dẹp tan được gì, chỉ có không hận thù thì mới diệt được hận thù mà thôi. Đó là chân lý chung. Tâm giác phá tan được hận thù và như vậy sẽ đưa đến bình an và hoà hiệp trên toàn thế giới. Điều này cư sỹ cũng có thể thực hiện được bằng cách y theo lời dạy về Tứ Vô Lượng Tâm của Đức Phật. Lời dạy về bốn đức tính cao thượng: Từ (mettā), Bi (karuṇā), Hỷ (muditā), Xả (upekkhā). Bốn đức tính cao thượng này có thể tạo ra một bầu không khí cảm thông lẫn nhau giữa con người và quốc gia trên thế giới.

“Từ” diệt được ác tâm và bản ngã, giúp nuôi dưỡng tình thương và hoà bình cho nhân loại, điều này được minh chứng hùng hồn trong bài kệ của Kinh Từ Bi, thuộc Kinh Tập: Như tấm lòng người mẹ, đối với đứa con duy nhất của mình, trọn đời lo che chở. Cũng vậy, đối tất cả các chúng hữu tình, hãy phát triển tâm ý rộng lớn không hạn lượng. “Bi” có nghĩa là sự trừ khổ cho người khác ” – “Karuṇati dayā, anuddayā, hadayanampanaṃ vā.”

Bi không chỉ là tình cảm đối với chúng sanh đang đau khổ mà còn là thái độ tích cực của một người trước đau khổ của người khác, nổ lực tinh tấn đúng đắn để giảm dần nỗi đau đó[2]

Bi có tính chất tạo ra phương pháp giải trừ đau khổ về thân và tâm, và là sự thể hiện của lòng tốt. Bi có công dụng nhổ tận gốc ác ý làm hại người khác. Nó làm cho con người rất mẫn cảm với những nỗi đau của tha nhân và giúp họ tự mình cảm thấu những nỗi đau đó đến mức họ không còn muốn đau khổ gia tăng hơn nữa.

Từ, Bi, Hỷ, và Xả cũng giúp tạo dựng hoà bình, an tịnh khắp nơi nơi. Đức Phật dạy nhân loại nên thực hành Tứ Vô Lượng Tâm[3].

Thuyết về lòng Từ đối với từng cá nhân và cộng đồng Phật tử gắn liền với tâm không hãm hại (Ahiṃsā) và là cội nguồn đạo đức tốt đẹp đưa đến quan điểm của Đức Phật về chính trị trong nước cũng như các vấn đề về chiến tranh và hoà bình.

Đạo Phật là một tôn giáo vô cùng hiền thiện, bình đẳng, công bằng và an tịnh. Giáo lý nhà Phật dạy chúng ta chỉ dùng sự chân chánh để chiến thắng sức mạnh và bạo lực. Đức Phật rất quan tâm đến là việc chỉ dạy năm giới cho hàng Phật tử tại gia.

Đây cũng là bước khởi đầu cho việc thiết lập hoà bình thế giới. Đức Phật đưa ra phương châm bất bạo động và hoà bình như bức thông điệp cho cả nhân loại. Ngài không chấp nhận bạo lực hay sự huỷ diệt mạng sống; Ngài tuyên bố nếu sống với thái độ như vậy sẽ không xảy ra chiến tranh. Ngài dạy rằng người chiến thắng sẽ bị hận thù, người thất bại sẽ bị khổ đau. Người từ bỏ cả chiến thắng lẫn thất bại thì sẽ có hạnh phúc và an tịnh.

Đức Phật không chỉ chủ trương bất bạo động và hoà bình, mà Ngài còn là bậc Đạo sư đầu tiên và duy nhất đích thân mình đến tận chiến trường để ngăn chặn sự bùng nổ chiến tranh. Ngài đã làm giảm sự căng thẳng giữa dòng họ Thích Ca (Sākyas) và dòng họ Koliya (Koliyas) khi sắp có cuộc tranh chấp về việc sử dụng nước lưu vực sông Rohini. Ngài cũng đã khuyên can Vua A xà Thế (Ajātasattu) trị vì nước Ma – kiệt – đà từ bỏ ý định tấn công nước Tỳ – xá – ly (Vajjī). Sau đó Đức Phật đưa ra bảy chính sách giúp một quốc gia hưng thịnh, điều này được đề cập trong Kinh Đại Niết Bàn thuộc Trường Bộ Kinh.

Đức Phật đã không truyền bá bất cứ nguyên tắc chỉ đạo hay giáo điều nào. Toàn bộ những bài pháp của Ngài dựa vào lý tưởng thự dụng và tư duy thích hợp. Ngài dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc mà đi.” (Atta dipo viharatha). Hơn thế, trong Phẩm Tự Ngã của Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa vào một ai khác” (Atta hi attano natho ko hi natho parasidya).

Điểm quan trọng, đáng nhớ là khi có tư duy chân chánh thì bình an sẽ tự đến. Chúng ta có thể áp dụng điều này để thiết lập hoà bình thế giới. Đức Phật để cho đệ tử Ngài tự do suy nghĩ, quyết định và hành động. Ngài không áp đặt một ý tưởng nào cho họ. Như vậy, tư duy chân chánh dựa trên tự do cá nhân mở đường tiến đến hoà bình thế giới.

Có thể nói rằng chúng ta nên tu tập tâm Từ Bi một cách có hệ thống đối với tất cả, sau đó tăng dần lòng từ cho các cộng đồng, quốc gia, và toàn thế giới. Tôi cho rằng ý tưởng này thực sự hữu hiệu.

Lấy điển hình vua Asoka đã phát tâm hướng đến Đạo Phật sau khi bản thân nhà vua cảm thấy rất khiếp sợ trước hậu quả của cuộc chiến đổ máu chinh phạt dòng tộc Kaliṅga. Từ đó về sau, nhà vua nghiêm cấm không ai được quyền giết hại và khuyến khích mọi người đối xử tốt với tất cả chúng sanh.

Cũng vậy, những sắc tộc người Mông Cổ, đặc biệt đội quân của Thành Cát Tứ Hãn (?), đã từng làm kinh sợ nhiều người, từ đất nước Trung Hoa đến những cổng thành nước Áo. Tuy nhiên, những hội tuyên truyền Phật giáo đến từ Ấn Độ đã chuyển hoá được người Mông Cổ này thành một trong những dân tộc an bình nhất Châu Á.

