
Dẫn Nhập
“Tại sao ta có mặt ở đây? Ta từ đâu tới? Ta sẽ đi về đâu? Tại sao ta có quá nhiều đau khổ? “ là những câu hỏi mà khi sinh ra, lớn lên, con người không ít thì nhiều đã từng thắc mắc và tìm cách trả lời. Thái tử Siddattha ngày xưa cũng thắc mắc và Ngài đã phải bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ đẹp con thơ, để tìm câu trả lời đúng đắn cho sự đau khổ của con người. Sau khi giác ngộ, Ngài đã giải đáp “do đâu có khổ đau?” trong bài pháp đầu tiên, bài Tứ Diệu Đế, cho bốn anh em ông Kiều Trần Như. Tuy nhiên sau hơn 2500 con người vẫn thờ ơ với câu trả lời này, tiếp tục trôi lăn trong cõi sinh tử và khổ đau. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã than thở trong nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về” là “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt“. Con người mãi lang thang đi tìm hạnh phúc. Đức Phật nói rằng con người sẽ còn lang thang trong sáu nẻo luân hồi, và sẽ không thoát ra sáu cửa ngỏ sinh tử nếu không phá được một trong 12 mắc xích của vòng nhân duyên. Nói đến 12 mắc xích này, Đức Phật dặn dò ngài Mục Kiền Liên là nên treo bức tranh của con quỷ vô thường hay bức tranh “Vòng Luân Hồi” để cảnh tỉnh các tỳ kheo, tỳ kheo ni trong các tự viện và cũng để nhắc nhở khách thập phương về lý nhân duyên và duyên khởi. Đức Phật nhấn mạnh rằng: “Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, Ai thấy duyên khởi là thấy ta (Phật)“. Có thể nói giáo lý duyên khởi là giáo lý căn bản của Phật Giáo. Hiểu giáo lý duyên khởi thì người tu mới thấy rõ thực tướng của con người và của cuộc sống. Hiểu con người tức là hiểu trong thân tâm này có các sự mê lầm, có vô minh, có hành, có thức, có lục nhập v.v.. và có sự vận chuyển của nhân duyên nối tiếp nhau vô hạn định. Hiểu cuộc sống tức là hiểu các hoàn cảnh phụ thuộc chung quanh để từ đó không dính mắc vào chúng, tìm cách tháo bỏ các ràng buộc này và đi vào thế giới thong dong tự tại. Bài viết này nhằm ghi lại các khái niệm căn bản của lý duyên khởi, lý 12 nhân duyên, sự tương tức, từ đó xác định lý duyên khởi đã có mặt rất rõ ràng trong khoa học, trong vũ trụ và trong cuộc sống của con người. Một hệ luận của lý duyên khởi là lý nhân quả cũng đã được nhắc lại và thảo luận qua các câu ca dao và tục ngữ Việt Nam. Lý duyên khởi đã chi phối rất lớn vào cuộc sống con người và đặc biệt là trong đời sống của người áo lam. Xin mời người đọc mạnh bước vào căn nhà “Duyên Khởi”.
Định Nghĩa Lý Duyên Khởi:
Lý Duyên Khởi hay Pháp Duyên Sinh xuất hiện rất nhiều trong các bài kinh và trong các bài giảng của Đức Phật, có thể nói “Tất cả kinh điển đều được xây dựng trên lý duyên khởi”. Vậy Lý Duyên Khởi là gì? Nếu phân tích chữ thì “Lý” là nguyên lý, “Duyên” là điều kiện hay nhân duyên, và “Khởi” là sự khởi lên hay sự hình thành. Nếu nói một cách nôm na “Lý Duyên Khởi” là nguyên lý nói về các điều kiện hay nhân duyên hình thành nên tất cả những hiện tượng thế gian. Lý Duyên Khởi có gốc từ tiếng Pali là “Paticca Samuppada Dhamma” được dịch là “nương theo duyên mà sanh” và tiếng Anh dịch là Dependent origination. Còn một cụm từ nữa được gọi là Pháp Duyên Sinh. Pháp Duyên Sinh nói về các hiện tượng thế gian được thành lập do nhiều điều kiện, nhiều yếu tố kết hợp sinh ra”. Ta có thể phân tích sự khác nhau của Lý Duyên Khởi và Pháp Duyên Sinh như sau [1]:
- Lý Duyên khởi: Các điều kiện / nhân duyên TẠO RA các hiện tượng thế gian
Ví dụ: nhờ trồng lúa mới có việc làm; nhờ việc làm mới có lương; nhờ có lương mới nuôi sống gia đình (hiện tượng thế gian).
- Pháp Duyên Sinh: Hiện tượng thế gian GỒM CÓ nhiều điều kiện / yếu tố kết hợp
Ví dụ: Cây (hiện tượng thế gian) có được nhờ hạt mầm, phân bón, nước, ánh mặt trời v.v..
Trong khi đó, Đức Phật đã định nghĩa Duyên Khởi theo 12 nhân duyên: “Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử; có lão tử nên có khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên Khởi” (Tương Ưng Bộ Kinh II). Bởi vậy Lý Duyên Khởi cũng được gọi là nhân duyên sinh hay Thập Nhị Nhân Duyên hay 12 nhân duyên.
Đức Phật dùng 12 nhân duyên để chỉ ra nguyên nhân gây ra sự luân hồi của đời sống con người. Khi 12 nhân duyên khởi lên thì có 12 sự kiện (quả) gây nên khổ não. Ngài cũng chỉ ra rằng nếu các duyên này diệt thì cái duyên kia cũng theo đó mà diệt và toàn bộ 12 Duyên cũng sẽ diệt. Do đó Đức Phật cũng định nghĩa Lý Duyên Khởi theo định lý “tương quan nhân quả” như sau:
“Cái này có, cái kia có; Cái này sinh, cái kia sinh”
hay ngược lại:
“Cái này không, cái kia không; cái này diệt, cái kia diệt”
Như vậy nếu nói “cái này có” (nhân) thì “cái kia có” (quả) thì ta đã nói theo Lý Duyên Khởi. Còn nếu nói “cái kia có” (quả) là hiện tượng thế gian là do “cái này có” (nhân) thì ta đã nói theo Pháp Duyên Sinh. Vậy hai cụm từ Lý Duyên Khởi và Pháp Duyên Sinh chỉ nói về một đề tài: hiện tượng thế gian và điều kiện sinh ra chúng. Tùy theo người quan sát đứng về mặt nhân hay quả mà ta gọi lý duyên khởi hay pháp duyên sinh. Do đó chúng ta có thể dùng 2 cụm từ này thay thế lẫn nhau mà không sợ bị nhầm lẫn. Trong bài viết này, người viết xin dùng cụm từ “Lý Duyên Khởi” để chỉ hai khái niệm này.
Lý Duyên Khởi và đời sống của trái đất
Con người luôn mong muốn tìm kiếm những gì chung quanh mình, đặc biệt là trái đất mình đang sống. Trước khi nói đến lý duyên khởi với đời sống trái đất, người viết khi ghi lại một cách ngắn gọn các lý thuyết về đời sống của trái đất và sau đó dùng “Lý Duyên Khởi” để soi sáng đời sống này. Xin trở về thời tiền sử, khi đó con người cảm thấy yếu đuối và sợ hãi trước thiên nhiên. Họ bị nhận chìm dưới thiên tai, bệnh tật và vì không có sự hiểu biết, họ đã quy mọi hiện tượng thiên nhiên này cho một bậc siêu nhiên gọi là Thần (Gods). Lúc đó, họ tin là Thần sấm sét nổi cơn thịnh nộ trong những trận mưa bão; Thần mặt trời có thể thiêu hủy tất cả những ngôi làng; Thần có thể tạo ra các bệnh dịch tả, dịch hạch làm chết hàng ngàn người. Thần của họ có khả năng ban phúc giáng họa. Những quan niệm này nay đã lỗi thời vì hiện nay con người đã biết tại sao có sấm sét, tại sao có mưa bão, tại sao mặt trời phát ra các tia sáng nóng bức và tại sao có các bệnh tật lan truyền. Con người tiền sử đã không thấy được nguyên nhân sinh ra các hiện tượng cho nên họ đặt ra các huyền thoại về đấng toàn năng như sau [5]:
1) Huyền thoại sáng tạo của dân Eskimo: sinh vật đầu tiên trên thế gian là Cha Quạ (Father Raven). Cha Quạ tạo ra mọi đời sống và nguồn gốc của mọi thứ và là một bậc toàn năng.
