Site icon Sen Trắng

Lê Nguyên: Dựng Tăng

Ảnh: Làng Mai

Thân chào các bạn,

Có một Ni sư nói với tôi rằng: “Dựng Tăng là một nghệ thuật, một đam mê, một ước muốn cháy bỏng, và trên hết là một tình thương lớn. Không có ai, dù người đó có thông minh cách mấy đi nữa cũng không thể nào khái quát thành một công thức, một hệ thống, hay một cẩm nang, một bài học khả dĩ áp dụng chung được cho mọi hoàn cảnh, mọi địa phương.” Sau hơn ba năm chung sống với Tăng thân, tôi chứng nghiệm được điều đó. Ngược lại, nó (Dựng Tăng) sẽ không khó nếu ta có đủ những đức hạnh như: “một tình thương lớn; một đam mê (passion) cháy bỏng…” như Ni sư đã nói thì việc lại trở nên trơn tru và dễ như nước chảy theo dòng, và không cần phải theo một công thức định sẵn nào cả. Và đây là câu chuyện “Dựng Tăng” mà tôi đã trải nghiệm trong ba năm qua.

Chuyện hơi dài. Số là một hôm tôi được yêu cầu tiếp tay củng cố lại một Tăng thân (Sangha) tu học đã có trên 20 năm rồi, nhưng đang trong tình trạng đứng bên bờ vực. Một yêu cầu ngắn gọn, không cho biết lý do vì sao có khó khăn. Tình hình hiện tại ra sao,…? Tuy đột ngột, mình lại không có dư thì giờ. Nhưng trước sự tha thiết của người đề nghị, và trên hết là đạo Hiểu và Thương nên mình không thể từ chối. Thế là tôi đành hy sinh một số việc dành thì giờ có mặt với Tăng thân.

Sau ba lần sinh hoạt chung, xem xét mọi mặt tôi nhận ra rằng: Tất cả thành viên (tế bào) còn ở lại (một số đã ra đi) trong Tăng thân ai cũng có tình thương, ai cũng muốn phục vụ, cúng dường Tam Bảo. Nhưng dường như trong họ còn thiếu một chút gì đó giống như “nội lực” mà mình có thể tạm gọi là trí tuệ, hay là hiểu biết. Đúng rồi, có hiểu mới có thương (lời một bài hát của một vị thầy ở Làng Mai), ngược lại có thương mà không có hiểu thì khó mà tránh khỏi hệ lụy và đổ vỡ. Vì thiếu hiểu biết nên người ta có khuynh hướng bám víu vào hình tướng, và tự ngã nhiều hơn. Trong khi ngã tướng là thủ phạm của mọi vô minh, cố nhiên đổ vỡ là điều tất yếu phải xảy ra. Hôm ấy tôi thiền hành khá lâu dọc theo bờ sông và đã thấy ra những điều đó trong Tăng thân “XYZ”.

Thay vì mời mọi người cùng ngồi lại với nhau, phân tích cho họ thấy những khiếm khuyết cũng như phẩm hạnh mà Tăng thân đang có. Tôi không làm như vậy. Tôi chỉ đề nghị kỳ tới chúng ta tổ chức Tụng 5 Giới Quý Báu (5 Giới Tân Tu do Làng Mai biên soạn). Tăng thân lúc đó còn lại khoản 25 người, trong mắt ai cũng ánh lên niềm vui và hy vọng.

Tới ngày tụng giới tôi tự thay đổi một chút nghi thức, giản hóa hình thức, và tăng cường nội dung. Mục đích là thân tâm phải đạt được sự thanh tịnh tuyệt đối, vì đó là cơ hội duy nhất để giới pháp thấm sâu vào tâm thức. Thân và tâm của mọi người phải nhất như, phải có mặt 100% với nhau suốt thời khóa. Để đạt được mục đích này, cần phải áp dụng các pháp môn Thiền đi, Thiền ngồi,… sau đó mới vào khóa lễ. Và thay vì chỉ có một người được chỉ định tuyên đọc giới luật, tôi lại chia cho năm người, mỗi người tuyên đọc một giới. Kỳ sau tới năm người khác.