Đệ tử Phật không bao giờ hiếu chiến hay ủng hộ chiến tranh tôn giáo. Ý tưởng Bồ Tát phát nguyện trở lại thế giới đau khổ từ đời này sang đời khác để dắt dẫn con người tu tập đạt đến bình an miên viễn nơi nội tâm, đây là con đường duy nhất mang lại hoà bình thật sự trên thế giới.

Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo mà còn là một pháp tu thánh thiện đem lại sự an tịnh, giải thoát vĩnh viễn nhờ thực hành đời sống cao quý. Đạo lý chính của Đạo Phật luôn quý trọng phẩm hạnh và quyền lợi của con người, nhờ vậy có thể đưa đến hoà bình và hạnh phúc cho toàn nhân loại.

Đạo Phật không hề phai mờ theo dòng thác thời gian. Đạo Phật vẫn tồn tại sau bao cuộc chiến tranh qua nhiều thời điểm trong quá khứ. Nếu một nơi nào đó trên thế giới công kích Đạo Phật thì tại những nơi khác Đạo Phật vẫn được trân quý thông qua sự hỗ trợ về mặt chính trị và sự bảo tồn về mặt văn hóa.

Chính vì vậy, Đạo Phật đã tạo được một trào lưu chưa từng có, từ trào lưu này toàn thế giới có thể vận dụng Đạo Phật trong mọi lãnh vực như tôn giáo, văn hoá, chính trị, đạo đức, sinh thái và xã hội. Đạo Phật đã dạy con người biết mưu cầu hoà binh cho tất cả muôn loài chứ không chỉ cho con người nói riêng.

Giống như các tôn giáo lớn trên thế giới, bản chất Đạo Phật là một tôn giáo hoà bình, trong các kinh văn Phật giáo đầu tiên như Kinh Pháp Cú, có các bài kệ nói về sự tu tập trong đời sống hàng ngày như sau:
“Hận thù không bao giờ được diệt hận thù,
Chỉ có Từ Bi mới diệt được hận thù,
Đó Là định luật ngàn thu.”

Thuật ngữ ‘định luật ngàn thu’ ở đây là ‘pháp’ hay giáo lý nhà Phật. Bài kệ về bất bạo động này thể hiện tinh thần cốt yếu trong Đạo Phật, đó là hòa bình và không gây hiềm khích. Sau này, chúng ta sẽ thấy một nhà thơ Đại thừa nổi tiếng của thế kỷ thứ 8 pháp danh Santideva cũng dạy rất nhiều điều như thế. Đơn cử, tác phẩm vĩ đại Bodhicarayāvatāra của Santideva đã đề cập rất nhiều đến sự nguy hại của lòng sân hận.

“Không có tội ác nào bằng tâm sân hận và không có tu tập nào bằng tâm tha thứ.Thế nên con người phải tu tập tâm tha thứ bằng nhiều nỗ lực, nhiều phương pháp”[4]

Lại nữa, “Tâm không bình, không sao vui được, không ngủ, thấy bất an, khi mũi tên sân hận cắm vào tim.”[5]

Cầu mong cho tất cả chúng sanh được hạnh phúc, cầu mong cho tất cả chúng sanh sống không lo sợ, cầu mong cho tất cả chúng sanh thọ hưởng niềm an lạc, hạnh phúc, và thoát khỏi tất cả khổ đau và sầu muộn.”

Đạo Phật hoàn toàn thích hợp cho xu thế hoà bình và cảm thông trên toàn thế giới. Kinh văn, triết lý Đạo Phật có giá trị rất cao đưa đến sự đoàn kết và hòa bình cho nhân loại. Thậm chí ngày nay Đạo Phật có thể làm sống lại tình anh em, tinh thần hòa bình, đoàn kết, mối thân thiện giữa các nước. Bài viết kết luận bằng trích của Pt. Jawaharlal Nehru:
“Nếu chúng ta thực hành theo giáo lý Phật dạy,
Chúng ta nhất định sẽ đạt được sự an lạc và hòa bình trên thế giới.”

_______________________________________
[1] See, Edward Conze, Buddhist Thought in India, p. 74.
[2] Aṭṭhasālini (ed.) Tripathy R.C. 1989, p. 340.
[3] Dharamrakshit Bhikkhu, op.cit., p. 36
[4] Santideva, Bodhicaryavatara, Chapter VI, verse-2
[5] Ibid. Chapter VI, verse-3

______________________________________

Xây dựng thanh bình
trong cuộc sống

Thích Quảng Trí

Trong đời không có cái gì là tự nhiên mà có. Tất cả đều do nhân duyên sinh ra và cũng do nhân duyên mà biến đổi. Sự thanh bình trong cuộc sống cũng nương theo sự vận hành của định luật duyên khởi. Có thể khẳng định rằng, sự an lạc của cá nhân và sự thanh bình trong xã hội phần lớn là do chính con người quyết định. Và ngược lại, sự bất an, chiến tranh, bạo động, thù địch trong xã hội cũng do chính con người tạo ra và thậm chí ngay những thảm họa do thiên tai gây ra cũng có một phần trách nhiệm của con người trong đó. Chúng hoàn toàn không phải do một đấng tối cao hay là một năng lực siêu nhiên nào ban phước, giáng họa, thưởng phạt con người cả.

Tận trong sâu thẳm của cõi lòng, tất cả mọi người đều mong muốn có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc, muốn sống trong thanh bình. Vậy thì tại sao từ xưa cho đến nay những con người bất hạnh, luôn sống trong lo sợ, bất an và đau khổ vẫn nhan nhản trong xã hội, và chiến tranh, bạo loạn, thù địch vẫn diễn ra liên miên? Nguyên nhân của vấn đề này là do đâu?

