
Tâm Chánh Đạo Ngô Văn Thi (trái) | Ảnh: Vạn Hạnh I, BHDTƯGĐPTVN-HK
Ý Nghĩa Giáo Dục
Xã hội hiện đại khác xa với xã hội ngày xưa. Ngày nay, xã hội phát triển rất nhanh, mọi lãnh vực khoa học kỹ thuật là động lực chính cho sự phát triển, đều tựu trung trong lãnh vực giáo dục. Trong ý nghĩa tổng thể, giáo dục là truyền thừa kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn, và hướng dẫn tư tưởng tình cảm nếp sống cho người được tiếp nhận nhằm phát triển theo chiều hướng tốt đẹp nhưng giáo dục phải mang tính chất sáng tạo và tiến bộ. Giáo dục Phật giáo khác với giáo dục dân gian (các trường). Ở xã hội, việc giáo dục nhằm mục đích đào tạo những chuyên viên, nhà khoa học … Còn giáo dục Phật giáo hiện đại cho Gia Đình Phật Tử cần trang bị cho các thanh thiếu đồng niên Phật tử biết hiếu nghĩa, biết nhân quả, đặt trọng tâm đạo đức, có chất liệu từ bi, có cái nhìn chân thực để hướng đến con đường an lành hạnh phúc, đồng thời dễ dàng hòa nhập với sự phát triển của xã hội và trở thành những con người hữu ích.
Lâu nay trong chương trình giáo dục của Gia Đình Phật Tử cũng chưa được phân định rõ ràng và khi nói đến giáo dục thì mọi người đều liên tưởng đến chương trình hướng dẫn Việt Ngữ cho con em của người Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ duy trì tiếng Việt và giữ lại một phần nào văn hóa Việt Nam. Khi nói về giáo dục, ý nghĩ nổi bật là sự truyền thụ, huấn luyện và đào tạo thanh thiếu đồng niên Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện diện trên đất nước Hoa Kỳ trên 40 năm. Trải qua rất nhiều khóa huấn luyện từ sơ cấp đến Huyền Trang, chỉ cần đếm con số thì cũng thấy khá đông nhưng đến bây giờ chúng ta thử nhìn lại còn được bao nhiêu người tiếp tục sinh hoạt. Những người ra đi từng là đoàn sinh hoặc huynh trưởng xuất sắc một thời nhưng thời gian trôi qua đã không còn hiện diện trong tổ chức Gia Đình Phật Tử nữa. Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi vì sao và tìm phương pháp cải tiến chưa?
Chúng ta cố gắng duy trì truyền thống sẵn có kể từ thời kỳ thành lập Gia Đình Phật Tử mà quên đi sự thay đổi và phát triển của xã hội ngày nay theo không gian và thời gian. Điều tất yếu, mục tiêu giáo dục phải dựa vào sắc thái của từng địa phương, đất nước và thời đại. Giáo dục bao gồm nhiều trình độ và hoàn cảnh khác nhau vì vậy cách hướng dẫn các em tại Hoa Kỳ có nhiều phần khác biệt hơn những em sống tại Việt Nam hiện nay.
- Sự Khác Biệt Giữa Nền Giáo Dục Gia Đình Phật Tử Tại Quốc Nội Và Hải Ngoại
- Tại Quê Nhà
– Tất cả mọi người trong tổ chức Gia Đình Phật Tử đều dùng một ngôn ngữ (tiếng Việt) trong mọi lãnh vực sinh hoạt, huấn luyện, học tập và tu học.
– Hầu hết đoàn sinh có đầy đủ thời gian tham gia, có thể tham gia nhiều ngày trong tuần dễ dàng không trở ngại. Điều này tạo cho các chương trình tu học, huấn luyện sinh hoạt đạt nhiều kết quả.
Tại Hải Ngoại
– Đoàn sinh lớn lên trong môi trường ở hải ngoại từ văn hóa, sinh hoạt, và ngôn ngữ đều khác nhau (gia đình, xã hội, học đường).
– Đa số các đoàn sinh đến những năm lớp 11, 12 hay đại học, việc tham gia sinh hoạt không còn liên tục, thậm chí rời xa tổ chức vì nhiều lý do (đổi đạo khi lập gia đình).
– Trình độ học vấn của các em chênh lệch, khó hướng dẫn trong các chương trình sinh hoạt, tu học, huấn luyện và không hiểu rõ về nguồn gốc đạo Phật.
– Một số huynh trưởng có trách nhiệm, có khả năng điều hành, có tinh thần làm việc trong tổ chức nhưng gặp trở ngại trong các công tác huấn luyện, sinh hoạt, bởi hạn chế về lãnh vực sinh ngữ. Huynh trưởng cao niên già đi, huynh trưởng trẻ rời xa tổ chức vì nhiều lý do.
Cần Chấn Chỉnh Và Thay Đổi Hầu Khởi Sắc Cho Tập Thể Áo Lam
Chương trình Phật pháp các cấp từ các bậc mở mắt đến trung thiện, về lý thuyết không thể phủ nhận là rất hay nếu thực hiện được là điều rất lý tưởng, nhưng trong thực tế có bao nhiêu đơn vị thực hiện được đầy đủ? Chương trình dạy đã 70 năm vẫn giữ nguyên và tài liệu tu học lý thuyết quá nhiều, số huynh trưởng giảm đi mỗi ngày. Thậm chí khi các em tốt nghiệp high school, một số rời bỏ tổ chức, xa lìa Phật giáo và còn cải đạo… Như vậy, cách giáo dục của chúng ta không chuyển tải một cách rốt ráo cho các em hiểu rõ, khó truyền đạt tư tưởng. Chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề sau đây
Đổi Mới Về Hình Thức Giáo Dục
– Trong lãnh vực giáo dục Phật giáo, thân giáo là quan trọng. Người làm chức năng giáo dục phải thực hành mỗi ngày, mỗi phút và mỗi giây những giá trị cao cả của đạo Phật trong cuộc sống của mình.
