
Huynh trưởng Tịnh Nhân Lê Quốc Kỳ đang nhận chứng chỉ trúng cách
từ Sư Cô Thích Nữ Phổ Châu | Ảnh: Facebook Vạn Hạnh I
Đề tài Đạo Phật và Tuổi Trẻ Ngày Nay, có lẽ đã được nhiều vị tăng ni, các học giả, các trí thức Phật giáo trên thế giới viết nên bài của tôi không có gì mới lạ. Nhưng tại sao tôi lại viết đề tài này? Theo tôi, mỗi người có một hoàn cảnh sống khác nhau, những giai đoạn lịch sử khác nhau, đối diện với những khổ đau, hạnh phúc khác nhau cho nên nhận diện có thể khác nhau và đến với đạo Phật trong những hoàn cảnh khác nhau.
Tôi được sinh ra tại quê hương Việt Nam và may mắn được định cư tại Hoa Kỳ lúc 13 tuổi theo chương trình vượt biển. Sau khi định cư tại tiểu bang Colorado, tôi thường đi chùa vào mỗi Chủ Nhật để tụng kinh và học giáo lý của Như Lai. Tôi đã từng sinh hoạt với những ngôi chùa như chùa Từ Phong CO, chùa An Bằng CO và sinh hoạt với GĐPT Bồ Đề LA, Long Hoa/Huệ Quang CA và Viên Giác nay đổi thành Viên Minh OK trong suốt gần 35 năm qua.
NHẬN ĐỊNH ĐẠO PHẬT
Tôi lớn lên trong gia đình theo đạo Phật. Trước đây vì chưa hiểu biết nhiều về đạo Phật, ở nhà chỉ thờ tổ tiên huyết thống, sau này mới có bàn thờ Phật. Ba mẹ tôi thường đi chùa vào những ngày rằm, 30, mồng 1 của mỗi tháng. Tôi học tiểu học tại chùa nên việc đến chùa cũng rất thường xuyên; nhưng chưa gọi một tín đồ Phật giáo hoặc là một Phật tử hiểu theo đúng nghĩa ngày nay vì chưa bao giờ thọ nhận Tam Quy và Ngũ Giới. Như vậy tôi đã có dịp gieo duyên với Phật pháp từ lúc 9 tuổi tại Việt Nam.
Vào năm 1982 lúc tôi 12 tuổi, Ba đưa tôi lên ghe để đi vượt biển tìm tự do. Tôi nhớ vào buổi cơm tối trước khi đi vượt biển, mẹ tôi căn dặn tôi và nói! “Con sang bên đó nhớ cố gắng học nhe.” Tôi liền trả lời “Dạ!” cho mau để sớm được đi ngủ biển. Từ lời hứa nôm na hôm đó đã giúp tôi bước đi trong cuộc đời. Từ Việt Nam sang Hồng Kông, chuyến đi không có người thân bên cạnh. Có nhiều đêm sống trên biển cả vừa đói khổ, vừa nhớ gia đình, vừa nghe tiếng sóng rì rào làm cho tôi cô đơn hiu quạnh và không biết sống chết ra sao. Đây là lần đầu tiên tôi thấu hiểu câu “màn trời chiếu đất”. Sau vài tháng ở Hồng Kông thì cuộc sống tỵ nạn cũng được ổn định. Năm 1983, tôi được người chị cả bảo lãnh sang định cư tại Denver, Colorado Hoa Kỳ và hai chị em sống đùm bọc lẫn nhau trong lúc xa gia đình. Từ khi sang định cư với cuộc sống mới, tôi chẳng biết nhiều về Phật pháp là gì? Tôi không nhớ do nhân duyên gì thúc đẩy tôi cùng vài đứa bạn cùng quê mỗi Chủ Nhật thường xuyên đi chùa Từ Phong rất xa gần 2 tiếng lái xe. Tôi nhận thấy rằng gần gũi với bạn bè cùng lứa tuổi và nuôi dưỡng nếp sống tâm linh về đạo đức trong lúc xa gia đình và quê hương là những điều tốt. Sau một thời gian hết sức kiên nhẫn, một số người đồng quê thành lập ngôi chùa An Bằng tại thành phố Denver, CO nên việc đi chùa tiện hơn.
