Site icon Sen Trắng

Pháp sư Cưu-ma-la-thập/Tuệ Sỹ dịch và chú: DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT / VIMALAKĪRTINIRDEŚA-SŪTRA

Hán dịch:
Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập 
(KUMĀRAJĪVA)

DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT
VIMALAKĪRTINIRDEŚA-SŪTRA

維 摩 詰 所 說 經

Dịch và chú:
TUỆ SỸ

________________________________

DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT
Hán dch: Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập (KUMĀRAJĪVA)
Tuệ Sỹ dịch và chú
Hương Tích xuất bản
In lần thứ nhất, nxb Phương Đông, 2008
Tái bản, nxb Phương Đông, 2011
Tái bản, Hương Tích Phật Việt, USA, 2014
© Dịch giả giữ bản quyền bản dịch Việt.
________________________________

MỤC LỤC

TIỂU DẪN LỊCH SỬ TRUYỀN DỊCH

I. CÁC BẢN HÁN DỊCH

II. VIỆT DỊCH

THƯ MỤC

CÁC BẢN HÁN DỊCH
CÁC BẢN SỚ GIẢI CĂN BẢN
TỰA CỦA TĂNG TRIỆU

CHƯƠNG GIỚI THIỆU
I. NHÂN CÁCH HUYỀN THOẠI
II. Ý NGHĨA NHÂN CÁCH VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
III. CƠ SỞ TƯ TƯỞNGIV. THỰC TIỄN HÀNH ĐẠO 42

Chương một: QUỐC ĐỘ PHẬT
Chương hai: PHƯƠNG TIỆN QUYỀN XẢO
Chương ba: CHÚNG ĐỆ TỬ
Chương bốn: BỒ TÁT
Chương năm: VĂN-THÙ-SƯ-LỢI THĂM BỆNH
Chương sáu: BẤT TƯ NGHỊ
Chương bảy: QUÁN CHÚNG SINH
Chương tám: PHẬT ĐẠO
Chương chín: PHÁP MÔN BẤT NHỊ
Chương mười: PHẬT HƯƠNG TÍCH
Chương mười một: BỒ TÁT HÀNH
Chương mười hai: THẤY PHẬT A-SÚC
Chương mười ba: CÚNG DƯỜNG CHÍNH PHÁP
Chương mười bốn: CHÚC LỤY

________________________________

TIỂU DẪN
LỊCH SỬ TRUYỀN DỊCH

I. CÁC BẢN HÁN DỊCH

Được ấn hành trong Đại chánh hiện tại, trước sau có tất cả ba bản Hán dịch. Bản dịch sớm nhất do Chi Khiêm,[1] tựa đề “Phật thuyết Duy-ma-cật kinh”, thực hiện trong khoảng niên hiệu Hoàng Vũ thứ nhất (222) dưới thời Ngô Tôn Quyền, đến giữa niên hiệu Kiến Hưng (253) thời Ngô Tôn Lượng. Bản dịch này hình như không còn được lưu hành dưới thời Tăng Hựu.

Bản dịch do Cưu-ma-la-thập được kể là bản thứ hai, gần 200 năm sau đó.

Theo mục lục của Tăng Hựu, giữa bản dịch của Chi Khiêm và của Cưu-ma-la-thập còn có ít nhất hai bản nữa đã được lưu hành.

Theo đó, kế tiếp “Phật thuyết Duy-ma-cật kinh” do Chi Khiêm dịch, là “San Duy-ma-cật kinh”[2] một quyển, do Sa-môn Trúc Pháp Hộ thực hiện trong khoảng niên hiệu Thái Thủy, Tấn Vũ đế (265), đến khoảng niên hiệu Vĩnh Gia năm thứ hai, đời Tấn Hoài đế (308), cùng lúc với nhiều kinh điển khác, mà Tăng Hựu nói là do Trúc Pháp Hộ sang Tây Vực tìm được bản Phạn mang về. Tuy vậy, Tăng Hựu cũng cho biết ý kiến là, Pháp Hộ cắt xén bớt một số kệ trong bản dịch cũ của Chi Khiêm được xem là hơi rườm rà.

Bản dịch tiếp theo đó nữa là “Dị Duy-ma-cật kinh” do Trúc Thúc Lan,[3] thực hiện dưới thời Tấn Huệ đế, niên hiệu Nguyên Khang năm thứ nhất (291).

Khoảng trên dưới mười năm sau, cũng trong thời Tấn Huệ đế, Sa môn Chi Mẫn Độ tập hợp hai bản dịch trước đó, của Trúc Pháp Hộ và Trúc Thúc Lan, biên tập thành một hiệp bản, tựa đề là “Hiệp Duy-ma-cật kinh”, năm quyển.[4]

Như vậy, theo liệt kê của Tăng Hựu, về các bản dịch cổ, hay được gọi là “cựu dịch”, trước sau có tất cả bốn bản. Nếu kể luôn cả hiệp bản do Chi Mẫn Độ biên tập, có tất cả năm bản.

Trong liệt kê của Pháp Kinh,[5] chỉ kể có bốn:
1. Duy-ma-cật, ba quyển, Chi Khiêmdịch, đời Ngô, niên hiệu Hoàng Vũ.
2. Duy-ma-cật kinh, một quyển, Trúc Pháp Hộdịch, đời Tấn.
3. Dị Duy-ma-cật kinh, ba quyển, do Trúc Thúc Lan, đời Tấn Huệ đế.
4. Duy-ma-cật sở thuyết kinh, ba quyển, do Cưu-ma-la-thập, đời Hậu Tần, niên hiệu Hoằng Thủy.

Các bản dịch nêu trên, trừ bản của Chi Khiêm, đến nay đều không còn được lưu hành. Tuy nhiên, Tăng Hựu cũng ghi lại được bài tựa của Chi Mẫn Độ viết cho “Hiệp Duy-ma-cật kinh”.[6] Qua bài tựa này, cùng với bài tựa của Tăng Triệu, cũng như vị trí của Tăng Triệu trong sự hoằng truyền tư tưởng Tánh Không tại Trung Quốc, cho thấy ngay từ đầu khi bản dịch của Chi Khiêm mới được phổ biến, tư tưởng Duy-ma-cật đã có tầm ảnh hưởng nhất định. Thêm vào đó, nhiều bản dịch, kể cả hiệp bản, cũng cho thấy những nỗ lực của các dịch giả và các nhà nghiên cứu, cố gắng truyền đạt nội dung uẩn áo của Duy-ma-cật bằng phương tiện ngôn ngữ, mà như chính trong đối thoại giữa Duy-ma-cật và Văn-thù thể hiện rất sinh động qua những biểu tượng phong phú hình tượng văn học lãng mạn để vượt qua giới hạn mà ngôn ngữ không thể vượt qua.

Trong các bản dịch, bản do La-thập được truyền bá rộng rãi nhất, với rất nhiều bản chú giải khác nhau qua nhiều thế hệ khác nhau.

Khi La-thập đang ở Cô Tạng, một thanh niên trí thức tìm đến. Đó là Tăng Triệu.[7] Bấy giờ chưa đầy ba mươi tuổi. Ngay vừa gặp gỡ và trao đổi lần đầu tiên, La-thập rất trân trọng không những tài năng văn học và cả về tư tưởng uyên áo của người thanh niên này.

Trước đó, Tăng Triệu rất hâm mộ tư tưởng Lão Trang, nghiền ngẫm lẽ huyền vi của Đạo đức kinh. Nhưng Triệu cũng từng than thở: “Đẹp thì đẹp thật. Nhưng vẫn chưa thể tận thiện chỗ u vi mờ mịt của Thần minh”. Sau đó, nhân gặp kinh Duy-ma-cật, bản cựu dịch, cảm thấy bị lôi cuốn, nói rằng, “Bây giờ mới biết đâu là chỗ quay về”. Rồi Triệu xuất gia. Vào lúc tuổi chưa quá hai mươi, mà danh tiếng đã khiến những thanh niên cùng thế hệ cảm thấy phải ganh tị vì sở học quảng bác, tư tưởng sâu sắc, tài biện luận bén nhọn không dễ có người đương nổi.

La-thập đến Trường An năm 401. Bấy giờ Triệu mới hai mươi bảy tuổi. Dưới sự hỗ trợ, và cũng là đại tín thí rất ngưỡng mộ La-thập, của Dao Hưng (366-416) vua nước Hậu Tần, La-thập khởi đầu sự nghiệp phiên dịch vĩ đại tại Trung quốc cùng với người môn sinh xuất sắc và cũng là người trợ thủ đắc lực trong công trình phiên dịch; đó là Tăng Triệu. Văn dịch của La-thập được các thế hệ nghiên cứu Phật học Hán tạng rất hâm mộ vì sự lưu loát và trong sáng, trong đó không thể bỏ qua sự đóng góp không nhỏ của Tăng Triệu. Duy-ma-cật sở thuyết kinh[8] do La-thập dịch là một trong những đóng góp rất sáng giá của Tăng Triệu. Ngoài nội dung vừa uyên áo, vừa bao la hoằng vĩ, cùng với rất nhiều hình tượng văn học mang đầy tính chất lãng mạn, Duy-ma-cật nhanh chóng chinh phục tình cảm của rất nhiều văn thi sỹ Trung quốc qua nhiều thế hệ khác nhau.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu bản dịch của La-thập và bản do Huyền Trang dịch lại sau này (Vĩnh Huy nguyên niên, 650 stl.), người đọc có thể thấy không có hình thái ngôn ngữ nào có thể phu diễn tận cùng sâu thẳm nội dung của Duy-ma-cật. Giới hạn cuối cùng của sự diễn đạt ngôn ngữ, là sự im lặng. Sự im lặng này trở thành nguồn rung động bất tuyệt cho nhiều sáng tạo nghệ thuật, từ thi ca cho đến hội họa.

II. VIỆT DỊCH

Hiện có tương đối khá nhiều bản dịch Việt, mà tất cả đều y trên bản Hán của La-thập, nhưng chúng tôi không biết chính xác số lượng bao nhiêu. Trước đây, chúng tôi chỉ mới đọc được bản dịch của Hòa thượng Huệ Hưng, và bản dịch khác của Ông Đoàn Trung Còn. Các bản dịch khác, rất tiếc là chưa có điều kiện để đọc. Điều đáng tiếc hơn hết là hiện chúng tôi không có bất cứ bản dịch tiếng Việt nào để tham khảo, mặc dù không phải đây là những bản tuyệt gốc. Lý do đơn giản vì sự di chuyển của người dịch rất khó khăn, và những quan hệ xã hội bị hạn chế.

Bản dịch Việt này chủ yếu y trên bản Hán của La-thập. Nhưng đồng thời cũng có sự đối chiếu với bản của Huyền Trang. Những dị biệt về dịch ngữ, cũng như về phong cách dịch, sẽ được ghi ở phần cước chú. Một số chi tiết cần thiết, chúng tôi cũng cần tham khảo đến bản dịch của Chi Khiêm khi nội dung giữa hai bản dịch nói trên hoặc không rõ ràng, hoặc mâu thuẫn nhau.

Mặt khác, rất nhiều đoạn cần phải tham khảo giải thích, hay bình chú của La-thập và Tăng Triệu, cũng như sớ giải của Khuy Cơ. Chính yếu, đây là hai hệ tư tưởng khác nhau; tiếp thu nội dung của Duy-ma-cật từ hai nhãn quang khác nhau. Những tham khảo này cũng được ghi lại trong phần cước chú.

Ở đây cũng cần phải thừa nhận rằng, có những nếp gấp của tư tưởng mà ngôn ngữ Hán, vốn rất dị ứng với các ý tưởng siêu hình, không thể chuyển tải trung thực tiếng Phạn, là loại hình ngôn ngữ giàu chất siêu hình và luận lý. Vì vậy, những khi cảm thấy cần thiết, dịch giả chua thêm một vài từ ngữ Sanskrit.

Điều may mắn cho người dịch là sau khi hoàn tất bản dịch căn cứ trên các bản Hán dịch và các chú giải Trung Hoa, trong lúc đang chuẩn bị cho ấn hành, bấy giờ anh Đỗ Quốc Bảo từ Đức quốc mang về cho bản Sanskrit và bản dịch tiếng Tây Tạng, vừa mới được công bố tháng Ba 2004, do nhóm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Sanskrit, Viện Đại học Taisho, Tokyo.

Bản Sanskrit này được phát hiện do Giáo sư Takahashi Hisao (Cao Kiều Thượng Phu), tháng Sáu, ngày 30, 1999, trong khi ông cùng nhóm nghiên cứu, được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc, đang sưu tầm thư tịch trong Thư viện của Cung điện Potala, thủ phủ Lhasa, Tây Tạng. Có thể nói, đây là bản Phạn duy nhất của kinh Duy-ma-cật mà chúng ta có thể có hiện nay. Cuối tả bản có ghi đây là phẩm vật pháp thí của Bhikṣu Śīladhvaja (Tỳ-kheo Giới Tràng). Niên đại sao tả được ghi là ngày 29 tháng Bhādra, khoảng tháng Tám, Chín dương lịch, dưới triều vua Gopāla trị thế năm thứ 12, mà người chép là Caṇḍoka, thị tùng của Vua (Śrīmadgopāladevarājye samvat 12 bhādradine 29 likhityam upasthāyakacāṇḍoka-syeti). Nhà Vua thuộc Vương triều Pāla, cai trị vùng Đông Ấn, bao gồm địa phương Bengal và Orissa, trong khoảng 750-1200, Tây lịch. Trong đó có ba Vua cùng tên hiệu Gopāla nên khó đoán định niên đại dứt khoát. Gopāla I : 750-775; Gopāla II: 967-987; Gopāla III: 1143-1158. Dù sao, giả thiết niên đại sao tả sớm nhất, vẫn là sau bản dịch của Huyền Trang cả trăm năm. Vì vậy, đây chưa phải là bản chuẩn để hiệu chính các bản dịch Hán.

Thực tế phải nói là chính khi đối chiếu với bản Sanskrit này chúng tôi mới phát hiện nhiều chỗ mình đã hiểu nhầm từ hai bản dịch Hán. Bởi vì bản dịch của La-thập phần lớn theo nguyên tắc ý dịch, cho nên có nhiều đoạn quá cô đọng, và nhiều đoạn gần như tóm tắt nội dung từ bản Phạn chứ không phải dịch. Đây là điều thường dẫn đến giải thích sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu chỉ dựa trên các bản dịch của La-thập.

Mặt khác, bản dịch của Huyền Trang theo nguyên tắc trực dịch, do đó nhiều câu văn Hán chịu ảnh hưởng cấu trúc ngữ pháp Phạn, mà nếu người không có kiến thức cơ bản về Phạn ngữ sẽ phân tích nhầm lẫn về mối quan hệ giữa các từ trong một mệnh đề, và mối quan hệ nhân quả giữa các mệnh đề phụ và mệnh đề chính. Chính cấu trúc phức tạp ngữ pháp này của Phạn ngữ mà hai vị đại dịch giả La-thập và Huyền Trang đã không đồng ý nhau nhiều điểm, đôi khi ý nghĩa mâu thuẫn nhau. Khuy Cơ đã phát hiện ra nhiều điểm dị biệt này và cố ý hội thông. Đôi khi Ông không ngần ngại cho rằng La-thập có thể dịch sai. Ngay trong phần chú giải, nhiều đoạn La-thập cũng cho biết ngài đã dịch thoát như thế nào, khiến bản văn Hán khác biệt với nguyên bản Phạn như thế nào.

Ngoài ra, trong khi tham khảo tả bản Sanskrit, chúng tôi cũng nhờ đến sự hỗ trợ rất nhiều của bản dịch Tây Tạng. Một số lỗi sao chép trong tả bản Sanskrit chưa được hiệu chính và chuẩn hóa, nên cần phải dò theo bản Tây Tạng để biết chính xác từ ngữ. Nhiều đoạn ta thấy rõ ràng giữa hai bản dịch Hán đều có chung một văn bản Phạn, nhưng do phân tích ngữ pháp bất đồng nên văn nghĩa dịch mâu thuẫn nhau. Trong trường hợp như vậy cũng cần đến sự viện trợ của bản Tây Tạng để tìm hiểu ý nghĩa được xem là tương đối chính xác từ nguyên bản Phạn, vì người dịch biết rằng trình độ Phật pháp cũng như trình độ Phạn ngữ của mình không đủ để thẩm định văn nghĩa của hai nhà Phật học vĩ đại này. Tất nhiên không thể mong có mức độ chính xác tuyệt đối.

Mặt khác, Thư mục trong bản giới thiệu và công bố tả bản Sanskrit của Vimalakīrtinirdeśa cung cấp khá đầy đủ tin tức các bản dịch Hán, Tây Tạng, và dựa trên các bản dịch này là các bản dịch và các công trình nghiên cứu phương Tây và Nhật Bản. Trong số các tư liệu này, chúng tôi chỉ tìm thấy được vài ba bản dịch qua mạng điện toán toàn cầu. Các bản dịch này không giúp ích gì được nhiều nên chúng tôi không ghi như là sách tham khảo ở đây. Tuy nhiên, khi đọc qua các bản dịch này, chúng tôi mới thấy sự khó khăn của người dịch nếu muốn đòi hỏi sự chính xác. Bởi vì, trước khi phát hiện được Phạn bản để đối chiếu, nhiều ức đoán về nguyên ngữ Sanskrit trong các bản dịch ấy đã sai lầm. Trong hoàn cảnh như vậy, bản dịch Việt tự cảm thấy chưa được như mong muốn. Hy vọng độc giả có thể siêu việt ngôn từ để đi thẳng vào những nội dung tiềm ẩn mà các bản dịch không làm nổi.

Song song với bản dịch này, là “Huyền thoại Duy-ma-cật”, tạm gọi như vậy, giới thiệu nội dung các chương của “Kinh Duy-ma-cật”, sẽ được in thành tập sách riêng biệt. Tập Pháp thoại này chỉ có mục đích nêu những điểm mà bản dịch không thể chuyển tải hết.

Người xưa đã nỗ lực rất nhiều để đi sâu vào nguồn mạch tư tưởng của Duy-ma-cật, và từ đó cũng đã tỏa sáng những ảnh tượng diệu kỳ của sự sống, của con người và thế giới sinh động của con người.

Cho đến ngày nay, những ảnh tượng ấy cũng còn là chất liệu sáng tạo nên những giá trị tuyệt vời của sự sống. Thiên nữ tán hoa vẫn hiện diện ngay giữa trái tim rung động của mỗi chúng sinh theo nhịp rung động của sự im lặng bao la, từ cõi tịch mặc vô ngôn của thực tại.

Quảng Hương Già-lam,
Sau mùa An cư, mùa Thu, PL. 2548

Tuệ Sỹ

________________________________ 

THƯ MỤC

CÁC BẢN HÁN DỊCH

Phật thuyết Duy-ma-cật kinh, hai quyển, [T14 No 474], Ngô, Chi Khiêm dịch.
Duy-ma-cật sở thuyết kinh, ba quyển, [T14 No 475], Dao Tần, Cưu-ma-la-thập dịch. Dẫn: DMC, Lth.
Phật thuyết Vô Cấu Xưng kinh, sáu quyển, [T14 No 476], Đường, Huyền Trang dịch. Dẫn: VCX, Htr.

CÁC BẢN SỚ GIẢI CĂN BẢN

Trong mục lục của Đại chánh, có trên sáu mươi bản chú giải được liệt kê, ấn hành trong nhiều bản Đại tạng khác nhau. Căn cứ trên bản dịch của La-thập, có hơn sáu mươi bản sớ giải. Căn cứ trên bản dịch của Huyền Trang, có hai bản. Dưới đây chỉ ghi một số bản chú giải căn bản được dùng tham khảo cho bản dịch Việt này.

Chú Duy-ma-cật kinh, mười quyển, T 38 No 1775, Hậu Tần, Tăng Triệu soạn. Dẫn: CDM.
Duy-ma nghĩa ký, tám quyển, T 38  No 1776, Tùy, Tuệ Viễn soạn.
Duy-ma kinh huyền sớ, sáu quyển, T 38 No 1777, Tùy, Trí Khải soạn.
Duy-ma kinh lược sớ, mười quyển, T 38 No 1778, Tùy, Trí Khải thuyết, Trạm Nhiêm lược.
Duy-ma kinh lược sớ thùy dụ ký, mười quyển, T 38, No 1779, Tống, Trí Viên thuật.
Tịnh Danh huyền luận, tám quyển, T 38 No 1780, Tùy, Cát Tạng tạo.
Duy-ma kinh nghĩa sớ, sáu quyển, T 38 No 1781, Tùy, Cát Tạng soạn.
Thuyết Vô Cấu Xưng kinh sớ, mười hai quyển, T 38 No 1782, Đường, Khuy Cơ soạn. Dẫn: VCS.
Duy-ma kinh nghĩa sớ, năm quyển, T 56 No 2186, Nhật Bản, Thánh Đức Thái Tử soạn.

________________________________

TỰA CỦA TĂNG TRIỆU

Duy-ma-cật bất tư nghị kinh, đấy là tên gọi chỉ cho chỗ tuyệt diệu tận cùng của huyền vi tạo hóa. Ý chỉ của nó u huyền như vực thẳm, không thể thăm dò bằng ngôn tượng. Đạo lý ấy siêu việt ba không, không phải là chỗ luận nghị của Nhị thừa. Khi biểu lộ thì vượt lên trên quần số; là cảnh giới dứt tuyệt hữu tâm. Mịt mờ vô vi mà không gì là không tác vi. Không dễ gì biết vì sao như nhiên, mà vẫn có thể như nhiên. Đây là chỗ bất tư nghị.

Sao vậy?

Thưa, Thánh trí vốn vô tri, mà muôn vàn phẩm loại đều được soi tỏ. Pháp thân vốn vô tướng, nhưng lại ứng hiện theo từng hình tướng đặc thù. Vần điệu chí cao thì vẫn không lời, mà thư tịch huyền vi khắp nơi quảng bá. Thiện quyền bí ẩn thì không toan tính, mà động tĩnh thảy tương ưng sự thể. Do vậy mà có thể cứu vớt tổng thể quần sinh, phơi bày vật để hoàn thành trách vụ. Lợi, được thấy khắp thiên hạ, với ta thì vô vi; kẻ mê hoặc trông thấy mà cảm được ánh chiếu. Nhân đó gọi là Trí. Quán, ứng theo hình, thì gọi là Thân; liếc nhìn thư tịch huyền vi, bèn bảo đó là Ngôn. Thấy sự biến động mà bảo đó là Quyền. Thế thì, chỗ chí cực của Đạo, há có thể bằng Hình, Ngôn, Quyền, Trí, mà nói lên được cảnh vực thần diệu của nó sao?

Vả, chúng sinh mải ngủ vùi, phi ngôn thì lấy gì để đánh thức? Đạo không vận chuyển đơn côi. Đạo hoằng do người. Cho nên, Như Lai sai Văn-thù nơi phương khác; triệu Duy-ma từ quốc độ kia; cùng tụ hội Tỳ-da-ly để chung truyền Đạo ấy.

Điểm thuyết minh của Kinh này, để thống hợp vạn hạnh, thì lấy quyền trí làm chủ; trồng cội đức, thì lấy sáu độ làm rễ; cứu vớt kẻ ngu khờ mê hoặc thì lấy từ bi làm đầu. Cực điểm của ngữ tông, thì lấy bất nhị làm cửa. Chúng thuyết này đều là gốc của bất tư nghị vậy.

Cho đến như, mượn tòa của Phật Đăng Minh; xin cơm từ Hương thổ; tay đón căn nhà đại thiên bao trùm cả vũ trụ. Đấy là dấu tích của bất tư nghị vậy. Không dấu tích, không sao hiển bày bản nguyện. Bản và tích tuy sai thù, mà là Nhất thể bất tư nghị vậy. Do đó, sai thị giả nêu đó làm tiêu danh.

Đấng Thiên vương của nước Đại Tần vốn thần minh tuấn kiệt, siêu việt thế thường, tầm huyền vi riêng mình tỏ ngộ. Mở rộng nền thống trị chí tôn trên cả vạn cơ; hiển dương Đạo hóa truyền xuống nghìn đời sau. Rồi mỗi khi tìm đến thưởng ngoạn kinh điển này, cho rằng đây là am thất cho tinh thần trú ngụ. Nhưng tiếc vì bản dịch của Chi Khiêm để cho lý bị nghẽn bởi văn, thường sợ tông chỉ huyền vi rơi mất vì người dịch.

Vận của Trời cõi bắc mà được vận chuyển thông suốt là có lý do vậy. Vào niên hiệu Hoằng thỉ thứ tám, tuế thứ thuần hỏa (406 stl.), mệnh sai Đại tướng quân Thường sơn công, Hữu tướng quân An Thành Hầu, cùng với 1200 Sa-môn nghĩa học, tại Trường an Đại tự, thỉnh La-thập trùng dịch chính bản.

Thập, bằng cái lượng cao hơn đời, tâm mờ chân cảnh, đã suốt hết trong cõi tuần hoàn, lại rành các địa phương ngữ. Khi ấy, tay cầm Phạn bản, miệng tự tuyên dịch. Kẻ tục, người đạo chăm chăm. Một lời, lặp lại ba lần. Hun đúc thành tinh vi, cốt cầu giữ cho được ý Thánh. Văn giản dị mà hài hòa. Ý chỉ uyển chuyển mà rõ ràng. Ngôn từ vi ẩn sâu xa thật là sáng tỏ. Tôi vào cái tuổi còn kém trí, mà may được dự nghe. Tuy tư duy chưa vươn tới lẽ huyền, nhưng cũng có thể hiểu được ý văn một cách sơ lược. Rồi theo chỗ được nghe mà làm chú giải, tóm tắt ghi thành lời. Chỉ thuật chớ không phải sáng tác.

________________________________

CHƯƠNG GIỚI THIỆU

I. NHÂN CÁCH HUYỀN THOẠI

Vaisālī (Tỳ-da-ly),[9] thủ phủ của Vraji (Bạt-kỳ), một cường quốc theo chế độ cộng hòa thị tộc của người Vraji, mà các lân bang quen gọi là Licchavī, là một đô thị phát triển trù phú thời đức Thích Tôn tại thế, và những người Licchavī giàu có, vinh quang, được ví như các thiên thần cõi trời Đao-lợi (Trayastriṃsa).[10]

Một buổi sáng, có tiếng trẻ khóc trước vườn Thượng uyển của nhà vua. Người giữ vườn ra xem, bắt gặp một bé gái bị bỏ rơi dưới một gốc xoài. Ông ẳm bé gái về nuôi và đặt tên là Amrapālī,[11] với ý nghĩa là người con gái được bảo vệ bởi gốc xoài.

Lớn lên, sắc đẹp của nàng không những rực sáng cả nước, mà còn chói rạng xa đến những địa phương mà tiếng đồn có thể lan đến. Nhan sắc của nàng che mờ trí tuệ và dũng lược của các vương tôn, công tử, những người Licchavī giàu có, thế lực. Nàng trở thành đối tượng tranh chấp của họ. Để tránh cho sự tranh chấp không trở thành xung đột quyết liệt, họ thỏa thuận Amrapālī là bảo vật chung. Định mệnh bắt nàng phải trở thành một kỹ nữ. Và cũng từ đó, Vaisālī trở thành một vườn hoa chói lọi bởi sắc đẹp thiên kiều bá mỵ của Amrapālī, thu hút khá nhiều tài sản vật chất của các vương tôn, và của cả những quân vương đầy quyền uy. Trong đó có cả vua Bimbisāra,[12] vua nước Magadha hùng cường bậc nhất vào thời bấy giờ. Vua một thời là bạn của Thái tử Siddhārtha, và sau đó là đệ tử thành tín của Phật. Amrapālī sinh cho Bimbisāra một người con.[13] Một con người được sinh ra từ những đam mê trụy lạc của một quân vương và một kỹ nữ. Nhưng, đó sẽ là một đóa sen từ bùn lầy hôi tanh mà vươn lên với hương sắc thuần tịnh. Họ đặt tên cho con mình là Vimala,[14] không ô nhiễm, hay sẽ dứt sạch ô nhiễm. Quả nhiên, về sau Vimala xuất gia theo Phật, rồi chứng đắc quả A-la-hán.

Đó là một Vimala ẩn sỹ. Từ thanh lâu đi vào rừng tía. Lang thang với một bình bát và ba y. Hạnh phúc với đời sống tri túc.

Nhưng, còn một Vimala khác không chỉ làm chói sáng Vaisālī như một nhân vật huyền thoại. Một con người mà danh tiếng không chỉ được đồn đãi giữa các vua chúa, các phú gia địch quốc, giữa các trà đình tửu quán, giữa các chốn thanh lâu trụy lạc; mà danh tiếng ấy còn vang xa đến tận cùng biên giới của vũ trụ, nếu vũ trụ có biên giới; được các Thánh nhân, các Bồ-tát kính trọng; được các đức Phật tán dương. Đó là danh tiếng không chút ô nhiễm ngay dù được truyền tụng giữa bùn lầy ô nhiễm. Đó là một Vimala-kīrti. Là một Thánh nhân nhưng không hề ở trên cõi Thánh thanh tịnh vô vi. Đó cũng là một tay lạc phách giang hồ, mà trong lòng tay, dung sắc vi diệu của các thiên nữ trở thành thể tính Chân không vi diệu.

Có một nhân vật lịch sử như thế chăng, hay đấy chỉ là một nhân vật hư cấu để biểu tượng một tư tưởng triết học hay một lý tưởng Bồ-tát đạo của Phật giáo Đại thừa?

Có thể trả lời một cách dứt khoát rằng đó là một nhân vật lịch sử, xuất hiện trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử phát triển Phật giáo nói chung, và trong thời kỳ vận động của Đại thừa.

Một con người có thật được trang bị với một cơ sở tư tưởng bất nhị (advaita) để có thể tự nâng lên hàng Thánh giả vượt ngoài tam giới nhưng đồng thời có thể hạ mình ngập lụt trong thế gian ô nhiễm mà vẫn không tách lìa thế giới thuần tịnh vô nhiễm.

Một con người có thật, sống trong trạng thái an nhiên giải thoát bất khả tư nghị, đã bưng ngọn đèn trí tuệ ra khỏi các hang động tĩnh mặc, từ các thâm sơn cùng cốc, để rọi sáng đường đi cho những con người đang mãi chìm đắm trong bùn lầy hôi thối bỗng phát hiện chân diện mục của mình nguyên lai là thanh tịnh. Đó là một nghệ sĩ lớn, bằng du hí thần thông tam muội, hằng rong chơi trong sáu nẻo luân hồi, với những chất liệu thấp hèn, dơ bẩn, đã nắn thành những tác phẩm thánh thiện tuyệt vời. Lịch sử nhân loại nếu chưa từng xuất hiện một, hay nhiều nhân vật như vậy, thì thế giới này chỉ là một sa mạc nóng bức đầy quái tượng dã thú. Đó là một khẳng định mang tính bản thể luận, và cũng là yếu tính lịch sử phát triển của xã hội loài người.

Chính vì, trong một thời kỳ nhất định, tất yếu xuất hiện một nhân vật hiện thực như vậy để làm sáng tỏ khát vọng vĩnh cửu của con người, thúc đẩy lịch sử chuyển hướng sang một giai đoạn mới; và đã có nhiều nhân vật lịch sử như vậy, cho nên hình ảnh một Vimalakīrti hiện thực được hóa thân thành nhân vật huyền thoại. Nói cách khác, từ một con người hiện thực, Vimalakīrti trở thành biểu tượng cho tác nhân lịch sử. Thế nhưng, đó là con người mà chúng ta sẽ học tập ở đây, như là một cách người nhân cách hóa cho lý tưởng của Đại thừa Bồ-tát.

II. Ý NGHĨA NHÂN CÁCH VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

Vimalakīrti-nirdeśa, đó là đề kinh tiếng Phạn được khôi phục dựa trên các bản dịch và chú giải của Hán tạng.

Chú Duy-ma-cật kinh[15]dẫn lời giải của La-thập (Kumarajīva): “Duy-ma-cật, tiếng nước Tần (Trung Hoa) nói là Tịnh Danh. Tức là một người trong số năm trăm đồng tử.[16] Từ nước Diệu hỷ,[17] du hành đến cõi này. Sau khi làm xong những việc cần làm, lại trở về chỗ cũ”. Cùng tác phẩm, dẫn lời giải của Trúc Đạo Sinh:[18] “Duy-ma-cật, tiếng Hoa nói là Vô Cấu Xưng. Do bởi lẫn hành vi trong ngũ dục mà siêu nhiên không vấy bẩn, danh thơm lan khắp xa, nên có tên như vậy”.

Tịnh danh huyền luận,[19] Cát Tạng, dẫn chứng giải thích của Chân Đế Tam tạng: “Nói đủ theo tiếng Phạn, thì phiên âm là Tỳ-ma-la-cật-lị-đế. Trong đó, tỳ nghĩa là diệt, ma-la nghĩa là cấu (cáu bẩn), cật-lị-đế nghĩa là minh (tiếng hót). Tổng hợp lại, có nghĩa là diệt cấu minh (tiếng hót không vấy bẩn)”. Và Cát Tạng nêu ý kiến: “Minh (tiếng hót) cũng có nghĩa là danh (tiếng tăm) vậy”. Trước đó,[20] Cát Tạng cũng nêu ý nghĩa có tính cách biểu tượng về Tịnh Danh: “Do tịnh đức được chứa đầy bên trong, và danh tiếng tốt đẹp truyền khắp thiên hạ, nên được gọi là Tịnh Danh”.

Theo những giải thích dẫn trên, Tịnh Danh được hiểu như một danh từ mô tả một nhân cách hay một phẩm tính được nhân cách hóa. Tịnh Danh, như vậy, không nhất thiết phải là tên của một nhân vật lịch sử có thật nào đó, mà là một đức tính hay một giá trị phổ quát được nhân cách hóa từ lý tưởng Bồ-tát đạo của Đại thừa. Nói rõ hơn, Tịnh Danh, hay Vô Cấu Xưng, biểu trưng tinh thần nhập thế của Đại thừa Bồ-tát. Và như vậy, tên kinh Vimalakīrti-nirdeśa, dịch là Duy-ma-cật sở thuyết theo ngài La-thập, hay Thuyết Vô cấu xưng theo ngài Huyền Trang, có thể được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, đó là tác phẩm ghi lại những trần thuật của Vimalakīrti, một nhân vật lịch sử sáng chói nhất trong phong trào vận động Đại thừa. Thứ hai, đó là tập hợp của học thuyết về sự vinh quang không ô nhiễm. Với ý nghĩa thứ hai này, kinh còn có tên khác nữa, gọi là Bất tư nghị giải thoát.[21] Căn cứ theo nội dung, tư tưởng của Vimalakīrti thuộc hệ Bát-nhã, mà đỉnh cao ở đây là lý bất nhị (advaita) được diễn tả bằng sự im lặng của Vimalakīrti trước câu hỏi của Bồ-tát Văn-thù (Mañjuśrī). Về mặt thực tiễn hành đạo, như giải thích của Đại sư Trí Khải, Duy ma kinh huyền sớ,[22] dẫn chứng phẩm VII “Quán chúng sinh”: “Đối với hạng người tăng thượng mạn, Phật nói diệt trừ dâm, nộ, si là giải thoát. Với hạng người không tăng thượng mạn, Phật nói thể tính của dâm, nộ, si chính là giải thoát”. Và Đại sư nêu ý kiến: “Thể tính dâm, nộ, si là chân tính bất tư nghị, lấy giải thoát làm thể”.

Bởi vì Đại sư Trí Khải là người sáng lập Thiên thai tông, lấy kinh Pháp Hoa (Saddharma-puṇḍarika-sūtra) làm sở y, do đó từ ngữ tăng thượng mạn trong trích dẫn trên cần được hiểu theo nội hàm của Pháp hoa. Đó là từ ngữ chỉ những vị A-la-hán tự thỏa mãn với Thánh quả mà các ngài đã chứng, với một cứu cánh duy nhất là nhập Niết-bàn không lưu lại dấu tích như ngọn lửa tắt khi chất đốt đã hết. Trên phương diện tư tưởng, Duy-ma-cật phê phán tất cả giáo pháp không chỉ của Thanh văn, mà còn luôn cả Đại thừa; dù rằng các giáo pháp ấy được tin tưởng là do chính đức Thích Tôn đã thuyết giảng. Nhưng rồi, như chúng ta sẽ thấy trong chính văn, sự phê phán của Duy-ma-cật không có tác dụng đả kích và bác bỏ, mà là lật ngược các điểm giáo pháp để có thể nhìn rõ những hàm ẩn dưới nhãn quang khác. Tuy khẳng định, “Tính thể của tham dục, sân hận và si mê chính là giải thoát”, nhưng khi hiện bệnh, Duy-ma-cật ứng dụng sự hiện bệnh ấy như là phương tiện thực tiễn để diễn giải cho các cư sỹ tại gia về bản chất của tồn tại: “Này các nhân giả, thân này là vô thường; là pháp yếu ớt, không chắc thật, chóng mục rữa… Thân này vốn như huyễn, từ phiền não sinh. Thân này vốn như mộng, được nhìn thấy do hư vọng… Thân này như rắn độc, như kẻ thù, như một đống rỗng không…”.[23] Nếu nhìn trên lý luận hình thức, hai đoạn văn vừa dẫn hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nhưng nếu bằng lý luận biện chứng siêu nghiệm của kinh điển Bát-nhã thì cả hai đều là một thực tại tuyệt đối bất nhị.

Khi gặp ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra) đang tĩnh tọa trong khu rừng vắng, Duy-ma-cật phê phán: “Thưa ngài Xá-lợi-phất, bất tất ngồi như thế mới là tĩnh tọa… Không khởi diệt tận định (sajñāvedita-nirodha-samāpatti) mà hiện các oai nghi; đó mới là tĩnh tọa… Không đoạn phiền não mà nhập Niết-bàn; ấy mới là tĩnh tọa…”.[24]

Khi lên viếng đức Di-lặc (Maitreya) trên cung trời Đâu-suất (Tuṣita), Duy-ma-cật hỏi: “Thưa ngài Di-lặc, Thế Tôn thọ ký cho ngài một đời nữa sẽ thành Phật. Nhưng ngài được thọ ký theo đời nào? Quá khứ chăng? Quá khứ đã qua rồi. Vị lai chăng? Vị lai chưa đến. Hiện tại chăng? Hiện tại không dừng”.[25]

Rõ ràng, những phê phán ấy không có tác dụng phá hủy, mà bằng vào biện chứng siêu nghiệm của hệ tư tưởng Bát-nhã, triển khai những ý nghĩa ẩn tàng thâm sâu trong những giáo pháp mà Phật đã dạy. Đó là phê phán để thành tựu. Thành tựu như thế được gọi là bất tư nghị (acintya).

Trên nền tảng nhận thức ấy, Duy-ma-cật mở ra con đường thực tiễn hành động. Con đường đó được gọi là bất tư nghị giải thoát (acintya-vimoka). Mục tiêu cứu cánh cho những giáo pháp của Phật là giải thoát. Trong giáo pháp được cho là nguyên thủy, thì ý nghĩa của giải thoát là diệt trừ tham, sân, si; đoạn tận phiền não, để chấm dứt khổ đau. Trong Đại thừa, giáo pháp ấy không hoàn toàn bị bác bỏ. Nhưng giải thoát được xác nhận với nhận thức trực quán về thể tính của tham, sân, si. Từ đó, Duy-ma-cật được coi là đỉnh cao trong phong trào vận động của Đại thừa. Về một phương diện, cuộc vận động để xác lập Đại thừa trong giáo nghĩa của Phật bị chỉ trích gay gắt là xu hướng thế tục hóa đạo Phật. Bởi vì nó đề cao vai trò của cư sỹ tại gia trong quá trình tu đạo và hành đạo ngang với chúng đệ tử xuất gia. Giáo pháp nguyên thủy, những yếu nghĩa căn bản do đức Thích Tôn giảng dạy chỉ có thể được thành tựu với điều kiện thoát ly mọi ràng buộc thế tục. Cư sỹ tại gia chỉ có vai trò hộ đạo, mà chính yếu là cung cấp các nhu yếu thường nhật cho các đệ tử xuất gia của Phật. Đó là điều được xác nhận rõ ràng, tất nhiên là mặt ngoài, trong tất cả kinh điển nguyên thủy hay sơ kỳ Phật giáo.

Về mặt giáo nghĩa, cả bốn chúng đệ tử Phật đều có khả năng thành tựu Thánh đạo như nhau, và tục gia đệ tử cũng có thể chứng đắc quả vị A-la-hán vốn được coi là mục đích cứu cánh trong quá trình tu đạo. Nhưng tất nhiên đệ tử tại gia với nhiều ràng buộc khó đạt đến mục đích ấy.

Ý nghĩa của sự so sánh ấy, cho đến ngày nay, hay trong những thời kỳ hay nơi những địa phương mà Đại thừa hưng thịnh nhất, vẫn còn nguyên giá trị. Thế nhưng, trong những thế kỷ đầu Phật lịch, ý nghĩa ấy được nhận thức như là tuyệt đối. Vì vậy, nhiều tác giả viết sử Phật giáo gọi thời đó là thời kỳ Phật giáo tu viện, nghĩa là thời kỳ mà giáo pháp của Phật chỉ dành riêng cho đệ tử xuất gia, chỉ được nghiên cứu và tu tập trong các tu viện.

Tất nhiên, lịch sử phát triển của đạo Phật không tách ngoài phát triển chung của xã hội. Khi xã hội phát triển đến một hình thái nhất định nào đó, hình thái sinh hoạt Phật giáo, về mặt hành trì cũng như trên phương diện tư tưởng, phải thay đổi cho phù hợp với hình thái xã hội mới. Thế nhưng, tích cực tiếp nhận những thay đổi mới để tiến bộ là một khía cạnh tâm lý của con người, thì tinh thần bảo thủ, sợ thay đổi, cũng là một khía cạnh tâm lý khác. Cải cách, và bảo thủ, là hai thế lực luôn luôn cọ xát nhau tạo thành những xung động thường xuyên của lịch sử. Sự tồn tại của Phật giáo, của các cộng đồng đệ tử Phật giữa các cộng đồng xã hội khác cũng chưa hề thoát ly các quy luật ấy. Có lẽ tránh cho các chúng đệ tử sau này không bị khóa chặt bởi quán tính lịch sử, cho nên, trước khi nhập Niết-bàn, đức Thích Tôn cho phép chúng tỳ kheo có thể lược bỏ một số điều khoản giới luật nếu xét thấy không phù hợp. Nhưng trong cuộc kiết tập lần đầu tại Rājagṛha, trưởng lão Ca-diếp (Kaśyapa), với tư cách là trưởng lão cao niên nhất trong các đệ tử Phật, đã quyết định, những gì Phật đã thiết chế, dù lớn dù nhỏ, không một tỳ kheo nào được quyền thay đổi.[26]

Chỉ một trăm năm sau ngày Phật Niết-bàn,[27] nhóm tỳ kheo ở Bạt-kỳ (Pali:Vajji) đã đề ra một số sửa đổi trong các lề luật sinh hoạt. Tất nhiên họ gặp phải sự chống đối quyết liệt của nhóm tỳ kheo bảo thủ. Một hội nghị Tăng đoàn được triệu tập tại Vaiśālī để phán quyết tính cách hợp luật hay vi luật đối với những sửa đổi của nhóm tỳ kheo Vajji. Kết quả của hội nghị là giáo đoàn bị phân liệt thành hai bộ phái: Thượng tọa bộ gồm các tỳ kheo cao niên có tinh thần bảo thủ, và Đại chúng bộ gồm số đông các tỳ kheo trẻ có xu hướng cải cách.

Mâu thuẫn và xung đột như vậy là quy luật phát triển của xã hội. Sự phân liệt giáo đoàn là một chứng minh tích cực rằng Phật giáo không tồn tại ngoài những quá trình thay đổi và phát triển chung của xã hội. Điều đó cho thấy sự xuất hiện của Đại thừa là tất yếu lịch sử. Và điều này cũng chứng minh tính cách hiện thực của Duy-ma-cật như một nhân vật lịch sử trong dòng vận động của Đại thừa. Có thể chỉ có một Duy-ma-cật trong một thời điểm nhất định, mà cũng có thể có nhiều Duy-ma-cật trong nhiều thời điểm khác nhau.

Nói một cách vắn tắt, sự xuất hiện của Duy-ma-cật là xu hướng khẳng định vai trò tích cực của chúng đệ tử tại gia trong giáo pháp của Phật, về các mặt hành đạo cũng như hóa đạo. Tuy nhiên, trước khi vai trò này được khẳng định, một quá trình biến thái của tư tưởng đã phải xảy ra.

Trước hết, vị trí của bậc A-la-hán được hạ thấp xuống. Quả vị A-la-hán không còn được nhận thức như là cứu cánh trong quá trình tu đạo. Và phẩm cách của Thánh giả A-la-hán cũng chưa phải là toàn thiện. Cũng như mục đích học tập của các người con trong một gia đình là để thừa kế và quản lý sản nghiệp của gia đình. Cũng vậy, người tu Phật chỉ có một cứu cánh duy nhất phải thành tựu là kế thừa sự nghiệp của Như Lai. So sánh hai mục đích với nhau, các đệ tử chỉ mong muốn chứng quả A-la-hán và nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại; các đệ tử ấy được nói là những người đi trên cỗ xe nhỏ – Tiểu thừa. Ý nghĩa của sự phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa là như vậy.

Cứu cánh thành Phật không phải là ý tưởng mới mẻ của các nhà vận động Đại thừa. Ngay trong các kinh điển được cho là nguyên thủy, nhiều vị Phật trong quá khứ thường được đề cập. Và chính đức Thích Tôn cũng huyền ký về vị Phật tương lai kế tiếp Ngài là Phật Di-lặc. Có nhiều chúng sinh đã thành Phật và sẽ thành Phật, như vậy, trong quá khứ cũng như trong hiện tại và vị lai có nhiều chúng sinh đã, và đang tu hành để thành Phật. Thế nhưng, ngay quả vị A-la-hán vốn được nhận thức là thấp như vậy mà đời sống cư sỹ tại gia còn khó có thể thành tựu, huống gì quả vị cao như Phật. Vậy, cần một nền tảng tư tưởng để đề cao cứu cánh ấy. Nền tảng ấy, trước vận động của Duy-ma-cật, là hệ tư tưởng Bát nhã.

Trong nguyên thủy, giáo pháp mà Phật giảng cho đệ tử tại gia tu học là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới và niệm thiên. Thực tiễn thường nhật, hành đạo của người tại gia chủ yếu là bố thí, và mục đích là để được sinh thiên. Bố thí, tức là đem tài sản của mình sở hữu phân phát cho người khác. Trước hết, tài sản được sử dụng như là phương tiện hộ đạo. Bằng tài sản sở hữu của mình, cư sỹ tại gia cung cấp cho chúng xuất gia bốn nhu yếu sinh tồn: thực phẩm, y phục, thuốc trị bệnh, và các phương tiện cư trú. Bố thí cho những người nghèo khốn cũng là hình thức hành đạo của người tại gia.

Trong Đại thừa, sự hành đạo chủ yếu của Bồ-tát cũng vẫn là bố thí. Nhưng, trên nền tảng tư tưởng Bát nhã, sự bố thí bấy giờ không thuần chỉ là sự ban phát của cải vật chất, mà là phương tiện dẫn vào bản thể thâm sâu của thực tại. Sự bố thí ấy không nhắm mục đích sinh thiên nữa, mà là nhắm thẳng đến cứu cánh thành Phật. Nội dung của bố thí không chỉ thuần của cải vật chất nữa, mà bao hàm cả ba phương diện: Tài thí, pháp thí và vô úy thí. Để thực hành tài thí, Bồ-tát phải giàu có. Để thực hành pháp thí, Bồ-tát phải có kiến thức uyên bác. Để thực hành vô úy thí, Bồ-tát cần có nghị lực và dũng cảm. Như thế, Bi-Trí-Dũng là phương châm hành đạo của Bồ-tát.

Chúng ta cũng thấy rằng các Bồ-tát với sự hành đạo như vậy không phải hoàn toàn là lớp người mới, hay một thế hệ Phật tử mới, hay những người mới quy y mà tập quán tư tưởng cố hữu chưa dứt bỏ. Mà đó lại là các đệ tử kỳ cựu trong hàng đệ tử xuất gia của Phật. Như ngài Subhuti (Tu-bồ-đề) chẳng hạn.

Subhuti là một Đại thanh văn, mà môn vô tránh tam muội của ngài không có vị Thanh văn nào khác có thể so sánh.[28] Trong Kim cang Bát-nhã, khi Subhuti hỏi về ý nghĩa phát bồ-đề tâm và làm thế nào để củng cố và phát triển tâm bồ-đề ấy, Phật chỉ ra pháp môn tu tập thích ứng là bố thí ba-la-mật. Chỉ duy nhất bằng vào bố thí ba-la-mật, Bồ-tát có thể thành tựu nhiều Phật pháp vi diệu khác như thành tựu giới đức, chứng đắc các thiền định và tam muội, thể hiện được trí tuệ.

Để chứng quả A-la-hán, tỳ kheo cần có thiền định. Muốn có thiền định, tỳ kheo cần ở những nơi yên tĩnh, cần sống trong những khu rừng vắng vẻ. Nhưng Bồ-tát có thể thực hành bố thí ba-la-mật ngay giữa thế gian náo nhiệt. Do thế, giải thoát của Bồ-tát không thể nhận thức được một cách hợp lý bằng tri thức thường nghiệm. Và do ý nghĩa này, đời sống hành đạo của Duy-ma-cật được nói là bất tư nghị giải thoát.

Trong nguyên thủy, giải thoát được hiểu là diệt trừ phiền não ô nhiễm, dứt sạch tham, sân, si, để chứng nhập Niết-bàn. Còn trong Duy-ma-cật sở thuyết, giải thoát có nghĩa là gì, và mục đích hành đạo của Bồ-tát là gì? Ngay giữa dòng đời ô nhiễm mà không hề bị ô nhiễm, vì bản chất của tồn tại là vô nhiễm. Cho nên, hành đạo và giải thoát của Duy-ma-cật nhắm đến một cứu cánh hiện thực. Cứu cánh ấy được thể hiện qua hai phương diện, tuy hai nhưng là một tuyệt đối bất nhị. Hai phương diện đó là tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sinh. Chúng ta gọi đó là tông chỉ của Duy-ma-cật sở thuyết.

III. CƠ SỞ TƯ TƯỞNG

Như đã biết, Duy-ma-cật sở thuyết còn có một tên khác nữa là Bất tư nghị giải thoát. Đó là tên kinh mà cũng là tông chỉ của kinh. Chúng ta có thể đi sâu vào tông chỉ của kinh qua hai phạm trù: tông thể và tông dụng. Tông thể là cơ sở tư tưởng để từ trên đó Bồ-tát triển khai thực tiễn hành đạo của mình. Tông dụng là mục tiêu và cũng là thực tiễn hành đạo của Bồ-tát. Như vậy, cơ sở tư tưởng của Duy-ma-cật là bất tư nghị giải thoát, mà thực tiễn hành đạo của Duy-ma-cật cũng là bất tư nghị giải thoát. Nói cách khác, ở đây tông thể của kinh là “nhập bất nhị pháp môn” và tông dụng của kinh là “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh”.

Từ quan điểm triết học mà nhìn, chủ điểm mà kinh lấy làm nền tảng và triển khai nhận thức về thực tại là nguyên lý bất nhị (advaita). Để nhận thức được thực tại chân thực, Bồ-tát cần đi qua cánh cửa bất nhị.

Nguyên lý bất nhị hướng dẫn nhận thức khởi đi từ những thực tại sai biệt mà khám phá ra thực tại tối hậu là Tuyệt đối thể ngay trong các tồn tại sai biệt ấy. Tức siêu việt những mặt đối lập của thực tại vốn chỉ tồn tại trong thế giới danh ngôn và khái niệm, như sinh và diệt, nhiễm và tịnh, sinh tử và Niết-bàn. Trước hết, hiện thực được phơi bày với bản tính mâu thuẫn nội tại của nó. Các khái niệm mâu thuẫn nhau, loại trừ lẫn nhau, cùng tồn tại như là yếu tính của tồn tại, khiến cho hiện thực xuất hiện trước nhận thức như là thực tại hư huyễn, và như vậy nhận thức không có nội dung, trống rỗng.

Thế nhưng, thực tại tối hậu, mà nhận thức đạt được ở đây như là Tuyệt đối thể, nguyên lai là chỉnh thể thống nhất của hai thái cực mâu thuẫn biện chứng.

Tuyệt đối thể đó là kết luận của quá trình tư biện, là giới hạn của tri thức duy lý. Nó tồn tại như khái niệm vô hạn hay vô cực trong toán học. Bản thân của khái niệm vô hạn là một nghịch lý toán học. Không một phép toán nào khả dĩ chứng minh tồn tại hiện thực của một thực thể vô hạn. Nhưng nếu loại bỏ khái niệm vô hạn, thì không một phép toán nào khả dĩ được thực hiện trong toán học. Cũng vậy, Tuyệt đối thể là một khái niệm nghịch lý trong triết học. Nguyên lý bất nhị không thủ tiêu các mặt đối lập và mâu thuẫn của hiện thực để cho nhận thức đối diện một thế giới trống rỗng, hư vô. Nguyên lý bất nhị dung hợp các mặt đối lập và mâu thuẫn của hiện thực thành một Tuyệt đối thể. Nhưng Tuyệt đối thể không được nhận thức trong từng hiện thực sai biệt; vả lại, ngoài hiện thực sai biệt cũng không thể nhận thức được Tuyệt đối thể. Nguyên lý bất nhị đẩy nhận thức diễn qua nhiều đợt khủng hoảng, để rồi cuối cùng đặt nhận thức trước, hay trong, một thực tại vô ngôn, hoàn toàn im lặng.

Nguyên lý bất nhị, mà cũng là thực tại bất nhị, là giải thoát bất tư nghị, như vậy là cánh cửa giao thông cho Bồ-tát qua lại giữa Niết-bàn và sinh tử. Nếu không được trang bị bằng nguyên lý bất nhị, Bồ-tát sẽ không đủ nghị lực và dũng mãnh để trụ vững trên bồ-đề tâm, dù chưa đoạn tận phiền não. Do đã thấu triệt nguyên lý bất nhị mà thiên nữ, hiện thân như là thị nữ của Duy-ma-cật, đã đề xuất một tiền đề khiến cho ngài Xá-lợi-phất phải sửng sốt: đam mê dục vọng, thù hận, và vô minh, chính là chân tính của giải thoát.

IV. THỰC TIỄN HÀNH ĐẠO

Trong Duy ma kinh huyển sớ, Đại sư Trí Khải phân tích nội dung của kinh theo năm lớp huyền nghĩa, trong đó huyền nghĩa thứ ba, tông chỉ của kinh, là nhân và quả của Phật quốc bất khả tư nghị. Bởi vì ý nghĩa Phật quốc được giới thiệu ngay ở phẩm tựa, theo bản dịch của Huyền Trang, mà theo bản dịch của Cưu-ma-la-thập thì có tiêu đề là phẩm Phật quốc. Theo đó, cư sỹ Bảo Tích (Ratnarāśi), trưởng đoàn của năm trăm cư sỹ, sau khi cúng dường và xưng tán Phật, bày tỏ ước nguyện muốn nghe Phật nói về sự thanh tịnh quốc độ Phật và hành động của Bồ-tát để thành tựu quốc độ thanh tịnh ấy.

Ở đây, căn cứ theo thỉnh cầu của cư sỹ Bảo Tích, chủ đề của kinh có thể nói một cách vắn tắt, gồm hai khía cạnh: tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh.

Nhưng, Phật quốc ở đây cần được hiểu như thế nào? Nói theo ý nghĩa tổng quát nhất, đó là phạm vi mà trong đó giáo pháp của Phật được lưu truyền. Hoặc nói, đó là môi trường chịu ảnh hưởng giáo hóa của một đức Phật nhất định trong một thời gian nhất định. Hoặc nói rõ hơn, và gọn hơn, đó là thế giới của Phật.

Theo ý nghĩa tôn giáo, người ta nói rằng một, và duy nhất chỉ có một, thế giới là một tác phẩm sáng tạo của một đấng Sáng Tạo Tối Cao. Đấng Sáng Tạo ấy có quyền lực vô biên và tuyệt đối để sáng tạo ra một thế giới theo ý muốn của mình, thì cũng có quyền lực như vậy để hủy diệt thế giới theo ý muốn. Ý nghĩa ấy phản ánh sự thành lập một quốc gia và một Nhà nước quân chủ. Vua là sở hữu chủ của đất nước. Đất nước là của vua.

Phật không tự nhận Ngài là đấng Sáng Tạo, mà chỉ là vị Đạo sư của trời và người. Phật không phải là sở hữu chủ của thế giới, thế thì, làm sao có thể nói là có thế giới của Phật?

Để có thể nhận thức rõ ý nghĩa này, chúng ta không thể không có một ít khái niệm về sự hình thành một quốc gia, sự xuất hiện của Nhà nước, trong lịch sử xã hội loài người, theo quan điểm Phật giáo, nói một cách tổng quát.

Tất nhiên, ý thức về sự tồn tại của một quốc gia, sự xuất hiện một cơ cấu Nhà nước, không phải là ý thức tiên nghiệm. Trong ý thức tôn giáo, đó là sự giao ước giữa đấng Sáng Tạo và con người. Trong quan điểm xã hội học, đó là sự giao ước giữa người và người.

Xã hội loài người và các định chế của nó là một hình thái sinh hoạt ý thức trong một giai đoạn nhất định trong toàn bộ quá trình sinh thành và hủy diệt của thế giới. Vì vậy, khi luận về ý nghĩa tồn tại của xã hội và các định chế của nó, không thể không đề cập đến nguồn gốc của thế giới, và như một hệ luận, nguồn gốc của loài người.

Đức Phật đã nhiều lần từ chối trả lời về nguồn gốc và sự hình thành của thế giới. Sự từ chối ấy hoặc được giải thích là do lập trường thực dụng, hoặc do giới hạn nhận thức luận. Thế nhưng, khi cần giải thích nguồn gốc các định chế xã hội, mà quan niệm tôn giáo đương thời cho thiên định, đức Phật đã nói rõ về nguồn gốc và quá trình tiến hóa của con người và xã hội con người.

Nếu đọc thẳng vào nhiều kinh điển Phật giáo, người ta có cảm tưởng thế giới quan Phật giáo bị bao phủ bởi lớp sương mù huyền thoại dày đặc. Nhưng, cũng nên hiểu rằng, lớp huyền thoại ấy không phải đơn giản là hư cấu của ý thức, mà là một hình thái ngôn ngữ. Sự thật hay huyền thoại tùy thuộc vào cách đọc, hay cách giải mã, ngôn ngữ ấy. Trong nhận thức luận chung của các khuynh hướng tư tưởng Phật giáo, không hề có khởi điểm và tận cùng của thời gian, cũng không hề có tâm điểm và biên giới của không gian, mà chỉ có tận cùng giới hạn của trí năng. Tất nhiên là trí năng của nhận thức duy lý, dù là nhận thức triết học hay nhận thức khoa học. Trong khoảng thời gian và không gian vô cùng và vô tận ấy, nói về sự xuất hiện và tồn tại của một thế giới, trong vô số thế giới khác, cũng có nghĩa là đặt thế giới vào một hệ quy chiếu đặc biệt nào đó.

Chúng ta cần đứng trên một nền tảng tư duy về thế giới quan như thế để phân tích những vấn đề chính trị và xã hội trong các truyền thống và xu hướng tư tưởng khác nhau của Phật giáo.

Trong quá trình tiến hóa, từ một vi sinh vật tồn tại và phi hành trong ánh sáng,[29] xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong một chu kỳ thành-trụ-hoại-không của thế giới, con người cũng chỉ là một sinh vật trong các sinh vật khác, nhưng do thừa hưởng kết quả quá khứ mà bẩm sinh với một hữu thể tồn tại được phát triển dần thành hai yếu tố vừa độc lập vừa bất phân là danh và sắc. Trên cơ sở đó, ý thức được phát triển càng lúc càng cao do vừa lấy ngoại giới làm đối tượng vừa phản chiếu trên chính nó như là chuỗi tồn tại liên tục của một tự ngã.

Cho đến khi ý thức về sự tồn tại của một tự ngã được hình thành, con người tự tách mình ra khỏi thế giới quanh mình, phân biệt những gì thuộc về ta và những gì không thuộc về ta. Cũng như để tăng lớn thể tích của thân xác, con người, như các sinh vật khác, cần hấp thu các dưỡng chất từ ngoại giới; cũng vậy, để tăng lớn tự ngã, con người cần chinh phục và chiếm hữu. Từ đó, hình thành một ý thức về sự tích lũy. Tích lũy như vậy không phải là một khái niệm tiên thiên, không phải là ý thức tiên nghiệm, mà là một hình thái đặc biệt của ý thức xuất hiện vào một thời điểm có ý nghĩa trong quá trình tiến hóa.

Tích lũy tất nhiên dẫn đến xung đột, cạnh tranh. Mâu thuẫn xã hội bắt đầu, trật tự cũ bị đảo lộn. Một định chế mới cần được thiết lập để điều hòa những mâu thuẫn, xung đột, do hệ quả của cạnh tranh. Chính quyền đầu tiên được gọi theo tiếng Pāli là Mahāsammato, được bầu lên bởi đại chúng.[30] Người đứng đầu cơ cấu mới này được gọi là Rājā, mà sau này thường được hiểu là vua, hay người cai trị. Nhưng theo định nghĩa của Pāli, rājā có nguồn gốc từ động từ rājati, “nó làm vui lòng”.[31] Như vậy, chính quyền hay vua là trọng tài xã hội, được bầu lên và được ủy quyền điều hòa những mâu thuẫn xã hội.

Song song với hình thái chính quyền nguyên thủy như trên, các kinh luận còn nêu lên một hình thái chính quyền khác, đứng đầu là một Chuyển luân vương (Cakravartin),[32] không phải do dân chúng bầu lên để bảo vệ quyền lợi của họ, mà do phước báo tích lũy từ nhiều đời của vị ấy. Cả hai quan điểm cùng được lưu truyền trong một hệ Thánh điển. Nhưng theo cách nhìn từ lập trường xã hội và sử quan duy lý, cả hai đại diện cho hai thời kỳ phát triển khác nhau của tư tưởng Phật học về nguồn gốc và hình thái chính quyền.

