Site icon Sen Trắng

Quảng Pháp: Cái cần củng cố là Bồ Ðề Tâm

Trưởng niên Nguyên Tịnh Trần Tư Tín và Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai hội ngộ Hoa Kỳ, tháng Sáu, 2019

Mấy mươi năm sau, hồi nào vẫn vậy, đi bên nhau, Anh Mai sôi nổi chừng nào, thì Anh Tín thâm trầm chừng ấy. Sự sôi nổi tất yếu cho một tổ chức hoạt động thanh thiếu niên, và sự thâm trầm làm giềng mối của một tổ chức giáo dục tuổi trẻ Phật Giáo vốn là.

Nhìn hai Anh ngồi cạnh nhau hôm nay, tôi nhớ lại cả một giai đoạn mà hầu hết ai ai cũng nức lòng khi tiếng gọi của Cố Ðại Lão Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu, bấy giờ đang trong lòng Pháp Nạn-Quốc Nạn, giữa gọng kềm lịch sử:

TÂM THƯ

Gửi chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni Việt Nam
đang hành đạo và tu học ở hải ngoại.

Phật lịch 2535
Huế ngày 10 tháng 9 năm 1991

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Thưa quí vị:

Đức Thế Tôn ra đời, chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đem lại trí tuệ, tình thương hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người. Hàng chúng tăng đệ tử của Ngài từ thế hệ này qua thế hệ khác, tâm trong tâm, nguyện cùng nguyện, đã từng hòa hợp với nhau để kế tục sự nghiệp cao cả ấy. Tuy nhiên việc kế tục không đơn giản, vì có khi hàng đệ tử Phật đã hy sinh tính mạng của mình cho chánh pháp được hoằng dương.

Trong lịch sử truyền bá Phật Giáo Việt Nam cũng như thế, có lúc rất bi thảm đầy tủi nhục, nhưng cũng có lúc vẻ vang đáng tự hào. Lúc bi thảm là lúc bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ của Tăng bị phân hóa và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện. Trái lại, lúc vẻ vang là lúc nội bộ chúng Tăng hòa hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường, để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ, giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp.

Bài học lịch sử này, Tăng Ni Việt Nam đã và đang rút ra từ kinh nghiệm đầy quí báu trong cuộc sống hiện tại.

Bởi vậy từ quê hương và cũng chính từ kinh nghiệm bản thân, tôi hằng nghĩ đến, nếu không muốn nói là luôn luôn lo âu và theo dõi những sinh hoạt của Tăng Ni Việt Nam đang tu học và hành đạo ở hải ngoại, những người con của Giáo Hội đang đem chuông đánh ở xứ người, một việc làm cao quí nhưng cũng đầy phức tạp. Với niềm thao thức đó nay tôi có mấy lời tâm huyết gửi đến quí vị: Vì rằng năm nay tôi đã xấp xỉ cửu tuần, sự sống có thể ngưng lại lúc nào và sự từ giã anh em trong trọng trách của mình cũng chưa kỳ hẹn được, nên tôi tha thiết kêu gọi quí vị hãy phát huy hơn nữa bản thể của Tăng già mà đoàn kết hòa hiệp.

Hãy cùng nhau thể hiện tinh thần tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám như luật dạy.

Hãy vì sự tồn tại của Giáo Hội, vì sự quang vinh của Đạo Pháp và Dân Tộc mà gạt bỏ những quan điểm dị biệt để cùng nhau hoằng dương chánh pháp, làm được nhiều Phật sự cụ thể, hữu ích và lớn lao hơn nữa như có nhiều vị đã thực hiện.

Tăng Ni Phật Tử tại quê nhà đang gửi gắm nhiều niềm tin tưởng và đạo tình cao quí ở quí vị. Tôi thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho tất cả anh em thân tâm an lạc, phước trí trang nghiêm để hoàn thành sứ mạng của bậc Chúng Trung Tôn mà Phật Pháp và lịch sử Phật Giáo Việt Nam giao phó!