2) Huyền thoại sáng tạo của dân Ấn Độ: Vũ trụ ban đầu chỉ là cái Ngã (self) dưới dạng người. Từ cái ngã, hắn cho mình là “chỉ có ta”, rồi hắn sợ hãi, hắn sống cô độc không vui nên muốn có cái ngã thứ hai. Từ đó sinh ra con bò đực và con bò cái, con ngựa đực và ngựa cái, v.v.. tạo thành các sinh vật trên thế gian.
3) Huyền thoại sáng tạo Ba Tư: Huyền thoại này lập ra bởi nhà tiên tri Ba Tư Zarathustra khoảng 1500 BC. Ông không tin vào có một thần vừa toàn thiện lại vừa toàn năng nên Ông quan niệm là có 2 vị thần: ông Thiện và ông Ác. Thần Ohrmazd đã hiện hữu từ muôn thuở, trên thiên đường, mang tính thiện. Thần Ahriman ở dưới trần trong tăm tối và vô minh, mang tính ác. Thần Ohrmazd tạo ra con người hoàn hảo, trong khi đó thần Ahriman tạo những con vật đáng ghê để đe dọa con người. Từ đó, sự sống bắt đầu và cái thiện và ác tiếp tục chống nhau trong suốt lịch sử loài người.
4) Huyền thoại sáng tạo Do Thái – Kitô: Kitô giáo đã giữ ngôi vị bá chủ ở Âu Châu trong hơn 1500 năm và huyền thoại sáng tạo đã được viết trong Thánh Kinh Kitô, Cựu Ước, chương 1 và chương 2 của đầu Sáng Thế Ký. Theo Sáng Thế 1 thì con người và vũ trụ được thần Kitô tạo ra trong 6 ngày: (1) tạo ra ánh sáng và chia ánh sáng làm 2: ban ngày và ban đêm (2) dựng nên một vòm và gọi là Trời (haven). (3) tách đất và biển và tạo Trái Đất và Biển. (4) tạo nên mặt trời, mặt trăng và sao (5) tạo các sinh vật ở dưới nước và trên không (6) tạo nên người nam và người nữ. Theo Sáng Thế 2 thì Chúa dựng nên trái đất, rồi dựng nên ông A Đam, các loài vật, chim trời, sau đó lấy một khúc xương sườn của ông để tạo dựng nên bà E-Và. Cuộc sống của con người bắt đầu phát triển từ đây.
Tôn Giáo tin vào một đấng toàn năng thì các nhà triết học, khoa học lúc xưa lại tin rằng thế giới này “không bao giờ thay đổi” cho đến thế kỷ 18-19 mới loại bỏ được quan điểm này:
1) Quan niệm của Aristotle, một triết gia Hy Lạp trong thế kỷ 4 (384-322), cho rằng thế giới hiện hữu từ muôn đời và không bao giờ thay đổi. Quan niệm này loại bỏ thuyết sáng tạo hay thuyết tận thế và đây cũng là quan niệm của nhiều triết gia và khoa học cho đến đầu thế kỷ 20.
2) Quan niệm về một thế giới luôn thay đổi với sự ra đời của tác phẩm “On the Origin of Species” (Về nguồn gốc các chủng loại) của Charles Darwin vào năm 1859. Với luật tiến hóa, Darwin đã loại bỏ thuyết thế giới không bao giờ thay đổi của Aristotle.
3) Lý thuyết “Big Bang” (sự bùng nổ lớn): vũ trụ thành hình do một sự bùng nổ lớn của một điểm vô cùng đặc, vô cùng nóng. Hình ảnh nổ này tương tự như sự nổ của chiếc pháo bông hay một quả bom nổ văng ra các mảnh vụn đi rất xa theo khắp mọi hướng. Các mảnh vụn của sự nổ “Big Bang” là các thiên hà, các hành tinh trong đó có trái đất. Lúc đầu, sau vụ nổ, các thiên hà gần nhau, vũ trụ nhỏ hơn ngày nay, sau đó các thiên hà bay ra xa. Các nhà khoa học đã đo được sự vận chuyển của các thiên hà và sự nở rộng của vũ trụ. Sự vận chuyển của các vì sao đã được khám phá bằng các viễn vọng kính, bắt đầu là sự khám phá của Edwin Hubble. Edwin đã nghiên cứu các quang phổ của các thiên hà và tìm ra vận tốc của các thiên hà nhờ hiệu ứng Dopper. Sự nở rộng của vũ trụ cũng được tiên đoán trong thuyết Tương Đối của nhà Vật Lý Học Albert Einstein. Với các lý thuyết khoa học này, lý thuyết “Big Bang” hoàn toàn phủ định quan niệm “Thế giới này không bao giờ thay đổi”
Thật là kỳ lạ, quan niệm “Thế giới này luôn thay đổi” đã được Đức Phật đưa ra cách nay hơn 25 thế kỷ. Đó là lý “Vô Thường”. Qua đó, Đức Phật đã dạy rằng vạn pháp (hay vũ trụ) và mọi vật trong đó, có con người, liên tục thay đổi từng phút, từng giây hay từng sát na. Không có một vật gì gọi là không thay đổi, hay trường tồn mãi mãi. Còn về sự hiện hữu của trái đất và của các thiên hà, Ngài đã nói trong Kinh Hoa Nghiêm rằng “Ngoài thế giới nhỏ nhoi của chúng ta còn có hằng hà sa số thế giới khác” và Ngài đã mô tả hình dạng các thế giới này rất chính xác như thiên hà có hình xoáy nước, hình bánh xe, hay hình nở như hoa v.v.. Sở dĩ lúc đó Đức Phật đã không đưa ra các bằng chứng cho những gì Ngài nói vì có lẻ cho dù Ngài có đưa ra các bằng chứng thì sự hiểu biết của con người lúc đó về khoa học quá phôi thai nên cũng khó mà hiểu và chấp nhận cái thấy của Ngài. Để rồi sau đó gần 2600 năm, với sự tiến bộ của khoa học, lý “vô thường” đã được xác nhận và lời của Đức Phật là đúng sự thật.
Nếu triển khai giáo lý duyên khởi của Đức Phật, chúng ta có thể dùng “Big Bang” là một nguyên nhân tạo ra sự sống của trái đất nhưng các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được làm sao có cái dị điểm làm trung tâm phát khởi sự bùng nổ này. Giáo lý duyên khởi nói rằng không có một nguyên nhân đầu tiên nên cái dị điểm này không thể đúng được. Sự hình thành một hiện tượng đều phải có nhiều yếu tố hợp thành. Đức Phật gọi các yếu tố này là các duyên. Giáo lý duyên khởi đã được Đức Phật tóm gọn trong các điều sau đây:
- Mọi sự vật nếu đã do duyên sinh thì cũng do duyên mà diệt.
- Nếu đủ duyên thì sự vật hình thành và hết duyên thì sự vật sẽ mất đi
- Mọi sự vật đều trải qua bốn thời kỳ: Thành, Trụ, Hoại, Diệt (hay trở thành ‘không’)
Vậy ta có thể dùng lý duyên khởi tạm giải thích sự hình thành của trái đất như sau: do nhiều nguyên nhân hợp thành hiện tượng big bang, từ đó tạo ra các thiên hà, trong đó có trái đất. Vì có bầu khí quyển che chở, cùng các duyên khác như đất, nước, gió, lửa mà sự sống trên trái đất bắt đầu hình thành và phát triển. Các sinh vật nếu đủ các duyên, hay nhờ các hoàn cảnh chung quanh, mà có thể sống còn hay hủy diệt. Sinh vật nhờ môi trường mà sống còn; các sinh vật thời tiền sử vừa lớn, vừa to, tiêu thụ nhiều thức ăn của thiên nhiên, dần dần thiên nhiên không còn ưu đãi nên bị tuyệt chủng và mai một. Trong khi các sinh vật nhỏ bé được thiên nhiên ưu đãi, có thể sống còn qua hàng trăm thế kỷ. Tất cả những sự việc kể trên đều có thể dùng lý duyên khởi để giải thích.
Ngày nay, trước những khám phá mới nhất của khoa học, từ thuyết tiến hóa của Darwin đến thuyết ‘Big Bang’ về sự thành hình của vũ trụ, tất cả đều làm sáng tỏ thuyết Duyên Khởi của Đức Phật.