Hình thái chính quyền Chuyển luân vương là quan niệm, và cũng là lý tưởng phổ biến, trong cả hai truyền thống Đại và Tiểu thừa. Đó là một chính quyền đức trị,[33] và nhân dân được giáo hóa thuần thiện, với đầy đủ mười phạm trù đạo đức, hay mười nghiệp đạo thiện. Lý tưởng về một chính quyền đức trị và một xã hội đạo đức phản ánh ước mơ của các Phật tử vào các thời kỳ suy thoái của xã hội. Vả lại, về mặt tiêu cực, như được thấy trong nhiều kinh luận, trong nhiều truyện truyền kỳ, sự suy thoái của con người về mặt đạo đức, và kéo theo đó là sự suy thoái về mặt thể chất, rồi như là hậu quả tất nhiên của cả hai là suy thoái xã hội toàn diện, là những xu hướng đương nhiên trong một giai đoạn tiến hóa của thế giới. Tất nhiên, đó không phải là tiến hóa luận theo chiều tuột dốc, cũng không phải theo chiều hướng thượng. Tuột dốc hay hướng thượng tùy theo từng thời kỳ; chúng nối tiếp nhau lên xuống như những đợt sóng trong đại dương sinh tử bao la.

Trong Duy-ma-cật, và trong nhiều kinh điển Đại thừa khác, hình ảnh một quốc gia lý tưởng, và nói rộng ra là một thế giới lý tưởng, là hình ảnh một Phật quốc. Dù theo nghĩa đen thì cũng không thể hiểu đó là một quốc gia Phật giáo. Một cách chính xác, từ ngữ ấy cần được diễn theo hai nghĩa: quốc gia Phật tính và quốc gia Phật hóa. Cả hai tổng hợp thành một ý nghĩa duy nhất: tư tưởng tịnh độ.

Nhưng cũng cần phân biệt tịnh độ tha lực và tịnh độ Bồ-tát. Tịnh độ tha lực nhắm mục đích thoát khỏi thế giới Ta-bà được coi là uế trược này để sinh về một thế giới tốt đẹp hơn. Tịnh độ Bồ-tát là thế giới lý tưởng mà Bồ-tát xây dựng. Bồ-tát trước hết sinh ra trong một thế giới xấu xa, thoái hóa. Bằng ý chí, bằng hành động, “năng hành nan hành,” làm những việc khó làm, Bồ-tát biến đổi thế giới ô trược ấy thành tịnh độ. Vì rằng, tự bản chất, hết thảy các pháp vốn thanh tịnh.

Tự bản chất, hết thảy các pháp đều thanh tịnh. Đó là tiền đề căn bản cho tư tưởng tịnh độ Bồ-tát. Đây không phải là điều mới mẻ và riêng biệt của Đại thừa. Trong A-hàm và Nikāya, đức Phật trước khi nhập Niết-bàn đã nhiều lần ca ngợi vẻ đẹp những nơi Ngài đi qua, xác nhận ý nghĩa rằng, với những ai đã giác ngộ thì thế giới này luôn luôn được nhìn thấy là thanh tịnh. Đây cũng là điều được khẳng định trong phẩm Phật quốc.

Cõi tịnh độ mà Bồ-tát phát nguyện xây dựng, nói một cách tổng quát, có những đặc điểm như dưới đây:
Về thiên nhiên, đó là thế giới không có những vật chất xấu xa, dơ bẩn và hôi thối. Người với người sẽ không bị gián cách nhau bởi không gian vật lý, do đó sự giao thông và giao tiếp không hề bị chướng ngại. Sự biến đổi khuôn mặt thế giới như vậy là do sự cải hóa tư tưởng của chúng sinh tồn tại trong đó. Nếu tâm chúng sinh là một tập hợp thiện và ác lẫn lộn, thì thế giới vật chất mà chúng sống trong đó cũng gồm đủ các thứ đẹp và xấu. Vì, như Phật đã nói: “Chúng sinh là kẻ thừa tự những hành vi mà nó đã làm trong quá khứ”. Nói cách khác, với những hành vi được thúc đẩy bởi tham, chúng sinh sẽ sáng tạo ra những thứ xấu xa, hôi thối mà chính nó là kẻ thừa hưởng. Bằng những hành vi bị chi phối bởi thù hận, chúng sinh sẽ sáng tạo những vật chất chướng ngại để làm gián cách người với người.

Thiên nhiên phản ánh hình thái ý thức. Cho nên, một thế giới được cấu thành bởi thiên nhiên xinh đẹp là cõi sống của các loại chúng sinh thuần thiện, bao gồm mười nghiệp đạo thiện. Trong một quốc gia đứng đầu là Chuyển luân vương, thì nhân dân trong đó cũng thuần thiện. Điểm khác biệt với chúng sinh trong tịnh độ Bồ-tát là, trong cõi này ngoài sự thành tựu mười nghiệp đạo thiện, chúng sinh thảy đều được giáo hóa Bồ-đề tâm, hướng ước nguyện đến cứu cánh là thành Phật.

Một điểm đặc biệt nữa là, trong tịnh độ Bồ-tát, không tồn tại một quốc vương hay một hình thức Nhà nước hay chính quyền. Duy chỉ có Phật hiện hữu như là vị Đạo sư giảng dạy chân lý chứ không có chức năng cai trị. Chúng ta đã biết rằng, cơ cấu chính quyền hay hình thái Nhà nước chỉ xuất hiện khi mà mâu thuẫn xã hội tiến đến mức độ gay gắt. Xung đột và mâu thuẫn diễn ra trong quá trình cạnh tranh để tích lũy. Tích lũy được thúc đẩy bởi tham. Tham là yếu tố tăng trọng bản ngã.

Không phải tất cả chúng sinh trong tịnh độ Bồ-tát đều đã diệt trừ ngã chấp, đạt đến trình độ vô ngã. Nhưng do bởi không tồn tại những chất liệu nuôi dưỡng, nên tham phiền não chìm sâu dưới đáy biển ý thức, không phát huy tác dụng để chi phối con người. Nếu không được thúc đẩy bởi tham, ý niệm tích lũy không tồn tại. Không tích lũy, do đó không cạnh tranh, và xã hội không bị cuốn hút vào những xung đột mâu thuẫn. Trong trường hợp đó, sự tồn tại của một cơ cấu chính quyền là không cần thiết, và không hợp lý.

Nhưng, tịnh độ Bồ-tát không phải là ước nguyện chủ quan của Bồ-tát. Vì đó là môi trường tồn tại của những chúng sinh có chung những hình thái ý thức giống nhau, do đó tịnh độ Bồ-tát là công trình tập thể. Chừng nào chúng sinh chưa được giáo hóa đầy đủ để tự mình xác lập Chính đạo, chừng ấy Bồ-tát vẫn chưa thể thành tựu viên mãn hạnh nguyện “tịnh Phật quốc độ”. Cho nên, để tịnh Phật quốc độ, Bồ-tát đồng thời cũng nỗ lực để thành tựu chúng sinh. Trả lời câu hỏi của Bảo Tích về ý nghĩa tịnh độ của Bồ-tát, đức Phật nói: “Chúng sinh loại là tịnh độ của Bồ-tát”. Và sau đó Ngài nêu ví dụ: Một người có thể xây dựng tùy ý cung điện lâu đài trên khoảng đất trống, không có các thứ chướng ngại làm vướng bận. Nhưng người đó không thể dựng các thứ hoặc bằng gỗ hoặc bằng đất giữa hư không. Chúng sinh chính là nền tảng để Bồ-tát xây dựng tịnh độ.

Nói cách khác, Bồ-tát hành đạo để tịnh Phật quốc độ vì biết rằng tất cả các pháp bản lai thanh tịnh. Đó là Đại trí. Đồng thời Bồ-tát cũng thành tựu chúng sinh, vì mục đích hành đạo của Bồ-tát là vì muốn đem sự an lạc đến cho tất cả. Đó là Đại bi. Cỗ xe Đại thừa luôn luôn phải được vận chuyển bằng hai bánh: Đại trí và Đại bi.

________________________________

CHƯƠNG MỘT

QUỐC ĐỘ PHẬT[34]

Tôi nghe như vậy.

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la[35] trong thành Tỳ-da-ly[36] cùng với đại chúng gồm tám ngàn Tỳ-kheo,[37] ba mươi hai ngàn Bồ-tát, là những vị được mọi người biết đến,[38] đã thành tựu bản hạnh của đại trí,[39] đã được xác lập bởi oai thần của chư Phật, là thành trì hộ Pháp, thọ trì Chính Pháp,[40] có khả năng cất tiếng rống của sư tử vang dội khắp mười phương, là những người bạn không đợi mời gọi của mọi người, đem an lạc đến cho mọi người, kế thừa và làm rạng rỡ Tam bảo không để đoạn tuyệt, hàng phục bọn ma và thù nghịch,[41] chế ngự các tà đạo; đã hoàn toàn thanh tịnh; vĩnh viễn lìa các cái và triền;[42] tâm thường an trụ nơi giải thoát không còn các chướng ngại; có niệm, định, tổng trì, biện tài không gián đoạn; bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, định và tuệ, cùng khả năng của phương tiện,[43] tất cả đều được thành tựu; đạt đến pháp nhẫn bất khởi vốn vô sở đắc.[44] Các ngài có thể tùy thuận mà quay bánh xe không thối chuyển;[45] có khả năng giải thích mọi hiện tượng;[46] biết rõ căn tính của mọi chúng sinh, bao trùm cả đại chúng[47] mà đắc pháp vô úy.[48] Các ngài tu dưỡng tâm bằng công đức và trí tuệ, lấy đó điểm trang cho thân tướng thù thắng, vứt bỏ mọi thứ trang sức thế gian. Thanh danh lồng lộng của các ngài cao hơn núi Tu-di.[49] Tín tâm của các ngài thâm sâu[50] kiên cố như kim cương. Bảo vật chính Pháp của các ngài lấp lánh soi rọi, và tuôn xuống những trận mưa cam lộ.[51] Âm thanh của các ngài vi diệu bậc nhất trong mọi thứ âm thanh. Các ngài thâm nhập duyên khởi, đoạn trừ các tà kiến, không còn tập khí tàn dư của hai biên kiến hữu và vô.[52] Các ngài tuyên dương chính Pháp một cách không sợ hãi như sư tử gầm rống; những điều được thuyết giảng vang dội như sấm. Không thể đánh giá các ngài vì các ngài vượt ngoài sự đánh giá.[53] Các ngài tích lũy kho tàng Chính Pháp như những thuyền trưởng trên biển cả.[54] Các ngài tinh thông nghĩa lý thâm diệu của các Pháp; hiểu rõ chỗ đi và đích đến của chúng sinh[55] cũng như các sở hành của tâm tư của chúng. Các ngài đã đạt gần trí tuệ tự tại của chư Phật,[56] sở đắc mười lực,[57] vô úy,[58] và mười tám bất cộng.[59] Tuy đã đóng chặt cánh cửa dẫn xuống các cõi bất hạnh,[60] các ngài vẫn hiện thân trong năm đường làm vị đại lương y để điều trị các thứ bệnh, theo bệnh mà cho thuốc khiến cho bình phục; thành tựu vô biên công đức, trang hoàng vô lượng cảnh giới chư Phật. Mỗi chúng sinh đều được lợi ích lớn khi nhìn thấy và được nghe các ngài, vì hành vi của các ngài đều không vô ích. Các ngài đã thành tựu đầy đủ công đức như vậy.

Danh xưng của các ngài là: Đẳng Quán Bồ-tát,[61] Bất Đẳng Quán Bồ-tát,[62] Đẳng Bất Đẳng Quán Bồ-tát,[63] Định Tự Tại Vương Bồ-tát,[64] Pháp Tự Tại Vương Bồ-tát,[65] Pháp Tướng Bồ-tát,[66] Quang Tướng Bồ-tát,[67] Quang Nghiêm Bồ-tát,[68] Đại Nghiêm Bồ-tát,[69] Bảo Tích Bồ-tát,[70] Biện Tích Bồ-tát,[71] Bảo Thủ Bồ-tát,[72] Bảo Ấn Thủ Bồ-tát,[73] Thường Cử Thủ Bồ-tát,[74] Thường Hạ Thủ Bồ-tát,[75] Thường Thảm Bồ-tát,[76] Hỷ Căn Bồ-tát,[77] Hỷ Vương Bồ-tát,[78] Biện Âm Bồ-tát,[79] Hư Không Tạng Bồ-tát,[80] Chấp Bảo Cự Bồ-tát,[81] Bảo Dõng Bồ-tát,[82] Bảo Kiến Bồ-tát,[83] Đế Võng Bồ-tát,[84] Minh Võng Bồ-tát,[85] Vô Duyên Quán Bồ-tát,[86] Huệ Tích Bồ-tát,[87] Bảo Thắng Bồ-tát,[88] Thiên Vương Bồ-tát,[89] Hoại Ma Bồ-tát,[90] Điện Đức Bồ-tát,[91] Tự Tại Vương Bồ-tát,[92] Công Đức Tướng Nghiêm Bồ-tát,[93] Sư Tử Hống Bồ-tát,[94] Lôi Âm Bồ-tát,[95] Sơn Tương Kích Âm Bồ-tát,[96] Hương Tượng Bồ-tát,[97] Bạch Hương Tượng Bồ-tát,[98] Thường Tinh Tấn Bồ-tát,[99] Bất Hưu Tức Bồ-tát,[100] Diệu Sinh Bồ-tát,[101] Hoa Nghiêm Bồ-tát,[102] Quán Thế Âm Bồ-tát,[103] Đắc Đại Thế Bồ-tát,[104] Phạm Võng Bồ-tát,[105] Bảo Trượng Bồ-tát,[106] Vô Thắng Bồ-tát,[107] Nghiêm Độ Bồ-tát,[108] Kim Kế Bồ-tát,[109] Châu Kế Bồ-tát,[110] Di-lặc Bồ-tát,[111] Văn-thù-sư-lợi Pháp vương Tử Bồ-tát.[112] Cả thảy là ba mươi hai ngàn vị như vậy.

Ngoài ra còn có mười ngàn Phạm thiên,[113] như Đại Phạm thiên Thi-khí,[114] từ nhiều cõi bốn thiên hạ khác[115] về chỗ Phật để nghe Pháp.

Có mười hai ngàn Thiên đế cũng từ nhiều cõi bốn thiên hạ khác về dự hội.

Và các loài có đại-oai-lực khác như Chư thiên, Long thần, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la và Ma-hầu-la-già cũng về dự.

Về dự hội còn có nhiều tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.

Bấy giờ Phật nói pháp cho vô lượng trăm nghìn đại chúng đang cung kính vây quanh. Như ngọn núi Tu-di[116] nổi lên giữa đại dương, Phật ngồi ung dung trên tòa sư tử bằng các loại trân bảo,[117] chói lọi che trùm tất cả các đại chúng đang đến.

Lúc bấy giờ con trai của một vị trưởng giả, tên Bảo Tích,[118] cùng với năm trăm người con của các trưởng giả[119] khác cầm năm trăm tàn lọng được trang hoàng bằng bảy loại ngọc quí, đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ sát chân Phật, rồi mỗi người dâng tàn lọng ấy cúng dường Phật. Do thần lực siêu việt của Phật, tất cả số tàn lọng đó tập hợp thành một cái duy nhất che rợp cả ba nghìn đại thiên thế giới. Chiều kích dài rộng của các thế giới này thảy đều ánh hiện trong đó. Và trong ba nghìn đại thiên thế giới này, hết thảy núi Tu-di, núi Tuyết,[120] núi Mục-chân-lân-dà, núi Ma-ha-mục-chân-lân-đà,[121] Hương sơn, Bảo sơn, Hắc sơn,[122] núi Thiết vi, núi Đại Thiết vi,[123] cùng với biển, sông, suối, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, cung điện chư thiên, cung điện các rồng, cung điện các tôn thần; tất cả đều ánh hiện trong lọng báu. Và khắp trong mười phương, chư Phật, và chư Phật đang thuyết pháp cũng thảy đều ánh hiện trong đó.

Khi đại chúng được chứng kiến thần lực của Phật, đều tán dương sự kiện hy hữu chưa từng thấy, cùng chắp tay lễ Phật và chiêm ngưỡng tôn nhan không rời mắt.

Rồi thì, Bảo Tích, con trai của trưởng giả, đến trước Phật, đọc bài kệ ca ngợi:
Con kính đảnh lễ Ngài,
Vị dẫn đạo chúng sinh bằng con đường tịch tĩnh.[124]
Mắt trong vắt, dài rộng như sen xanh;
Tâm tịnh, đã vượt qua các thiền định;[125]
Lâu dài tích chứa nghiệp thanh tịnh,
Danh xưng không thể lường;[126]
Đã thấy Đại Thánh, bằng thần biến,[127]
Hiện khắp mười phương vô lượng cõi;
Trong đó, chư Phật diễn nói Pháp;
Hết thảy hội chúng đều thấy nghe.
Pháp lực Pháp vương siêu quần sinh;
Ban tài sản Pháp ban cho tất cả.[128]
Khéo hay phân biệt các pháp tướng,
Mà đệ nhất nghĩa chẳng dao động;[129]
Vị đã được tự tại trong các pháp;
Nên con đảnh lễ Pháp vương này.[130]
Thuyết pháp hữu, không phi hữu;
Bởi do nhân duyên các pháp sinh.
Vô ngã, không tác, không người thọ.
Nhưng nghiệp thiện ác không hề mất.
Bắt đầu dưới cội bồ-đề đánh bại Ma,
Được cam lộ diệt,[131] thành giác đạo.[132]
Đã không tâm ý, không thọ hành,[133]
Mà lại chiết phục các ngoại đạo.[134]
Ba lần chuyển luân trong Đại thiên;
Pháp luân bản lai thường thanh tịnh,
Trời, người đắc đạo, do đây chứng;
Tam bảo do đó hiện thế gian.
Bằng Pháp mầu này cứu chúng sinh;
Đã thọ, không thối, thường tịch nhiên.[135]
Là bậc đại y vương diệt trừ lão, bệnh, tử.
Con đảnh lễ công đức vô biên của biển Pháp.
Chê, khen chẳng động,[136] như Tu-di;
Lòng từ trải rộng cho người hiền lẫn kẻ ác.[137]
Tâm hành bình đẳng như hư không,
Ai nghe mà không kính phục con người cao quý[138] này?
Nay dâng Thế Tôn lọng hèn mọn,[139]
Trong đó, ánh hiện cho con Tam thiên giới;
Với cung điện Trời, rồng, quỷ thần,
Càn-thát-bà lẫn của Dạ-xoa;
Và hết thảy mọi vật trên thế gian.
Đấng Mười lực từ tâm hiện biến hóa;
Đại chúng thấy việc hy hữu, tán thán Phật.
Nay con đảnh lễ đấng Chí tôn trong ba cõi.
Đại chúng quy ngưỡng Đại Pháp vương,
Tâm tịnh, quán Phật, ai cũng vui.
Mỗi người tự thấy Phật trước mặt;
Ấy do thần lực pháp bất cộng.[140]
Phật bằng một âm diễn thuyết Pháp;
Chúng sinh tùy loại đều hiểu được;
Đều nói Thế tôn cùng tiếng của mình;
Ấy do thần lực pháp bất cộng.
Phật bằng một âm diễn thuyết Pháp;
Chúng sinh mỗi mỗi theo chỗ hiểu,
Đều được thọ hành, đại lợi ích;[141]
Ấy do thần lực pháp bất cộng.[142]
Phật bằng một âm diễn thuyết Pháp;
Có kẻ nghe sợ, có kẻ vui,
Có kẻ chán bỏ, kẻ hết nghi;
Ấy do thần lực pháp bất cộng.

Cúi lạy đấng Mười lực, Đại tinh tấn;
Cúi lạy đấng đã đạt vô sở úy;
Đảnh lễ bậc trụ pháp Bất cộng;
Đảnh lễ Đại đạo sư của tất cả;
Đảnh lễ đấng dứt mọi trói buộc;[143]
Đảnh lễ đấng đến bờ bên kia;
Đảnh lễ đấng cứu độ thế gian;
Đảnh lễ đấng thoát vòng sinh tử.
Biết lẽ đến, đi của chúng sinh,[144]
Thâm nhập vạn pháp, được giải thoát,
Không vướng thế gian, như hoa sen,
Thường khéo thâm nhập hạnh Không tịch,
Thấu đạt pháp tướng không trở ngại;
Cúi lạy đấng vô sở y như hư không.[145]

Đọc kệ xong, Bảo Tích thưa với Phật:
“Bạch Thế tôn, năm trăm người con của các trưởng giả[146] này đã phát tâm tầm cầu giác ngộ tối thượng chính đẳng chính giác, nguyện được nghe[147] sự thanh tịnh của quốc độ Phật. Xin Thế tôn chỉ dạy chúng con những hành tướng tịnh độ của Bồ-tát”.[148]

Phật bảo:
“Lành thay, Bảo Tích! Con đã vì chư Bồ-tát hỏi Như Lai những hành tướng thanh tịnh của quốc độ Phật. Hãy lắng nghe và suy nghĩ. Ta sẽ nói cho con nghe”.

Bảo Tích và năm trăm thanh niên trưởng giả chăm chú nghe. Phật dạy:
“Bảo Tích, loại của chúng sinh là quốc độ Phật của Bồ-tát.[149] Vì sao như vậy? Vì Bồ-tát tùy theo loại chúng sinh được giáo hóa[150] mà tiếp nhận quốc độ Phật;[151] tùy theo loại chúng sinh được điều phục[152] mà tiếp nhận quốc độ Phật; tùy theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sinh thâm nhập trí của Phật mà tiếp nhận quốc độ Phật; tùy theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sinh làm trỗi dậy căn tính của Bồ-tát[153] mà tiếp nhận quốc độ Phật. Là vì sao? Vì Bồ-tát tiếp nhận quốc độ thanh tịnh chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Ví như một người có thể xây dựng đền đài nhà cửa trên khoảng đất trống, tùy ý không trở ngại; nhưng không thể xây dựng như vậy ở giữa hư không. Cũng vậy,[154] Bồ-tát vì muốn thành tựu chúng sinh mà ước nguyện tiếp nhận quốc độ Phật. Ước nguyện tiếp nhận quốc độ Phật không thể tìm thấy giữa hư không.

“Bảo Tích, con nên biết, trực tâm[155] là tịnh độ của Bồ-tát.[156] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh không dua vạy sẽ tái sinh vào đó.

“Thâm tâm là tịnh độ của Bồ-tát.[157] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào có đủ đầy công đức sẽ tái sinh vào đó.

“Bồ-đề tâm là tịnh độ của Bồ-tát.[158] Khi Bồ-tát thành Phật, hết thảy chúng sinh tầm cầu Đại thừa sẽ tái sinh vào cõi đó.

”Bố thí là tịnh độ của Bồ-tát.[159] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào có thể ban phát sẽ tái sinh vào đó.

“Trì giới là tịnh độ của Bồ-tát.[160] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh tu hành mãn nguyện mười thiện nghiệp đạo sẽ tái sinh vào đó.

“Nhẫn nhục là tịnh độ của Bồ-tát.[161] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt sẽ tái sinh vào đó.

“Tinh tấn là tịnh độ của Bồ-tát.[162] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào cần mẫn thực hiện mọi công đức sẽ tái sinh vào đó.

“Thiền định là tịnh độ của Bồ-tát.[163] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào nhiếp tâm không tán loạn sẽ tái sinh vào đó.

“Trí tuệ là tịnh độ của Bồ-tát.[164] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh có chính định[165] sẽ tái sinh vào đó.

“Bốn vô lượng tâm[166] là tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào thành tựu từ, bi, hỷ, xả sẽ tái sinh vào đó.

“Bốn nhiếp pháp[167] là tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào được nhiếp thọ bởi giải thoát sẽ tái sinh vào đó.[168]

“Phương tiện là tịnh độ của Bồ-tát.[169] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào biết diệu dụng phương tiện một cách vô ngại đối với hết thảy các pháp sẽ tái sinh vào đó.

“Ba mươi bảy đạo phẩm[170] là tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh có đủ niệm xứ, chính cần, thần túc, căn, giác chi, và chính đạo, sẽ tái sinh vào đó.

“Tâm hồi hướng[171] là tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, quốc độ sẽ trang nghiêm đầy đủ công đức cao quí.

“Diễn thuyết để diệt trừ tám nạn[172] là tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, quốc độ sẽ không có ba ác, tám nạn.

“Tự mình giữ giới, không phê bình người phá giới, là tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, quốc độ không nghe danh từ phạm cấm.

“Mười thiện là tịnh độ của Bồ-tát.[173] Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh tái sinh vào đó sẽ không yểu mạng, sẽ giàu có, sống phạm hạnh, nói lời chân xác, ngôn ngữ dịu dàng, quyến thuộc không ly tán vì khéo hòa giải tranh chấp; lời nói tất lợi lạc cho người, không đố kỵ, sân hận, giữ gìn chính kiến.

“Như vậy, Bảo Tích, tùy theo trực tâm ấy mà Bồ-tát mới có thể phát khởi hành.[174] Tùy theo sự phát khởi hành mà được thâm tâm. Tùy theo thâm tâm mà ý được điều phục. Tùy theo sự điều phục ý mà hành được như thuyết. Tùy theo hành như thuyết mà có thể hồi hướng. Tùy theo hồi hướng như vậy mà có thể diệu dụng các phương tiện. Tùy theo phương tiện thích hợp thành tựu chúng sinh. Tùy theo sự thành tựu chúng sinh mà quốc độ Phật thanh tịnh. Tùy theo sự thanh tịnh của quốc độ mà thuyết Pháp thanh tịnh. Tùy theo sự thuyết pháp thanh tịnh mà trí tuệ thanh tịnh. Tùy theo trí tuệ thanh tịnh mà tâm thanh tịnh. Tùy theo tâm thanh tịnh mà hết thảy công đức đều thanh tịnh.[175]

“Cho nên, Bảo Tích, nếu Bồ-tát muốn làm thanh tịnh quốc độ, hãy làm thanh tịnh tự tâm. Tùy theo tâm tịnh mà Phật độ tịnh”.[176]

Bấy giờ, nương theo oai thần của Phật, Xá-lợi-phất chợt nghĩ: “Khi tâm của Bồ-tát thanh tịnh thì quốc độ Phật thanh tịnh. Vậy tâm của đức Thế tôn nguyên lai khi còn là Bồ-tát há không thanh tịnh hay sao mà quốc độ Phật này chẳng hề thanh tịnh?”

Phật biết ý nghĩ ấy, nói với Xá-lợi-phất:
“Ý ngươi nghĩ sao, mặt trời, mặt trăng há không tịnh chăng khi người mù chẳng thấy chúng?”

Xá-lợi-phất đáp:
“Bạch Thế tôn, đó là tại lỗi của người mù chứ không phải tại mặt trời mặt trăng”.

Phật nói:
“Này Xá-lợi-phất, do bởi tội của chúng sinh nên không thấy vẻ trang nghiêm thanh tịnh của quốc độ Phật; đó không phải do lỗi của Như Lai. Xá-lợi-phất, cõi đất này của Ta thanh tịnh nhưng ngươi không nhận thấy đó thôi”.

Khi ấy, Phạm thiên Loa Kế[177] nói với Xá-lợi-phất:
“Chớ nghĩ rằng quốc độ này không thanh tịnh. Vì sao? Vì tôi thấy quốc độ Phật Thích-ca thanh tịnh, chẳng khác gì cung điện của trời Tự Tại.”[178]

Xá-lợi-phất bảo:
“Tôi thấy cõi này nào là gò nỗng, hầm hố, chông gai, đất đá, núi non, toàn là dơ bẩn”.

Phạm thiên bảo:
“Là vì tâm của Nhân giả có thấp có cao, chưa y theo tuệ của Phật, nên thấy cõi đất này bất tịnh. Xá-lợi-phất, vì Bồ-tát bình đẳng với hết thảy chúng sinh, thâm tâm thanh tịnh, nương theo trí tuệ của Phật, nên có thể nhìn thấy cõi Phật này thanh tịnh”.[179]

Bấy giờ, Phật ấn ngón chân của Ngài xuống đất. Thế giới ba nghìn đại thiên bỗng hóa rực rỡ với muôn vàn châu báu quí hiếm, trang nghiêm như cõi tịnh độ của Phật Bảo Trang Nghiêm,[180] được trang hoàng bằng vô lượng công đức mà hội chúng ca ngợi là chưa từng thấy. Hơn nữa, mọi người đều thấy mình được ngồi trên một tòa sen lộng lẫy.

Phật nói với Xá-lợi-phất:
“Ông hãy quán sát vẻ thuần tịnh trang nghiêm của quốc độ Phật này”.

Xá-lợi-phất thưa:
“Vâng, bạch Thế tôn, đây là những gì con chưa từng thấy và nghe. Nay sự trang nghiêm thanh tịnh của quốc độ thảy đều hiện rõ”.

Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Cõi Phật này của Ta thường thanh tịnh như vậy. Nhưng hiển hiện vô lượng các thứ xấu xa uế tạp là để dẫn dắt những người căn trí thấp kém. Cũng giống chư thiên cùng ăn chung một bát bằng báu, tùy theo công đức của người ăn mà màu sắc thức ăn khác nhau.[181] Cho nên, Xá-lợi-phất, người có tâm thanh tịnh sẽ thấy đất này được trang hoàng bằng các công đức”.

Khi Phật hiển hiện toàn vẻ trang nghiêm thanh tịnh của quốc độ này, năm trăm người con của các trưởng giả cùng đi với Bảo Tích chứng vô sinh pháp nhẫn,[182] và tám mươi bốn ngàn người[183] phát tâm cầu vô thượng chính đẳng chính giác.

Phật thâu lại thần túc, tức thì thế giới trở về hiện trạng cũ. Ba mươi hai ngàn chư thiên và người từng mong cầu quả vị Thanh-văn, nhận biết các pháp hữu vi thảy đều vô thường,[184] dứt lìa những cáu bẩn trần lao, được sự minh tịnh của con mắt pháp. Tám ngàn tỳ kheo không còn chấp thủ[185] các pháp, dứt sạch các lậu, được ý giải thoát.[186]

________________________________

CHƯƠNG HAI

PHƯƠNG TIỆN QUYỀN XẢO[187]

Bấy giờ, trong thành Tỳ-da-ly có vị trưởng giả[188] tên Duy-ma-cật, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật và trồng sâu gốc rễ thiện, chứng đắc vô sinh pháp nhẫn,[189] có tài biện thuyết vô ngại,[190] hiện du hí thần thông,[191] nắm vững các tổng trì, đạt được vô sở úy;[192] khuất phục mọi thù nghịch và quấy nhiễu của Ma,[193] đã đi vào cửa Pháp sâu thẳm,[194] thiện xảo trong trí độ,[195] thông suốt các phương tiện, hoàn thành đại nguyện.[196] Ông biết rõ xu hướng của tâm của chúng[197] sinh, có thể phân biệt căn tính bén nhạy hay chậm lụt. Đã từ lâu tâm của ông đã thành thục trong Phật đạo,[198] đã quyết định nơi Đại thừa. Mọi hành động của ông đều dựa trên tư duy chân chính.[199] An trú trong oai nghi của Phật,[200] tâm trải rộng như đại dương.[201] Được chư Phật ca ngợi; Đế Thích, Phạm thiên, Thế chủ đều kính phục.

Vì để hóa độ nhiều người, bằng vào phương tiện thiện xảo, ông cư trú trong thành Tỳ-da-ly.

Bằng gia sản bất tận của mình, ông bao bọc người cùng khổ. Bằng giới thanh tịnh, ông bao bọc người hủy phạm cấm giới. Bằng sự nhu thuận của nhẫn[202], ông bao bọc người sân hận hung dữ. Bằng đại tinh tấn,[203] ông bao bọc người biếng nhác. Bằng nhất tâm, thiền định, tịch tĩnh,[204] ông bao bọc những kẻ có tâm ý tán loạn. Bằng tuệ quyết định,[205] ông bao bọc những hạng vô trí.[206]

Tuy là hàng bạch y[207] ông vẫn tuân hành mọi luật tắc thanh tịnh của Sa-môn.[208] Tuy là cư sỹ ông vẫn tự tại không vướng mắc ba cõi. Tuy thị hiện có vợ con ông luôn sống đời tịnh hạnh.[209] Tuy hiện thân giữa các thuộc hạ, vẫn thường vui thú viễn ly.[210] Tuy mang ngọc vàng châu báu nhưng trang điểm thân mình bằng tướng hảo.[211] Dù thụ hưởng các thức ăn uống nhưng chỉ thưởng thức vị ngon của thiền.[212] Đến phường cờ bạc để đưa người vượt thoát. Tiếp nhận dị đạo mà không hủy chính tín. Thông hiểu kinh điển thế gian, nhưng thường hâm mộ Pháp Phật. Ai gặp ông cũng đều kính nể, tôn kính vào hàng bậc nhất.[213]

Ông giữ chấp trì luật pháp,[214] duy trì trật tự dưới trên. Hợp tác hài hòa trong tất cả sự nghiệp buôn bán, tuy cũng gặt hái những tài lợi thế tục, ông không lấy đó làm mừng.[215] Rong chơi trên các ngõ đường để giúp ích mọi người. Vào chốn công đường[216] để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các luận nghị để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu để khiến mọi người giữ vững ý chí.[217]

Trong hàng trưởng giả, ông được các trưởng giả tôn kính để diễn thuyết những pháp tối thắng.[218] Trong hàng cư sỹ, ông được cư sỹ tôn kính để dạy họ dứt trừ tham đắm thế tục. Trong hàng sát-lị, ông được các sát-lị tôn kính để dạy họ biết nhẫn nhục. Trong giới Bà-la-môn, ông được các Bà-la-môn tôn kính để dạy họ đoạn trừ ngã mạn. Trong các Đại thần, ông được các Đại thần tôn kính để dạy họ pháp luật công chính. Trong các Vương tử, ông được các Vương tử tôn kính để dạy họ đạo trung hiếu.[219] Trong chốn cấm cung, ông được các nội quan tôn kính để giáo hóa hết thảy cung nữ đức hạnh.

Vào trong hạng thứ dân, ông được thứ dân tôn kính để khích lệ họ vun trồng phước đức. Trong hàng Phạm thiên, ông được các Phạm thiên tôn kính, hiển hiện cho họ huệ tối thắng.[220] Trong hàng Đế Thích, ông được Đế Thích tôn kính, chỉ họ thấy rõ tính vô thường.[221] Trong hàng Hộ thế,[222] ông được các vị Hộ thế tôn kính, khiến họ bảo vệ hết thảy chúng sinh.

Trưởng giả Duy-ma-cật đã bằng vô lượng phương tiện[223] như vậy làm lợi ích cho chúng sinh.

Nay, bằng phương tiện, Ông hiện thân có bệnh. Vì ông bệnh mà Quốc vương, Đại thần, Trưởng giả, Cư sỹ, Bà-la-môn v.v… cho đến các Vương tử cùng các thuộc hạ, vô số hàng ngàn người, đã đến thăm viếng ông.

Duy-ma-cật nhân nơi tật bệnh của tự thân mà thuyết pháp[224] một cách rộng rãi cho những người đến thăm.

Ông nói:
“Các Nhân giả, thân này[225] là vô thường, không vững mạnh, yếu đuối, cũng chẳng bền lâu; là pháp chóng mục nát, không đáng tin cậy. Nó là sự khổ, là sự ưu não, là nơi tập hợp của các loại tật bệnh.

“Này các Nhân giả, thân này không phải là chỗ đáng nương tựa cho người minh trí. Thân này như đống bọt, không thể vốc nắm. Thân này như bong bóng nước, không tồn tại lâu. Thân này như quáng nắng[226] bốc từ khát vọng yêu đương. Thân này như cây chuối, ruột không lõi chắc. Thân này[227] như huyễn, hình thành bởi ý nghĩ đảo điên. Thân này như giấc mộng, do hư vọng mà thấy có. Thân này như bóng, theo duyên là nghiệp mà có.[228] Thân này như tiếng vang, tùy thuộc nhân duyên. Thân này như đám mây trôi, chợt biến chợt diệt. Thân này như ánh chớp lóe, thoáng chốc tiêu tan. Thân này không chủ tể, như đất.[229] Thân này không tự ngã, như lửa.[230] Thân này không thọ mạng,[231] như gió. Thân này không con người, như nước.[232] Thân này không thật, lấy bốn đại làm nhà.[233] Thân này rỗng không, không ngã cũng không ngã sở. Thân này vô tri, như cỏ, cây hay gạch ngói. Thân này không động, chỉ chuyển động vì sức gió. Thân này bất tịnh vì chứa đầy uế tạp. Thân này hư ngụy, tuy nhờ bởi tắm rửa, y phục, ẩm thực, rồi sẽ trở về tàn hoại diệt vong. Thân này nhiều tai họa, bị gây rối bởi một trăm lẻ một thứ tật bệnh.[234] Thân này như cái giếng trên gò,[235] vì sự già bức bách. Thân này vô định, nhất định sẽ chết. Thân này như rắn độc,[236] như kẻ thù,[237] như xóm hoang;[238] nó được tập thành bởi các uẩn, các giới, các xứ.

“Chư Nhân giả, thân này đáng chán như vậy, ta nên tầm cầu thân Phật. Vì sao? Vì Phật thân tức Pháp thân, sinh từ vô lượng công đức và trí tuệ; sinh từ giới, định, huệ, giải thoát và tri kiến giải thoát; sinh từ từ, bi, hỷ, xả; từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhu hòa, cần hành tinh tấn, thiền định giải thoát, tam muội; sinh từ đa văn, trí tuệ, các ba-la-mật; sinh từ phương tiện; sinh từ sáu thông; sinh từ ba minh; sinh từ ba mươi bảy đạo phẩm; sinh từ chỉ quán; sinh từ mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng; sinh từ sự đoạn trừ hết thảy pháp bất thiện, tập hết thảy pháp thiện; sinh từ sự chân thật; sinh từ sự không buông lung. Từ vô lượng pháp thanh tịnh như vậy sinh ra thân Như Lai.

“Các Nhân giả, nếu muốn được thân Phật hầu chấm dứt hết thảy tật bệnh của chúng sinh, các ngài nên phát tâm cầu giác ngộ tối thượng”.

Trưởng giả Duy-ma-cật giảng Pháp cho những người đến thăm bệnh như vậy, khiến cho vô số nghìn khách viếng phát tâm vô thượng bồ-đề.*

________________________________

CHƯƠNG BA

CHÚNG ĐỆ TỬ[239]

1. Lúc bấy giờ, Duy-ma-cật trong lòng suy nghĩ, “Nay ta nằm bệnh; há đức Thế Tôn đại từ không rủ lòng thương tưởng?”

Phật biết ý tưởng đó, nói với Xá-lợi-phất:[240]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

Xá-lợi-phất đáp:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng để đi thăm bệnh ông ấy. Vì sao vậy? Con nhớ lại, có lần, con đang ngồi tĩnh niệm[241] dưới tàn cây trong rừng,[242] Duy-ma-cật đến đó, và bảo con rằng,[243] ‘Kính thưa[244] ngài Xá-lợi-phất, bất tất[245] ngồi như vậy mới là ngồi tĩnh niệm. Không hiện thân và ý[246] ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh tọa.[247] Hiện các oai nghi[248] mà vẫn không xuất khỏi diệt tận định, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện thân làm các việc phàm phu[249] mà không xả Đạo pháp,[250] ấy mới là tĩnh tọa. Tâm không trụ trong, không trụ ngoài, ấy mới là tĩnh tọa. Không bị dao động trong các kiến chấp mà tu hành ba mươi bảy phẩm, ấy mới là tĩnh tọa. Không đoạn trừ phiền não mà nhập Niết-bàn,[251] ấy mới là tĩnh tọa. Ngồi được như vậy, thì mới được Phật ấn khả.’

“Bấy giờ, bạch Thế tôn, khi nghe ông nói những lời này, con ngồi im lặng, không trả lời được. Cho nên con không đủ khả năng để đi thăm bệnh”.

2. Phật nói với Đại Mục-kiền-liên:[252]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật”.

Mục-kiền-liên bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng để đi thăm bệnh ông[253] ấy. Vì sao vậy? Con nhớ lại, có lần, khi con đang giảng pháp cho hàng tục gia đệ tử trên đường phố thành Tỳ-da-ly, Duy-ma-cật đến bảo con rằng, ‘Kính thưa ngài Đại Mục-liên, giảng pháp cho cư sỹ bạch y không phải như Nhân giả đang thuyết. Thưa ngài, khi thuyết pháp, hãy như pháp mà thuyết. Pháp không chúng sinh, vì xa lìa cáu bẩn của chúng sinh.[254] Pháp không thọ mạng,[255] vì xa lìa sinh tử. Pháp không có con người,[256] vì tiền tế và hậu tế đều cắt đứt. Pháp thường tịch nhiên, vì diệt các tướng. Pháp lìa ngoài tướng, vì không sở duyên.[257] Pháp không ngôn thuyết, vì lìa giác quán.[258] Pháp không hình tướng, vì như hư không.[259] Pháp không hý luận vì rốt ráo không.[260] Pháp không ngã sở, vì lìa ngã sở. Pháp không phân biệt, vì lìa các thức.[261] Pháp không so sánh,[262] vì không tương đãi.[263] Pháp không thuộc nhân vì không ở trong duyên. Pháp đồng pháp tính, vì nhập vào các pháp. Pháp đi theo Như[264] vì không có gì để đi theo. Pháp trụ thực tế, vì không động các biên.[265] Pháp không động dao, vì không y sáu trần. Pháp không đến đi vì thường không trụ. Pháp thuận với Không, tùy theo vô tướng và ứng với vô tác.[266] Pháp lìa đẹp xấu. Pháp không tăng giảm. Pháp không sinh diệt.[267] Pháp không chỗ về. Pháp vượt qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm.[268] Pháp không cao thấp; thường trụ, bất động. Pháp lìa hết thảy quán hạnh.[269]

“Kính thưa ngài Mục-liên, tướng của pháp như vậy, làm sao diễn giảng? Thưa ngài, người thuyết pháp thì không diễn thuyết, không khai thị. Người nghe thì không nghe, không sở đắc.[270] Như con người huyễn[271] giảng pháp cho người huyễn nghe. Ngài nên xác lập tâm ý này mà giảng Pháp; cần phải hiểu rõ căn tính nhạy bén hay chậm lụt của chúng sinh; tri kiến thiện xảo không có gì ngăn ngại; bằng tâm đại bi mà tán dương Đại thừa; vì nhớ nghĩ báo đáp ân đức của Phật, không để Tam bảo đoạn tuyệt; vì như vậy mà thuyết pháp.’

“Nghe Duy-ma-cật nói pháp này xong, tám trăm cư sỹ đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng. Bạch Thế Tôn, con không có biện tài như vậy, nên không đủ khả năng đi thăm bệnh”.

3. Phật nói với Ma-ha Ca-diếp:[272]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật”.

Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng để đi thăm bệnh ông ấy. Vì sao vậy? Nhớ lại, có lần con đang khất thực nơi xóm nghèo, Duy-ma-cật đến nói: ‘Kính thưa ngài Ma-ha Ca-diếp, có tâm từ bi mà không rộng khắp, nên ngài bỏ nhà hào phú mà xin nhà bần hàn.

“Thưa ngài Ca-diếp, an trụ nơi pháp bình đẳng thì nên hành khất thực theo thứ lớp.[273] Vì sự không ăn,[274] cho nên cần phải hành khất thực. Vì để làm rã sự kết hợp[275] mà cầm lấy nắm thức ăn.[276] Vì không thọ nhận[277] mà nhận lấy thực phẩm của người kia.[278] Bằng ấn tượng về xóm hoang[279] mà đi vào xóm.[280] Nhìn sắc mà cũng đồng như mù. Nghe âm thanh cũng đồng như tiếng vọng. Ngửi mùi thơm cũng đồng như gió thoảng. Nếm vị thức ăn, mà không phân biệt. Tiếp thọ các xúc như trí chứng.[281] Biết các pháp đều là tướng như huyễn; không có tự tính, chẳng có tha tính; từ xưa tự nó vốn không bốc cháy thì nay không lặng tắt.[282]

“Ca-diếp nếu có thể không bỏ tám tà mà nhập tám pháp giải thoát; [283] bằng tà tướng mà nhập Chính pháp;[284] bằng một miếng ăn[285] mà bố thí tất cả; cúng dường chư Phật và Hiền Thánh Tăng. Được vậy mới nên ăn. Ăn như vậy không phải có phiền não[286] cũng không lìa phiền não, không nhập định ý[287] cũng không xuất khỏi định ý; không phải trụ thế gian[288] cũng không phải trụ Niết-bàn; ai thí cho,[289] công đức không nhiều cũng không ít, không vì thế mà thêm, không vì thế mà bớt. Đó là cách chân chính đi vào Phật đạo, không nương Thanh-văn. Thưa Ca-diếp, ăn như vậy mới là không ăn suông của người bố thí.’

“Bạch Thế tôn, khi nghe những lời này, được điều chưa từng có này, trong con khởi niềm tôn kính sâu sắc hết thảy chư Bồ-tát, và con nghĩ: ‘Con người có gia đình mà có thể có trí tuệ biện tài như vậy, ai nghe mà không khởi tâm cầu giác ngộ?’ Từ đó con thôi không khuyên người bằng Thanh-văn hay Bích-chi-phật. Vì vậy cho nên con biết mình không đủ khả năng đi thăm bệnh”.

4. Phật lại bảo Tu-bồ-đề:[290]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật”.

Tu-bồ-đề bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng để đi thăm bệnh ông ấy. Vì sao vậy? Nhớ lại, có lần con đến nhà ông khất thực. Duy-ma-cật lấy bát[291] của con cho đầy cơm rồi bảo: ‘Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu đối với sự ăn mà bình đẳng, thì đối với các pháp cũng bình đẳng. Các pháp bình đẳng thì đối với sự ăn cũng bình đẳng. Hành khất thực như vậy mới đáng nhận thức ăn.[292]

“Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu có thể không dứt trừ dâm dục, sân nộ, ngu si, mà cũng không cộng tồn với chúng; không hoại nơi thân mà tùy nhất tướng;[293] không diệt si và ái[294] mà đạt được minh và giải thoát;[295] bằng tướng của năm tội đại nghịch mà được giải thoát, không được cởi, không bị trói;[296] không thấy bốn Thánh đế, cũng không phải không thấy Thánh đế;[297] không phải đắc quả, không phải phàm phu, không phải lìa pháp phàm phu; không phải Thánh nhân, không phải phi Thánh nhân; tuy thành tựu hết thảy pháp mà vẫn xa lìa pháp tướng.[298] Có như thế mới đáng nhận thức ăn.

“Nếu Tu-bồ-đề không thấy Phật cũng không nghe Pháp;[299] sáu đại sư ngoại đạo kia, là Phú-lan-na Ca-diệp, Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử, San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la, và Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử,[300] là Thầy của ngài; nhân họ mà ngài xuất gia. Nếu các vị Thầy ấy đọa lạc thì ngài cũng đọa lạc theo. Như vậy ngài mới nên nhận thức ăn.

“Nếu Tu-bồ-đề đi vào các tà kiến, không sang bờ bên kia;[301] trụ trong tám nạn chứ không thoát khỏi tám nạn;[302] đồng với phiền não,[303] xa rời pháp thanh tịnh; nếu ngài chứng đắc Vô tránh tam-muội[304] thì hết thảy chúng sinh cũng chứng đắc định ấy; những ai bố thí ngài, không nói là gieo vào ruộng phước; những ai cúng dường ngài sẽ rơi vào cõi dữ; ngài cùng bọn Ma nắm tay nhau làm bạn lữ trong trần lao;[305] ngài cùng với bọn Ma và các trần lao giống nhau không khác;[306] đối với hết thảy chúng sinh mà có tâm oán hận; báng bổ chư Phật, hủy hoại chánh pháp, không nhập tăng số,[307] không được diệt độ.[308] Nếu được như vậy, ngài mới đáng nhận thức ăn.’

“Bạch Thế Tôn, nghe những lời này mà con hoang mang; không biết đó là ngôn ngữ gì; không biết phải trả lời thế nào. Con bèn bỏ lại bình bát, định ra khỏi nhà. Duy-ma-cật kêu lại: ‘Thưa ngài Tu-bồ-đề, hãy nhận lấy bình bát, chớ có sợ hãi.[309] Ngài nghĩ sao, nếu Như Lai khiến một hóa nhân[310] đến nạn vấn, khi ấy ngài có sợ chăng?’ Con đáp, ‘Không sợ.’ Duy-ma-cật tiếp, ‘Hết thảy pháp đều là tướng như huyễn hóa.[311] Cho nên ở đây ngài không nên sợ hãi. Vì sao? Vì hết thảy ngôn thuyết đều không xa lìa tướng ấy.[312] Cho đến, bậc trí không dính mắc văn tự, vì vậy chẳng có gì để sợ. Tại sao? Tại vì lìa tự tính của văn tự, không có văn tự, đó là giải thoát. Tướng của giải thoát, đó là các pháp.’[313]

“Khi Duy-ma-cật nói xong pháp này, hai trăm người con của chư thiên chứng được sự minh tịnh của pháp nhãn.[314] Vì thế con biết mình chưa đủ khả năng đi thăm ông”.

5. Phật lại bảo Phú-lâu-naDi-đa-la-ni-tử:[315]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật”.

Phú-lâu-na thưa với Phật:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ấy. Là vì, một hôm, trong rừng Đại lâm,[316] con đang thuyết pháp cho các tỳ kheo mới thọ giới, Duy-ma-cật chợt đến và nói: ‘Thưa ngài Phú-lâu-na, trước tiên ngài nên nhập định để quán sát tâm tính người này rồi mới nên giảng Pháp. Chớ để đồ ôi thiu trong bát quí. Ngài nên hiểu rõ tâm niệm[317] của các tỳ kheo này chứ đừng nhầm lẫn pha lê với thủy tinh.[318] Nếu ngài chưa rõ căn nguyên của chúng sinh thì đừng nên phát khởi chúng bằng pháp Tiểu thừa. Kia chưa bị lở lói, chớ làm họ trầy xước. Với người muốn đi trên đường lớn đừng chỉ họ lối hẹp. Đừng trút biển cả trong dấu lõm chân trâu; đừng ví ánh mặt trời với lửa đom đóm.[319]

“Phú-lâu-na, các tỳ kheo này đã phát tâm Đại thừa từ lâu nhưng nửa chừng quên mất. Sao ngài lại hướng dẫn họ bằng pháp Tiểu thừa? Tôi thấy trí của Tiểu thừa nông cạn, như người mù, không thể phân biệt căn tính bén nhạy hay chậm lụt của chúng sinh.’

“Liền đó, Duy-ma-cật nhập tam-muội khiến các tỳ kheo nhớ lại các đời trước, họ đã từng gặp năm trăm vị Phật, gieo trồng gốc rễ công đức, hồi hướng tâm giác ngộ tối thượng; khiến họ bỗng nhớ lại bản tâm. Khi ấy các Tỳ kheo liền cúi đầu lễ dưới chân Duy-ma-cật. Nhân đó Duy-ma-cật thuyết pháp cho họ, khiến không còn thối chuyển đối với vô thượng chính đẳng bồ-đề.

“Con nghĩ, hàng Thanh-văn chưa quán sát rõ căn tính của người nghe [320] thì không nên thuyết Pháp.[321] Nên con thấy mình chưa đủ khả năng đến thăm bệnh ông.”

Phật bảo Ma-ha Ca-chiên-diên:[322]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

Ma-ha Ca-chiên-diên thưa:
“Bạch đức Thế Tôn, con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ấy. Vì có lần, sau khi Phật giảng các yếu nghĩa của pháp cho các tỳ kheo, con đã theo đó giải thích cho các tỳ kheo nghĩa vô thường, nghĩa khổ, nghĩa không, nghĩa vô ngã, và nghĩa tịch diệt.

“Bấy giờ Duy-ma-cật đi đến và bảo con rằng: ‘Thưa ngài Ma-ha Ca-chiên-diên, đừng lấy tâm hành sinh diệt mà giải nghĩa pháp thật tướng. Ma-ha Ca-chiên-diên, các pháp rốt ráo không sinh không diệt;[323] đó là nghĩa vô thường. Năm thủ uẩn rỗng suốt, trống không, không có gì sinh khởi; là nghĩa của khổ. Các pháp rốt ráo không có gì; là nghĩa của Không. Ngã và vô ngã không hai; là nghĩa vô ngã. Các pháp nguyên lai không bùng cháy, nay chẳng có gì là dập tắt;[324] đó là nghĩa tịch diệt.’

“Duy-ma-cật nói xong, các tỳ kheo hiện diện tâm được giải thoát.[325] Cho nên con thấy mình chưa đủ khả năng đến thăm bệnh ông.”

7. Phật bèn nói với A-na-luật:[326]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

A-na-luật thưa:
“Bạch Thế Tôn, con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ấy. Vì có lần con đang đi kinh hành,[327] một Phạm vương tên là Nghiêm Tịnh,[328] cùng mười ngàn chư thiên, hào quang chiếu rọi, đến gặp con, cúi chào và hỏi: ‘Thiên nhãn của ngài nhìn xa đến đâu?’ Con đáp: ‘Thưa Nhân giả, tôi nhìn thấy ba nghìn đại thiên quốc độ của Phật Thích-ca-mâu-ni như trái am-ma-lặc[329] trong lòng bàn tay.’ Khi ấy Duy-ma-cật xuất hiện, nói rằng: ‘Thưa ngài A-na-luật, cái thấy bằng thiên nhãn của ngài là có tướng tác hành hay không có tướng tác hành?[330] Giả sử có tướng tác hành, thì chẳng hơn hàng ngoại đạo đã tập thành năm phép thần thông. Nếu không có tướng tác hành, thì đó là vô vi, không có sự thấy.’

“Bạch Thế tôn, lúc ấy con lặng thinh không trả lời được. Các Phạm thiên khi nghe những điều chưa từng nghe, liền làm lễ rồi cung kính hỏi: ‘Vậy trên thế gian này ai có chân thiên nhãn?’ Ông đáp: ‘Phật Thế Tôn có chân thiên nhãn, vì thường trụ trong tam-muội,[331] nhìn thấy hết thảy cõi Phật không do bởi hai tướng.’[332]

“Ngay lúc ấy, Phạm vương Nghiêm Tịnh và năm trăm chư thiên quyến thuộc đã phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác. Họ cung kính đảnh lễ dưới chân Duy-ma-cật rồi biến mất. Đó là lý do con nói mình chưa đủ khả năng để thăm bệnh ông”.

8. Phật bảo Ưu-ba-li:[333]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

Ưu-ba-li thưa:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ấy. Vì sao? Con nhớ lại, xưa kia có hai tỳ kheo phạm giới, xấu hỗ không dám đến hỏi Phật, đến nói với con: ‘Thưa ngài Ưu-ba-li, chúng tôi đã phạm luật và rất hổ thẹn vì tội này, không dám đến hỏi Phật, xin hỏi ông cách sám hối để giũ sạch tội lỗi.’ Con bèn theo như pháp mà giảng giải cho họ.

“Lúc ấy Duy-ma-cật đến nói với con: ‘Thưa ngài Ưu-ba-li, đừng làm nặng thêm tội của hai tỳ kheo này mà hãy ngay thẳng trừ diệt, chớ làm rối loạn tâm của họ. Vì sao? Vì bản chất tội không ở trong không ở ngoài,[334] cũng không ở giữa. Như Phật đã dạy, chúng sinh cáu bẩn vì tâm cáu bẩn; nếu tâm trong sạch hết thảy đều trong sạch. Tâm cũng không ở trong không ở ngoài, không ở giữa. Tâm như nhiên, tội cũng như nhiên; các pháp cũng như nhiên, không vượt ngoài Như. Như ngài Ưu-ba-li, nếu tâm tướng[335] được giải thoát, há có cáu bẩn chăng?’ Con đáp: ‘Không.’ Ông ấy nói: ‘Cũng vậy, tâm tướng của chúng sinh thảy đều vô cấu. Thưa ngài Ưu-ba-li, vọng tưởng là cáu bẩn; không vọng tưởng là thanh tịnh.[336] Điên đảo là cáu bẩn; không còn điên đảo là thanh tịnh. Chấp ngã là cáu bẩn; không chấp ngã là thanh tịnh. Ưu-ba-li, hết thảy pháp khởi và diệt không đình trú, như huyễn, như tia chớp. Các pháp không đối đãi nhau,[337] không đình trú trong mỗi tâm niệm. Chúng đến từ những cái thấy nhầm lẫn, như chiêm bao, như quáng nắng, như trăng trong đáy nước, như bóng trong gương, vì chúng sinh ra từ vọng tưởng.[338] Hiểu được như vậy là người phụng trì giới luật. Hiểu như vậy là hiểu biết thiện xảo.’[339]

“Ngay lúc ấy, hai vị tỳ kheo thán phục: ‘Siêu việt thay trí tuệ, mà ngài Ưu-ba-li không thể sánh bằng. Tuy là bậc trì luật đệ nhất nhưng không thể nói được như vậy.’ Con mới nói:[340] ‘Duy trừ Phật ra, chưa từng có một Thanh văn hay Bồ-tát nào vượt hơn biện tài vô ngại[341] của người này vì trí tuệ minh đạt của ông thù thắng như vậy.’

“Hai vị tỳ kheo nhờ đó đã dứt đoạn nghi tình và hối hận, phát tâm cầu giác ngộ tối thượng và lập nguyện cho hết thảy chúng sinh đều được biện tài như vậy. Cho nên con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ấy”.

9. Phật bèn nói với La-hầu-la:[342]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

La-hầu-la thưa:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng đến thăm ông ấy. Vì nhớ lại, có lần các con trai nhà trưởng giả thành Tỳ-da-ly[343] đến gặp con, cúi chào và hỏi: ‘La-hầu-la, ông là con của Phật, đã bỏ ngôi vị Chuyển luân vương mà xuất gia học đạo. Xuất gia như vậy được lợi ích gì?’ Con bèn như pháp mà nói các lợi ích của công đức xuất gia, thì Duy-ma-cật bỗng đến, nói: ‘Thưa ngài La-hầu-la, ông chớ nên nói về các lợi ích của công đức xuất gia. Vì sao? Vì không lợi ích, không công đức; đó là xuất gia. Chỉ pháp hữu vi mới nói đến lợi ích và công đức. Xuất gia là pháp vô vi. Trong pháp vô vi, không có lợi ích, không có công đức. La-hầu-la, xuất gia là vượt khỏi cái sự chỗ này, chỗ kia, hay ở giữa;[344] là vượt khỏi sáu mươi hai kiến chấp, an trú Niết-bàn,[345] được người trí lãnh thọ, là lối đi của bậc Thánh,[346] hàng phục các ma, thoát ngoài năm đạo, thanh tịnh năm con mắt, thành tựu năm lực, xác lập năm căn, không gây não hại cho đời, xa lìa mọi điều xấu, đẩy lui ngoại đạo, siêu việt giả danh tự, ra khỏi vũng sình,[347] không bị ràng buộc, không ngã sở; không có gì để chấp thủ, không bị nhiễu loạn, nội tâm hoan hỷ, hộ trì tâm ý kẻ khác,[348] tùy thuận thiền định,[349] và thoát khỏi mọi sai lầm. Làm được như vậy mới là đích thực xuất gia.’

“Đoạn Duy-ma-cật nói với những người con của các trưởng giả: ‘Các chú nên xuất gia trong Chính Pháp. Vì sao? Vì không dễ gì được sống cùng thời với Phật.’[350] Các người này nói: ‘Thưa Cư sỹ tôn kính, chúng tôi có nghe Phật dạy, nếu cha mẹ chưa cho phép thì con không được xuất gia.’ Duy-ma-cật bảo: ‘Đúng vậy. Nhưng khi phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác, là các chú đã xuất gia.’

“Bấy giờ, ba mươi hai người con của các trưởng giả đã phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác. Vì vậy con chưa đủ khả năng đến thăm bệnh ông”.

9. Phật bèn bảo A-nan:[351]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

A-nan nói:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ấy. Vì nhớ lại, có lần khi thân Thế Tôn có chút bệnh, cần sữa bò, con lấy bát đến đứng trước cửa nhà người Bà-la-môn[352]. Khi ấy Duy-ma-cật đi đến[353] bảo con rằng: ‘Thưa ngài A-nan, có chuyện gì mà cầm bát đứng đây sớm thế?’ Con đáp: ‘Cư sỹ, đức Thế Tôn thân có chút bệnh, cần sữa bò, vì vậy tôi mới đến đây.’ Duy-ma-cật chặn lại: ‘Thôi im đi, ngài A-nan. Chớ nói những lời như vậy. Thân Như Lai là thể kim cương.[354] Mọi điều xấu[355] đã bị đoạn trừ; mọi điều thiện hội đủ; làm gì có bệnh? Làm gì có não? Ngài hãy im lặng mà đi. Chớ phỉ báng Như Lai. Đừng để người khác nghe được lời thô tháo đó. Chớ để chư thiên có uy đức và Bồ-tát đến từ các quốc độ thanh tịnh nghe thấy. Thưa ngài A-nan, Chuyển luân thánh vương mới chỉ tích góp vài công đức nhỏ đã không còn bệnh não. Huống chi Như Lai đã hội đủ vô lượng phước đức thù thắng lại còn bệnh sao? Nhất định không có chuyện đó. Hãy đi đi, thưa ngài A-nan, đừng làm xấu hết cả chúng tôi. Nếu người Bà-la-môn ngoại đạo nghe lời này, họ sẽ nghĩ: Sao đáng gọi là Tôn Sư? Người này cứu được ai khi ông chưa cứu nổi thân mình? Hãy âm thầm mà đi nhanh đi, đừng để ai nghe lời ngài nói. A-nan, nên biết, thân Như Lai là Pháp thân, không phải do tâm tư dục vọng.[356] Phật là đức Thế tôn, vượt ngoài ba cõi. Thân Phật là vô lậu, vì các lậu đã dứt sạch. Thân Phật là vô vi không thể gọi tên.[357] Thân như vậy làm sao có bệnh?’

“Bạch Thế Tôn, nghe ông nói con ngập tràn hỗ thẹn, tự hỏi phải chăng con tuy gần Phật nhưng đã nghe nhầm chăng? Nhưng lúc ấy, con nghe một tiếng nói từ không trung vọng xuống: ‘A-nan, Cư sỹ nói đúng, nhưng vì Phật hiện thân trong đời năm trược ác, hiện hành pháp này để cứu độ chúng sinh.[358] A-nan, cứ đi xin sữa, chớ hỗ thẹn.’

“Bạch Thế tôn, trí tuệ và tài biện thuyết của Duy-ma-cật như vậy, con quả thật không đủ khả năng đến thăm bệnh ông”.

Như vậy năm trăm đại đệ tử đều kể lại với những cuộc gặp gỡ Duy-ma-cật và những điều ông ấy đã nói, đều nói không đủ khả năng đi thăm bệnh ông.