Có thể khẳng định rằng, sở dĩ con người vượt lên trên tất cả muôn loài là bởi con người có lý trí, có ý thức. Hay nói cách khác là con người có Tâm. Tâm là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tính chất của cuộc sống. Thiện hay ác cũng do tâm, hạnh phúc hay khổ đau cũng xuất phát từ tâm. Và do vậy, con người có thể sống trong thanh bình, hạnh phúc hay không cũng chính do tâm của con người đóng vai trò quyết định. Nếu chúng ta nói năng hay hành động với tâm thanh tịnh thì chúng ta có được hạnh phúc, chúng ta sống trong thanh bình; ngược lại, nếu chúng ta nói năng hay hành động với tâm nhiễm ô thì chúng ta sẽ phải khổ đau, bất an, gây nên sự hận thù và bất hòa với người khác. Là bạn hay là thù cũng do chính chúng ta tạo nên. Ngài Đạt – lai Lạt – ma có dạy: “Bạn và thù bắt nguồn từ những nhân tố khác nhau, trong đó nhân tố quan trọng nhất là thái độ của chúng ta. Khi chúng ta cởi mở với người khác, sẵn sàng bày tỏ tình bạn và sự thiện cảm với họ thì ngay lập tức sẽ tạo ra một bầu không khí tốt. Khi chúng ta làm được điều đó thì người khác sẽ đến với chúng ta với một nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của họ, không phải là một nụ cười gượng ép, giả tạo mà là một nụ cười chân thực. Nhưng nếu chúng ta mang trong mình những ý định xấu, những ý tưởng tiêu cực, nếu chúng ta không quan tâm đến những quyền lợi và những ước muốn của người khác; hay nói cách khác, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình và có ý muốn lợi dụng người khác cho những mục đích của cá nhân mình thì tình huống sẽ trở nên xấu đi, thậm chí ngay những người thân trong gia đình chúng ta cũng sẽ rời xa chúng ta. Điều này cho thấy rằng bạn và thù là sản phẩm của chính thái độ của cá nhân chúng ta.”

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất an, chiến tranh, bạo loạn, gây hận kết thù với nhau đó là lòng tham của con người. Dân gian ta thường bảo rằng “tham thì thâm”, quả thật là một sự đúc kết thâm thúy. Lòng tham làm cho con người mất hết lương tri, họ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được tham vọng của bản thân. Vì lòng tham con người có thể tàn hại lẫn nhau, chém giết nhau. Đôi khi vì lòng tham mà có những người đã giết hại cả những người thân yêu nhất của mình, họ có thể giết cha, giết mẹ, giết bà con, họ hàng, giết những người bạn đã đồng cam cộng khổ. Lịch sử đã cho chúng ta thấy có không ít những vị hoàng tử đã giết chết vua cha để đoạt lấy ngôi vua, không ít những vị hoàng thân quốc thích, các quan đại thần đã lập mưu tính kế để soán ngôi, đoạt vị. Trong xã hội hiện tại cũng có không ít những người con giết cha để đoạt gia tài, anh em chém giết nhau, đưa nhau ra tòa vì chia tài sản không đồng đều, vợ chồng mưu hại nhau để lấy tài sản của nhau. Một khi con người bị sai sử bởi lòng tham thì chính bản thân họ cũng bất an, sợ sệt, chính họ cũng không có hạnh phúc. Người nào càng ham muốn nhiều thì nhu cầu lợi dưỡng càng nhiều thêm, do vậy khổ đau ngày càng tăng.

Trong Đại kinh khổ uẩn đức Phật có dạy rằng: “Này các Tỳ – kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, nên vua tranh đoạt với vua, Sát – đế – lỵ tranh đoạt với Sát – đế – lỵ, Bà – la – môn tranh đoạt với Bà – la – môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, cha mẹ, anh em, bè bạn tranh đoạt lẫn nhau. Khi họ đã dấn thân vào sự tranh đoạt, họ đánh nhau bằng tay, ném nhau bằng đá, đập nhau bằng gậy và chém nhau bằng gươm. Do đó, họ bị tử vong, hoặc khổ đau gần như tử vong”.

Đấy là nói về tham tiền tài, danh vọng. Con người còn bị sự chi phối bởi lòng tham đắm sắc dục, tham về ăn uống, ưa sự nhàn rỗi. Đối với sắc đẹp, mà cụ thể là đối với những khoái cảm về xúc chạm thân xác, con người đắm say trong đó, không biết chán, không biết mệt và càng ngày càng lún sâu thêm. Về vấn đề này, trong Kinh Tăng chi bộ, phẩm Sắc, đức Phật có dạy rằng: “Ta không thấy một sắc… một thanh… một hương… một vị… một xúc nào khác, này các Tỳ – kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc… thanh… hương… vị… xúc người đàn bà. Này các Tỳ – kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông” và “Ta không thấy một sắc… một thanh… một hương… một vị… một xúc nào khác, này các Tỳ – kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như sắc… thanh… hương… vị… xúc người đàn ông. Này các Tỳ – kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà”. Sự hưởng thụ khoái cảm nhục dục quá độ khiến cho thân thể hao mòn, bệnh tật phát sinh. Trong thực tế, nhiều người đã có người hôn phối nhưng khi gặp những người khác phái vẫn nảy sinh sự ham muốn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của bao gia đình, đem đến cái chết oan uổng của nhiều người và dẫn đến những tai nạn thương tâm. Hậu quả của vấn đề này còn đưa đến cho xã hội nhiều tai hại khác, đó là an ninh xã hội bị xáo trộn, tội phạm tăng thêm, số trẻ em mồ côi, vất vưởng, không nơi nương tựa càng nhiều,… Và đã có không ít những quan chức, doanh nhân phải đánh mất sự nghiệp của mình cũng chỉ vì sắc dục. Sự đắm nhiễm sắc dục quá độ khiến cho bao người cuồng loạn, khổ đau.

Sự sân hận, ganh ghét lẫn nhau cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chia rẽ, bất an và tàn hại lẫn nhau. Vì nóng giận, ganh ghét con người có thể chém giết lẫn nhau, mưu hại nhau, đánh mất tình thân, phá vỡ sự giao hảo giữa người với người. Đồng thời, một khi con người nung nấu sự tức giận, ganh ghét trong lòng thì chính họ cũng bị chúng thiêu đốt, bị chúng hành hạ, chẳng những mang tâm bệnh mà còn dẫn đến thân bệnh, điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị bệnh tim và bệnh cao huyết áp, vì trong cơn giận dữ, căm phẫn họ rất dễ bị ngột thở, rất dễ bị xuất huyết não và dẫn đến đột tử. Trong bài giảng về Từ bi, đức Đạt – lai Lạt – ma đã nhấn mạnh: “Sự ghét giận khiến chúng ta mất sức khỏe và mất đi những người bạn. Và cuối cùng nó sẽ tàn hoại đời sống của chúng ta. Những xúc cảm tiêu cực gây ra những nguy hại ở tất cả mọi cấp độ – cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, và thậm chí cả toàn thế giới”.

