
Kết Khóa Vạn Hạnh I – GĐPT Việt Nam Tại Hoa Kỳ
( 2019, Nhiệm kỳ trưởng Ban, Anh Phúc Thiện Ngũ Duy Thành) | Ảnh: VHI
Ông bà ta đã dạy “Nhập gia tùy tục”; đúng vậy trên trái đất này có nhiều sắc dân, mỗi sắc dân đều có một ngôn ngữ, tập quán, phong tục riêng biệt; chúng ta muốn hòa hợp với sắc dân nào thì phải sống theo phong tục, tập quán và thủy thổ của sắc dân đó thì mới hoà hợp và phát triển được.
Nhìn lại Gia đình Phật tử chúng ta du nhập vào xã hội Hoa Kỳ đã 42 năm nhưng đã hội nhập vào xã hội Hoa kỳ chưa? Phải thẳng thắn nhìn nhận là chưa; xã hội Hoa Kỳ chưa biết Gia đình Phật tử Việt nam là gì; ngay cả Phật giáo của Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn v.v. cũng chưa biết chúng ta là ai vì Tổ chức của chúng ta vẫn rập khuôn mẫu của tổ chức Gia đình Phật tử Việt nam từ tổ chức đên huấn luyện v.v.
Gia đình Phật tử tại Hoa kỳ thịnh hành vào khoảng thời gian nào? Theo tôi nghĩ là những năm 1990-2000. Đó là thời gian có chương trình định cư theo diện H.O.; với chương trình này có nhiều Huynh Trưởng và Đoàn sinh tại Việt Nam đến định cư Hoa Kỳ. Tinh thần Lam viên của họ đã có sẵn trong máu nên khi ổn định cuộc sống họ đã tìm đến mái nhà Lam để tìm cuộc sống tâm linh trước cuộc sống ngỡ ngàng trước một xã hội xa lạ đủ mọi mặt.
Không những chỉ có những người đã khoác trên người chiếc áo lam đến với tổ chức Gia đình Phật tử mà còn cả những người không đạo Phật chỉ thờ cúng ông bà cũng đến với Gia đình Phật tử để làm chốn nương tựa. Những người này và con cháu họ vừa mới đến định cư, ngôn ngữ chưa rành, tập quán chưa quen nên Gia đình Phật tử là nơi gần gũi nhất với họ. khoảng mười năm sau thì những Huynh Trưởng và Đoàn sinh này đã hội nhập cuộc sống ở Hoa kỳ. Huynh Trưởng thì say sưa với công việc, ngày ngày đi làm quên cả ngày giờ rồi xao lãng việc đi sinh hoạt; Đoàn sinh thì ngày càng rành rẽ tiếng Anh quên lần tiếng Việt. Ngày mới đến Hoa kỳ thì các em thích đến với Gia đình Phật tử vì sinh hoạt bằng tiếng Việt nhưng bây giờ các em thích nói tiếng Anh sợ phải nói tiếng Việt, sợ gặp các anh chị Trưởng bắt nói tiếng Việt, sợ bị phạt vì nói tiếng Anh v.v rồi vì sợ cái này, sợ cái kia nên các em ngày càng xa Gia đình Phật tử.Đó là chúng ta mới nhìn thấy thế hệ con của Huynh Trưởng, chưa nói đến thế hệ các cháu sinh ra tại Hoa Kỳ, các cháu không biết gì một chút văn hóa, phong tục, tập quán Việt nam; tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của các cháu.
Từ đó chúng ta thấy Huynh Trưởng cũng như Đoàn sinh cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng tổ chức của chúng ta không thay đổi, vẫn rập khuôn mẫu tổ chức như Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải mạnh dạng thay đổi, chấn chỉnh, có những sinh hoạt mới mẻ sinh động cho thế hệ tương lai.