________________________________

CHƯƠNG BỐN

BỒ TÁT[359]

1. Rồi thì, Phật nói với Bồ-tát Di-lặc:[360]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật”.

Di-lặc đáp:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ấy. Vì sao? Nhớ lại xưa kia, có lần con đang giảng cho Thiên vương Đâu-suất[361] và quyến thuộc về sự thực hành ở địa vị bất thối chuyển,[362] Duy-ma-cật bỗng đến và nói với con: ‘Thưa Di-lặc, khi đức Thế tôn thọ ký Nhân giả còn một đời nữa[363] sẽ chứng đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Sự thọ ký ấy nhắm vào đời nào? Đời quá khứ chăng? Đời vị lai chăng? Đời hiện tại chăng? Nếu là đời quá khứ, thì đời quá khứ đã diệt. Nếu là đời vị lai thì đời vị lai chưa đến. Nếu ở đời hiện tại, thì đời hiện tại không đình trú. Như Phật đã nói: Này tỳ kheo, ngươi nay tức thời[364] vừa sinh, vừa già, vừa diệt. Nếu bằng vô sinh[365] mà đươc thọ ký, thì vô sinh là chính vị.[366] Mà trong chính vị thì không có thọ ký, cũng không có sự chứng đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.[367]

Vậy làm sao Di-lặc được thọ ký còn một lần tái sinh[368]? Ấy là bằng Như sinh[369] mà được thọ ký, hay bằng Như diệt mà được thọ ký? Nếu bằng Như sinh mà được thọ ký, thì Như vốn không sinh. Nếu bằng Như diệt mà được thọ ký, thì Như vốn không diệt. Vì hết thảy chúng sinh đều là Như tính vậy. Hết thảy pháp cũng là Như tính vậy. Các Hiền Thánh cũng là Như tính vậy. Di-lặc cũng là Như tính vậy.[370] Như vậy, nếu Di-lặc được thọ ký, thì hết thảy chúng sinh cũng đều được thọ ký. Vì sao? Vì Như vốn không hai, không khác.[371] Nếu Di-lặc chứng đắc giác ngộ tối thượng, thì hết thảy chúng sinh cũng chứng đắc giác ngộ tối thượng. Vì sao? Vì hết thảy chúng sinh tức là tướng của Bồ-đề.[372] Nếu Di-lặc mà diệt độ, thì hết thảy chúng sinh cũng diệt độ.[373] Vì sao? Chư Phật biết rõ hết thảy chúng sinh rốt ráo tịch diệt, tức là tướng bồ-đề, không còn gì để diệt nữa.[374] Thưa Di-lặc, vì thế không nên dụ[375] chư Thiên bằng pháp này.

“Thật sự không có người phát tâm vô thượng bồ-đề[376] cũng chẳng có người thối lui. Di-lặc hãy nên khiến cho các thiên tử này xả bỏ những quan niệm phân biệt về bồ-đề. Vì sao? Vì bồ-đề không thể được chứng đắc bằng thân, không thể được chứng đắc bằng tâm. Tịch diệt là bồ-đề, vì diệt các tướng.[377] Không có quán là bồ-đề vì nó lìa ngoài nhân duyên.[378] Không hành là bồ-đề vì nó dứt tuyệt nghĩ tưởng.[379] Đoạn là bồ-đề, vì xả ly các kiến.[380] Xả ly là Bồ-đề, vì xả ly vọng tưởng.[381] Chướng là Bồ-đề, vì chướng các nguyện.[382] Không nhập là Bồ-đề vì không tham trước.[383] Tùy thuận[384] là bồ-đề vì thuận với Như[385]. Trụ là Bồ-đề vì trụ pháp tính.[386] Đến là bồ-đề, vì đi đến thực tế.[387] Bất nhị là bồ-đề, vì nó xa lìa ý và pháp.[388] Bình đẳng là bồ-đề, vì đồng đẳng với hư không.[389] Vô vi là bồ-đề vì không sinh, trụ, diệt.[390] Tri[391] là bồ-đề, vì liễu tri tâm hành của hết thảy chúng sinh. Không hội [392] là bồ-đề vì các nhập[393] không hội.[394] Không hiệp[395] là bồ-đề, vì lìa tập quán phiền não.[396] Không xứ sở[397] là bồ-đề, vì không hình sắc.[398] Giả danh[399] là bồ-đề, vì tên gọi vốn rỗng không.[400] Như hóa[401] là bồ-đề, vì không thủ xả. Không loạn là bồ-đề, vì thường tịch tĩnh. Thiện tịch[402] là bồ-đề vì tự tính thuần tịnh. Vô thủ là bồ-đề không thể vin nắm.[403] Vô dị[404] là bồ đề, vì bình đẳng các pháp vốn bình đẳng.[405] Không so sánh[406] là bồ-đề, vì không thể thí dụ. Vi diệu là bồ-đề, vì các pháp khó biết.’[407]

“Bạch Thế tôn, Duy-ma-cật giảng xong pháp này, hai trăm thiên tử chứng vô sinh pháp nhẫn. Vì vậy con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông”.

2. Phật nói với Quang Nghiêm Đồng tử:[408]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật”.

Quang-nghiêm đáp:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng đến thăm ông. Vì, nhớ lại, có lần con đang trong thành Tỳ-da-ly đi ra, gặp Duy-ma-cật vừa ở ngoài đi vào. Con cúi chào[409] ông và hỏi: ‘Quý cư sỹ đi đâu về?’ Ông đáp: ‘Từ đạo tràng[410] về.’ Con mới hỏi ông: ‘Đạo tràng này ở đâu?’ Ông đáp: ‘Tâm chính trực[411] là đạo tràng, vì không giả dối. Phát hành[412] là đạo tràng, vì có khả năng hoàn tất mọi sự. Thâm tâm[413] là đạo tràng, vì tăng ích công đức.[414] Tâm bồ-đề là đạo tràng, vì không thể sai lầm.[415]

“Bố thí[416] là đạo tràng, vì không cầu đáp trả.[417] Trì giới là đạo tràng, vì giúp hoàn thành tâm nguyện. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì tâm vô ngại[418] đối với hết thảy chúng sinh. Tinh tấn là đạo tràng, vì lìa xa biếng nhác. Thiền định là đạo tràng, vì là tâm điều thuận nhu hòa.[419] Trí tuệ là đạo tràng, vì trực kiến các pháp.

“Từ là đạo tràng, vì đối xử bình đẳng với tất cả chúng sinh. Bi là đạo tràng, vì nhẫn nại các khổ nhọc. Hỷ là đạo tràng, vì là pháp an vui khoái lạc. Xả là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu hay ghét.

“Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu sáu thần thông. Giải thoát là đạo tràng, vì hay dứt bỏ.[420] Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sinh. Bốn nhiếp pháp là đạo tràng, vì nhiếp chúng sinh. Đa văn là đạo tràng, vì y như điều đã nghe mà thực hành. Tâm được chế ngự là đạo tràng, vì chính quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm là đạo tràng, vì xả bỏ các pháp hữu vi. Chân đế[421] là đạo tràng, vì không dối gạt thế gian. Duyên khởi[422] là đạo tràng, vì từ vô minh cho đến già-chết, thảy đều không bị diệt tận.[423] Phiền não là đạo tràng,[424] vì biết như thật.[425] Chúng sinh là đạo tràng, vì biết vô ngã.[426] Tất cả pháp là đạo tràng, vì biết các pháp vốn không. Hàng phục chúng ma là đạo tràng, vì không khuynh động. Ba cõi[427] là đạo tràng, vì không định hướng phải đến.[428] Tiếng sư tử hống là đạo tràng, vì là không có gì để sợ. Lực, bốn vô sở úy, bất cộng[429] là đạo tràng, vì không khuyết điểm. Ba minh là đạo tràng, vì vô ngại.[430] Một niệm[431] biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành nhất thiết trí.

“Như vậy, này Thiện nam tử, Bồ-tát thích ứng theo các Ba-la-mật mà giáo hóa chúng sinh, thì mọi hành vi, cho đến từng bước chân đi, nên biết, đều từ đạo tràng mà đến;[432] an trú trong Pháp Phật vậy.’

“Duy-ma-cật giảng Pháp như vậy, bạch Thế tôn, năm trăm trời và người đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng. Vì thế con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông”.

3. Phật bảo Bồ-tát Trì Thế:[433]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

Trì Thế đáp:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng để thăm bệnh ông. Con nhớ, có lần đang ở trong tĩnh thất,[434] khi ấy Ma Ba-tuần[435] hình trạng như Đế Thích xuất hiện cùng với mười hai ngàn thiên nữ theo sau đàn hát, đi đến chỗ con. Sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân con, họ chắp tay đứng sang một bên. Con tưởng đó là Đế Thích nên nói: ‘Xin chào Kiều-thi-ca.[436] Dù ông đã thành tựu nhiều phước báo, nhưng không nên phóng túng. Ông nên quán ngũ dục là vô thường để tìm cầu gốc rễ thiện. Hãy tìm cầu pháp chắc thật cho thân thể, sinh mạng và tài sản này.’ Ma liền nói: ‘Thưa Đại Chính sỹ, xin ngài nhận lấy mười hai ngàn thiên nữ này để hầu hạ ngài, lo việc quét dọn.’ Con bảo: ‘Này Kiều-thi-ca, chớ đem cho Sa-môn họ Thích món quà phi pháp như vậy. Nó không thích hợp với tôi.’

“Con chưa dứt lời thì Duy-ma-cật chợt đến và nói: ‘Nó đâu phải là Đế Thích. Nó là Ma đến quấy nhiễu ngài đấy.’ Rồi ông quay sang bảo Ma: ‘Hãy cho ta các cô gái này. Như ta thì có thể nhận.’ Ma kinh sợ, nghĩ rằng, ‘Duy-ma-cật có thể gây hại ta chăng?’ Nó bèn muốn ẩn hình nhưng không được. Nó vận dụng hết thần lực cũng không thể bỏ đi được. Chợt trên không có tiếng vọng xuống: ‘Này Ba-tuần, hãy cho ông ấy các thiên nữ thì mới có thể đi được.’ Sợ quá, Ma đành dâng hết các thiên nữ cho Duy-ma-cật. Ông mới nói với các người nữ: ‘Ma đã đem các cô cho ta. Bây giờ các cô hãy phát tâm cầu vô thượng chính đẳng bồ-đề.’

“Đoạn ông tùy chỗ thích hợp giảng pháp cho họ nghe, giúp họ phát đạo ý.[437] Ông bảo: ‘Các cô đã phát đạo ý,[438] có thể tìm thấy niềm vui nơi pháp[439] thay vì nơi ngũ dục thế gian.’

“Các Thiên nữ liền hỏi ông: ‘Vui nơi pháp là thế nào?’

“Ông đáp: ‘Là vui thường tin Phật; vui muốn được nghe Pháp; vui cúng dường Tăng; và vui dứt bỏ năm dục;[440] vui quán sát năm uẩn là kẻ thù, vui quán sát bốn đại[441] như rắn độc, vui quán sát các nội xứ như xóm hoang; vui tùy thuận hộ trì đạo ý[442]; vui thấy mình lợi ích cho chúng sinh; vui kính dưỡng Thầy; vui rộng rãi thực hành bố thí;[443] vui kiên trì tịnh giới;[444] vui nhẫn nhục khoan hòa; vui siêng tu thiện căn; vui thiền định không loạn tưởng; vui có tuệ sáng suốt sạch không cáu bẩn;[445] vui trải rộng tâm bồ-đề; vui vượt thắng tà ma; vui nhổ gốc phiền não; vui làm thanh tịnh cõi đất Phật; vui tu tập các công đức để thành tựu thân tướng tốt đẹp; vui làm đẹp đạo tràng; vui nghe Pháp thậm thâm mà không sợ hãi; vui trong ba cửa giải thoát;[446] không vui với phi thời tiết; vui gần gũi đồng học,[447] vui tâm không hận thù ác hại giữa những người phi đồng học; vui ngăn ngừa[448] bằng hữu tri thức xấu; vui khi ở gần thiện tri thức;[449] vui vì tâm hoan hỷ thanh tịnh;[450] vui thực hành vô lượng pháp đạo phẩm. Đó là những niềm vui nơi Pháp của Bồ-tát.’

“Nghe vậy, Ma bảo các thiên nữ: ‘Ta muốn các ngươi cùng ta trở về Thiên cung.’

“Các thiên nữ nói: ‘Ông đã đem chúng tôi cho cư sỹ. Chúng tôi thấy vui nơi Chính Pháp, chẳng còn ham muốn thú vui nơi năm dục.’

“Ma nói với Duy-ma-cật: ‘Cư sỹ hãy buông thả những thiên nữ này. Vì Bồ-tát là người sẵn lòng ban cho tất cả những gì mình có.’

“Duy-ma-cật nói: ‘Ta đã buông bỏ rồi. Ngươi có thể mang họ đi để hết thảy chúng sinh có thể thành tựu ước nguyện như pháp.’

“Các thiên nữ quay hỏi Duy-ma-cật: ‘Ở Ma cung chúng tôi phải sống như thế nào?’

“Duy-ma-cật đáp: ‘Này các cô, có Pháp môn được gọi là Ngọn đèn vô tận;[451] các cô nên học. Ví như, một ngọn đèn có thể được dùng để mồi sáng hàng trăm ngàn ngọn đèn khác, do đó bóng tối sẽ được soi sáng và ánh sáng này sẽ không bao giờ tắt. Cũng vậy, các cô, một Bồ-tát dẫn đường hàng trăm ngàn chúng sinh khiến cho họ phát tâm cầu giác ngộ tối thượng; mà Đạo ý của Bồ-tát không hề tắt ngúm.Cứ mỗi lần thuyết pháp là mỗi lần tăng thêm tất cả pháp thiện cho mình. Cho nên gọi là Vô tận đăng. Dù các cô có ở nơi cung điện của Ma, các cô hãy nên dùng Pháp Vô tận đăng này để dẫn dắt vô lượng con trai, con gái của Trời khiến phát tâm cầu giác ngộ, vừa để báo Phật ân vừa làm lợi chúng sinh.’

“Khi ấy các thiên nữ cúi đầu lễ dưới chân Duy-ma-cật rồi theo Ma về cung điện. Trong phút chốc họ biến mất cả. Bạch Thế tôn, Duy-ma-cật thần thông siêu việt, biện tài và trí tuệ như vậy, con không đủ khả năng viếng thăm người”.

4. Phật bảo một người con trai của trưởng giả tên Thiện Đức:[452]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

Thiện Đức đáp:
“Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng đi thăm bệnh ông ấy. Vì nhớ lại có lần con tổ chức một đại hội bố thí[453] tại nhà thân phụ để cúng dường hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn, các ngoại đạo, các người bần cùng, hạ tiện, cho đến cả ăn mày. Đại hội kéo dài đến bảy ngày, và khi kết thúc Duy-ma-cật đã đến nói với con: ‘Ồ, con trai nhà trưởng giả! Đại hội bố thí không phải như ông đã tổ chức. Nó phải là đại hội bố thí pháp.[454] Đại hội bố thí vật chất[455] như vậy có ích gì.’

“Con hỏi: ‘Thưa Cư sỹ, thế nào là Hội Pháp thí?’

“Ông đáp: ‘Pháp thí không có trước cũng không có sau.[456] Trong một lúc mà cúng dường hết thảy chúng sinh. Đó là Đại hội Pháp thí.’

“‘Nghĩa là sao?’ – Con hỏi.

“Ông mới đáp: ‘Nghĩa là, bằng bồ-đề mà phát khởi từ tâm;[457] bằng sự cứu độ chúng sinh mà khởi bi tâm;[458] bằng sự duy trì Chính pháp mà khởi hỷ tâm;[459] bằng sự nhiếp thủ trí tuệ[460] mà hành xả tâm.

“Bằng sự vượt thắng lòng tham lam bủn xỉn[461] mà khởi bố thí ba-la-mật; bằng sự giáo hóa người phạm giới mà tu giới ba-la-mật; bằng vô ngã mà khởi nhẫn nhục ba-la-mật; bằng sự lìa tướng thân tâm mà khởi tinh tấn ba-la-mật;[462] bằng bồ-đề tướng[463] mà khởi thiền ba-la-mật;[464] bằng nhất thiết trí[465] mà khởi bát-nhã ba-la-mật.

“Bằng sự giáo hóa chúng sinh mà khởi Không; bằng sự không xả hữu vi[466] mà phát khởi Vô tướng; bằng sự thị hiện thọ sinh[467] mà khởi Vô tác.[468]

“Bằng sự hộ trì chính Pháp mà khởi phương tiện lực; vì để cứu độ chúng sinh mà khởi bốn nhiếp pháp;[469] bằng sự kính thờ tất cả[470] mà quyết tâm quét sạch kiêu mạn; ở nơi thân, mạng, tài sản mà khởi ba pháp chắc thật;[471] ở trong sáu niệm[472] mà khởi pháp tư niệm; ở nơi sáu điểm hòa kính mà khởi tâm chất trực;[473] vì chân chính tu hành pháp thiện mà khởi tịnh mạng;[474] vì sự hoan hỷ thanh tịnh của tâm[475] mà khởi lên sự gần gũi Hiền Thánh trí; bằng sự không ghét bỏ người xấu mà khởi lên sự chế ngự tâm;[476] vì pháp xuất gia mà khởi thâm tâm;[477] bằng như thuyết mà hành[478] mà khởi đa văn; vì pháp vô tránh[479] mà phát khởi đời sống nhàn tĩnh;[480] bằng thú hướng Phật đạo mà phát khởi đời sống độc cư;[481] vì để cởi trói chúng sinh mà phát khởi các giai đoạn tu hành;[482] vì để được các hình tướng tốt đẹp và làm thanh tịnh đất Phật mà phát khởi nghiệp phước đức;[483] vì để biết tâm niệm hết thảy chúng sinh để tùy nghi nói Pháp mà phát khởi nghiệp của trí;[484] vì để hiểu rõ các pháp vốn không thủ cũng không xả, thâm nhập cánh cửa nhất tướng,[485] mà phát khởi nghiệp của tuệ;[486] vì để tận diệt mọi phiền não, mọi chướng ngại và bất thiện pháp, mà phát khởi tất thảy thiện nghiệp; vì để chứng nghiệm tất cả trí tuệ và tất cả thiện pháp mà phát khởi các pháp trợ Phật đạo.[487]

“Hết thảy những điều trên, này Thiện nam tử, là Đại hội Pháp thí. Nếu Bồ-tát an trú nơi Đại hội Pháp thí, thì đó là Đại thí chủ, và cũng là ruộng phước cho hết thảy thế gian.’

“Bạch Thế tôn, khi Duy-ma-cật giảng Pháp này xong, trong chúng Bà-la-môn có hai trăm người lắng nghe đã phát tâm tầm cầu giác ngộ tối thượng. Bản thân con lúc đó cảm thấy tâm lắng đọng, thanh tịnh, tán thán là chưa từng có. Con bèn làm lễ bái tạ dưới chân ông và cởi ra vòng trân châu vô giá dâng tặng ông. Nhưng ông không nhận. Con nói: ‘Thưa Cư sỹ, xin ngài nhận lấy tặng phẩm này rồi muốn sử dụng sao tùy ý.’ Ông lấy vòng trân châu, chia ra hai phần, cho người ăn xin tồi tàn nhất một phần trong hội này; phần kia cho đức Nan Thắng Như Lai.[488] Hết thảy chúng hội hiện diện đều có thể nhìn thấy Nan Thắng Như Lai trong quốc độ Quang minh.[489] Lúc ấy họ cũng thấy phía trên đức Phật kia nửa vòng trân châu ấy biến thành đài báu trang nghiêm trên bốn cột trụ, bốn mặt đều được trang nghiêm, rõ ràng không che khuất nhau.

“Sau thị hiện biến hóa thần kỳ này, Duy-ma-cật nói: ‘Ai bố thí cho người hành khất nghèo hèn nhất với tâm bình đẳng, là hành động không khác với phước báo của Như Lai, vì nó xuất phát từ lòng đại bi không mong đáp trả. Đó chính là viên mãn Pháp thí vậy.’

“Sau khi chứng kiến thần lực và nghe giảng pháp của Duy-ma-cật, người hành khất thấp hèn nhất trong thành cũng đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng. Cho nên con không đủ khả năng đi thăm bệnh Duy-ma-cật. ”

Các Bồ-tát từng mỗi vị trình bày những lần gặp Duy-ma-cật như vậy, đều nói không có khả năng đi thăm bệnh ông.*

CHƯƠNG NĂM

VĂN-THÙ-SƯ-LỢI THĂM BỆNH[490]

1. Lúc ấy, Phật nói với Văn-thù-sư-lợi:[491]
“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật”.

Văn-thù đáp:
“Bạch Thế tôn, với bậc Thượng nhân ấy, không dễ đối đáp. Vì ông đã thâm nhập thật tướng, thuyết giảng tài tình các yếu nghĩa của Phật Pháp. Tài biện thuyết của ông thông suốt, trí tuệ của ông vô ngại. Ông biết rõ tất cả pháp thức của Bồ-tát; đã bước vào kho tàng huyền nhiệm của chư Phật; hàng phục mọi thứ Ma bằng du hý thần thông;[492] trí tuệ và phương tiện đều sở đắc vẹn toàn.[493] Tuy vậy con sẽ vâng Thánh chỉ đến thăm bệnh ông”.

Bấy giờ, trong chúng, các vị Bồ-tát, các đại đệ tử của Phật; Đế Thích, Phạm thiên, cùng bốn vị Thiên vương, thảy đều tự nghĩ: “Nay hai vị Đại sỹ Văn-thù và Duy-ma-cật gặp nhau, ắt sẽ nói pháp vi diệu”. Cho nên tám ngàn Bồ-tát, năm trăm Thanh văn, hàng trăm ngàn trời, người đều muốn đi theo Văn-thù-sư-lợi.

Rồi thì, Văn-thù-sư-lợi cùng với đoàn tùy tùng cung kính vây quanh gồm các Bồ-tát, chúng Đại Đệ tử, và các trời, người, cùng vào thành lớn Tỳ-da-ly.

Lúc bấy giờ, Trưởng giả Duy-ma-cật tâm niệm: “Văn-thù-sư-lợi và đoàn tùy tùng đang đến”. Ông bèn dùng thần lực khiến cho nội thất trống rỗng. Tất cả đồ đạc cho đến gia nhân đều biến mất hết; chỉ đặt mỗi cái giường bệnh để nằm mà thôi.

Văn-thù-sư-lợi đi vào nhà, thấy căn nhà trống không, không có gì cả, chỉ một mình Duy-ma-cật nằm trên giường bệnh.

Duy-ma-cật nói:
“Xin chào[494] ngài Văn-thù-sư-lợi. Ngài bằng tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy[495]“.

Văn-thù-sư-lợi đáp:
“Thật như vậy, Cư sỹ, nếu đã đến thì không còn đến nữa. Nếu đã đi thì không còn đi nữa.[496] Vì sao? Đến, không từ đâu đến. Đi, không đi về đâu.[497] Cái đã có thể bị thấy thì không còn bị thấy nữa. Nhưng hãy gác việc này qua một bên. Cư sỹ, bệnh của ông, có kham nổi không? Việc điều trị thế nào, có thuyên giảm chứ không tăng phải không? Thế tôn ân cần gởi lời hỏi thăm vô lượng.[498] Cư sỹ, bệnh này khởi lên bởi nguyên nhân nào? Bệnh phát sinh đã bao lâu? Dứt nó bằng cách nào?”

Duy-ma-cật đáp:
“Si và hữu ái là nguồn gốc của bệnh tôi.[499] Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết. Vì sao? Bồ-tát, vì chúng sinh mà đi vào sinh tử. Có sinh tử thì có bệnh. Nếu hết thảy chúng sinh được thoát ly bệnh khổ thì Bồ-tát không còn bệnh. Ví như, vị trưởng giả chỉ có đứa con một; khi người con ấy bị bệnh, cha mẹ nó cũng bị bệnh. Nếu nó bình phục thì cha mẹ nó khỏe. Cũng vậy, Bồ-tát yêu thương chúng sinh như cha mẹ yêu con, nên chúng còn bệnh thì Bồ-tát còn bệnh; khi chúng hết bệnh, Bồ-tát lành bệnh. Câu hỏi tiếp theo là, bệnh của Bồ-tát từ đâu phát sinh? Bệnh của Bồ-tát xuất phát từ tâm đại bi”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi: “Sao thất này trống không và chẳng có người hầu?”[500]

Duy-ma-cật đáp: “Hết thảy quốc độ của chư Phật đều không, thưa ngài Văn-thù”.

Lại hỏi: “Quốc độ của chư Phật do cái gì mà không?”[501]

Lại đáp: “Vì Không nên không”.[502]

Lại hỏi: “Đã Không, cần gì Không nữa?”[503]

Lại đáp: “Vì vô phân biệt Không, cho nên Không”.[504]

Lại hỏi: “Không,[505] có thể phân biệt ư?”

Lại đáp: “Mọi phân biệt cũng Không”.[506]

Lại hỏi: “Phải tìm Không ở đâu?”

Lại đáp: “Phải tìm trong sáu mươi hai kiến chấp”.[507]

Lại hỏi: “Sáu mươi hai kiến chấp phải tìm ở đâu?”

Lại đáp: “Nên tìm trong giải thoát của chư Phật”.

Lại hỏi: “Tìm sự giải thoát của chư Phật ở đâu?”

Lại đáp: “Nên tìm trong tâm hành của hết thảy chúng sinh”.

Và ông tiếp: “Ngài có hỏi, sao tôi chẳng có gia nhân. Vâng, bọn Ma và các Ngoại đạo là gia nhân của tôi. Vì sao? Vì bọn Ma ưa sinh tử mà Bồ-tát chẳng xả bỏ sinh tử. Ngoại đạo ham kiến chấp mà Bồ-tát bất động trong mọi kiến chấp”.

Lại hỏi: “Bệnh của cư sỹ thuộc tướng gì?”

Lại đáp: “Bệnh tôi vô hình, không thể thấy”.[508]

Lại hỏi: “Bệnh này hiệp với thân hay hiệp với tâm?”[509]

Lại đáp: “Nó không phải thân hiệp vì nằm ngoài thân. Cũng không phải tâm hiệp vì tâm vốn như huyễn.[510]

Lại hỏi: “Trong bốn đại[511], đất, nước, lửa, gió, bệnh thuộc đại nào?”

Lại đáp: “Bệnh ấy không phải địa đại cũng không lìa địa đại. Thủy, hỏa, phong đại cũng vậy. Nhưng bệnh của chúng sinh phát sinh từ bốn đại. Vì chúng sinh ấy có bệnh, nên tôi bệnh”.

Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi hỏi Duy-ma-cật[512]: “Bồ-tát nên vấn an một Bồ-tát đang thọ bệnh như thế nào?”

Duy-ma-cật nói: “Nói về sự vô thường của thân mà chớ nói ghê tởm và từ bỏ thân. Nên nói về thân khổ đau mà không nói hỷ lạc của Niết-bàn. Nói về vô ngã của thân mà vẫn nói về sự giảng dạy và hướng dẫn chúng sinh[513]. Nói về thân Không tịch[514] mà không nói rốt ráo tịch diệt. Nói về sám hối tội lỗi trong quá khứ nhưng không nói nhập vào quá khứ.[515] Vì đã bệnh nên thương cảm người đang mắc bệnh kia. Biết rằng mình đã chịu đau khổ từ vô số kiếp đời trước; nên hãy làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Nên nghĩ nhớ phước mà mình đã tu; hãy suy niệm về mạng thanh tịnh.[516] Chớ sinh buồn phiền bức rức; hãy thường xuyên phát khởi tinh tấn.[517] Nên hành động như bậc y vương để cứu chữa bệnh người.[518] Bồ-tát nên an ủi một Bồ-tát đang bệnh như vậy để khiến cho hoan hỷ”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi: “Làm sao Bồ-tát đang bệnh chế ngự được tâm mình?”

Duy-ma-cật đáp: “Bồ-tát đang bệnh nên nghĩ rằng: bệnh này đến từ những phiền não và vọng tưởng điên đảo của nhiều đời trước, không có pháp nào là thật, vậy thì ai đang thọ bệnh?[519] Tại sao vậy? Do bốn đại hòa hợp mà giả danh là thân. Bốn đại vô chủ, thân cũng vô ngã. Vả chăng, bệnh khởi đều do bám chấp tự ngã.[520] Vì vậy không nên bám chấp tự ngã này.[521]

“Khi đã tỏ tường nguồn căn của bệnh, Bồ-tát liền loại trừ tưởng về ngã và tưởng về chúng sinh, và tưởng[522] về pháp sẽ hiện khởi.[523] Bồ-tát nên nghĩ như vầy: Thân được hợp thành do bởi nhiều pháp. Khởi, chỉ là sự sinh khởi của pháp. Diệt, chỉ là sự hủy diệt của pháp.[524]Vả lại, các pháp này không nhận biết lẫn nhau. Khi sinh khởi, nó không nói, ‘Ta khởi.’ Khi diệt, nó không nói, ‘Ta diệt.’ Để diệt trừ tưởng về pháp này, Bồ-tát đang bệnh nên nghĩ: ‘Tưởng về pháp này cũng là một thứ đảo điên. Cái gì điên đảo, cái đó là đại hoạn. Ta phải rời xa nó.’[525] Thế nào là rời xa? Rời xa ngã và ngã sở.[526] Rời xa ngã và ngã sở nghĩa là sao? Rời xa pháp hai.[527] Pháp hai nghĩa là sao? Là không nghĩ đến pháp trong thân lẫn pháp ngoài thân,[528] mà hành nơi bình đẳng.[529] Bình đẳng là gì? Đồng đẳng ngã, đồng đẳng Niết-bàn.[530] Tại sao như vậy? Vì ngã và Niết-bàn đều không. Tại sao cả hai đều không? Vì chỉ là danh tự, cho nên là không. Hai pháp này như vậy không có quyết định tính.[531]

“Đạt được tính bình đẳng này rồi thì không còn bệnh nào khác ngoại trừ còn có cái bệnh của không. Cái bệnh của không cũng là không.[532]

“Bồ-tát đang bệnh ấy cảm nghiệm các cảm thọ bằng cái không được cảm nghiệm. Khi chưa viên mãn Phật pháp, thì không thủ chứng sự diệt tận của thọ.[533]

“Biết thân là đối tượng của khổ đau, ông nên nghĩ đến chúng sinh ở những cõi thấp kém hơn mà khởi lòng đại bi, rằng ‘Ta đã được điều trị.[534] Ta cũng sẽ điều trị hết thảy chúng sinh.’ Chỉ trừ bệnh chứ không trừ pháp.[535] Chỉ dẫn chúng cắt đứt gốc rễ bệnh. Gốc rễ của bệnh là gì? Đó là có vin níu.[536] Từ chỗ có vin níu mà phát sinh gốc rễ của bệnh. Vin níu vào cái gì? Đó là ba cõi. Thế nào là cắt đứt[537] sự vin níu? Bằng vô sở đắc. Nếu là vô sở đắc, thì không có sự vin níu. Cái gì là vô sở đắc? Là rời xa hai kiến. Hai kiến là gì? Nội kiến, và ngoại kiến.[538] Đó là vô sở đắc.[539]

“Văn-thù-sư-lợi, đó là cách Bồ-tát đang bệnh chế ngự tâm mình. Vì để cắt đứt cái khổ già, bệnh, chết, là bồ-đề của Bồ-tát. Không làm được điều này thì sự tu trị của ông không có sự sắc bén của tuệ.[540] Cũng như, thắng kẻ địch mới gọi là dũng; cũng vậy, dứt trừ cùng lúc già, bệnh, chết, ấy mới là Bồ-tát.

“Bồ-tát đang bệnh lại nên suy ngẫm: ‘Bệnh ta không thực cũng không tự hữu. Bệnh của hết thảy chúng sinh cũng không thực và không tự hữu.’ Nhưng khi quán như vậy, đối với các chúng sinh mà khởi đại bi từ ái kiến,[541] thì nên xả ly ngay. Vì sao vậy? Vì Bồ-tát đoạn trừ khách trần phiền não[542] mà khởi đại bi. Bi do ái kiến tức là có tâm mệt mỏi, chán chường sinh tử. Xả ly được điều đó mới không có sự mệt mỏi chán chường, để dù tái sinh ở đâu cũng không còn bị ái kiến che lấp. Tái sinh ở đâu, đều không bị trói buộc để có thể giảng pháp và cởi trói cho hết thảy chúng sinh. Như đức Phật đã nói: ‘Không thể có việc tự mình bị trói mà có thể cởi trói cho người. Chỉ khi tự mình không bị trói khi ấy mới có thể cởi trói cho người.’

“Cho nên Bồ-tát chớ tự trói buộc mình. Thế nào là trói buộc? Thế nào là cởi mở?[543] Tham đắm vị ngọt của thiền là trói buộc của Bồ-tát. Bằng phương tiện mà tái sinh,[544] đó là Bồ-tát cởi trói. Lại nữa, không có phương tiện huệ[545] là trói buộc; có phương tiện huệ là cởi trói. Không có huệ phương tiện[546] là trói buộc; có huệ phương tiện là cởi trói.

“Không có phương tiện huệ[547] là trói buộc, nghĩa là thế nào? Đó là với tâm ái kiến mà Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sinh; tự điều phục mình trong pháp Không, Vô tướng và Vô tác.[548] Như vậy gọi không có phương tiện huệ là trói buộc.

“Có phương tiện huệ là cởi trói, là nghĩa thế nào? Đó là không đem tâm ái kiến mà trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sinh; tự điều phục mình trong pháp Không, Vô tướng và Vô tác mà không mệt mỏi chán chường. Đó gọi là có phương tiện huệ là cởi trói.

“Không có tuệ phương tiện là trói buộc, là nghĩa thế nào? Bồ-tát trụ tham dục, sân nhuế, tà kiến, các thứ phiền não, mà vun trồng gốc rễ các công đức. Đó gọi là không có tuệ phương tiện là trói buộc.[549]

“Có Tuệ phương tiện là cởi trói, là nghĩa thế nào? Bồ-tát đã xa lìa trụ tham dục, sân nhuế, tà kiến, các thứ phiền não, mà vun trồng gốc rễ các công đức, rồi hồi hướng đến A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Đó gọi là có Tuệ phương tiện là cởi trói.

“Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát bệnh nên quán các pháp như vậy. Rồi lại quán thêm nữa. Quán thân này[550] vô thường, khổ, không, phi ngã; đó gọi là tuệ. Mà dù thân đang bệnh ông vẫn ở lại cõi sinh tử vì lợi ích của chúng sinh, không thấy mệt mỏi; đó gọi là phương tiện.

“Rồi lại quán thân. Thân không lìa bệnh, bệnh không lìa thân. Ấy là bệnh, ấy cũng là thân; không phải mới, không phải cũ. Đó gọi là tuệ.[551] Giả sử thân mang bệnh, mà không cần dứt trừ nó vĩnh viễn. Đó gọi là phương tiện.

“Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát bệnh nên chế ngự tâm[552] mình như vậy. Không trụ trong đó[553]; cũng không trụ nơi tâm không được chế ngự. Vì sao vậy? Vì trụ ở tâm không được chế ngự, là pháp của người ngu. Nếu trụ nơi tâm đã được chế ngự, đó là pháp của Thanh văn. Vì vậy Bồ-tát chẳng trụ ở tâm được chế ngự hay không được chế ngự. Xa lìa cả hai; đó là hành của Bồ-tát.[554] Khi ở sinh tử vẫn không hành ô uế;[555] trụ nơi Niết-bàn mà không vĩnh viễn diệt độ; đó là hành của Bồ-tát.[556] Không theo hành phàm phu cũng không phải hành Hiền Thánh; đó là hành của Bồ-tát. Hạnh không nhơ cũng không tịnh; đó là hành của Bồ-tát. Dù siêu quá hành của Ma vẫn thị hiện để khuất phục bầy Ma;[557] đó là hành của Bồ-tát.[558] Cầu nhất thiết trí nhưng không cầu phi thời;[559] đó là hành của Bồ-tát.[560] Tuy quán các pháp bất sinh, vẫn không vào chính vị;[561] đó là Bồ-tát hạnh. Dù quán mười hai duyên khởi, vẫn hội nhập mọi tà kiến;[562] đó là hành của Bồ-tát. Dù che chở hết thảy chúng sinh, vẫn không hệ lụy bởi ái; đó là hành của Bồ-tát.[563] Tuy vui với sự viễn ly,[564] mà không y tựa vào sự diệt tận của thân và tâm; đó là hành của Bồ-tát. Dù đi qua ba cõi vẫn không hư hoại pháp tính;[565] đó là hành của Bồ-tát. Dù hành nơi Không, vẫn gieo trồng mọi công đức; đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành Vô tướng vẫn cứu độ chúng sinh; đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành Vô tác vẫn thị hiện thọ thân; đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành vô khởi,[566] vẫn khởi làm các hành thiện; đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành sáu hạnh Ba-la-mật vẫn biến tri tâm và tâm sở pháp của chúng sinh;[567] đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành sáu thần thông mà không đoạn tận các lậu; đó là hành của Bồ-tát. Dù hành bốn vô lượng tâm, vẫn không tham đắm cầu tái sinh cung trời Phạm thiên; đó là hành của Bồ-tát. Dù hành trì thiền định, giải thoát và tam muội, mà không tùy thiền mà tái sinh;[568] đó là hành của Bồ-tát. Dù[569] hành trì bốn niệm xứ, mà không hoàn toàn rốt ráo xa lìa thân, thọ, tâm, pháp;[570] đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành trì bốn chính cần mà không xả thân tâm tinh tấn;[571] đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành trì bốn như ý túc, mà đạt tự tại thần thông;[572] đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành năm căn mà phân biệt căn tính nhạy bén hay trì độn của hết thảy chúng sinh;[573] đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành năm lực mà mong cầu mười lực vô úy của Phật; đó là hành của Bồ-tát. Tuy hành bảy giác phần mà phân biệt trí tuệ của Phật;[574] đó là hành của Bồ-tát. Dù hành tám chính đạo vẫn thích đi trên vô lượng Phật đạo[575]; đó là Bồ-tát hạnh. Dù hành pháp trợ đạo chỉ và quán mà rốt ráo không rơi vào tịch diệt; đó là hành của Bồ-tát. Dù hành các pháp bất sinh bất diệt vẫn trang điểm tự thân bằng các tướng hảo; đó là hành của Bồ-tát. Dù thị hiện oai nghi của Thanh văn hay Phật Duyên giác vẫn không xả pháp của Phật; đó là hành của Bồ-tát. Tuy tùy theo tướng tịnh rốt ráo của hết thảy pháp mà vẫn tùy chỗ thích hợp thị hiện tự thân; đó là hành của Bồ-tát. Dù nhìn thấu hết thảy cõi Phật luôn tĩnh lặng như hư không,[576] vẫn làm hiển hiện các loại cõi Phật thanh tịnh; đó là hành của Bồ-tát. Dù đã đạt quả vị Phật, có thể chuyển Pháp luân, và vào Niết-bàn,[577] vẫn không từ bỏ Bồ-tát đạo;[578] đó là hành của Bồ-tát”.

Duy-ma-cật giảng xong pháp này,[579] hết thảy tám ngàn chư thiên đi theo Văn-thù-sư-lợi đều phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác.

________________________________

CHƯƠNG SÁU

BẤT TƯ NGHỊ[580]

Bấy giờ, khi Xá-lợi-phất thấy trong thất này không có giường ghế gì, bèn nghĩ: “Các Bồ-tát và Đại Đệ tử sẽ ngồi ở đâu?”. Trưởng giả Duy-ma-cật biết được ý nghĩ ấy, bèn hỏi Xá-lợi-phất:
“Thưa Nhân giả, ngài đến đây để cầu pháp, hay vì đi tìm giường ghế?”

Xá-lợi-phất đáp:
“Tôi đến đây vì pháp, chẳng vì giường ghế”.

Duy-ma-cật nói:
“Thưa ngài Xá-lợi-phất, người cầu pháp ngay đến thân mạng còn không tham tiếc, huống hồ giường ghế. Vì rằng, cầu pháp không phải tìm cầu những gì là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không phải tìm cầu những gì là giới, xứ; không phải tìm cầu những gì thuộc dục, sắc, vô sắc.

“Thưa Xá-lợi-phất, người cầu pháp không bám chấp Phật mà cầu, không bám chấp Pháp mà cầu, không bám chấp Tăng mà cầu. Người cầu pháp không phải để thấy khổ mà cầu, không vì đoạn trừ tập mà cầu, không vì chứng diệt mà cầu, không vì tu đạo mà cầu. Vì sao vậy? Vì pháp không có hý luận. Vì nếu nói: ‘Tôi thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo,’ thì chỉ là hý luận, không phải tầm cầu pháp.

“Thưa Xá-lợi-phất, pháp được gọi là tịch diệt.[581] Nếu hành nơi sinh diệt, đó là đi tìm cầu sự sinh diệt chứ không phải tìm cầu pháp.

Pháp được gọi là vô nhiễm. Nếu tham nhiễm pháp, cho đến tham nhiễm Niết-bàn, đó là nhiễm trước chứ không phải tìm pháp. Pháp không hành xứ.[582] Nếu hành nơi pháp, đó là hành xứ chứ không phải là sự cầu pháp.[583] Pháp không thủ xả.[584] Nếu có thủ xả nơi pháp, đó là thủ xả chứ chẳng phải tìm Pháp. Pháp không xứ sở.[585] Nếu dính mắc xứ sở,[586] đó là sự dính mắc xứ sở[587] chứ không phải tìm Pháp. Pháp được gọi là vô tướng. Nếu tùy theo tướng mà nhận thức, đó là đi tìm cầu tướng chớ chẳng phải tìm cầu Pháp. Pháp không thể trụ.[588] Nếu trụ nơi pháp, đó là cầu trụ pháp chớ chẳng phải cầu pháp.[589] Pháp không thể được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận biết.[590] Nếu hành nơi sự thấy, nghe, cảm, biết; đó chỉ là thấy, nghe, cảm, biết chứ chẳng phải tìm cầu pháp. Pháp là vô vi. Nếu hành nơi hữu vi, đó là cầu hữu vi chớ chẳng phải cầu pháp.

“Cho nên, thưa ngài Xá-lợi-phất, cầu pháp là không sở cầu đối với tất cả pháp”.

Khi nói xong lời này, năm trăm chư thiên được con mắt pháp thanh tịnh ở trong các pháp.[591]

Rồi trưởng giả Duy-ma-cật lại hỏi Văn-thù-sư-lợi:
“Nhân giả đã chu du qua vô lượng a-tăng-kỳ quốc độ; ở cõi Phật nào có tòa sư tử được thành tựu với công đức vi diệu tối thượng tuyệt đẹp?”

Văn-thù-sư-lợi đáp:
“Cư sỹ, ở phương đông có cõi Phật cách đây vô lượng nghìn vạn ức a-tăng-kỳ thế giới bằng số cát của ba mươi sáu sông Hằng. Đó là cõi Tu-di tướng.[592] Có Phật Tu-di Đăng Vương[593] hiện ở đó. Đức Phật ấy cao 84.000 do-tuần và bảo tòa sư tử của ngài cũng cao 84.000 do-tuần, được trang sức bậc nhất”.

Lúc ấy, trưởng giả Duy-ma-cật hiển hiện khả năng thần thông, tức thì đức Phật kia khiến 32.000 tòa sư tử cao lớn, oai nghiêm, đến thẳng vào thất của Duy-ma-cật. Chư Bồ-tát, đại đệ tử Phật, các Phạm thiên và bốn vị Thiên vương đều thấy điều chưa từng trông thấy. Thất ấy trở nên rộng rãi, chứa hết 32.000 bảo tòa không khuất lấp cái nào và cũng không làm chật hẹp thêm thành Tỳ-da-ly, cõi Diêm-phù-đề và bốn thiên hạ.

Đoạn Duy-ma-cật nói với Văn-thù-sư-lợi:
“Xin mời chư vị ngồi vào tòa sư tử. Hãy cùng ngồi với các Bồ-tát Thượng nhân. Các vị hãy tự lập thân mình tương xứng với tầm cỡ của tòa”.

Các vị Bồ-tát đã đắc thần thông lực liền tự biến hình cao lớn 4 vạn 2 nghìn do-tuần để ngồi vào tòa sư tử. Nhưng các Bồ-tát sơ tâm và chúng Đại đệ tử không thể trèo lên những bảo tòa cao rộng như vậy được.

Duy-ma-cật mới nói với Xá-lợi-phất:
“Mời tôn giả ngồi lên tòa sư tử”.

Xá-lợi-phất đáp:
“Cư sỹ, tòa này cao rộng, tôi không thể lên được”.

Duy-ma-cật bảo:
“Thưa ngài Xá-lợi-phất, hãy đảnh lễ đức Như Lai Tu-di Đăng Vương thì sẽ ngồi lên được”.

Lúc ấy hết thảy chư Bồ-tát sơ tâm và Đại đệ tử đều cung kính đảnh lễ đức Như Lai Tu-di Đăng Vương và ngồi lên được các tòa sư tử.

Xá-lợi-phất nói với Duy-ma-cật:

“Cư sỹ, thật là chưa từng có. Căn phòng nhỏ như vầy có thể chứa đủ các tòa cao rộng như vậy mà không che lấp thứ gì ở thành Tỳ-da-ly, cũng không làm chật hẹp lại các thị trấn, làng mạc của cõi Diêm-phù-đề, bốn thiên hạ, cũng như các cung điện của chư thiên, long vương và các quỷ thần”.[594]

Duy-ma-cật đáp:
“Vâng, thưa ngài Xá-lợi-phất, chư Phật và Bồ-tát có môn giải thoát được gọi là ‘Bất khả tư nghị.’[595] Bồ-tát trụ nơi giải thoát này có thể đặt ngọn Tu-di to lớn hùng vĩ trong một hạt cải mà không hề thay đổi kích thước của hạt cải. Tướng trạng nguyên thủy của núi chúa Tu-di vẫn như cũ. Bốn vị Thiên vương cùng với chư thiên Đao-lị[596] cũng không biết mình đã được đặt trong một hạt cải. Chỉ những ai cần được độ mới thấy Tu-di lọt vào trong hạt cải.[597] Đó là pháp môn giải thoát Bất khả tư nghị.[598]

“Lại nữa, đem nước trong bốn đại dương đặt vào một lỗ chân lông mà chẳng khuấy động các thủy tộc, tôm, cua, rùa, cá, mà bốn đại dương cũng y nguyên trạng, khiến các rồng, quỷ thần, A-tu-la cũng chẳng biết mình đã được đặt vào đâu. Chúng sinh ở đó cũng không ai thấy mình bị quấy nhiễu.[599]

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ-tát trụ giải thoát Bất khả tư nghị có thể đặt trong lòng bàn tay phải cả thế giới ba nghìn đại thiên, như người thợ gốm cầm cái bàn xoay, và ném nó vượt qua Hằng hà sa số thế giới mà chúng sinh trong đó không hay, không biết mình đang đi đâu; rồi thu về đặt lại chỗ cũ mà không khiến cho bất cứ ai có cảm tưởng đi và về.[600]

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, hoặc có chúng sinh có thể độ được nhưng chúng thích tồn tại lâu dài trong thế gian này,[601] Bồ-tát này có thể dùng thần lực của ngài kéo dài bảy ngày thành một kiếp khiến cho họ thấy đó là một kiếp. Hoặc có chúng sinh đáng được cứu độ nhưng chúng không thích tồn tại lâu dài, Bồ-tát có thể rút ngắn một kiếp thành bảy ngày khiến cho chúng sinh ấy thấy đó chỉ là bảy ngày.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ-tát đã trụ giải thoát Bất khả tư nghị có thể tập họp tất cả mọi sự trang nghiêm trong các cõi Phật vào một quốc độ để mọi chúng sinh có thể nhìn thấy.

“Lại nữa, ngài có thể đặt hết thảy chúng sinh từ mọi cõi Phật trong lòng tay phải, rồi bay lượn[602] khắp mười phương cho mọi nơi đều được thấy mà không hề xao động bản xứ.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ-tát này có thể chỉ trong một lỗ chân lông cho thấy hết thảy phẩm vật của chúng sinh trong mười phương quốc độ cúng dường chư Phật.

“Lại nữa, ngài có thể chỉ trong một lỗ chân lông cho thấy tất cả mặt trời, mặt trăng, tinh tú của hết thảy thế giới khắp mười phương.

“Lại nữa, ngài có thể hít một hơi hết thảy gió[603] của mười phương quốc độ mà bên trong không suy suyễn thân mình, bên ngoài cũng chẳng rung gãy một cành cây.

“Lại nữa, khi mười phương thế giới bị thiêu đốt bởi kiếp tận,[604] Bồ-tát này có thể hít hết lửa vào bụng mình mà không bị tổn hại và lửa vẫn cháy.

“Lại nữa, Bồ-tát này có thể lấy một cõi Phật từ phương dưới cách xa ngài Hằng hà sa số thế giới rồi ném nó lên cao ở phương trên cách xa ngài Hằng hà sa số thế giới nữa dễ dàng như người ta dùng đầu mũi kim nâng một chiếc lá táo mà không làm cho lá táo hư hại.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ-tát đã trụ giải thoát Bất khả tư nghị có thể dùng thần lực hiện thân là Phật, Bích-chi-phật, Thanh-văn, Đế Thích, Phạm-thiên, hay Thế chủ, hoặc hiện thân Chuyển luân Thánh vương.

“Lại nữa, Ngài cũng có thể khiến mọi âm thanh trong mười phương quốc độ, âm cao, trung, thấp, đều biến thành tiếng Phật, giảng pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, và đủ các pháp khác nhau được thuyết bởi chư Phật khắp mười phương; tất cả đều được nghe cùng khắp trong đó.

“Thưa ngài Xá-lợi-phất, tôi chỉ nói vắn tắt năng lực của giải thoát Bất khả tư nghị của Bồ-tát. Nếu kể cho đủ thì trong một kiếp cũng chưa nói hết”.

Lúc bấy giờ, Đại Ca-diếp nghe pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này liền tán thán là chưa từng có, rồi nói với Xá-lợi-phất:

“Giống như có người trình bày các thứ sắc tượng trước mặt người mù, nhưng người mù không thể thấy. Hết thảy Thanh-văn dù được nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghị này, nhưng không thể hiểu vì sao như vậy. Những người có trí nghe pháp này ai mà không phát tâm cầu giác ngộ tối thượng? Chúng ta vì sao để cho vĩnh viễn đoạn tuyệt gốc rễ mà ở trong pháp Đại thừa này thì như hạt giống đã mục. Hết thảy Thanh-văn khi nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghị này phải khóc than, âm thanh chấn động cả thế giới ba nghìn đại thiên. Hết thảy Bồ-tát thì nên hết sức hân hoan, đội lên đầu mà thọ nhận pháp này.[605] Bồ-tát nào tin hiểu trì pháp môn giải thoát Bất khả tư nghị này, hết thảy bọn Ma không thể làm gì được”.

Khi Đại Ca-diếp nói điều này, 32.000 chư thiên phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác.

Bấy giờ Duy-ma-cật nói với Đại Ca-diếp:
“Thưa Nhân giả, những ai hiện thân là Ma vương trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới khắp mười phương phần lớn đều là Bồ-tát đã trụ giải thoát Bất khả tư nghị. Bằng phương tiện lực để nhằm hóa độ chúng sinh nên hiện thân như vậy.

“Lại nữa, Đại Ca-diếp, vô lượng Bồ-tát khắp mười phương khi có người đến xin cho tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, tủy, não, máu, thịt, da, xương, chòm xóm, thành ấp, nàng hầu hay vợ con, nô tỳ, voi, ngựa, xe cộ, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, hổ phách, trân châu, võ sò, quần áo, đồ ăn thức uống; những người đến xin như vậy phần lớn đều là Bồ-tát đã trụ giải thoát Bất khả tư nghị; dùng phương tiện lực để thử khiến cho chí nguyện được kiên cố. Vì Bồ-tát đã trụ giải thoát Bất khả tư nghị có đại uy lực để thúc ép Bồ-tát và cho chúng sinh thấy những việc khó làm như vậy.[606] Phàm căn trí thấp kém thì không có uy lực đó để thúc ép Bồ-tát làm như vậy[607]. Cũng như[608] cái đạp[609] của voi chúa không phải là điều mà con lừa có thể kham.[610] Đó chính là cánh cửa dẫn vào phương tiện của trí tuệ của Bồ-tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị“.[611]*

________________________________

CHƯƠNG BẢY

QUÁN CHÚNG SINH[612]

Văn Thù hỏi Duy-ma-cật:
“Bồ-tát nên quán sát chúng sinh như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:
“Như nhà ảo thuật quán sát ảo vật mình tạo ra;[613] Bồ-tát nên quán sát chúng sinh cũng như vậy. Cũng như bậc trí giả nhìn trăng nơi đáy nước; nhìn mặt mình trong gương; nhìn quáng nắng khi nhiệt bốc;[614] như đồng vọng của tiếng gọi; như mây nổi trong bầu trời;[615] như đống bọt nước;[616] như bong bóng trên mặt nước;[617] như lõi chuối rỗng; như ánh chớp kéo dài;[618] như đại thứ năm;[619] như uẩn thứ sáu;[620] như tình thứ bảy[621] như nhập thứ mười ba;[622] như giới thứ mười chín;[623] Bồ-tát nên quán sát chúng sinh cũng như vậy.

“Cũng như sắc trong vô sắc giới; như mầm của hạt giống hư;[624] như thân kiến[625] của Tu-đà-hoàn;[626] như sự nhập thai của A-na-hàm;[627] như ba độc của La-hán; như tham, sân, phá giới của Bồ-tát đã chứng đắc pháp nhẫn;[628] như tập khí phiền não nơi Phật.[629]

“Như sắc được thấy bởi người mù;[630] như hơi thở ra vào của vị đang nhập diệt tận định;[631] như dấu chân chim trong hư không;[632] như đứa con của người đàn bà vô sinh;[633] như phiền não của người được biến hóa;[634] như những điều thấy trong chiêm bao khi đã thức; như sự thọ thân của vị đã diệt độ;[635] như ngọn lửa không khói;[636] Bồ-tát nên quán sát chúng sinh cũng như vậy”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Bồ-tát quán như thế thì làm thế nào để hành từ tâm?”

Duy-ma-cật đáp:
“Bồ-tát sau khi quán như vậy, lại suy nghĩ, ‘Ta sẽ thuyết pháp như vậy cho chúng sinh.’ Đó chính là lòng từ chân chính. Ngài nên tu hành từ tịch diệt,[637] vì không có gì sinh;[638] hành từ không nóng bức,[639] vì không có phiền não; hành từ bình đẳng,[640] vì bình đẳng với ba thời; hành từ vô tranh, vì không có gì khởi;[641] hành từ bất nhị, vì trong ngoài không kết hợp; hành từ bất hoại, vì rốt ráo diệt tận;[642] hành từ kiên cố, vì tâm không hủy;[643] hành từ thanh tịnh, vì các pháp tính tịnh;[644] hành từ vô biên,[645] vì như hư không; hành từ của A-la-hán, vì diệt giặc kết sử;[646] hành từ của Bồ-tát,[647] vì an ổn chúng sinh;[648] hành từ của Như Lai, vì được như tướng;[649] hành từ của Phật, vì thức tỉnh chúng sinh;[650] hành từ tự nhiên,[651] vì không do nhân mà được;[652] hành từ bồ-đề, vì một vị bình đẳng; hành từ không thể sánh, vì đã đoạn trừ các ái;[653] hành từ của đại bi, vì hướng dẫn bởi Đại thừa; hành từ không mệt mỏi vì quán không, vô ngã;[654] hành từ của pháp thí không còn nuối tiếc;[655] hành từ của trì giới, vì chuyển hóa người phạm giới; hành từ[656] nhẫn nhục, vì hộ vệ mình lẫn người; hành từ của tinh tấn, vì gánh vác chúng sinh; hành từ của thiền định, vì không cảm thọ vị ngọt; hành từ của trí huệ, vì mọi sự đều đúng thời;[657] hành từ của phương tiện, vì thị hiện tất cả; hành từ không ẩn dấu, vì trực tâm thanh tịnh; hành từ của thâm tâm, vì không tạp hành;[658] hành từ không dối trá[659] vì chẳng còn việc hư giả; hành từ an lạc, vì khiến cho đạt được an lạc của Phật.[660]

“Đó là những hạnh từ của Bồ-tát”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Bồ-tát hành bi như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:
“Tất cả công đức mà Bồ-tát làm đều được chia sẻ cho cho hết thảy chúng sinh”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Thế nào là hỷ?”

Duy-ma-cật đáp:
“Hoan hỷ không hối tiếc những lợi ích đã làm”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Thế nào là xả?”

Duy-ma-cật đáp:
“Gia ân mà không mong cầu tri đáp trả”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Kinh sợ sinh tử, Bồ-tát nên nương tựa vào đâu?”

Duy-ma-cật đáp:
“Bồ-tát trong khi sợ hãi sinh tử nương tựa vào sức mạnh của công đức Như Lai”.[661]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Bồ-tát muốn nương nhờ sức mạnh của công đức Như Lai thì cần phải an trụ ở đâu?”

Duy-ma-cật đáp:
“Bồ-tát muốn nương nhờ sức mạnh của công đức Như Lai thì cần phải an trụ nơi chỗ độ thoát hết thảy chúng sinh”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Bồ-tát nên tiêu trừ cái gì để độ thoát chúng sinh?”

Duy-ma-cật đáp:
“Muốn độ thoát chúng sinh phải tiêu trừ phiền não của họ”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Làm sao để tiêu trừ phiền não?”

Duy-ma-cật đáp:
“Nên thực hành chính niệm”.[662]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Làm sao để thực hành chính niệm?”

Duy-ma-cật đáp:
“Hãy hành bất sinh và bất diệt”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Pháp gì bất sinh? Pháp gì bất diệt?”

Duy-ma-cật đáp:
“Bất thiện thì bất sinh; pháp thiện thì bất diệt”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Đâu là nguồn gốc của thiện và bất thiện?”

Duy-ma-cật đáp:
“Thân[663] là nguồn gốc của thiện và bất thiện”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Đâu là nguồn gốc của thân?”

Duy-ma-cật đáp:
“Dục tham[664] là gốc”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Đâu là nguồn gốc của dục tham?”

Duy-ma-cật đáp:
“Hư vọng phân biệt là gốc”.[665]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Đâu là nguồn gốc của hư vọng phân biệt?”

Duy-ma-cật đáp:
“Tưởng đảo điên là gốc”.[666]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Đâu là nguồn gốc của tưởng đảo điên?”

Duy-ma-cật đáp:
“Vô-trụ là gốc”.[667]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Đâu là nguồn gốc của vô-trụ?”

Duy-ma-cật đáp:
“Vô-trụ chẳng có gốc. Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, từ gốc vô-trụ này mà các pháp được kiến lập”.[668]

Bấy giờ trong thất của Duy-ma-cật có một thiên nữ[669] thấy các trời, người đến nghe pháp, liền hiện thân xuống rải hoa trời lên các Bồ-tát và Đại đệ tử.[670] Hoa rắc trên thân các Bồ-tát tức thì rơi xuống đất, nhưng rắc trên thân các Đệ tử thì bám vào. Tất cả các vị Đệ tử dùng thần lực phủi hoa, nhưng hoa không rơi đi.

Thấy vậy, Thiên nữ hỏi Xá-lợi-phất:
“Sao ngài phủi hoa đi?”

Xá-lợi-phất đáp:
“Hoa này không như pháp, nên phải phủi đi”.

Thiên nữ nói:
“Đừng bảo hoa này không như pháp. Vì sao? Vì chúng không có gì phân biệt,[671] mà chính ngài đang khởi tâm phân biệt. Nếu người xuất gia trong Phật pháp mà còn có cái phân biệt, cái đó mới là không như pháp. Nếu không khởi phân biệt nữa, đó là như pháp. Ngài hãy nhìn chư Bồ-tát xem, hoa không bám được vào thân vì các ngài đã đoạn trừ hết thảy tưởng phân biệt. Cũng như người khi đang run sợ thì bị ma quỷ[672] lung lạc. Đệ tử vì sợ sinh tử [673] nên bị sắc, thinh, hương, vị, xúc lung lạc. Người không còn sợ hãi, thì tất cả năm dục không làm gì được. Vì tập khí của kết sử [674] vẫn còn nên hoa bám được thân đó thôi. Nếu tập khí của kết sử trừ sạch, hoa không bám được”.

Xá-lợi-phất hỏi:
“Cô ở nhà này bao lâu rồi?”

Thiên nữ đáp:
“Tôi ở đây cũng lâu như sự giải thoát của Kỳ niên”.[675]

Xá-lợi-phất hỏi:
“Ở đây lâu chừng ấy sao?”

Thiên nữ hỏi lại:
“Giải thoát của Kỳ niên thì lâu bằng chừng nào?”

Xá-lợi-phất lặng im không đáp. Thiên nữ lại hỏi:
“Sao bậc Đại trí kỳ cựu[676] im lặng?”

Xá-lợi-phất nói:
“Sự giải thoát không thể diễn giải bằng lời, vì vậy tôi không biết nói gì”.

Thiên nữ nói:
“Ngôn thuyết và văn tự đều là tướng của giải thoát.[677] Vì sao? Vì giải thoát không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa; văn tự cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa. Vì vậy, thưa ngài Xá-lợi-phất, không có việc lìa văn tự mà diễn thuyết giải thoát. Tại sao? Tất cả pháp đều là tướng của giải thoát”.[678]

Xá-lợi-phất hỏi:
“Vậy cô há không muốn nói rằng dâm, nộ, si cũng là giải thoát?”[679]

Thiên nữ đáp:

“Phật vì người tăng thượng mạn [680] mà nói rằng xa lìa dâm, nộ, si là giải thoát đó thôi. Với người không còn tăng thượng mạn, Phật nói tự tính của dâm, nộ, si tức thị là giải thoát”.[681]

Xá-lợi-phất ca ngợi:
“Lành thay, lành thay, Thiên nữ! Cô đã sở đắc gì, chứng nghiệm cái gì mà biện tài xuất chúng như vậy?”

Thiên nữ đáp:
“Tôi không sở đắc gì cũng không chứng nghiệm gì mà được biện tài như vậy. Vì sao? Nếu có sở đắc, sở chứng, thì trong Phật pháp[682] đó là tăng thượng mạn“.

Xá-lợi-phất hỏi:
“Trong ba thừa, cô chí hướng thừa nào?”

Thiên nữ đáp: ‘

“Khi cần giảng pháp Thanh-văn để chuyển hóa chúng sinh, tôi là Thanh-văn. Khi cần giảng pháp nhân duyên để chuyển hóa chúng sinh, tôi là Bích-chi-phật. Khi cần pháp đại bi để chuyển hóa chúng sinh, tôi là Đại thừa. Thưa Xá-lợi-phất, như người bước vào rừng hoa chiêm-bặc chỉ ngửi thấy mùi hương chiêm-bặc[683] thơm át hẳn các mùi khác; cũng vậy, người bước vào nhà này chỉ ngửi thấy mùi hương công đức Phật và chẳng còn thiết mùi hương Thanh-văn hay Bích-chi-phật. Thưa Xá-lợi-phất, khi mà Đế Thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương, các trời, rồng, quỷ thần vào nhà này và được nghe vị Thượng nhân này giảng thuyết Chính Pháp, hết thảy đều hâm mộ mùi hương công đức Phật mà phát tâm Đại thừa trước khi ra khỏi nhà này. Thưa Xá-lợi-phất, tôi ở đây mười hai năm,[684] chưa từng nghe pháp của Thanh văn hay Bích-chi-phật, mà chỉ nghe pháp của chư Phật bất khả tư nghị, đại từ, đại bi.