Chỉ cần một vài khóa lễ (Sám hối và Tụng giới) giàu nội dung như thế là đủ giúp cho mọi người có dịp nhìn lại chính mình, và tự thấy được những khiếm khuyết trong quá khứ do đâu mà có. Sau đó tôi đề nghị dành trọn một ngày (24 giờ) cho thực tập đời sống Chánh niệm, và có thêm thời giờ học áp dụng giới-pháp vào đời sống cá nhân, gia đình, và ngay trong sở làm. Mỗi tháng Tăng thân phải có hai lần tu tập như thế. Và chỉ sau ba tháng Tăng thân “XYZ” đã lấy lại được sức khỏe, trẻ trung ra rất nhiều. Tiếng lành đồn xa, Tăng thân ngày càng sản sinh thêm nhiều tế bào (thành viên) mới, những tế bào ra đi trước kia cũng dần trở về đông đủ. Đặc biệt, lác đác một vài cháu sinh viên (du học) bắt đầu lân la rụt rè bước tới.

Các cháu hồn nhiên, trong trắng, rất dễ thương. Đa số đến từ miền Bắc, đông nhất là dân Hà Nội. Các cháu tới làm quen. Được các thầy cô trẻ chào đón niềm nở thân cận như anh chị em một nhà. Thế rồi mùa hè tới, Tăng thân chuẩn bị về Làng Mai tu học, kẻ một tuần, người hai tuần, có người ghi danh tới ba tuần hoặc trọn khóa. Chợt nhìn lại bổng thương các cháu vô hạn. Nhớ lại ngày mình bỏ nước ra đi cũng không xa mấy cái tuổi của các cháu bây giờ. Một mình lạc lỏng xứ lạ quê người. Nhớ quê hương đất nuớc, cái gì cũng nhớ, tất cả hình ảnh từ lớn tới nhỏ đều chộn rộn bức bối như quả bom sắp nổ tung trong tiềm thức. Các cháu bây giờ cũng vậy. Nghe cô chú kể về Làng Mai giống như một Việt Nam thu nhỏ ở tận Tây Nam nước Pháp với tâm trạng nhớ nhà như thế ấy ai mà không muốn “về” một lần cho biết, nhất là mình còn có thể gặp được tác giả những quyển sách đang gối đầu giường của mình. Nhưng là sinh viên du học nghèo rớt mồng tơi, nội cái vé tàu đi và về cũng phải tiếc kiệm ăn tiêu cả năm không biết có đủ chưa, đã vậy còn thêm khoản chi phí ăn ở cả tuần lễ. Nhưng đâu chỉ có vài ba cháu. Chúng nó khá đông, các cô, các chú dù có thương mấy đi nữa cũng chỉ có thể giúp được vài ba cháu là cùng, đàng này tới hàng mấy chục đứa hơn làm sao trang trải hết được, cô chú cũng phải lo phần của cô chú nữa chứ.

Nhưng chẳng lẽ không làm gì thì tội quá đi thôi! Thế là tôi đề nghị tổ chức một trại hè cho tất cả các cháu sau khi Làng đóng cửa. Ôi còn vui sướng nào hơn. Các cháu nhảy tưng lên, cười hết cở như lâu lắm mới được bố mẹ cho ăn quà. Bao nhiêu nét hồn nhiên các cháu đều biểu lộ ra hết, mặc dù có cháu cũng đã ngoài 25 và đang theo các chương trình sau cử nhân.