Tôi được khai mở trí tuệ đầu tiên do bài pháp thoại của Hòa Thượng Thích Mãn Giác tại chùa An Bằng ở Denver, CO mà thầy đã từ California về An Vị Phật và Truyền Giới cho tôi và nhiều Phật tử khác vào năm 1984. Hơn một năm sau tôi chuyển về New Orleans, LA để đi học. Lúc đó Phật pháp của tôi cũng còn non nớt cho đến tháng 7/1988, tôi được Ban Huynh Trưởng GĐPT Bồ Đề gửi đi trại Huấn Luyện Lộc Uyển tổ chức tại Tổ Đình Từ Đàm, Irving TX. Sau đó tôi mới thấm nhuần thêm Phật pháp và đường lối sinh hoạt GĐPT.
Lại một lần nữa, tôi rời Louisiana qua California để đi học. Sau một thời gian ổn định cuộc sống, tôi lái xe đi đến chùa Việt Nam, Los Angeles và từ đó tôi gặp được bác Nguyên Hạnh, anh Tâm Nghĩa và cùng quý anh chị huynh trưởng khác trong GĐPT Long Hoa. Tôi sắp xếp việc học hành và cố gắng đi sinh hoạt và học hỏi được nhiều điều mới lạ. Thời gian này, tôi rất hân hạnh được gần gũi với Thầy Bổn Sư và được Ôn thương và chỉ dẫn.
Trong 4 năm gần đây, tôi có cơ hội ghi danh học bậc Lực và nhận thấy Kinh, Luật và Luận của Phật giáo rất nhiều và thâm sâu, có thể nói học cả đời cũng không hết. Tôi cảm nhận được Phật pháp rất cao siêu mầu nhiệm, là một người huynh trưởng cần phải tu học và hành trì khi đó mới nắm vững thêm cốt lõi của đạo Phật để đi trọn cuộc đời.
Bài học mà Thầy Bổn Sư đã dạy cho tôi lúc còn tuổi sinh viên để đứng vững trong tuổi niên thiếu đó là bài học Bát Chánh Đạo trong đạo Phật mãi đến ngày hôm nay và mai sau tôi vẫn tiếp tục thực hành như một hành trang cho cuộc sống. Vậy tôi xin chia sẻ với các bạn trẻ để lấy đó làm kim chỉ nam cho chính mình. Bát Chánh Đạo là phương pháp chân chánh để đưa con người đến sự an vui hạnh phúc trong cuộc sống. Những yếu tố trong Bát Chánh Đạo bao trùm mọi phương diện trong cuộc sống: trí thức, đạo đức, xã hội, kinh tế, tâm lý v.v…; do đó, bao gồm mọi điều mà con người cần để có một đời sống tốt đẹp và phát triển tâm linh. Bát Chánh Đạo gồm có: Chánh Mạng – Trân quý mạng sống của chính mình, Chánh Nghiệp – Trân quý nghề nghiệp đáng để sinh sống, Chánh Kiến – Trân quý ý kiến một cách chân chánh, Chánh Tư Duy – Suy nghĩ một cách chân chánh, Chánh Ngữ – Lời nói và hành động một cách chân chánh, Chánh Tinh Tấn – Cố gắng một cách chân chánh, Chánh Niệm – Nghĩ tới những gì một cách chân chánh và Chánh Định – Tập trung tư tưởng một cách chân chánh. Bát Chánh Đạo còn gọi là Bát Thánh Đạo, Trung Đạo, là cách sống, giúp chúng ta tiến bước trên con đường tu tập, học vấn, tiến thân, sự nghiệp và hạnh phúc trong đời sống hằng ngày.
Đức Phật đã tìm ra con đường giải thoát, và Ngài chỉ dạy, hướng dẫn và khuyên răn chúng ta trở về con đường đó. Đức Phật còn dạy rằng tri thức và trí tuệ là hai chìa khóa trọng yếu. Chúng ta phải tự mình nỗ lực tiến bước trên con đường đó. Con người có khả năng cải thiện cho đời sống của chính mình, có thể đạt đến mục đích tối hậu qua các cố gắng tinh tấn của chính mình. Hãy nên áp dụng Bát Chánh Đạo trong đời để có một cuộc sống an vui, đầy ý nghĩa và có thể nói là cao thượng vì Như Lai suốt đời chỉ giảng dạy việc giúp đỡ người khác và không làm tổn hại đến người.