“Thưa Xá-lợi-phất, nhà này luôn hiện tám pháp chưa từng có, rất khó gặp. Những gì là tám?

“Thứ nhất, nhà này được rọi sáng bằng ánh kim quang suốt cả ngày đêm không khác nhau; chẳng cần đến mặt trời hay mặt trăng mới sáng.

“Thứ hai, những ai bước vào nhà này không bị bức rức bởi những cáu bẩn.[685]

“Thứ ba, nhà này thường có Đế Thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương và các Bồ-tát ở phương khác đến đây hội họp không dứt.

“Thứ tư, sáu Ba-la-mật và các pháp bất thối chuyển luôn được giảng dạy trong nhà này.

“Thứ năm, trong nhà này thường được nghe nhạc trời huyền diệu tấu diễn vô lượng âm thanh của sự giáo hóa bằng chính pháp.

“Thứ sáu, nhà này chứa bốn kho tàng tích trữ đầy tràn nhiều bảo vật chu cấp cho người cùng khổ mà không hề kiệt tận.

“Thứ bảy, khi vị Thượng nhân nhà này nghĩ tưởng đến Phật Thích-ca, Phật A-di-đà, Phật A-súc, Bảo-đức, Bảo-viêm, Bảo-nguyệt, Bảo-nghiêm, Nan-thắng, Sư tử hống, Nhất-thiết-lợi-thành,[686] cùng vô lượng chư Phật khắp mười phương thế giới, thì các Ngài liền đến giảng thuyết rộng rãi pháp tạng bí yếu của chư Phật. Thuyết xong rồi mới trở về.

“Thứ tám, hết thảy mọi thiên cung trang nghiêm và cõi Phật thanh tịnh đều ánh hiện trong nhà này.

“Thưa ngài Xá-lợi-phất, nhà này thường hiện tám pháp chưa từng có, rất khó gặp này. Khi đã chứng kiến tám sự kiện bất khả tư nghị như vậy, ai còn vui thích nơi pháp Thanh-văn nữa sao?”

Xá-lợi-phất hỏi:
“Sao cô không chuyển đổi thân nữ này đi?”

Thiên nữ đáp:
“Mười hai năm nay tôi tìm kiếm tướng người nữ,[687] mà không thể tìm thấy được. Vậy tôi phải chuyển cái gì đổi cái gì? Cũng như nhà ảo thuật làm trò tạo nên một thân nữ huyễn. Nếu có người hỏi, ‘Sao không chuyển đổi thân nữ?’ Người này hỏi có chính xác không?”

Xá-lợi-phất đáp:
“Không chính xác. Sự huyễn không có tướng cố định, làm sao chuyển?”

Thiên nữ nói:
“Hết thảy các pháp cũng đều như thế, không có tướng cố định,[688] sao ngài hỏi tôi không chuyển đổi nữ thân?”

Nói đoạn, thiên nữ dùng thần lực biến Xá-lợi-phất thành như Thiên nữ và nàng tự hóa thân thành như Xá-lợi-phất, rồi hỏi:
“Sao ngài không chuyển đổi thân nữ đó đi?”

Xá-lợi-phất, trong hình tượng Thiên nữ, đáp:
“Tôi ở đây không biết do chuyển cái gì mà thành thân nữ”.

Thiên nữ đáp:
“Thưa Xá-lợi-phất, nếu ngài có thể chuyển đổi thân nữ đó, thì hết thảy người nữ cũng có thể chuyển. Cũng như Xá-lợi-phất chẳng phải nữ mà hiện thân nữ. Tất cả người nữ cũng vậy, dù họ hiện thân nữ nhưng không phải nữ. Cho nên Phật dạy: ‘Hết thảy pháp đều phi nam phi nữ.’”

Nói xong, Thiên nữ rút lại dùng phép thần thông khiến Xá-lợi-phất trở lại tướng ban đầu, và hỏi:
“Sắc tướng thân nữ nay đâu rồi?”

Xá-lợi-phất đáp: “Sắc tướng thân nữ không tại đó, cũng không không tại đó”.[689]

Thiên nữ mới nói:
“Cũng vậy, hết thảy pháp không ở tại đó, nhưng không hề không ở tại đó. Và này, không tại đó, cũng không không tại đó, đó là Phật thuyết vậy”.

Xá-lợi-phất hỏi:
“Chết ở đây, cô sẽ sinh về đâu?”

Thiên nữ đáp:
“Hóa thân bởi Phật[690] sinh như thế nào, tôi cũng sẽ sinh như vậy”.

Xá-lợi-phất nói:
“Hóa thân bởi Phật không chết, không sinh”.

Thiên nữ đáp:
“Chúng sinh cũng vậy, không chết, cũng không sinh”.

Xá-lợi-phất hỏi:
“Chừng bao lâu cô sẽ chứng đắc giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác?”

Thiên nữ đáp:
“Chừng nào Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu,[691] khi ấy tôi sẽ chứng đắc giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác“.

Xá-lợi-phất nói:
“Tôi trở thành phàm phu; không có trường hợp đó”.

Thiên nữ nói:
“Cũng không có chuyện tôi chứng đắc giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác. Vì sao? Vì bồ-đề không có trú xứ, nên không có người chứng đắc”.

Xá-lợi-phất nói:
“Có vô lượng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng nay đang chứng đắc vô thượng chính đẳng chính giác; đã chứng đắc, sẽ chứng đắc; thế là nghĩa thế nào?”

Thiên nữ đáp:
“Do văn tự thế tục mà nói có ba đời, chứ không phải bồ-đề có quá khứ, hiện tại, hay vị lai”.

Thiên nữ lại nói:
“Thưa Xá-lợi-phất, ngài có chứng A-la-hán đạo chăng?”[692]

Xá-lợi-phất đáp:
“Không có gì chứng đắc nên chứng đắc”.

Thiên nữ nói:
“Cũng vậy, chư Phật và đại Bồ-tát do không có gì chứng đắc nên chứng đắc”.

Bấy giờ, Duy-ma-cật nói với Xá-lợi-phất:
“Thiên nữ này đã cúng dường chín mươi hai ức Phật.[693] Nàng có thể du hý với thần thông lực của Bồ-tát, đã hoàn thành mọi ước nguyện, đã chứng vô sinh pháp nhẫn và đắc pháp Bồ-tát bất thối chuyển. Do bản nguyện mà nàng tùy thời hiển hiện để giáo hóa chúng sinh”.

________________________________ 

CHƯƠNG TÁM

PHẬT ĐẠO[694]

Văn Thù hỏi Duy-ma-cật:
“Bồ-tát làm sao để thông đạt Phật đạo?”

Duy-ma-cật nói:
“Bồ-tát đi trên phi đạo[695] là thông đạt Phật đạo”.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:
“Bồ-tát đi trên phi đạo là thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:
“Bồ-tát hành năm vô gián mà không thù không hại;[696] đi đến địa ngục mà không có cáu bẩn nào của tội lỗi; đi đến súc sinh mà không có các lỗi lầm của vô minh, kiêu, mạn;[697] đi đến ngạ quỷ[698] mà vẫn đầy đủ công đức; đi lên các cõi Sắc và vô Sắc giới[699] mà không cho là hơn hết;[700] thị hiện hành tham dục mà không nhiễm trước; thị hiện hành sân hận, thù nghịch, mà không có thù hận ác ý đối với các chúng sinh; thị hiện hành ngu si mà dùng trí tuệ để chế ngự tâm mình; thị hiện hành xan tham bủn xỉn mà không tiếc cái gì sở hữu trong ngoài, thân mạng; thị hiện hành phá giới mà an trụ trong tịnh giới, cho đến dù đối với tội nhỏ vẫn ôm lòng kinh sợ; thị hiện hành sân nhuế mà thường hành từ, nhẫn nhịn; thị hiện hành biếng nhác mà lại siêng năng tu tập công đức; thị hiện hành loạn ý mà thường chính niệm, tâm định; thị hiện hành ngu si[701] mà thấu triệt tuệ thế gian và xuất thế gian; thị hiện hành siểm ngụy mà khéo phương tiện tùy theo nghĩa kinh;[702] thị hiện hành kiêu mạn[703] mà đối với chúng sinh thì như một chiếc cầu;[704] thị hiện hành các phiền não mà tâm thường thanh tịnh; thị hiện nhập bọn với Ma nhưng thuận với trí tuệ của Phật chứ không theo giáo thuyết khác;[705] thị hiện nhập vào hàng Thanh văn, nhưng thường nói pháp chưa từng nghe cho chúng sinh; thị hiện trong hàng Bích-chi-phật mà thành tựu đại bi giáo hóa chúng sinh; thị hiện hòa nhập trong giới cùng khổ nhưng có bàn tay châu báu với công đức vô tận;[706] thị hiện làm người khuyết tật mà thân tự trang nghiêm các tướng tốt đẹp; thị hiện ở giữa giai cấp hạ tiện mà sinh vào chủng tính Phật, đủ các công đức; thị hiện ở giữa người gầy xấu ốm yếu mà được thân Na-la-diên,[707] hết thảy chúng sinh đều ưa nhìn ngắm; thị hiện người già yếu mà hoàn toàn cắt đứt gốc rễ của bệnh, vượt qua nỗi sợ hãi sự chết; thị hiện có mọi tiện nghi của cuộc sống[708] vẫn luôn thấy rõ tính vô thường, không tham cầu gì; thị hiện có thê thiếp và nàng hầu mà vẫn thường xa rời vũng lầy ngũ dục; thị hiện người đần độn, nói lắp, nhưng lại thành tựu biện tài bằng lực tổng trì không hề quên lãng;[709] thị hiện đi vào bến tà[710] nhưng vẫn đưa chúng sinh đi qua bằng bến chính; hiện vào khắp các đạo mà đoạn trừ nhân duyên của chúng; hiện ở Niết-bàn vẫn không dứt lìa sinh tử.[711]

“Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát đi trên phi đạo như vậy là Bồ-tát thông đạt Phật đạo”.

Đoạn Duy-ma-cật lại hỏi Văn-thù-sư-lợi:
“Thế nào là chủng tính của Như Lai?”[712]

Văn-thù-sư-lợi đáp:
“Hữu thân[713] là chủng tính; vô minh và hữu ái là chủng tính; tham, sân, si là chủng tính; bốn điên đảo là chủng tính; năm chướng cái[714] là chủng tính; sáu nhập[715] là chủng tính; bảy thức xứ[716] là chủng tính; tám tà pháp[717] là chủng tính; chín não xứ[718] là chủng tính; mười bất thiện nghiệp đạo là chủng tính. Nói tóm, sáu mươi hai kiến và hết thảy phiền não đều là chủng tính Phật”.

Duy-ma-cật hỏi Văn-thù-sư-lợi:
“Sao lại như vậy?”

Văn-thù-sư-lợi đáp:
“Vì người thấy pháp vô vi[719] rồi vào chính vị[720] thì không còn phát tâm cầu vô thượng chính đẳng chính giác. Cũng như trên gò đất cao thì làm sao nảy nở hoa sen; chỉ nơi chỗ đầm lầy mới mọc hoa này. Cũng vậy, người thấy pháp vô vi rồi vào chính vị thì cuối cùng không còn sinh nơi Phật Pháp. Chỉ có chúng sinh ở chốn bùn lầy phiền não mới có thể phát khởi Phật pháp. Cũng như hạt giống đem bỏ giữa hư không không bao giờ có thể nảy mầm; đem vùi trong đất phân mới có thể tươi tốt. Do đó, người vào chính vị vô vi[721] không phát sinh Pháp Phật; trong khi người khởi lên ngã kiến[722] lớn như núi Tu-di còn có thể phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác mà phát huy Pháp Phật.

“Cho nên, nên biết hết thảy phiền não đều là chủng tính của Như Lai. Cũng như người không lặn xuống biển sâu thì không tìm được ngọc trai vô giá; cũng vậy người không lặn xuống biển phiền não sẽ không tìm được ngọc Nhất thiết trí“.

Lúc ấy Ma-ha Ca-diếp tán thán:
“Lành thay, Văn-thù-sư-lợi, lành thay, lời ông nói thật tuyệt. Đúng như những điều được nói, những đám trần lao đều là chủng tính Như Lai. Chúng tôi nay thật chẳng thể phát tâm cầu vô thượng chính đẳng chính giác.[723] Cho đến người phạm năm tội vô gián cũng còn có thể phát ý sinh nơi Phật pháp nhưng chúng tôi thì vĩnh viễn không thể phát. Cũng như người mà căn đã hư hoại thì chẳng còn hưởng lợi được gì nơi ngũ dục. Cũng vậy, hàng Thanh-văn đã đoạn các kết sử chẳng còn thu hoạch gì thêm nơi Phật pháp, vĩnh viễn không có chí nguyện. Cho nên, Văn-thù-sư-lợi, phàm phu còn quay trở lại với Phật pháp chứ Thanh văn thì không. Vì sao? Vì phàm phu khi nghe Pháp thì có thể phát khởi đạo tâm[724] vô thượng, để cho Tam bảo không gián đoạn. Giả sử Thanh văn trọn đời nghe pháp và thấy lực, vô úy của Phật, v.v… nhưng vĩnh viễn không thể phát đạo tâm vô thượng”.

Lúc ấy, trong hội chúng có Bồ-tát tên Phổ Hiện Sắc Thân[725] hỏi Duy-ma-cật:
“Cư sỹ, ai là cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc của ngài? Gia nhân tôi tớ của ngài, voi ngựa xe cộ của ngài ở đâu?”

Bấy giờ Duy-ma-cật trả lời bằng bài kệ:
Trí độ,[726] mẹ Bồ-tát.
Phương tiện,[727] đó là cha.
Hết thảy bậc Đạo sư
Đều từ đấy mà sinh.
Lấy pháp hỷ[728] làm vợ;
Con gái: Từ và Bi;[729]
Trai: Thiện tâm, Thành thật.[730]
Nhà: rốt ráo không-tịch;[731]
Đệ tử là trần lao,[732]
Tùy nghi mà sai sử.
Đạo phẩm,[733] là bạn hữu
Nhờ đây thành chính giác.
Các độ, bạn đồng hành;[734]
Bốn nhiếp là kỹ nữ;
Ca vịnh, tụng pháp ngôn,
Lấy đó làm âm nhạc.
Tổng trì là vườn hoa,
Vô lậu là rừng cây.
Giác ý,[735] hoa tươi đẹp
Quả, trí tuệ, giải thoát.
Tám giải[736] là hồ tắm;
Nước định lắng trong, đầy.
Rải bằng bảy hoa tịnh,[737]
Tắm gội người vô nhiễm.
Voi, ngựa: năm thần thông,
Kéo cổ xe Đại thừa;
Nhất tâm:[738] người đánh xe,
Dong ruổi tám chính đạo.
Tướng tốt để nghiêm thân,
Vẻ đẹp chuốt tư thái.
Tàm quý là trang phục
Thâm tâm[739] là tràng hoa.
Giàu có bảy tài bảo[740]
Giáo thọ để thêm lời;
Theo giáo thuyết tu hành,
Hồi hướng làm đại lợi.[741]
Bốn thiền là giường chõng
Phát sinh từ tịnh mạng.[742]
Nghe nhiều, tăng trí tuệ,[743]
Làm âm thanh thức tỉnh.[744]
Cam lộ là thức ăn;
Vị giải thoát là tương;[745]
Tịnh tâm là tắm gội;[746]
Giới phẩm là hương thoa.
Diệt trừ giặc phiền não,
Dũng mãnh không ai hơn.
Hàng phục bốn thứ ma,
Cờ thắng dựng Đạo tràng.[747]
Dù biết không khởi, diệt
Vẫn thị hiện tái sinh
Trên khắp các quốc độ
Như mặt trời rọi khắp.
Cúng dường vô lượng Phật
Khắp mười phương thế giới
Mà không hề phân biệt
Có Phật và có ta.
Dù biết các cõi Phật
Cùng chúng sinh là Không,[74]
Vẫn thường tu tịnh độ
Để giáo hóa chúng sinh.
Chúng sinh vô số loại,
Sắc, thanh, và oai nghi;
Bồ-tát lực, vô úy,[749]
Khoảnh khắc thảy
Biết rõ việc chúng ma
Vẫn thị hiện hành theo,
Rồi bằng phương tiện trí,
Tùy ý mà thể hiện.[750]
Hoặc hiện già, bệnh, chết,
Để thành tựu chúng sinh;
Biểt rõ là huyễn hóa,
Thông suốt không chướng ngại.[751]
Hoặc hiện lửa tận thế
Đốt cháy rực cõi đất;
Khiến ai tưởng thường hằng
Hiểu rõ pháp vô thường.
Vô số ức chúng sinh
Cùng đến thỉnh Bồ-tát;
Một lúc chúng đến nhà,
Chỉ cho hướng Phật đạo.
Kinh sách và chú thuật,
Kỹ, mỹ nghệ đều tinh;
Lấy đó mà thị hiện,
Làm lợi ích quần sinh.
Xuất gia khắp các đạo,
Đạo pháp của thế gian;
Nhân đó trừ mê hoặc,
Chứ không đọa tà kiến.
Làm Vua Mặt Trời, Trăng,
Phạm thiên, Thế giới chủ,
Có khi là đất, nước,[752]
Hoặc gió, hoặc là lửa.
Hoặc tai kiếp tật dịch,[753]
Thị hiện cây cỏ thuốc,
Để cho người được uống,
Trị dứt các dịch bệnh.
Hoặc tai kiếp đói kém;[754]
Hiện thân làm thức ăn;
Trước cứu người đói khát
Sau dạy pháp giải thoát.
Hoặc tai kiếp đao binh;[755]
Khơi dậy tâm từ bi
Giáo hóa chúng sinh kia
Để sống không tranh chấp.
Hoăc khi gặp đại chiến,
Khiến thế lực cân bằng,
Rồi dùng lực oai nghiêm
Làm họ giảng hòa nhau.
Trong khắp mọi quốc độ,
Chỗ nào còn địa ngục,
Liền thị hiện chỗ ấy
Giúp chúng giảm bớt khổ.
Trong khắp mọi quốc độ,
Súc sinh ăn thịt nhau;
Người thị hiện chỗ đó
Làm lợi ích cho chúng.[756]
Thị hiện thọ ngũ dục
Mà vẫn hiện hành thiền,
Làm rối loạn các ma
Không cho chúng tự tiện.
Hy hữu như trong lửa
Nở một đóa sen hồng;
Hành thiền trong ngũ dục
Cũng hy hữu như vậy.
Hoặc hiện làm dâm nữ
Dẫn dụ người háo sắc;
Trước lấy dục câu móc,
Sau hướng về Phật trí.
Hoặc là chủ thành ấp;
Hoặc làm chủ thương buôn;
Làm quốc sư, đại thần;
Cũng vì lợi chúng sinh.
Có người nghèo, đói rách,
Hiện làm kho vô tận;
Rồi nhân đó khuyên dẫn,
Khiến phát Bồ-đề tâm.
Với kẻ tâm kiêu mạn,
Hiện làm đại lực sỹ[757]
Khuất phục các kiêu mạn,
Đưa về vô thượng đạo.[758]
Hoặc đám người kinh sợ,
Liền đến mà an ủi.
Trước làm cho hết sợ;
Sau khiến phát đạo tâm.
Hoặc hiện lìa dâm dục,[759]
Làm tiên nhân năm thông[760]
Để dắt dẫn quần sinh,
Trụ ở giới, nhẫn, từ.
Với người cần phục dịch,
Hiện thân làm tôi tớ
Khiến cho chủ hài lòng
Mà phát khởi Đạo tâm.
Tùy theo người nhu cầu,
Mà đưa vào Phật đạo;
Liền dụng lực phương tiện
Cấp cho đủ thứ cần.
Như thế, đạo vô lượng,
Và sở hành không bờ;
Trí tuệ không biên tế,
Người độ vô số chúng.
Dù hết thảy chư Phật
Trải qua vô lượng kiếp
Tán thán công đức này
Cũng không thể nói hết.
Pháp như vậy, ai nghe
Mà không phát bồ-đề?
Chỉ trừ kẻ vô dụng,
Hoặc si ám, vô tri.

________________________________

CHƯƠNG CHÍN

PHÁP MÔN BẤT NHỊ[761]

Bấy giờ, Duy-ma-cật nói với các Bồ-tát hiện diện: “Thưa các nhân giả, thế nào là Bồ-tát vào cửa pháp bất nhị?[762] Mong các vị hãy tùy chỗ sở thích của mình mà trình bày”.

  1. Trong hội có Bồ-tát Pháp Tự Tại[763] nói: “Thưa chư nhân giả, sinh và diệt là hai.[764] Pháp trước vốn không sinh, nay tất không diệt. Lãnh hội pháp nhẫn vô sinh này là vào cửa pháp bất nhị”.
  2. Bồ-tát Đức Thủ[765] nói: “Ngã và ngã sởlà hai.[766] Nhân bởi có ngã nên có ngã sở.[767] Nếu không có ngã thì không có ngã sở. Đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  3. Bồ-tát Bất Huyến[768] nói: “Thọ và bất thọ[769] là hai. Nếu không thọ các pháp thì không khả đắc.[770] Vì không khả đắc cho nên không thủ, không xả, không tác, không hành. Đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  4. Bồ-tát Đức Đỉnh[771] nói: “Cáu bẩn và thanh tịnh là hai. Thấy được tính của cáu bẩn thì không còn tướng tịnh, thuận theo tướng tịch diệt. Đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  5. Bồ-tát Thiện Tú[772] nói: “Động và niệm[773] là hai. Không động thì không niệm. Không niệm thì không phân biệt.[774] Đạt đến chỗ này là vào cửa pháp bất nhị”.
  6. Bồ-tát Thiện Nhãn[775] nói: “Nhất tướng với vô tướnglà hai. Hiểu được nhất tướngrốt ráo là vô tướng, không chấp vào vô tướng để thể nhập bình đẳng, đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  7. Bồ-tát Diệu Tý[776] nói: “Tâm Bồ-tát với tâm Thanh văn là hai. Quán tướng của tâm vốn rỗng không, hư ảo, thì chẳng có tâm nào là tâm Bồ-tát hay tâm Thanh văn. Đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  8. Bồ-tát Phất-sa[777] nói: “Thiện và bất thiện là hai. Nếu không khởi thiện hay bất thiện là nhập thật tế của vô tướng. Thông suốt như vậy là vào cửa pháp bất nhị”.
  9. Bồ-tát Sư Tử[778] nói: “Tội, phước[779] là hai. Hiểu được tính của tội chẳng khác tính của phước. Lấy trí huệ kim cang mà quyết rõ tướng này, không ràng buộc, chẳng giải mở; đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  10. Bồ-tát Sư Tử Ý[780] nói: “Hữu lậu và vô lậulà hai. Nếu chứng các pháp là bình đẳng thì chẳng khởi tưởng hữu lậuhay vô lậu, không vướng vào tướng, không trụ vô tướng, đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  11. Bồ-tát Tịnh Giải[781] nói: “Hữu vi, vô vilà hai.[782] Nhưng nếu lìa các số[783] thì tâm như hư không,[784] trí huệ thanh thịnh chẳng còn chỗ trở ngại, đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  12. Bồ-tát Na-la-diên[785] nói: “Thế gian và xuất thế gian là hai nhưng tính của thế gian là không thì cũng là xuất thế gian. Ở trong đó không vào, không ra, không đầy,[786] không tan, đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  13. Bồ-tát Thiện Ý[787] nói: “Sinh tử và Niết-bànlà hai. Nếu thấy được tính của sinh tử thì chẳng còn sinh tử, không trói buộc không cởi mở, không sinh, không diệt.[788] Hiểu được vậy là vào cửa pháp bất nhị”.
  14. Bồ-tát Hiện Kiến[789] nói: “Tận và bất tận là hai. Trong cứu cánh, pháp tận cũng như bất tận đều chính là tướng vô tận.[790] Tướng vô tận tức là Không.[791] Không thì không có tướng tận hay bất tận. Vào chỗ đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  15. Bồ-tát Phổ Thủ[792] nói: “Ngã và vô ngãlà hai. Ngã còn không thể nắm bắt được, phi ngã làm sao nắm bắt? Nhìn ra thật tính này của ngã thì không khởi nhị nguyênnữa; đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  16. Bồ-tát Điện Thiên[793] nói: “Minh, vô minhlà hai. Nhưng thật tính của vô minhchính là minh. Minh cũng không thể thủ, lìa hết thảy số.[794] Ở trong đó mà bình đẳng không hai, đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  17. Bồ-tát Hỷ Kiến[795] nói: “Sắc và Sắc Không là hai.[796] Sắc chính là Không, không phải do sắc diệt mà Không, nhưng tính của Sắc tự nó là Không. Thọ, Tưởng, Hành và Thức cũng vậy. Thức và Không là hai. Thức cũng chính là Không, không phải do Thức diệt mà Không, vì tính của Thức chính là Không vậy. Thông đạt chỗ này là vào cửa pháp bất nhị”.
  18. Bồ-tát Minh Tướng[797] nói: “Bốn đại chủng và không đại chủng[798] là hai. Tính của bốn đại chủng chính là không đại chủng. Cũng như tiền tế và hậu tế đều là không, cho nên trung tế cũng là không. Thấu suốt tính này của bốn đại chủnglà vào cửa pháp bất nhị”.
  19. Bồ-tát Diệu Ý[799] nói: “Con mắt, và sắc là hai. Nếu biết tính của con mắt, thì ở nơi sắc chẳng khởi tham, sân, si, đó là tịch diệt. Cũng vậy, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với các pháp là hai. Nếu biết thật tính của ý, thì ở nơi pháp chẳng khởi tham, sân, si, đó là tịch diệt. An trụ trong đây là vào cửa pháp bất nhị”.
  20. Bồ-tát Vô Tận Ý[800] nói: “Bố thí và hồi hướng đến Nhất thiết trílà hai. Nhưng tính của bố thí chính là sự hồi hướng đến Nhất thiết trí. Cũng vậy, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ với hồi hướng Nhất thiết trí là hai. Nhưng tính của trí tuệ là tính của hồi hướng Nhất thiết trí. Ở trong đây mà thâm nhập nhất tướng, là vào cửa pháp bất nhị”.
  21. Bồ-tát Thâm Huệ[801] nói: “Đây là Không, đây là Vô tướng, đây là Vô tác, là hai. Nhưng Không tức là Vô tướng. Vô tướng tức là Vô tác. Không, Vô tướng, Vô tác tức không tâm, không ý, cũng không thức. Ở trong một giải thoát môn cũng chính cả ba giải thoát môn. Đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  22. Bồ-tát Tịch Căn[802] nói: “Phật, Pháp, Chúng là hai. Phật tức là Pháp. Pháp tức là Chúng. Tam bảo này tướng vô vi, bình đẳng với hư không, hết thảy các pháp cũng vậy. Thấu suốt pháp này là vào cửa pháp bất nhị”.
  23. Bồ-tát Tâm Vô Ngại[803] nói: “Thân với thân diệt[804] là hai. Thân cũng chính là thân diệt. Vì sao? Vì thấu rõ thật tính của thân thì không còn khởi ý niệm về thân hay thân diệt, vì cả hai rốt ráo là bất nhị, không khác. Ở trong đó mà không kinh, không sợ, là vào cửa pháp bất nhị”.
  24. Bồ-tát Thượng Thiện[805] nói: “Thân, khẩu, ý thiện[806] là hai. Tướng của ba nghiệp này là vô tác. Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của miệng. Tướng vô tác của miệng tức là tướng vô tác của ý. Tướng vô tác của ba nghiệp này tức là tướng vô tác của hết thảy pháp. Nếu có thể tùy theo trí huệ vô tác như vậy là vào cửa pháp bất nhị”.
  25. Bồ-tát Phước Điền[807] nói: “Phước hành, tội hànhvà bất động hành[808] là hai. Thật tính của ba hành là không. Không thì không phước hành, không tội hành, không bất động hành. Không khởi ba hành này là vào cửa pháp bất nhị”.
  26. Bồ-tát Hoa Nghiêm[809] nói: “Từ ngã mà khởi nhị nguyên,[810] đó là hai. Thấy thật tướng của ngã, nhị nguyên này sẽ không khởi. Nếu không trụ nơi pháp nhị nguyên thì không có thức. Không có gì được nhận thức, đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  27. Bồ-tát Đức Tạng[811] nói: “Tướng của hữu sở đắclà phân hai.[812] Nếu không sở đắc thì không thủ cũng không xả. Không thủ, không xả là vào cửa pháp bất nhị”.
  28. Bồ-tát Nguyệt Thượng nói:[813] “Tối, sáng là hai. Không tối, không sáng thì không hai. Vì sao? Như nhập diệt thọ tưởng định thì chẳng còn tối hay sáng. Tướng của hết thảy các pháp cũng như vậy. Ở trong đó bình đẳng mà vào, đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  29. Bồ-tát Bảo Ấn Thủ[814] nói: “Vui thích Niết-bàn, không vui thích thế gian là sự hai. Nếu không vui thích Niết-bàn, không chán ghét thế gian, thế thì không có hai. Vì sao? Nếu có buộc mới có cởi. Nhưng nếu chẳng có buộc ràng thì ai mong cầu cởi trói? Không ràng buộc, không cởi mở, tức không thích cũng không chán; đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  30. Bồ-tát Châu Đỉnh Vương[815] nói: “Chính đạovà tà đạo là hai. Người trụ ở chính đạotất không phân biệt chính, tà.[816] Lìa hai thái cực này là vào cửa pháp bất nhị”.
  31. Bồ-tát Lạc Thật[817] nói: “Thật, bất thật là hai. Người thấy sự thật còn không cho đó là thật, huống gì là cái bất thật. Vì sao? Đó là cái mà mắt thịt không thể thấy, chỉ có con mắt huệ mới nhìn ra. Nhưng con mắt huệ thì không có sự thấy, cũng không có sự không thấy. Đó là vào cửa pháp bất nhị”.
  32. Chư Bồ-tát đã lần lượt từng vị trình bày xong, liền hỏi Văn-thù-sư-lợi: “Thế nào là Bồ-tát vào cửa pháp bất nhị?”

Văn-thù-sư-lợi nói: “Theo ý tôi, đối với hết thảy pháp không nói, không thuyết, không chỉ thị, không nhận thức;[818] vượt ngoài vấn đáp. Đó là vào bất nhị pháp môn”.

  1. Đoạn Văn-thù hỏi Duy-ma-cật: “Chúng tôi mỗi người đã nói rồi, xin Nhân giả cho biết thế nào là Bồ-tát vào cửa pháp bất nhị?”

Bấy giờ, Duy-ma-cật lặng im không nói.

Văn-thù-sư-lợi tán thán: “Lành thay, lành thay! Cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào cửa pháp bất nhị”.

Khi thuyết phẩm vào cửa pháp bất nhị này, năm ngàn Bồ-tát trong hội đều vào cửa pháp bất nhị, đắc vô sinh pháp nhẫn.*

________________________________

CHƯƠNG MƯỜI

PHẬT HƯƠNG TÍCH[819]

Lúc bấy giờ Xá-lợi-phất tâm niệm, “Sắp đến giờ ăn. Các Bồ-tát này sẽ ăn gì đây?” Duy-ma-cật biết ý đó, bèn nói:

“Phật đã dạy tám pháp giải thoát.[820] Nhân giả đã thọ hành. Há lẫn lộn giữa sự muốn ăn và nghe pháp sao? Nếu ngài muốn ăn, xin chờ giây lát, sẽ được bữa ăn hiếm có”.

Tức thì, Duy-ma-cật nhập tam-muội và dùng thần thông lực chỉ cho hội chúng thấy ở phương trên, cách thế giới này vượt qua bốn mươi hai Hằng hà sa số cõi Phật, có một nước tên là Chúng hương,[821] có Phật hiệu Hương Tích[822] hiện nay đang tại thế. Hương thơm của quốc độ này át hẳn mọi hương thơm của chư thiên trong các quốc độ khắp mười phương. Trong quốc độ đó không có danh từ Thanh văn và Bích-chi-phật mà chỉ có chúng Đại Bồ-tát thanh tịnh nghe Phật giảng pháp. Ở đó hương thơm tạo ra mọi thứ như lầu các, đất đai, vườn tược và hoa viên khiến chúng tỏa mùi thơm ngát. Còn thực phẩm thì có mùi thơm lan tỏa đến vô lượng thế giới khắp mười phương. Ngay lúc bấy giờ Phật và chư Bồ-tát ở đó vừa cùng ngồi lại để thọ thực được dâng cúng bởi những người con của chư thiên thảy đều có tên là Hương Nghiêm,[823] đều đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng. Hết thảy hội chúng đều trông thấy cảnh này.

Duy-ma-cật nói với hội chúng: “Trong chư tôn giả, ai có thể đến đó để xin phẩm thực của đức Thế tôn?”

Nhưng do oai thần của Văn-thù-sư-lợi nên hết thảy chư Bồ-tát đều im lặng. Thấy vậy, Duy-ma-cật nói: “Nhân giả, đại chúng này há không thấy hỗ thẹn sao?”[824]

Văn-thù-sư-lợi đáp lại: “Phật có dạy, không nên khinh thường người chưa từng học”.

Khi ấy, Duy-ma-cật vẫn không rời chỗ ngồi, ở ngay trước đại chúng, dùng thần lực tạo ra một vị hóa Bồ-tát có thân tướng sáng ngời, oai nghiêm thù thắng bao trùm cả chúng hội, rồi nói với vị này:

“Ông hãy đi lên phương trên, vượt qua bốn mươi hai Hằng hà sa cõi Phật, có quốc độ tên gọi là Chúng Hương, có Phật hiệu Hương Tích, cùng với các Bồ-tát vừa mới ngồi lại để thọ thực. Ông hãy đến chỗ đó, mang lời tôi mà thưa rằng, ‘Duy-ma-cật cúi đầu kính lễ dưới chân Thế Tôn, vô vàn tôn kính, và thăm hỏi sức khỏe Thế Tôn, ít bệnh, ít não, khí lực an ổn chăng? Nguyện xin chút thức ăn dư của Thế Tôn, mang về thế giới Ta-bà[825] để làm Phật sự; để cho những ai hâm mộ Pháp nhỏ[826] được mở rộng sang đường lớn, và cũng để cho cho danh hiệu Như Lai được lan truyền khắp nơi.”

Sau đó hết thảy hội chúng đều nhìn thấy vị hóa Bồ-tát ngay trước đại chúng bay lên phương trên, đến cõi Chúng hương, quỳ lạy dưới chân Phật ở đó, và lại nghe tiếng của hóa Bồ-tát ấy nói, “Duy-ma-cật cúi đầu kính lễ dưới chân Thế Tôn, vô vàn tôn kính, và thăm hỏi sức khỏe Thế Tôn, ít bệnh, ít não, khí lực an ổn chăng? Nguyện xin chút thức ăn dư của Thế Tôn, mang về thế giới Ta-bà để làm Phật sự; để cho những ai hâm mộ Pháp nhỏ được mở rộng sang Đường lớn, và cũng để cho danh hiệu Như lai được lan truyền khắp nơi”.

Chư Bồ-tát ở cõi đó trông thấy vị hóa Bồ-tát này, tán thán là chưa từng có, tự hỏi không biết vị Thượng nhân này từ đâu đến? Thế giới Ta-bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là những người hâm mộ pháp nhỏ? Các ngài liền hỏi Phật. Phật nói:
“Có một thế giới tên là Ta-bà, nằm ở phương dưới cách đây vô số quốc độ bằng số cát của bốn mươi hai sông Hằng. Ở đó có đức Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni hiện đang ở giữa cõi đời xấu xa đầy năm điều uế trược[827] mà phô diễn đạo giáo cho chúng sinh ưa thích pháp nhỏ. Ở đó còn có vị Bồ-tát tên là Duy-ma-cật đã an trụ giải thoát Bất khả tư nghì đang giảng pháp cho chư vị Bồ-tát. Cho nên ông ấy đã tạo ra một vị hóa sứ giả để tán dương danh xưng và quốc độ này của Ta khiến các Bồ-tát kia thêm phần công đức”.

Chư Bồ-tát lại hỏi:
“Vị đó là ai mà có thể biến hóa như vậy, có đức lực, vô úy và thần túc lớn đến vậy?”

Đức Thế tôn đáp:
“Lớn lao thay! Ông ấy thường gởi các hóa sứ giả đến khắp mười phương quốc độ để thi hành Phật sự vì lợi ích của chúng sinh”.

Nói xong, đức Hương Tích Như lai lấy một cái bát làm bằng các loại hương chứa đầy cơm thơm rồi trao cho vị hóa Bồ-tát. Khi ấy, chín triệu Bồ-tát ở đó đều lên tiếng nói:
“Chúng con muốn đến thế giới Ta-bà để đảnh lễ Phật Thích-ca, thăm Duy-ma-cật cùng chư vị Bồ-tát ở đó”.

Phật Hương Tích dạy:
“Có thể đi. Nhưng hãy thu lại mùi hương nơi thân của các ông để chúng sinh ở đó không sinh mê hoặc tham đắm. Các ông cũng nên thay đổi hình tướng mình, chớ để cho những người cầu đạo Bồ-tát ở quốc độ đó xấu hổ, tự ty. Các ông cũng chớ có ý nghĩ khinh thường họ mà có ý tưởng đối ngại.[828] Vì sao? Vì mười phương quốc độ đều như hư không. Vả lại, hết thảy chư Phật vì muốn giáo hóa người hâm mộ pháp nhỏ nên chưa hoàn toàn hiển bày quốc độ thanh tịnh đó thôi”.

Lúc ấy, vị hóa Bồ-tát nhận bát cơm thơm rồi cùng chín triệu Bồ-tát kia, nương theo thần lực của Phật và của Duy-ma-cật, biến mất khỏi cõi thế giới ấy, trong phút chốc đều về đến nhà Duy-ma-cật.

Duy-ma-cật dùng thần lực biến hóa nên chín triệu tòa sư tử, trang nghiêm như đã nói trước. Các Bồ-tát đều ngồi lên đó.

Bấy giờ hóa Bồ-tát trao cho Duy-ma-cật bát cơm thơm mà mùi hương lan tỏa khắp thành Tỳ-da-ly, rồi lan khắp thế giới ba nghìn đại thiên.

Các Bà-la-môn, cư sỹ trong thành Tỳ-da-ly ngửi được mùi hương ấy đều thấy thân ý thơ thới, đồng ca ngợi sự hiếm có này. Lúc ấy, vị đứng đầu các trưởng giả tên là Nguyệt Cái[829] liền dẫn tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy-ma-cật. Thấy có rất nhiều Bồ-tát ngự trên các tòa sư tử trang nghiêm, họ mừng rỡ, cung kính đảnh lễ chư Bồ-tát và các vị đại đệ tử của Phật, rồi đứng sang một bên. Chúng quỷ thần và chư thiên khắp các cõi trời thuộc Dục giới và Sắc giới[830] ngửi được mùi hương cũng tìm đến.

Lúc ấy, Duy-ma-cật mới nói với Xá-lợi-phất và các vị Thanh-văn:
“Các Nhân giả, nay mời các vị dùng món cơm có hương vị cam lộ. Cơm này được xông ướp bằng hương Đại bi của Như lai. Đừng ăn cơm bằng ý hữu hạn,[831] vì như vậy sẽ khó thể tiêu hóa được”.

Có một vị Thanh văn nghĩ rằng, “Cơm này ít; mà đại chúng thì đông. Mỗi người đều ăn, làm sao đủ?” Vị hóa Bồ-tát liền nói:
“Đừng lấy đức nhỏ và trí nhỏ của Thanh văn đo lường phước huệ vô lượng của Như lai. Nước của bốn đại dương còn có thể cạn, chứ cơm này vô tận. Nếu mọi người[832] đều vo cơm thành viên lớn như núi Tu-di, ăn cho đến một kiếp[833] vẫn chưa hết cơm. Tại sao? Vì đó là thức ăn còn dư của người đã thành tựu công đức của vô tận giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến; do vậy, không bao giờ cùng tận”.

Bấy giờ, bát cơm này khiến cho cả đại chúng đều no đủ mà vẫn không vơi. Các Bồ-tát, Thanh-văn, trời và người, những ai dùng cơm này đều cảm thấy an lạc như chư Bồ-tát ở quốc độ Nhất thiết lạc trang nghiêm.[834] Từ chân lông họ tỏa ra mùi thơm vi diệu như mùi thơm các loài cây trên cõi Chúng hương.

Bấy giờ Duy-ma-cật hỏi các Bồ-tát từ Chúng hương đến:
“Hương Tích Như lai giảng dạy bằng pháp gì?”á

Họ đáp: “Như lai ở quốc độ chúng tôi không dùng ngôn tự để giảng thuyết mà chỉ dùng các hương thơm khiến cho trời và người có thể thâm nhập luật hành.[835] Mỗi mỗi Bồ-tát ngồi dưới những cội cây hương, cảm nhận mùi hương vi diệu của cây mà chứng tam-muội Nhất thiết đức tạng.[836] Ai chứng được tam-muội này tất đầy đủ các công đức mà Bồ-tát có.”

Đoạn các Bồ-tát lại hỏi Duy-ma-cật:
“Đức Thế tôn Thích-ca-mâu-ni Phật giảng pháp như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:
“Chúng sinh trên cõi này cang cường, khó chuyển hóa, nên Phật thuyết bằng ngôn ngữ cứng rắn để điều phục họ. Ngài nói rằng, ‘Đây là địa ngục. Đây là súc sinh. Đây là ngạ quỷ. Đây là các nạn xứ.[837] Đây là những nơi tái sinh cho kẻ ngu muội. Đây là tà hành của thân; đây là quả báo cho tà hành của thân. Đây là tà hành của miệng; đây là quả báo cho tà hành của miệng. Đây là tà hành của ý; đây là quả báo cho tà hành của ý. Đây là sát sinh; đây là quả báo của sát sinh. Đây là sự lấy của không được cho; đây là quả báo của sự lấy của không được cho. Đây là tà dâm; đây là quả báo của tà dâm. Đây là vọng ngữ; đây là quả báo của vọng ngữ. Đây là nói hai lưỡi; đây là quả báo của sự nói hai lưỡi. Đây là ác khẩu; đây là quả báo của ác khẩu. Đây là sự nói lời vô nghĩa; đây là quả báo của sự nói lời vô nghĩa. Đây là tham lam; đây là quả báo của sự tham lam. Đây là thù hận; đây là quả báo của sự thù hận. Đây là tà kiến; đây là quả báo của tà kiến. Đây là sự keo kiệt; đây là quả báo của sự keo kiệt. Đây là sự hủy giới; đây là quả báo của sự hủy giới. Đây là sự sân hận; đây là quả báo của sự sân hận. Đây là sự lười biếng; đây là quả báo của sự lười biếng. Đây là loạn ý; đây là quả báo của sự loạn ý. Đây là sự ngu si; đây là quả báo của sự ngu si. Đây là kết giới; đây là quả báo của kết giới. Đây là trì giới;[838] đây là phạm giới[839]. Đây là điều không nên làm[840]. Đây là sự chướng ngại; đây là sự không chướng ngại. Đây là đắc tội; đây là không đắc tội; đây là dứt tội. Đây là tịnh; đây là cấu uế. Đây là hữu lậu; đây là vô lậu. Đây là tà đạo; đây là chính đạo. Đây là hữu vi; đây là vô vi. Đây là thế gian; đây là Niết-bàn. Vì tâm tính người khó chuyển hóa giống như vượn khỉ nên phải bằng nhiều phương cách giáo hóa để điều phục họ. Cũng như voi ngựa nếu không đánh đau thì không chế ngự được; những người mê muội trong thế gian này chỉ có thể thâm nhập luật bằng tất cả những lời gay gắt”.

Nghe xong, các Bồ-tát đều khen:
“Thật chưa từng nghe. Đức Thế tôn Thích-ca Mâu-ni Phật đã ẩn đi vô lượng khả năng tự tại, hóa độ chúng sinh bằng pháp mà người nghèo ưa thích. Các Bồ-tát ở đây cũng nhẫn nại những khó nhọc, bằng vô lượng đại bi mà sinh nơi cõi Phật này”.

Duy-ma-cật nói: “Thật đúng như vậy. Chư Bồ-tát ở cõi này có tâm đại bi kiên cố đối với chúng sinh. Việc làm lợi ích hết thảy chúng sinh của họ trong một đời hơn cả những vị ở cõi kia[841] đã làm trong hàng trăm ngàn kiếp. Vì sao vậy? Thế giới Ta-bà này có mười sự pháp thiện[842] mà các cõi Tịnh độ khác không có. Mười thiện pháp đó là gì? Đó là: 1. Lấy huệ thí đối trị bần cùng. 2. Lấy trì giới đối trị phạm giới. 3. Lấy nhẫn nhục đối trị sân nhuế. 4. Lấy tinh tấn đối trị giải đãi. 5. Lấy thiền định khắc phục loạn ý. 6. Lấy trí huệ dẹp tan vô minh. 7. Nói pháp trừ nạn để vượt qua tám nạn. 8. Dạy pháp Đại thừa cho người còn chấp pháp Tiểu thừa. 9. Lấy các thiện căn giúp người vô đức. 10. Thường dùng bốn nhiếp pháp để thành tựu chúng sinh. Đó chính là mười thiện pháp”.

Chư Bồ-tát lại hỏi:
“Bồ-tát thành tựu bao nhiêu pháp để ở trong thế giới này tu hành mà không ung nhọt,[843] tái sinh tịnh độ?”

Duy-ma-cật đáp: “Bồ-tát thành tựu tám pháp để ở trong thế giới này tu hành mà không ung nhọt, tái sinh tịnh độ. Đó là: 1. Làm lợi ích chúng sinh không cầu báo đáp. 2. Chịu thay chúng sinh hết thảy khổ não, và hồi hướng công đức đã làm cho chúng sinh. 3. Tâm bình đẳng với chúng sinh, khiêm hạ, vô ngại.[844] 4. Tôn kính chư Bồ-tát như đối với chư Phật.[845] 5. Khi nghe kinh chưa từng nghe cũng không khởi nghi hoặc. 6. Không đối nghịch với pháp của hàng Thanh văn.[846] 7. Không ganh tị vì người được cúng dường, không tự cao lợi đắc của mình, trái lại ở đó tự chế ngự tâm mình. 8. Thường tự xét lỗi mình,[847] không tranh tụng sở đoản của người, nhất tâm cầu thành tựu mọi công đức. Đó chính là tám pháp.

Sau khi Duy-ma-cật và Văn-thù-sư-lợi thuyết các pháp như vậy, hàng trăm ngàn chư thiên đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng, và mười ngàn vị Bồ-tát đắc vô sinh pháp nhẫn.

________________________________

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

BỒ TÁT HÀNH[848]

Bấy giờ, Phật đang giảng Pháp tại vườn cây Am-la, mặt đất bỗng hóa thành trang nghiêm và lớn rộng mênh mông; tất cả chúng hội đều ánh sắc vàng ròng.

A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, vì sao có điềm lành này, nơi đây bỗng trở nên trang nghiêm và rộng lớn và chúng hội đều ánh sắc vàng ròng?”

Phật bảo:
“Vì Duy-ma-cật và Văn-thù-sư-lợi, với đại chúng đang cung kính vây quanh, khởi ý muốn đến đây, nên có điềm tốt lành này”.

Lúc ấy, Duy-ma-cật nói với Văn-thù-sư-lợi:
“Bây giờ chúng ta hãy đến viếng Thế tôn để chư Bồ-tát có thể đảnh lễ cúng dường Ngài”.

Văn-thù-sư-lợi nói:
“Lành thay, chúng ta hãy đến đó. Nay chính là lúc thích hợp”.

Duy-ma-cật liền dùng thần lực mang hết hội chúng và các tòa sư tử của họ trong lòng tay phải bay sang chỗ Phật ngự. Khi đến nơi, đáp xuống đất, Duy-ma-cật dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu từ bên phải vòng quanh Ngài bảy lần, rồi chắp tay cung kính đứng sang một bên. Chư Bồ-tát rời bảo tòa của họ để dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật và cũng đi nhiễu vòng quanh Ngài bảy lần, đoạn chắp tay cung kính đứng sang một bên. Các Đại đệ tử Phật cùng với Đế Thích, Phạm-thiên và Tứ Thiên vương cũng rời bảo tòa của họ, dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu vòng quanh Ngài bảy lần rồi chắp tay cung kính đứng sang một bên.

Thế Tôn theo pháp chào hỏi chư vị Bồ-tát, rồi bảo họ:
“Các Đại Sỹ, các vị hãy trở về chỗ ngồi của mình”.

Đại chúng vâng lời dạy. Khi mọi người đã an tọa, Phật hỏi Xá-lợi-phất:
“Ngươi có thấy những gì được làm bằng thần lực tự tại của các Đại sỹ rồi chăng?”

Xá-lợi-phất thưa:
“Bạch Thế Tôn, con đã nhìn thấy”.

“Ý ngươi nghĩ sao?”

Xá-lợi-phất thưa:
“Thế Tôn, con thấy các ngài đã thực hiện những sự bất khả tư nghị, tâm người không thể nghĩ tưởng cũng chẳng thể đánh giá”.

Lúc ấy A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, con nay nghe mùi hương chưa từng có trước đây. Đó là hương gì vậy?”

Phật dạy:
“A-nan, đó là hương thơm toát ra từ chân lông của chư vị Bồ-tát đây”.

Lúc ấy, Xá-lợi-phất nói với A-nan:
“Chân lông của chúng tôi cũng có hương thơm như vậy”.

A-nan hỏi Xá-lợi-phất:
“Mùi hương đó do đâu mà có?”

Xá-lợi-phất đáp:
“Do cư sỹ Duy-ma-cật đã nhận cơm dư từ Phật ở cõi Chúng hương, và ai ăn được cơm này ở nhà của Cư sỹ đều tỏa mùi thơm ngát từ các lỗ chân lông như vậy”.

A-nan lại hỏi Duy-ma-cật:
“Mùi hương này kéo dài được bao lâu?”

Duy-ma-cật đáp:
“Kéo dài đến khi tiêu hóa hết cơm”.

A-nan hỏi:
“Cơm đó tồn tại bao lâu?”

Duy-ma-cật đáp:
“Thế lực của cơm này kéo dài đến bảy ngày mới tiêu hóa hết. Này A-nan, hàng Thanh văn chưa nhập chính vị [849] mà ăn cơm này, cho đến khi nào nhập chính vị[850] rồi cơm mới tiêu hết. Những người đã nhập chính vị ăn cơm này, khi nào chứng đắc tâm giải thoát[851] cơm mới tiêu hết. Những người chưa phát tâm Đại thừa ăn cơm này, cho đến khi phát tâm Đại thừa[852] rồi cơm mới tiêu hết. Những người đã phát tâm Đại thừa ăn cơm này, chứng đắc vô sinh pháp nhẫn[853] rồi cơm mới tiêu hết. Những người đã chứng vô sinh pháp nhẫn ăn cơm này, cho đến nhất sinh bổ xứ [854] cơm mới tiêu hết. Ví như loại thuốc có tên là thượng vị,[855] khi uống vào, cho đến mọi thứ độc trong cơ thể tiêu hết, bấy giờ thuốc mới tiêu hết. Cơm này cũng vậy, khi diệt trừ hết mọi thứ độc của phiền não thì mới tiêu hết”.

A-nan thưa với Phật:
“Thật là chưa từng có! Bạch Thế tôn, thứ cơm thơm này hẳn có thể làm Phật sự”.

Phật bảo:
“Đúng vậy, A-nan, đúng như vậy. Có cõi Phật lấy ánh quang minh của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy chư Bồ-tát làm Phật sự. Có cõi lấy hóa nhân làm Phật sự. Có cõi lấy cây bồ-đề làm Phật sự. Có cõi lấy y phục, ngọa cụ của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy cơm làm Phật sự. Có cõi lấy hoa viên, đền đài các làm Phật sự. Có cõi lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy thân Phật làm Phật sự. Có cõi lấy hư không làm Phật sự. Chúng sinh nhờ các duyên này mà có thể nhập luật hành. Hoặc bằng mộng, huyễn, ảnh, tiếng vang, bóng trong gương, trăng dưới nước, quáng nắng khi trời nhiệt; bằng các thí dụ như vậy mà làm Phật sự. Hoặc bằng âm thanh, ngôn ngữ, văn tự mà làm Phật sự. Hoặc bằng cõi Phật thanh tịnh, tịch mịch vô ngôn, vô thuyết, không hiển thị, vô thức, vô tác, vô vi mà làm Phật sự. Như vậy, A-nan, mọi hành vi thi thiết của chư Phật, mọi oai nghi cử chỉ, không có gì không phải là Phật sự.

“Này A-nan, có bốn loại ma này, tám vạn bốn nghìn cánh cửa phiền não này; chúng sinh vì thế mà khổ nhọc. Chư Phật bèn lấy ngay các pháp này mà làm Phật sự. Đó là cửa pháp được gọi là Ngộ nhập hết thảy chư Phật.[856]

“Bồ-tát khi vào cửa pháp này, nếu thấy hết thảy cõi Phật thuần tịnh mà không vui mừng, không tham luyến, không đề cao. Nếu thấy hết thảy cõi Phật bất tịnh, nhưng không buồn khổ, không bất mãn,[857] hay thất vọng. Nhưng ở nơi chư Phật sinh tâm thanh tịnh, hoan hỷ cúng kính, cho là chưa từng có. Công đức của chư Phật Như Lai vốn bình đẳng,[858] vì muốn giáo hóa chúng sinh mà hiện các cõi Phật không giống nhau.

“Này A-nan, ngươi thấy đất của các cõi Phật có nhiều chỗ khác nhau[859] nhưng hư không chẳng có nhiều chỗ khác nhau. Cũng vậy, ngươi thấy sắc thân Phật tuy nhiều vẻ khác nhau, nhưng trí huệ vô ngại[860] không có nhiều dạng khác nhau.

“A-nan, sắc thân của chư Phật, uy tướng, chủng tính, giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô úy, các pháp bất cộng, đại từ, đại bi, oai nghi sở hành, cho đến thọ mạng, thuyết pháp giáo hóa, chúng sinh được thành tựu, cõi Phật thanh tịnh, đầy đủ các Phật pháp, thảy đều đồng đẳng. Do đó gọi là Tam-miệu-tam-Phật-đà, gọi là Đa-đà-a-già-độ, gọi là Phật-đà.[861] Này A-nan, nếu Ta giảng đầy đủ ý nghĩa của cú nghĩa này thì trải qua tuổi thọ của ngươi một kiếp cũng chưa nghe hết. Giả sử chúng sinh đầy cả thế giới ba nghìn đại thiên đều như A-nan, đa văn đệ nhất, được tổng trì ghi nhớ;[862] tất cả những người này trải qua tuổi thọ một kiếp cũng không thể lãnh hội hết. Vì vậy, A-nan, A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề của chư Phật là vô hạn, vô lượng; trí huệ và biện tài của các Ngài là bất khả tư nghị”.

A-nan bạch Phật:
“Từ nay trở đi con không dám tự cho mình là người đa văn bậc nhất”.

Phật nói:
“A-nan, chớ thối chí. Vì sao? Vì ta nói ngươi là người đa văn bậc nhất trong hàng Thanh-văn chứ không phải Bồ-tát. Nhưng hãy thôi, A-nan, bậc trí giả chẳng ai đo lường chư Bồ-tát. Tất cả biển sâu còn có thể đo lường, nhưng thiền định, trí huệ, tổng trì, biện tài và công đức của Bồ-tát thì bất khả lượng. Này A-nan, hãy gác lại các sở hành của Bồ-tát. Với các thần thông lực mà Duy-ma-cật đã thể hiện hôm nay, hết thảy Thanh văn và Bích-chi-Phật dù có tận lực biến hóa trong trăm ngàn kiếp cũng chưa thể thực hiện được”.

Bấy giờ, chư Bồ-tát cõi Chúng hương đồng cung kính chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, lúc mới nhìn thấy thế giới này chúng con có ý tưởng nó thấp kém, bây giờ hối hận, chẳng còn ý đó nữa. Vì sao? Vì các phương tiện diệu dụng của chư Phật thật là bất khả tư nghị. Vì để cứu độ chúng sinh mà các Ngài tùy chỗ thích hợp thị hiện các cõi Phật khác nhau. Bạch Thế tôn, nguyện ban cho chúng con chút pháp để khi trở về chúng con có thể luôn tưởng nhớ Như Lai”.

Phật bảo các Bồ-tát:
“Có pháp môn giải thoát gọi là Tận vô tận vô ngại,[863] mà chư vị nên học. Cái gì tận? Đó là pháp hữu vi. Cái gì vô tận? Đó là pháp vô vi. Như Bồ-tát, không đoạn tận hữu vi,[864] không an trụ vô vi.

“Không đoạn tận hữu vi là thế nào? Là không rời đại từ; không xả đại bi; sâu sắc phát tâm cầu Nhất thiết trí không quên lãng; giáo hóa chúng sinh không hề biết mệt mỏi; thường niệm thuận hành bốn nhiếp pháp; hộ trì chính pháp không tiếc thân mạng; vun trồng thiện căn không hề chán nản; chí thường an trụ phương tiện hồi hướng; cầu pháp không lười; thuyết giáo không tiếc lẫn; vì cần mẫn cúng dường chư Phật nên vào chỗ sinh tử mà không sợ; đối với các sự vinh nhục tâm không lo, không mừng; không khinh người chưa tu học; kính trọng người học như kính Phật; giúp người đọa lạc trong phiền não phát sinh chính niệm; đối với lạc thú viễn ly mà không cho là quý;[865] không mê đắm an lạc của riêng mình mà chúc mừng cho an lạc của người; trong các thiền định mà có ý tưởng như trong địa ngục; ở trong sinh tử mà có ý tưởng như trong hoa viên; thấy người đến cầu xin mình mà có ý tưởng như gặp bậc thiện sư;[866] xả bỏ tất cả sở hữu mà có ý tưởng là đầy đủ Nhất thiết trí; thấy người phạm giới liền khởi ý cứu hộ; tưởng sáu Ba-la-mật là cha mẹ; tưởng các đạo phẩm là quyến thuộc; phát hành thiện căn không giới hạn; lấy sự trang nghiêm các quốc độ mà thành tựu cõi Phật của mình; hành bố thí vô hạn để cho đầy đủ ba mươi hai tướng tốt; trừ tất cả mọi điều ác để thanh tịnh thân, khẩu, ý; trôi lăn trong sinh tử vô số kiếp cũng không nhụt chí dũng mãnh; quyết tâm không mệt mỏi lắng nghe vô lượng công đức Phật; dùng kiếm trí tuệ phá giặc phiền não; siêu xuất uẩn, xứ, giới, để gánh vác chúng sinh khiến cho vĩnh viễn giải thoát;[867] lấy đại tinh tấn hàng phục ma quân; thường cầu thật tướng vô niệm, cầu trí tuệ;[868] đối với pháp thế gian mà hành thiểu dục tri túc, đối với pháp xuất thế gian mà mong cầu không chán nhưng vẫn không bỏ pháp thế gian;[869] không hủy hoại oai nghi mà vẫn tùy thế tục;[870] khởi trí huệ thần thông dìu dắt chúng sinh; được niệm tổng trì, không quên những điều đã nghe; biết rõ căn tính của chúng sinh khiến đoạn lìa nghi hoặc; bằng biện tài lưu loát mà diễn thuyết không trở ngại; thanh tịnh mười nghiệp đạo thiện, lãnh thọ phước báo của trời và người; tu bốn vô lượng để mở đường Phạm thiên;[871] khuyến thỉnh thuyết pháp, tùy hỷ tán dương việc thiện, để được âm thanh của Phật; khéo giữ thân, khẩu, ý để được oai nghi Phật; thâm tu thiện pháp cho sở hành càng siêu việt; bằng Đại thừa giáo mà thành Bồ-tát tăng;[872] tâm không phóng dật để chẳng mất các thiện đức.

“Hành trì Pháp như vậy là Bồ-tát không tận hữu vi.

“Thế nào là Bồ-tát không trụ vô vi? Tu học lẽ Không mà chẳng lấy Không làm chỗ chứng đắc; tu học Vô tướng, Vô tác mà không lấy Vô tướng, Vô tác làm sở chứng; tu học vô khởi[873] mà không lấy vô khởi làm sở chứng; quán vô thường mà không nhàm chán gốc thiện; quán thế gian là khổ mà không chán ghét tử sinh; quán vô ngã mà dạy người không mệt; quán Niết-bàn mà không vĩnh viễn tịch diệt; quán viễn ly mà thân tâm vẫn thường hành việc thiện; quán không có chỗ quy về[874] mà tâm vẫn quy về thiện pháp; quán vô sinh nhưng vẫn bằng sinh pháp mà gánh vác tất cả; quán vô lậu mà không đoạn trừ các lậu;[875] quán không có chỗ sở hành[876] mà vẫn hành pháp giáo hóa chúng sinh; quán Không mà không xả đại bi; quán chính pháp vị mà không theo lối Tiểu thừa;[877] quán các pháp hư vọng, không bền chắc, không người, không chủ, không hình tướng, nhưng vì bản nguyện chưa đầy nên không xem là hư dối các công đức, thiền định, trí huệ.

“Tu tập những pháp như vậy, gọi là Bồ-tát chẳng trụ vô vi.

“Lại nữa, vì để đầy đủ phước đức nên không trụ vô vi; vì để đầy đủ trí huệ nên không tận hữu vi. Vì đại bi, không trụ vô vi. Vì để viên thành bản nguyện, không tận hữu vi. Để gom tập pháp dược, không trụ vô vi; để tùy bệnh cho thuốc, không tận hữu vi. Vì biết bệnh của chúng sinh, không trụ vô vi; vì để diệt bệnh của chúng sinh nên chẳng tận hữu vi.

“Này các Chính sỹ, Bồ-tát sau khi đã tu pháp này, không tận hữu vi, không trụ vô vi; đó gọi là pháp môn giải thoát Tận Vô tận, các ngươi nên học”.

Bấy giờ, các Bồ-tát kia sau khi nghe thuyết pháp này, thảy đều hoan hỷ, dùng các loại diệu hoa đủ thứ hương sắc rải khắp thế giới ba nghìn đại thiên để cúng dường Phật và Kinh pháp này, cùng chư Bồ-tát. Sau đó, cung kính đảnh lễ chân Phật, tán thán là chưa từng được nghe rằng:
“Phật Thích-ca Mâu-ni đã có thể ở cõi này khéo léo thi hành phương tiện!”