Lý Duyên Khởi và đời sống của con người
Nói lý duyên khởi của vũ trụ thật là mơ hồ vì nó có vẻ không dính líu gì đến đời sống thực tại của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta phải sống, phải làm việc và làm những việc mà con người bình thường phải làm. Vậy xin đem lý duyên khởi về lại với đời sống con người. Lý duyên khởi có dính líu gì đến đời sống con người?
Rất may mắn là Đức Phật đã triển khai một hệ luận rất quan trọng của lý duyên khởi để dạy cho chúng ta: “Luật Nhân Quả”. Nếu gặp một người ham làm các việc ác, mong muốn giết người như chàng Vô Não (Angulimala), Đức Phật dùng giáo lý nhân quả để khuyên bảo: “Ta đã dừng từ lâu mà ngươi chưa dừng”. Dừng ở đây là dừng việc giết hại, dừng việc gây khổ đau. Phải biết chấm dứt cái nhân sát hại thì mới không có quả khổ đau.
Bài “Lý Nhân Quả” trong bậc Trung Thiện của GĐPT Việt Nam tại Hoa-kỳ có định nghĩa Lý Nhân Quả như sau: “Lý Nhân Quả là một định luật nêu rõ sự tương quan tương duyên giữa nhân và quả; có nhân duyên phối hợp tất có quả hình thành”. Định nghĩa thì có vẻ khó hiểu vì có các cụm từ “tương quan tương duyên” nhưng các hình ảnh diễn đạt nhân quả dễ hiểu nhất vẫn là “đánh một tiếng chuông thì liền nghe tiếng” (nhân quả đồng thời), “trồng lúa trong sáu tháng thì có lúa” (nhân quả hiện tại), “đời này biết bố thí cúng dường thì đời sau sẽ được giàu sang” (nhân quả trong hai đời) hay “muốn thoát khỏi luân hồi thì phải tu nhiều kiếp” (nhân quả nhiều đời). Người huynh-trưởng cũng có thể dùng định luật thứ 3 của Newton về chuyển động để giải thích cái “nhân quả đồng thời”. Định luật này nói “trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều nhau”. Ai có thể phủ nhận định luật này không mang tính nhân quả?
Lý nhân quả đã ảnh hưởng rất sâu rộng trong đời sống của con người Việt Nam. Từ nhỏ, khi làm một việc gì tốt hay không tốt, con cháu thường nghe ông bà dạy rằng: “ở hiền gặp lành” hay “ở ác gặp dữ”. Nếu có làm nhiều việc xằng bậy thì ông bà nhắc nhở: “gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy”. Câu “ở hiền gặp lành” nói rằng hễ mình có lòng tốt giúp người hoạn nạn thì khi mình bị hoạn nạn thì sẽ có người sẽ giúp đỡ lại mình. Người này không nhất thiết phải là người mình đã giúp. Câu “ở ác gặp dữ” khuyên ta không nên hành động hung dữ mà chuốc lấy khổ lụy vào thân. Do đó, nếu mình muốn có một đời sống an lành thì mình không đi cướp của, giết người v.v… Các câu tục ngữ này mang đậm lý “nhân quả” trong Phật Giáo, đặc biệt câu “gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy”. Câu này đã dùng chính 2 từ “nhân quả” trong Phật Giáo để khuyên răn con người nên thận trọng khi làm một việc gì. Ngày xưa ông bà chúng ta đã khéo léo dùng hình ảnh gieo trồng và gặt hái để giải thích khái niệm về “nhân quả” cho con cháu hiểu. Hình ảnh người nông dân gieo hạt lúa, sau đó phải tìm cách dẫn thủy nhập điền, canh tác nhiều tháng mới có lúa mà ăn. Sự gieo trồng này cũng giống như một người làm việc ác hay việc thiện bây giờ để rồi sau đó gặt hái các việc xấu ác hay tốt lành trong tương lai.
Trong lý nhân quả, ta cảm thấy dường như có một tiến trình, một điều kiện nào đó để hình thành từ nhân đến quả. Cái điều kiện đó chính là các duyên, tức là những sự giúp đỡ phụ thuộc cho nhân để phát sinh trong lý duyên sinh; Duyên đây có thể là thời gian, là hoàn cảnh chung quanh v.v.. Lý duyên sinh đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy rất rõ:
Dục tri tiền thế nhân
Kim Sanh thọ giả thị
Yếu tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị
Tạm dịch là:
Muốn biết nhân đời trước
Xem thọ nhận đời này
Muốn biết quả đời sau
Xem tạo tác đời này [7]
Vậy muốn biết đời trước của mình như thế nào thì hãy nhìn kỹ cái quả báo mà mình đang lãnh thọ của đời hiện tại này. Muốn biết cái quả báo của mình đời sau ra sao, thì hãy nhìn vào cái tác nhân mà mình đang gây tạo trong hiện đời. Bài kệ này có thể dùng để trả lời các câu hỏi “không công bình” của đời sống như:
- Tại sao lại có người sinh ra trong gia đình giàu có còn người khác lại không?
- Tại sao có người thông minh lại có người ngu ngốc?
- Tại sao có người thì thánh thiện còn người khác lại xấu xa, độc ác?
- Tại sao lại có người bị mù, dị tật từ khi họ sinh ra?
Không cần bài kệ trên, một học sinh trung học cũng có thể đưa ra các nguyên nhân để trả lời các câu hỏi trên như sau: người sinh ra trong gia đình giàu là theo lý thuyết ngẫu nhiên và xác suất. Người sinh ra si khờ là do cha mẹ dùng thuốc quá đáng hay do sự di truyền. Chúng ta không thể phủ nhận các nguyên nhân này vì theo nguyên lý duyên khởi, một sự việc xảy ra do nhiều nguyên nhân gây nên. Nhưng thay vì theo luật ngẫu nhiên, Phật Giáo giải thích sự “không công bình” này bằng luật nhân quả hay lý nhân duyên sinh; tức là khi tái sinh, chúng ta bị luật nhân quả hay do nghiệp quả mà sinh vào bào thai của người mẹ trong một gia đình giàu sang hay nghèo khổ. Nếu người làm việc thiện trong quá khứ thì khi mất người này sẽ sinh vào những gia đình giàu có và phước đức; Trong khi đó, người hay bỏn xẻn thì sẽ sinh vào gia đình nghèo khổ. Tương tự như trường hợp của người thông minh hay ngu ngốc. Có người chỉ cần học một chút thì đã hiểu còn người kia thì phải học mãi mới thông suốt. Phải chăng những người thông minh đã có hạt giống sáng suốt từ kiếp trước. Một người có khuynh hướng xấu xa trong nhiều kiếp thì cũng khó có thể thay đổi trong một kiếp, cho nên người đã xấu ác trong quá khứ thì sẽ tiếp tục xấu ác trong kiếp hiện tại, trừ khi người này có một năng lực rất mạnh quyết tâm sửa đổi, cải thiện lỗi lầm của mình. Một người bị mù từ lọt lòng mẹ thì có phải họ đã tạo một nhân ác trong tiền kiếp để kiếp này sinh ra nhận lấy quả báo. Câu chuyện tiền thân của Đức Phật, chuyện “Cặp mắt của Thái Tử Câu Na La”, nhằm chỉ cho ta thấy cái quả của sự mù lòa. Trong quá khứ, Thái Tử Câu Na La đã vô tình làm hại hàng trăm người bị mù cho nên trong hiện kiếp, thái tử phải bị “móc mắt” để đền bù lại những lỗi lầm đã tạo ra.
Đứng về góc độ khoa học thì chúng ta không thể nào thấy được, nhớ được hay biết được những việc nhân quả trong tiền kiếp hay hậu kiếp. Thực ra lý nhân quả không phải là một luật và Đức Phật đặt ra mà lý nhân quả đã hiện hữu trong vũ trụ này như là một định luật bất biến. Luật Nhân quả không phải là của riêng một tôn giáo nào mà nó là một luật của tự nhiên (Law of Nature). Đã là luật tự nhiên thì không có một sức mạnh hay một ý chí nào bắt nó phải theo ý muốn của một cá nhân nào. Nó sẽ vận hành theo đúng luật của nó. Ví dụ: hạt cam sẽ sinh ra trái cam khi các hạt mầm có đủ điều kiện sinh khởi. Sự vận hành tự nhiên của nước (hơi nước bốc lên thành mây, mây gặp lạnh và đúng áp suất thì tạo mưa, mưa lại xuống biển hay đất liền) tạo nên một chu kỳ nhân quả tuần hoàn. Đối với đời sống con người, luật nhân quả được vận hành với một tác nhân là Nghiệp (Karma). Nghiệp không phải là một thứ định mệnh (fate), một hình phạt, một việc gì đó tệ hại mà là một khía cạnh vận hành của nhân quả. Nghiệp không chỉ đơn giản căn cứ vào sự phân biệt giữa “cái tốt” và “cái xấu”, “cái đúng” và “cái sai”, mà Nghiệp là một sự chủ tâm, một ý định (intention), một tác ý (volition) hướng vào đối tượng bên ngoài. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói “Này các tỳ kheo, ta bảo rằng tác ý đấy là nghiệp”.