NHẬN ĐỊNH TUỔI TRẺ
Khi nói đến tuổi trẻ, người ta thường nói đến tuổi thanh thiếu niên. Vì hình ảnh thanh thiếu niên tượng trưng cho sự tươi mát, sức sống và đầy hy vọng. Có thể nói những người Việt Nam đang sống tại Mỹ có 3 thế hệ: thế hệ trước Chiến Tranh, thế hệ Chiến Tranh và thế hệ sau Chiến Tranh. Thế hệ sinh sau Chiến tranh là một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam hiện nay cần lưu tâm. Thống kê Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau) năm 2010 thì có 1,548,449 người Việt sống tại Mỹ. Trong số đó có 79.8% qua Mỹ sau năm 1980 gồm đến 67% tuổi dưới 30 là thuộc về thế hệ tuổi trẻ sinh sau 1975. Với độ tuổi đó, cộng đồng người Việt được xem là một sắc dân trẻ nhất trong số những nhóm chủng tộc tại Hoa Kỳ. Tôi cũng có thể nói là một trong những người trẻ được trưởng thành ở Mỹ. Trong quá trình sống với xã hội mới, sinh hoạt với tuổi trẻ trong GĐPT, tôi nhận thấy tuổi trẻ bị nhiều ảnh hưởng tùy theo môi trường của xã hội đang sống, hoàn cảnh, phương cách giáo dục, v.v…
Các Nguồn Ảnh Hưởng của Tuổi Trẻ Việt Nam tại Hải Ngoại:
Ảnh Hưởng của Môi Trường Xã Hội:
Ở Việt Nam, phần đông dân chúng làm nghề nông nghiệp; không có kỹ nghệ nên cuộc sống giản dị, nghèo vật chất, và thiếu sự giáo dục vì không có cơ hội đi học. Phần đông, tuổi trẻ lớn lên với những hình thức lý thuyết và lễ nghi. Tôi nhớ đi chùa vào ngày rằm, 30 và mùng một trong mỗi tháng thường chỉ có những buổi tụng kinh, thắp nhang và lễ sám. Nói về Gia Đình Phật Tử thì số đoàn sinh trẻ tuổi tham gia rất đông, nhưng môi trường sinh hoạt vẫn còn trong khuôn khổ. Vì vậy, tuy có phát triển nhưng rất giới hạn.
Ngày nay sự phát triển khoa học kỹ thuật đi rất nhanh so với phát triển tâm linh. Ở Mỹ, đời sống vật chất quá đầy đủ, kỹ nghệ và khoa học kỹ thuật đã giáo dục tuổi trẻ thành những con người yêu mến thực dụng, phấn đấu đạt tới những giá trị vật chất để phục vụ các tiện nghi đời sống. Do vậy, thời gian rất eo hẹp khiến con người như một bộ máy chạy liên tục. Đạo Phật tuyệt đối tôn trọng tự do, phát huy tinh thần tự nguyện và nêu cao tinh thần tự giác. Do đó, tuổi trẻ ít có cơ hội tiếp cận với Phật giáo. Trong lúc đó, đạo Phật lại dựa trên Phật tánh, nội tâm của mỗi con người để tự thắng mình. Tinh thần của tuổi trẻ đang trên đường tìm tòi và khai phá tương lai, có được mấy người dừng lại đi tìm con đường tâm linh cho chính mình. Vì vậy, tuổi trẻ bị ảnh hưởng vào xã hội mới rất nhiều nên không được phát triển mạnh trong một nếp sống tâm linh.