Nói xong, hốt nhiên biến mất, trở về cõi kia.*

________________________________

CHƯƠNG MƯỜI HAI

THẤY PHẬT A-SÚC[878]

Bấy giờ Phật hỏi Duy-ma-cật:
“Ông muốn thấy Như Lai; nhưng ông quán Như Lai như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:
“Như tự quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy.[879] Con quán Như lai, tiền tế không đến, hậu tế không đi, hiện tại không trụ. Không quán sắc, không quán Như của sắc, không quán tính của sắc.[880] Không quán thọ, tưởng, hành, thức, không quán như của thức, không quán tính của thức. Không do tứ đại sinh khởi, đồng với hư không.[881] Sáu xứ không tích tập thành; đã vượt ngoài nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và tâm. Không ở trong ba cõi; đã lìa ba thứ cáu bẩn, thuận ba giải thoát môn, đầy đủ ba minh, cùng vô minh bình đẳng.[882] Không nhất tướng,[883] không dị tướng; không tự tướng, không tha tướng; không phải vô tướng, không phải thủ tướng. Khi giáo hóa chúng sinh Ngài không ở bên này, chẳng đến bên kia cũng không ở giữa dòng. Ngài quán sát lẽ tịch diệt mà không vĩnh viễn tịch diệt. Không là cái này cũng không là cái kia; không lấy đây, không lấy kia;[884] không thể lấy trí để biết; không thể lấy thức để nhận thức; không mờ, không sáng; vô danh, vô tướng; không mạnh, không yếu; không sạch, không nhơ; không ở phương nào cũng không xa lìa phương nào,[885] không phải hữu vi cũng không phải vô vi; không thể chỉ ra cũng không thể nói đến; không bố thí cũng không ích kỷ; không trì cũng không phá giới; không nhẫn cũng không sân; không tinh tấn cũng không giải đãi; không định, không loạn; không trí cũng không ngu; không thành thật cũng không lừa dối; không đến không đi, không vào không ra; dứt tuyệt tất cả con đường ngôn thuyết; không phải phước điền cũng không phải không là phước điền; không xứng đáng cúng dường cũng không phải không xứng đáng cúng dường; không thủ, không xả; không phải hữu tướng, không phải vô tướng, đồng với chân tế, bình đẳng với pháp tính; không thể định danh, không thể đo lường, vì vượt ngoài định danh và định lượng; không phải lớn, không phải nhỏ; không phải cái được thấy, không phải cái được nghe, không phải cái được tri giác, không phải cái được nhận biết; lìa mọi kết buộc, đồng đẳng với trí, đồng với chúng sinh; không phân biệt với các pháp; hoàn toàn không khuyết điểm; không vẩn đục, không phiền não, không tác, không khởi, không sinh, không diệt, không sợ, không lo, không mừng, không chán; không phải đã tồn tại, không phải sẽ tồn tại, không phải đang tồn tại; không thể bằng tất cả ngôn thuyết để hiển thị hay phân biệt.

“Bạch Thế tôn, thân Như lai như vậy, nên quán như vậy. Quán như vậy gọi là chính quán. Quán khác đi, gọi là tà quán”.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất hỏi Duy-ma-cật:[886]
“Ông thác ở đâu mà sinh lại chốn này?”

Duy-ma-cật hỏi lại:
“Pháp ngài đã chứng có thác, có sinh ư?”

Xá-lợi-phất đáp:
“Không thác, không sinh”.

Duy-ma-cật hỏi:
“Nếu các pháp không có tướng thác và sinh, sao ngài lại hỏi, ‘Ông thác ở đâu mà sinh lại chốn này?’ Như với nhà ảo thuật tạo ra các nam nữ ảo; chúng có thác có sinh không?”

Xá-lợi-phất đáp:
“Chúng chẳng thác chẳng sinh”.

“Ngài há không nghe Phật dạy, các pháp là tướng như huyễn ư?”[887]

Đáp:
“Có nghe”.

“Nếu hết thảy đều là tướng như huyễn, sao ngài lại hỏi, ‘Ông thác ở đâu mà sinh lại chốn này?’ Xá-lợi-phất, thác chỉ là pháp hư dối, thuộc tướng suy tàn và hoại diệt. Sinh cũng là điều hư dối, là tướng tương tục.[888] Bồ-tát tuy thác mà không dứt gốc thiện, tuy sinh vẫn không tăng trưởng các ác”.

Bấy giờ đức Phật bảo Xá-lợi-phất:
“Có một cõi tên Diệu hỷ,[889] có Phật hiệu là Vô Động.[890] Duy-ma-cật đã thác ở cõi đó để sinh lại nơi này”.

Xá-lợi-phất thưa với Phật: “Thật chưa từng có, bạch Thế tôn, người này chịu rời cõi thanh tịnh để đến thế giới đầy rẫy hận thù và nguy hại này!”

Duy-ma-cật hỏi Xá-lợi-phất: “Xá-lợi-phất, Ngài nghĩ thế nào, ánh mặt trời khi xuất hiện có hiệp cùng với bóng tối không?”

Xá-lợi-phất đáp: “Chỗ nào có ánh mặt trời thì không còn bóng tối”.

Duy-ma-cật hỏi: “Vì sao ánh mặt trời soi rọi cõi Diêm-phù-đề này?”

Xá-lợi-phất: “Đem ánh sáng soi rọi để xua tan bóng tối”.

Duy-ma-cật: “Bồ-tát cũng vậy, tuy sinh nơi cõi Phật bất tịnh để giáo hóa chúng sinh, nhưng không hiệp cùng sự ngu ám, mà chỉ để diệt trừ bóng tối phiền não của chúng sinh”.

Lúc ấy đại chúng ngưỡng vọng muốn chiêm bái đức Vô Động Như lai cùng các Bồ-tát và chúng Thanh văn cõi Diệu hỷ. Phật biết ý nghĩ của họ, bảo Duy-ma-cật:

“Này thiện nam tử, hãy vì đại chúng ở đây, hiện đức Vô Động Như lai cùng các Bồ-tát, chúng Thanh-văn ở cõi Diệu Hỷ cho họ được nhìn thấy”.

Duy-ma-cật tự nghĩ, “Ta hãy không rời chỗ ngồi này mà tiếp nhận cõi Diệu hỷ với dãy núi Thiết vi cùng đồi núi, sông, suối, khe, mạch, biển, Tu-di và các núi, và trời, trăng, sao, các cung điện của trời, rồng, quỷ thần, Phạm thiên; cùng các Bồ-tát, chúng Thanh văn, các thành phố, làng mạc, nam nữ già trẻ, cho đến đức Vô Động Như lai với cây bồ-đề và các tòa sen mầu nhiệm dùng để làm Phật sự trong khắp mười phương, cùng ba đường thềm báu[891] nối cõi Diêm-phù-đề với trời Đao-lợi[892] cho chư thiên xuống kính lễ đức Vô Động Như lai và nghe kinh, và con người lên đó chiêm bái chư thiên. Đó là vô lượng công đức thành tựu của thế giới Diệu Hỷ, từ trên đến A-ca-ni-tra, dưới đến tận ranh giới nước.[893] Ta dùng tay phải nâng lên dễ dàng như người thợ gốm nâng cái bàn xoay. Vào trong thế giới này như cầm tràng hoa mà đưa ra cho hội chúng nhìn thấy”.

Nghĩ xong, Duy-ma-cật liền nhập định, dùng thần thông lực nắm lấy cõi Diệu Hỷ bằng tay mặt đem đặt lên mặt đất này. Chư Bồ-tát, Thanh văn và thiên thần đã đắc thần thông lực ở cõi đó đều cất tiếng nói lớn:

“Bạch Thế tôn, ai đang mang chúng con đi? Xin Thế tôn cứu giúp”.

Phật Vô Động bảo:
“Không phải Ta làm, mà do Duy-ma-cật đang dùng thần thông lực làm ra”.

Còn những người chưa được thần thông đều không biết cũng không cảm thấy mình đang chuyển dịch. Thế giới Diệu hỷ tuy được mang về mặt đất vẫn không tăng không giảm, mà mặt đất cũng không bị chèn ép hay chật chội; y nguyên như cũ.

Bấy giờ, Phật Thích-ca Mâu-ni nói với đại chúng:
“Các ngươi có thấy thế giới Diệu hỷ của đức Vô Động Như lai, thấy sự trang nghiêm của cõi ấy, thấy hành tịnh của chư Bồ-tát và thanh bạch của đệ tử chăng?”

Đại chúng đồng thưa:
“Vâng, chúng con đã thấy”.

Phật dạy:
“Nếu Bồ-tát muốn được quốc độ Phật thanh tịnh như vậy, nên học theo đạo mà đức Vô Động Như Lai đã hành”.

Khi thị hiện cõi Diệu Hỷ này, mười bốn na-do-tha người đã phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác và nguyện được tái sinh ở thế giới Diệu hỷ. Phật Thích-ca Mâu-ni chứng nhận họ sẽ được tái sinh nơi cõi đó.

Khi đã làm xong Phật sự vì lợi ích của chúng sinh ở nơi quốc độ này rồi, thế giới Diệu hỷ được trả về chốn cũ, đại chúng đều trông thấy.

Bấy giờ Phật nói với Xá-lợi-phất:
“Ngươi có nhìn thấy thế giới Diệu hỷ và đức Vô Động Như lai chưa?”

Xá-lợi-phất đáp:
“Vâng, con đã thấy, bạch Thế tôn. Con ước nguyện hết thảy chúng sinh đều được quốc độ thanh tịnh như cõi Phật Vô Động và thần thông lực như của Duy-ma-cật. Bạch Thế tôn, chúng con thật sự được nhiều lợi ích khi được thân cận, cúng dường con người này. Chúng sinh nào hiện tại hay mai sau khi Thế tôn đã diệt độ mà được nghe Kinh này, thảy đều sẽ được lợi ích lớn; và càng lớn xiết bao khi nghe rồi tin hiểu, thọ trì hay đọc tụng, thuyết giảng, theo pháp đó mà tu hành. Ai tiếp nhận Kinh này là tiếp nhận kho tàng Pháp bảo. Nếu đem ra đọc tụng, giải nghĩa và theo đó mà tu hành tất sẽ được chư Phật thường xuyên hộ niệm. Ai cúng dường người này là cúng dường chư Phật. Ai sao chép, thọ trì kinh quyển này, nên biết, nhà của người ấy có Như lai ngự. Nếu khi nghe Kinh này mà tùy hỷ, người ấy ắt sẽ đạt Nhất thiết trí. Ai tin và hiểu kinh này, dù chỉ một bài kệ bốn câu trong đó, và đem giảng cho người khác nghe, nên biết, người ấy ắt sẽ được thọ ký thành A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề trong tương lai”.

________________________________

CHƯƠNG MƯỜI BA

CÚNG DƯỜNG CHÍNH PHÁP[894]

Lúc ấy Thích Đề-Hoàn Nhân đang ở trong hội chúng, thưa với Phật:
“Bạch Thế tôn, con đã từng nghe hàng trăm ngàn Kinh pháp do Thế tôn và Văn-thù-sư-lợi thuyết giảng, nhưng thật chưa từng được nghe kinh điển quyết định thật tướng, bất khả tư nghì thần thông tự tại như vậy.[895] Theo con hiểu ý nghĩa mà Phật nói, nếu chúng sinh nào được nghe Kinh pháp này mà tin hiểu, thọ trì, đọc, tụng, chắc chắn sẽ chứng đắc pháp ấy[896] không nghi; huống nữa theo pháp đó mà tu. Người đó ắt sẽ đóng kín các lối ác đạo, mở ra các cửa thiện, sẽ được sự hộ niệm của chư Phật, hàng phục ngoại đạo, đánh bại ác ma, vun trồng bồ-đề,[897] thiết đặt đạo tràng, đi theo bước chân Phật. Bạch Thế tôn, con và các quyến thuộc nguyện sẽ cúng dường, phụng dưỡng người nào thọ trì, đọc tụng và như thuyết tu hành. Bất cứ nơi nào, thành thị hay thôn quê, núi rừng hay hoang mạc, chỗ nào có kinh này, con và các quyến thuộc cũng nguyện đến đó để xin nghe và lãnh thọ pháp. Nếu có ai chưa tin kinh này con sẽ giúp họ phát lòng tin; ai đã có lòng tin con sẽ hộ vệ”.

Phật bảo:
“Lành thay, Thiên Đế, lành thay; như điều ông nói, Ta tán trợ tùy hỷ. Kinh pháp này quảng diễn A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề[898] bất khả tư nghị của chư Phật quá khứ, vị lai, và hiện tại.

“Cho nên, Thiên Đế, nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào thọ trì, đọc tụng và cúng dường kinh này, đó là cúng dường chư Phật quá khứ, vị lai, và hiện tại.

“Này Thiên Đế, giả như trong thế giới ba nghìn đại thiên có đầy Như lai nhiều như mía, tre, lau sậy, lúa, mè; mà nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào trải qua trọn kiếp hay gần một kiếp để cung kính, tôn trọng, tán thán, và cúng dường chư Phật này, cho đến khi chư Phật đã diệt độ, lại xây bảo tháp bảy tầng rộng lớn bằng bốn thiên hạ, cao đến cõi Phạm thiên, để phụng thờ toàn thân xá lợi Phật, với đầy đủ biểu tượng trang nghiêm; với tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, cờ phướn, âm nhạc vi diệu bậc nhất, trải qua một kiếp hay gần một kiếp cúng dường, này Thiên Đế, người đó có được nhiều phước đức không?”

“Bạch Thế tôn, thật nhiều, đến mức đếm trong cả trăm ngàn kiếp cũng chưa kể hết phước đức ấy”.

Phật dạy:
“Này Thiên Đế, ông nên biết, nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào, khi được nghe kinh Giải thoát bất khả tư nghị này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng và theo đó tu hành, thì phước đức còn nhiều hơn những người kia. Vì sao? Vì bồ-đề của chư Phật phát sinh từ Kinh pháp này. Mà tướng của bồ-đề thì chẳng thể định lượng, do nhân duyên ấy phước đức đó cũng chẳng thể định lượng”.

Phật nói tiếp:
“Trước đây vô lượng kiếp có đức Phật hiệu Dược Vương[899] Như lai, Ứng cúng, Chính biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sỹ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Thế giới của Ngài có tên Đại trang nghiêm,[900] kiếp tên là Trang nghiêm.[901] Phật thọ hai mươi tiểu kiếp. Thanh văn tăng có ba mươi sáu na-do-tha. Bồ-tát tăng có mười hai na-do-tha.

“Thiên đế, bấy giờ có vị Chuyển luân Thánh Vương tên Bảo Cái,[902] có đủ bảy báu, cai quản bốn thiên hạ. Vua có một ngàn con trai đoan chính, anh dũng, hàng phục mọi oán địch.

“Thuở ấy Thánh vương Bảo Cái và quyến thuộc đã tôn kính cúng dường đức Như lai Dược Vương, bố thí các tiện nghi an lạc, cho đến hết năm kiếp. Sau đó vua căn dặn một nghìn người con: ‘Các con nên bằng thâm tâm tôn kính cúng dường Phật như ta đã làm.’ Một nghìn người con phụng mạng vua cha, cúng dường đức Dược Vương Như lai cho đến hết năm kiếp nữa, bố thí tất cả phương tiện an lạc. Sau đó một trong những người con này là Nguyệt Cái,[903] lúc ngồi một mình, đã tự nghĩ: ‘Còn có sự cúng dường nào cao quý hơn sự cúng dường chúng ta đã làm không?’ Thần lực của Phật đã khiến một thiên thần trên không đáp: ‘Này thiện nam tử, cúng dường Pháp cao hơn hết thảy mọi sự cúng dường.’ Nguyệt Cái liền hỏi: ‘Cúng dường Pháp là thế nào?’ Thiên thần đáp: ‘Hãy đến hỏi đức Dược Vương Như lai, sẽ được giải thích đầy đủ.’

“Nguyệt Cái lập tức đến Dược Vương Như lai, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên, hỏi Phật: ‘Bạch Thế tôn, con nghe nói cúng dường Pháp là cao quý nhất trong các cách cúng dường; vậy thế nào là cúng dường Pháp?’

“Phật đáp: ‘Này thiện nam tử, cúng dường Pháp là, đối với kinh điển sâu xa do chư Phật thuyết giảng, khó tin và khó tiếp nhận đối với hết thảy thế gian, vi diệu khó thấy, thanh tịnh vô nhiễm, không thể lấy tư duy phân biệt mà hiểu được; nó là bảo vật trong kho Pháp tạng của Bồ-tát, in bằng dấu ấn đà-la-ni;[904] dẫn đến bất thối chuyển, thành tựu sáu độ, khéo phân biệt nghĩa, thuận với pháp bồ-đề,[905] là Kinh tối thượng; giúp người vào đại từ, đại bi, xa lìa các ma sự và tà kiến, thuận với pháp nhân duyên,[906] vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ mạng,[907] không, vô tướng, vô tác, vô khởi;[908] hay dẫn chúng sinh đến ngồi nơi Đạo tràng mà chuyển pháp luân; được các Trời, Rồng, Càn-thát-bà, đồng ca ngợi; hay đưa chúng sinh vào kho tàng Chính pháp của chư Phật,[909] thâu đạt hết thảy trí huệ của Thánh Hiền, chỉ dạy con đường sở hành của chúng Bồ-tát; y trên nghĩa thật tướng của các pháp mà thuyết minh nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và tịch diệt;[910] có thể cứu người hủy phạm giới cấm; khiến cho chúng ma, ngoại đạo và người tham trước[911] sinh sợ hãi; được chư Phật và Thánh Hiền ngợi ca; vì quét sạch nỗi khổ sinh tử, chỉ niềm vui Niết-bàn mà chư Phật trong mười phương, ba đời từng thuyết giảng.

“Nếu nghe xong kinh này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, vì chúng sinh diệu dụng phương tiện để giảng giải cho họ tỏ tường, vì thủ hộ Pháp,[912] như vậy gọi là cúng dường Pháp.

“Lại nữa, theo các Pháp đã được thuyết giảng mà tu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên,[913] xa lìa tà kiến, thành tựu vô sinh nhẫn, khẳng quyết tính vô ngã và vô chúng sinh mà đối với nhân duyên, quả báo, thì không trái, không tranh cãi, lìa các ngã sở; y nghĩa lý chứ không y ngữ ngôn, y trí chứ không y thức, y kinh liễu nghĩa chứ không y kinh không liễu nghĩa; y pháp chứ không y người thuyết pháp;[914] tùy thuận theo pháp tướng, không chỗ sở nhập, không chỗ sở quy,[915] vô minh rốt ráo diệt, cho nên các hành cũng rốt ráo diệt, cho đến sinh rốt ráo diệt cho nên già-chết cũng rốt ráo diệt. Quán sát như thế, mười hai nhân duyên không có tướng tận cũng chẳng có tướng khởi. Đó là pháp cúng dường tối thượng”.

Đoạn Phật bảo Thiên đế:
“Sau khi nghe Pháp này từ đức Dược Vương Như lai, Vương tử Nguyệt Cái đắc nhu thuận nhẫn,[916] liền cởi tấm bảo y và các bảo vật trang sức trên người, dâng cúng Phật:
“Bạch Thế tôn, sau khi Ngài diệt độ, con sẽ cúng dường pháp để giữ gìn bảo vệ Chính pháp. Nguyện oai thần của Phật giúp con đứng vững, hàng phục chúng Ma, tu Bồ-tát hạnh”.

“Phật Dược Vương biết rõ những điều tâm niệm trong thâm tâm ấy nên đã thọ ký cho Vương tử:
“Sau này, cho đến tận cùng, ngươi sẽ là người bảo vệ giữ gìn thành trì Chính pháp.

“Này Thiên Đế, bấy giờ Nguyệt Cái được thấy sự thanh tịnh của pháp, nghe Phật thọ ký, bèn với tín tâm mà xuất gia, tu tập thiện pháp, tinh tấn, không lâu đã đắc năm thần thông lực, thành tựu Bồ-tát đạo, đạt được đà-la-ni, biện tài không đoạn tuyệt. Sau khi Phật Dược Vương nhập diệt, Bồ-tát ấy bằng các khả năng thần thông, tổng trì, biện tài đã chứng đắc, trải trong mười kiếp tròn đầy, phân bố pháp luân mà Dược Vương Như lai đã chuyển. Tỳ-kheo Nguyệt Cái, bằng sự thủ hộ Chính pháp, ân cần tinh tấn, liền ngay nơi bản thân ấy mà giáo hóa khiến trăm vạn ức người không thối chuyển đối với Vô thượng chính đẳng chính giác, chuyển hóa mười bốn na-do-tha người phát thâm tâm cầu quả vị Thanh văn và Bích-chi-Phật, cùng vô lượng chúng sinh được tái sinh thiên giới.

“Này Thiên Đế, vua Bảo Cái thuở ấy há là ai khác chăng? Hiện Ngài đã thành Phật, hiệu là Bảo Viêm[917] Như Lai, và một ngàn người con của Ngài là một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp này, mà vị đầu tiên là Phật Ca-la-cưu-tôn-đà[918] và vị cuối cùng là Phật Lâu-chí.[919] Tỳ-kheo Nguyệt Cái lúc ấy nay chính là Ta.

“Như vậy, Thiên Đế, nên biết điều cốt yếu này: cúng dường Pháp, là tối thượng, tối tôn, bậc nhất không thể so sánh trong các sự cúng dường. Cho nên, này Thiên Đế, hãy lấy Pháp mà cúng dường chư Phật”.

________________________________

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

CHÚC LỤY

Bấy giờ Phật nói với Bồ-tát Di-lặc:
“Này Di-lặc, nay ta đem Pháp giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác đã tập thành trong vô lượng kiếp phó chúc cho ông. Vào thời mạt thế,[920] sau khi Phật diệt độ, ông nên dùng khả năng thần thông để giảng truyền rộng rãi những kinh như vậy nơi cõi Diêm-phù-đề, chớ để bị đoạn tuyệt. Vì sao? Vì sau này sẽ có những thiện nam, tín nữ cũng như chư thiên long, quỷ thần, càn-thát-bà, la-sát phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác, hâm mộ đại pháp. Nếu để cho họ không được nghe những kinh như vầy, sẽ mất nhiều lợi ích. Những hạng người như vậy, khi nghe kinh điển như vậy, tất sẽ nhiều tín thọ, sinh tâm hy hữu, vì họ yêu thích và tin tưởng các kinh này, thành kính đội lên đầu mà thọ nhận, rồi tùy theo chỗ thích ứng của chúng sinh, vì sự ích lợi mà quảng diễn.

“Này Di-lặc, nên biết có hai dấu hiệu của Bồ-tát:[921] thứ nhất, ưa thích trang sức văn từ hoa mỹ. Thứ hai, không e sợ diệu nghĩa thậm thâm, mà có thể thâm nhập một cách như thực. Hạng ưa thích trang sức văn từ hoa mỹ, nên biết, đó là hàng Bồ-tát tân học. Nếu được nghe kinh điển vô nhiễm, vô trước, thậm thâm như vậy mà không kinh sợ; sau khi nghe rồi bằng tịnh tâm mà thọ trì, đọc tụng, như thuyết tu hành, nên biết, đó là hạng Bồ-tát tu tập đạo hạnh đã lâu.

“Di-lặc, lại có hai pháp mà hàng Bồ-tát gọi là tân học chẳng thể quyết định nơi Pháp sâu xa.[922] Hai pháp đó là gì? Một là, pháp chưa từng được nghe, mà khi nghe rồi lại kinh sợ, sinh nghi ngờ, không thể tùy thuận, sinh tâm hủy báng, cho rằng ‘Trước đây tôi chưa từng nghe pháp ấy; chẳng biết pháp ấy ở đâu ra?’[923] Thứ hai, nếu có người hộ trì, giải thuyết kinh điển sâu xa như vậy, lại không khứng thân cận, cúng dường, cung kính, hoặc có khi bới móc tìm lỗi người.[924] Ai có hai pháp này, nên biết, đó là Bồ-tát tân học, chỉ tự làm hại mình, không thể điều phục được tâm mình ở trong thâm pháp.

“Này Di-lặc, lại có hai pháp,[925] mà Bồ-tát tuy có tín giải thâm pháp nhưng vẫn tự làm tổn thương mình nên không thể chứng đắc vô sinh pháp nhẫn. Hai pháp gì? Một là, khinh mạn Bồ-tát tân học mà không chịu chỉ dạy.[926] Hai là, dù tin, hiểu diệu pháp mà vẫn còn phân biệt chấp thủ tướng”.[927]

Bồ-tát Di-lặc nghe Phật thuyết giảng xong, liền nói:
“Bạch Thế tôn, thật hy hữu, chưa từng được nghe. Như lời Phật dạy, con sẽ lìa xa các sự xấu ác này để phụng trì pháp giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác mà Như Lai đã kết tập từ vô lượng kiếp. Trong đời tương lai, nếu có người thiện nam tín nữ nào cầu học Đại thừa, con sẽ khiến họ có được kinh này trong tay, giúp cho niệm lực khiến thọ trì, đọc tụng và giảng giải rộng khắp cho mọi người.

“Bạch Thế tôn, trong thời mạt thế sau này, nếu có ai thọ trì, đọc tụng và quảng diễn kinh này, nên biết người đó sẽ được xác lập bởi thần lực của Di-lặc“.

Phật nói:
“Lành thay, Di-lặc, lành thay! Như lời ông nói, Phật tán thán sự tùy hỷ của ông”.

Lúc bấy giờ tất cả Bồ-tát đồng chắp tay bạch Phật:
“Sau khi Thế tôn diệt độ, chúng con[928] sẽ truyền giảng pháp giác ngộ tối thượng này rộng khắp mười phương quốc độ, và chỉ dẫn những người thuyết Pháp thấu hiểu nghĩa kinh”.[929]

Bốn vị Thiên vương cũng đồng bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, bất cứ ở đâu, thành thị hay thôn quê, núi rừng hay hoang mạc, mà có kinh này và có người đọc tụng, thuyết giảng, thì chúng con nguyện đưa hết thảy quan quân đến nghe và ủng hộ người đó sao cho trong vòng một trăm do-tuần không ai dám đến quấy phá”.

Khi ấy, Phật bảo A-nan:
“Này A-nan, hãy thọ trì và truyền bá rộng rãi kinh này”.

A-nan đáp: “Vâng, bạch Thế tôn, con đã ghi nhớ pháp yếu này. Thế Tôn, nên gọi tên kinh là gì?”

Phật dạy:
“A-nan, kinh này được gọi là ‘Duy-ma-cật sở thuyết’, cũng ‘Pháp môn giải thoát bất khả tư nghị’, hãy như vậy mà thọ trì”.[930]

Phật nói kinh này xong, trưởng giả Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi, Xá-lợi-phất, A-nan, chư thiên, loài người, A-tu-la và hết thảy đại chúng nghe những điều Phật dạy, thảy đều đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

________________________________

Sách dẫn

A-ca-ni-tra, 265
A-hàm, 49, 115
ái kiến, 155, 156
A-la-hán, 105, 181, 182
a-lại-da, 90, 165, 256
A-lại-da
ālaya, 165, 275
a-luyện-nhã, 140
Am-la, 245
Am-la thọ viên, 53
am-ma-lặc, 111
Amrapālī, 26, 54
A-na-hàm
Bất lai, 179
A-na-luật
Anirudha, 110, 111
A-nan
Ānanda, 117, 118, 119, 245, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 282, 283
A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề, 251
A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, 267, 270
vô thượng chính đẳng chính giác, 122
animitta
vô tướng, 71
āśaya
Thâm tín; Ý lạc, 77, 183
a-tăng-kỳ, 166, 167, 174
A-tu-la, 63, 170
ba giải thoát môn, 71, 226, 260
ba luật nghi, 227
ba minh, 91, 103, 260
Ba minh, 130
ba mươi bảy đạo phẩm, 91
Ba mươi bảy đạo phẩm, 75
Bạch y, 86
ba-la-mật, 39, 66, 73, 84, 91, 131, 138, 160, 183, 208, 209
Bà-la-môn, 63, 88, 89, 117, 137, 141, 236
bản nguyện, 22, 199, 257
Bảo Tích
cư sĩ, Ratnarāśi, 43
cư sỹ Bảo Tích, 29, 54, 59, 64, 65, 71, 73, 76, 77, 80
Bảo Trang Nghiêm
Phật, 79
Bảo Viêm
Như lai, 277
Bất cộng pháp, 69
bất cộng tướng, 69
bất động hành, 227
bất khả tư nghị, 28, 43, 88, 169, 173, 175, 192, 194, 247, 251, 252, 269, 270, 271, 282, 283
bát nạn
tám nạn/ nan, 75, 116
Bát nhã, 38
bất nhị, 28, 31, 32
advaita, 22, 41, 152, 181, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 227, 228, 229, 230
bất thiện pháp, 141
Bất thọ chư pháp, 81
bất thối chuyển, 121, 122, 193, 199, 273
Bất thối luân, 56
bất tránh, 125
bất tư nghị, 21, 22, 31, 33, 40, 42, 70, 83, 175
bất tư nghị giải thoát, 33, 40
bất tùy tha duyên, 203
bát vô hạ, 76, 105
Bạt-kỳ, 25, 36
Bát-nhã, 31, 32, 33, 83, 123, 134, 208
bát-nhã ba-la-mật, 138
Bát-niết-bàn, 106, 124
bảy giác phần, 161
Bích-chi-phật, 102, 123, 169, 192, 203
biện tài vô ngại, 84, 114
biện thuyết vô ngại, 83
biệt giải thoát, 240
Bimbisāra, 26
bồ đề tâm, 73, 208
bố thí ba-la-mật, 39, 40, 138
bổ-đặc-già-la, 90, 96, 274
Bồ-đề, 123, 125
Bồ-đề đạo tràng, 212
bồ-đề tâm, 39, 42, 72, 76, 77, 210
Bồ-đề tâm, 50, 73, 217
bốn đại, 133, 149, 151, 260
bốn đại chủng, 89, 90, 225
Bốn nhiếp pháp, 129
bốn niệm xứ, 161
bốn vô sở úy, 130
Bồ-tát đạo, 28, 30, 162, 277
Bồ-tát hạnh, 159, 276
Bồ-tát sơ tâm, 168
Bồ-tát tân học, 280, 281
Bồ-tát tướng, 280
Bồ-tát Văn-thù
Văn-thù-sư-lợi, 31
Ca-diếp
Ma-ha-ca-diếp, 35, 99, 101, 104, 173, 174
Ca-la-cưu-tôn-đà
Như lai, 277
Ca-lâu-la, 63
Cam lộ, 67, 212
cam-lộ, 67
Càn-thát-bà, 63, 69, 274
Cát Tạng, 20, 30
Chân đế, 129
Chân Đế
tác giả, 30
Chân như, 74, 123, 124, 126
Chi Khiêm, 9, 10, 11, 14, 19, 23, 163
Chi Mẫn Độ, 10, 11
chỉ tức, 73, 77
Chiêm-bặc, 192
chính cần, 55, 75, 161
chính đạo, 65, 75, 101, 161, 205, 210, 229, 240
Chính đạo, 51, 229
chính định tụ, 74
chính niệm, 85, 87, 185, 203, 253
Chính Pháp, 54, 116, 135, 192
chính vị, 122, 159, 206, 248, 256
Chúng hương
Sarvagandhasugandha, 231, 234, 238, 247, 252
chúng sinh cấu, 96
Chuyển luân Thánh vương, 172
Chuyển luân vương, 47, 50, 115
chuyển pháp luân, 162, 274
Cưu-ma-la-thập
La Thập, 9, 11, 19, 43
Đa-đà-a-già-độ
Tathāgata, 251
Đại bi, 51, 237
Đại chúng bộ, 36
đại sư ngoại đạo, 104
Đại thí chủ, 141
Đại Thiện Hiện, 102
Đại thừa Bồ-tát, 29, 30
Đại trí, 51, 89, 190
Đại tỳ-bà-sa, 182
đà-la-ni, 204, 273, 277
Đạo tràng, 128, 212, 274
Đao-lợi
Trayastrimsa, 80, 264, 265
Trayastriṃsa, 25
Đâu-suất, 33, 121
Dạ-xoa, 63, 69
Đế Thích, 56, 85, 88, 131, 132, 144, 172, 192, 193, 246
Diêm-phù-đề, 167, 168, 264, 265, 279
Điên đảo tưởng, 187
diệt tận định, 33, 93, 94, 179, 248
Diệu hỷ, 263, 266
Diệu Hỷ
cõi, 259, 264, 265, 266
điều phục, 55, 72, 76, 114, 138, 153, 156, 169, 170, 239, 281
diệu thiện gia hành, 77
điều thuận nhẫn, 85
Di-lặc
Maitreyä Bồ-tát Di Lặc, 33, 37, 62, 121, 122, 123, 124, 128, 279, 280, 281
du hí thần thông, 28, 83
du hý thần thông, 143
Dự lưu hướng, 248
Dục giới, 121, 179, 227, 237
du-già sư địa, 140
Dược Vương
Như lai, 271, 272, 273, 276, 277
Duy thức, 96
duyên khởi, 57, 130, 159, 274, 275
Duyên khởi, 130
Duy-ma-cật
Tịnh Danh, 121, 239
giác chi, 75, 138, 209
Giác đạo thành, 67
giải thoát, 75, 97, 101, 107, 110, 113, 175, 189, 190, 191, 253
giải thoát bất tư nghị, 163
giải thoát tri kiến, 238, 251
Giáo thọ, 211
giới ba-la-mật, 138
hạ liệt tâm hành, 237
hàng ma lao oán, 84
hành
vihāra, 67, 160, 164, 181, 182, 183, 209, 222, 239
hành tướng, 71, 111, 137, 138
Hiền kiếp, 277
Hiền Thánh Tăng, 101
Hoa Nghiêm, 62, 227
Hóa nhân, 106, 180
hoại hòa hiệp tướng, 100
Hương Tích
Gandhottamakūṭa, 231, 232
Gandhottamaūṭa, 231, 233, 235, 238
hữu ái, 146
bhavatṛṣṇa, 103, 205
hữu lậu, 139, 154, 205, 222, 240, 274
hữu phan duyên, 154
hữu sở đắc, 228
hữu vi, 81, 115, 118, 129, 138, 166, 240, 253, 255, 257, 261
Huyễn sĩ, 98
Huyền Trang, 13, 14, 16, 19, 26, 31, 54, 96, 145, 149, 163, 208, 274
Kaśyapa
Ca-diếp, 59
kết sử, 54, 70, 125, 179, 182, 189, 207
Kết tặc, 182
Khẩn-na-la, 63
Không tịch, 70
Khuy Cơ, 14, 16, 20, 94, 101, 103, 124, 125, 128, 133, 145, 149, 192, 201, 205, 206, 208, 209, 210, 211, 213, 216, 221, 223, 232, 237, 238, 248, 253, 256, 274, 275, 276
kiến chấp, 57, 95, 104, 115, 125, 148, 159, 275
Kiến đế, 103
Kiến văn giác tri, 166
Kim cang Bát-nhã, 39
kinh Pháp hoa, 31
La Thập
Cưu-ma-la-thập, 29
Kumarajīva, 31
La-hầu-la
Rāhula, 114, 115
lậu tận ý giải, 81
Loa Kế
Phạm thiên, 78
Ma Ba-tuần
Māra-Pāpīyas, 131
Ma-ha Ca-chiên-diên, 109, 110
Ma-ha Ca-diếp
Ca-diếp, 99, 207
Ma-hầu-la-già, 63
Maitreya
Di-lặc, 62, 121
Mañjuśrī
Văn-thù-sư-lợi, 62, 143
Mục-kiền-liên
Mahāmaudgalyāna, 95
mười lực, 58, 91, 130, 161
mười tám bất cộng, 58
Mười thiện pháp, 241
Na-la-diên, 204, 223
năm căn, 72, 116, 161
năm dục, 133
Nan Thắng Như Lai, 142
Nạn xứ, 239
năng hành nan hành, 49
Não nhuế, 202
não xứ, 205
ngã mạn, 88
ngã sở, 81, 91, 97, 116, 152, 220, 275
nghiêm tịnh Phật độ, 77
ngoại đạo, 67, 111, 116, 118, 136, 137, 270, 275
ngoại kiến, 154
Ngũ cái
năm chướng cái, 205
ngũ nghịch, 103
Ngũ thông tiên nhân, 217
Ngũ trược ác thế, 234
Nguyệt Cái, 236, 273, 276, 277
Nhẫn nhục, 74, 129
Nhất sinh bổ xứ, 248
Nhất thiết đức tạng, 239
nhất thiết trí, 123, 131, 138, 159
Nhất thiết trí, 207, 225, 253, 267
nhất tướng, 103, 141, 221, 226, 260
nhị nguyên, 112, 123, 152, 224, 227, 228
Nhị thừa, 21, 67, 150
nhiếp pháp, 75, 139, 242, 253
nhiếp sự, 75, 139, 183
nhiếp tâm, 74, 210
nhiếp thọ, 72, 75, 115, 131, 134, 138, 159, 274, 275
nhiếp thủ, 138, 165
Như Lai, 79, 185
Như lai chủng, 205
Như lai sở hóa, 197
nhu thuận nhẫn, 276
Nhu thuận nhẫn, 276
nhu thuận pháp nhẫn, 80
niệm xứ, 75
Niết-bàn, 32, 35, 36, 37, 41, 42, 49, 54, 56, 67, 95, 99, 100, 101, 103, 106, 115, 122, 124, 149, 152, 158, 164, 179, 183, 204, 223, 228, 256, 275
Nikāya, 49
nội kiến, 154
nội xứ, 126, 133
núi Tu-di, 63, 64, 108, 169, 207, 238
Phạm hạnh, 76, 86
Phạm thiên, 63, 78, 85, 88, 111, 137, 144, 160, 167, 192, 193, 214, 255, 264, 271
Phan duyên, 127
pháp bất cộng, 92, 130, 251
pháp nhãn, 107, 166
pháp nhẫn bất khởi, 55
Pháp thân, 21, 64, 91, 118, 260
pháp thí, 15, 38, 137, 182, 274
Pháp thí, 137, 141, 142
pháp vô tránh, 140
Phật Đăng Minh, 22
phiền não ma, 159
Phú-lâu-na, 107, 108
phước hành, 227
phương tiện, 88, 89, 94, 155, 156, 157, 203
phương tiện ba-la-mật, 213
phương tiện thiện xảo, 55, 85, 88, 134, 144, 169, 203
quả A-la-hán, 27, 37, 39
quán hạnh, 98
Quang minh quốc độ, 142
Quang Nghiêm Đồng tử
Prabhāvyūha, 127
quốc gia Phật hóa, 48
quốc gia Phật tính, 48
Sắc giới, 202, 237
Sa-ma-đà
Xa-ma-tha, 66
sát na, 122
sáu Ba-la-mật, 193, 254
sáu nội xứ
sáu nhập; sáu căn, 205
sáu thông, 91
Siddhārtha, 26
sở duyên, 96, 124, 133, 165
sở hành, 57, 98, 125, 158, 159, 160, 161, 162, 165, 218, 251, 252, 255, 256
Sơ phát tâm Bồ-tát, 248
Sơ quả, 104
sư quyển, 183
tà kiến, 57, 96, 104, 105, 157, 159, 214, 240, 274, 275
Ta-bà thế giới
Saha-loka-dhātu, 233
tài thí, 38, 137
Tài thí, 38
tâm bản tịnh, 113
Tam đạo bảo giai, 264
tâm hành, 110, 126, 148
Tâm hồi hướng, 75
tam muội, 28, 39, 91, 161, 239
tám nạn, 105, 241
Tam thiên giới, 69
Tam-miệu-tam-Phật-đà
Samyaksambuddha, 251
tam-muội, 108, 111, 231, 239
Tận vô tận vô ngại, 253
Tăng Hựu, 9, 10, 11
Tăng nhất A-hàm, 265
tăng thượng mạn, 31, 191
tăng thượng ý lạc, 77
Tăng Triệu, 11, 12, 13, 14, 19, 211, 248, 253
tập khí, 57, 117, 126, 179, 189
tạp nhiễm, 101, 105
tát-ca-da kiến
thân kiến, 103, 179, 205
tham trước, 96, 125, 275
thân kiến
hữu thân kiến, 96, 103, 179, 207
thần lực pháp bất cộng, 69, 70
thần túc, 75, 80, 161, 235
thắng bồ-đề, 67
thắng pháp, 87
Thanh Biện, 55, 58, 60, 67
Thánh căn hành, 72
Thánh đế, 103, 129, 159, 206, 248
Thánh quả, 32, 103
thanh tịnh diệu công đức, 77
thanh tịnh diệu hành, 77
thanh tịnh diệu phước, 77
thanh tịnh diệu trí, 77
thanh tịnh hữu tình, 77
thanh tịnh pháp giáo, 77
thanh tịnh tự tâm, 77
Thanh văn, 95, 237
Thập sự thiện pháp, 241
Thất thức trụ, 205
thế giới Ta-bà, 48, 233, 234, 235
Thích-ca-mâu-ni, 111
Thiên đế, 63, 265, 272, 276
Thiên Đế, 270, 271, 276, 277, 278
Thiện Đức, 136
Thiền duyệt, 86
Thiện gia hành, 73
thiện hữu tưởng, 254
thiện lai, 145
thiên ma, 159
thiện nghiệp đạo, 74, 205
thiên nhãn, 111, 260
thiện quán sát, 77
thiện quyền phương tiện, 75, 84
thiện sư tưởng, 254
Thiên thai tông, 31
Thiện tịch, 127
thiểu dục tri túc, 254, 255
Thi-khí
Đại Phạm thiên, 63
thọ hành, 67, 69
thọ mạng, 90, 96, 251, 274
thọ, tưởng, hành, thức, 164, 260
thủ uẩn, 110, 205, 226
thuận pháp nhẫn, 107, 276
Thường lạc viễn ly, 86
thường tịch nhiên, 68
Thượng tọa bộ, 36
tì-bát-sa-na
Quán, 66
tịch diệt cam lộ, 67
Tịnh danh huyền luận, 30
tịnh độ, 48, 49, 50, 51, 71, 73, 74, 75, 76, 79, 213, 242
tính Không
tánh Không, 97, 147, 148, 153, 182
tịnh mạng, 139, 211
Tịnh mạng, 139, 150
tịnh Phật quốc độ, 40, 41, 43, 51
Tinh tấn, 74, 129
tinh tấn ba-la-mật, 138
tội hành, 227
tối thượng tịch tĩnh, 67
tông dụng, 40
tông thể, 40
tổng trì, 55, 83, 204, 251, 252, 255, 273, 277
Trí chứng, 100
Trì giới, 74, 128
Trí Khải
đại sư, 19, 20, 31, 42
Trì Thế, 131
Trúc Đạo Sinh, 30
Trúc Pháp Hộ, 10, 11
Trúc Thúc Lan, 10, 11
Trung A-hàm, 178
Trung kiếp, 214
Trường A-hàm, 80, 129, 148
tứ đại, 63, 225, 260
Tứ đại, 149, 169
tử ma, 159
Tự Tại thiên cung, 78
Tứ thiên vương, 88, 192
Tu-bồ-đề
Subhūti, 39, 102, 103, 104, 106, 123
Tư-đà-hàm, 123
Tu-đà-hoàn, 123, 179
Tu-di
núi, 56, 68, 167, 168, 169, 170, 264
Tu-di Đăng Vương
Merupradīparājä Phật, 167, 168
Tuệ phương tiện
prajñāsaṃgṛhīta upayo, 156
tuệ vô lậu, 85
Tùy thuận, 125
Tuyệt đối thể, 41
Tỳ-da-ly, 22, 25, 53, 85, 236
Vaisālī, 83, 115, 128, 144, 167, 168
uẩn, 91
uẩn ma, 159
Ưu-ba-li
Upāli, 112, 113, 114
Văn-thù-sư-lợi
mañjuśrī, 62, 143, 144, 145, 147, 149, 150, 154, 157, 158, 162, 166, 167, 180, 183, 184, 185, 186, 187, 201, 204, 205, 206, 207, 229, 230, 232, 233, 243, 245, 246, 269, 283
Vimala, 27, 83
Vimalakīrti, 29
Duy-ma-cật, 29, 30, 31
Vô biên từ, 181
Vô Cấu Xưng
Tịnh Danh, 30, 53, 83, 283
Vô Động
A-súc Phật, 263, 264, 265, 266, 267
vô gián, 103, 126, 202, 207
vô lậu, 110, 118, 126, 139, 164, 180, 222, 240, 256
vô lượng tâm, 74, 160
vô minh, 42
avidyā, 103, 130, 146, 202, 205, 224, 241, 260, 275
vô ngã, 50, 56, 90, 103, 109, 110, 130, 138, 149, 151, 172, 182, 224, 256, 274, 275
vô nguyện, 71, 97, 139
vô sắc tướng, 148
vô sinh pháp nhẫn, 80, 83, 121, 127, 199, 230, 243, 248, 281
vô sở đắc, 55, 154
vô sở hành, 256
Vô sở khởi, 181
vô sở trụ, 70, 95, 187
vô sở úy, 56, 58, 70, 83, 84, 92
vô tác, 97, 156, 160, 227, 250, 256, 274
Vô tác, 139, 156, 160, 226, 256
Vô tận đăng, 135, 136
vô thượng chính đẳng chính giác, 80, 112, 116, 162, 173, 197, 198, 206, 207, 266, 279, 281
vô tránh tam muội, 39, 105
Vô tránh tam-muội, 105
vô tướng, 21, 56, 97, 165, 196, 221, 222, 260, 274
Vô tướng, 71, 97, 138, 156, 160, 226, 256, 273
Vô tỷ, 127
vô úy
pháp, 38, 56, 58, 144, 161, 208, 213, 235, 251
vô úy thí, 38
vô vi, 21, 27, 65, 111, 115, 118, 166, 206, 222, 223, 226, 240, 250, 253, 256, 257, 261
vô-trụ, 187
Xá-lợi-phất, 33, 42, 77, 78, 79, 80, 93, 94, 95, 163, 164, 166, 168, 169, 170, 171, 172, 173, 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 197, 198, 199, 231, 237, 246, 247, 262, 263, 264, 266, 267, 283
xa-ma-tha
sa-ma-đà, 66
ý lạc
a-thế-da, 56, 57, 65, 66, 73, 76, 77, 84, 108, 128, 139, 181, 183, 211, 212

________________________________

BẢNG VIẾT TẮT

Câu-xá A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận, T 29 No 1558
cf confer, Tham chiếu, so sánh
Ckh. (bản dịch của) Chi Khiêm
cht. chú thích
D. Dīgha-nikāya, Trường bộ kinh
Đại. Đại chánh tân tu Đại tạng kinh, Taisho
đd đã dẫn
Dh, Dhp Dhammapada, kinh Pháp cú
Du-già Du-già sư địa luận, T 30 No 1579
Htr. (bản dịch của) Huyền Trang
ibid. ibidem, cùng chỗ đã dẫn, đã dẫn, dẫn thượng
Lth. (bản dịch của) Cưu-ma-la-thập
nt như trên
Pl. Pāli
Sđd. Sách đã dẫn
Skt. Sanskrit
Sn Suttanipata
T Taisho, bản Đại chính, theo số quyển
Tăng nhất Tăng nhất A-hàm
Tập dị Tập dị môn túc luận, T 26 No 1536
Tì-bà-sa A-tì-đạt-ma Đại tì-bà-sa luận, T 27 No 1545
TL. Tây lịch
tr. trang
Vin. Vinaya, Luật tạng Pāli

________________________________________

[1]Tăng Hựu, Xuất Tam tạng ký tập (445-518), T55n2145, tr. 6c14: «Duy-ma-cật kinh», 2 quyển, khuyết.

[2] Tăng Hựu, nt., T55n2145, tr. 8c16: San Duy-ma-cật kinh, 1 quyển 刪維摩詰經一卷, Sa-môn Trúc Pháp Hộ 沙門竺法護.

[3] Tăng Hựu, nt., T55n2145, tr. 9c12: Dị Duy-ma-cật kinh, 3 quyển 異維摩詰經三卷, Trúc Thúc Lan 竺叔蘭.

[4] Tăng Hựu, nt., T55n2145, tr. 10a11: Hiệp Duy-ma-cật kinh, 5 quyển 合維摩詰經五卷, Sa môn Chi Mẫn Độ 沙門支敏度.

[5] Pháp Kinh, Chúng kinh mục lục (594), T55n2146, tr. 119a9.

[6] Tăng Hựu, nt., T55n2145, tr. 58b21.

[7] Tuệ Hạo, Cao tăng truyện, quyển 6, T50n2059, tr. 357c13.

[8] Xem bài tựa của Tăng Triệu.

1 Xem bản dịch, chương I Quốc độ Phật, cht. 3.

2 Mahāparinibbāna-suttanta, D.ii. tr. 96: yesaṃ, bhikkhave, bhikkhūnaṃ devā Tāvatiṃsā adiṭṭapubbā, aloketha, bhikkhave, Licchaviparisaṃ. “Này các tỳ kheo, những tỳ kheo nào chưa nhìn thấy các thiên thần Tāvatiṃsa, các ngươi hãy nhìn chúng Licchavī.”

[11] Pàli: Ambapālī, hay Ambapālikā. Hán, phiên âm: Am-bà-bà-lị; Huyền Trang: Yêm-một-la nữ; dịch nghĩa: Nại nữ, cô gái vườn xoài.

[12] Skt., Pāli: Bimbisāra, Hán, phiên âm: Tần-bà-sa-la, hoặc Tần-tỳ-sa-la; vua nước Ma-kiệt-đà (Magadha).

[13] Tài liệu Hán, Xuất diệu kinh, T. 212, đó là y sỹ Kỳ-bà, cũng là con trai một kỹ nữ ở thành Vương xá. Theo tài liệu Pāli, Kỳ-vực tức Jīvaka-Komārabhacca cũng là con một kỹ nữ ở Rājagaha tức Vương xá, nhưng mẹ là Sālavatī và cha là Abhayarājakumāra (Vương tử Vô Úy). – Dictionary of Pāli Proper Names.

[14] Tức trưởng lão Vimala-Koṇḍañña, A-la-hán, thi kệ được chép trong Theragathā, bài số 64.

[15] T. 1775, tr. 327b.

[16] Chỉ 500 vị công tử dẫn đầu bởi Bảo Tích (Ratna-rāśi), giới thiệu trong phẩm I “Phật quốc.”

[17] Đề cập ở phẩm XII “Kiến A-súc Phật” (La-thập); “Quán Như lai.” (Huyền Trang).

[18] T. 1775, tr. 327c8.

[19] T. 1780, tr. 865a.

[20] T. 1780, tr. 853a.

[21] Phẩm XIV “Chúc lụy”. Chú Duy-ma-cật kinh, T. 1775, tr. 327c. Tên Skt. Acintyavimokaparivarta.

[22] T. 1777, tr. 519b.

[23] Xem chính văn, phẩm “Phương tiện”.

[24] Xem chính văn, phẩm “Chúng đệ tử”.

[25] Xem chính văn, phẩm “Bồ-tát”.

[26] Cullavagga xi.1.10. Tứ phần luật 54. T.1424, tr. 967b13; Thập tụng luật 60, T.1435, tr. 449b15.

[27] Cullavagga xii.1.1. Tứ phần luật 54, T.1428, tr. 968c19; Thập tụng luật 60, T.1435, tr. 450a 28: sau Phật Niết-bàn 110 năm.

[28] araāvihāriām agro; (Vajracchedikā, Mahāyāna-sūtra-saṅgraha, tr. 28). Câu-xá 27 (Đại 29, tr. 141c15): “A-la-hán quán sát rằng khổ của hữu tình phát sinh từ phiền não. Tự biết bản thân là thù thắng trong các phước điền, nhưng sợ phiền não của kẻ khác duyên nơi thân mình (A-la-hán) mà phát sinh, nên bằng ý chí (=tư) mà dẫn khởi tướng trí như vậy, để do bởi đó mà hữu tình không duyên nơi thân của ngài khiến phát sinh các thứ tham, sân v.v… Vì hành này (vihāra) có thể dập tắt phiền não của các hữu tình, nên được gọi là vô tránh.”

[29] Aggañña-sutta (D. iii, tr. 84).

[30] Aggañña-suttanta (D. iii. 93): Mahājana-sammato ti kho… mahā-sammato.

[31] Ibid., dhammena pare rañjetī ti kho… rājā.

[32] Cf. Cakkavatti-sīhanāda-suttanta, iii. 58ff.

[33] Ibid., tr. 59:… ahosi cakkavatti dhammiko dhammarājā… so ima pahavi sāgarapariyanta adaṇḍena asatthena dhammena abhivijiya ajjhāvasi.

[34] Lth. & Ckh.: Phật quốc phẩm đệ nhất 佛國品第一. Htr.: Tự phẩm đệ nhất 序品第一. VKN: buddhaketrapariśuddhinidānaparivarta (phẩm “Nhân duyên thanh tịnh quốc độ Phật”).

[35] Am-la thọ viên 菴羅樹園. Htr.: Am-la-vệ lâm 菴羅衛林. Ckh.: Nại thị thọ viên 奈氏樹園. Skt. Āmrapālī-vana.

[36] Tì-da-ly 毘耶離. Ckh.: Duy-da-li 維耶離. Htr.: Quảng nghiêm thành廣嚴城. Skt. Vaiśālī (Pali: Vesāli) thủ phủ của bộ tộc Licchavi. Huyền Trang, Đại Đường Tây vực ký, q.7 (T.2087, tr. 908a28ff): “Vệ-xa-ly 吠舍釐… từ cung thành đi về phía tây bắc năm, sáu dặm có một ngôi tăng-già-lam… đông bắc già-lam ba dặm có một ngôi tháp. Đó là nền nhà cũ của Tỳ-ma-la-cật 毘摩羅詰 (Vimalakīrti: Vô Cấu Xưng), có nhiều linh dị. Cách đó không xa, có một miếu thần, hình trạng như đống gạch. Truyền thuyết gọi là Đá dồn (Tích thạch), là chỗ trưởng giả Vô Cấu Xưng hiện bệnh, thuyết pháp. Cách đó không xa, có một ngôi tháp, là nhà cũ của trưởng giả Bảo Tích. Cách đó không xa có một ngôi tháp, là nhà cũ của Yêm-một-la nữ 菴沒羅女 (Āmrapālī). Di mẫu của Phật và các bí-sô-ni chứng nhập Niết-bàn ở đây.”

[37] Từ đây trở xuống, tán thán công đức các Bồ-tát tương đồng trong các bản Hán; không có đoạn tán thán phẩm đức các tỳ kheo như trong VMK: sarvair arhadbhi kīāśravair vaśībhūtai suvimukta-cittai suvimukta-prajñair ājāneyair mahānāgai ktaktyai kta-karaīyair apahtabhārair anuprāptasvakārthai parikīabhavasayojnai samyagājñāsuvimuktacittaisarva-ceto vaśi-parama-pāramiprāptai, tất cả đều là A-la-hán mà các lậu đã diệt sạch, không còn phiền não, đã được tự chủ, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, như đại long tượng thuần thục, đã làm xong những việc cần làm, không còn điều gì phải làm nữa, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích của chính mình, hoàn toàn diệt tận các kết sử của hữu, tâm hoàn toàn giải thoát với chính trí, đã đạt đến chỗ siêu việt cứu cánh của tất cả sự tự chủ của tâm. Cf. Đại bát nhã (Huyền Trang), q. 1, T5n220, tr. 1b9.

[38] Lth., chúng sở tri thức 眾所知識. Ckh., giai thần thông Bồ-tát 皆神通菩薩, đều là các Bồ-tát có thần thông. Htr., giai vi nhất thiết chúng vọng sở thức 皆為一切眾望所識. VKN, abhijñātābhijñātai,

[39] Ckh., nhất thiết đại thánh năng tùy tục hóa 一切大聖能隨俗化Htr.: đại thần thông nghiệp tu dĩ thành biện 大神通業修已成辦, đã hoàn thành sự nghiệp đại thần thông. CDM.: Bản Phạn nói, thần thông trí tuệ bản sự dĩ tác 神通智慧本事已作 đã hoàn thành bản sự của thần thông trí tuệ. VKN, mahābhi-jñāparikarmaniryātai.

[40] Ckh., hộ trì Chính pháp 護持正法. Htr., năng nhiếp Chính pháp 能攝正法. VKN, saddharmaparigrāhakai.

[41] Hán: ma oán 魔怨, Skt. māra-pratyarthika.

[42] CDM. Triệu: cái 蓋, chỉ năm cái (năm thứ che lấp tuệ: tham dục, sân, hối-miên, điệu cử, nghi; Skt. pañca āvaraṇāni: rāga, pratigha, tyāna-middha, uddhatya-kaukṛtya), và triền 纏, chỉ mười triền phược (mười thứ quấn chặt, tức mười tùy phiền não). Htr.: chướng và cái triền 障及蓋. Skt. nivaraaparyutthāna.

[43] Htr., bố thí, điều phục, tịch tĩnh, thi-la, chính cần, tĩnh lự, bát-nhã, phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí, ba-la-mật-đa 布施調伏。寂靜尸羅安忍正勤靜慮般若方便善巧。妙願力智波羅蜜多. Ckh., bố thí, điều ý, tự tổn, giới, nhẫn, nhất tâm, trí tuệ, thiện quyền 布施調意自損戒忍精進一心智慧。善權. VKN: dānadamaniyama-saṃyamaśīlakṣāntivīryadgyānaprajñopāyaniryā-taiḥ.

[44] VKN: anupalabhānutpattikadharmakāntisaman-vāgatai. CDM.: “Triệu nói,…, có khả năng lãnh thọ thật tướng, nên nói là nhẫn.” VCS., dẫn Thanh Biện: “Theo thế tục, nói là hữu; theo thắng nghĩa, nó là không. Không, cho nên không có gì để nắm bắt (=vô sở đắc). Quán sát, pháp vốn là không, thì đâu có sự sinh khởi. Quán sát sự không sinh khởi này mà phát khởi quán trí để chấp nhận (= quán trí nhẫn); do đó, nói là vô sở đắc bất khởi pháp nhẫn.”

[45] Bất thối luân 不退輪; Lth., a-duy-việt trí pháp luân 阿惟越智法輪; VMK: avaivarttika-dharmacakrapravarttakai. Htr., tùy chuyển bất thối pháp luân 隨轉不退法輪.

[46] Thiện giải pháp tướng 善解法相; Htr., đắc vô tướng diệu ấn 得無相妙印. VMK: alakaamudrāmudrita, được ghi dấu bằng dấu ấn vô tướng. VCS.: có hai loại diệu ấn, 1. có sai biệt, chỉ ba pháp ấn, chung cả Đại & Tiểu thừa: các hành vô thường, Niết-bàn tịch tĩnh, các pháp vô ngã; 2. diệu ấn không sai biệt: dấu ấn của các pháp là lý vô tướng.

[47] Cái chư đại chúng 蓋諸大眾; CDM., Thập nói: theo bản Phạn, đọc là chúng bất năng cái 眾不能蓋, đại chúng không thể che lấp. VMK: sarvaparadanabhibhūta. Htr.: nhất thiết đại chúng sở bất năng phục 一切 大眾所不能伏, không thể bị khuất phục bởi bất cứ chúng hội nào.

[48] vô sở úy 無所畏; Skt. vaiśāradya, sự không bối rối và sợ hãi trước đám đông, sự trầm tĩnh, tự tin trước đám đông. Có bốn vô sở úy của Bồ-tát (bodhisattvānāṃ catvāri vaiśāradyāni), và bốn vô sở úy của Phật (catvāri tathāgatasya vaiśrādyāni) khác nhau.

[49] Htr.: vượt trên cả Đế Thích (Skt. Śakradevānām Indra, Chúa tể các thiên thần). VMK: meruśikharābhyudgata.

[50] Thâm tín 深信. Htr.: ý lạc 意樂. Skt. āśaya, ý hướng cao thượng, xu hướng tinh thần/tâm linh cao thượng.

[51] Htr. chú cam lộ vũ 澍甘露雨. VKN: amtajalasapravarakai, tuôn mưa dòng nước bất tử (cam lộ).

[52] Htr.: dĩ đoạn nhị biên kiến tập tương tục 已斷二邊見習相續 “cắt đứt dòng tương tục của tập khí kiến chấp nhị biên.” VKN: antānantadṛṣṭivāsanānusandhisamucchinnai, đã cắt đứt chuỗi tiếp nối của tập khí của kiến chấp về hữu biên và vô biên.

[53] Htr., bất khả xứng lượng quá xứng lượng cảnh 不可稱量過稱量境, không thể ước lượng, đã vượt ngoài cảnh giới ước lượng. VKN: antalyātulyasamatikrāntai,

[54] VKN: dharmaratnaprajñāsamudanītamahārthavāhai, thủ lãnh của đại thương đội tích lũy trí tuệ trân bảo của pháp.

[55] Vãng lai sở thú 往來所趣. Htr.: Hữu thú vô thú ý lạc sở quy有趣無趣意樂所歸, chỗ quay về của ý lạc hữu thú và vô thú. VKN: āgatisattvāśayamatim-anupraviṣṭạñāna-viayibhi, hiểu rõ tâm tư của chúng sinh cùng với định hướng của chúng, thâm nhập cảnh vực của nhận thức. VCS.: “Thanh Biện giải, theo thế tục đế thì hữu; theo thắng nghĩa đế thì là vô. Chỗ quay về rốt ráo của hai nẻo thú (hướng) này chính là lý chân không.”

[56] Htr.: hoạch vô đẳng đẳng Phật trí quán đỉnh 獲無等等佛智灌頂, được đăng quang lên địa vị Phật trí tối thượng siêu việt. VKN: asamasamabuddhajñānābhiiktai.

[57] Mười lực, mười năng lực siêu việt của Như lai, Skt. tathāgata-daśabalāni 如來十力.

[58] Vô sở úy, đây chỉ bốn vô sở úy của Như lai, Skt. catvāri tathāgatasya vaiśāradyāni 如來四無所畏.

[59] Chỉ 18 pháp đặc hữu, bất cộng, của Phật; Skt. aṣṭādaśa āveṇikā buddhadharmāḥ 十八不共佛法.

[60] Htr., đã dẹp bỏ tất cả cõi định hướng bất hạnh thấp kém, đã vượt khỏi hầm hố nguy hiểm. VKN: sarvāpāyadurgativinā-pātokiptaparikhai.

[61] Htr., nt., Đẳng Quán 等觀. Ckh., Chính Quán 正觀; VKN: Samadarśin; cf. Bodhisattva-bhūmi.

[62] Ckh., không có.