Nhưng tổ chức sao bây giờ đây, trong khi thì giờ mình cũng không có bao nhiêu. Thế là tôi họp khoản tám cháu chủ chốt tại nhà một anh chị trong Tăng thân quanh bát phở chay. Tôi giao hết khâu tổ chức cho các cháu tự lo tự quản. Các con phải thực tập lãnh đạo ngay bây giờ, đừng có lo sợ, cô chú lúc nào cũng có mặt bên cạnh. Thế là các cháu tự lo hết mọi khâu từ: Thông tin quảng bá trại; Đặt tên trại; Đặt chủ đề cho trại; Lập chương trình; Liên lạc; Ghi danh; Ấn định trại phí; v.v… Riêng phần ẩm thực, bếp núc do các cô chú đảm trách cùng sự hỗ trợ của một số sư cô. Nội dung chính là Trao truyền cho các cháu kỹ năng làm chủ thân tâm, xử lý cảm xúc (Cảm thọ)… do quý thầy, sư cô và cư sĩ đảm trách. Thảo luận (Pháp đàm): Quan điểm của người trẻ về tình yêu (khuyến khích, tạo cảm hứng để các cháu tự chia sẻ trải nghiệm của mình). Chủ trì cho các cháu thuyết trình 5 Giới, tiếp theo là trả lời thắc mắc chung quanh nội dung Giới luật và cách áp dụng Giới vào đời sống hàng ngày. Cuối cùng là một buổi lễ truyền 5 Giới cho các cháu phát tâm. Tuy nói là Trại Hè, nhưng thực chất đó là một khóa tu ba ngày cho người trẻ.

Một “Trại hè” (khóa tu) cho người trẻ đã thành công ngoài mong đợi. 150 cháu (vì hết chỗ nên khá đông các cháu bị từ chối vào giờ chót) gồm cả Việt và Pháp, trong đó sinh viên Việt nhiều hơn. Đặc biệt, đa số đều là các cháu sinh viên du học, một số ít đã ra trường và đang làm việc tại Paris, rất ít con em cựu tị nạn tham dự. Thiền đường đã phải tận dụng toàn bộ không gian của mình. Trong những giờ chia sẻ BTC đã không cầm được lòng trước xúc cảm và những sự thật không ngờ, có khi tréo ngoe với những gì mình đã từng nghĩ tưởng về các cháu trước đây. Có cháu nói: “Con đã ở Paris được sáu năm, ba năm đầu con còn đi học, suốt ba năm đó con chỉ đi chợ 13 (Quận 13 Paris, khu Á đông) được có ba lần, cả ba lần đều là tai họa cho con. Hồi đó mới tới Pháp con rất nhớ, rất thèm hương vị Việt Nam nhưng mỗi lần tới đó mua sắm con đều bị các bác tị nạn mỉa mai dè bỉu khi nghe con nói giọng Hà Nội và biết con là sinh viên du học. Lần đầu con thực tình trả lời câu hỏi của một bác là con đang học ban tiến sĩ kinh tế. Bác bỉu môi khinh bỉ và nói rằng: “Đỉnh cao trí tuệ XHCN mà cũng học mót kinh tế tư bản à?”… Rút kinh nghiệm, lần thứ hai con nói là con học ngành Thể thao. Nhưng cũng không thoát khỏi sự dè bỉu của các bác. Lần thứ ba con không nói đi học nữa mà nói là con đi làm. Nhưng cũng không thoát được sự chê trách của các bác. Từ đó con rất sợ và suốt ba năm liền con không dám đi chợ ở đó nữa cho dù con rất nhớ món ăn quê hương. Con có cảm giác chúng con là đối tượng cho các bác ấy trả thù”. Một cháu khác chia sẻ trong nước mắt: “Quê con ở Hà Nội, con đang theo học năm cuối của chương trình tiến sĩ tin học. Như bao người trẻ khác lớn lên ở quê hương chúng con đã không được ai dạy cho biết thế nào là một tình yêu đúng nghĩa như con vừa mới được quý thầy cô, và các cô chú trao truyền trong hai ngày qua. Con đã từng yêu, nhưng không tự phân biệt được tình dục và tình yêu. Chúng con cũng không được giáo dục về giới tính cho nên ngay khi vào tuổi dậy thì con đã đáp ứng theo sự đòi hỏi của cơ thể … hậu quả (khóc)… Hôm nay học được 5 giới con mới biết được thế nào là tình thương, cũng như cách bảo vệ sự sống (giới thứ nhứt). Thế nào là tình yêu và cách giữ gìn phẩm hạnh của mình và người mình yêu … (giới thứ ba). Con nguyện mai đây ra trường, con sẽ không ở lại mà con phải về nước lập Tăng thân chia sẻ yêu thương, cụ thể là 5 giới quý báu cho thế hệ sau con.” v.v…