Không nói nhiều chắc Quý anh chị cũng đã thấy muốn duy trì tổ chức cho những thế hệ kế tiếp thì Gia đình Phật tử tại Hoa kỳ phải thay đổi từ hình thức đến nội dung; Khi nói đến sự thay đổi không phải để phù hợp cho thế hệ hiện tại mà còn cho những thế hệ tương lai. Nhưng thử xem chúng ta cần phải thay đổi những gì.
Tổ chức:
Ngày xưa khi thành lập Gia đình Phật tử, các anh chị tiền bối chỉ có mỗi mục đích là Đào tạo thế hệ Thanh, Thiếu và Đồng niên cho Gia đình Phật tử. Do đó Nội quy Quý vị tiền bối đã ấn định tuổi cho các ngành, tuổi bắt đầu đến tuổi cuối, nhưng Huynh Trưởng chỉ có tuổi bắt đầu nhưng không có tuổi cuối vì sao? Với Việt Nam những thập niên 1940 đến 1950 ít có ai tin tưởng tuổi thọ của mình vượt qua con số 60. Nhưng hiện nay tại Hoa Kỳ số Huynh Trưởng “thất thập cổ lai hy” nhiều lắm. Sự việc này làm cho tổ chức già đi. Xã hội Nhật Bản cũng đang chịu ảnh hưởng tuổi thọ ngày càng cao làm cho xã hội Nhật già đi; chính Phủ Nhật đang lo lắng tìm cách làm trẻ lại. Vậy thì Gia đình Phật tử Hoa kỳ cũng đang ngày càng có nhiều Huynh Trưởng già; vậy chúng ta có biện pháp gì không?
Chúng ta nên tu chính nội quy tuổi cho Huynh Trưởng cầm Đoàn. Với tuổi 70 trở lên không hữu hiệu cho tuổi sinh hoạt nữa mà còn làm cản trở nữa là khác; Chính phủ Hoa kỳ cũng vậy, ho xếp từ 65 tuổi trở lên là bất khiển dụng rồi. Với tuổi này tâm sinh lý hoàn toàn thay đổi; người trở nên chậm chạp, tính tình gắt gỏng, hờn giận, cố chấp, bảo thủ v.v.
Qua 13 năm làm Gia Trưởng chúng tôi nhận thấy, các anh chị cao niên rất thương các em, xem các em như con cháu của mình, muốn các em phải nghe theo lời chỉ bảo đúng ý của mình, điều này các em nhỏ tại Hoa kỳ không thích; các em nhỏ ở đây chỉ muốn để cho các em tự do diễn đạt tư tưởng không muốn ai gò bó, ngay cả ở nhà các em cũng ít gần gũi ông bà nội, ngoại. Đó là chưa nói đến các anh chị này không thể sinh hoạt năng động như Huynh Trưởng trẻ, đó là chưa nói đến ngôn ngữ bất đồng ai nói nấy nghe mà người già thì lại ưa nói nhiều. Vì vậy trong đơn vị có nhiều Huynh Trưởng cao niên thì các em không gần gũi, đâm ra buồn chán không thấy vui vẻ trong sinh hoạt rồi nghỉ sinh hoạt.
Muốn cho Quý vị cao niên đứng qua một bên thì tổ chức phải tìm cho họ một chỗ đứng vì họ còn thương yêu màu áo Lam. Tổ chức đừng để mất đi số cao niên này, phải tạo cho họ một địa bàn sinh hoạt hợp với tuổi tác để còn tiếp tục phụng sự Đạo Pháp và tổ chức. Phải làm trẻ tổ chức Gia đình Phật tử hợp với mục đích đã đề ra ban đầu cũng như chính phủ Nhật đang làm trẻ xã hội Nhật.
Tu Học
Tu học chúng ta thường chú ý Phật Pháp, Việt ngữ và chuyên môn.
- Phật Pháp: Chúng ta đang lấy những bài Phật Pháp dạy cho GĐPT Việt nam cách đây 70 năm dạy cho tuổi trẻ tại Hoa Kỳ. Tâm lý tuổi trẻ rất ghét môn Sử mà Phật pháp các Huynh Trưởng dạy cho các em lại là những giờ học sử trong đó lại có những huyền thoại không hợp với suy nghĩ của các em ở Hoa Kỳ, các em rất sợ giờ này.