[63] Htr. nt., Đẳng Bất Đẳng Quán 等不等觀. Ckh., Kiến Chính Tà 見正邪. VKN: Samaviṣamadarśin (thấy sự bình đẳng và không bình đẳng).

[64] Htr., Định Thần Biến Vương 定神變王. Ckh., Định Hóa Vương 定化王. VKN: Samādhi-vikurvaṇarāja.

[65] Ckh.= Htr.: Pháp Tự Tại 法自在. VKN: Dharmeśvara; cf. Saddharma-puṇḍarīka, Lalitavistara.

[66] Ckh.: Pháp Tạo 法造. Htr.: Pháp Tràng 法幢. VKN: Dharmaketu; cf. Lalitavistara.

[67] Ckh.: Quang Tạo光造. Htr.: Quang Tràng 光幢. VKN: Prabhāketu.

[68] Ckh.: Quang Tịnh 光淨. Htr.: Quang Nghiêm 光嚴. VKN: Prabhāvyūha; cf. Lalitavistara.

[69] Ckh.: Đại Tịnh 大淨. Htr.: Đại Nghiêm 大嚴. VKN: Mahāvyūha; cf. Gaṇḍvyūha, Saddharmapuṇḍrīka, Lalitavistara.

[70] Ckh.: Bảo Tích 寶積, kể sau Biện Tích. Htr.: Bảo Phong 寶峰. VKN: Ratnakūṭa; cf. Kaśyapa-parivarta, Madhyānta-vibhaga, Śikasamuccaya.

[71] Ckh. = Lth. Htr.: Biện Phong 辯峰. VKN: Pratibhānakūṭa; cf. Mahāvyutpatti.

[72] Ckh., Bảo Chương 寶掌. Htr.= Lth. VKN: khuyết.

[73] Ckh.= Lth.= Htr. VKN: Ratmamudrāhasta (Bảo Ấn Thủ, tay cầm bửu ấn); cf. Mahāvyutpatti.

[74] Ba bản đồng. VKN: Nityotkṣiptahasta; cf. Mahāvyutpatti.

[75] Ba bản Hán đồng. VKN: Nityotpalakṛtahasta.

[76] Ckh.= Lth. Htr.: Thường Diên Cảnh 常延頸.VKN: Nityotkaṇṭhita (Thường duổi cổ = thường than khóc).

[77] Ckh., hai Bồ-tát: Thường Tiếu 常笑, Hỷ Căn 喜根. Htr.: Thường Hỷ Căn 常喜根. VKN: Nityaprahasita-pramuditendriya (Căn Thường Hoan Hỷ Vi tiếu).

[78] Ckh.= Lth. Htr.: Thường Hỷ Vương 常喜王. VKN: Prāmodyarāja; tiếp theo là Devarāja, khuyết trong bản Ckh. & Lth; Htr.: Thiên Vương 天王 (Cf. Saddharmapuṇḍrīka), liệt kê sau Huệ Phong, xem cht. 56 dưới.

[79] Ckh.: Chính Nguyện Chí 正願至. Htr.: Vô Khuất Biện 無屈辯. VKN: ba vị Bồ-tát: Devarāja (Thiên Vương, cf. Saddharmapuṇḍrīka), Praṇidhiprayātaprāpta (Đạt Sở Nguyện), Pratisaṃvitpraṇādaprāpta (Đạt Âm Thanh Biện Tài).

[80] VKN: Gaganagaṃja.

[81] Lth. = Htr. Ckh.: Bảo Thậm Trì 寶甚持. VKN: Ratnolkādhārin.

[82] Ckh.: Bảo Thủ 寶首. Htr.: Bảo Cát Tường 寶吉祥. VKN: hai Bồ-tát, Ratnavīra, Ratnaśrī (Cf. Sukhavatī-vyūha).

[83] Ckh.: Bảo Trì 寶池 (Ratnanadī?). Htr.: Bảo Thí 寶施. VKN: Ratnanandin.

[84] Ckh.: Bảo Thủy 寶水 (Ratnajala?). Htr.: Đế Võng 帝網. VKN: Indrajālin.

[85] Ckh.: Thủy Quang 水光 (Jalaprabhā). Htr.: Quang Võng 光網. VKN: Jālinīprabha; cf. Mahāvutpatti.

[86] Ckh.: Xả Vô Nghiệp 捨無業. Htr.: Vô Chướng Tĩnh Lự 無障靜慮 (Anāvaraadhyāyin?). VKN: Anārambaṇadhyāyin; cf. Aṣṭasāha-srikā, Gaṇḍvyūha, Śikasamuccaya.

[87] Ckh.: Trí Tích 智積. Htr.: Huệ Phong 慧峰. VKN: Prajñākūṭa, cf. Saddharmapuṇḍrīka.

[88] Ckh.: khuyết (?). Htr.: khuyết. VKN: Ratnajāha.

[89] Ckh.: Đăng Vương 燈王 (Dīparāja?). Htr.: Thiên Vương 天王 (Devarāja, xem cht. 45 trên). VKN: Khuyết.

[90] Ckh.: Chế Ma 制魔. Htr. = Lth.: Hoại Ma 壞魔. VKN: Mārapramardin.

[91] Ckh., hai Bồ-tát: Tạo Hóa 造化, Minh Thí 明施 (Vidyādana?). Htr.: Điện Thiên 電天. VKN: Vidyuddeva.

[92] Ckh.: Thượng Thẩm上審 (?). Htr.: Hiện Thần Biến Vương 現神變王. VKN: Vikurvaṇarāja.

[93] Ckh.: Tướng Tích Nghiêm相積嚴. Htr.: Phong Tướng Đẳng Nghiêm 峰相等嚴. VKN: Lakṣaṇa-kūṭa & Lakṣṇakūṭa-samatikrānta.

[94] Ckh.: Sư Tử Lôi Âm 師子雷音. Htr.= Lth.: Sư Tử Hống 師子吼 & Vân Lôi Âm 雲雷音. VKN: Siṃhaghoṣābhigarjitasvara.

62 Xem cht. 61 trên.

[96] Ckh.: Thạch Ma Vương 石磨王. Htr.: Sơn Tương Kích Vương 山相擊王. VKN: Śailaśikharasaṃghaṭṭanarāja.

[97] Ckh.: Chúng Hương Thủ 眾香手. Htr.= Lth.: Hương Tượng 香象. VKN: Gandhahastin; Aṣṭasāhasrikā, Sukhavatī-vyūha, Sphuṭārtha, Mahāvyutpatti.

[98] Ckh.: Chúng Thủ 眾手. Htr.: Đại Hương Tượng 大香象. VKN: Gajagandhahastin.

[99] Ckh.; Thường Ứng 常應. Htr.= Lth.: Thường Tinh Tấn 常精進. VKN: Satatodyukta.

[100] Ckh.: Bất Trí Viễn不置遠. Htr. Bất Xả Thiện Ách 不捨善軛. VKN: Anikṣiptadhura; cf. Saddharmapuṇḍrīka, Sukhavatīvyūha.

[101] Ckh.: Thiện Ý Gián 善意諫; Htr.: Diệu Huệ 妙慧; VKN: Sumatin; khuyết trong bản Lth. Htr.= Lth.: Diệu Sinh 妙生; VKN: Sujāta; khuyết trong bản Ckh.

[102] Liên Hoa Tịnh蓮華淨. Htr.: ba Bồ-tát: Liên Hoa Thắng Tạng 蓮花勝藏; Tam-ma-địa Vương 三摩地王, Liên Hoa Nghiêm 蓮花嚴. VKN: Padmaśrīgarbha.

[103] Ckh., Khuy Âm 闚音, kể sau Đại Thế Chí. Htr.: Quán Tự Tại 觀自在. VKN: Avalokiteśvara.

[104] Ckh.: Đại Thế Chí 大勢至. Htr.= Lth.: Đắc Đại Thế Chí 得大勢. VKN: Mahāsthāmaprāpta.

[105] Ckh.: hai Bồ-tát: Phạm Thủy 梵水 (Brahmajala), Trích Thủy 滴水. Htr.= Lth.: Phạm Võng 梵網. VKN: Brahmajālin.

[106] Ckh.: Bảo Tràng 寶幢菩薩. Htr.= Lth.: Bảo Trượng 寶杖菩薩. VKN: Ratnayaṣṭin; cf. Lalitavistara.

[107] Ckh.: Thắng Tà 勝邪菩薩. Htr.: hai Bồ-tát: Vô Thắng 無勝, Thắng Ma 勝魔. VKN: Mārajita.

[108] Hán đồng nhất: Nghiêm Độ 嚴土. VKN: Kṣetrālaṃkṛta.

[109] Ckh.: Kim Kết 金結. Htr. Kim Kế 金髻. VKN, hai Bồ-tát: Maṇiratnacchatra (Ma-ni Bảo Cái), Suvarṇacūḍa.

[110] Ckh.: Châu Kết 珠結. Htr.: Châu Kế 金髻. VKN: Maṇicūḍa; cf. Mahāvyutpatti, Lalitavistara.

[111] Ckh.= Htr.: Từ Thị 慈氐. VKN: Maitreya.

[112] Ckh.: Nhu Thủ 濡首. Htr.: Diệu Cát Tường 妙吉祥. VKN: Mañjuśrī-kumārabhūta.

[113] Ckh.: vạn Bà-la-môn 萬婆羅門.

[114] Thi-khí 尸棄, Skt. Śikhin. Ckh.: Biên Phát 編髮 (Jāṭi). Htr.: Trì Kế 持髻 (Śikhin). VKN: Jaṭībrahma.

[115] Lth.: dư tứ thiên hạ 餘四天下. VKN: anekacaturmahādvīpā. Bốn đại châu và núi Tu-di tạo thành một thế giới. Đây chỉ cho có nhiều thế giới như vậy. Ckh.: tứ phương cảnh giới 四方境界. Htr.: Vô ưu tứ đại châu giới 無憂四大洲界 (Aśoka-caturmahādvīpa?)

[116] Htr.: Đại bảo Diệu cao sơn vương 大寶妙高山王. VKN: Sumeru-parvatarāja.

[117] Hán: chúng bảo sư tử chi tòa 眾寶師子之座. Htr.: đại sư tử thắng tạng chi tòa 大師子勝藏之座. VKN: śrīgarbha-sihāsana, tòa sư tử làm bằng kho tàng công đức cát tường.

[118] Trưởng giả tử danh viết Bảo Tích 長者子名曰寶積 (Ngài Bảo Tích này có thể không đồng nhất với vị Bồ-tát liệt kê đoạn trên, xem cht. 37). Htr.: Li-thiếp-tì chủng danh viết Bảo Tính 離呫毘種名曰寶性; Ckh.: trưởng giả tử danh La-lân-na-kiệt 羅鄰那竭, Hán dịch Bảo Sự 寶事. VKN: Ratnākara-bodhisattva-licchavikūmāra, Bồ-tát Ratnākara, một thiếu niên người Licchavi. CDM.: “Triệu nói, Bảo Tích cũng là Pháp thân Đại sỹ, thường cùng Tịnh Danh (Duy-ma-cật) đến chỗ Như lai, cùng hoằng truyền đạo giáo.”

[119] Lth.= Ckh.: trưởng giả tử 長者子. Htr.: đồng tử 童子. VKN: kumāra.

[120] Tuyết sơn 雪山; VKN: Himavan.

[121] Mục-chân-lân-dà, Ma-ha-mục-chân-lân-đà 目真鄰陀山摩訶目真鄰陀; VKN: Mucilinda-mahāmuci-linda.

[122] Hương sơn, Bảo sơn, Kim sơn, Hắc sơn 香山寶山金山黑山. VKN: Gandha-mādana-ratna-parvata

[123] Thiết vi, Đại Thiết vi 鐵圍山大鐵圍山; Htr.: Luân vi, Đại Luân vi 輪圍山。大輪圍山. VKN: Cakravāḍa-mahācakravāḍā.

[124] Đạo chúng dĩ tịch 導眾以寂; CDM., “Thập nói: theo Phạn bản, gọi là tịch đạo 寂道, tức bát chính đạo. Triệu nói: Tịch, chỉ cho đạo vô vi tịch diệt.” Htr..: khai đạo hi di tịch lộ giả, “vị khai mở con đường tịch tĩnh (tức an bình), bằng phẳng.” VKN: vandāmi tvā śramaaśāntipathapraetu, “con kính lễ Ngài, vị Sa-môn chỉ thị con đường tịch tĩnh.

[125] Htr.: “đã chứng đệ nhất tịnh ý lạc, và thắng sa-ma-đà 勝奢摩陀 đã đến bờ bên kia.” Lth.: tâm tịnh 心淨 = Htr.: tịnh ý lạc 淨意樂. Ý lạc (Skt. āśaya), hay tâm tư hướng đến chúng sinh, thuần tịnh bậc nhất; tức là, tâm tư Phật chỉ hướng đến một đối tượng thuần nhất, là sự lợi lạc của chúng sinh. Sa-ma-đà, Hán cũng thường âm là xa-ma-tha (Skt. śamatha), dịch là chỉ 止, sự lắng đọng, đình chỉ tạp niệm; thường tu tập với tì-bát-sa-na (Skt. vipaśyanā), Hán gọi là tu tập chỉ quán. VKN: śuddhāśayā śamathapāramitā-graprāpta, bằng tịnh ý lạc, Ngài đã chứng đắc tối thắng tĩnh chỉ và ba-la-mật.

[126] Xứng vô lượng稱無量. Htr.: hoạch đắc quảng đại thắng danh văn 獲得廣大勝名聞, “Có được danh tiếng rộng lớn.” VKN: viśālaguāprameya, có vô lượng công đức rộng lớn.

[127] Thần biến神變, tức thần thông biến hóa.

[128] VKN: dharmea te jitam ida varadharmarājya/ dharma dhana ca dadase jagato jitāre/ “Ngài đã ban cho thế gian chính pháp, tài sản, và cả vương quốc chính pháp tối thượng này được chinh phục bằng chính pháp.”

[129] Htr.: “Quán sát đệ nhất nghĩa mà đánh bại các oán địch.” VKN: paramārthadarśin, vị đã thấy chân lý tối thượng.

[130] VKN: dharmeśvara śirasi vandāmi dharmarājam, “Con cúi đầu kính lạy đấng Pháp vương, là vị Chủ tể của Pháp.”

98Cam lộ diệt甘露滅; CDM., “Thập nói: theo Phạn bản, nói là “tịch diệt cam lộ”, tức thật tướng pháp.” VCS.: “Diệt, chỉ Niết-bàn. Giống như thuốc cam lộ, uống vào thì được bất tử. VKN: amtaśāntavara, “tối thượng tịch tĩnh của cam lộ bất tử.”

[132] Giác đạo thành 覺道成, thành tựu đạo giác ngộ, thành Phật. Htr.: (đắc) thắng bồ-đề 得勝菩提. VCS.: “Chứng đắc chân trí vượt quá hàng Nhị thừa nên nói là thắng bồ đề.” VKN: agrabodhi, sự giác ngộ tối thượng.”

[133] Không thọ hành 無受行; CDM., “Thập nói: không có thọ, tưởng, hành… Triệu nói: thọ, đây chỉ ba thọ.” VCS., “Thọ, tức sự lãnh nạp (=cảm nghiệm). Hành, tức sự duyên lự (=tư duy về đối tượng).” Ckh.: “Bằng không tâm ý mà hiện hành.” Htr.: “Trong đó, không phải là hành (xứ) của tâm ý, và thọ.” VKN: yasminn avedita cittamanapracārā, trong đó không có cái gì được tri giác, không phải là hành xứ của tâm ý. Xem thêm cht. dưới.

[134] Htr., “Ngoại đạo, tà sư không thể thăm dò.” VCS., dẫn Thanh Biện: “Cam lộ tịch diệt mà Phật chứng vốn là không, vô sở hữu, không phải cảnh vực của tâm ý, nên các ngoại đạo không thể thăm dò ước lượng nỗi.” VKN: yasmin avedita na cittamanapracārā, sarva-kutīrthiganāśca na yānti gāham, “nơi mà không có gì được cảm thọ, không có những hiện hành của tâm và ý; nơi sâu thẳm ấy, tất cả các chúng ngoại đạo không thể đi đến”.

[135] Hán: nhất thọ bất thối thường tịch nhiên 一受不退常寂然. Htr.: vô tư vô bố thường an tịch 無思無怖常安寂, không tư lự, không kinh sợ, thường an ổn tịch tĩnh. VKN: ye tubhya dharmaratanena vinīta samyak/ teān akalpana punar madate praśānta/ “những ai đã được chế ngự chân chính bằng pháp bảo này, họ lìa phân biệt, lại thường an vui, tịch tĩnh.”

[136] Htr.: “tám pháp không làm lay động.” Tức chỉ tám thế gian pháp 八世法 (aṣṭau lokadharmāḥ), đắc, thất, danh dự, thất sủng, vinh quang, sỉ nhục, khổ, lạc.

[137] VKN: duśīlaśīlavati, với người ác giới cũng như có giới.

[138] Nguyên Hán: nhân bảo 人寶, bảo vật cho loài người. Htr.: “vị Năng nhân này.” VKN: sattvaratana, bảo vật của chúng sinh.

[139] Từ đây trở xuống, gồm 2 bài kệ trong các bản Hán, không có trong VKN.

[140] Bất cộng pháp; Htr., bất cộng tướng. VKN: āveika-buddhalakaa, các yếu tánh đặc thù của Phật. Các bài kệ từ đây trở xuống khuyết trong bản Ckh.

[141] CDM., Triệu nói: “tùy theo sở thích mà thọ lãnh; tùy theo chỗ thọ lãnh mà thực hành; tùy theo sự thực hành mà được lợi ích.”

[142] Bài kệ này tương đồng trong Lth. & Htr., không có trong VKN.

[143] VKN: sayojanabandhanacchida, “cắt đứt sự trói buộc của các kết sử.”

[144] Htr. “Đã thấu rõ định hướng bình đẳng của hữu tình.” VKN: satvai samādhānagata gatīgata, đã cùng tận hướng đi quyết định của chúng sinh.

[145] Htr.: “Đã diệt trừ tất cả tướng, không còn gì để diệt trừ; hết thảy nguyện đã mãn, không còn gì để nguyện; đấng đại oai thần lực bất tư nghị, đảnh lễ đấng vô sở trụ.” Tiếp theo bài kệ trên, nói về ba giải thoát môn: Không (śūynatā), Vô tướng (animitta), Vô nguyện (apraidhāna). Lth. thiếu 2 nửa bài kệ.

[146] Htr.: đồng tử Bồ-tát 童子菩薩, tức niên thiếu Bồ-tát; VKN: Licchavi-kumāra.

[147] Htr.: “Họ thường hỏi con về sự trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật.”

[148] Bồ-tát tịnh độ chi hành 菩薩淨土之行; CDM, “Biệt bản nói, “Phật quốc thanh tịnh chi hành.” Thập nói, “Bản Phạn nói là thanh tịnh chi tướng.” Htr.: tịnh Phật độ tướng 淨佛土相, hình thái (hay yếu tính, đặc tính) của cõi Phật thanh tịnh. VKN: bodhisattvānā buddhaketrapariśuddhi, sự (làm) thanh tịnh quốc độ Phật của các Bồ-tát.

[149] Ckh.: “Quốc độ của các loài bò sát, đi, thở, loài người, loài vật, là quốc độ Phật của Bồ-tát.” Htr..: “Quốc độ của hữu tình, là quốc độ Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ-tát.” VKN: sattvaketra bodhisattvasya, quốc độ chúng sinh là quốc độ của Bồ-tát.

[150] CDM., Thập nói,…, bản Phạn nói là “tùy theo chúng sinh được giáo hóa nhiều ít.” Nghĩa là quốc độ rộng hay hẹp tùy theo số lượng chúng sinh đã được giáo hóa. Htr.: “Tùy theo việc làm tăng trưởng lợi ích cho các hữu tình mà Bồ-tát nhiếp thọ sự trang nghiêm thanh tịnh của quốc độ Phật.” VKN: yāvantam bodhisatva satveūpacaya karoti tāvad buddha-ketra parighnāti.

[151] Htr. thêm: “Tùy theo các hữu tình cần được điều phục bằng Phật độ nghiêm tịnh nào, tùy theo đó mà nhiếp thọ quốc độ Phật như vậy.” Lth. và VKN. khuyết.

[152] Điều phục 調伏; CDM., Thập nói: bản Phạn nói là tì-ni, nghĩa là khéo léo sửa trị; tức khéo sửa trị khiến chúng sinh dứt ác, hành thiện.

[153] Htr.: khởi Thánh căn hành 起聖根行. VCS.: Thánh căn, chỉ bồ-đề tâm. Hoặc chỉ năm căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ). Thánh hành, chỉ muôn vạn hành vi của Thánh. VKN: āryākārāīn-driyāny utpadyante.

[154] VKN: ākāśasamān sarvadharmā jñātva yādśa icched bodhisattva sattvaparipākāya buddhaketra māpayitu, “biết rằng tất cả các pháp bình đẳng như hư không, nhưng vì để thành thục chúng sinh, Bồ-tát muốn kiến thiết quốc độ Phật.”

[155] Ckh.: “Bồ-tát do vô cầu đối với quốc độ nên đắc đạo nơi quốc độ Phật.” Htr.: thuần ý lạc độ 純意樂土. VKN: ākāśyaketra, quốc độ của chí nguyện.

[156] Từ đây trở xuống, bản La-thập nói ba tâm; bản Htr. nói bốn quốc độ. Thiện gia hành độ 善加行土 (VKN: prayogaketra), thứ ba trong bản Htr., không có tương đương trong bản La-thập.

[157] Thứ tư trong bản Htr.: thượng ý lạc độ 上意樂土; Skt. adhyāśayakṣetra, quốc độ của chí nguyện chí thượng.

[158] Thứ nhất trong bản Htr.: quốc độ của sự phát khởi bồ đề tâm cao cả; Skt. udāra-bodhicittotpāda.

[159] VKN: dānaketra, bố thí độ. Từ đây trở xuống là 6 ba-la-mật. VCS., tổng hợp gọi tên là chỉ tức 止息, đình chỉ và dập tắt các chướng ngại (bằng vào tu tập sáu ba-la-mật).

[160] VKN: śīlaketra.

[161] VKN: kāntiketra.

[162] VKN: vīryaketra.

[163] VKN: dhyānaketra.

[164] VKN: prajñāketra.

[165] Chính định, CDM., tức chính định tụ 正定聚, một trong ba tụ (tà định tụ, chính định tụ, bất định tụ). Đạt được chính trí tuệ nhận thức pháp tướng một cách quyết định. Htr.: nhập chính định 入正定; VCS.: chứng nhập chính định tụ, tức chứng nhập kiến đạo (thấy pháp Chân như). VKN: samyaktvaniyatā sattvā.

[166] Ckh.: bốn đẳng tâm 四等心. VKN: catvāry apramāāni.

[167] Ckh.: bốn ân 四恩. Htr.: bốn nhiếp sự 四攝事; Skt. catvāri sagrahavastūni.

[168] Ckh.: “bằng huệ thí, nhân ái, lợi người, lợi bình đẳng, cứu giúp tất cả, đoàn kết tất cả mọi người, sẽ sinh vào đó.” VKN: sarvavimuktisaghītā sattvā, những chúng sinh được đoàn kết bởi mục đích giải thoát.

[169] Ckh.: thiện quyền phương tiện 善權方便.Htr.: xảo phương tiện độ 巧方便; Skt. upāyakauśalya.

[170] Đạo phẩm 道品; Htr.: bồ đề phần 菩提分; Skt. bodhipakṣa.

[171] Ckh.: Bồ-tát phân lưu pháp hóa 分流法化. Skt. pariāmanācitta.

[172] Thuyết trừ bát nạn 說除八難 (đọc đúng là nan). Htr.: thiện thuyết tức trừ bát vô hạ 善說息除八無暇; 8 trường hợp khó gặp Phật, khó nghe Pháp, không thể tu tập Phạm hạnh; Skt. aṣṭākaapraśamadeśnā.

[173] Htr.: sự thanh tịnh cùng cực của mười nghiệp đạo thiện. VKN: daśakuśalakarmapathapariśuddhi.

[174] Ckh.: “Hành 行 như vậy thì có danh dự 名譽 như vậy.” Htr.: “Do phát bồ-đề tâm mà có thuần tịnh ý lạc.” VKN: yāvanto boddhisattvasya prayogas tāvanta āśaya, “Bồ-tát gia hành (nỗ lực thực hành) như thế nào thì ý lạc (ý chí hướng thượng) như vậy.”

[175] Chuỗi thứ tự, Ckh.: hành – danh dự – sinh thiện xứ – thọ phước – phân đức – hành thiện quyền – Phật quốc tịnh – nhân vật tịnh – tịnh trí – tịnh giáo – thọ thanh tịnh. Htr.: bồ-đề tâm 菩提心 – thuần tịnh ý lạc 純淨意樂 – diệu thiện gia hành 妙善加行 – tăng thượng ý lạc 增上意樂 – chỉ tức 止息 – phát khởi 發起 – hồi hướng 迴向 – tịch tĩnh 寂靜 – thanh tịnh hữu tình 清淨有情 – nghiêm tịnh Phật độ 嚴淨佛土 – thanh tịnh pháp giáo 清淨法教 – thanh tịnh diệu phước 清淨妙福 – thanh tịnh diệu huệ 清淨妙慧– thanh tịnh diệu trí 清淨妙智 – thanh tịnh diệu hành 清淨妙行 – thanh tịnh tự tâm 清淨自心 – thanh tịnh diệu công đức 清淨諸妙功德. VKN: prayoga (gia hành) – āśaya (ý lạc) – adhyāśaya (tăng thượng ý lạc) – nidhyapti (thiện quán sát) – pratipatta (hành) – pariāmana (hồi hướng) – upāya (phương tiện – ketrapariśuddhi (quốc độ tịnh).

[176] VKN: yādśī bodhisattvasya cittapariśuddhi, tādśī buddha-ketrapariśuddhi sambhavati.

[177] Loa Kế Phạm vương 螺髻梵王; Ckh.: Biên Phát Phạm chí 編髮梵志. Htr.: Trì Kế Phạm vương持髻梵王. VKN: Jāṭī brahmā.

[178] Ckh.: Thanh Minh thiên cung 清明天宮. Tự Tại thiên cung自在天宮; Htr.: Tha Hóa Tự Tại thiên cung 他化自在天宮. VKN: Vaśavarttinā devānā bhavanavyūhā.

[179] VNK: ye punas te bhadanta śāriputra bodhisattvā sarvasamacittā pariśuddhabuddhajñānāśayās ta ima buddha-ketra pariśuddha paśyanti, thưa Đại đức Xá-lợi-phất, những Bồ-tát có tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, có ý chí hướng thượng nói Phật trí thanh tịnh, các Bồ-tát ấy thấy quốc độ Phật thanh tịnh.

[180] Ckh.: Chúng Bảo La Liệt Tịnh Hảo Như Lai 眾寶羅列淨好如來. Htr.: Công Đức Bảo Trang Nghiêm Phật 功德寶莊嚴佛. VKN: Ratnavyūha-tathāgata.

[181] Cf. Trường A-hàm 20 (T1n1, tr. 134a11): chư thiên trên Đao-lợi, với vị có phước nhiều, cơm màu trắng. Vị có phước vừa, cơm màu xanh. Vị ít phước, cơm màu đỏ.

[182] Lth. & Htr. đồng: vô sinh pháp nhẫn 無生法忍 (anutpattika-dharma-kṣānti). Ckh.: nhu thuận pháp nhẫn 柔順法忍. VKN: ānulimikī-kānti (nhu thuận nhẫn).

[183] Htr.: 84.000 loại hữu tình.

[184] VKN: anityā vateme sarvasaskārā, “Ôi, hết thảy tạo vật này là vô thường!”

[185] Bất thọ chư pháp 不受諸法. CDM.: đạo không dính mắc, đối với pháp, không thọ, không nhiễm. VCS.: không chấp thủ ngã và ngã sở, vì không còn tiếp thọ quả của sinh tử. Xem cht. 150 dưới.

[186] Ckh. = Lth.: lậu tận ý giải 漏盡意解. Htr.: vĩnh viễn dứt sạch các lậu, tâm hoàn toàn được giải thoát 永離諸漏心善解脫. VKN: anupādāyāsravebhyaś cittāni vimuktāni, tâm giải thoát dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ.

[187] Ckh.: Thiện quyền phẩm 善權品. Lth.: Phương tiện phẩm 方便品. Htr.: Hiển bất tư nghị phương tiện thiện xảo顯不思議方便善巧品. VKN: Acintyopāyakauślyaparivarta.

[188] Htr.: Bồ-tát thuộc dòng họ Li-thiếp-tì tên là Vô Cấu Xưng 菩薩離呫毘種名無垢稱. VKN: Vimala-kīrti nāma licchavi.

[189] Ckh.: đắc pháp nhẫn 得法忍. VKN: pratilabdhakāntiko, vị đã chứng đắc nhẫn.

[190] Htr.: đắc diệu biện tài 得妙辯才, sở đắc tài biện thuyết vi diệu; cf. Đại phẩm Bát-nhã, quyển 8, “Phẩm huyễn thinh”; Đại Bát-nhã kinh, quyển 499. VKN: labdhapratibhāna.

[191] Ckh.: thần thông bất hý 神通不戲. VKN: mahā-bhijñāvikṛḍta, bằng đại thần thông mà du hý.

[192] Đây chỉ 4 vô sở úy của Bồ-tát, bodhisattvānāṃ catvāri vaiśāradyāni.

[193] Lth.: hàng ma lao oán 降魔勞怨; Htr.: tồi ma oán lực 摧魔怨力. VKN: nihatamārapratyarhiko.

[194] VKN: gambīradharmanayasupraviṣṭa, đã khéo léo đi vào nguyên lý của pháp sâu thẳm.

[195] Ckh.: xuất ư trí độ vô cực 出於智度無極. Lth.= Htr.: thiện ư trí độ 善於智度. VKN: prajñāpāramitā-nirjāta, đã xuất sinh Bát-nhã ba-la-mật. Xem cht. 10 dưới.

[196] Ckh.: “Do thiện quyền phương tiện mà thâm nhập rộng rãi vào trong các đạo để thành tựu sở nguyện.” VKN: prajñā-pāramitānirjāta/ upāyakauśalyagatigata prati-bhānasamanvā-gata, “phát xuất từ Bát-nhã ba-la-mật, ông đã vận dụng thông suốt tính linh động của phương tiện, và thành tựu biện tài vô ngại.

[197] Hán: minh liễu chúng sinh tâm chi sở thú 明了眾生心之所趣. Ckh.: nhân căn danh đức sinh nhi cụ túc人根名德生而具足. Htr.: minh liễu hữu tình ý lạc cập hành明了有情意樂及行.VKN: sattvāśayacaritakuśala, thiện xảo về các chí hướng và hành vi của chúng sinh.

[198] Htr.: trí độ thành biện thuyết pháp thuần thục智度成辦說法淳熟. VKN: yathāpratyarhadharmadeśaka, sự thuyết pháp của ông thích hợp theo từng đối tượng.

[199] Lth.= Htr. VKN: ktaniścaya ktaśrama, quả quyết, kiên trì nổ lực trong mọi hành vi.

[200] Ckh.: Phật Thánh thiện hành giai dĩ đắc lập 佛聖善行皆已得立 Lth. & Htr.: trụ Phật oai nghi 住佛威儀. VKN: buddheryāpathapratiṣṭhita, cử chỉ uy nghi đồng với chư Phật.

[201] Ckh.: giác ý như hải. Htr.: nhập tâm huệ hải. VKN: sāgaravarabuddhyanupraviṣṭa, thâm nhập giác huệ bao la như đại dương.

[202] Lth.: nhẫn điều hạnh 忍調; Htr..: điều thuận nhẫn 調順忍. VKN: kamadamaprāpto.

[203] Ckh.: bạch y tinh tấn (avadāta-vīrya = udāta-vīrya?); VKN: uttapta-vīrya, dũng mãnh tinh tấn.

[204] Lth.: thiền tịch. Htr.: an trú tĩnh lự, chính niệm, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí. VKN: dhyānasmtisamādhisthito.

[205] Lth.: quyết định tuệ 決定慧; Htr.: chính quyết trạch 正決擇. VCS.: chính quyết trạch, chỉ tuệ vô lậu. VKN: prajñāniścayaprāpto, bằng quyết đoán của trí tuệ.

[206] Htr.: để nhiếp ích vọng kiến và ác tuệ. VKN: duprajñāna, ác huệ.

[207] Bạch y 白衣, “người bận áo trắng,” chỉ người thế tục. VKN: avādatavastradhārī.

[208] VKN: śramaeryāpathasapanna, đầy đủ cử chỉ uy nghi của sa-môn.

[209] Phạm hạnh 梵行, Skt. brahmacārī, đời sống tuyệt dục. CDM.: Phạm hạnh, là hạnh thanh tịnh vô dục.

[210] Thường lạc viễn ly 常樂遠離, thường vui thú ẩn dật. Skt. vivekacārī.

[211] Lth. & Htr., đồng. VKN: sadā ca lakaaparicchinna, nhưng luôn luôn dứt bỏ ngoại hiện.

[212] Thiền duyệt vi vị 禪悅為味. Htr.: tĩnh lự đẳng chí vi vị 靜慮等至為味. VKN: vyānāhāra, thức ăn là hơi thở của thiền, một trong năm loại sinh khí luân lưu trong cơ thể.

[213] Htr.: bậc Thượng thủ trong hàng thuyết giáo. VKN: sarvasagaikāsu ca sadśyate sarvatra cāgrapūjita, ông xuất hiện trong tất cả chúng hội, trong tất cả mọi nơi đều được tôn kính bậc nhất.

[214] VKN: dharmavādī, người phát ngôn của công lý.

[215] Htr.: “Tuy không mong cầu tài bảo thế gian, vẫn tỏ ra sành sõi các lợi lộc thế tục.” VKN: sarva-vyavahārodyuktaśca na ca lābhabhogābhilāī, “tuy cùng tất cả hợp tác kinh doanh, nhưng không tham cầu thụ hưởng thế lợi.”

[216] Nguyên Hán: trị chính pháp. CDM, Triệu nói: “Chỉ quan chức thi hành pháp luật công chính.” Htr.: lý chư vương vụ 理諸王務, “giải quyết các công việc của triều đình.”

[217] Htr.: “để khiến mọi người an trụ chính niệm chính trí.” Htr.: “khiến họ phát khởi ý hướng thù thắng tu tương tợ phước.”

[218] Hán: thắng pháp 勝法. VKN: śreṣṭhadharma, nghĩa vụ của hàng trưởng thượng.

[219] Ckh.: “Để sửa đổi ngay thẳng tâm chí họ, bằng trung hiếu, khoan nhân, mà giáo hóa thói tục khinh bạc.” VKN: rājabhogaiśva-ryābhilāavinivarttanāya, khiến họ dứt bỏ tham cầu quyền lực vua chúa.

[220] Htr.: “chỉ cho thấy những sai biệt của tĩnh lự.” VKN: viśeajñānasandarśanāya, để khai thị trí tuệ thù thắng.

[221] VKN: aiśvaryānityatvasadarśnāya, để chỉ cho thấy trạng thái vô thường của quyền lực chúa tể.

[222] Ckh.: Tứ thiên vương 四天王. VKN: Lokapāla.

[223] Htr.: “bằng cửa trí tuệ với vô lượng phương tiện thiện xảo bất khả tư nghị.”

[224] VKN: imam eva mahābhautika kāya ārabhya dharma deśayati sma, “ông thuyết pháp bắt đầu với thân thể được cấu thành bởi bốn đại chủng này.”

[225] Htr.: “Thân được cấu thành bởi bốn đại chủng này.”

[226] Viêm 炎. Luận Đại trí độ 6 (T25n1509, tr. 102b2): “Hơi nóng (viêm), đây là gió bụi bốc lên trong nắng, trông giống như ngựa nhảy giữa đồng trống, nên gọi là ngựa đồng (dã mã).” Từ dịch mượn của Trang Tử, Nam hoa kinh, Tiêu dao du: dã mã dã, trần ai dã. Sinh vật chi dĩ tức tương xuy dã, “Ngựa đồng, chính là bụi, do sinh vật lấy hơi thở thổi nhau.” Ckh.: như dã mã 如野馬. Htr.: như dương diệm 如陽焰. VKN: marīcyupama.

[227] VKN: yantrabhūto batāya kāyo sthisnāyuvinibandha, xương này như bó củi yếu ớt được ràng buộc bởi xương, gân. Thí dụ này khuyết trong các bản Hán.

[228] VKN: pūrvakarmapratibhāsatayā, do bởi ảnh tợ của nghiệp quá khứ.

[229] VKN: asvāmiko ‘ya kāya nānāpratyayasabhūta; nirvyā-pāro ya kāya pthivisadśa, “thân này không chủ tể, sinh ra từ nhiều duyên; thân này vô dụng, như đất.”

[230] Ckh.: “thân này là phi thân, như lửa.” Htr.: “… vô ngã, như nước.” VKN: anātmo ‘ya kāya apsadśa.

[231] VKN: nirjīvo.

[232] Htr.: “… không có hữu tình, như lửa.” Htr. còn thêm một dụ nữa không có trong Lth.: “Thân này không bổ-đặc-già-la (Skt. pudgala), đồng đẳng với hư không.” VKN: nipudgalo’ya kāya vāyusadsa; nisvabhāvo’ya kāya ākāśasadśa, “thân này không có con người, như gió; thân này không có tự thể, như hư không.”

[233] VKN: mahābhūtānām ālāya, là kho tích lũy (a-lại-da) bốn đại chủng.

[234] Htr.: “tập thành bởi 404 thứ bệnh.” VKN: caturuttaraiś caturbhī rogaśatai, với hơn bốn trăm thứ bệnh.

[235] Hán: khâu tĩnh 丘井; CDM, Thập nói, “giếng trên gò, tức là giếng khô nơi gò nổng 丘墟 枯 井.” Htr.: “… dễ sập như đường hầm có nước 如水隧.” VKN: jīrodapānasadśo, như giếng khô.

[236] Rắn độc, thí dụ cho bốn đại, các giới (dhātu).

[237] Oán hại 怨害. VKN: vadhaka, kẻ sát nhân. Thí dụ cho uẩn (skandha).

[238] Không tụ 空聚, chỗ bọn cướp thường tụ tập. Thí dụ cho xứ (āyatana).

* Bản Hán, Htr., hết quyển 1.

[239] Ckh. = Lth. Htr.: Thanh văn phẩm 聲聞品. VKN: Śrāvakabodhisattvavisarjanapraśno nāma ttīya parivarta, phẩm 3, Thanh văn và Bồ-tát thăm bệnh, gồm hai phẩm 3 và 4 của các bản Hán.

[240] Śāriputra

[241] Yến tọa 宴坐, Skt. pratisaṃlīna (Pali: paṭisallāna). độc cư tĩnh tọa, ẩn dật tư duy, thiền tứ. VCS nói “yến tọa” ở đây chỉ “diệt tận định.”

[242] Htr., “trong Đại lâm大林.” Khu rừng Mahāvana ở gần Tì-da-ly (Vaiśalya /Vesāli), chạy dài đến Himālaya.

[243] Htr.: “Sau khi cúi đầu lễ dưới chân con, rồi nói rằng…” Chỗ này, Khuy Cơ (T38n1782, tr. 1041b9) chỉ trích La-thập vì nể nang Dao chúa, nên tránh chi tiết Duy-ma-cật cúi lạy sát chân ngài Xá-lợi-phất, lược bỏ chi tiết này trong nguyên bản tiếng Phạn. Nhưng VKN không có chi tiết này như Htr.

[244] Hán: duy 唯, kính thưa; VCS: (T38n1782, tr. 1041b14) nhấn mạnh đặc biệt từ này để nói đến thái độ tôn kính của Duy-ma-cật đối với ngài Xá-lợi-phất. VKN: bhadanta śāriputra, thưa Đại đức Xá-lợi-phất.

[245] VCS: bất tất, chỉ ý vừa tán thành, vừa bác bỏ.

[246] Lth.: thân và ý. Htr.: thân và tâm.

[247] CDM, La-thập nói, “Thân Tử bấy giờ tuy nhập Diệt tận định khiến cho tâm ẩn, nhưng thân vẫn còn hiện, nên bị chỉ trích.”

[248] Oai nghi, chỉ bốn cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi (Skt. īryā-patha). CDM và VCS đều giải là “phương tiện diệu dụng.”

[249] Lth.: phàm phu sự 凡夫事. Htr.: dị sinh chư pháp 異生諸法 (Skt. pṛthagjanadharmā)

[250] Htr.: “Hiện hành các pháp của hết thảy dị sinh (phàm phu) mà không xả tướng của những gì đã chứng.” VKN: prāptilakaañca na vijahāsi pthagjanalakaeu ca sadśyase, không xả tướng sở đắc mà hiện thân trong các tướng phàm phu.

[251] Htr.: “Không xả sinh tử mà không còn phiền não. Tuy chứng Niết-bàn mà vô sở trụ.” VKN: sasārīvacarāśca kleśān na prajahāsi nirvāasamavaśaraaśca bhavasi, đi trong sinh tử, không đoạn phiền não, mà y chỉ trong Niết-bàn.

[252] Mahāmaudgalyāna.

[253] Các bản Hán giống nhau. VKN: tasya satpuruasya, “con người siêu việt ấy.” Trừ Xá-lợi-phất, tất cả Thanh văn và Bồ-tát đều gọi ông như vậy.

[254] Lth.: chúng sinh cấu 眾生垢, Thập nói: “Tức là hai mươi thân kiến (Skt. satkāyadṛṣṭi: tát-ca-da tà kiến = hữu thân kiến). Htr.: ngã cấu 我垢. VCS: cáu bẩn do ngã chấp hay của ngã chấp. VKN: sattvarajas.

[255] Lth.: thọ mạng 壽命; Htr.: mạng giả 命者; Skt. jīva, một khái niệm khác về ātman (ngã chấp, tự ngã hay linh hồn) trong một số học thuyết; tự ngã như là chủ thể của thọ mạng hay sinh tồn.

[256] Lth.: nhân 人. Htr.: bổ-đặc-già-la 補特伽羅; Skt. pudgala (nhân cách, nhân vị, cá thể ngã), một khái niệm về ātman của một số học thuyết; Hán dịch là số thủ thú 數取趣, chỉ chủ thể của luân hồi, tự ngã như là chủ thể trong luân chuyển tái sinh. Từ trên, bản của Huyền Trang đề cập bốn hình thái của ngã chấp (ātmagraha) hay khái niệm về tự ngã (ātmadṛṣṭi): ngã (ātman), hữu tình (= chúng sinh, Skt. sattva), sinh mạng (jīva) và nhân vị hay nhân cách (pudgala). Bản La-thập chỉ kể có ba: chúng sinh, thọ mạng và con người. VKN, như Lth.

[257] Htr.: “Pháp lìa tham trước (chấp), vì không sở duyên. Sở duyên 所緣, Skt. ālambana, cái mà chủ thể (thức) bám vào để sinh khởi và hoạt động. VKN: vigata, (pháp vốn) ly tham.

[258] Giác quán 覺觀, Triệu nói: “Nhị Thiền trở lên không còn giác và quán, nên nói là sự im lặng của Hiền Thánh.” Theo đó, giác quán là hai thiền chi đầu của sơ thiền; cũng là hai trong bốn tâm sở bất định của Duy thức. Htr.: “Pháp không văn tự, vì ngôn ngữ bị cắt đứt; pháp không thí thuyết (diễn thuyết) vì viễn ly hết thảy tư duy sóng cuộn (ba lãng tư).” VKN: anakara sarvavākyaccheda anudāhāra sarvormivigata, (pháp) không văn tự, đoạn tuyệt ngôn ngữ, không biện thuyết, vì đã vượt qua mọi sóng biển.

[259] Hình, đây chỉ hình sắc (sasthāna). Tướng (liga), đây chỉ hình dạng hay dấu hiệu. Htr.: “Pháp không hiển sắc, không tướng dạng, không hình sắc, vì xa lìa hết thảy hành động sự.” VKN: avaraligasasthāna.

[260] Htr.: “Pháp phổ biến khắp cả vì như hư không.” VKN: sarvatrānugata ākāśasamadśa.

[261] Htr.: “Pháp không liễu biệt vì lìa tâm, ý, thức.” VKN: avijñaptiś cittamanovijñānavigata.

[262] Vô hữu tỷ 無有比. VKN: asadśa, không loại tợ.

[263] Tương đãi 相待: đối đãi hay đối nghịch nhau. VKN: nipratipakatvāt, vì không đối nghịch (đối trị phần).

[264] VKN: tathānugata, đi theo Như, tùy thuận theo Như.

[265] Htr.: tất cánh bất động 畢竟不動.VKN.: atyantācaliyatvāt. vì tuyệt đối không dao động.

[266] Ba giải thoát môn: Không, vô tướng, vô tác (=vô nguyện). Htr.: “Pháp thuận Không, tùy Vô tướng, ứng Vô nguyện, vì xa lìa hết thảy tư duy tăng giảm.” VKN: śūnyatāsamāhita, ānimitta-prabhāvita apraihitalakana ūhāpohavigata, “(pháp) tương hệ bởi tính Không, hiển thị bởi Vô tướng, có tướng là Vô nguyện, vì lìa tăng giảm.”

[267] Htr.: “Pháp không thủ xả, vì lìa sinh diệt.” VKN: anutkepo prakepa utpādabhagavigata.

[268] Htr.: “Pháp không chấp tàng, vì lìa hết thảy con đường của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.” VKN: anālayaś cakuśrotraghāajihvā-kāyamanapathasamatikrānta.

[269] Htr.: “Pháp lìa hết thảy sở hành của phân biệt, vì hết thảy hý luận đều bị rốt ráo đoạn trừ.” VKN: prāpta sarvapracāra-vigata, (pháp) sở đắc, lìa tất cả sở hành.

[270] Htr.: “Sự thuyết pháp là, tất cả đều là sự thêm bớt. Người nghe pháp tất cả cũng đều là sự thêm bớt. Nơi nào không có sự thêm bớt, nơi đó không có gì được thuyết, không có gì được nghe, không có gì được nhận thức.” VKN: dharmadeśaneti bhadanta mahā-maudgalyāyana samā-ropapadam etat. ye’pi sṛṇvanti te’pi samāro-peaiva, śṛṇvanti yatra bhadanta maudgalyāyana asamāropapadam na tatra deśyate na śrūyate na vijñāyate.

[271] Huyễn sĩ 幻士; Skt. māyapuruṣa.

[272] Mahākāśyapa.

[273] VKN: dharmasamatāpratiṣṭhitena te bhavitavya; sarvadā sarva-sattvasamanvāhārea piṇḍapāta paryeṣṭavya, “Ngài nên an trụ trong tính bình đẳng của pháp, hằng vì thương tưởng tất cả chúng sinh mà hành khất thực.”

[274] Bất thực 不食; Triệu nói: đây chỉ Niết-bàn. VKN: anāhārea cāhāra paryeṣṭavya, vì cái không phải thức ăn mà cầu xin thức ăn.

[275] Lth.: hoại hòa hiệp tướng 壞和合相.

[276] Xem cht. 40.

[277] Bất thọ 不受;Triệu nói: “Bất thọ, tức là pháp Niết-bàn.”

[278] Htr.: “Vì để phá bỏ sự chấp trước thức ăn của kẻ kia mà hành khất thực.” VKN: parapiṇḍagrāhāpanayāya ca te piṇḍāya carita-vya. Xem thêm cht. 42 dưới.

[279] Lth.: không tụ tưởng 空聚想. Htr.: không tụ tướng 空聚相

[280] VKN, thêm: naranarīparipākāya ca te nagara praveṣṭavya buddhakulakulīnena ca te kulāny upa-samkramitavayāni; aprati-grahaatayā ca piṇḍapāta pratigrāhya, “Vì để thành thục kẻ nam người nữ mà ngài đi vào thị trấn, ngài hãy đi đến các gia đình với ý tưởng đến gia tộc cao quý của Phật. Vì sự không thọ nhận mà thọ nhận của bố thí. ” Htr. & Ckh. đồng; Lth. khuyết. Xem cht. 40 trên.

[281] Trí chứng 智證, La-thập: “Bằng trí mà xúc thật tướng.” Đạo Sinh nói: “Trong tiếng Phạn, xúc và trí chứng đối nghĩa nhau.” VKN: jñānāsparśanatayā ca sparśā spraṣṭavyā, vì tính vô xúc của trí mà tiếp thọ xúc chạm.

[282] Lth.: bản bất nhiên 本不然. CDM, Triệu nói: “Như lửa, không cháy thì không tắt.” Htr.: vô xí nhiên, vô tịch diệt 無熾燃無寂滅. VKN: yo(‘)svabhāvo(’)parabhāva-śuddh(ā)nujjvalita yad anujjva-lita tan na śāmyati; “cái gì (không) tự tính, (không) tha tính, (cái ấy) thanh tịnh không bốc cháy. Cái gì không bốc cháy, cái ấy không bị dập tắt. Xem cht. 89 dưới.

[283] Tám tà, tức tám tà đạo, đối nghịch với tám chính đạo. VKN: (a)ṣṭau ca mithyātvāni samakrāmed aṣṭau ca vimokān samāpa-dyeta, “Nếu có thể siêu việt tám tà mà thành tựu tám giải thoát.”

[284] Htr.: “Bằng bình đẳng của tà mà nhập bình đẳng của chính.” VKN: mithyāsamatayā ca samyaktvasamatām avatared.

[285] Lth.: nhất thực 一食. Htr.: nhất sủy thực 一揣食 (một nắm thức ăn).

[286] Htr.: tạp nhiễm 雜染; Skt. saṃkleśa. Khuy Cơ nói, cựu dịch “phiền não” không chính xác.

[287] Lth.: định ý 定意; Htr.: tĩnh định 靜定. VKN: samāhita

[288] Htr.: không phải trụ sinh tử. VKN: na sasārasthito.

[289] Htr.: “Ai bố thí cho Tôn giả.”

[290] Lth.: Tu-bồ-đề 須菩提. Htr.: Đại Thiện Hiện 大善現. VCS: Ma-ha Tô-bổ-để 摩訶蘇補底, đây nói là Đại Thiện Hiện. Skt. (Mahā)Subhūti.

[291] Htr.: “Sau khi lễ, rồi đón lấy bình bát.”

[292] Htr.: “Nếu có thể bằng tính bình đẳng từ nơi sự ăn mà thể nhập tính bình đẳng của hết thảy pháp; bằng tính bình đẳng của hết thảy pháp mà thể nhập tính bình đẳng của hết thảy chư Phật. Được như vậy mới đáng nhận thức ăn.”

[293] Htr.: “Không hoại tát-ca-da kiến mà nhập nhất thú đạo.” Khuy Cơ giải: Tát-ca-da kiến 薩迦耶見 (Skt. satkāyadṛṣṭi) là ngụy thân kiến (chấp thân hư ngụy này là thực hữu). Lý vô ngã được nói là nhất thú 一趣 (VKN: ekayāna, lối đi độc nhất). Vì đó là đích quay về của hành giả trong cả ba thừa. VKN: avikopya satkāyam ekāya mārgam anugato, không hoại hữu thân mà đi theo con đường nhất đạo.

[294] Lth.: si và ái 癡愛. Htr.: vô minh và hữu ái 無明有愛; Skt.: avidyā bhavatṛṣṇā ca.

[295] Lth.: minh thoát 明脫. Htr.: tuệ minh và giải thoát. Minh, chỉ ba minh (tisro vidyāḥ). Giải thoát, chỉ tám giải thoát (aṣṭau vimokṣāḥ). VKN: na ca te avidyā bhavatṛṣṇā ca samudghātitā na ca vidyā vimuktī utpādite, vô minh và hữu ái không diệt trừ, minh và giải thoát cũng không phát sinh.

[296] Lth.: ngũ nghịch 五逆, năm tội đại nghịch; Skt. pañca ānantaryakarmāṇi. Htr.: “bằng pháp tính bình đẳng vô gián mà nhập pháp tính bình đẳng giải thoát, không được cởi, không bị trói.” Khuy Cơ giải: vô gián ở đây chỉ địa ngục vô gián, nêu chỗ cực khổ để đối nghịch đại lạc là Niết-bàn. VKN: ānantarya-samatayā ca te samādhivimkuktir na cāsi mukto na baddha, bằng tính bình đẳng vô gián mà ngài có chính định và giải thoát; ngài được cởi, không bị trói.

[297] Kiến đế 見諦 (Skt. satyadarśana), đây chỉ sự chứng đắc Thánh quả, đặc biệt Sơ quả.

[298] Htr.: “thành tựu tất cả pháp mà lìa tưởng các pháp 離諸法想.” VKN: na sarvadharmasamanvāgataśca sarvadharma-sama-dhigataś-ca.

[299] Htr. như VKN, thêm: “không phụng sự Tăng.”

[300] Lth.: lục sư ngoại đạo外道六師: Phú-lan-na Ca-diệp 富蘭那迦葉, Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử 末伽梨拘賒梨子 , San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử 刪闍夜毘羅胝子, A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la 阿耆多翅舍欽婆羅, Ca-la-cu-đà Ca-chiên-diên 迦羅鳩馱迦旃延 Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử  尼犍陀若提子. Htr., Ngoại đạo lục sư 外道六師: Mãn Ca-diếp-ba 滿迦葉波, Mạt-tát-yết-li Cù-xá-li Tử 末薩羯離瞿舍離子, Tưởng Phể-đa Tử 想吠多子, Vô Thắng Phát Hạt  無勝髮[禾*曷], Phong Ca-diễn-na 犎 迦衍那, Ly hệ Tử 離繫親子. Skt.: Pūraṇa-Kāśyapa, Maskarī-Gosālīputra, Sañjaya-Vairaṣṭrikaputra, Ajita-Keśakambala, Kakuda-Kātyāyana, Nirgrantha-Jñātiputra. Pali, cf. Sāmañña-phala-sutta, D.i. 47tt.

[301] Ckh.: “Hoặc trụ trong các kiến chấp, hoặc rơi vào biên chấp mà không đến chỗ Phật…” Htr.: “Rơi vào các kiến thú (Skt. dṛṣṭigati: xu hướng kiến chấp tà vạy) mà không đi đến trung biên (Skt. madhyānta: trung đạo và hai biên chấp hay cực đoan).” VKN: sarvadṛṣṭigateu cāryaman antargato na cāntamadhyaprāptā., đi giữa các xu hướng tà kiến mà không rơi vào biên chấp hay trung đạo.

[302] Htr.: bát vô hạ 八無暇, tám hoàn cảnh không thuận lợi cho sự tu tập chính pháp. Skt. aṣṭāv akṣaṇāḥ; Cf. Pali, Saṅgīti, D.iii. 287, aṭṭh’ akkhaṇā asamayā brahmacariya-vāsāya.

[303] Lth.: phiền não 煩惱; Htr.: tạp nhiễm 雜染; Skt. saṃkleśa.

[304] Vô tránh tam-muội/định, Skt. araṇā-samādhi; cf. Câu-xá 27 (Đại. 29, tr. 141c24): “Nói vô tránh tam muội, nghĩa là, A-la-hán quán sát sự khổ của chúng sinh do bởi phiền não. Tự biết thân của mình là ruộng phước bậc nhất, nhưng ngại rằng phiền não của người khác lấy thân của A-la-hán làm đối tượng để sinh khởi, cho nên ngài dẫn phát tướng trí như vậy. Do phương tiện này khiến cho các chúng sinh khác không lấy thân của A-la-hán làm đối tượng để sinh khởi tham, sân, các thứ….” Cf. Vajracchedikā §9: aham asmi bhagavaṃs tathāgatenārhatā samyaksaṃbuddhena araṇāvihāriṇām agrayo nirdiṣṭaḥ, Thế Tôn, con được Như Lai xác nhận là đệ nhất trong các vị sống với hạnh vô tránh. Cf. Pali, A.i. 24: etad aggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ araṇavihārīnaṃ yadidaṃ subhūti… dakkhineyyānaṃ yadidaṃ subhūti, “Trong các Tỳ kheo đệ tử của ta, đệ nhất trong những vị sống vô tránh là Subhūti; đệ nhất trong những vị đáng cúng dường là Subhūti.”

[305] Lth.: lao lữ 勞侶. Htr.: bạn lữ 伴侶. VCS: “Cựu dịch là lao lữ; ý nói, làm bầu bạn để đưa nhau vào chốn khổ nhọc của sinh tử.” VKN: sarvamāraiśca te ekahasta kta, sarvakleśāś ca te sahāyā, cùng với hết thảy Ma kết thành một cánh tay; hết thảy phiền não là đồng bạn.

[306] Htr. thêm: “Tự tính của hết thảy phiền não cũng chính là tự tính của Tôn giả.”

[307] VKN: na cāsi saghapratisarao, không tùy thuận y chỉ Tăng.

[308] Htr.; “Rốt ráo không có Bát-niết-bàn.” VKN: na ca jāto na parinirvāsyasi, không tái sinh mà cũng không nhập Niết-bàn.

[309] Các bản Hán giống nhau. VKN: akarebhya utrasī pratigeda pātram; đừng sợ văn tự; hãy cầm lấy bình bát này.

[310] Hóa nhân 化人; Skt. nirmita(ka), người hay vật được biến hóa ra do pháp thuật hay ảo thuật.

[311] Htr.: “Tính tướng của các pháp đều như huyễn hóa.”

[312] Htr.: “Tính và tướng của hết thảy hữu tình cùng mọi ngôn thuyết cũng như vậy.”

[313] VKN: sarvāi tāny akarāy anakarāi sthāpayitvā vimuktim vimuktilakanāś ca sarvadharmān, tất cả văn tự này đều phi văn tự, ngoại trừ giải thoát; yếu tính của giải thoát là tất cả các pháp.

[314] VKN: pañcānā ca devaputraśatānām ānulomikyā kante pratilambho’bhūt, 500 Thiên tử chứng đắc thuận pháp nhẫn. Htr. đồng. Lth. & Ckh. khuyết.

[315] Lth.: Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử 富樓那彌多羅尼子; Ckh.: Bân-nậu Văn-đà-ni Tử 頒耨文陀尼子. Htr.: Mãn Từ Tử 滿慈子. Skt., Pūrṇa-Maitrāyaṇi-putra.

[316] Xem cht. 3 ở trên.

[317] Lth.: tâm chi sở niệm. Htr.: ý lạc (chí hướng); Skt. āśaya.

[318] Htr.: “Chớ nhầm lẫn phệ-lưu-ly (Skt.vaidūryaratna) với thủy tinh (kācamaika) thấp kém, dòn, dễ vỡ.”

[319] Htr. thêm: “Đừng nhét Diệu cao (núi Tu-di) vào trong hạt cải. Đừng nhầm tiếng gầm của sư tử với tiếng tru của chó sói.” VKN: mā sihanādasaprasthitān sgālanāhe niyojaya.

[320] Htr. thêm “Vì họ không thường xuyên tại định như Phật.”

[321] Các bản Hán đồng. VKN khuyết.

[322] Ma-ha Ca-chiên-diên 摩訶迦旃延. Htr.: Ma-ha Ca-đa-diễn-na 摩訶迦多衍那. VCS: Hán dịch là Đại Tiển Thế Nam 大剪剃男 (Con trai người thợ cạo). Skt. Mahā-Kātyāyana.

[323] Htr.: “không phải đã sinh, đang sinh, sẽ sinh; không phải đã diệt, đang diệt, sẽ diệt.”

[324] VKN: yo’svabhāvo’parabhāva tad anujjvalta yad anujjvalita na tac chāmyati, cái gì không tự tính, không tha tính, cái đó không bùng cháy. Cái không bùng cháy thì không bị dập tắt.

[325] Htr.: “vô lậu vĩnh viễn dứt sạch, tâm được giải thoát.” VKN: anupādāyāśravebhyaś cittāni vimuktāni, tâm giải thoát với vô lậu không chấp thủ.

[326] Lth.: A-na-luật 阿那律; Htr.: Đại Vô Diệt 大無滅. Skt. Aniruddha.

[327] Htr.: “trong Đại lâm.”

[328] Lth., Htr. đồng: Nghiêm Tịnh 嚴淨. Ckh.: Tịnh Phục Tịnh 淨復淨. VKN: Śubhavyūha.

[329] Am-ma-lặc quả 菴摩勒果; Htr.: a-ma-lạc quả 阿摩洛果. Triệu (Đại 38, tr.354c20) nói: “… hình dáng như quả cau. Ăn vào, trừ phong lãnh.” Skt. āmalaka, dịch là dư cam tử 餘甘子 (Mahāvyut-patti).

[330] Lth.: tác tướng 作相; Htr.: hành tướng 行相. VKN: abhisaskāralakaa.

[331] Htr.: không xả tịch định 不捨寂定

[332] Htr.: nhị tướng 二相, chủng chủng tướng 種種相; hình thái nhị nguyên đối đãi, và hình thái đa thù sai biệt. VKN: dvayaprabhāvita.

[333] CDM, Triệu nói, “Ưu-ba-li優波離, tiếng Tần nói là Thượng Thủ上首. Trì luật đệ nhất trong các đệ tử Phật.” VCS: “Ưu-ba-li, đây nói là Cận Chấp 近執 . Khi Phật còn là Thái tử, … Ông là quan giữ kho.” Skt. Upāli.

[334] Htr.: “không an trụ bên trong, cũng không xuất hiện ra ngoài.”

[335] Lth.: tâm tướng 心相, Htr.: tâm bản tịnh 心本淨. VKN: cittasya prakti, bản tính tự nhiên của tâm.

[336] Htr.: “Có phân biệt, có dị phân biệt, là phiền não.” VKN: sakalpe bhadantopāle kleśa akalpāvikalpā ca prakti.

[337] Lth.: tương đãi 相待; Htr.: tương cố đãi 相顧待, quan hệ, chiếu cố lẫn nhau. Skt. āpekṣika.

[338] VKN: sarvadharmā cittaparikalpenotpadyante, tất cả các pháp sinh khởi bởi sự phân biệt vọng tưởng của tâm.

[339] Lth.: thiện giải 善解. Htr.: thiện điều phục 善調伏 (khéo tự chế ngự). VKN: ye eva vinītā te suvinītā, những ai được chế ngự như vậy là khéo được chế ngự.

[340] Htr. có thêm: “Các Thầy chớ nghĩ tưởng vị này là Cư sỹ.”

[341] Nhạo thuyết biện tài 樂說之辯, khả năng biện luận lưu loát. VKN: pratibhāna.

[342] DM: La-hầu-la 羅睺羅. Ckh.: La-vân 羅云. Htr.: La-hỗ-la 羅怙羅. Skt. Rāhula.

[343] Lth.: Tì-da-li chư trưởng giả tử 毘耶離諸長者子; Htr.: Các công tử dòng họ Licchavī 諸童子離呫毘種.

[344] Các bản Hán đồng. VKN: khuyết.