Nay kính
Tỳ Kheo Thích Đôn Hậu

Buổi ấy, Anh Mai xốc xáo bao nhiêu, thì Anh Tín dè dặt cẩn mật bấy nhiêu. Ðiều đó sau mươi năm nhìn lại, có thể hiểu được, và học được rất nhiều.

Thành, bại; mất, và còn đã rành rọt trước mắt. Duy Tình Lam, tình anh em chưa một chút phai lạt. Cái đó là gia sản quý nhất của GIA ÐÌNH, để còn có thể tự hào với thầy tổ tông môn, tiền bối hữu công, nhất là, đối với đàn em hôm nay và mai sau.

Vì vậy, bức Tâm Thư trên, không chỉ riêng đối với bậc Thầy Tăng, mà có thể áp dụng cho Ðoàn Áo Lam chúng ta không? Khi nhìn xuyên suốt bản chất của sự bất ưng chảy tràn hơn một thập niên qua nhất thời chia chẻ tình anh em nhưng hãy ví đó như ngọn sông Hằng, mà mỗi chúng ta chính là những nhân tố đang mượn làn nước ở đây khiến dòng sông tuy có lúc chịu bị ô nhiễm, nhưng có công năng gột rửa tẩy trần tâm hồn anh-chị-em mình.

 “Nam mô Ðức Phật Di Ðà, Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?” – Vũ Hoàng Chương, Lửa Từ Bi.

Thuở mà lời Tâm Thư nồng nàn soi vào triệu tim Lam dâng bao niềm rạo rực, Trại Huyền Quang kết thành tâm nguyện hiến dâng cho Ðạo và Quê Hương không chút đắn đo. Hải Ngoại lửa hồng Viên Lạc ngời ngời lan tỏa Từ Bi Tâm. Giờ này tôi rất muốn hỏi anh chị trưởng bối và anh em Ban Quản Trại đã chọn danh xưng VIÊN LẠC, tên trại họp bạn toàn quốc ngày đó và tái hiện hôm nay, ý nghĩa có khác không, ngoài ngọn đuốc của vị Bồ Tát xiển dương Tâm Bồ Ðề kiên cố, bất hoại?

Không để chính kiến riêng tư làm hoen ố lý tưởng giáo dục GÐPT: Trong một tình huống xã hội vô cùng khó khăn phức tạp và tế nhị, các anh chị tiền bối của chúng ta đã đặt lý tưởng lên hàng đầu và hoạt động tuyệt đối cho mục đích lý tưởng đó. Một tập thể ngồi lại với nhau, có người đang hoạt động trong phong trào Việt Minh, có người làm quan cho chính phủ bảo hộ, có người đang làm việc cho Tây hay trong các phong trào kháng chiến yêu nước khác, nhưng chưa và không bao giờ dùng lý luận chính trị để bàn về lý tưởng giáo dục của Thanh thiếu niên Gia đình Phật tử; chưa và không bao giờ để chính kiến của mình ảnh hưởng đến lý tưởng giáo dục của phong trào.” – Nguyên Thành Lê Văn Hoàng.

Tấm gương, hành trạng vô trụ xứ hành Ðạo giúp Ðời của Cố Ðại Lão Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu, Ðệ Tứ Tăng Thống còn đây, nên vậy không có cơ sở nào vững chãi và lâu bền để cần tranh thủ củng cố lúc này, nếu tự căn để, mỗi anh chị em mình không củng cố Bồ Ðề Tâm (trước).

Bấy giờ, bằng Bồ Ðề Tâm, chúng ta nhìn nhau không hờn dỗi, nghi đố, không sợ hãi và chúng ta đến ngồi cạnh nhau, vẫn xông xáo với điều phải xông xáo, và thâm trầm với việc cần thâm trầm.

Ðó là tiền đề cho lần hội thảo Trần Nhân Tông đang diễn ra, và kỳ trại họp bạn Viên Lạc sắp khai mạc.

Mặc Cốc, 23 tháng Sáu, 2019
Quảng Pháp

______________________________________

Một số hình ảnh chuyến trở về thăm Hoa Kỳ của Trưởng niên Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai
(Ảnh: Quảng Thọ, Tâm Ðịnh, Quảng Dũng)

 

Exit mobile version