Đạo Phật cho rằng Nghiệp là tác nhân gây ra sự luân hồi. Nghiệp thực hiện hành trình của nó đúng theo luật nhân quả. Khi nghiệp thiện sinh thì quả thiện sinh. Khi nghiệp ác diệt thì quả ác diệt. Nghiệp có thể định nghĩa một cách đơn giản là “tất cả hành động, lời nói, ý nghĩ có tác ý”. Trong kệ hô chuông có câu “Ba nghiệp lắng thanh tịnh”, chữ ba nghiệp đây nói là cái tác ý về thân, cái tác ý về lời nói, và cái tác ý về ý nghĩ. Chữ “tác ý”(volition) hay một ý định (intention) ở đây rất quan trọng vì nó là một thông số cho sự nặng, nhẹ của Nghiệp. Một người cố ý giết người sẽ có nghiệp nặng hơn một người vô ý giết người. Một bác sĩ nói dối với ý định tốt giúp bệnh nhân khỏi sự lo âu, sợ hãi sẽ không tạo những quả xấu ác.[8]
Lý Duyên Khởi trong Tứ Diệu Đế
Lý nhân quả có trong cuộc sống và lý Nhân Quả cũng nằm trong bài giảng đầu tiên của Đức Phật. Bài pháp Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt và Đạo) nếu được phân tích theo lý nhân quả thì Tập là nhân và Khổ là quả. Tập có nghĩa là tích chứa. Chúng sanh chứa rất nhiều nghiệp. Nghiệp từ đời quá khứ đã sinh ra ngũ ấm trong đời hiện tại. Nghiệp trong đời quá khứ và đời hiện tại lại tạo Ngũ ấm trong tương lai và sự sinh tử nối tiếp không ngừng. Khổ là sự đòi hỏi bức bách của thân tâm nên nó gây ra khổ não. Thân khổ gồm có sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ và tử khổ. Tâm khổ gồm có cầu không được thì khổ, yêu thương mà xa lìa thì khổ, ghét mà phải gần thì khổ, ngũ ấm không điều hòa thì khổ. Trong khi đó, Đạo là nhân của Diệt. Đạo là con đường thực tập để bớt nghiệp hay đến trạng thái “không có nghiệp”. Nhờ Đạo mà Tập được tiêu trừ. Khi tập hết thì người tu đạt được trạng thái của Diệt. Diệt là cảnh giới mà không còn có sự tái sinh, luân hồi, thoát khỏi mọi khổ nạn, nên còn được gọi là Niết Bàn.
Tứ Diệu Đế ảnh hưởng lớn lao đến đời sống con người như thế nào thì lý duyên khởi ảnh hưởng sâu rộng như thế nấy. Rõ ràng Khổ và Tập ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Con người luôn tìm cầu các hạnh phúc để thỏa mãn cái thân và cái tâm. Lúc còn nhỏ, con người tìm kiếm tình thương nơi cha mẹ. Đến lớn thì lại tìm kiếm tình yêu hầu có một gia đình hạnh phúc. Con người luôn tìm cầu mọi phương cách để thỏa mãn ngũ dục lạc. Ngũ dục là năm sự ham muốn hay năm thứ dục lạc của trần cảnh; Ham muốn về sắc đẹp hay các tướng tốt gọi là Sắc dục. Ham muốn tiếng hay, lời dịu ngọt gọi là Thinh dục. Ham muốn mùi thơm ngạt ngào gọi là Hương dục. Ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt gọi là Vị dục. Ham muốn sự đụng chạm mềm dịu gọi là Xúc dục. Ngũ dục trên đây được định nghĩa trên các giác quan của con người nhưng ngũ dục có thể định nghĩa theo đời sống: Tài dục là ham muốn tài sản, của cải. Sắc dục là tham sắc đẹp mỹ miều. Danh dục là mong muốn địa vị cao sang, tiếng tốt. Thực dục là tham muốn thức ăn ngon. Thùy dục là ham muốn ngủ nghỉ nhiều. Nhiều người cho rằng sống không có ngũ dục lạc thì không muốn sống. Họ đâu biết rằng càng đắm say ngũ dục thì càng đau khổ như người khát nước uống nước muối, càng uống càng khát. Nhưng giáo lý Tứ Đế không chỉ nói đến khổ mà giáo lý Tứ Đế còn nói đến sự vắng mặt của khổ là Diệt. Giáo lý Tứ Đế xác nhận sự có mặt của đau khổ nhưng đồng thời xác nhận sự có mặt của an lạc. Con người có khả năng chuyển hóa đau khổ để dẫn tới hạnh phúc. Khổ-Tập miêu tả tình trạng thực tại của con người và Diệt-Đạo miêu tả tình trạng lý tưởng, niềm hy vọng của con người. Tứ Đế cho thấy cái thực tại và cái tương lai của cuộc sống con người thì lý duyên khởi nói rằng “Tập có nên Khổ có” diễn tả ý “cái nhân khổ này có thì cái quả khổ kia có”. “Đạo có thì diệt có” diễn tả ý “cái nhân là hết khổ thì tạo cái quả niết bàn”. Hai cặp đối đãi này lại là hai mặt của cuộc sống: Nếu không khổ thì diệt và không diệt thì khổ, tương tự như khái niệm: ánh sáng và bóng tối. Khi có sáng thì sẽ không tối và hễ không có ánh sáng thì sẽ tối. Hai cặp đối đãi này nêu ra khái niệm tương tức và tương nhập mà người viết xin dành lại ở phần sau.
Lý Duyên Khởi và 12 nhân duyên
Lý nhân quả nằm trong Tứ Đế và sự vận hành của luân hồi dựa trên nhân quả nghiệp báo của chúng sanh. Đức Phật đã khai triển giáo lý duyên khởi lên một mức độ cao hơn: Ngài đã phân tích vì đâu con người phải chịu luân hồi qua 12 chi phần của chuỗi nhân duyên. Mười hai chi phần này được định nghĩa như sau:
- Vô Minh: là sự mê lầm, không hiểu được lý nhân quả, không rõ được tính duyên sinh nên nhận lầm các sự vật là trường tồn mà không biết tất cả đều do nhân duyên giả hợp sinh ra. Con người vì vô minh nên không biết nhân duyên hội họp thì tồn tại và nhân duyên tan rã thì mất đi. Cho dù con người có biết việc này đi nữa nhưng vì cái ngã chấp quá sâu dày của nhiều kiếp nên cứ nhận lầm là có cái ta chân thật, có cái ngã chân thật, có cái hoàn cảnh thật sự bên ngoài. Bên trong chúng sanh chấp chặt vào cái ngã, còn bên ngoài thì chấp chặt vào cái cảnh.
- Hành: là hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu dưới 3 hình thức là thân, khẩu và ý. Hành có tính chất cố ý, chủ ý tạo tác các nghiệp thiện, bất thiện hay bất động (không thiện, không ác)
- Thức: tri giác của con người về thế giới. Thức có tính phân biệt.
- Danh Sắc: là toàn bộ tâm lý và vật lý của con người. Danh sắc bao gồm những cái có hình tướng như thân thể hay cảnh bên ngoài. Nó cũng bao gồm những cái không có hình tướng như sự hiểu biết ở bên trong.
- Lục Căn hay lục nhập: gồm có 5 giác quan và khả năng suy nghĩ. Sáu căn như là sáu cửa sổ của một căn nhà.
- Xúc: Lục căn tiếp xúc với cảnh bên ngoài gọi là xúc: Mắt thấy cảnh vật, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm thức ăn, thân thể tiếp xúc hoàn cảnh bên ngoài, não bộ khởi lên các ý tưởng.
- Thọ: là cảm nhận của con người với thế giới bên ngoài gồm có các cảm giác: khổ thọ, lạc thọ, ưu thọ, và xả thọ.
- Ái: là lòng tham ái, lòng tham muốn. Vì có cảm thọ nên có ưa, ghét. Khổ thọ thì chối bỏ còn Lạc thọ thì ưa thích.
- Thủ: những gì mình ưa thích đều muốn chiếm lấy.