[345] Lth.: lục thập nhị kiến 六十二見, Xem Trường A-hàm 14, kinh Phạm động (Đại 1, tr. 88), cf. D.1 Brahmajāla. VCS (Đại 38, tr.1055a17): “Các kiến chấp, ở đây bao gồm cả năm kiến, trong khi Cựu dịch nêu 62 kiến chỉ thuộc biên kiến, nghĩa rất hạn hẹp.” Htr.: “(xuất gia) là con đường Niết-bàn.” VKN thay thế câu này bằng: arūpiī rūpavigatā yathā nirvāasya, phi sắc, viễn ly sắc, như Niết-bàn.

[346] VKN: praśāntā paṇḍitai parighītā āryai, được kẻ trí tán thán, được Thánh giả nhiếp thọ.

[347] Htr.: “vũng sình dục vọng.”

[348] CDM, Thập nói: “tùy thuận chúng sinh, không trái nghịch tâm tư của chúng.” VKN: paracittasarakaī, thủ hộ tâm kẻ khác.

[349] Htr.: “tùy thuận tịch chỉ, cần tu thắng quán.” Tức tu chỉ và quán. VKN: śamathānukūlā.

[350] Htr.: “Khó thay, Phật xuất thế. Khó thay, lìa vô hà nạn (bát nạn). Khó thay, được thân người.” VKN: durllabho hi buddhotpādo durllabhā kaasampat durlabho manuyapratilambha.

[351] Ānanda.

[352] Htr.: “Đi vào thành Quảng nghiêm, trước cửa cổng nhà một người Bà-la-môn.”

[353] VKN: sa mā vantitvaivam āha, ông ấy sau khi đảnh lễ con rồi nói như vầy. Htr. như VKN.

[354] VKN: vajrasahatana, kim cang bất hoại. Htr.: kim cang hợp thành 金剛合成.

[355] VKN: akuśalavāsaa, tập khí bất thiện. Htr.: các ác pháp cùng với tập khí.

[356] Lth. & Ckh.: tư dục thân. Htr.: tạp uế thân. VKN: āmiakāya, nhục thân, thân do bởi ham muốn xác thịt.

[357] Lth.: bất đọa chư số 不墮諸數. Htr.: “Thân Phật là vô vi, lìa các hữu vi; vượt qua các số, vì các số vĩnh viễn tĩnh lặng.” CDM (Đại 38, tr.360a15): Triệu nói, “… số, tức hữu số 有數 (số loại hữu vi).” VCS (Đại 38, tr. 1056c17): “… số, tức sinh số 生數 (= số loại thọ sinh).” VKN: sakhyāviga(ta).

[358] VKN: te nānārthalūhadaridracaryayā sattvā vinetavyā, vì để hóa độ vô số chúng sinh vốn là những kẻ cùng khổ. Htr. đồng.

[359] VKN: phần sau của phẩm 3; xem cht.1 chương 3 trên.

[360] Lth.: Di-lặc 彌勒. Htr.: Tiếng phạn là Mỗi-đát-lị-da 梅呾利耶, dịch là Từ Thị 慈氏. Xưa phiên là Xưng (Di?)-đế-lệ 稱帝麗 hay Di-lặc 彌勒, thảy đều nhầm. Skt. Maitreya.

[361] Đâu suất Thiên vương 兜率天王. Htr.: Đổ-sử-đa Thiên vương 睹史多天王. VCS: “Tầng thứ tư trong sáu tầng trời Dục giới. Đây dịch là Tri túc. Nghĩa là, hưởng thụ các dục lạc nhưng biết đủ một cách sâu xa.” VKN: Satuita-devaputra.

[362] CDM (Đại 38, tr.360c20), Thập nói: “Tức là vô sinh pháp nhẫn.” VCS: “… Hoặc đây chỉ Pháp yếu thuộc giai đoạn của pháp luân bất thối ở địa thứ tám (Bất động địa).” VKN: kathā kathayāmi yad ida bodhisattvānā mahāsattvānām avaivartyā bhūmim ārabhya, giảng pháp thoại về việc làm thế nào để Bồ-tát đạt đến địa vị bất thối chuyển.

[363] Htr.: nhất sinh sở hệ. VKN: ekajātipratibaddha.

[364] VKN: kae kae, trong từng sát na.

[365] VKN: ajāti, vô sinh, chỉ sự không tái sinh, không có đời sống nào cả.

[366] CDM, Thập nói: “Thật tướng thường định, nên nói là chính vị.” Htr.: sở nhập chính tính 所入正性. VCS: “Nhập tức là chứng. Chính tính, là chân tính của pháp.” Câu-xá 23 (Đại 29, tr. 121b4); “Kinh nói, chính tính là Niết-bàn.” Chỉ trạng thái từ địa vị phàm phu bước vào địa vị Thánh giả. VKN: niyāmāvakrānti.

[367] VKN: na cājātir vyākriyate nāpy ajātir abhisabudhyate, vô sinh (không tái sinh) thì không được thọ ký, cũng không chứng đắc giác ngộ.

[368] Lth.: nhất sinh 一生. Htr.: nhất sinh sở hệ. Skt. ekajātibaddha.

[369] Như sinh 如生… Như diệt 如滅. VKN: tathatotpadena … tathatānirodhena, (được thọ ký) bằng sự sinh khởi của Như tính, bằng sự tịch diệt của Như tính.

[370] Cf. Đại Bát-nhã 447 (Đại 7, tr. 252a7): “Hoặc Chân như của sắc, hoặc Chân như của Trí nhất thiết trí, hoặc Chân như của tất cả pháp; thảy đều là một Chân như, không hai, không khác, cũng không cùng tận…” Cf. Tiểu phẩm Bát-nhã 5 (Đại 8, tr. 558b13): “Tu-bồ-đề,…, Như (tính) của năm uẩn tức thị Như (tính) của hết thảy pháp. Như của hết thảy pháp tức thị Như của Tu-đà-hoàn. Như của Tu-đà-hoàn là Như của Tư-đà-hàm… Như của Bích-chi-phật đạo là Như của Như Lai. Các Như ấy đều là một Như, không hai, không khác, vô tận, vô lượng.”

[371] VKN: na hi tathatā dvayaprabhāvitā nānātvaprabhāvitā, thật vậy, Chân như không hiển hiện bởi nhị nguyên tính, không hiển hiện bởi đa thù tính.

[372] Bồ-đề tướng 菩提相. Htr.: “Bồ đề (bodhi), là điều được giác tri (anubuddha) một cách đồng đẳng bởi tất cả hữu tình.” VKN., sarvasattvānubodho hi bodhi, bồ đề là sự chứng giác của tất cả chúng sinh.

[373] Htr.: Bát-niết-bàn.

[374] Htr.: “Tính tịch tĩnh tự bản chất của hết thảy hữu tình tức là yếu tính của Niết-bàn, vì vậy Phật nói Chân như là Bát-niết-bàn.” VKN: tathāgatā… te sattvāni paśyanti nirvāa-praktikāni, các Như Lai thấy mọi chúng sinh đều có bản tính tự nhiên là Niết-bàn.

[375] CDM, Thập nói: “Dụ, bản Phạn nói là cuống 誑 (dối gạt).” VKN: mā … ullāpaya mā visavādaya, đừng dụ dỗ, đừng dối gạt. Htr.: dụ 誘… trệ 滯.

[376] VKN: na bodhau pratiṣṭhate, không có ai an trụ trong bồ-đề.

[377] Htr.: “Vì tướng của hết thảy hữu tình, hết thảy pháp thảy đều tịch diệt.”

[378] Htr.: “Không tăng (gia) là bồ-đề, vì hết thảy sở duyên (đối tượng) vốn không tăng ích.” Khuy Cơ (VCS) giải thích : “Cựu dịch bất quán 不觀, vì không thể quán sát bằng tâm biến kế.” VKN: asamāropo bodhi sarvāramvaānām.

[379] Bất hành … vô ức niệm 不行 … 無憶念. Htr.: “Vì hết thảy hý luận, hết thảy tác ý đều không (hiện) hành.” VKN: apracāro bodhi sarvamanaskārāām, bồ-đề là không sở hành của tất cả mọi tác ý.

[380] Htr.: xả ly các thủ trước. VKN: paricchedo bodhi sarvadṛṣṭigatānām, bồ đề là sự đoạn tuyệt tất cả mọi kiến chấp.

[381] Htr.: ly hệ (=diệt trừ kết sử phiền não) là bồ đề, vì vĩnh viễn xa lìa tất cả pháp động loạn. VKN: visayogo bodhi sarveñjita-manyayasyanditānām.

[382] CDM, Triệu nói: “Đạo chân chính là vô dục, vì ngăn cản các nguyện cầu.” Bản La-thập hình như có nhảy sót, so sánh Htr.: “ly hệ 離繫 là bồ đề vì vĩnh viễn dứt lìa hết thảy các pháp động loạn. Tịch tĩnh là bồ đề vì hết thảy phân biệt hoàn toàn vắng bặt. Quảng đại là bồ đề, vì hết thảy hoằng nguyện đều không thể trắc lượng.” VKN gần với Lth.: adhiṣṭhāna bodhi sarvapraidhānānām, bồ đề là y xứ, vì là y xứ của tất cả các nguyện.

[383] Htr.: “Không tranh (bất tránh 不諍; Khuy Cơ đọc là bất chứng 不證); vì hết thảy thủ trước, hết thảy tranh luận đều xa lìa.” VKN: asapraveśo bodhi sarvo(pa)dhi sarvodgraha-vigatā, không (chứng) nhập là bồ-đề, vì không nhập tất cả chấp thủ, xả ly tất cả tham chấp.

[384] Htr.: tùy chí 隨至, đến theo sau; VKN: anugata.

[385] Htr.: chân như. Skt. tathatā.

[386] Htr.: trụ pháp giới . VKN: sthitā bodhi dharma-dhātusthāne, bồ đề là sự an trụ trong bản xứ của pháp giới.

[387] Htr.: “kiến lập là bồ đề vì kiến lập (trong) thật tế.” VKN: pratiṣṭhitā bodhi bhūtakoyām.

[388] Htr.: “vì xa lìa pháp tính sai biệt.” VKN: manodharma-vigatā, xả ly ý và pháp.

[389] Htr.: “vì con mắt và sắc, cho đến ý và pháp, thảy đều bình đẳng như hư không.” VKN: samā bodhi ākaśasamatayā.

[390] Htr.: sinh, trụ, dị, diệt.

[391] Htr.: biến tri. Skt. parijñā, nhận thức toàn diện hay tường tận. Cf. Câu-xá 22 (Đại 29, tr. 112a17): “biến tri có hai: trí biến tri (jñānaparijñā) và đoạn biến tri (prahānaparijñā). Trí biến tri (nhận thức toàn diện bằng trí tuệ) tức là trí vô lậu (anāsrava jñāna).”

[392] Bất hội 不會. Htr.: vô gián 無間. VKN: dvārā, không có cửa.

[393] Các nhập; Htr.: sáu nội xứ (Skt. saḍ adhyāmikāny āyatanāni).

[394] VKN: advārā bodhi āyatanānām, bồ đề là lối vào không cửa của xứ.

[395] Bất hiệp 不合. Htr.: vô tạp 無雜. VKN: asasṛṣṭa, không hỗn tạp.

[396] Phiền não tập. Htr.: tập khí của tương tục phiền não. VKN: vāsanānusandhikleśa.

[397] Vô xứ. VKN: na deśasthā na pradeśasthā, không phương vị, không xứ sở.

[398] Htr.: “vì trong Chân như, hết thảy phương vị, xứ sở đều xa lìa.“ Htr. còn thêm: Vô trụ là bồ đề, vì không thể thấy trong tất cả xứ. Tathatāpratiṣṭhitā bodhi sartodṛṣ, bồ đề là vô trụ chân như, không được nhìn thấy từ tất cả mọi phía. Htr. đọc tathatā lên cụm từ trên.

[399] Giả danh 假名. Htr.: duy danh 唯名. VKN: nāmadheyamātra.

[400] Htr.: “vì danh vốn không hoạt dụng.” VKN: tac ca nāma nirīhaka.

[401] Như hóa 如化. CDM: Triệu nói, như cái vô tâm của con người huyễn hóa. Htr.: vô lãng 無浪, không gợn sóng. VKN: nirātimkā bodhi āyūhaniryūhavigatā, bồ đề là không tự ngã, vì không mang đến cũng không lấy đi.

[402] Thiện tịch 善寂; Skt. suśānta, hoàn toàn (phi thường) tĩnh lặng.

[403] Phan duyên 攀緣; Skt. ālamba.

[404] Vô dị, không dị biệt, đây chỉ phi đa thù. VKN: nirnānātvā.

[405] Htr.: “Vì tính bình đẳng của các pháp được chứng giác.”

[406] Vô tỷ 無比. Htr.: vô dụ 無喻. VKN: anupama, không có thí dụ.

[407] Htr. còn thêm một đoạn nữa: “Biến hành (phổ biến, phổ quát) là bồ đề, vì tự tính phổ biến như hư không. Lên đến đỉnh cao là bồ đề, vì là tối thượng thủ của tất cả pháp. Vô nhiễm là bồ đề, vì hết thảy thế pháp không thể làm cho nhiễm ô. Như vậy, bồ đề không được chứng bởi thân, không được chứng bởi tâm.” VKN: sarvatrānugatā bodhir ākāśasvabhāvatvāt; sā na śakyā kāyena vācā cittenābhisam-bodhu.

[408] Ckh.: Quang Tịnh Đồng tử 光淨童子. Lth. = Htr. VKN: Prabhāvyūha. Cf. Lalitavistara.

[409] Tác lễ. Khuy Cơ (VCS, Đại 38, tr. 1060c8): “Đoạn trên, Duy-ma-cật cúi chào Di-lặc; vì Di-lặc hiện thân tướng xuất gia. Ở đây, Thiếu niên Quang Nghiêm cúi chào Duy-ma-cật; vì Quang Nghiêm hiện thân tướng thế tục. Người nhỏ tuổi cúi chào người lớn tuổi hơn.”

[410] Đạo tràng 道場; Htr.: diệu bồ đề 妙菩提. VKN. bodhimaṇḍa.

[411] Trực tâm 直心. Htr.: thuần trực ý lạc 淳直意樂. VKN: bodhimaṇḍa itiāśāyamaṇḍa, trường bồ-đề là trường chí hướng.

[412] Htr.: phát khởi gia hành 發起加行. VKN: prayoga.

[413] Htr.: tăng thượng ý lạc 增上意樂. VKN: adhyāśaya.

[414]Htr.: “Vì rốt ráo chứng hội pháp thù thắng.” VKN: ea viśeāvigamatayā, vì không hề xa rời mục đích siêu việt.

[415] Htr.: không quên lãng hết thảy pháp. VKN: apramoaatā.

[416] Htr.: thanh tịnh bố thí.

[417] Htr.: không cầu dị thục quả.

[418] Htr.: tâm không sân nhuế. VKN: sarvasattvā-pratihatacitta, không có tâm gia hại đối với hết thảy chúng sinh.

[419] VKN: cittakarmayatayā, vì tâm thiện xảo sự nghiệp.

[420] Bội xả 背捨. CDM: giải thoát ở đây chỉ tám giải thoát, cũng gọi là tám bối xả (Skt. aṣṭau vimokā), xem Trường A-hàm 10 (Kinh Chúng tập, Đại 1, tr. 52b12); cf. Pali, Saṅgīti, D.iii. tr.261: aṭṭha vimokkhā. Htr.: vì lìa vọng động do phân biệt 分別動. VKN: akalpanatā.

[421] CDM: đế 諦, trong Tiểu thừa là bốn Thánh đế. Trong Đại thừa, là một đế, tức Thật tướng. VKN. satyamaṇḍa.

[422] Htr.: mười hai duyên khởi.

[423] Các bản Hán giống nhau. VKN: ea avidyāsrava(ā?)kayatayā, vì vô minh lậu đã (không?) bị diệt tận.

[424] Htr.: Dứt hết các phiền não là diệu bồ đề. VKN: sarvakleśpraśamanamaṇḍa.

[425] Tri như thật 知如實. Htr.: như thực hiện chứng chân pháp tính 如實現證真法性. VKN: yathābhūtābhi-sabodhanatayā.

[426] Htr.: vì dụng tự tính làm vô ngã. VKN: sattvāsvabhāvatayā, vì chúng sinh vốn không tự tính.

[427] Htr.: “Không lìa ngoài ba cõi (Dục, Sắc và Vô sắc giới).”

[428] Vô sở thú 無所趣. Htr.: viễn ly nhất thiết phát thú sự 發趣事, xa rời tất cả mục đích hướng đến.

[429] Đây chỉ mười lực, bốn vô sở úy và mười tám pháp bất cộng của Phật. Skt. balavaiśāradyāveikasarvabuddha-dharmamaṇḍa.

[430] Htr.: “Vì xa lìa phiền não, đạt được trí cứu cánh vô dư.” VKN: niravaśeatvāt kleānām, vì đã hoàn toàn diệt tận các phiền não.

[431] Htr.: một sát-na tâm.

[432] Htr.: “Mọi cử chỉ tới lui, đi đến, dở chân, hạ chân, thảy đều tương ưng với chân thật phát thú, với ba-la-mật-đa, với sự thành thục hết thảy chúng sinh, với sự nhiếp thọ Chính pháp, với sự cúng dường Như Lai.”

[433] Bồ-tát Trì Thế 持世. Ckh.: Trì Nhân 持人. VKN: Jagatindhara; cf. ṣṭrapālaparipccha, Mahāvyutpatti.

[434] Htr.: tại tự trú xứ 在自住處. VKN: vihāre viharāmi, đang ở trong một tinh xá.

[435] Ma Ba-tuần 魔波旬. CDM, Triệu nói: “Ba-tuần, tiếng Tần gọi là Sát giả hay Cực ác, vì là nguyên nhân đoạn thiện căn, và tội lớn nhất là chống Phật, nhiễu loạn Tăng.” Htr.: ác ma oán 惡魔怨. Skt. Māra-Pāpīyas.

[436] Kiều-thi-ca 憍尸迦; Skt. Kauśika. CDM, Thập nói: Kiều-thi là họ, tên chữ là Ma-ca-đà.

[437] Htr.: “Khiến họ phát tâm hướng đến chính đẳng bồ-đề.”

[438] Đạo ý 道意. Htr.: vô thượng chính đẳng giác tâm 無上正等覺心. VKN: bodhicitta.

[439] Pháp lạc法樂. Htr.: đại pháp uyển lạc大法苑樂, lạc thú trong vườn Chính pháp. VCS (Đại 38, tr.1062c29): “Đó là Chính thanh tịnh. Nhân bởi pháp này mà sinh lạc, nên nói là đại uyển pháp lạc.” VKN: dharmārāmarati.

[440] Htr. có thêm hai lạc: “vui vì vĩnh viễn xuất ly ba cõi; vui vì không còn y trú nơi các sở duyên (không còn lệ thuộc các đối tượng ngoại giới).” VKN: traidhātukān nissaraarati viayev aniśritarati.

[441] Htr.: Đối với các giới 界; Khuy Cơ (VCS), đây chỉ 18 giới (dhātu), phù hợp ngữ cảnh (uẩn, xứ, giới).

[442] Đạo ý 道意. Htr.: bồ đề tâm菩提心.

[443] Htr.: “Vui lìa keo kiệt trong sự bố thí.” VKN: dāne saṃvibhāgaratiḥ.

[444] Htr.: “Vui không khinh nhờn trong sự trì giới.” VKN: śīleṣv aśaithilyaratiḥ.

[445] VKN: prajñāyām apagatakleśāvabhāsaratiḥ, vui với sự chói sáng không ô nhiễm trong trí Bát-nhã.

[446] Htr.: “Vui hiện tiền quán sát trong ba cửa giải thoát. Vui hiện tiền vươn đến bát-niết-bàn. Vui không phải phi thời mà quán sát.” VKN: trivimokṣamukhaparijayaratiḥ nirvāṇā-rambaṇaratiḥ bodhi-maṇḍalāṃkāraratiḥ na cākālaprāpti-ratiḥ.”

[447] Htr.: đồng loại sinh 同類生. VCS giải thích: “đồng loại với những người tu phạm hạnh xuất thế.” VKN: sabhāgajana, hạng người cùng loại, cùng tính khí.

[448] Hán: tương hộ 將護. VKN: visarjana, xa lánh.

[449] Bản La-thập nhảy một đoạn, Htr.: “Vui vì khéo nhiếp thọ trong phương tiện thiện xảo.” VKN: upāye saṃgraharatiḥ.

[450] Htr.: “Vui vì ở nơi các pháp mà hoan hỷ tín thọ.” VKN: dharmaprītiprāmodyaratiḥ.

[451] Vô tận đăng 無盡燈. VCS: “Vì để sự lưu truyền Chính pháp không bị gián đoạn mà nói Vô tận đăng.” VKN: akṣayapradīpa. Ckh.: “Có vị Thiên tên là Vô Tận, thường mở cửa Pháp.” Có lẽ đọc là deva (thiên), thay vì dīpa (đèn).

[452] Trưởng giả tử Thiện Đức 長者子善德. Htr.: Tô-đạt-đa 蘇達多. Ckh.: Thiện Kiến 善見. VKN: Sudatta-śreṣṭhiputra. Cùng tên với Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍada). VCS: “Tô-đạt-đa, đây nói là Thiện Thí 善施, vì hay giúp đỡ những người cùng khổ.”

[453] Đại thí hội 大施會. Htr.: Đại tự hội 大祠會. CDM, “Thập nói, Đại thí hội có hai loại: 1. Chỉ bố thí chứ không dùng lễ pháp. 2. Tổ chức tế tự theo nghi thức ghi trong các sách ngoại đạo, kiêm cả việc bố thí.” Skt. mahāyajña, đại tế đàn, có 5 loại: bhūtayajña (cúng thức ăn cho mọi loài sinh vật), manuṣyayajña (tế tự cho loài người), pitṛyajña (tế tự tổ tiên), devayajña (tế tự chư thiên), brahmayajña (tế tự Phạm thiên). Đề cập ở đây là loại thứ ba, tế tự để dâng cúng các Tổ phụ.

[454] Pháp thí hội 法施之會. Ckh.: Tự pháp từ 祀法祠. Htr.: pháp thí từ hội. VKN: dharmayajña.

[455] Tài thí hội 財施會. Ckh.: tư dục từ 欲祠. Htr.: tài thí từ 財施祠. VKN: āmiṣayajña.

[456] CDM, Thập nói: “Sự phân phát tài vật phải theo thứ tự kẻ trước người sau. Không thể phát một lần cho tất cả.”

[457] Htr.: “Bằng hành tướng của Vô thượng bồ-đề mà dẫn phát đại từ.” VKN: bodhyākārābhinirhṛtā mahāmaitrī.

[458] Htr.: “Bằng hành tướng giải thoát của các hữu tình mà dẫn phát đại bi.” VKN: saddharmasaṃgrahābhinirhṛtā mahākaruṇā, đại bi được dẫn phát bởi sự nhiếp thọ Chính pháp.”

[459] Htr.: “Bằng hành tướng tùy hỷ của các hữu tình mà dẫn phát đại hỷ.”

[460] Htr.: “Bằng hành tướng nhiếp thủ của trí mà nhiếp thọ Chính pháp.”

[461] Htr.: “Bằng hành tướng tịch tĩnh điều phục…” VKN: śāntadāntābhinirhṛtā dānapāramitā.

[462] Lth. & Htr. giống nhau. Xem cht. dưới.

[463] Htr.: “Vì hành tướng của giác chi tối thắng…”

[464] Lth. & Htr., đồng. VKN: bodhyaṅgābhinirhṛtā vīrya-pāramitā; kāyacittavivekābhinirhṛtā dhyānapāramitā, hành giác chi dẫn phát tinh tấn ba-la-mật; viễn ly thân tâm dẫn phát thiền ba-la-mật.

[465] Htr.: “Bằng hành tướng của sự nghe trí nhất thiết trí.”

[466] Htr.: “Bằng hành tướng sửa trị hết thảy hữu vi.” VKN: saṃskṛtaparikarmābhinirhṛtā.

[467] Htr.: “Bằng hành tướng của sự thọ sinh do cố tác ý…” VKN: saṃcintyopapattyabhinirhṛtā, được dẫn phát bởi sự biến hóa sinh bằng cố ý. Tức Bồ-tát thọ sinh do ý nguyện chứ không do nghiệp lực

[468] Htr.: vô nguyện.

[469] Htr.: “Bằng hành tướng của sự khéo léo tu tập bốn nhiếp sự mà dẫn phát mạng căn.” VKN: saṃgraha-vastvabhinirhṛtaṃ jīvendri-yaṃ.

[470] Htr.: “Bằng hành tướng kính thờ như tôi tớ đối với hết thảy chúng sinh.”

[471] Htr.: “Bằng hành tướng đem những gì không bền chắc mà đổi lấy tất cả những gì bền chắc.” VCS (tr.66c28): “Tài sản thuộc sinh tử hữu lậu là thứ không bền chắc mà đổi lấy (mậu dịch) tài sản bền chắc là xuất thế vô lậu.”

[472] Htr.: sáu tùy niệm (Skt. saḍ anusmṛtayaḥ). Tức niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới và niệm chư thiên.

[473] Htr.: “Bằng hành tướng của sự tu tập các pháp tịnh diệu mà dẫn phát ý lạc.” VKN: saṃrañjanīyadharmā-bhinirhṛto’ dhyāśaḥ, bằng pháp hòa kính mà dẫn phát ý chí hướng thượng (tăng thượng ý lạc).

[474] Tịnh mạng 淨命. VKN: ājīvapariśuddha, sự trong sạch trong cuộc sống (mưu sinh).

[475] VKN: prasādaprāmodyasevana, thân cận với niềm hoan hỷ của tâm tịnh tín.

[476] VKN: anāryeṣu pratighātābhinirhṛtā cittanidhyapti, bằng sự ức chế giữa những hạng phi thánh mà dẫn phát tâm tư quyết trạch.

[477] VKN: pravrajyābhinirhto ‘dhyāśaya, bằng sự xuất gia mà dẫn phát ý chí hướng thượng.

[478] Htr.: “Vì hành tướng của sự thường tu tập trung đạo…”

[479] Vô tránh pháp. Skt. araadharma. La-thập: “Với vật không nghịch; với pháp không trái, gọi là vô tránh.”

[480] Không nhàn xứ 空閑處. Htr.: a-luyện-nhã xứ 阿練若處. VKN: araṇyavāsa, lâm cư, sống ẩn dật trong rừng.

[481] Hán: yển tọa 宴坐. Skt. pratisaṃlayana.

[482] Tu hành địa 修行地. Htr.: du-già sư địa 瑜伽師地, chỉ trình độ tu tập. VKN. yogācārabhūmi.

[483] Htr.: quảng đại diệu phước tư lương 廣大妙福資糧. VKN: puyasabhāra, tư lương của phước.

[484] Trí nghiệp 智業. Htr.: quảng đại diệu trí tư lương 廣大妙智資糧 (chất liệu cho trí quảng đại). VKN: jñānasabhāra, tư lương của trí.

[485] Nhập nhất tướng môn . Htr.: nhất chính lý môn ngộ nhập 一正理門悟

[486] Tuệ nghiệp 慧業. Htr.: quảng đại diệu trí tư lương 廣大妙慧資糧(chất liệu cho tuệ quảng đại). VKN: prajñānasabhāra, tư lương của bát-nhã.

[487] Tức các bồ đề phần, Skt. bodhipakṣyadharma.

[488] Nan Thắng Như Lai 難勝如來. Ckh.: Đầu-ba-biến (Hán dịch Cố Thọ) 頭波變 (漢言固受). VKN: Duṣprasaha-tathāgata.

[489] Quang minh quốc độ 光明國土. Ckh.: Viêm khí 炎氣. Htr.: Dương diệm thế giới 陽焰世界. VCS: “Thế giới hư huyễn, cho nên nói là Dương diệm.” VKN: Marīci-lokadhātu.

* Bản Lth., hết quyển thượng. Htr., hết quyển 2.

[490] Các bản Hán, phẩm 5. Ckh.: phẩm “Chư pháp ngôn” 諸法言品. VKN: Phẩm 4, Glānapratisaṃmodanā-parivarta, phẩm Ủy lạo người bệnh.

[491] Văn-thù-sư-lợi 文殊師利. Htr.: Diệu Cát Tường 妙吉祥. Skt. Mañjuśrī-kumārabhūta.

[492] VKN: sarvamārasthānavivartanakuśalamahābhijñā-vikṝditaḥ, du hý bằng đại thần thông, khéo léo đẩy lui tất cả Ma.

[493] Htr.: xảo tiện vô ngại 巧便無礙, vận dụng phương tiện khéo léo thông suốt. VKN: upāyakauśalya-gatiṃgataḥ. Tiếp theo, bản La-thập nhảy một đoạn; Htr.: “Sở hành pháp giới tối thắng không hai, không tạp, đã rốt ráo đến bờ bên kia; có thể ở nơi pháp giới của một tướng trang nghiêm (VKV: ekavyūhadharmadhātu: thể giới một yếu tính thẩm mỹ tuyệt đối) mà diễn thuyết pháp môn được trang nghiêm bằng vô hạn yếu tính; thấu triệt căn tính và hành vi của tất cả chúng sinh; khéo léo sử dụng thần thông tối thắng của sự du hý; đạt đến mức hoàn hảo phương tiện thiện xảo của đại trí tuệ; hoàn toàn tự tại vô ngại vô úy để quyết trạch mọi vấn đáp; các hạng thấp kém không thể đối đầu với mũi nhọn ngôn từ biện luận của ông ấy.”

[494] Thành ngữ để chào, nguyên Phạn: svāgatam, Hán: thiện lai 善來, đến an lành. Về mặt từ nghĩa luận, lời chào này trở thành cảnh ngữ khơi dậy luận điểm triết học.

[495] Htr. còn thêm: “Không nghe mà nghe.” VKN: svāgataṃ mañjuśriyo (a)svāgataṃ mañjuśriyaḥ anāgata-syādṛṣṭaśrutapūrvasya darśanam, “Văn-thù khéo đến. Văn-thù chưa đến mà đã khéo đến; trước khi nghe và không thấy mà thấy.”

[496] VKN: āgato na sa bhūya āgamiṣyati yaś ca gato na bhūyo gamiṣyati, đã đến, thật vậy, nó sẽ không (bị) đến; cái gì đã đi, nó sẽ không (bị) đi.

[497] Htr.: “Không phải do cái đã đến mà có khái niệm (thi thiết) về sự đến. Không phải do cái đã đi mà có khái niệm về sự đi.” Khuy Cơ, VCS (Đại 38, tr. 1069c24) lưu ý: “Chỗ này, bản La-thập và bản Huyền Trang không giống nhau.” VKN: na cāgatasyāgamanaṃ prajñāyate na ca gatasya gamanaṃ, cái đã đến không giả thiết khái niệm về sự đến; cái đã đi không giả thiết khái niệm về sự đi.

[498] Hán: trí vấn vô lượng 致問無量. VCS: “Lời nhắn gởi thì ngắn gọn; nhưng thâm ý hỏi thăm thì vô lượng.”

[499] Htr.: “Cũng như vô minh (avidyā) và hữu ái (bhavatṛṣṇā) của chúng sinh sinh khởi đã từ lâu đời; bệnh của tôi cũng phát từ lâu như vậy.”

[500] VCS, Đại 38, tr. 1070b22, “Hỏi thất không, là hỏi về pháp không. Hỏi thị giả không, là hỏi về nhân không.”

[501] CDM, Đại 38, tr. 372c11, “Thập nói, căn nhà do không có vật gì cả nên trống không. Cõi Phật do bởi lý gì mà không?”

[502] CDM, “Thập nói, không có (vô 無, Skt. abhava) vì không có vật gì. Rỗng không (không 空, Skt. śūnya), vì quốc độ tính Không. Triệu nói, không đầu là trí không; không sau là pháp không.” VKN: śūnyatayā śūnyāni, (chúng là) Không bởi tính Không.

[503] Lth.: hà dụng không 何用空. Htr.: vi thị thùy không 為是誰空, là cái không của ai (= của cái gì)?” VKN: śūnyatāyāḥ kā śūnyatā? Cái gì là tính Không của tính Không (Của tính Không là tính Không gì)?

[504] Htr.: “Không này là Không của vô phân biệt.” VKN: apari-kapanāś ca śūnyatāyā śūnyātā, vô phân biệt là tính không của tính Không.

[505] Htr.: Không tính 空性.

[506] Htr.: “Cái hay phân biệt này cũng không. Vì sao? Tính Không không thể phân biệt thành Không.” VKN: yenāpi parikalpyeta tad śūnya na ca śūnyatā śūnyatām parikalpayati, cái do bởi nó mà phân biệt, cái đó là Không; không phải tính Không phân biệt thành Không.

[507] Trường A-hàm 14, kinh 21. Phạm động, Đại 1, tr. 89c23. Cf. Pali, Brahmajāla-sutta, D.i. tr. 44.

[508] Htr.: vô sắc tướng 無色相.

[509] Lth.: thân hiệp 身合, tâm hiệp 心合. Htr.: thân tương ưng 身相應, tâm tương ưng 心相應.

[510] Htr.: tâm như huyễn hóa 如幻化.

[511] Tứ đại 四大, Skt. catvāri mahābhūāni. Htr.: tứ giới 四界; Skt. dhātavaś cavāri.

[512] Trong bản dịch Huyền Trang thì ngược lại: Duy-ma-cật hỏi Văn-thù. Khuy Cơ (Đại 38, tr. 1071c21) cho rằng, xét theo ý nghĩa, La-thập đã dịch không đúng. Triệu nói (Đại 38, tr. 374c9), theo lẽ thì Duy-ma-cật hỏi. Nhưng để khiến những vị hiện diện chú tâm, và để chính người bệnh tự nói, nêu rõ ý nghĩa vô chứng của Đại thừa. Ckh., VKN, như bản Huyền Trang.

[513] Lth.: giáo đạo chúng sinh 教導眾生. Htr.: khuyến thành thục hữu tình 勸成熟有情. VKN: sattvaparipācanatayā.

[514] VKN: kāyaśāntā, sự tịch tĩnh của thân.

[515] Htr.: “Không nói tội có di chuyển.” VCS (tr.1072a14): “Nhị thừa quan niệm ba đời thực hữu. Tội đã được làm trong hiện tại đi vào quá khứ nên nói là di chuyển. Quá khứ có thực thể dẫn đến sự cảm quả trong tương lai.” VKN: sarvaduścaritadeśanatayā na ca sakrāntayā, (nói về) sự phát lộ tất cả hành vi xấu nhưng không nói có sự việt pháp.

[516] Tịnh mạng 淨命; Thập nói: tức là chính mạng. VCS: “Tịnh mạng là gốc rễ thiện.” VKN: ādiviśuddhatayā, bản lai thanh tịnh. Các bản Hán đều đọc ājīvaśuddhatayā.

[517] Htr.: “Khuyên chớ kinh sợ (vaiśāradya?) mà hãy tinh cần dũng mãnh.” VKN: sadāvīryārambhāc ca vaidyarājo bhaviyasi, hãy luôn luôn phát khởi tinh tấn để trở thành y vương.

[518] Xem cht. trên.

[519] VKN: parikalpakleśasamutthito na punar atra kaścit paramārtha-to dharma upalabhyate yasyaiṣa vyādhiḥ, bệnh này xuất phát từ phiền não vọng tưởng, mà từ chân lý tuyệt đối, không có bất cứ pháp nào là khả đắc như là bệnh.

[520] Lth.: trước ngã 著我; Htr.: chấp ngã 執我.

[521] Htr.: “Không nên ở trong thân này mà vọng tưởng sinh ra chấp ngã.”

[522] Lth.: ngã tưởng chúng sinh tưởng 我想眾生想, khái niệm về một tự ngã hay linh hồn (ātmasaṃjñā), khái niệm về một chúng sinh hay một hiện tồn thể (sattvā-sajñā). Htr.: hữu tình ngã tưởng有情我想. Cf., Vajracchedika, bốn khái niệm về ngã: ātmasaṃjñā (ngã tưởng), sattvāsaṃjñā (chúng sinh tưởng), jīvasaṃjñā (thọ tưởng), pudgalasaṃjñā (nhân tưởng).

[523] Lth.: đương khởi pháp tưởng 當起法想. CDM: “Triệu nói, để trừ ngã tưởng mà khởi lên pháp này.” Htr.: an trụ pháp tưởng 安住法想. khái niệm về pháp an trụ hay thường trụ. Htr.: “An trụ nơi pháp tưởng mà quán pháp do nhân duyên để phá trừ ngã chấp.” (= Skt. dharmasaṃjñā pratiṣṭhitavyā).

[524] VKN: dharmā evotpadyamānā utpadyante dharmā eva nirudhya-mānāirudhyate, chính pháp đang sinh ấy sinh; chính pháp đang diệt ấy diệt.

[525] Htr.: “Ta phải nên trừ diệt nó và cũng tức là trừ diệt hết thảy tai hoạn như vậy của hữu tình.”

[526] VKN: ahakāramamakāraprahāa, loại trừ nhân tố tác thành ý niệm về tự ngã và nhân tố tác thành ý niệm về sở hữu của tự ngã.

[527] Pháp hai 二法; chỉ pháp còn tính nhị nguyên đối đãi, hai mặt đối lập. VCS: “Pháp hai tức là pháp mà nội tại và ngoại tại đều tuyệt đối không hiện hành.” Xem phẩm 9, “Pháp môn bất nhị.”

[528] VCS: “Quán sự bình đẳng, không di động, không dao động, không có cái được quan sát.”

[529] Lth.: 行心平等; hành tâm bình đẳng. Triệu nói, “thể hiện sự bình đẳng của tâm.” Htr.: quán bình đẳng… VCS (T38n1782, tr. 1073a24 ): “quán sự bình đẳng của pháp, không động dao…”

[530] Htr.: “ngã và Niết-bàn, cả hai đều bình đẳng.” VKN: ātmasamayatayā ca nirvāasamatā, do bởi tính bình đẳng của tự ngã mà có tính bình đẳng của Niết-bàn.

[531] Htr.: “Hai pháp này đã không tồn tại, thì còn pháp nào khác hơn nữa là không? Ấy là chỉ bằng vào quy ước của ngôn ngữ (danh tự giả thuyết) mà nói là không.”

[532] VKN: ubhāv apy etāv aparinipannau yad utātmā nirvāa ca tena samadarśinā nānyo vyādhi nānyā śūnytatā kartavyā vyādhir eva śūnyatā, chính cả hai cái này, tự ngã và Niết bàn, cũng không chân thật. Bằng quán sát bình đẳng như vậy, không có bệnh nào khác, ngoại trừ tính Không. Chính bệnh cũng là tính Không.

[533] Triệu nói, “Phật pháp chưa được viên mãn, chúng sinh chưa được cứu độ, không riêng mình diệt trừ các cảm thọ để thủ chứng.”

[534] Lth.: điều phục 調伏. Htr.: trừ tật 除疾.

[535] Htr.: “Khi điều trị cho mình và cho người, không thấy có một cái gì gọi là được điều trị.”

[536] Lth.: hữu phan duyên有攀緣. Htr.: hữu duyên lự有緣慮. Skt. sālambhana, cái luôn luôn cần điểm tựa để hiện hành; cái không bao giờ rời khỏi điểm tựa. VCS (T38n1782, tr. 1073c29): “Duyên lự, là tâm, tâm sở có tính phân biệt, thuộc hữu lậu.”

[537] Lth.: đoạn 斷. Htr.: ưng tri. Skt. parijñātavya 應知, cần biến tri (=cần triệt để đoạn trừ).

[538] VKN: yad idam ātmadṛṣṭi paradṛṣṭi ca, tự ngã và tha nhân.

[539] Htr.: Nếu không có hai kiến, đó là không có gì sở đắc.

[540] Lth.: vô tuệ lợi 無慧利. Htr.: hư khí, bõ công vô ích 虛棄.

[541] CDM: “Khởi ái kiến đại bi…, Triệu nói: (…) Nếu quán ấy chưa thuần, thấy chúng sinh mà thương yêu, rồi từ đó mà khởi tâm đại bi.” Htr.: “Với tâm bị quấn chặt bởi ái và kiến ấy mà khởi tâm đại bi đối với chúng sinh.” VKN: nānuśasadṛṣṭipatitā sattveu mahā-karuotpadyate, không do quan điểm phúc lợi trong các chúng sinh mà khởi tâm đại bi.

[542] Bụi như người khách chợt đến. (Skt. āgantuka). CDM (Đại 38, tr. 378b09): “Triệu nói, tâm gặp ngoại duyên, phiền não chợt dấy lên, cho nên nói là khách trần.”

[543] Tiếp theo, đoạn thiếu trong các bản Hán, VKN: anupāyād bhava-gatiparigraho bodhisattvasya bandha upāyād bhava-gatigamana moka, không do phương tiện mà dấn thân vào định hướng tái sinh, đó là hệ phược của Bồ-tát. Do phương tiện mà đi vào định hướng tái sinh, đó là giải thoát của Bồ-tát.

[544] Htr.: “Bằng phương tiện thiện xảo và tái sinh trong các hiện hữu, hoàn toàn không có tham đắm.”

[545] Phương tiện tuệ 方便慧, (Skt. upāyajñāna, tuệ của phương tiện, hay tuệ do bởi phương tiện). Htr.: phương tiện thiện nhiếp diệu tuệ 方便善攝妙慧 tuệ siêu việt được thể hiện khéo léo bằng phương tiện (upāsaṃgṛhītā prajñā).

[546] Tuệ phương tiện 慧方便; (Skt. prajñāsaghīta upayo, phương tiện của trí tuệ hay do bởi trí tuệ).

[547] CDM (Đại 38, tr. 378c26): “Thập nói, quán Không mà không thủ; lội hữu mà không dính; đó là xảo phương tiện… Trong đây chỉ lấy sự lội hữu không dính làm phương tiện, nên nói rằng có tuệ mà không có phương tiện. Từ trụ thứ bảy trở lên, tâm thường định, động và tĩnh không khác, cho nên nói là phương tiện tuệ.”

[548] Htr.: “Tự điều phục bằng… nhưng không trang điểm thân bằng các tướng hảo… cho nên, không có phương tiện…”

[549] Htr.: “Bồ-tát an trụ các kiến, tất cả phiền não, triền phược, tùy miên, tu các gốc rễ thiện mà không hồi hướng vô thượng chính đẳng bồ-đề, chấp trước sâu dày, đó là Bồ-tát không có diệu tuệ được nhiếp bởi phương tiện thiện xảo, được gọi là bị trói buộc.”

[550] Htr.: “Quán thân cùng với bệnh đều là vô thường…”

[551] Htr.: “Thân, tâm và các thứ tật bệnh, lệ thuộc lẫn nhau, lưu chuyển từ vô thủy, sinh diệt không gián đoạn, không phải mới, không phải cũ. Đó gọi là tuệ.”

[552] VKN: cittam nidhyapayitavya.

[553] Tức trong tâm đã được chế ngự.

[554] VKN: yad atrāsthānam aya bodhisatvasya gocara, nơi nào không có điểm đứng (trú xứ), nơi đó là hoạt trường (sở hành cảnh giới) của Bồ-tát.

[555] Htr.: “Ở nơi sở hành quán sát sinh tử, mà không có sở hành của hết thảy phiền não.”

[556] Hình như Lth. có nhảy sót; Htr.: “Nơi nào được quán sát là sở hành của sinh tử nhưng nơi đó không có sở hành của phiền não, đó là sở hành của Bồ-tát. Nơi nào được quán sát là sở hành của Niết-bàn nhưng nơi đó không phải là sở hành của tuyệt đối tịch diệt, đó là sở hành của Bồ-tát.” VKN, như Htr.

[557] Htr.: “Ở nơi sở hành của bốn thứ Ma mà siêu việt sở hành của hết thảy Ma.” Bốn Ma: uẩn ma, phiền não ma, tử ma, thiên ma.

[558] VKN: yac caturmārasadarśanagocaraśca sarva-nāraviayāti-krāntagacaraś cāya bodhisattvasya gocara, nơi nào là hiện trường cho bốn loại Ma xuất hiện nhưng nơi đó cũng là hiện trường siêu việt cảnh giới của Ma, đó là hoạt trường của Bồ-tát.

[559] Phi thời cầu 非時求. CDM (Đại 38, tr.380a20): “Thập nói, công hành chưa đủ mà cầu cho được kết quả đầy đủ, gọi là phi thời cầu. Htr.: “Nơi nào là sở hành để cầu trí nhất thiết trí (VKN: sarva-jñajñānaparyeṣṭigocara), nhưng không phải là sở hành cho chứng đắc trí tuệ phi thời (VKN: akālajñānaprāptigocaro).” VCS (T38n1782. tr. 1076a5): “Bồ-tát chứng trí, bên ngoài thích ứng với mọi cơ duyên để có thể cứu vớt chúng sinh, thì nói là không phải phi thời.”

[560] Nhảy một đoạn trong bản La-thập; Htr.: “Nơi nào là sở hành để cầu diệu trí về bốn Thánh đế, nhưng nơi đó không phải là sở hành để chứng nghiệm Thánh đế phi thời; đó là sở hành của Bồ-tát. Nơi nào là sở hành cho chứng nghiệm nội tại do chính quán sát, mà nơi đó cũng là sở hành nhiếp thọ sinh tử; đó là sở hành của Bồ-tát.” VKN, như Htr.

[561] Htr.: “Nơi nào là sở hành để chính quán sát vô sinh, mà không phải là sở hành để rơi vào chính tính của Thanh văn.”

[562] Trái nghĩa với Htr.: “Nơi nào sở hành để hành tất cả duyên khởi, nhưng đó cũng là sở hành xa lìa mọi xu hướng kiến chấp.” VKN, như Htr.

[563] VKN: yat sarvasattvasagaikāgocaraśa na ca kleśānuśaya-gocaro ‘ya bodhisattvasya gocara, nơi nào là hoạt trường quần tụ của tất cả chúng sinh nhưng không phải là hoạt trường của ô nhiễm tiềm phục, nơi đó là hoạt trường của Bồ-tát.

[564] CDM: “Triệu nói, viễn ly nhỏ thì xa lìa chỗ náo nhiệt. Viễn ly lớn thì dứt hẵn thân tâm.”

[565] Htr.: “Không hoại loạn pháp giới.” VKN: na ca dharmadhātu-sambhedagacara, không phải là sở hành phá hoại pháp giới.

[566] Htr.: sở hành vô tác. VKN: anabhisaskāragocara, sở hành không tạo tác.

[567] Htr.: “… mà không hướng đến sở hành bờ bên kia của tâm hành diệu trí của hết thảy chúng sinh…” VKN: apāramitāgocaraś ca sarvasattvacittacaritapāragama-nagocaraśca, sở hành của sáu ba-la-mật thấu đạt bờ bên kia, cũng là sở hành thấu đạt bờ bên này của tâm hành của hết thảy chúng sinh.

[568] Htr.: “Không tái sinh theo thế lực của các Thiền.”

[569] Từ đây trở xuống, 37 bồ-đề phần, thiếu hẳn trong bản Ckh.

[570] Htr.: “Mà không vui cầu viễn ly thân, thọ, tâm, pháp.”

[571] Htr.: “Sở hành không thấy có hai thứ thiện và bất thiện.” VKN: na ca kuśalākuśaladvayopalabha, không phải là sở hành của hai phân biệt thiện và bất thiện.

[572] Htr.: vô công dụng biến hiện tự tại thần túc. VKN: anābhogari-pādavaśavarti, biến hóa tự tại không cần dụng công.

[573] Htr.: “… mà không phân biệt…” VKN, như Lth.

[574] Htr.: “… mà không cầu thiện xả của diệu trí để biết sai biệt của Phật pháp.” VKN, như Lth.

[575] Htr.: “… mà không chán bỏ tà đạo…” VKN: kumārga(a)nadhyā-lambanagocaraś ca, mà cũng là sở hành duyên đối tượng tà đạo.

[576] Htr.: “… cõi Phật, mà tự tính là không, tịch diệt, không thành không hoại, như hư không…”

[577] VKN: dharmacakrapravarttanamahāparinirvāa-sadarśa-agocara, thị hiện chuyển pháp luân, nhập Đại bát-niết-bàn.

[578] Htr.: “nhưng không phải không tu hành các sai biệt của Bồ-tát hành.” VKN, như Lth.

[579] Htr.: “… sở hành hy hữu sự của hết thảy Bồ-tát…”

[580] Bản Hán, Chi Khiêm, gồm hai phẩm; nửa sau phẩm 5, “Chư pháp ngôn 諸法言” và phẩm 6 “Bất tư nghị 不思議”. La-thập, “Bất tư nghị phẩm đệ lục 不思議品第六” (tr. 81a28); Huyền Trang, quyển 3, “Bất tư nghị phẩm đệ lục 不思議品第六” (tr. 570a28). VKN, phẩm v, acintyavimoka-sadarśana-parvarta, thị hiện giải thoát bất tư nghị.

[581] Htr.: “Pháp được gọi là tịch tĩnh (Skt. śānta) và cận tịch tĩnh (upaśānta). VCS: “Tịch tĩnh, chỉ chân như. Cận tịch tĩnh, chỉ các pháp vô lậu khác.”

[582] Hành xứ 行處. Htr.: “pháp không phải là cảnh giới.” VKN: dharmo hy aviayo, pháp là phi cảnh giới (đối tượng của thức).

[583] Htr.: “Nếu tư duy trên tất cả cảnh giới sở hành, đó là cầu cảnh giới chứ không phải cầu pháp.”

[584] Thủ xả 取捨; VCS: “Thủ, tức nhiếp thủ 攝取. Xả, tức khí xả 棄捨.” Chấp nhận hay loại bỏ. VKN: dharmo nāyūhoniryūha, pháp không phải là sự mang đến hay lấy đi.

[585] Ckh. pháp vô sào quật 法無巢窟, pháp không có hang ổ. Lth.: pháp vô xứ sở法無處所, pháp không có nơi chốn. Htr.: pháp vô nhiếp tàng 法無攝藏, pháp không có sự tích chứa. VCS: “Cái tích chứa (năng nhiếp tàng) là ái. Cái được tích chứa (sở nhiếp tàng) là đối tượng (sở duyên) của ái.” VKN: dharmo’nālayo ye ālayārāmā na te dharmārthikā, pháp không phải là nơi tích chứa. Ai hân hoan với sự tích chứa, người ấy không phải cầu pháp. Cf. Nhiếp Đại thừa luận bản 1 (T31n1594, tr. 134a18) dẫn Tăng nhất: “Thế gian chúng sinh yêu a-lại-da (ālaya)…” Trong đó (T31n1594, tr. 133b18) A-lại-da được định nghĩa: “Do tích chứa các pháp…由攝藏諸法.” Cf. Pali, Sayutta, S.i. 136: ālayarāmā kho panāya pajā ālayaratā ālayasamudditā, “Chúng sinh này say đắm, thích thú, vui sướng với những gì được tích chứa.” Nghĩa cụ thể của ālaya là “cái nhà, chỗ cư ngụ”; do đó, Lth. dịch là xứ sở, Ckh. dịch là sào quật.

[586] Lth.: trước xứ 著處. Htr.: lạc nhiếp tàng 樂攝藏. Skt. ālayarāma; xem cht. 14 trên.

[587] VKN: ye viayasakhyātā na te dharmārthikā viayārthikās te, những ai tư duy về các đối tượng, người đó không phải cầu pháp mà cầu các cảnh giới đối tượng.

[588] VKN: dharmo’savāsa, pháp không phải là trú xứ.

[589] Htr.: “Nếu cùng trụ với pháp; đó là cầu trụ chứ không phải cầu pháp.”

[590] Kiến văn giác tri 見聞覺知. Skt. dṛṣṭa-śruta-mata-jñāta. VCS dẫn Đối pháp luận: Được tiếp nhận bởi mắt là thấy (kiến, dṛṣṭa ); bởi tai là nghe (văn, śruta); bởi tri giác tự nhiên mà biết như vậy như vậy là cảm nhận (giác, mata); nhận thức nội tại là nhận biết (tri, jñāta).

[591] Htr.: “xa lìa trần cấu, được sự thanh tịnh…” CDM: “Triệu nói, được pháp nhãn tịnh của Đại thừa.” VCS: chứng quả Dự lưu. Bản Ckh., hết phẩm 5.

[592] Tu-di tướng 須彌相. Ckh. Tu di phan 須彌幡. Htr.: Sơn tràng 山幢. VKN: Merudhvaja.

[593] Ckh., Lth.: Tu-di Đăng Vương 須彌燈王. Htr.: Sơn Đăng Vương 山燈王. VKN: Merupradīparāja.

[594] Htr.: “Tất cả đều vẫn thấy như cũ, không có gì đổi khác.” VKN: tathaiva sadśyante yathā pūrvan tathā paścāt.

[595] VKN: acintyo nāma vimoka.

[596] Tứ Thiên vương 四天王 và Đao-lị chư thiên 忉利諸天 (antarmahārājakāyikā devās trayastriśato vā). Cf. Câu-xá 11 (Đại 29 tr. 59c14): núi Tu-di phân thành bốn tầng cấp. Tầng thứ tư là chỗ của Tứ đại thiên vương cùng quyến thuộc. Trên chóp đỉnh là chỗ của thiên chúng Tam thập tam thiên. Vì vậy, nếu di chuyển Tu-di, thì các chư thiên này cũng bị di chuyển.

[597] Htr.: “Chỉ những ai cần chứng kiến thần thông lực để có thể được điều phục, những người ấy mới thấy…”

[598] Riêng Htr. thêm một đoạn, không thấy trong các bản khác: “Bồ-tát an trụ giải thoát bất khả tư nghị như vậy, được dẫn vào bằng năng lực trí tuệ của phương tiện thiện xảo. Cảnh giới giải thoát bất khả tư nghị này không phải là cảnh giới mà các Thanh văn và Bích-chi-phật có thể ước lượng được.”

[599] VKN: na ca kaścit sattvo vihitsito (=vihisito) vihehito vā bhaved, không chúng sinh nào thấy bị phương hại, tổn thương. Htr. còn thêm đoạn kết luận như thí dụ Tu-di và hạt cải.

[600] Htr., thêm đoạn kết luận.

[601] Htr.: “Hoặc có các hữu tình cần phải thấy sự tiếp nối của sinh tử thật là lâu dài mới có thể được điều phục; hoặc có các hữu tình cần thấy sự tiếp nối của sinh tử chỉ trong thời gian ngắn ngủi mới có thể được điều phục.” VKN: santi sattvā aparamāasasāra-vainayikā santi sakipta-sasāra-vainayikā, có những chúng sinh cần được hóa độ bằng sinh tử vô lượng; có những chúng sinh cần được hóa độ bằng sinh tử ngắn ngủi.

[602] Htr.: thừa ý thế thông 乘意勢通, nương theo năng lực thần thông được thực hiện bằng thế lực của ý chí. VCS (tr. 1080a16): “Có hai giải thích về ý thế thông. 1. Không phải du hành bằng tự thân, mà bằng thế lực của ý… 2. Sự vận dụng hoạt động của thân tùy theo thế lực của ý, cho nên cực kỳ nhanh chóng, trong một sát na mà đi khắp mười phương…” VKN: cittajādhikayā dhyā, bằng thần thông siêu việt do bởi tâm sinh.

[603] Htr.: đại phong luân 大風輪. VKN: vātamaṇḍalya.

[604] VKN: daśasu diku buddhaketrāy uddahyante kalpoddāhena, các quốc độ Phật trong mười phương bị đốt cháy bởi ngọn lửa kiếp tận.

[605] Htr. thêm: “Như Vương Thái tử đăng quang nhận ngôi vị Quán đỉnh.”

[606] Htr.: “Vì muốn sự lợi ích cho các hữu tình nên thị hiện những sự nghiệp lớn khó làm như vậy.”

[607] Htr.: “không thể thực hiện sự ăn xin bằng cách thúc ép người cho như vậy.”

[608] Trước đó, Htr. có thêm thí dụ: “Như lửa đom đóm không thể che ánh mặt trời…”

[609] Thứu đạp 蹴蹋. Htr.: “như sự chiến đấu uy mãnh của voi chúa…”

[610] Htr. thêm: “… chỉ có voi chúa mới cỏ thể chiến đấu với voi chúa. Cũng vậy, phàm phu ở địa vị thấp kém không đủ để bức bách Bồ-tát (phải cho). Duy chỉ Bồ-tát mới có khả năng bức bách Bồ-tát (bố thí).”

[611] Htr. thêm kết luận: “Khi pháp này được thuyết giảng, tám nghìn Bồ-tát chứng nhập cảnh giới giải thoát bất tư nghị vốn chỉ có thể được chứng nhập bằng trí lực của phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.”

* Ckh., hết quyển thượng. Htr., hết quyển 3.

[612] Các bản Hán Phẩm 7. Ckh.: “Quán nhân vật 觀人物.” Lth.: “Quán chúng sinh 觀眾生.” Htr.: “Quán hữu tình 觀有情.” VKN, phẩm 6: devatāparivarta, “Chư thiên.”

[613] Lth.: sở huyễn nhân 所幻人, con người được biến ra bằng ảo thuật. Htr.: sở huyễn sự 所幻事. VKN không có thí dụ này.

[614] Nhiệt thời viêm 熱時炎. Htr.: dương diệm thủy 陽焰水, nước trong quáng nắng. VKN: marīcikāyām udakam.

[615] Không trung vân 空中雲. Htr.: hư không trung vân thành đài các 虛空中雲城臺閣, thành quách, đài các trong mây trong bầu trời; Skt. gandharvanagara, thành phố gandharva, thành phố càn-thát-bà, chỉ thành phố nhìn thấy trong biển do phản chiếu của mây và hơi nước bốc từ biển.

[616] Lth.: thủy tụ mạt 水聚沫. (Skt. phenapiṇḍa). Htr.: thủy tụ mạt sở hữu tiền tế 水聚沫所有前 際, tiền tế của đám bọt nước; VCS giải thích: “tiền tế vốn không hiện hữu, vì nguyên lai là không.” Nghĩa là, không thể xác định điểm xuất phát của bọt nước. VKN: phenapiṇḍasya pūrvānta.

[617] Lth.: thủy thượng bào 水上泡; (Skt. udakabudbuda). Htr.: thủy phù bào hoặc khởi hoặc diệt 水浮泡或起或滅. bong bóng trên mặt nước chợt nổi chợt chìm. Cf. Trung A-hàm 12 (Đại 1, tr. 503b).

[618] Điện cửu trú 電久住. Htr. không có thí dụ này. VKN: vidyuta sakrānti, như sự di chuyển của ánh chớp.

[619] Phật thuyết chỉ có 4 đại.

[620] Lth.: ấm. Phật thuyết chỉ có 5 uẩn.

[621] Tình 情. Htr.: căn 根. Phật thuyết chỉ có sáu căn. Skt. (ṣaṭ indriyāṇi). VCS (tr. 1081b24): “Tiếng phạn tát-đỏa 薩 埵 (sattva), đây nói là hữu tình, tức là sáu căn. Bản dịch cũ vì vậy nói là như tình thứ bảy.” VKN: saptamam āyatanam, xứ (nội) thứ bảy.

[622] Lth.: nhập 入. Htr.: xứ 處. Phật thuyết chỉ có 12 xứ (Skt. dvādaśa āyatanāni).

[623] Phật thuyết chỉ có 18 giới 界. Skt. aṣṭadaśadhātu.

[624] Htr. thêm hai thí dụ: y phục được dệt bằng lông rùa (VKN: maṇḍūkaromapracāra, -cīvara?); sự hưởng thụ dục lạc của trẻ sơ sinh mà yểu mạng (VKN: mtyasya kāmakrīārati).

[625] Thân kiến; Htr.: tát-ca-da kiến (= hữu thân kiến). VKN: srotāpannasya satkāyadṛṣṭi.

[626] Htr.: “như sự tái sinh lần thứ ba của Nhất lai.” VKN: sakdāgāminas ttīyo bhava. Vị Nhất lai (một lần tái sinh thiên giới và một lần tái sinh nhân gian rồi nhập Niết-bàn, không có tái sinh lần thứ ba). Cf. Câu-xá 24, Đại 29, tr. 123c21, 124a19.

[627] A-na-hàm, hay Bất lai (Skt. anāgāmin) không còn tái sinh Dục giới nên không nhập thai (Skt. garbhāvakrānti). Cf. Câu-xá 24, Đại 29, tr. 124b1.

[628] Đắc nhẫn Bồ-tát 得忍菩薩. (kāntipratilabdhabodhisattva). CDM (tr. 384a13) Triệu nói, “Trụ (= Bồ-tát địa) thứ bảy chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, vĩnh viễn đoạn trừ các kết sử của tâm.” VCS (tr. 1081c4), “Bồ-tát địa thứ tám trở lên gọi là đắc nhẫn.”

[629] Phật phiền não tập 佛煩惱習, tàn dư của phiền não còn tiềm phục (tathāgatasya kleśavāsanā) Htr.: Như lai tập khí tương tục 如來習氣相續.

[630] VKN: jātyandha, mù từ khi sinh.

[631] VCS: “Tứ thiền trở lên không còn hơi thở ra vào nữa, huống là nhập diệt tận định.”

[632] Htr. thêm: “Như căn của bán-trạch-ca 半擇迦 mà có thế dụng.” Skt. paṇḍaka, bất năng nam, đàn ông bất lực hay bị thiến.

[633] Hán: thạch nữ 石女. Htr.: “như hành vi của con của thạch nữ.” VKN: bandhyāyā putrapratilambha.

[634] Hóa nhân 化人. Htr.: “Như sự trói buộc của người được Phật biến hóa ra.” Và thêm một thí dụ nữa: “Như phiền não tuyệt đối không còn sinh khởi.” Giải thích, VCS: “Địa thứ tám trở lên, tuy hạt giống của phiền não chưa hoàn toàn bị tiêu diệt nhưng do tác động liên tục của vô lậu khiến cho chúng không có điều kiện để sinh khởi nên nói là phiền não tuyệt đối không còn sinh khởi.” VKN: tathāgata-syānutpannā kleśā, phiền não không sinh khởi của hóa nhân được biến hóa bởi Như lai.

[635] Htr.: “Như thân đời sau (hậu hữu tương tục) của A-la-hán.” VKN: parinirvtasya pratisandhi, kết sinh (thức) của vị đã nhập Niết-bàn.

[636] Htr.: “Như sự thiêu đốt của ngọn lửa không sinh.” VKN: anupādānasyāgne sambhava, sự xuất hiện của ngọn lửa không có nhiên liệu.

[637] Hành tịch diệt từ 行寂滅慈. CDM, “Thập nói: biết các pháp vốn vắng lặng (tịch diệt, upaśānta) và vô sinh (anutpanna), nhân đó mà khởi từ tâm nhưng vẫn không mất tịch diệt.”