Ảnh Hưởng của Hoàn Cảnh và Phương Pháp Giáo Dục:
Mỗi tuổi trẻ có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Mỗi thập niên cũng có mỗi cách sống khác nhau do thời gian, đời sống và kỹ thuật như điện tử, điện toán, games, internet, smartphone phát triển quá nhanh. Tuổi trẻ ngày nay cần có sự giáo dục về đời sống tinh thần lẫn đời sống vật chất khi đó mới thật sự thành đạt trong xã hội này. Phật giáo định nghĩa là trong cái này có cái kia và trong cái kia có cái này. Con người không thể lớn khôn bằng vật chất được, mà phải có sự lớn mạnh của tinh thần nữa. Cho nên đời sống vật chất và tinh thần không thể tồn tại riêng biệt được. Trong hai phạm vi này, giáo dục đứng một vị trí rất quan trọng. Giáo dục nghĩa là chỉ dạy và mong người đó trở thành người hữu dụng cho đời, cho đạo, và cho xã hội. Giáo dục luôn thay đổi theo không gian, thời gian, và niềm tin của mỗi con người. Riêng trong Phật giáo, mục đích tối hậu vẫn là “Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn.” Nói cách khác là tự mình tìm ra chân lý, giúp người thấy được chân lý, và tất cả đều giác ngộ và giải thoát. Truyền thống giáo dục của Phật giáo mang một ý nghĩa rất cao thượng, một quá trình chuyển hóa nội tâm của con người được đặt trên nền tảng cứu cánh của một nền giáo dục toàn diện mà đạo Phật luôn đề cao đến.
Có nhiều loại giáo dục, nhưng ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến vài giáo dục có liên quan đến với tuổi trẻ Việt Nam đang sinh sống và lớn lên tại Hoa Kỳ ngày nay.
Ở Mỹ, người học trò không những chỉ học cái của Thầy chỉ dạy mà còn phát triển thêm phần năng khiếu của mình qua các trò chơi games, computer hay internet v.v… tầm hiểu biết của trẻ em ngày – nay tiến rất xa; nghĩa là trong vòng 20 đến 30 năm mọi hoàn cảnh đều đổi thay. Hoàn cảnh và môi trường chung quanh đã giúp phát triển thuận chiều như thế. Thầy giáo hay cha mẹ rất thân thiện và tự tin đứa trẻ. Các em trẻ xem thầy cô hoặc cha mẹ như một người bạn chứ không phải là một vị thần mà phải lo sợ khi vào lớp hoặc về nhà. Trong lúc đó, thầy cô dạy cho các em tự tin hơn, các em sử dụng hết năng khiếu của mình và tự chủ khi học; vì được huấn luyện từ nhỏ nên rất tự nhiên.
Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục đã có mặt hơn 40 năm tại Hoa Kỳ. Muốn được như vậy, người huynh trưởng nên có nhiều thời gian với các em trong lúc sinh hoạt. Ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh cũng đóng một vai trò quan trọng trong lúc đến với các em. Khi đó các em mới cảm nhận được tình thương của quý anh chị và đến sinh hoạt thường xuyên hơn. Nếu anh chị vẫn còn sinh hoạt trong khuôn khổ như ở Việt Nam trước đây tuy có hiệu quả nhưng không nhiều. Vấn đề giáo dục cho thanh thiếu niên trong Gia Đình Phật Tử cũng phải cần được cập nhật hoá lại theo hoàn cảnh và qua sự đóng góp của các huynh trưởng đã qua các đại học sư phạm hoặc giáo dục tại Mỹ hiện nay. Nếu không, sự phát triển rất hạn hẹp.
Ở Mỹ, người mẹ thể hiện sự thương con khi nào con khóc bằng cách để cho bé tự khóc và tự nín. Theo tâm lý, điều này rất hay vì tập cho đứa bé thế tự chủ. Ở Việt Nam, người cha khi thấy con mình té điều trước tiên là chạy lại đỡ hoặc la con liền; làm như vậy đứa bé sợ, buồn và khóc lớn thêm; nhưng ở Mỹ lại khác, khi thấy con mình té hãy để cho đứa bé tự đứng dậy để làm quen với tánh tự lập cho cuộc đời sau này.