– Giảm thiểu việc học tập quá nhiều lý thuyết không thực tế, nhàm chán. Cần khâu thực hành
Học Hành
– Giảng dạy bằng nhiều hình thức như ca hát, thảo luận, sinh hoạt tập thể, kể những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, phim và tranh ảnh…
– Đào tạo các lớp huynh trưởng chuyên giảng dạy có trình độ song ngữ, có năng lực, đạo đức, và có tư cách (Ban hướng dẫn trung và ban hướng dẫn miền mỗi năm thực hiện tối thiểu một khoá huấn luyện đào tạo chuyên ngành.) Cung thỉnh quý Chư Tăng, hoặc mời quý huynh trưởng, học giả, giáo sư, hoặc giảng viên chuyên nghiệp có trình độ kiến thức đảm trách công việc đào tạo cho nhóm huynh trưởng để các em dễ tiếp nhận.
– Chú trọng các yếu tố đức dục, trí dục, thể dục để tạo cho giới trẻ có cái nhìn chân thực không mê tín dị đoan, tránh xa những tệ nạn xã hội, hầu tạo dựng đời sống khi trưởng thành có gia đình, có cuộc sống an bình tốt đẹp. Tương quan mọi lãnh vực giữa cha mẹ, con cái, đoàn thể, bạn bè và thân hữu…Có khả năng mang lại lợi ích lâu dài cho muôn sinh.
– Chú trọng giới trẻ (Thanh, thiếu, đồng niên) là tương lai của xã hội, là đối tượng dễ bị tác động bởi môi trường xấu. Cho nên thường xuyên tổ chức các lớp thanh thiếu niên tiếp cận với môi trường đạo đức dưới sự hướng dẫn và dìu dắt thương yêu của những huynh trưởng giáo dục. Chính những huynh trưởng giáo dục là tấm gương sáng cho đoàn sinh trẻ nương tựa.
– Duy trì song ngữ trong công tác giáo dục.
- Phương Pháp Giáo Dục (Gồm có 3 Phần)
- Phương Pháp Soạn Thảo Chương Trình
– Thành lập một nhóm huynh trưởng đã được huấn luyện thành chuyên viên giảng dạy trong tổ chức soạn thảo chương trình học Phật pháp trong vòng 5 năm cho lứa tuổi 13 đến 18 tuổi.
– Chọn lựa những bài học căn bản như “Tam Quy Ngũ Giới” để các em có đủ hành trang khi ra đời mà vẫn giữ được bản chất của một người Phật tử đúng nghĩa, đào tạo thanh thiếu đồng niên thành những người Phật tử chân chính mặc dù các em có còn sinh hoạt hay không, như vậy người làm công tác giáo dục Phật giáo trong gia đình phật tử cũng đã thành công rồi.
Phương Pháp Tổ Chức Chương Trình Học
– Thiền định 10 phút trước khi giảng dạy để tâm các em nhẹ nhàng.
– Chọn những đề tài ngắn gọn, phù hợp với đời sống.
– Tạo sinh khí vui khi học, thực hiện nhiều trợ huấn cụ để giảng dạy như dùng phim ảnh khi học Phật pháp và cho thực hành có kiểm chứng.
– Dạy các em những sinh hoạt, học tập của mình để các em nhìn thấy cụ thể.
Phương Pháp Giảng Dạy Và Học Tập
– Phải biết linh động để đáp ứng nhu cầu của các em vì phương pháp giáo dục của Phật giáo là phương pháp phát xuất từ cơ sở thực tế
– Mô hình học Phật pháp (cho các em tự chọn bài, tự tìm hiểu và tự đặt câu hỏi, câu trả lời bài học)
– Thành lập một nhóm để tự chọn những bài học căn bản Phật giáo thực tế trong vòng 5 năm.
Ví dụ:
3 điều luật của ngành Oanh Vũ
5 điều luật của ngành thanh thiếu và huynh trưởng
– Hiểu cặn kẽ và thực hành rốt ráo, thêm vào đó Giới Định Tuệ là một trong những bài học nổi bật, làm hoàn thiện con người dễ dàng hòa nhập vào một xã hội mới văn minh tiến bộ. Giới Định Tuệ là một hệ thống giáo dục đạo đức nhân bản tránh ác làm thiện, giáo dục tâm lý trong sạch hoá tự tâm đưa đến trí tuệ. Giáo dục Phật giáo thông qua Giới Định Tuệ nhằm cải tạo, xây dựng và huấn luyện tự thân, tự tâm. Nhờ vậy mới xây dựng được nhân sinh quan, một thế giới an lạc.
Tóm lại, phương pháp thực hành để các em ôn luyện thường xuyên sẽ đem lại lợi ích thiết thực. Thành lập một hệ thống học tập theo từng nhóm và tổ chức tham gia các khóa tu hằng năm ít nhất một lần để ôn tụng những bài học và cho mọi người có thời gian đứng lại tự quán chiếu lấy mình.
Nguồn: Facebook Vạn Hạnh I, BHDTƯ/GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