[638] Htr.: “vì không có các thủ.” VKN: sattvatrāamaitrī sarva-sattveūtpadyate nārambaatayā, upaśamamaitrī anutpāda-natayā, hành từ cứu hộ tất cả chúng sinh vì không có sự vin nắm. Hành từ tịch tĩnh vì vô sinh.

[639] Bất nhiệt từ 不熱慈. CDM (tr. 384b23), “Triệu nói: phiền não khởi từ ái và kiến; từ tâm mà không ái và kiến, cho nên không nóng bức (nhiệt não).” VKN: niparidāhamaitrī nikleatayā, từ không nóng bức vì không còn phiền não.

[640] Htr.: “tu từ tâm như thực 如實慈, vì bình đẳng suốt cả ba đời.” VKN: yathāvat(a)maitrī ardhvasamatayā, hành từ như thực vì tính bình đẳng của thời gian.

[641] Vô sở khởi 無所起. Htr.: hành bất vi từ vô đẳng khởi cố. 修不違慈無等起故. VKN: avirodhamaitrī aparyupasthānatayā, hành từ không vi nghịch, vì không có gì là thân cận.

[642] Ckh.: hành bất nộ từ 行不怒慈, vì hoàn toàn thành tựu. Htr.: tất cánh trụ 畢竟住. VKN: akopyamaitrī atyantaniṣṭhatayā, hành từ không bị kích động vì đạt đến cứu cánh.

[643] Htr.: “vì tăng thượng ý lạc (Skt. adhyāśaya: ý hướng hay nguyện vọng) như kim cang.”

[644] Htr.: “vì bản tính vốn tịnh (Skt. prakṛtiśuddhatā).”

[645] Vô biên từ 無邊慈 (Skt. anantamaitrī). Htr.: bình đẳng từ 平等慈 (Skt. samamaitrī).

[646] Kết tặc 結賊. VKN: a(r)hanmaitrī arinirghātayā, hành từ A-la-hán vì đã tiêu diệt kẻ thù. Cf. Đại tỳ-bà-sa 94 (T27n1545, tr. 487c3): “A-la 阿羅 (Skt. ar) chỉ cho tất cả phiền não; hán 漢 (Skt. han) nghĩa là sát hại. Dùng gươm trí tuệ mà sát hại hết thảy phiền não nên gọi là A-la-hán (Skt. arhan= ari+han).” Cf., Pali, A. iv. 145, arīhatattā ariyo hoti, phá diệt kẻ thù là Thánh.

[647] Htr.: “Tu từ tâm của Độc giác (Pratyekabuddha), vì không cần thầy dạy.” Lth. và VKN đều không có đoạn này.

[648] Htr.: “Tu từ tâm của Bồ-tát, vì không nghỉ ngơi trong sự giáo hóa chúng sinh.”

[649] Htr.: “Vì chứng ngộ tính chân như của các pháp (tathātānu-bodhanatayā).”

[650] Htr.: “Vì đánh thức các chúng sinh đang ngủ say.”

[651] VKN: svayabhumaitrī, hành tự nhiên, tự lập, không thầy.

[652] Htr.: “Vì thể nghiệm pháp tính một cách tự nhiên.”

[653] Vô đẳng từ 無等. Htr.: “Tu từ tâm không thiên lệch, vì đã đoạn trừ yêu và ghét.” VKN: asamāropamaitrī anunayaprati-ghaprahāna-tayā, hành từ không tăng gia (không thêm thắt) vì đoạn trừ thân sai và đối nghịch.

[654] Htr.: hành từ vô tránh vì quán vô ngã; hành từ không chán vì quán tính Không. VKN: aparikhedamaitrī śūnya-nairātmyapraty-avekaatayā, hành từ không mệt mỏi vì quán không và vô ngã.

[655] Di tích 遺惜. Htr.: sư quyển 師捲 (Skt. ācārya muṣṭitā), làm thầy mà dấu diếm, không truyền dạy hết. Cf., Pali, D.ii. 100: na tattha … tathāgatassa dhammesu ācariyamuṭṭhi, “ở đây, trong các pháp, Như lai không có bàn tay nắm chặt của người thầy.”

[656] Chú của La-thập (tr. 385a17): “chữ hành 行 trên chữ từ 慈 trong đây, không có trong bản Phạn.”

[657] Htr.: “Hiện thực biết pháp trong mọi thời.”

[658] Sáu phương tiện, Htr. đề cập các ba-la-mật tiếp: nguyện, lực, trí; đủ mười ba-la-mật trong mười địa Bồ-tát. Tiếp theo, tu thần thông, tu nhiếp sự, tu vô trước, đoạn này không tương đương Lth. và VKN.

[659] Vô cuống 無誑, không lường gạt. Htr. tách thành hai: vô trá 無詐, không trá ngụy, vì ý lạc (Skt. āśaya: xu hướng hay ý nguyện) thanh tịnh; vô siểm 無詐, không dua nịnh, vì không còn giả dối.

[660] CDM, “Thập nói: trong Phạn bản, trú Niết-bàn lạc.” Nghĩa là, La-thập dịch thoát ý. Htr.: “Thiết lập cơ sở an lạc của chư Phật.” VKN: buddhasaukhyapratiṣṭhāpanatayā.

[661] Htr.: “Nương tựa và an trú nơi Đại ngã của chư Phật.” VKN: buddhamahātmya.

[662] Hành chính niệm 行正念. Htr.: tu tập tác ý quán sát một cách như lý. VKN: yoniśa prayukto bhavati.

[663] VKN: satkāya, hữu thân

[664] Dục tham; VKN: icchālobha, ham muốn và tham lam.

[665] Hư vọng phân biệt; VKN: abhūtaparikalpa.

[666] Điên đảo tưởng; VKN: viparyastā sajñā.

[667] Vô trụ; VKN: apratiṣṭ.

[668] Htr.: “Câu hỏi này phi lý. Vô trụ tức là không có gốc… do gốc vô sở trụ mà các pháp được kiến lập.”

[669] Htr.: “Thiên nữ sống ở đây từ trước.” VCS (tr. 1083b13): “Thiên nữ này là Bồ-tát ở địa thứ tám.”

[670] Tức các Đại Thanh văn (Skt. Mahāśrāvaka).

[671] Vô sở phân biệt 無所分別. Htr.: vô phân biệt, vô dị phân biệt 無分別無異分別, không phân biệt, cũng không phân biệt dị biệt. Trong đối thoại này, Phạn văn sử dụng nghĩa đôi của từ kalpa: quy tắc và phân biệt (=làm cho hợp quy tắc tư duy), Xá-lợi-phất nói: akalpikāni devate etāni pui, hoa này không hợp cách (đúng pháp). Thiên nữ nói, etāni pui kalpikāni, hoa này hợp cách. Vì sao? na kalpayanti na vikalpayanti, chúng không phân biệt, không chi tiết phân biệt.

[672] Htr.: bị loài phi nhân. La-thập (ibid., tr. 387b16) dẫn chuyện: Một con quỷ la-sát biến làm con ngựa. Một người đàn ông cỡi mà không nghi ngờ. Giữa đường, con quỷ hỏi, “Ngựa tốt không?” Người đàn ông rút gươm ra hỏi, “Gươm này có tốt không?” Quỷ biết người này không sợ, nên không làm hại được.

[673] Htr.: “Sợ sinh tử, nghiệp, phiền não.”

[674] Kết tập 結習. La-thập (ibid.) giải thích: “Có hai loại tập khí. Tập khí kết sử (= phiền não) và tập khí của sự thiên ái Phật pháp (dharmatṛṣṇāvāsana). Khi chứng vô sinh nhẫn thì hết thảy tập khí phiền não đều trừ sạch; nhưng tập khí thiên ái Phật pháp vẫn còn.” (Skt. vāsana) Htr.: phiền não tập 煩惱習. Skt. kleśavāsana.

[675] Kỳ niên giải thoát 耆年解脫, chỉ vị Trưởng lão lớn tuổi; đây xưng hô ngài Xá-lợi-phất. Htr.: “Như giải thoát mà Xá-lợi Tử an trú.” VKN: sthavira, thượng tọa, trưởng lão.

[676] VKN: mahāprajñānām agrya, đệ nhất đại trí.

[677] Giải thoát tướng 解脫相. VKN: vimuktilakaa, yếu tính của giải thoát.

[678] VKN: sarvadharmasamatā hi vimukti, tính bình đẳng của tất cả pháp là giải thoát. Htr., như VKN.

[679] Câu hỏi của Lth. ngược với Htr. và VKN: na nu devate rāgadoamohavigamād vimukti, há không phải rằng giải thoát là xả ly tham, sân, si?

[680] CDM (tr. 388b11), Triệu nói: “Coi rẻ sinh tử, đề cao con đường của mình, đó là người tăng thượng mạn.” VCS (tr. 1084b15), “Chưa chứng quả Phật, mà cho sở chứng của mình là cao nhất, không mong cầu tu chứng thêm nữa; đó là người tăng thượng mạn.” VKN: abhimānikā.

[681] VKN: rāgadoamohapraktr eva vimukti, chính tự tính bản hữu của tham, sân, si là giải thoát.

[682] Htr.: “Trong Pháp và Luật (=tì-nại-da) được khéo thuyết (của Phật).” VKN: svākhyāte dharmavanaye.

[683] Chiêm-bặc瞻蔔. Htr.: chiêm-bác-ca 瞻博迦. Khuy Cơ nói: Trung quốc không có loại hoa này. Skt. campaka, loại hoa vàng, tên khoa học Michellia Campaka.

[684] Khuy Cơ (ibid., tr. 1084c27): 12 năm, chỉ 12 hai trụ của Bồ-tát (Bodghisattvavihāra). Cf. Du-già sư-địa luận 47 (T30n1579, tr. 552c25).

[685] Htr.: “Không bị gây hại bởi phiền não.” VKN: sarvakleśā na bādhante.

[686] Phật Thích-ca 釋迦牟尼佛, Phật A-di-đà 阿彌陀佛, Phật A-súc 阿閦佛, Bảo-đức 寶德, Bảo-viêm 寶炎, Bảo-nguyệt 寶月, Bảo-nghiêm, Nan-thắng 難勝寶嚴, Sư tử hưởng 師子響, Nhất-thiết-lợi-thành 一切利成. Htr.: Thích-ca-mâu-ni Như lai 釋迦牟尼如來, Vô Lượng Thọ Như lai 無量壽如來, Nan Thắng Như lai 難勝如來, Bất Động Như lai不動如來, Bảo Diệm Như lai 寶焰如來, Bảo Nguyệt Như lai寶月如來, Bảo Nghiêm Như lai寶嚴如來, Bảo Âm Thanh Như lai 寶音聲如來, Sư Tử Hống Như lai 師子吼如來, Nhất Thiết Nghĩa Thành Như lai一切義成如來. VKN: Śākamuni, Amitābha, Akobhya, Ratnarī, Ratnārci, Ratnacandra, Ratnavyūha, Dūprasaha, Sarvasiddha, Prabhūtaratna, Sihāsanādī, Sihghoa.

[687] Nữ nhân tướng 女人相. Htr.: nữ nhân tính 女人性. VKN: strībhāva, bản thể nữ.

[688] Chư pháp … vô hữu định tướng 諸法…無有定相. Htr.: “Tính và tướng của các pháp đều không phải là chân thật.” VKN: aparinipanneu sarvadharmeu, tất cả các pháp vốn không phải hoàn chỉnh (không phải chân thật định dạng).

[689] Vô tại vô bất tại 無在無不在; CDM (tr. 389c18), “Triệu nói: muốn nói có ở đó thì nay thấy là vô tướng. Muốn nói không có ở đó thì lại thấy ngay là hữu tướng.” Htr.: vô tại vô biến 無在無變. VCS (tr. 1085c18), “Y theo lý mà ứng đối, tướng nữ vốn không có, cho nên là bất tại. Nguyên lai thật không có nữ, thì cái gì được biến? Vả, pháp tính vốn không, cái gì tại, cái gì biến? Bản dịch cũ nói vô tại vô bất tại. Không thật có nữ mà xưa tại đó, nay không tại đó. Cũng không có nữ thật, thì cái gì tại, cái gì không tại?” VKN: na tat kta na viktam, cái đó không bị tạo ra, không bị biến cải.

[690] Phật hóa 佛化. Htr.: Như lai sở hóa 如來所化; VCS: con người được Phật biến hóa ra. Skt. buddha/ tathāgatanirmāṇa.

[691] Htr.: “Trở lại dị sinh (pṛthagjana) với tất cả tính chất của dị sinh (pṛthagjanadharmasamanvāgato).”

[692] A-la-hán đạo 阿羅漢道. Cf. Vajracchedikā: tat kiṃ manyase subhūte api nu arhata evaṃ bhavati – mayā arhattvaṃ prāptam iti? “Này Subhūti, A-la-hán có nghĩ rằng, ‘Ta chứng đắc quả vị A-la-hán’ chăng?”

[693] Htr.: 92 câu-chi na-dữu-đa 俱胝那庾多; Skt. koṭinayuta (~10 000 000 x 100 000 000= 1015)

[694] Các bản Hán như nhau, phẩm 8. Chi khiêm: phẩm “Như lai chủng 如來種.” Lth.: Phật đạo phẩm 佛道品. Htr.: Bồ đề phần phẩm 菩提分品. VKN: Tathāgatagotra-parivarta, Chủng tính của Như lai.

[695] Phi đạo 非道; La-thập nói (ibid., tr. 390b27): “Có ba thứ phi đạo. 1. Quả báo dẫn đến cõi xấu ác. 2. Hành nghiệp dẫn đến cõi xấu ác. 3. Nghiệp thiện thế tục, và quả báo của nghiệp thiện.” Htr.: phi thú 非趣; Khuy Cơ (ibid. tr. 1086c10): “Chỗ mà phàm phu hướng đến để quay về gọi là thú 趣. Chỗ quay về của Thánh nhân không phải là chỗ quay về của phàm phu. Đi trên lối đi không thích hợp ấy gọi là hành phi thú 行非趣.” VKN: agatigamana gacchati, đi theo hướng phi định hướng.

[696] Não nhuế 惱恚; Htr.: nhuế não, phẫn hại, độc tâm 恚惱忿害毒心. VKN: vyāpādavihit()sāpraduṣṭo, phẫn nộ, bạo ác, độc hại.

[697] Có thể Lth. nhảy sót; Htr.: “đi trên lối A-tố-lạc (āsura) mà không còn ngạo mạn, kiêu dật.” VKN như Htr.

[698] Htr.: “Đi trên lối của Diệm-ma vương (Yamaloka) mà chứa nhóm rộng rãi vô lượng tư lương của phước và huệ.”

[699] Hành sắc vô sắc giới đạo 行色無色界道. Htr.: hành ư vô sắc định thú 無色定趣. VKN: aneñjyarūpagati, định hướng sắc bất động. Đệ tứ thiền Sắc giới gọi là bất động. Cf. Câu-xá 27 (T 29, tr. 147c23).

[700] Htr.: “… mà không xu hướng cảm thọ lạc đối với định ấy.”

[701] Htr.: ác tuệ hành thú 惡慧行趣; dauprajñāgati ca gacchati.

[702] Kinh nghĩa 經義; La-thập dùng từ Hán thư, chỉ đạo lý ghi trong kinh điển. Htr.: thể hiện thành công phương tiện thiện xảo.

[703] Htr.: mật ngữ phương tiện kiêu mạn 密語方便憍慢: kiêu mạn như là phương tiện của mật ngữ (VKN: sandhā-bhāyakuśala mānagati, hành kiêu mạn như là thiện xảo của mật ngôn). VCS (tr. 1087b11) giải thích: “Người đời chúc nhau ‘Không bệnh, sống lâu’; Bồ-tát cũng nói theo… như là phương tiện độ người.”

[704] La-thập (ibid. tr. 391a12): “Ý nói khiêm tốn như làm đồ vật cho người ta dẫm đạp lên mà vẫn nhẫn nhịn, không kiêu mạn.”

[705] Htr.: bất tùy tha duyên 不隨他緣, không lệ thuộc điều kiện của người.

[706] La-thập (ibid., tr. 391a25) nói: “bảo vật từ bàn tay tuôn ra bất tận.”

[707] Na-la-diên thân 那羅延身; La-thập (ibid.) nói: “Thân thể đẹp đẽ, rắn chắc như lực sỹ nhà trời.” VKN: nārā(ya)ṇātmabhāva.

[708] Lth.: tư sinh 資生. Htr.: cầu tài vị 求財位. VKN: bhogagati.

[709] Tổng trì vô thất 總持無失. Htr.: đà-la-ni niệm tuệ vô thất 陀羅尼念慧無失.

[710] Tà tế 邪濟. Htr.: tà đạo 邪 道.

[711] Htr. thêm một đoạn: “Tuy thị hiện chứng đắc diệu bồ đề, chuyển đại pháp luân, nhập Niết-bàn nhưng vẫn tinh cần tu tập Bồ-tát hành, tiếp nối không dứt.”

[712] Như lai chủng 如來種. La-thập (ibid., tr. 391b27) nói, “Chủng, và căn bản nhân duyên, cùng một nghĩa.” Đạo Sinh (ibid.) nói, “Mượn hạt giống lúa mà nói Như lai chủng.” Chủng ở đây được hiểu là bīja. Htr.: Như lai chủng tính 如來種性; VCS (tr. 1087c22): “Chủng là nhân; tính là loại. Thể loại của nhân của Phật gọi là Phật chủng tính.” VKN: tathāgatānā gotram: gia tộc hay dòng dõi của các Như lai. Cf. Du già sư địa luận 35 (T30n1579, tr. 478c12): “Có hai loại chủng tính: 1. Bản tính trụ (prakṛtistha-gotra), chủng tính tự nhiên có sẵn từ vô thủy của Bồ-tát. 2. Tập sở thành (samudānītagotra), do tu tập các thiện căn mà thành… Chủng tính này cũng có nghĩa là chủng tử (gotra = bīja).”

[713] Hữu thân 有身 (satkāya). La-thập, “Hữu thân, chỉ năm thọ ấm (=thủ uẩn, upādānaskandha) thuộc hữu lậu.” Htr.: ngụy thân chủng tính 偽身種性. Khuy Cơ (tr. 1088a19): “Tức thân năm uẩn làm đối tượng cho tát-ca-da kiến.”

[714] Ngũ cái 五蓋. Skt. pañca nīvaraṇāni, ngăn che và chướng ngại.

[715] Htr.: lục xứ chủng tính 六處種性. Skt. ṣaḍ āyatanāni, sáu nội xứ hay sáu căn.

[716] Thất thức trụ七識住. Skt. vijñānasthiti, bảy chỗ an trụ của thức. Cf. Câu-xá 8 (Đại 29, 42c)

[717] Tám tà pháp 八邪法; trái với tám chính đạo.

[718] Chín não xứ (Skt. navāghātavastūni); chín trường hợp thù oán: 1. oan gia của người mà ta thương; 2. thân hữu của người mà ta ghét; 3. gây phiền cho bản thân ta. Nhân với ba thời thành chín. Cf. Pali, Saṅgīti, D.iii.262, nava āghātapaṭivinayā.

[719] Kiến vô vi 見無為. La-thập nói (Đại 38, tr.0392b01): “Vô vi, tức tận đế (= diệt đế; Skt. nirodhasatya).”

[720] Chính vị 正位 (niyāma). La-thập (ibid.) nói: “Từ khổ pháp nhẫn cho đến vô sinh A-la-hán, cho đến Phật vị, đều gọi là chính vị.” Htr.: chính tính ly sinh vị 正性離生位. Khuy Cơ (T38n1782 tr. 1088b26): “Chính tính chỉ chân lý Thánh đế. Sinh, chỉ dị sinh (Skt. pṛthagjana: phàm phu). Ly sinh, tức vượt ngoài địa vị phàm phu… Đây chỉ địa vị Dự lưu trở lên.”

[721] Lth., nhập vô vi chính vị 入無為正位. Htr., thấy vô vi rồi nhập chính tính ly sinh vị 見無為已入正性離生位. VKN: asaskta-niyāmaprāpta/ avakrānti.

[722] Htr.: khởi thân kiến 身見. (Skt. satkāyadṛṣṭi: hữu thân kiến).

[723] Htr.: “Chúng tôi, trong dòng tương tục của tâm, hạt giống sinh tử đã mục nát, không còn cơ hội để phát tâm…”

[724] Đạo ý 道意: bồ đề tâm.

[725] Phổ Hiện Sắc Thân 普現色身. Ckh.: Chúng Tượng Kiến 眾像見 Htr.: Phổ Hiện Nhất Thiết Sắc Thân 普現一切色身. VKN: Sarva-rūpasandarśana.

[726] Giải thích của Khuy Cơ: trong bản Huyền Trang, chỉ ba-la-mật thứ sáu tức Bát-nhã ba-la-mật (Skt. prajñāpāramitā) vốn là trí vô phân biệt (Skt. nirvikalpajñāna); trong bản La-thập, trí độ chỉ ba-la-mật thứ mười (jñānapāramitā). VKN: prajñāpāramitā bodhi-sattvāna āra (=ārī) pitā copāyakauśalya, Bát-nhã ba-la-mật là người Mẹ dòng họ tôn quý của các Bồ-tát, và Phương tiện thiện xảo là Cha.

[727] Khuy Cơ, đây chỉ ba-la-mật thứ bảy, mà tự thể là hậu đắc trí (pṛṣṭhalabdhajñāna).

[728] Pháp hỷ 法喜. Htr., diệu pháp lạc 妙法樂. VKN: dharmaratis.

[729] VKN: maitrī karuā ca duhitarau, có hai người con gái là Từ và Bi.

[730] Thiện tâm Thành thật 善心誠實. Htr., Chân thật Đế pháp 真實諦法. VKN: satyadharmav ubhau putrau, hai người con trai là Đế (chân thật) và Pháp.

[731] Tất cánh không tịch 畢竟空寂. Htr.: tư Không thắng nghĩa 思空勝義. VKN: śūnyārthacintā, tư duy nghĩa Không.

[732] Htr.: “Lấy phiền não nô lệ hèn mọn.” VKN: sarvakleśās śi, tất cả phiền não là học trò.

[733] Đạo phẩm, La-thập nói: 37 phẩm chung cho cả ba thừa. Đạo phẩm của Bồ-tát kiêm cả sáu ba-la-mật. Htr.: Giác phần 覺分. Khuy Cơ: Nhân tố của bồ đề nên gọi là giác phần, chứ không phải là 37 phần bồ đề. VKN: bodhya, các giác chi.

[734] Htr.: sáu độ là quyến thuộc. VKN: sahāyāś cānubaddhā hi a imā pāramitā sadā, sáu ba-la-mật này luôn luôn là bạn đồng hành và thuộc hạ.

[735] Giác ý 覺意, Đạo Sinh: chỉ bảy giác ý; Skt. bodhyaṅga. Htr.: giác phẩm 覺品; Khuy Cơ: chỉ 37 giác phẩm hay trợ đạo; Skt. bodhyaṅga.

[736] Tám giải thoát 八解脫 (Skt. aṣṭau vimokṣāḥ).

[737] Bảy thanh tịnh 七淨: 1. giới tịnh; 2. tâm tịnh; 3. kiến tịnh; 4. độ nghi tịnh; 5. phân biệt đoạn tịnh; 6. hành trí kiến tịnh; 7. hành đoạn trí kiến tịnh.

[738] La-thập: “Nhất tâm, trong bản Phạn là hòa hiệp 和合 (Skt.?). Trong đạo phẩm có ba tướng: phát động, nhiếp tâm và xả. Phát động quá thì tâm tán; do đó cần thâu nhiếp lại. Nhiếp quá thì chìm nên cần tinh tấn… Động tĩnh thích hợp, khoan thai xử trung; đó là xả. Xả là đã được điều khiển (điều ngự 調御). Được điều khiển, là hòa hiệp.” Ckh.: đạo ý 道意. Htr.: bồ-đề tâm (Skt. bodhicitta). VKN: sārathir bodhicittam.

[739] Htr.: thắng ý lạc 勝意樂. adhyāśaya. Tràng hoa, Skt. mālya, VKN chép là kalyāa: thiện xảo.

[740] Chỉ 7 Thánh tài 七聖財 (Skt. sapta dhanāni): tín, giới, tàm, quý, đa văn, xả, tuệ.

[741] La-thập nói: “Lấy thất tài làm vốn, ta và người đều có lời. Rồi lấy phước đó đầu tư (hồi hướng) vào Phật đạo.” Htr.: hồi hướng đại bồ đề.

[742] Tùng ư tịnh mạng sinh 從於淨命生; Khuy Cơ cho là văn dịch này hơi tối nghĩa. Htr.: lấy tịnh mạng làm chăn đệm. VKN: śayana caturo dhyānā śuddhājīvena sastrītā, bốn thiền là giường nằm được trải lên bằng mạng thanh tịnh.

[743] Htr.: “Niệm, trí thường đánh thức, vì luôn luôn tại định.” VKN: prajñā vibodhana teā nitya śrutasamāhitā, được đánh thức bằng trí vì thường xuyên định tâm với sở học. Giải thích của Tăng Triệu nhấn mạnh trên sự đa văn (śruta). Giải thích của Khuy Cơ nhấn mạnh trên tại định (samāhitā).

[744] La-thập: “Người sang quý ngoại quốc (chỉ Ấn độ) sai người tấu nhạc khi mặt trời mọc để đánh thức.” Htr.: “Niệm, trí thường giác ngộ; tâm luôn luôn tại định.”

[745] Tương 漿, đây chỉ thức uống. VKN: amta bhojana teā vimuktirasapānakam, thức ăn là vị bất tử (cam lộ), thức uống là vị giải thoát.

[746] VKN: viśuddhāśayatā snāna, tắm gội bằng tịnh ý lạc (chí thượng thanh tịnh).

[747] Htr.: “dựng cờ diệu bồ đề.” VKN: bodhi-maṇḍadhvajāśritā, cắm cờ chiến thắng nơi Bồ-đề đạo tràng

[748] VKN: yathā ākāśaketrānuprāptā na sattve sattva-sajñina, đi đến các quốc độ (nhiều) như hư không, nhưng không có ý tưởng chúng sinh nơi chúng sinh.

[749] Chỉ 10 lực và 4 vô úy của Bồ-tát.

[750] Khuy Cơ diễn ý: “Tuy biết rõ các nghiệp của Ma, nhưng thị hiện như là hành động theo chúng. Cho đến giai đoạn cứu cánh, bằng vào Tuệ phương tiện (VKN: upāya-pāramitaprāptā, bằng sự đạt được phương tiện ba-la-mật) mà dứt sạch tất cả.”

[751] Htr.: như du hý huyễn pháp. VKN: māyādharma-vihāria, an trú trong pháp như huyễn.

[752] La-thập (Đại 38, tr. 395c14): “Hoặc khi thấy có người ra biển mà thuyền sắp bị chìm, Bồ-tát biến mình thành đất liền để làm chỗ trú ẩn…”

[753] Trung kiếp 劫中. VKN: roga-antarakalpa, thời trung kiếp đặc trưng bằng bệnh tật. Cf. Câu-xá 12 (Đại 29, tr. 65c25).

[754] VKN: durbhikāntarakalpa, trung kiếp cơ cẩn, đặc trưng bằng sự đói kém.

[755] VKN: śastra-antarakalpa, trung kiếp đao binh, đặc trưng bằng chiến tranh.

[756] Htr.: “Làm lợi lạc, đó gọi là bản sinh.” Khuy Cơ (T38n1782, tr. 1090c14): “Những việc làm lợi lạc như vậy, khi đã thành Phật được gọi là bản sinh. Đó chính là Bản sinh sự của Bồ-tát.”

[757] VKN: mahānāga, đại long tượng.

[758] Htr.: khiến phát bồ đề nguyện.

[759] Htr.: thanh tịnh tu phạm hạnh. VKN: brahmacāria.

[760] Ngũ thông tiên nhân 五通仙人 (Skt. pañcābhijña ṛṣi).

[761] Ckh., phẩm “Bất nhị nhập 不二入.” Lt., “Nhập bất nhị pháp môn 入不二法門.” Htr., “Bất nhị pháp môn 不二法門.” VKN, phẩm 10, Advayadharmamukhapraveśaparivarta.

[762] VKN: advayadharmamukhapraveśa, đi vào cửa khẩu của pháp không hai.

[763] Pháp Tự Tại 法自在. Ckh., Pháp Tác 法作. VKN: Dharma-vikurvaa; cf. Śikasamuccaya.

[764] VKN: utpādabhagau dvayam, xuất hiện và tan vỡ là hai.

[765] Đức Thủ 德守. Htr., Thắng Mật 勝密. Ckh., Thủ Bế 首閉. Skt. Śrīgupta.

[766] VKN: aham mameti dvayam, tôi (là) và của tôi là hai.

[767] VKN: ātmāsamāropān mameti na bhavati, không có sự tăng thịnh của tự ngã thì không tồn tại cái của tôi.

[768] Lth., Ckh., Bất Huyến 不眴. Htr., Vô Thuấn 無瞬. VKN: Animisa. Nhảy xuống hàng thứ sáu so với các bản Hán.

[769] Thọ bất thọ 受不受. Htr.. hữu thủ vô thủ 有取無取. La-thập: “Thọ và bất thọ, tức chấp thủ tướng và không chấp thủ tướng.” VKN: upādāna anupādānam.

[770] Htr.: “Không chấp thủ thì không có gì là sở đắc. Không sở đắc nên không tăng không giảm” VKN: yatropādadāti tan nopalabhate, không tiếp nhận thì không thủ đắc.

[771] Đức Đỉnh 德頂; Htr.: Thắng Phong 勝峰. Ckh. Thủ Lập 首立. VKN: Śrīkua.

[772] Ckh., Lth.: Thiện Tú 善宿; Htr.: Diệu Tinh 妙星. VKN: Sunakṣatra.

[773] La-thập: “Tâm mê hoặc chớm khởi là động. Nắm bắt tướng một cách dính sâu, đó là niệm.” Htr.: tán động và tư duy 散動思惟. Khuy Cơ: “Tâm dong ruổi ngoại cảnh là tán động. Niệm thâu vào nội duyên là tư duy.” VKN: iñjanā maneti dvayam, động và ý, đây là hai.

[774] VKN: yat punar neñjate na manasikaroty iti anadhikāra adhi-kāraviharahito ‘yam advapraveśa, không động thì không tác ý, đó là không có lực ưu thắng. Loại trừ lực ưu thắng, đây là vào chỗ không hai.

[775] Lth., Ckh.: Thiện Nhãn 善眼; Htr.: Diệu Nhãn 妙眼. Skt. Sunetra; nhảy xuống hàng thứ bảy so các bản Hán.

[776] Lth., Htr., Diệu Tý 妙臂. Ckh., Thiện Đa 善多, Subahu (a ngắn). VKN. Subāhu (ā dài).

[777] Phất-sa 弗沙; La-thập nói: Đây là sao Quỷ 鬼星 trong 28 tinh tú, tức Skt. Puya(nakatra). Ckh., Phụng Dưỡng 奉養. Htr.: Dục Dưỡng 育養; theo đây thì Skt. là Pua (nuôi lớn). VKN: Puya.

[778] Lth., Htr., Sư Tử 師子. Ckh., Sư Tử Ý 師子意. VKN: Siha.

[779] Htr.: “Có tội và không tội.” VKN: avadyānavadyatā.

[780] Sư Tử Ý 師子意; Htr.: Sư Tử Tuệ 師子慧. Ckh., Dũng Ý 勇意. VKN: Sihamati.

[781] Lth., Ckh. Tịnh Giải 淨解; Htr.: Tịnh Thắng Giải 淨勝解 (Skt. Śuddhādhimukta trong các bản Hán). VKN Sukhādhimukta (Lạc Thắng Giải).

[782] VKN: ida sukham idam asukham iti dvayam, đây là lạc, đây là không lạc, là hai. Ckh.: “Đây là có số (sakhyā, thay cho saskta), đây là không có số, là hai.”

[783] Ly nhất thiết số 離一切數. Htr.: viễn ly các hành 遠離諸行. Trong bản La-thập, Skt. đọc là sakhyā, con số, sự tính đếm, hay tư duy. Trong bản Htr., Skt. saskāra, hành, tác hành. VKN: yat punar sarvasaukhyāpagato gaganasamabuddhi, lìa bỏ tất cả những gì là lạc, trí giác như hư không.

[784] Htr.: giác tuệ như không 覺慧如空. VCS (tr. 1092a11): “Khởi giác tuệ, tức trí quán vô vi như không.”

[785] Lth., Htr., Na-la-diên 那羅延. Ckh., Nhân Thừa 人乘. VKN. Nārāyaa.

[786] Bất dật 不溢. La-thập: “Bản Phạn nói là lưu 流 (sāryate).” Htr.: vô lưu 無流. VCS (tr. 1092a16): “Cựu dịch là dật, có nghĩa là lưu dật 流溢 (chảy tràn).”

[787] Thiện Ý 善意. Htr.: Điều Thuận Tuệ 調順慧. Ckh., khuyết. VKN: Dāntamati.

[788] Htr.: “Liễu tri sinh tử, tự tính vốn không; không lưu chuyển, cũng không tịch diệt.”

[789] Lth., Htr., Hiện Kiến 現見. Ckh., Mục Kiến 目見. VKN: Pratyakadarśī.

[790] La-thập: “Pháp bị hủy diệt mà không hoàn toàn diệt tận, nên nói là bất tận.” Khuy Cơ (tr. 1092b02): “Cựu dịch… không còn cái gì để có thể tận cùng hơn nữa, cho nên cái hữu tận chính là cái vô tận.”

[791] Đoạn không có trong bản của La-thập, Htr.: “Lại nữa, hữu tận là thuộc một sát na. Trong một sát na, không có cái hữu tận, thì đó là vô tận. Không có cái hữu tận, nên cái vô tận cũng không. Thấu hiểu tự tính của hữu tận và vô tận vốn không, đó là nhập bất nhị pháp môn.”

[792] Phổ Thủ 普守. Htr.: Phổ Mật 普密. Ckh., Phổ Bế 普閉. Skt. Samantagupta.

[793] Lth., Htr., Điện Thiên 電天. Ckh., Minh Thiên 明天. VKN: Vidyuddeva.

[794] Htr.: “Minh và vô minh đều bất khả đắc. Không thể tính toán; siêu việt con đường tính toán.”

[795] Lth., Htr., Hỷ Kiến 喜見. Ckh., Ái Cẩn 愛覲. VKN: Priyadarāno.

[796] VKN: rūpa śūnyam iti dvayam, sắc là Không, là hai.

[797] Lth., Minh Tướng 明相. Htr.: Quang Tràng 光幢. Ckh., Quang Tạo 光造. VKN: Prabhāketu.

[798] Tứ chủng 四種. La-thập, đây chỉ tứ đại tức bốn đại chủng (mahābhūtāni). Htr.: “Bốn giới (dhātu) và không giới (ākāśadhātu) là hai.”

[799] Lth., Diệu Ý 妙意. Htr.: Diệu Huệ 妙慧. Ckh., Thiện Ý 善意. VKN: Sumati.

[800] Lth., Ckh., Vô Tận Ý 無盡意. Htr.: Vô Tận Tuệ 無盡慧. VKN: Akayamati.

[801] Lth., Thâm Tuệ 深慧. Htr.: Thậm Thâm Giác 甚深覺. Ckh., Thâm Diệu 深妙. VKN: Gambīrabuddhi.

[802] Lth., Ckh., Tịch Căn 寂根. Htr.: Tịch tĩnh căn 寂靜根. VKN: Śāntendriya (Cf. Gaṇḍ., Rāstr., Śik.)

[803] Tâm Vô Ngại 心無閡. Htr.: Vô Ngại Nhãn 無礙眼. Ckh., Bất Hủy Căn 不毀根. Apraticaku.

[804] La-thập: “Thân là năm thủ uẩn. Thân diệt là Niết bàn.” Htr.: tát-ca-da 薩迦耶, tát-ca-da diệt 薩迦耶滅; Skt. satkāya, satkāya-nirodha.

[805] Thượng Thiện 上善. Htr.: Thiện Điều Thuận 善調順. Ckh., Thiện Đoạn 善斷. VKN: Suvinīta.

[806] Htr.: ba luật nghi. VKN: kāyavāmanasavara, ba luật nghi thân, ngữ, ý.

[807] Lth., Htr. Phước Điền 福田. Ckh., Phước Thổ 福土. VKN: Puyaketra.

[808] Tội hành 罪行, chỉ các nghiệp bất thiện. Phước hành 福行: nghiệp thiện Dục giới. Bất động hành 不動行; nghiệp thuộc Sắc và Vô sắc giới.

[809] Lth., Htr., Hoa Nghiêm 華嚴. Ckh., khuyết. VKN: Padmavyūha.

[810] VKN: ātmasamutthānasamutthita dvaya, đẳng khởi (nguyên khởi) và sở đẳng khởi (cái được phát khởi của ngã là hai. Htr.: “Tất cả pháp hai đều sinh khởi từ ngã.”

[811] Đức Tạng 德藏. Htr.: Thắng Tạng 勝藏. Ckh., khuyết. VKN: Śrīgarbha (Cf. Saddh., Mvyut.)

[812] Hữu sở đắc tướng 有所得相. Htr.: hữu sở đắc khởi 有所得起. VKN: upalambhaprabhāvita dvayam, cái được hiển thị như là sở đắc, là hai (vật nhị nguyên được hiển thị bằng sự thủ đắc).

[813] Lth., Htr.: Nguyệt Thượng 月上. Ckh.: Nguyệt Thạnh 月盛. VKN: Candrottara.

[814] Cả ba bản: Bảo Ấn Thủ 寶印手. VKN: Ratnamudrāhasta.

[815] Châu Đỉnh Vương 珠頂王. Htr.: Châu Kế Vương 珠髻王. Ckh., Tâm Châu Lập 心珠立. VKN: Maikūarāja.

[816] Htr.: “Người an trụ Chánh đạo thì cứu cánh không hành tà đạo. Vì không hành (không đi) cho nên không có hai tướng tà đạo và chính đạo.”

[817] Lạc Thật 樂實. Htr.: Đế Thật 諦實. Ckh., Thành Lạc Ngưỡng 誠樂仰. VKN: Satyanandī.

[818] La-thập: vô ngôn 無言, vô thuyết 無說, vô thị 無示, vô thức 無識. Htr.: vô ngôn, vô thuyết, vô biểu, vô thị 無表無示.

* Bản Hán, Lth. hết quyển trung; Htr. hết quyển 4.

[819] Các bản Hán, phẩm 10. Ckh., Lth., phẩm “Hương Tích Phật.” Htr. “Hương Đài Phật.” 香臺佛. VKN: Nirmitabhojanānayana-parivarta, đón nhận thực phẩm biến hóa.

[820] VCS (tr. 1094a04): “Tiểu thừa tám giải thoát trừ tham dục. Đại thừa tám giải thoát trừ định chướng.”

[821] Lth., Ckh.: Chúng hương 眾香. Htr.: Nhất thiết diệu hương 一切妙香. VKN: Sarvagandhasugandha (hương thơm của tất cả hương).

[822] Lth., Ckh.: Hương Tích 香積. Htr.: Tối Thượng Hương Đài 最上香臺. VKN: Gandhottamakūa (tầng cao tối thượng hương thơm).

[823] Lth., Htr., Hương Nghiêm 香嚴. Ckh., Hương Tịnh 香淨. Khuy Cơ lưu ý, trong bản Htr., chỉ một vị trời tên này; trong khi bản Lth. có nhiều vị trời cùng tên. VKN cũng nói đây là nhiều vị cùng tên: Gandhavyūhāārā nāma devaputrā.

[824] Vấn đáp tế nhị, nên văn bất đồng giữa các bản. Htr.: Duy-ma-cật nói với Văn-thù, “Sao ngài không gia hộ đại chúng này, khiến cho phải như vậy?” (để cho đại chúng phải im lặng). VKN: na tva majuśrī paryatrapase īdśyā paradā, “Văn-thù, ngài không cảm thấy hỗ thẹn với một đại chúng như vậy sao?”

[825] Ta-bà thế giới 娑婆世界. Ckh., Nhẫn giới 忍界.Htr.: Kham nhẫn thế giới 堪忍世界. Skt. Saha-loka-dhātu.

[826] Lạc tiểu pháp giả 樂小法者; CDM: “Biệt bản nói, lạc thiểu chi nhân 樂少之人, người thích ít.” La-thập nói: “Ý thích không vượt ra xa đều nói là nhỏ, chứ không chỉ riêng Tiểu thừa mà nói.” VKN: hīnādhimuktānā sattvānām, đối với những chúng sinh có khuynh hướng hạ liệt.

[827] Ngũ trược ác thế 五濁惡世. VKN: pañcakaaye buddhaketre (trong quốc độ Phật mà ở đó có năm điều suy thoái): āyuskaāya (mạng trược), dṛṣṭikaāya (kiến trược), kleśakaāya (phiền não trược), sattvakaāya (chúng sinh trược), kalpakaāya (kiếp trược).

[828] Skt., pratisajñā, ấn tượng đối nghịch.

[829] Trưởng giả chủ Nguyệt Cái 長者主月蓋. La-thập: “Nước này không có Vua. Chỉ có 500 cư sỹ cùng trị nước.” Theo tài liệu Pali, bộ tộc Licchavī, mà thủ phủ là Vesāli (Tỳ-da-ly), tổ chức chính quyền của họ theo chế độ Cộng hòa thị tộc. Các thủ lĩnh của họ đều được gọi là rājā (vương). Htr.: Ly-chiêm-tỳ vương Nguyệt Cái 離呫毘王月蓋. VKN: śomacchatraś ca nāma licchavīnām adhipati, quân trưởng của những người Licchavi tên là Śomacchatra.

[830] Khuy Cơ: “Sắc giới không có tỉ thức. Nhưng Thánh căn hỗ dụng, nên có thể ngữi được mùi hương. Đây tất nhiên do định lực mà ngữi được.”

[831] Hạn ý 限意. Htr.: hạ liệt tâm hành 下劣心行, tâm tư thấp kém. Khuy Cơ: “Chớ có ăn cơm này với tâm hạ liệt, cục bộ, tự lợi của sinh tử.” VKN: mā ca pradeśacaryāyā cittam upanibandhata, chớ hạn cuộc tâm trong phạm vi phương vực.

[832] Htr.: “Nếu hết thảy hữu tình trong vô lượng đại thiên thế giới.”

[833] Htr.: “Một kiếp hoặc một trăm kiếp.”

[834] Nhất thiết lạc trang nghiêm quốc 一切樂莊嚴國. Ckh., Nhất thiết an dưỡng quốc 一切安養國. Htr., Nhất thiết an lạc trang nghiêm thế giới 一切安樂莊嚴世界. VCS (tr. 1096a27): “Đây không chỉ riêng thế giới Cực lạc ở Tây phương, mà chỉ tất cả thế giới an lạc trong mười phương.” Khuy Cơ hiểu từ “nhất thiết” như là quán từ toàn xưng. VKN: Sarvasukha-pratimaṇḍita (được trang nghiêm bằng tất mọi sự an lạc).

[835] Đắc nhập luật hành 得入律行. Htr.: giai tất điều phục, thẩy đều được chế ngự皆悉調伏. VKN: vinaya gacchati, hành theo Luật.

[836] Nhất thiết đức tạng tam muội 一切德藏三昧. Htr.: Nhất thiết đức trang nghiêm định. Ckh.: Nhất thiết hương đức định 一切香德定. Htr.: Nhất thiết công đức trang nghiêm định一切德莊嚴定. VKN: Sarvabodhisattvaguākara nāma samādhi, môn định có tên là Tất cả Kho tàng của tất cả phẩm tính của Bồ-tát.

[837] Nạn xứ 難處. Htr.: Vô hà sinh 無暇生. Đây chỉ tám trường hợp không sinh gặp thời có Phật, không thể tu tập phạm hạnh. VKN: ākaā.

[838] Htr.: trì biệt giải thoát.

[839] Htr.: phạm biệt giải thoát.

[840] Có nhảy sót trong bản La-thập; Htr.: “Đây là du-già; đây là phi du-già; đây là sự vĩnh viễn đoạn trừ; đây là phi vĩnh viễn đoạn trừ.”

[841] Htr., “hơn các Bồ-tát đã hành qua trăm nghìn đại kiếp trong thế giới Nhất thiết Diệu hương.”

[842] Thập sự thiện pháp 十事善法. VKN: daśa kuśaloccayā dharmā, mười pháp tích lũy các điều thiện.

[843] VKN: akato ‘nupahata, không bị thương tích, không bị tổn hại.

[844] VKN: apratighata, không đối nghịch, không phương hại.

[845] Htr.: “Tự chế ngự tâm kiêu mạn, kính trọng chúng sinh như kính trọng Phật.”

[846] VKN: śravaād apratikepa, không bài bác sự nghe. Trong bản Lth., śravaka (Thanh văn) thay vì śravaa (sự nghe).

[847] Htr.: điều 7: Bồ-tát chế ngự tự tâm, thường xét lỗi mình, không chê bai vi phạm của người. Điều 8: Bồ-tát luôn luôn không buông lung ở trong pháp thiện; thường vui thú tầm cầu tinh tấn tu hành pháp bồ đề phần.

[848] Các bản Hán, phẩm 11, đề như nhau: “Bồ-tát hành.” VKN, phẩm 10: Kayo’kayo nāma dharmaprabhta-parivarta (tận vô tận phụng pháp).

[849] Chính vị, xem cht. 8 ch. 4; cht. 27 ch. 8.

[850] La-thập: “Đây là lúc trong 16 sát-na tâm trực kiến Thánh đế” Thành Dự lưu hướng.

[851] Tăng Triệu: Thành quả Vô trước, nói là tâm giải thoát. Tức chứng quả A-la-hán. A-la-hán không chứng diệt tận định được nói là huệ giải thoát. Chứng đắc cả diệt tận định, gọi là tâm giải thoát, hay câu phần giải thoát. Lth. nhảy một đoạn so với Htr.: “Người chưa ly dục, cho đến khi được ly dục, cơm mới tiêu.” Khuy Cơ: “Đây là giai đoạn từ trực kiến Thánh đế cho đến ly dục. Ly dục, chỉ quả Bất hoàn.” VKN. như Lth.

[852] Sơ phát tâm Bồ-tát.

[853] Nhập Sơ địa.

[854] Nhất sinh bổ xứ 一生補處; Htr.: nhất sinh hệ vị 一生繫位; còn một đời nữa sẽ thành Phật. Skt. ekajātipratibaddha. Khuy Cơ: trong đây, có 4 giai đoạn của Bồ-tát, Kinh lược qua 2 đoạn giữa: từ Sơ địa đến Thất địa, và từ Bát địa đến Nhất sinh sở hệ.

[855] Lth.: thượng vị 上味. Ckh., tên thuốc: a-hôn đà dược 阿昏陀藥. Htr.: tối thượng vị 最上味. VKN: svādu.

[856] Nhập nhất thiết chư Phật pháp môn 入一切諸佛法門. Htr., Ngộ nhập nhất thiết Phật pháp pháp môn 悟入一切佛法法門. VKN: Sarvabuddhadharmapraveśa nāma dharmamukham (cửa pháp có tên là thâm nhập tất cả pháp của Phật)

[857] Bất ngại 不閡. Htr.: bất nhuế 不恚. không oán hận.

[858] Htr.: “… bình đẳng viên mãn, vì đã chứng đắc tính cứu cánh chân thật bình đẳng của hết thảy pháp.” VKN: sarvadharma-samatādhimuktānām, xác tín nơi tính bình đẳng của tất cả các pháp.

[859] Htr.: “đất tuy có ưu thắng, hạ liệt bất đồng.”

[860] Vô ngại huệ 無閡慧; VKN: asagajñāna.

[861]Tam-miệu-tam-Phật-đà 三藐三佛陀, Skt. Samyaksambuddha, Chính đẳng chính giác hay Chính biến tri. Đa-đà-a-già-độ 多陀阿伽度, Skt. Tathāgata, Như lai.

[862] Niệm tổng trì; VKN: smtidhāraī.

[863] Tận vô tận vô ngại giải thoát pháp môn 盡無盡無閡法門. VKN: kayākayo nāma bodhisattvānā vimoka, môn giải thoát của các Bồ-tát có tên là Tận và Vô tận.

[864] La-thập: “Hữu vi tận, là vô thường diệt tận. Vô vi tận, là bằng trí tuệ mà đoạn trừ khiến cho diệt tận.” Khuy Cơ: “Tận…, sát na tận diệt. Hữu vi có tận, nhưng vô vi thì không.”

[865] La-thập (Đại 38, tr. 407a20): “Xuất gia ly dục, và thiền định, trí tuệ, lìa các vọng tưởng, đều gọi là viễn ly lạc.” Tăng Triệu: “Đạo độc thiện, thì có gì là quý?” Htr.: “Không đắm nhiễm trong lạc thú viễn ly.”

[866] Lth.: thiện sư tưởng 善師想. Htr.: thiện hữu tưởng 善友想. VKN: kalyaamitrasamjñā, có ấn tượng (những người đến cầu xin) là bạn quý.

[867] Htr.: “Vì muốn mang gánh nặng của chúng sinh nên cầu biến liễu tri uẩn, xứ, giới.”

[868] Htr.: “Vì để hộ trì Chính pháp nên xa lìa kiêu mạn, cần cầu trí tuệ giáo hóa thiện xảo.” La-thập nói: “Phàm phu hành trí tuệ có niệm, cao mạn càng cao; cho nên Bồ-tát cầu vô niệm.” VKN: nirmānatā dharmaparyeṣṭyai jñānaparyeṣṭidharma-grāhatāyai, vì để cầu pháp mà không kiêu mạn; vì để hộ trì chính pháp cầu trí tuệ.

[869] Htr.: “Vì thương yêu các thế gian vốn cần được giáo hóa mà thường vui thú tập hành thiểu dục tri túc.” VKN: alpecchasatutitā sarvalokapriyatāyai, thiểu dục tri túc, vì yêu quý tất cả thế gian.

[870] Htr.: “Hằng không hỗn tạp với các thế pháp mà vẫn có thể tùy thuận tất cả thế gian. Hằng không hủy hoại oai nghi mà vẫn thị hiện tất cả viêc cần làm” VKN: sarvalokadharmāsasṛṣṭatā lokānuvartanatāyai sarveryā-pathāvikopanatā sarvakriyāsa-darśanatāyai. Đoạn trên và đoạn tiếp theo, có nhiều chỗ mà Lth. và Htr. phân tích khác nhau về quan hệ giữa các cụm từ trong nguyên bản Phạn, nên có nhiều điểm mâu thuẫn nghĩa giữa hai bản dịch.

[871] CDM: “Biệt bản nói, tu bốn vô lượng để sinh Phạm thiên.”

[872] Htr.: “Để khéo điều ngự Bồ-tát tăng.”

[873] Htr., hành vô tác. VKN: anabhisaskāraparijaya.

[874] Quán vô sở quy . Htr.: quán không có a-lại-da mà không vất bỏ kho tàng bạch pháp. VKN: anālayam iti ca pratyavekate śukla-dharmālaya ca na vijahāti, quán không chấp tàng (tích lũy) nhưng không loại bỏ sự chấp tàng của pháp tịnh. Về ālaya, xem cht. 6, 30, ch. iii trên.

[875] Htr.: “Quán vô lậu nhưng không dứt tuyệt lưu chuyển sinh tử.”

[876] Lth.: vô sở hành 無所行. Htr.: vô hành 無行. Khuy Cơ: “Hành, tức sự vận động, khởi tác.” VKN: apracāran iti ca pratyavekate pracarati sattvaparipākāya, quán không có sự đi, nhưng vẫn đi để thuần thục chúng sinh.

[877] Htr.: “Quán vô sinh (không tái sinh) mà không rơi vào chính vị nơi Tiểu thừa.” VKN: ajāti ca pratyavekate śrāvakaniyāme ca na patati.

* Htr., hết quyển 5.

[878] Các bản Hán, phẩm 12. Ckh., Lth., “Kiến A-súc Phật 見阿閦佛品.” Htr.: Quán Như lai 觀如來品.” VKN: Abhiratilokadhātvāyanaakobhyatathāgatadarśanaparivarta (đưa đến thế giới Diệu Hỷ, thấy Phật A-súc).

[879] Htr.: “Con quán Như lai, hoàn toàn có cái gì được thấy.” tathāgatam apśyanayā paśyāmi, con thấy Như lai bằng sự không thấy Như lai.

[880] Htr.: “Quán Như lai, quán tính chân như của sắc, tính ấy là phi sắc. Quán tính chân như của thọ, tính ấy là phi thọ;…” VKN: rūpatathāsvabhāvam arūpa, vedanātathā-svabhāvam avedanā, tự tính Như của sắc là phi sắc; tự tính Như của thọ là phi thọ.”

[881] La-thập (Đại 38, tr. 410b16): “Pháp thân như hư không, không do bốn đại tác thành.” Htr.: “Không trụ bốn giới; đồng hư không giới.”

[882] Htr.: “Không phải minh nhưng minh. Không phải đến nhưng đến.” VCS: Minh, chỉ ba minh: túc mạng, thiên nhãn, lậu tận.

[883] Trước đó, La-thập nhảy một đoạn; Htr.: “… đạt đến hết thảy pháp mà không có chướng ngại; là thật tế (bhūtakoi) mà không phải tế (akoi); là chân như (tathābhūta) mà không phải như (atathā); nơi cảnh chân như thường không sở trụ; nơi trí chân như thường không minh ứng; cảnh và trí chân như, tính của chúng đều lìa; không sinh bởi nhân, không khởi bởi duyên.”

[884] Bất dĩ thử, bất dĩ bỉ. Triệu nói (Đại 38, tr. 411a11), “Không phải cái này nhưng (hòa) đồng với cái này; cho nên, là đây mà không phải là đây…” Htr.: “Không phải ở tại đây, không phải ở tại kia, không phải ở trung gian.”

[885] Htr.: “Bất tại phương phần, bất ly phương phần 不住方分不離方分.

[886] Htr.: Xá-lợi-phất hỏi Phật; Phật bảo hỏi thẳng Duy-ma-cật. VKN, và Ckh., như Htr.

[887] VKN: nirmitasvabhāvā sarvadharmā, tất cả các pháp đều có tự tính của sự huyễn hóa.

[888] Htr.: “Chết là sự cắt đứt của các hành. Sinh là sự nối tiếp của các hành.”

[889] Lth., Htr., Diệu hỷ 妙喜. Ckh., A-duy-la-đề 阿維羅提. VKN: Abhirati.

[890] Lth., Htr., Vô Động 無動. Ckh., A-súc Phật 阿閦佛. VKN: Akobya.

[891] Tam đạo bảo giai 三道寶階. VCS (T38n1782, tr.1107b22): Thế Tôn lên trời Đao-lợi. Sau ba tháng ở đó thuyết pháp, Ngài trở về Diêm-phù-đề. Thiên đế sai làm cây thang báu có ba lối đi để Phật và tùy tùng đi xuống hạ giới. Giữa bằng vàng. Trái, bằng mã não. Phải, bằng thủy tinh. Xem Tăng nhất A-hàm, kinh số 5 phẩm 36.

[892] VCS: “Từ Thiệm-bộ châu lên đến đỉnh Tô-mê-lô, trời Tam thập tam.”

[893] Lth.: thủy tế 水際. Htr.: thủy tế luân 水際輪. Câu-xá 11 (Đại 29, tr. 11a): “An lập thế giới… Tầng dưới cùng là phong luân (vāyu-maṇḍala) y trên hư không… Trên phong luân là thủy luân (jala-maṇḍala)… Trên thủy luân là kim luân (kāncana-maṇḍala)…”

[894] Các bản Hán, phẩm 13, đề như nhau: “Pháp cúng dường.” VKN, phẩm 12 Nigamanaparīndanā-parivarto, Chúc lụy, bao gồm cả hai phẩm 13 và 14 của các bản Hán.

[895] Htr.: bất khả tư nghị tự tại thần biến giải thoát pháp môn 不可思議自在神變解脫法門. VKN: acintyavimokavikurvitadharma-nayapraveśa, thâm nhập pháp môn thần biến giải thoát bất khả tư nghị.

[896] Htr.: “Nhất định người đó là pháp khí (VKN: dharmabhājana).”

[897] La-thập nói, “Trong bản Phạn, sau chữ bồ-đề có chữ đạo 道. Đạo, tức con đường dẫn đến bồ đề.” Htr.: bồ-đề đạo. VKN: bodhimārga.

[898] La-thập nói, “Sau từ bồ-đề, có từ pháp 法.” VKN: buddhānā bhagavatā bodhis iha dharmaparyāye uddiṣṭā, bồ-đề của chư Phật Thế tôn được tuyên thuyết trong pháp môn này.

[899] Lth., Htr., Dược Vương 藥王. Ckh., Ti-sa-xà-da 俾沙闍羅耶 VKN: Baiṣayarāja.

[900] Đại trang nghiêm 大莊嚴. Htr., Đại nghiêm 大嚴. Ckh., Thái thanh 太清. VKN: Mahāvyūha.

[901] Lth., Trang nghiêm 莊嚴. Htr., Nghiêm tịnh 嚴淨. Ckh., Tịnh trừ. VKN: Viśodhana.

[902] Bảo Cái 寶蓋. VKN: Ratnacchatra.

[903] Lth., Htr., Nguyệt Cái 月蓋. Ckh., Thiện Tú 善宿. VKN: Somacchatra.

[904] Đà-la-ni ấn chi 陀羅尼印印之. Htr.: tổng trì kinh vương Phật ấn sở ấn 總持經王佛印所印. La-thập: “Tổng trì có vô lượng. Thật tướng là một trong đó. Nếu kinh nói thật tướng; thật tướng ấy tức là ấn (dấu ấn).” Khuy cơ (T38n1782, tr. 1110c10): “Vô tướng chân như, gọi là Phật ấn.”

[905] VKN: bodhipakyadharmānugatānām, tùy thuận pháp bồ-đề phần.

[906] Htr.: phân biệt xiển dương thậm thâm duyên khởi. VKN: pratītyasamutpādanirdiṣṭānā.

[907] Htr.: “Biện giải bên trong không ngã, bên ngoài không hữu tình, trung gian của hai không thọ mạng, không kẻ dưỡng dục, rốt ráo không bổ-đặc-già-la.”

[908] VKN: anabhisamskāra, vô hành.

[909] Htr.: “Dẫn đạo chúng sinh cúng dường Đại pháp. Giúp chúng sinh viên mãn sự tế tự đối với Đại pháp.” Đại pháp từ tự 大法祠祀; Khuy Cơ (T38n1782, tr. 1111a8): từ tự, tức pháp thí hội.”

[910] Bản Huyền Trang, theo Khuy Cơ, câu này tách thành hai đoạn riêng biệt. Đoạn đầu, gồm ba phần: Hiền Thánh nhiếp thọ, khai phát diệu hành, pháp nghĩa quy y. Đoạn sau, thuyết minh bốn ôn-đà-nam (dharmoddānam) của pháp. Khuy Cơ (ibid., tr. 1111a16): “Pháp ôn-đà-nam, là lược tập của giáo pháp. Có bốn lược tập của pháp: các hành vô thường; hữu lậu thảy khổ; các pháp vô ngã; Niết-bàn tịch tĩnh.

[911] Htr.: “hết thảy ngoại đạo, tà luận, ác kiến chấp trước.” Rồi thêm một đoạn nhảy sót trong bản La-thập; “Khai phát thế lực tăng thượng của thiện pháp của hết thảy hữu tình; trấn áp tất cả binh đội ác ma.”

[912] Htr.: nhiếp thọ Chính pháp, Skt. dharmasaṅgraha.

[913] Htr.: tùy thuận duyên khởi.

[914] Đoạn trên gồm bốn y chỉ của Bồ-tát (tứ y 四依; Skt. catvāri pratisaraāni)

[915] Htr.: “Nhập vô tàng, diệt A-lại-da.” Khuy Cơ (ibid., tr. 1111c05): “Ngộ nhập chân như vốn không bị nhiếp tàng; diệt A-lại-da.” VKN: anālayapraveśa, ālayasamudgāta.

[916] Nhu thuận nhẫn 柔順忍; La-thập nói: “Chưa có khả năng thâm nhập thật tướng của các pháp; nhưng bằng trí nhu nhuyễn và tín nhu nhuyễn mà tùy thuận, không trái nghịch; do đó nói là nhu thuận nhẫn.” Htr.: thuận pháp nhẫn 順法忍. Khuy Cơ (ibid., tr. 1111c20), theo kinh Nhân vương, có 5 bậc nhẫn: 1. phục nhẫn: trước thập địa; 2. tín nhẫn: sơ đến tam địa; 3. thuận nhẫn: các địa thứ tư, năm, sáu; 4. vô sinh nhẫn: các địa bảy, tám, chín; 5. tịch diệt nhẫn: thập địa, Phật địa.

[917] Lth., Bảo Viêm 寶炎. Htr. Bảo Diệm 寶焰. Ckh., Bảo Thành 寶成. VKN: Ratnārci.

[918] Lth., Ca-la-cưu-tôn-đà 迦羅鳩孫馱. Htr.: Ca-lạc-ca-tôn-đà 迦洛迦孫馱. Ckh., Cưu-lưu-tiên 鳩留先. VKN: Krakucchanda.

[919] Lâu-chí 樓至. Htr.: Lô-chí 盧至. Ckh., Lâu-do 樓由. Skt. Ruci.

[920] Htr.: “Vào đời ngũ trược ác thế.”

[921] Bồ-tát tướng菩薩相; Htr.: Bồ-tát tướng ấn 菩薩相印, dấu hiệu để nhận biết Bồ-tát. VKN: bodhisattvānā mudrā.

[922] Htr.: “Có bốn pháp khiến Bồ-tát sơ học tự tổn thương, không thể chứng đắc pháp nhẫn thậm thâm.” VKN: 2 pháp, như Lth.

[923] Htr. phân thành hai pháp: kinh sợ nghi ngờ, và sinh tâm hủy báng.

[924] Pháp thứ ba và tư trong Htr.: không cung kính và sau đó chê bai.

[925] Htr.: bốn duyên.

[926] Htr. phân thành hai duyên: khinh mạn và không chỉ dạy.

[927] Được thay trong bản Htr.: thứ ba, không kính trọng học xứ (tức giới) thậm thâm quảng đại; thứ tư, chỉ thích bố thí bằng tài sản thế gian.

[928] Htr.: “… từ nhiều phương khác, từ các thế giới khác…”

[929] Htr.: “khiến cho không gặp chướng nạn.”

[930] Htr. gộp thành một tên: Thuyết Vô Cấu Xưng bất khả tư nghị tự tại giải thoát thần biến pháp môn 說無垢稱不可思議自在神變解脫法門. VKN nêu ba tên: Vimalakīrtinirdeśa (Duy-ma-cật sở thuyết, Thuyết Vô Cấu Xưng), Yamakapuavyatyastanihāra (Tiêu dung các đối lập song đối), Acintyavimokaparivarta (Bất tư nghị Giải thoát).

Exit mobile version