Trong Gia Đình Phật Tử, phần đông Huynh Trưởng không tốt nghiệp về tâm lý học của tuổi trẻ và quần chúng nên chỉ làm theo những gì cổ xưa di chuyền lại trong sách vở hoặc theo kinh nghiệm sống, chứ không có nhiều sáng kiến mới lạ. Như hiến pháp của một đất nước còn có thể sửa đổi được; tuy nhiên có nhiều anh chị cứ giữ cái cũ không chịu thay đổi phương pháp giáo dục để hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Gia Đình Phật Tử cần có kỷ cương nhưng không cần phải giống như quân đội vì trong tổ chức phải có lòng Từ Bi khi đó các em mới đến sinh hoạt lâu dài được. Vì nơi tự thân của các em, tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức phải tự do hơn, cởi mở hơn và cần có những anh chị có kinh nghiệm hướng dẫn về tâm lý. Người dạy nên có thời gian chuẩn bị bài vở kỹ lưỡng trước khi hướng dẫn khi đó các em mới hấp thụ một cách dễ dàng. Tuy Gia Đình Phật Tử Việt Nam có các cấp như Sơ Cấp, Tập, Tín, Tấn và Dũng để định cho kết quả của mình qua các bậc và trại huấn luyện; nhưng thế hệ trẻ ngày nay đòi hỏi người huynh trưởng phải trải qua sự huấn luyện về giáo dục để hội nhập với đời sống và văn hoá mới tại hải ngoại. Khi đó mới có thể hướng dẫn các thế hệ đi sau, làm cho tuổi trẻ tin tưởng và vui thú đến sinh hoạt. Vì vậy phương pháp giáo dục của Gia Đình Phật Tử cũng cần phải nghiên cứu lại để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Ảnh Hưởng của Cơ Sở Sinh Hoạt:
Khí hậu ở Việt Nam không cần nhiều cơ sở phòng ốc cho các em đến sinh hoạt, vì các em có thể học ở dưới những gốc cây mát. Nhưng ở Mỹ xứ nóng lạnh bất thường thì phải cần có máy lạnh sưởi ấm đòi hỏi tiện nghi phòng ốc, chứ không phụ huynh chẳng dám đưa con em đến sinh hoạt. Đây cũng là nhu cầu của Gia Đình Phật Tử cho các thế hệ trẻ ngày nay tại hải ngoại cần phải lưu tâm đến. Trong các sinh hoạt của chùa và tu viện, vấn đề cơ sở và tài chánh chi phí cho thế hệ trẻ rất hiếm hoi.
Ảnh Hưởng của Sinh Hoạt Tập Thể:
Khi đến sinh hoạt Đoàn vẫn cứ nói chuyện riêng, gây nên nhiều phiền hà cho những người bên cạnh, chính mình đã không được lợi ích gì, mà người khác cũng bị ảnh hưởng theo. Chúng ta thường có thói quen ít tôn trọng thời gian và luôn đi trễ trong các buổi tiệc và buổi lễ dù biết thời gian đã được ấn định. Việc này cũng đã làm nhiều cản trở cho việc tổ chức đúng theo chương trình. Khi vào nơi trang nghiêm đôi khi lại cười giỡn, nói chuyện lớn, không chú tâm, chú trọng, v.v… Đây là một lối giáo dục tập thể khó khăn vô cùng. Một người không thể tạo nên một cảnh giới thanh tịnh được, mà mọi người cùng phải tự tạo nên hoàn cảnh tốt thì hoàn cảnh mới đổi thay.
Ảnh Hưởng của Sự Tu Tập và Thực Hành:
Mục đích cốt lõi của đạo Phật là sự giải thoát, mà muốn giải thoát thì phải có tu tập và thực hành. Chúng ta phải tự trang nghiêm cho mình bằng lời nói và hành động, chứ không phải chỉ lý thuyết mà không thực hành. Sự học không thể làm cho con người tự giải thoát được; mà muốn giải thoát thì không thể thiếu sự tu học được. Tu học cũng giống như một dòng nước chảy ra biển. Do vậy, người huynh trưởng phải tự trang bị cho chính mình một sự tu học chín chắn để phục vụ cho lý tưởng, đồng thời mỗi chúng ta phải có những kiến thức để lôi kéo tuổi trẻ đến tu tập. Người huynh trưởng cần hòa nhập với các khoá tu của Chùa, Tu Viện và các Giáo Hội khác để tu tập, chứ không phải chỉ giữ nội dung huấn luyện mà không có một sự thay đổi nào đối với sự tiến bộ của cuộc sống. Ngày nay người ngoại quốc tìm hiểu Phật Giáo rất nhiều, nhất là Tăng Thân làng Mai của Sư Ông Nhất Hạnh và các đoàn thể Phật giáo khác. Họ biết rằng chỉ có giáo lý của đức Phật mới có thể giúp họ ra khỏi những giáo điều của các tôn giáo khác. Nhà bác học Albert Einstein đã nói: “Một tôn giáo trong tương lai thích hợp và hướng dẫn cho khoa học, không tôn giáo nào khác hơn là Phật Giáo.“ Muốn mang chuông đi đánh xứ người, thì tiếng chuông ấy phải vang vọng vào lòng người, chứ không thể nhất định là đạo và đời hai ngã khác nhau được. Muốn như vậy người huynh trưởng không những biết tiếng mẹ đẻ mà phải rành ngoại ngữ và phải tu học nghiêm chỉnh thì mới có thể trả lời thông suốt những câu hỏi tuổi trẻ đặt ra.