Ngay trước giờ chia tay, các cháu đã tự hẹn nhau và định ngày tổ chức sinh hoạt định kỳ với nhau. Thế là thêm một Tăng thân trẻ vừa ra đời ngay sau khóa tu 3 ngày đó. Các cháu đã sáng tạo thêm nhiều pháp môn thực tập tỉnh thức đáp ứng được nhu yếu hàng ngày cho lứa tuổi và điều kiện xã hội khách quan. Áp dụng 5 giới một cách thông minh và hiệu quả vào cuộc sống và cháu nào cũng có hạnh phúc. Các cháu đã chia sẻ trải nghiệm và hạnh phúc ấy với gia đình, anh chị em và bố mẹ ở bên nhà. Có nhiều bố mẹ chưa bao giờ nghe ai nói tới hai chữ “chánh niệm”, “tâm linh” đã không ít hoang mang và lo lắng cho con mình bị người ta dụ dỗ lừa gạt nên đã dùng mọi cách ngăn cản, cố nhiên là qua điện đàm hoặc thư tín. Cũng có nhiều cặp bố mẹ không tiếc công, tiếc việc, tiếc tiền bay nửa vòng trái đất qua đây xem xét. Nhưng khi giáp mặt thấy con mình sao mà nhiều tiến bộ và dễ thương đến nhường ấy. Các vị đã cùng các cháu đến tận thiền đường, âm thầm quan sát. Từ quan sát đến tham gia chẳng xa mấy bước, thế là họ đã tự nếm được mùi vị của tỉnh thức, của chính niệm nó chua ngọt ra sao. Chỉ đến khi đó họ mới thố lộ hết những toan tính bí mật, những lo âu trước đây đối với con cái cũng như những dự tưởng sai lầm về Tăng thân. Và câu chuyện nào cũng được kết thúc bằng nước mắt, nước mắt của hiểu-thương và hạnh phúc. Điều đáng quý khác là cháu nào cũng muốn có một Tăng thân như thế để nương tựa ở quê nhà một khi các cháu học xong về nước. Ngay khi còn đang theo học ở bên đây các cháu cũng ước mơ có loại Tăng thân như thế ở nơi quê mình để cho các bạn không có diễm phúc du học như mình thừa hưởng. Đó là một trong những ước mơ cháy bỏng của các cháu.

Rõ ràng đó là nhu yếu của các cháu, của đất nước hiện tại, và bổn phận của người trao truyền. Nhưng sự trao truyền chỉ thành công, chỉ hiện thực khi mình có cái để trao. Cái đó là Hiểu và Thương. Nếu cái ta có không phải là tình thương và hiểu biết, mà là tham vọng, hận thù thì con cháu ta bị buộc phải nhận những cái sản phẩm tiêu cực ấy mặc dù nó không phải là nhu yếu của chúng. Đó là những cái mà chúng ta đã bị buộc phải tiếp nhận từ thế hệ trước của chúng ta. Nếu chúng ta không can đảm khước từ và thay đổi ngay bây giờ thì nó sẽ tiếp tục hôm nay, tiếp tục ngày mai. Và rồi đất nước sẽ đi về đâu, dân tộc sẽ như thế nào khi chúng ta không còn hiện hữu? Theo tôi đó là một tôi ác trong các tội ác do vô minh mà ra. Tại sao mình bắt con em của mình phải chuốc lấy hận thù của riêng mình tạo ra? Cái đó đâu phải là thương. Đã nói thương con sao bắt con phải khổ, bắt con phải gánh lấy cái nợ của mình? Tại sao không cho chúng mật ngọt, trái lành sẵn có của quê hương?

Lần lượt trong ba năm qua, đã có nhiều lượt các cháu về lại quê hương, đem hiểu thương, giá trị đạo đức thể hiện qua 5 Giới và ít nhiều văn minh, văn hóa, bản sắc độc đáo của dân tộc mà các em đã học được trong quá trình sinh hoạt với Tăng thân; Bên cạnh kiến thức khoa học (do nhà trường của Pháp đào tạo) phục vụ nơi quê nhà.