- Hữu: những gì mình có được như sự sống, người thân, nhà cửa, hoàn cảnh chung quanh v.v..
- Sinh: là cuộc sống hàng ngày gồm có ngũ dục lạc và lòng tham muốn
- Lão tử: là sự già và chết. Vì có sinh nên có già rồi có chết theo đúng chu kỳ “Sinh, Trụ, hoại, diệt”.[12]
Nếu đặt 12 chi phần lên một vòng tròn và dùng mũi tên chỉ cho lý nhân quả thì ta có thể thấy rõ dòng luân chuyển của các chi phần của 12 nhân duyên (Hình 1). Theo các kinh ghi nhận thì Đức Phật đã từng quán lý duyên khởi như sau trước khi Ngài chứng đạo giác ngộ.
- Vào canh một, Đức Phật quán chiếu Lý Duyên Khởi theo chiều CÓ tức là “cái này có thì cái kia có”: Vô Minh sinh Hành, Hành sinh Thức. Khi con người chết đi thì Thức, tùy nghiệp mà tái sanh vào thân mới, bắt đầu là Danh Sắc (có cái thân và tâm) rồi có Sáu Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần tạo sự va chạm sinh ra các cảm thọ là Thọ. Khi có cảm thọ lại sinh ra lòng yêu ghét là Ái. Vì yêu nên giữ chặt là Thủ, và vì muốn giữ chặt những cái mình có được trong cái đời này hay đời sau nên có Hữu. Khi có
Hữu thì tạo động lực tái sinh là Sinh và có Sinh thì sẽ có già và chết nên gọi là Lão Tử.
- Vào canh hai, Đức Phật quán chiếu Lý Duyên Khởi theo chiều KHÔNG, hay “cái này không thì cái kia không”. Nếu con người không rõ lý duyên sinh, hoàn toàn không tham nữa thì sẽ không có Hành, Thức, Danh Sắc, Sáu Căn, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh và Lão Tử
- Vào canh ba, Đức Phật quán chiếu Duyên Khởi theo hai chiều CÓ và KHÔNG tức là “Do cái này có nên cái kia có” và “Do cái này không nên cái kia không”. Khi Ngài chứng ngộ Lý Duyên Khởi thì Ngài đạt được giác ngộ tối hậu, chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. [1]
Dùng phương pháp quán chiếu Duyên Khởi để đạt được quả Chánh Đẳng Chánh Giác, chúng ta không thể biết được vì Giác Ngộ là một sự kỳ diệu mà chỉ có người Giác Ngộ mới biết được. Tuy nhiên, có một điều xác thực là Đức Phật đã giảng dạy phép quán 12 nhân duyên cho các hàng đệ tử có căn cơ quán sát nhân duyên để đạt quả vị Bồ Tát Duyên Giác.
Nếu nhìn theo Hình 1 thì ta nhận thấy một chi phần như Vô Minh sẽ làm duyên cho chi phần kế là Hành phát sinh; Nhưng quán xét như vậy là quán xét theo thời gian, không đúng theo tinh thần của Kinh Hoa Nghiêm là “Tất cả là một và một là tất cả”. Thực ra, mỗi chi phần đều vừa là nhân vừa là quả của các chi phần còn lại, và sự ảnh hưởng, liên kết này thể hiện trong cả ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai, tức là vượt thời gian. Xin lấy Vô Minh làm ví dụ thì rõ ràng là trong Vô Minh có mặt trong Hành nên sự tác ý khởi niệm sanh phiền não làm cho Vô Minh nhiều thêm, vậy đây là liên hệ hai chiều: Vô Minh duyên Hành và Hành cũng duyên Vô Minh. Vô Minh cũng đồng thời có mặt trong các chi phần khác như Thức, Danh Sắc, Lục Nhập v.v.. Nếu không có Vô Minh trong Thức thì làm sao có nghiệp dẫn dắt hay thọ sanh theo nghiệp. Nếu Lục Nhập không có Vô Minh thì khi đối trần cảnh sẽ không có sự phân biệt, thì làm sao tạo nghiệp. Nếu Ái không có Vô Minh thì cái Ái này không có ý thức chấp ngã vậy Ái này có đức tính Từ Bi bao la của Đức Phật và của hàng Bồ Tát. Mỗi chi phần đều có liên hệ nhân duyên với các chi phần kế cận, và liên hệ với các chi phần còn lại. Còn nếu nói về thời gian thì rõ ràng là Vô Minh có mặt trong quá khứ, tạo Hành, Thức để dẫn đến Vô Minh trong hiện tại và vị lai; Do đó, sự tương quan mật thiết của các chi phần này xảy ra trong cả không gian lẫn thời gian, không có điểm đầu tiên và điểm tận cùng, và có thể gọi là “trùng trùng duyên khởi”.
Phân loại lý duyên khởi
Vì giáo lý duyên khởi xuất hiện trong tất cả các kinh sách Phật giáo, các vị tổ sư mới phân ra các loại duyên khởi từ thấp đến cao cho các hàng đệ tử nghiên cứu và chiêm nghiệm. Theo duyên khởi luận của Hoa Nghiêm Tông thì Duyên khởi được chia làm bốn và sắp xếp từ thấp lên cao như sau:
- Nghiệp cảm duyên Khởi
- A Lại Da duyên khởi
- Như lai tạng duyên khởi
- Pháp Giới duyên khởi
Nghiệp cảm duyên khởi là lý duyên khởi dễ nhận biết nhất vì nó dùng “Nghiệp” để giải thích. Con người bị cuốn hút vào vòng sinh tử luân hồi bởi vì các nghiệp cảm tạo tác bởi thân và tâm. Đức Phật đã dạy cách quán 12 nhân duyên qua ba đời trong sáu nẻo luân hồi. Các Phật tử Tây Tạng đã thể hiện lý nhân duyên qua đồ hình “6 cõi và bánh xe của đời sống” (The Six States, The wheel of Life) để nhắc nhở họ lý nhân duyên trong cuộc sống hàng ngày như sau: con người sẽ luân lưu trong sáu cõi: địa ngục (Ashra), ngạ quỷ (hungry ghost), súc sanh (animals), người (human), A-tu-la (Ashura), Trời (Deva). Vòng trong cùng là 3 căn bản phiền não hay tam độc: tham, sân, si thể hiện bằng 3 con vật: heo, rắn và gà. Vòng ngoài là 12 nhân duyên. Thần chết (Yama) xoay chuyển bánh xe luân hồi. Bên ngoài vòng luân hồi là Đức Phật chỉ mặt trăng (tượng trưng bởi mặt trăng), nhắc nhở các Phật tử tìm về con đường giải thoát nhằm thoát vòng luân hồi. Trong nhiều thế kỷ qua, người Tây Tạng đã dùng hình ảnh này làm một đề tài thiền quán về vô thường, luân hồi và chết vào các buổi thiền tập sáng và chiều. Họ có câu: “If you do not meditate on death, on impermanence in the morning, you will waste the day. If you do not meditate on death, on impermanence in the evening, you will waste the night”. Tạm dịch là: “Nếu bạn không quán về sự vô thường, về cái chết trong buổi sáng thì bạn phí ngày đó. Nếu bạn không quán về sự vô thường, về cái chết trong buổi tối thì bạn phí đêm đó.”
Trong khi đó, kinh Nhân Duyên (Avadana sutta) thì dùng bức tranh vẽ con quỷ vô thường ôm một vòng bánh xe có 4 vòng: vòng trung tâm là phiền não, vòng hai là nghiệp, vòng ba là khổ và vòng bốn là 12 nhân duyên [15]. Bốn vòng này cho thấy Nghiệp cảm duyên khởi dựa vào nhân của tâm (phiền não), nhân của thân (nghiệp), kết quả của nghiệp (khổ) và sự duyên sinh của 12 chi phần mà liên tục sinh hóa trong bánh xe luân hồi. Khái niệm về thời gian (quá khứ, hiện tại và vị lai) được biểu diễn thành một đường thẳng trong tọa độ Descartes mà trong đó các động tử di chuyển từ trái sang phải, nhưng khái niệm về thời gian cũng có thể biểu diễn theo vòng tròn vì trong đó các biến dịch “thành, trụ, hoại, không” được lặp đi, lặp lại theo thời gian.