KẾT LUẬN
Tiêu đích của đạo Phật giúp chúng sanh chuyển hóa khổ đau để đạt được Niết Bàn. Muốn được chuyển hóa, mỗi người con Phật, dù là Huynh trưởng hay đoàn sinh, xuất gia hay tại gia, nam hay nữ, già hay trẻ, trong tổ chức GĐPT hay không đều phải tu học, hành trì và áp dụng những lời Phật dạy một cách nghiêm chỉnh để chuyển hóa bản thân và những người xung quanh; trau dồi Giới, Định, Tuệ. Có thể nói Tam Vô Lậu Học là rường cột để con người thực hành để tiến đến Chân, Thiện, Mỹ. Muốn đạt được tiêu đích nói trên, giáo dục Phật Giáo được nằm trên ba phương diện: Thân giáo, Khẩu giáo và Ý giáo – Chánh niệm trong từng lời nói, hành động và tư tưởng. Như vậy sẽ giúp tâm trí chúng ta lành mạnh để có đủ năng lực tiến đến giác ngộ giải thoát. Giáo dục Phật giáo cũng giúp con người có những kiến thức, kỹ năng sống để vượt khỏi vô minh và đạt được trí tuệ. Giáo dục Phật giáo chú trọng về Tu Tập và Thực Hành. Mỗi người tự chính mình thắp đuốc lên mà đi…
Tổ chức GĐPT có khả năng giúp được tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại đối diện với những ảnh hưởng tác động của văn hóa, môi trường xã hội, và ngôn ngữ. Việc này đòi hỏi tổ chức cần có một tầm nhìn rộng lớn, và chấp nhận một cách tự nhiên của môi trường mới, đồng thời dung hòa với môi trường Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cần phải làm trọn trách nhiệm và chức năng của người huynh trưởng trong mọi hoàn cảnh được cho phép. Từ ý thức vai trò, bổn phận và trách nhiệm của người huynh trưởng, anh chị thực hành chánh niệm sẽ tự nhiên lan tỏa năng lực, trí tuệ, và từ bi hầu hướng dẫn cho đàn em ngày càng vững mạnh. Chúng ta có thế hệ cao niên (quá khứ), trung niên (hiện tại) và thiếu niên (tương lai). Ba thế hệ này cần phải đoàn kết làm việc với nhau để cùng chung xây dựng nhịp cầu. Thế hệ tương lai phải do thế hệ hiện tại tiếp tục, chứ thế hệ quá khứ không thể nào vượt qua thế hệ hiện tại nối kết với thế hệ tương lai được. Nếu cố gắng cũng sẽ bị hụt hẫng gặp khó khăn vì mỗi một con người chỉ có khả năng và thời gian làm được một số công việc nhất định mà thôi.
Mục đích tối hậu của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng Niên trở thành những Phật Tử chân chánh để góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Qua các chương trình tu học, các huấn luyện và sinh hoạt của GĐPT đều theo tinh thần giáo dục: Dạy dỗ và nuôi dưỡng các em qua nhiều giai đoạn, dần dần trở thành người Phật tử chân chánh. Người Phật tử chân chánh là có đầy đủ bổn phận và trách nhiệm trong gia đình; là người công dân tốt trong xã hội; là người biết áp dụng những lời Phật dạy đem sự an lạc vào đời sống; là người hộ trì Tam Bảo trong hoàn cảnh cho phép.
Vậy đạo Phật và GĐPT thể hiện được mục đích giáo dục và hướng dẫn tuổi trẻ ngày nay thành người hữu dụng cho bản thân, gia đình và xã hội.