Từ đó ta có thể rút ra được nhiều bài học:
1. Hiểu và Thương (Bi và Trí) là nhu yếu sống của con người. Đó là sự thật thứ nhứt.
2. Muốn trao truyền thì phải có cái để trao truyền. Ở đây là Hiểu và Thương, là thân giáo.
3. Phải có một Tăng thân để nương tựa (Lý tưởng nhứt là đủ 4 chúng).
4. Phải có một không gian (chùa, tu viện, thiền đường). Có nhiều Tăng thân ở Châu Âu tổ chức tại tư gia (vì ở xa chùa, hoặc có chùa nhưng các thầy bên truyền thống chưa sẵn sàng) và chỉ có hai chúng Cư sĩ nhưng cũng khá thành công.
5. Chú trọng vào nội dung thực tập, giản tiện mặt hình thức nhiều chừng nào mình càng đỡ mệt, và càng có nhiều thì giờ cho thực tập.
6. Tránh mọi lời nói, biểu tượng chính trị, phe phái. Chỉ nói lời ái ngữ, và nuôi dưỡng tin yêu.
7. Phải có một số kỹ năng về tâm lý (nếu ai đã học Duy thức và biết cách áp dụng sẽ như hổ thêm cánh).

Thưa các bạn,

Đọc con số: 16.098 sinh viên VN du học taị Mỹ trong năm nay, tôi bổng có một giấc mơ và nói ngay rằng đây là của quý trời cho. Tại sao ta không phát động phong trào “Dựng Tăng”, không đem Hiểu và Thương đến với các cháu, trao truyền cho các cháu những giá trị muôn đời của giống nòi. Các cháu là người chủ tương lai của đất nước, có phải vậy không? Đã vậy, tại sao chúng ta còn kỳ thị, nuôi dưỡng hận thù đẩy các cháu xuống vực sâu đầy máu lửa. Rồi đây học xong các cháu sẽ về nước. Các cháu sẽ nắm được vị trí lãnh đạo quốc gia các cháu sẽ là một Trần Nhân Tông, một Lý Công Uẩn, một Trần Hưng Đạo, một Lý Thường Kiệt, một Nguyễn Trãi, hay một Trần Ích Tắc, một Lê Chiêu Thống,… đều do thái độ và cách nhìn của chúng ta ngay bây giờ và tại đây.

Ở đâu chúng ta cũng có chùa. Chúng ta (Cư sĩ) đã ý thức được điều đó chưa? Đã sẵn sàng chưa? Quý thầy truyền thống có ý thức được vai trò Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân, Khuôn Việt (ngày nay) của mình chưa? Hãy mở rộng lòng ra, bỏ bớt câu nệ nhanh chóng làm mới giáo pháp. Áp dụng các pháp môn mà Sư Ông và hội đồng Giáo thọ Làng Mai đã dày công thử nghiệm hơn 30 năm qua, và đã thành công ở khắp mọi miền văn hóa khác nhau.

Tôi nghĩ đây là cơ hội vàng, Hoa Kỳ lại là nước có nhiều sinh viên Việt Nam du học nhất. Họ có cả một chủ trương và sách lược “trồng người”. Là kẻ thức thời, nặng lòng với dân tộc và đạo pháp ta không thể để cho cơ hội trôi qua một cách oan uổng, và càng không thể để lọt hơn 16 ngàn Trần Quốc Toản tương lai ấy vào tay của những thế lực đen tối vốn chưa bao giờ từ bỏ tham vọng nô lệ hóa hồn nước, hồn người Việt Nam. Hiện tượng này đã và đang xảy ra trên quê hương cũng như trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Có lẽ đây cũng là hy vọng, và là cơ hội cuối cùng của thế hệ chúng ta đối với con em và đất nước.

Cảm ơn quý anh em đã lắng nghe. Tôi sẵn sàng cung cấp thêm thông tin cũng như từng kinh nghiệm cụ thể từng giai đoạn từ khởi đầu khó khăn cho tới lúc điều hành nếu được yêu cầu. Đó là niềm vui của tôi.

Rất hy vọng,

LÊ NGUYÊN

Exit mobile version