Những nhận thức sai lầm, những định kiến, cố chấp và sự phân biệt giai cấp, giới tính, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da cũng là những nguyên nhân gây ra khổ đau, chia rẽ, phá hủy đời sống an bình, hạnh phúc của cá nhân và xã hội. Những hành vi, những lời nói và những ý nghĩ bất thiện của con người, do chính con người tạo ra dưới sự thúc đẩy của tham, sân, si chẳng những gây ra khổ đau cho con người trong hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai. Và một khi mình đã tạo ra thì không thể nào tránh khỏi hậu quả:
Không trời cao biển rộng,
Không hang động, núi rừng.
Ðã tạo nghiệp ác độc,
Trên đời hết chỗ dung.
(Kinh Pháp Cú, kệ thứ 127)

Thế thì làm sao để có thể tạo dựng thanh bình cho cuộc sống? Khổ đau và bất an do tâm tạo ra, hay nói cách khác là do chính con người tạo ra thì sự thanh bình, hạnh phúc của cuộc sống cũng bắt nguồn từ chính tâm thức của con người, từ chính sự thay đổi nơi mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội. Theo ngài Lama Thubten Zopa Rinpoche: “Bạn không tìm thấy được sự thanh bình nếu bạn quên đi việc chuyển hóa nội tâm. Thông qua sự trưởng dưỡng của một tấm lòng lương thiện người ta có thể đạt được sự an bình trong tâm hồn.” Để giúp con người tìm được sự bình an trong tâm hồn, nếm được hương vị an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống, để mọi người có thể sống với nhau trong thanh bình, hòa hợp, đức Thế Tôn đã dạy nhiều phương pháp thực tập. Những phương pháp ấy quả thật rất thiết thực và đem lại lợi ích ngay trong hiện tại cũng như tương lai cho những ai thực tập theo những giáo pháp ấy. Giáo sư Jan Willis, trong bài tham luận tại hội thảo về vấn đề hòa bình thế giới, đã khẳng định: “Tôi tin rằng Phật giáo đem đến cho chúng ta những phương pháp thiết thực để giúp chúng ta chuyển hóa một thế giới bạo động và để xây dựng một nền thanh bình dài lâu, trước hết là từ bên trong mỗi chúng ta rồi nới rộng dần.”

Một trong những pháp môn căn bản nhất mà đức Phật đã dạy để giúp con người sống an lành, hạnh phúc trong tinh thần hòa hợp, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau đấy là Từ bi. Tu tập tâm từ bi giúp cho chúng ta mở rộng cõi lòng, biết bao dung và tha thứ, biết thương yêu, cảm thông và chia sẻ với mọi người, không còn bị tâm sân hận và ganh ghét, đố kỵ nung đốt và sai khiến nữa. Đồng thời, khi đối xử với mọi người với tâm từ ái, chúng ta có thể cảm hóa được người khác, dễ dàng tạo được thiện cảm trong lòng mọi người, do vậy mà chúng ta có thêm những mối quan hệ tốt và bớt đi những mối thù địch. Có một lời dạy trong kinh Pháp cú mà hầu như tất cả mọi người con Phật đều biết đến, đó là:
Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không có được,
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
(Kinh Pháp cú, kệ thứ 5)

Trong kinh Thương yêu (Pāli – Mettā sutra), đức Phật đã dạy về sự tu tập tâm từ như sau: “Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài. Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, mi­ễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.”

Cùng với việc tu tập tâm từ bi là thực hành hạnh bố thí, thiểu dục tri túc để chuyển hóa tâm tham lam. Bởi thấy được nguyên nhân gây ra khổ đau và xung đột trong cuộc sống là sự tham lam, vì vậy đức Phật đã dạy pháp môn bố thí và sống thiểu dục tri túc. Một khi chúng ta sống ít ham muốn, biết vừa đủ và biết dâng tặng những vật thuộc sở hữu của mình cho người khác thì lúc ấy tâm tham dục trong chúng ta sẽ bị suy yếu dần. Và khi chúng ta sống một đời sống tri túc thì chúng ta rất dễ có được niềm an lạc. Trong kinh Di Giáo đức Phật có dạy: “Này các đệ tử, nếu các vị muốn giải thoát mọi khổ đau thì nên thường xuyên tu tập quán biết đủ. Pháp biết đủ là cơ sở của sự an lạc, hạnh phúc và sung mãn. Người biết đủ thì dẫu nằm trên đất vẫn thấy an lạc, người không biết đủ dù sống ở thiên đường vẫn không vừa ý”. Người biết sống tri túc thì không lấy lòng người khác bằng cách dua nịnh, luồn cúi và cũng không bị các giác quan sai sử, thao túng, vì vậy mà tâm người đó được thanh thản và không tổn hại đến người khác, không gây ra bất hòa.

Tu tập tâm nhẫn nhục cũng là một pháp môn giúp hành giả có thể tạo dựng hạnh phúc cho mình và được mọi người mến mộ. Tu tập hạnh nhẫn nhục thì hành giả phải biết làm chủ tâm ý của mình, làm chủ được lời nói cũng như hành vi của mình, không để tâm sân hận thiêu đốt, không để những ý nghĩ ghen ghét, thù địch sai khiến, phải thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói, trong từng hành vi biểu hiện của mình, không buông lời thô ác để trả đũa. Nhẫn nhục là sự biểu hiện sức mạnh nội tâm. Nhẫn nhục còn là phương thuốc thần hiệu để đối trị tâm sân hận, làm lắng dịu lòng sân hận trong mình và có thể làm dịu lại tâm sân hận, thù địch nơi người khác. Nhẫn nhục đúng lúc có thể cảm hóa người khác dễ dàng.

Sáu phép hòa kỉnh cũng là những nguyên tắc sống giúp con người tạo lập một tập thể hòa hợp, một xã hội thanh bình. Nếu mọi người đều thực tập Sáu phép hòa kỉnh thì xã hội sẽ không có sự tranh chấp, cướp đoạt, tàn hại lẫn nhau. Ngược lại, mọi người sẽ thương kính nhau, hòa đồng với nhau như nước với sữa, chia sẻ ngọt bùi cùng nhau và giúp nhau cùng tiến bộ, cùng xây dựng hạnh phúc cho cuộc sống.