A-lại-da duyên khởi dùng thức thứ 8 trong Duy Thức học để soi rọi lý duyên khởi. Thức thứ tám này là A Lại Da thức hay tàng thức là chỗ chứa đựng mọi sự trải nghiệm của đời sống con người và là nguồn gốc của tất cả các hiện tượng tinh thần. Tất cả mọi tư tưởng và hành động đều được tích tụ và lưu trữ vào Tàng thức này thành các hạt giống. Các hạt giống tiềm ẩn trong Tàng thức thì được gọi là chủng tử và khi phát ra bên ngoài thì được gọi là hiện hành. Phân loại các chủng tử thì ta thấy có các chủng tử nằm lâu xa trong quá khứ, có chủng tử hiện hành và có các chủng tử vừa mới vào. Sự hỗ tương và phụ thuộc nhau của các chủng tử này tạo thành một vòng tròn mắc xích, không có điểm đầu hay điểm cuối, nên gọi là A-lại-da duyên khởi.
Như lai tạng duyên khởi đi sâu hơn vào tâm thức của con người và phân tích sự tồn tại của cái “Phật tánh”. Đức Phật từng nói “Ta là Phật đã thành, chúng con là Phật sẽ thành”. Câu nói đơn giản này có thể hiểu là nếu chúng sanh cố gắng tu tập thì sẽ thành Phật; nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn thì ta thấy cái “Phật tánh” đã có sẵn trong mỗi con người chúng ta mà vì mê mờ nên không nhận ra nó. Khi thấy A-lai-da là chỗ chứa cho luân hồi thì ta cũng phải thấy có cái “Phật tánh” không thay đổi, còn gọi là “Chân Như” để đưa chúng ta thoát ra khỏi luân hồi. “Chân Như” hay “Như lai tạng” chính là trạng thái chân thật của vạn hữu trong vũ trụ, cội nguồn của mọi sự giác ngộ của chúng sanh” [6]. Vì Như lai tạng bị các phiền não che lấp nên sinh ra sáu cõi. Nếu phiền não không còn thì Như lai tạng hiển bày, là giác ngộ. Một hình ảnh cụ thể của khái niệm này là nước và sóng. Nước là nền tảng tạo ra các sóng. Sóng là các hiện tượng của nước. Tương tự như vậy, “Chân Như” là nhân tạo ra sóng và từ “Chân Như” mà phát khởi các hiện tượng khác (cái dụng của “Chân Như”). Pháp Giới Duyên Khởi muốn nhấn mạnh cái dụng của Như Lai Tạng. Pháp Giới ở đây được hiểu là tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Cái vạn hữu (cái có) trong vũ trụ gồm có Tâm và Vật. Pháp giới duyên khởi muốn nói cái Tâm và Vật này phải được hiện hữu đồng thời, tức là “Tâm có thì vật có”, “Tâm không thì vật không”. Pháp giới duyên khởi nêu lên một quan niệm mới nữa: đó là sự viên dung vô ngại của các sự vật trong vũ trụ, điều này dẫn đến lý tương tức, tương nhập. Trong Hoa Nghiêm tông đã phát triển lý tương tức và tương nhập thành Thập Huyền Duyên Khởi mà người viết xin không đi vào chi tiết theo hướng này.
Lý Duyên Khởi và Sự Tương Tức, Tương Nhập
Khi ta dùng lý duyên khởi để nói “cái này có thì cái kia có” và “cái này không thì cái kia không”, thì ta đã dùng sự tương tức và tương nhập. “Tương tức”(interbeing) thể hiện tính tức thì, ngay lập tức còn “Tương Nhập”(interpenetration) thể hiện sự thâm nhập của cái này vào cái kia và ngược lại. Lấy 12 nhân duyên làm ví dụ thì ta thấy “Vô Minh” thâm nhập vào tất cả các chi phần khác và ngược lại các chi phần khác làm tăng hay giảm cái Vô Minh. Khi có sự tương nhập mật thiết giữa các chi phần thì ta thấy một sự liên hệ tức thì giữa “Vô Minh” và “Hành, Thức, Danh Sắc vv…”. Ý tưởng “có Vô Minh thì có các chi phần” đã được tổng quát hóa thành lý thuyết “một là tất cả, tất cả là một”. Lý thuyết này được thể hiện qua hình ảnh cái màng lưới của vua trời Đế Thích trong kinh Hoa Nghiêm. Màng lưới này được kết bằng những hạt ngọc. Mỗi hạt ngọc phản chiếu các hạt ngọc khác cho thấy sự “Tương nhập” và các hạt ngọc khác cũng phản chiếu lẫn nhau nên có tính “Tương Tức”; như vậy hình ảnh này thể hiện được giáo nghĩa tương tức tương nhập hay “một là tất cả, tất cả là một” của kinh Hoa Nghiêm. Thầy Pháp Tạng, một đệ tử giỏi của Pháp Sư Huyền Trang, đã đưa giáo lý Hoa Nghiêm vào Duy Thức bằng bốn câu kệ sau đây:
Hạt giống hay hiện hành
Đều tương tức, tương nhập
Một do tất cả thành
Tất cả đều do một
Muốn hiểu lý duyên khởi là phải hiểu được giáo lý “tương tức và tương nhập”. Thiền Sư Nhất Hạnh đã viết “Nhìn bình trà chúng ta thấy có đất, có nước, có lửa, có không gian, có thời gian và nếu nhìn cho sâu thì thấy rằng không có hiện tượng nào trong vũ trụ mà không có mặt trong bình trà” [13]. Chúng ta nhìn bình trà và hình dung một người thợ gốm kết hợp các vật liệu, dùng lửa và nước, đun nóng theo thời gian để tạo nên bình trà, nhưng quán chiếu để thấy tất cả các hiện tượng trong vũ trụ có mặt trong bình trà thì thật là khó hiểu. Càng khó hiểu hơn khi có một người hỏi “Tôi đồng ý là những hiện tượng riêng biệt kia nương vào nhau mà sinh khởi và tồn tại. Nhưng cái tổng thể của tất cả các hiện tượng đó, cái tất cả thì do đâu mà sinh ra?” [14]. Câu hỏi này chỉ có thể dùng lý trùng trùng duyên khởi để giải thích: cái tất cả đó là do các hiện tượng này tạo nên.
Ứng dụng lý duyên khởi vào đời sống
Nếu đem vũ trụ vào trong một bình trà là khó hiểu thì chúng ta cần đem lý duyên khởi trở về cuộc sống thực tại. Như trên đã thưa, lý duyên khởi là định luật tự nhiên thì việc áp dụng lý duyên khởi vào đời sống cũng phải tự nhiên. Người viết xin ghi lại một số áp dụng lý duyên khởi vào đời sống sau đây:
1) Con người có thể được cải thiện, phát triển tốt đẹp và thăng hoa. Theo lý duyên khởi, con người hiện tại là do nhân duyên từ quá khứ mà hình thành; nhưng không phải vì vậy mà không thay đổi. Mọi vật đều thay đổi theo lý vô thường nhưng thay đổi như thế nào thì phải theo lý duyên sinh. Nếu một người muốn phát triển tốt trong hiện tại hay trong tương lai thì con người phải thực hiện các việc thiện ngay từ hôm nay và ngay trong giờ phút hiện tại. Với lý duyên khởi, một người sống trong cảnh khó khăn vẫn không nản lòng phấn đấu, thực hiện cho bằng được những điều thiện trong cuộc sống. Ngược lại, một người sống trong cảnh giàu sang vẫn không quên tiếp tục làm thiện và kềm chế sự tham hưởng dục vọng thế gian vì biết rằng các dục vọng này sẽ có kết quả không tốt về sau.
2) Con người không thể sống đơn độc mà không liên hệ nhân quả với những người chung quanh và hoàn cảnh chung quanh. Con người tồn tại là do sự giúp đỡ của con người chung quanh, gần thì như ông bà, cha mẹ, anh em, thầy bạn, xa thì nhờ quốc gia, xã hội cung cấp đầy đủ thức ăn và tri thức. Con người tồn tại do bầu khí quyển che quanh trái đất. Chính bầu khí quyển này mà trái đất tránh được các vẫn thạch phá vỡ mặt địa cầu và cũng chính bầu khí quyển đã giữ được nước, nguyên tố tạo sự sống con người. Do vậy, lý duyên khởi đã làm cho ta biết ơn với những gì hiện có. Lý duyên khởi cũng thúc đẩy con người biết làm việc để phục vụ lại người khác. Hiểu lý duyên khởi để làm việc là một niềm vui chứ không phải là nỗi khổ.
