Site icon Sen Trắng

Thích Trí Quang | 1965: Công tác phiên dịch nằm trong công tác hoằng pháp, trở nên tối trọng

Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu (1918-2012)

Trước ngày trăng tròn 2508, Viện Tăng thống có quyết định khuyến khích sự phiên dịch Tam tạng thuộc văn hệ Pāli và Hoa văn. Riêng văn hệ Pāli, Thượng tọa Minh Châu phát nguyện phiên dịch, và sẽ được xuất bản tuần tự từng tập một.

Tam tạng thuộc văn hệ Pāli là tài liệu tương đối chính xác của tư tưởng hệ Phật giáo Nguyên thủy, hiện vẫn là kinh sách căn bản của hết thảy Phật giáo ở các quốc gia Tích Lan, Thái Lan, Ai Lao, Miến Điện, Cao Miên và quốc mẫu Phật giáo là Ấn Độ.

Với Tam tạng quan trọng như vậy, ban đầu Viện Tăng thống nghĩ tổ chức một hội đồng phiên dịch và kiểm duyệt cho viên mãn. Nhưng sau thấy như vậy sẽ khó thực hiện được trong tình trạng Phật giáo hiện tại, một tình trạng “cây muốn lặng mà gió không ngừng”. Viện lại thấy công tác phiên dịch Tam tạng Pāli không thể trì hoãn, nên thà là tạm làm bởi một người, huống chi người ấy là Thượng tọa Minh Châu, bác sĩ văn học Pāli xuất xứ từ Nalanda, nơi xưa kia đã đào tạo ra ngài Huyền Trang. Về sự nhuận sắc, Viện Tăng thống có ý kiến hãy để y nguyên dụng ngữ và văn khí của Thượng tọa Minh Châu, vì lẽ ai đã từng đọc dịch văn của ngài La Thập và ngài Huyền Trang thì thấy rõ là có những văn khí và từ ngữ mà nhìn vào là tức khắc biết của ngài nào, chứa đựng ý nghĩa gì.

Viện Tăng thống thiết tha cầu nguyện Phật giáo Việt Nam song song phát triển ba mặt: học lý, tổ chức và hộ pháp. Phải có ba phần ấy, Phật giáo Việt Nam mới có nội dung và hình thức, mới có bề sâu và bề rộng, mới còn và còn một cách có ý nghĩa. Công tác phiên dịch nằm trong công tác hoằng pháp, trở nên tối trọng đại chính là vì thế.

Thích Trí Quang
(Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
Phật lịch 2508 Saigon 1-2-1965

Exit mobile version