Những giới luật mà đức Phật đã chế định cho người Phật tử tại gia cũng như hàng ngũ xuất gia hành trì cũng không ngoài mục đích là giúp hành giả đạt được sự an lạc nội tâm, tạo lập một đời sống hạnh phúc và thanh bình cho cá nhân và xã hội. Điều này chúng ta có thể nhận thấy rất rõ qua năm giới mà đức Phật đã chế ra: không sát hại, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu. Đây là năm giới điều căn bản nhất trong đời sống tu tập của người Phật tử, xuất gia cũng như tại gia. Việc giết hại kẻ khác, trộm cắp tài vật của người khác, sống không chung thủy, nói dối trá, lừa gạt người khác và sử dụng những chất gây nghiện, những chất độc hại khiến cho mình và người đều chịu khổ đau, bất hạnh, gây ra những xáo trộn, bất an và nguy hại cho gia đình và cộng đồng xã hội. Vì thế, muốn có được an vui trong cuộc sống, được sống trong thanh bình thì phải thực tập năm giới điều này. Sự sống là vô cùng quan trọng. Chúng ta muốn tồn tại, muốn được sống thanh bình mà lại hủy diệt sự sống quanh ta thì chẳng khác gì việc mò kim đáy bể. Vì thế, bảo vệ và tôn trọng sự sống, không gây tổn hại đến mạng sống của tất cả mọi loài cũng có nghĩa là chúng ta đang xây dựng cho hạnh phúc của cá nhân và sự thanh bình của cộng đồng xã hội. Chúng ta có thể khẳng định rằng năm giới này là những nguyên tắc đạo đức căn bản của xã hội loài người, chứ không riêng gì những người đệ tử Phật. Là một người có lý trí, có lương tri, muốn sống trong hạnh phúc, thanh bình thì nên thực hành theo năm nguyên tắc đạo đức này.

Với tâm từ bi vô lượng, muốn cứu khổ cho muôn loài, muốn giúp mọi người thoát khỏi khổ đau trong cuộc sống, Thái tử Tất – đạt – đa đã từ bỏ ngôi vị Đông cung thái tử, từ giã hoàng cung xa hoa lộng lẫy, từ giã người vợ diễm kiều và người con thơ yêu dấu để ra đi với mong ước tìm ra chân lý, tìm ra con đường cứu khổ. Vì thế, sau khi đã đạt được sự giác ngộ, giải thoát mọi hệ lụy, khổ đau, đức Phật đã không biết mệt mỏi, không quản ngại gian nan, vất vả trong việc giảng dạy những pháp môn tu tập đến với mọi người nhằm giúp họ có thể tìm được niềm hạnh phúc, an lạc trong cuộc sống, hay nói cách khác là để giúp mọi người có thể sống trong an bình. Chính vì vậy mà tất cả những pháp môn tu tập trong đạo Phật đều không ngoài mục đích ấy. Pháp môn tu tập để được sống an lạc, hạnh phúc mà đức Phật đã dạy thì rất là nhiều, ở trên chúng tôi chỉ nêu ra những nét đặc trưng mà thôi. Tuy có nhiều pháp môn tu tập khác nhau để con người có thể sống trong thanh bình, hạnh phúc, nhưng cốt tủy của chúng vẫn là không ngoài việc chuyển hóa tham lam, sân hận và si mê nơi mỗi người, vẫn dựa trên nền tảng của giới – định – tuệ và khởi điểm là từ nơi mỗi cá nhân trong xã hội, từ việc chuyển hóa nội tâm và thanh bình trong tâm của mỗi cá nhân. Xã hội không thể nào có được sự thanh bình khi mỗi cá nhân, những tế bào cấu thành nên xã hội, không có được sự thanh bình trong tâm, khi mà trong tâm mỗi người vẫn còn bị khích động bởi sự tham lam, sân hận, vẫn ngổn ngang những ý nghĩ thù hằn, ganh ghét, những ý tưởng phân biệt, kỳ thị.

Ngày nay, với sự tinh xảo của những thành tựu khoa học, công nghệ, với những vũ khí hủy diệt hàng loạt, ý thức về trách nhiệm đối với sự an bình, hạnh phúc đối với cá nhân và cộng đồng xã hội nơi mỗi người cần được nâng cao hơn nữa, cần phải lưu tâm nhiều hơn. Nếu không thì chỉ vì một ý niệm thù địch, chỉ vì tham vọng cá nhân là chúng ta có thể gây hại đến không biết bao nhiêu người. Để góp phần trong việc xây dựng thanh bình trong cuộc sống, cũng là thực hiện tâm nguyện cứu khổ độ sanh của đức Từ Phụ, những người con Phật chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc truyền bá giáo lý đạo Phật đến với mọi người và tự thân chúng ta phải tu tập để có được hạnh phúc, an lạc trong cuộc sống, để có được một nội tâm thanh bình, và cũng là để chia sẻ kinh nghiệm tu tập với người khác, để làm những minh chứng hùng hồn cho lợi ích thiết thực của giáo lý đạo Phật trong đời sống cá nhân và xã hội.

______________________________________

Gieo hạt giống
phòng chống tự tử cho tuổi teen

Trịnh Thanh Thủy

Buổi sáng, ngồi nói chuyện với em, nhìn cánh tay em đầy những vết lưỡi lam cứa sâu đã thành thẹo mà em giơ ra cho xem, tôi thấy ngậm ngùi. Em cười lớn một cách cay đắng như tự chế diễu mình, “Sau khi nốc một chai đầy thuốc ngủ, em tỉnh dậy, ha ha, mình vẫn còn sống”. Em là một trong những bệnh nhân bị bệnh trầm cảm mà tôi gặp hàng ngày. Hầu hết những người được liệt vào danh sách có bệnh tâm thần tôi gặp đều mang bệnh trầm cảm. Trong số những người mắc bệnh trầm cảm, tỷ số người đã từng tự tử hay có tư tưởng tự tử không phải nhỏ.

Đời sống càng khó, con người càng chán ghét, căm thù nó, chống chọi đối đầu không nổi thì ta hủy diệt và giết nó đi. Tự tử là hành động “xử trảm” đời sống của mình.

Một buổi trưa, trong một lớp học, một em học sinh tuổi teen tìm đến thầy giáo của mình lúng túng tâm sự “Thầy ơi, em đã thử giết em bằng cách uống thuốc quá liều, mà không chết. Em còn sống đây mà lòng còn đầy phiền não.” Người thầy giật mình, nhớ lại trong cuộc đời làm nghề giáo của mình đã có 3 em quyên sinh, 2 tự bắn chết và một em tự treo cổ.