3) Để thoát được sanh tử luân hồi, con người phải tu tập diệt trừ “Vô Minh” hay một trong các chi phần của 12 nhân duyên. Lý duyên khởi nói rằng Vô Minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh Sắc v.v. vậy chỉ cần chúng ta ngưng được một trong các chi phần này thì việc sanh tử luân hồi sẽ được chấm dứt. Nếu chúng ta không ngưng được các chi phần thì chúng ta có thể giảm thiểu sức mạnh của các chi phần để có thể sống một đời sống thiểu dục. Xin lấy ví dụ: nếu chúng ta bớt được Ái, Thủ hay Hữu trong cuộc đời này thì xã hội sẽ bớt những tệ nạn như tham nhũng, chém giết nhau vì tài sản, sắc đẹp, danh vọng v.v… Phương pháp diệt trừ “Vô Minh” không có gì khác ngoài phương pháp tu tập quán chiếu, nhận rõ được tất cả các pháp do duyên tạo thì sẽ vì duyên mà mất; từ đó thấu triệt tất cả mọi vật đều vô thường và con người là vô ngã.
4) Biết rằng con người là chủ quyết định hạnh phúc hay đau khổ, mỗi người có thể quyết định con đường hạnh phúc hay đau khổ trong kiếp sống hiện tại hay tương lai. Với lý thuyết duyên khởi, con người không chỉ ngồi than vãn “Tại sao tôi lại khổ như thế này?” mà phải tự hỏi “Mình đã tạo những nhân xấu gì trong quá khứ?”; Vì nghiệp trong quá khứ không thay đổi được nên “tôi” chỉ có thể chấp nhận chúng, sau đó hết tâm sám hối, và “chuyển nghiệp” để đạt được những gì cao đẹp hơn, hạnh phúc hơn ở ngay trong hiện tại và trong tương lai.
5) Thấy giả tướng các pháp, ra khỏi tâm ngã ái, tâm ngã kiến, con người sẽ dễ dàng vượt thoát vọng tưởng điên đảo cho rằng “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”.
6) Một trong các ứng dụng của lý duyên khởi là phương pháp thương yêu mà Ôn Nhất Hạnh đã dạy cho chúng ta. Chi phần “Ái” trong 12 nhân duyên có thể tạm gọi là Yêu trong đời sống hàng ngày. Chính xác thì yêu là gì? Yêu có phải là “chết ở trong lòng một ít “của nhà thơ Xuân Diệu, hay Yêu là “tìm thương đau” của nhạc sĩ Văn Phụng. Theo Ôn Nhất Hạnh thì “thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không chịu thấu hiểu, bạn không thể yêu thương” và yêu thương người khác có nghĩa là hoàn toàn hiểu được sự đau khổ của người ấy. Sự tương tức trong lý duyên khởi cho chúng ta thấy được sự liên hệ giữa bạn và người yêu của bạn. Ôn Nhất Hạnh viết: “Trong một mối quan hệ, nếu bạn có thể thấy bản chất của tương tức giữa bạn và người khác, bạn có thể cảm nhận nỗi đau của người ấy cũng như nỗi đau của bạn và niềm hạnh phúc của bạn cũng là niềm hạnh phúc của anh ấy”. [18] Bản chất tương tức này không chỉ thể hiện trong tình yêu nam nữ mà nó có trong tất cả các tình yêu thiêng liêng khác: hiểu và thương phải tương tức và tương nhập với nhau; có như vậy tình yêu mới là đích thực và chính điều này đã làm giảm đi cái sức mạnh của “vô minh” tương nhập vào trong cái “Ái” và các chi phần khác.
Lợi ích của lý duyên khởi
Nói đến sự ứng dụng của lý duyên khởi trong đời sống mà không nói đến những lợi ích của nó là một thiếu sót. Bài viết xin ghi lại một số lợi ích của lý duyên khởi trong đời sống.
1) Lý duyên khởi làm ta có tinh thần trách nhiệm cao với đời sống cá nhân. Lý duyên khởi xác định mỗi cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những hành động có tác ý của mình (nghiệp); do đó, đời sống khổ đau hay hạnh phúc là do con người tạo ra, mà không thể nhờ vào ân huệ của bất cứ tha lực nào.
2) Lý duyên khởi cho ta thấy “Phật tánh” bên trong. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bên trong chứ không phải bên ngoài. Cho dù trải qua nhiều kiếp luân hồi, bản tánh giác ngộ của mỗi con người không mất đi. Khi tánh giác mờ tối thì con người bị các phiền não vây hãm, khổ sở. Khi tánh giác hiện bày thì con người được giải thoát. Chính nhờ duyên khởi mà con người có thể tu tập để chân tâm ngày càng phát triển bên trong mà không tìm kiếm một “Phật tánh” bên ngoài.
3) Lý duyên khởi cho ta có niềm Tin vào Tam Bảo. Vì tin lý duyên khởi nên ta không chấp nhận số kiếp do một ai đó an bài hay điều hành. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức, nuôi lớn các thiện căn”; Có niềm tin mà không hiểu giáo lý thì dễ dàng nuôi lớn cái vô minh. Hiểu giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến (Kinh Niết Bàn). Vậy ta phải có niềm tin vào nhân quả, vào duyên sinh, nghiệp báo, vô thường v.v.. thì mới đi đúng con đường chánh pháp.
4) Lý duyên khởi giúp ta có sự tự chế. Do có trách nhiệm cá nhân và niềm tin, con người tự mình quyết định bỏ bớt các phiền não, từ đó phát triển tinh thần tự chế không tham đắm vào những cảnh vật chung quanh.
5) Lý duyên khởi giúp ta có tinh thần phân tích và phê phán đúng đắn: Quán sát Duyên khởi, nhận thấy sự khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, chấm dứt khổ đau và tìm con đường đưa đến Niết Bàn (Bát chánh đạo) v.v… đó là tinh thần phân tích. Tất cả những phân tích ấy giúp con người có cái nhìn sâu sắc về sự vật và vạn hữu của vũ trụ. Không phải chỉ có phân tích mà chúng ta cũng cần có tinh thần phê phán; tức là chúng ta phải biết hành động nào là thiện hay bất thiện, điều nào cần chấp nhận hay không chấp nhận. Tất cả sự phê phán này đều dùng lý duyên khởi làm nền tảng.
Lý Duyên Khởi và Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Vì người viết là một đoàn viên của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa-Kỳ nên nói Lý Duyên Khởi mà không nói đến Gia Đình Phật tử là một điều thiếu sót. Xin quán xét cái “nhân” thành lập Gia Đình Phật Tử để hiểu cái “quả” của việc hình thành các GĐPT tại hải ngoại. Đọc bối cảnh lịch sử và lý do thành lập GĐPT, chúng ta thấy rằng cái “nhân” thành lập GĐPT bắt nguồn từ tinh thần giáo dục tuổi trẻ từ những năm 1940. Nếu sự chấn hưng Phật Giáo là tiền đề cho sự hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì sự giáo dục tuổi trẻ là tiền đề của sự hình thành GĐPT Việt Nam. Đọc lại mục đích của Đoàn Phật Học Đức Dục:
“Tập họp đội ngũ thanh niên, trí thức lại, nghiên cứu Phật Giáo với tinh thần mới, có tính chất tổng hợp và so sánh. Đồng thời cũng nhận định tư tưởng Phật giáo, dưới ảnh hưởng của nền khoa học và tư tưởng hiện đại. Mở cửa lớp học Triết học so sánh, nghiên cứu 3 tôn giáo: Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, dành cho các thanh niên tân học. Dùng những hình thức phổ biến: báo chí, sách truyện, tiến đến việc thành lập các đoàn thể thanh niên Phật Giáo” [16]
để từ đó ta thấy được sự hình thành các lớp Phật học và sự khai sinh của Gia Đình Phật Hóa Phổ với mục đích là “Đào tạo những Phật tử chân chính và xây dựng hạnh phúc trên nền luân lý Phật Giáo” (Mùa Sen Mới – Huế 1949 tang 82). Ngay chính bản thân của người thành lập là Bác Sĩ Lê Đình Thám đã có những thiện duyên sâu đậm với Phật Giáo. Thật vậy, khi Bác Sĩ đọc được bài kệ nổi tiếng của Tổ Huệ Năng dán trên vách chùa Non Nước thì Bác Sĩ bắt đầu có duyên với Phật pháp và khi hạt giống bồ đề chín muồi thì vào năm 1928, Bác Sĩ đã quy y Tam Bảo với Pháp Danh là Tâm Minh. Là một cư sĩ, Bác Sĩ Tâm Minh đã thông suốt tôn chỉ của Phật Giáo, các phương pháp thuyết giảng Phật Giáo. Bác Sĩ đã đứng ra thành lập các Phật Học Viện tại Huế và là vị giảng sư chính trong các Phật Học Viện này.