Buổi chiều khác, khi tôi đang đàm đạo Phật Pháp với một vị tu sĩ trên mạng, bỗng thầy kêu lên “ Có một em đang có ý định tự tử, đang hỏi ý kiến của tôi”.

Tôi bỗng nhận ra những em có ý định tự tử biết tìm đến các bậc trưởng thượng hay người thân thiết hiểu rõ về cuộc sống để tâm sự và nghe lời khuyên, là những em khôn ngoan. Chính tôi ngày xưa cũng có vài lần tự tử mà không chết, lại ngu ngốc đến nỗi không biết tìm đến ai đó để cầu cứu hay tâm sự. Có phải tại tôi giận quá hoá đần, quá cô đơn, không bạn bè thân thiết đủ tín cẩn để gởi trao những câu chuyện lòng, cần gỡ rối?. Hay khi ấy sự quyến rũ của cái chết quá lớn? Sự tuyệt vọng, nỗi chán chường cuộc sống lên đến tuyệt đỉnh, khiến tôi không biết làm gì hơn là hủy diệt nó đi? Tôi tự hỏi, làm người từ thuở bé thơ đến khi chết đi có bao lần con người nghĩ đến và đã thực hiện hành vi tự cướp đi mạng sống chính mình?.

Hàng ngày trên mạng lưới thông tin, báo chí truyền thông, biết bao nhiêu người đã tự tử, có người thành công có người thất bại và khi biết mình còn sống, lại tiếp tục thử lại phương pháp nhanh nhất đưa cổ vào lưỡi hái của thần chết. Có người hận đời, hận người, xứ Mỹ sẵn súng trong tay, thế là xả súng vào đám đông, nơi công cộng, để mang theo nhiều kẻ đồng hành với mình về bên kia thế giới.

Trong số những người tự vẫn, tuổi trẻ chiếm đa số. Theo một thống kê của chính phủ (1991 – 2013) tự vẫn là một nguyên nhân đứng hàng thứ nhì gây ra cái chết cho các em tuổi teen giữa độ tuổi từ 15 tới 19.

Lý do đưa tới việc tự tử của các em thì rất nhiều. Buồn phiền, giận dữ, chán sống vì cảm thấy mình bất lực khi bị ăn hiếp ở trường học. Bị sỉ nhục, chế diễu lăng mạ, theo dõi, đánh đập, hiếp đáp tinh thần, thể chất và cả tình dục. Bị ảnh hưởng trong việc dùng các chất gây nghiện như rượu hoặc ma tuý. Bị bệnh tâm thần hay có bệnh sử tâm thần do di truyền. Đánh mất, các mối quan hệ thân thiết, bạn bè, gia đình, xã hội. Có chuyện bất hoà với người trong gia đình hoặc cha mẹ. Người thân bênh nặng, qua đời. Mắc các chứng nan y, tuyệt vọng. Sống trong gia đình cha mẹ bất hoà, nghèo đói, tài chánh thiếu hụt, mang công mắc nợ, nghiện ngập. Bị người lớn hành hạ và cưỡng bức tình dục.v..v…

Mỗi ngày thức dậy, tôi may mắn có cuộc sống vững vàng ít thay đổi nhưng chung quanh tôi biết bao là cảnh biển dâu, bao người phải vượt qua những thảm cảnh, nghịch cảnh hay những cuộc đổi đời ngoài ý muốn. Không phải ai cũng có đủ nghị lực để chống chỏi hay vượt lên thống khổ mà sống còn. Một cái cây vẫn đứng vững trong trận cuồng phong nhờ thân cây to, chắc và rễ bám sâu vào lòng đất. Đức Phật từ bi đã hiểu rất sâu những đau khổ của chúng sinh mà hướng dẫn chúng ta những phương pháp thoát khổ. Nếu chúng ta biết thực tập những liệu pháp tiêu diệt được nỗi buồn, nhận biết cái giận, biết dừng lại và thở, giữ được chánh niệm cũng như hiểu được vô thường thì chúng ta sẽ giống như cái cây hiên ngang thẳng đứng và tồn tại trong cơn bão tố.

Theo ý riêng của tôi, việc gieo những hạt giống phòng chống tự tử cho các em trẻ cũng giống như chúng ta trồng một cái cây có tố chất mạnh mẽ vậy. Ánh sáng và mặt trời là môi trường xã hội rèn luyện cho cây nhân sinh có sức đề kháng vững chãi, nhưng cây cần có nước. Việc tưới cây là việc cần thiết cho cây sống, trưởng thành và khoẻ mạnh. Đây là công việc quan trọng nhất của các bậc cha mẹ. Nếu bạn là phụ huynh, là con Phật, cố gắng tạo cho các em một môi trường sống gần đạo pháp, nghe và thực tập đạo pháp, các em sẽ hiểu thấu lẽ vô thường. Các em có thể rèn luyện nhân cách bằng những bài thiền học, tập thở, im lặng, tập nhận biết những cơn giận, để chúng tan đi và chuyển hoá chúng. Những cơn giận vì bị áp bức, bắt nạt, ngược đãi, trêu chọc, tủi hổ, hoặc mặc cảm, tủi hổ, tủi thân sẽ là ngọn lửa đi đến hành động tự sát ngay lập tức mà không cần suy nghĩ. Chính cơn giận bị đòn oan ngày xưa mà tôi cũng bao lần dại dột tự tử mà không thành công. Nhất là các em tuổi teen, các em rất nhạy cảm, dễ lâm vào sự cám dỗ hay áp lực của bạn bè.

Vào thời buổi truyền thông nhanh lẹ như hiện nay, những lỗi lầm đưa đến tội ác giết người được thực hiện và truyền đi trên mạng internet chỉ trong vài phút. Khi con người nói bằng bàn phím nhanh hơn sự suy nghĩ, biết bao điều đáng tiếc đã liên tục xảy ra nhất là việc tự tử.