Có cái “nhân” tốt hình thành GĐPT, đồng thời cũng có các thuận “duyên” từ quý thầy, quý anh chị huynh-trưởng tiền bối hữu công, nên các đơn vị Phật Hóa Phổ liên tục phát triển để cuối cùng hình thành một hội nghị huynh trưởng năm 1951 với danh xưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam [16]. Cũng trong năm này, hội nghị Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam đã diễn ra tại chùa Từ Đàm, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của việc chấn hưng Phật Giáo.
Thành lập GĐPT Việt Nam là một điều khó mà giữ được cái tinh thần giáo dục ban đầu là một điều khó hơn. Sở dĩ GĐPT Việt Nam vẫn tồn tại cho đến hôm nay là vì các huynh trưởng mang trong người lý tưởng cao đẹp và tinh thần dấn thân không mệt mỏi vì đàn em thân thương. Dẫu cho ra đi ngàn dặm qua đất nước Hoa-Kỳ, các huynh trưởng GĐPT Việt Nam luôn nuôi dưỡng trong tim cái lý tưởng phục vụ để từ đó dấn thân thành lập các Gia Đình Phật Tử đầu tiên tại Hoa-kỳ như GĐPT Cựu Kim Sơn, GĐPT Long Hoa, GĐPT Kim Quang v.v… Cái lý tưởng phục vụ cho đàn em quả là một lý tưởng cao đẹp. Ngoài Việt Nam, hiện nay các đơn vị GĐPT Việt Nam đã có mặt khắp nơi trên đất nước Hoa-Kỳ, tại Úc Châu và Âu Châu.
Với một “nhân duyên” tốt đẹp để hình thành và phát triển GĐPT Việt Nam tại Hoa-Kỳ, người huynh-trưởng GĐPT Việt Nam cần thấy rõ các sự “sinh, trụ, hoại, diệt”, sự vô thường của thế gian: phải thấy rằng có các đơn vị tồn tại, có các đơn vị sẽ bị mai một. Mai một vì không có huynh-trưởng và mai-một vì không có đoàn sinh. Huynh-trưởng và đoàn sinh có thể coi là cặp đôi duyên khởi: “Cái này có thì cái kia có. Cái kia diệt thì cái này diệt”. Nếu đoàn sinh thay đổi mà huynh-trưởng không thay đổi hay ngược lại thì cặp đôi này sẽ không cùng tồn tại. Thay đổi để tồn tại. Làm mới để thích hợp với sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội. Người huynh-trưởng cần nghiên cứu, tìm hiểu tất cả các nhân duyên để làm sao phát triển đơn vị và thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình.
Kết Luận
Trong quyển Trái Tim của Bụt, thiền sư Nhất Hạnh viết “Duyên khởi là căn bản của Chánh Kiến”[10] và người có nhấn mạnh “Tất cả giáo lý của đạo Bụt đều lấy duyên khởi làm nền tảng”. Do đó giáo lý duyên khởi cần phải được học hỏi sâu sắc và đem thực tập trong cuộc sống hàng ngày. Học giáo lý duyên khởi trước hết ta nên biết lý duyên khởi là gì và các khái niệm về lý duyên khởi. Sau đó ta đem lý thuyết này giải thích các hiện tượng chung quanh như đời sống của trái đất, của vũ trụ và của con người.
Ta cũng có thể tìm thấy lý duyên khởi trong Tứ Diệu Đế, trong 12 nhân duyên, trong sự tương tức tương nhập của giáo lý Hoa-Nghiêm. Từ những khái niệm của lý duyên khởi, ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi “tại sao cuộc sống ta lại như vầy?”. Một hệ luận rất quan trọng của lý duyên khởi là luật nhân quả. Luật nhân quả đã hòa nhập trong văn hóa Việt Nam, nhắc nhở con người nên làm lành tránh dữ. Năm 1967, Sa Môn Thích Thiện Hoa đã biên soạn và phổ biến tập chuyện “Bài Học Ngàn Vàng”, trước là răn dạy các chú tiểu đã phạm giới uống la-ve trong các ngày Tết, sau là phổ biến cho quý Phật tử để áp dụng “Bài Học Ngàn Vàng” vào công việc hàng ngày. Thử hỏi ngày nay có ai chịu bỏ một ngàn lượng vàng để mua bài học vô giá này không? Xin thưa là ngày xưa chỉ có Vua Đột Quyết đủ ngân lượng để mua bài học này. Sau khi đọc “Bài Học Ngàn Vàng”, nhà vua bực tức nói rằng: “Ta là thiên tử, ta muốn là trời muốn. Ta hô một tiếng là có thể dời sông và lấp biển. Ta đâu cần nghĩ đến hậu quả làm gì? Ta muốn hậu quả như thế nào, thì hậu quả phải như thế ấy!”. Rất may là nhà Vua đã không xé bài học ngàn vàng này và kết cuộc ra sao thì xin quý độc giả tìm đọc truyện “Bài Học Ngàn Vàng” của Sa Môn Thiện Hoa. Bài viết xin được kết thúc với một câu trong “Bài Học Ngàn Vàng”: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỷ đến hậu quả của nó”, và một lời nhắn nhủ chân thành của ông lão bán bài học này: “Bài học nào cũng vậy, có áp dụng mới biết hay hoặc dở”. [17]. Xin quý đọc giả đừng bỏ 2 câu này trong tủ kính và hãy dán lên tường để mỗi ngày suy ngẫm về chúng. Mong lắm thay!
Nguồn:Facebook Vạn Hạnh I
____________________________________
Tài Liệu Tham Khảo
Khái quát về Lý Duyên Khởi, Pháp Duyên Sinh – Thích Nữ Hằng Như | https://thuvienhoasen.org/…/khai-quat-ve-ly-duyen-khoi…
Lý Duyên Khởi và tính nhất quán trong giáo lý nhà Phật | http://thuongchieu.net/index.php/phaplu/3886-lyduyenkhoi
Phật Học Cơ Bản – Tập 4, Bài 1: Giáo Lý Duyên Khởi | https://thuvienhoasen.org/a11701/bai-1-giao-ly-duyen-khoi
Chẳng phải nhân duyên – chẳng phải tự nhiên | https://thuvienhoasen.org/…/chang-phai-nhan-duyen-chang…
Con người và Vũ Trụ – Trần Chung Ngọc
Từ Nghiệp cảm duyên khởi đến pháp giới duyên khởi | https://thuvienhoasen.org/…/tu-nghiep-cam-duyen-khoi…
Thuyết nhân quả – Thích Thông Tuệ | http://www.daophatngaynay.com/…/8549-Thuyet-nhan-qua.html
Khái niệm về Nghiệp trong Phật Giáo | https://thuvienhoasen.org/…/khai-niem-ve-nghiep-trong…
Tìm hiểu về Luật Nhân Quả trong Phật Giáo | https://hoasenphat.com/…/luat-nhan-qua-trong-phat-giao…
Trái tim của Bụt – Thích Nhất Hạnh
Hòa Hợp và Tương Tức Trong Phật Giáo | https://thuvienhoasen.org/…/hoa-hop-va-tuong-tuc-trong…
Phật Học Thường Thức: Thập Nhị Nhân Duyên – Tâm Minh Lê Đình Thám | https://thuvienhoasen.org/a7793/thap-nhi-nhan-duyen
Duy Biểu Học, Bài tụng 13: Tương tức tương nhập – Thích Nhất Hạnh | https://langmai.org/…/bai-tung-13-tuong-tuc-tuong-nhap/
Trái tim mặt trời – Chương 44: Tương Tức và Tương Nhập – Thích Nhất Hạnh | http://kilopad.com/…/chuong-44-tuong-tuc-va-tuong-nhap…
Vòng luân hồi – Thích Nữ Giới Hương | http://www.daophatngaynay.com/…/5652-66-Vong-Luan-Hoi.html
Gia Đình Phật Tử Việt Nam – 50 Năm Xây Dựng, do Ban Điều Hợp Trung Ương GĐPTVN Hải Ngoại xuất bản.
Bài Học Ngàn Vàng – Sa Môn Thích Thiện Hoa | https://hoavouu.com/p44a8752/bai-hoc-ngan-vang
How to love – Thích Nhất Hạnh | https://www.formyoursoul.com/thien-su-thich-nhat-hanh-va…/