Điển hình là gần đây có em nữ sinh mới 15 tuổi vừa nói lời chia tay với bạn trai vì nghe theo lời cha mẹ để tập trung vào việc học, Em bị người tình tung clip sex và phát tán lên mạng để trả thù. Sau đó, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Chỉ trong vòng 2 ngày, facebook tràn ngập đoạn clip của một cặp đôi mà người ta chỉ nhắm vào thông tin của nhân vật chính: một cô bé sinh năm 2000. Cư dân mạng mau chóng và hăng hái truyền nhau đoạn video và có hàng ngàn đoạn phản hồi phê bình mạt sát, chửi rủa cô bé như “Đồ trẻ trâu”, “Đẹp mặt chưa bé gái!”, “Hàng ngon thế?”, “Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”. Phải nói là mạng lưới truyền thông đã góp phần vào hành động sát nhân. Sự xấu hổ của cô bé và sự giận dữ của anh bạn trai là nguyên nhân đưa đến cái chết. Cả hai đều hành động thiếu suy nghĩ vì còn quá trẻ.

Tuổi trẻ nông nỗi vì các em là cái gạch nối giữa hai giai đoạn, tuổi thơ và trưởng thành nên các em dễ mắc lỗi lầm trong lối cư xử khi chưa suy nghĩ chín chắn. Do đó các phụ huynh, thầy giáo hay các vị lãnh đạo tinh thần nếu có cơ hội gần gũi các em nên để ý đến các dấu hiệu báo trước việc tự tử của các em mà đề phòng. Trước khi tự tử các em có thể hay có kế hoạch hay lưu dấu hiệu ở việc ghi chép như trong nhật ký, tập vở hay trên facebook. Các em thường thay đổi thái độ, lề lối suy nghĩ, sự diễn đạt và cảm xúc.

Khi phác giác ra ý định tự tử của các em, các phụ huynh nên bình tĩnh. Nói chuyện trực tiếp với các em và hỏi các em nghĩ gì khi tự tử. Tập trung và quan tâm đến điều khiến em hạnh phúc, nhất là tránh kết tội hay quy tội. Lắng nghe. Cam đoan với các em, bạn sẵn sàng giúp và không để chuyện đáng tiếc xảy ra lần nữa. Theo dõi thật sát các em và không để chúng ở một mình. Cất dấu tất cả các thứ thuốc, đồ vật hay vũ khí có thể gây ra cái chết.

Một điều thường xảy ra là người muốn tự tử thường không cho ai hay. Các em sẽ được may mắn biết bao nhiêu khi biết tìm đến các bậc trưởng thượng đầy hiểu biết và nhận lời khuyên răn. Tôi biết có một vị giáo sư đã để dành thời gian và sự hiểu biết phật pháp để rèn luyện thêm về các kỹ năng sống cho các học sinh của mình. Ông cố gắng mang chánh niệm vào các học đường bằng cách dạy các em theo dõi hơi thở và đi thiền hành. Ông còn tập cho các em đi bộ trong yên lặng quanh hành lang của trường để gởi năng lượng tập thể cầu nguyện cho một em nữ sinh tự sát bằng súng được siêu thoát và giúp xoa dịu vết thương lòng của các học sinh và bạn bè của nạn nhân. Ông giảng giải cho các em về sự sống và sự chết, thảo luận về chúng để các em có thể hiểu và cảm thông. Lớp ông, mỗi thứ hai trong tuần, ông điều chia sẻ với các em những giá trị cốt lõi, có tính nhân văn, nhân bản cho các em qua những mẫu chuyện hoặc văn thơ.

Tôi mong mỏi và hy vọng các vị phụ huynh, các vị có thẩm quyền, hay đang nắm giữ các chức vị có thể ảnh hưởng sự suy nghĩ của người khác. Bất cứ khi nào có cơ hội gieo được hạt giống phòng chống tử tự cho các em còn trẻ, xin quý vị hãy thực hiện ngay. Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh, phải không các vị.

______________________________________

Đem chánh niệm
và tình thương vào nhà tù
tiểu bang california

Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

Từ xa lộ cao tốc I – 80 hướng về El Dorado Hill, chúng tôi rẽ trái trên Folsom Blvd, xuyên qua phố thị lẻ loi. Gần bờ hồ Folsom, một nhà tù rất lớn nằm dưới thung lũng của những ngọn đồi đẹp bao bọc, hàng trăm cây sồi California native oaks hiện ra thật vững chải nhưng buồn tẻ. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những đàn gà Tây và những chú nai ngơ ngác bước nhẹ trên đồi. Cảnh trí bên ngoài ở đây thật bình yên đến vắng lặng.

Thế đấy mà đã hơn 4 năm rồi, chúng tôi vào tù để đem thông điệp chánh niệm và từ bi để chia sẻ cho những tù nhân, trong đó có những vị đồng hương Việt Nam, đa số là còn trẻ. Chúng tôi là những thiện nguyện viên của Buddhist Pathway Sangha (BP3) vào nhà tù an ninh tối đa Folsom State Prison (B – yard) của tiểu bang California.

Xin mở ngoặc, nhà tù Folsom State Prison, viết tắc là FSP, mở cửa vào năm 1880, là nhà tù an ninh tối đa maximum security prison, lớn thứ hai và lâu đời nhất trong tiểu bang, sau khi nhà tù SanQuentin. Nhà tù FSP nằm ở thành phố Folsom, CA, khoảng 20 dặm (30 km) về phía Đông Bắc của thủ phủ Sacramento. Nhà tù FSP khá nổi tiếng bởi vì nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng Johnny Cash đã thu album live và năm 1968. Theo trang nhà California Department of Corrections and Rehabilitation (Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California), theo thống kê năm 2013 – 2014, nhà tù FSP có 3023 tù nhân nam và có 307 tù nhân nữ (bị nhốt riêng ở nhà tù trong khu vực khác), tổng cộng là 3330 tù nhân và có 1058 nhân viên làm việc (Custody Staff: 562, Support Staff: 301, Healthcare Staff: 195. Annual Operating Budget, $130 million), không tính những người thiện nguyện viên như chúng tôi; và tốn 130 triệu Mỹ kim mỗi năm để hoạt động. Nghĩa là có 1 người chăm sóc 3 người tù nhân, trong khi đó chúng tôi là giáo viên trung học, 1 người phải chăm lo đến 165 học sinh mỗi ngày. Với giá 130 triệu mỗi năm, để giữ 3330 tù nhân thì tốn đến $39,039 cho mỗi tù nhân, mỗi năm. Trong khi đó, theo thống kê ở tiểu bang California (http://www.governing.com/gov – data/education – data/state – education – spending – per – pupil – data.html), mỗi năm chỉ chi có $9,220 cho mỗi học sinh ở trường học công cộng, K – 12 public school.

Từ năm 1997, dưới sự lãnh đạo và thiện nguyện tận tình của Bà Diane Wilde, Buddhist Pathway Sangha (BP3), một tổ chức bất vụ lợi, đưa những tình nguyện viên vào tù để mang triết lý Phật giáo, nghi lễ, đem phong trào chánh niệm và hướng dẫn thiền định cho các tù nhân đang ở trong những trại tù tiểu bang California. Đến nay, BP3 đã đưa chương trình này đến với 17 nhà tù lớn nhỏ ở tiểu bang California, từ sa mạc high desert đến thị thành Sierra Conservation Center. Triết lý Phật giáo nhấn mạnh vào hành vi đạo đức và thực hành thiền định để có cái nhìn sâu sắc mà phát sanh lòng từ. Thực tế là nhiều tù nhân có quá nhiều khổ đau của chính mình và đã gây đau khổ cho người khác. Thêm vào đó, những người tù nhân này đang sống trong một môi trường rất phức tạp, bạo động và đôi khi vô vọng. Nên chương trình này thành lập nhằm cung cấp cho các tù nhân phương tiện cần thiết, công cụ, tài nguyên và kỹ năng sống hầu thay đổi cuộc sống của họ khi còn bị giam giữ hoặc khi được thả ra.

Khi vào tù làm thiện nguyện, thì chúng tôi thường đi chung, 2 hoặc 3 người vì những thủ tục rườm ra và an toàn cho mình. Trước khi vào đó, chúng tôi phải đi học về hệ thống nhà tù, các nhóm băng đảng, kiểm tra sức khoẻ, làm hồ sơ không bị phạm tội, chính ngừa ho lao, v.v… Chúng tôi phải lái xe gần 40 phút, rồi đậu xe và đến cổng để trình trước khi vào bên trong, những người canh tù bắt chúng tôi phải ghi tên và ngày giờ vào mới có lý do chánh đáng. Chỉ có những người có trách nhiệm và nhân viên mới vào được cổng này. Tất cả mọi xe cộ và người ra vào đều phải được kiểm tra. Sau đó, chúng tôi đến Sally Port, nơi có hai hàng lớp kẽm gai, chính giữa là luồng điện sống. Trên tháp canh giác tù (observation tower) có những nhân viên an ninh vạm vỡ đang canh chừng với súng đạn và nhiều máy ghi hình (camera) bao vây. Cá nhân tôi đã thuộc lòng lời dặn của tiến sỹ Gus Koehler, người bạn Phật giáo cùng lý tưởng, dặn dò tôi vào tối đầu tiên là không bao giờ chạy trong bất cứ mọi hoàn cảnh khi ở bên trong nhà tù vì “khi chạy có thể mình bị bắn”.

Mỗi khi vào, chúng tôi sắp đặt bàn thờ Phật, tụng kinh, tập yoga, ngồi thiền, và chia sẻ Phật pháp. Sau đó hồi hướng và tiễn đưa. Đã mấy năm rồi, vào ra nhà tù một cách thong dong tự tại như thế bỗng dưng lại thấy ‘bị nghiền’. Bận quá không vào chia sẻ thì tù nhân đợi chờ. Bên trong, những tù nhân cũng gọi mình là nhóm học Phật, tăng thân (Sangha) mỗi khi vào thì năng lượng tu học của mình lại có thêm. Đó là những cảm giác êm đềm, an nhiên và tự tại mà chúng tôi đã viết lần đầu tiên vào ra cửa tù FSP.

Vào ta tự tại

Vào tù ra khám trong tự tại
Cảm giác nào thoải mái như vầy
Niềm an lạc giữa nơi tù tội
Hạt bồ đề đạo pháp nhiệm mầu

Những tử tội một lần dại dột
Nay ngồi tù hối hận trong lòng
Về cửa Phật tĩnh tâm thiền định
Gieo hạt lành ngay giữa long đong

Tối nay trong khám nhiều lợi lạc
Người canh tù cũng được bình yên
Kẻ tử tội tìm về bến giác
Bốn vách tường. Độc Lập. Tự Do.

Tối nay ra khám bao vẻ đẹp
Con nai vàng ngơ ngác nhìn tôi
Vầng trăng sáng im lìm ngỏ hẹp
Nghe thênh thanh một lối đi về

Folsom State Prison, CA. November, 2011.

IN and Out at Will

To Gus, Jeff and Joette

I am in and out of the maximum – security state prison at will
What a release…
A comfortable feeling.
Finding peace, even bliss in this violent prison place
Even here Dharma seeds are sown
It is a miracle
The criminal elements, once foolish
Now show remorse and regret inside the prison
They come to the Buddha’s door and join the meditation retreat,
Personally sowing their own fresh Dharma seed in the middle of stagnancy and uncertainty.
Tonight I see many benefits for the inmates
Even the prison guards are peaceful
The criminals look for ways to be transformed by finding
In the Chapel of cement cold walls true independence and freedom.
Tonight I came out of jail and found how beautiful things really are
The golden deer look at me bewildered
The crescent, Dormant, moon light is sparkling the night.
I listen to my footsteps on an immense footpath going home.
Folsom State Prison, CA. November 2011.

Hình ảnh và sự biểu hiện lợi lạc của những tù nhân cũng như người tiếp cận là động cơ để mình tiếp tục vào tù để chia sẻ mặc dù bận bịu với công ăn việc làm và đời sống hằng ngày. Đáng lý ra, chúng tôi sẽ không viết những loạt bài này, nhưng có những lời góp ý hữu lý từ những người anh khả kính, khuyên rằng chúng ta giúp những người trong tù thì tốt nhưng giúp những người ở ngoài tù thì càng tốt hơn.

Nói tóm lại, mặc dù tiểu bang California (CDCR – Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California) đã tốn rất nhiều tiền và nhân sự để cai quản tù, nhưng cuộc sống của tù nhân rất đơn lẻ, buồn tủi, phức tạp, bạo động và đôi khi là vô vọng, nên chúng tôi hy vọng là chúng ta hãy làm mọi cách để thiểu giảm (từ thuở ban đầu) đưa con người vào tù, nhất là con em Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhân sự để vào tù hầu trao truyền thông điệp tỉnh thức của đấng Như Lai, giúp đời bớt khổ. Nếu quý độc giả, muốn biết thêm chi tiết, xin thăm trang nhà http://www.buddhistpathways.org/ hoặc liên lạc với chúng tôi ở trang nhà http://www.phebach.com.

Exit mobile version