- Việt ngữ: Môn học này cũng làm cho các em không thích vì sao? Vì các Huynh Trưởng dạy cho các em phải đánh vần, phải biết viết, học văn, sử v.v. Chúng tôi xin đề nghị Việt Ngữ trong GĐPT chỉ dạy cho các em biết nói, phương pháp dạy giống như lúc chúng ta vừa đến Hoa Kỳ học ESL vậy, bây giờ chúng ta tạm gọi là VSL.
- Chuyên môn: Nên cho các em tham dự khóa cấp cứu của Red Cross huấn luyện có cấp chứng chỉ, học thủ công làm khăn, đĩa giấy, biết dọn bàn ăn, bàn tiệc, thắt cà vạt, khăn choàng v.v. Tóm lại học những gì thực dụng hơn là lý thuyết.
- Đức dục: Nhà trường Hoa kỳ không chú ý đức dục, GĐPT chúng ta nên cho các em học chào kính, thứ bậc trong chùa, trong gia đình v.v.
- Học theo chứng chỉ: Hiện nay từ Oanh Vũ đến Huynh Trưởng tu học theo bậc với thời gian ấn định. Chúng tôi đề nghị chúng ta nên cho tu học theo chứng chỉ, chia mỗi bậc có bao nhiêu chứng chỉ, lúc nào đủ chứng chỉ xem như vượt bậc, không ấn định thời gian.
- Hoạt động thanh niên: Lãnh vực này của GĐPT đang còn hạn hẹp quá, phần nhiều còn quanh quẩn trong 4 bức tường của Chùa. Cần cho các em sinh hoạt ngoài trời như đi thăm viện bảo tàng, vườn hoa cây cảnh tại địa phương, tham gia các công tác xã hội, làm việc thiện v.v những sinh hoạt này đem lại cho các em những bài học sống động có ích hơn học từ chương.
- Sinh hoạt của Hướng Đạo
San José Hướng Đạo ngày càng phát triển nhìn lại GĐPT mình, Đoàn sinh ngày càng vắng chúng tôi đã bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu thấy sinh hoạt của họ khác mình nhiều lắm:
- Họ sinh hoạt ngoài trời nhiều hơn trong nhà
- Các Trưởng của họ rất trẻ sinh hoạt hoà đồng với tuổi trẻ và chịu khó
- Họ rất chú trọng hòa đồng xã hội, nhận giúp đỡ Cộng đồng khi được yêu cầu
- Hoà nhập được với tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ
- Ngôn ngữ trong sinh hoạt không cấm cản nói tiếng Anh.
- Y phục của Hướng Đạo mang đủ bằng cấp đã học rất bắt mắt với tuổi trẻ
- Các Trưởng và gia đình đoàn sinh khá thông hiểu nhau
Nhà chúng tôi có 5 cháu sinh hoạt Gia đình Phật tử nhưng dần dần chúng nó bảo “sinh hoạt buồn chán quá” rồi dần dần chuyển qua sinh hoạt Hướng Đạo.
Điều đáng chú ý nhất là khi sinh hoạt GĐPT, tới giờ đi sinh hoạt chúng tôi phải đốc thúc chúng mới đi, sinh hoạt với Hướng Đạo chúng tự sửa soạn chỉnh tề trước khi đến giờ đi.
Điều này chúng ta thấy Hướng Đạo đã sinh hoạt đúng với thị hiếu của tuổi trẻ hơn GĐPT.
Kết luận:
Ưu tư của chúng tôi là Gia đình Phật tử tại Hoa kỳ được hội nhập vào xã hội Hoa kỳ. Tổ chức của chúng ta sẽ có những thành viên Hoa kỳ gia nhập. Nếu không hội nhập được thì tổ chức chúng ta sẽ mai một. Muốn được như vậy thì ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị “nhập gia tùy tục”. Tổ chức tương lai phải hoà hợp với văn hoá, phong tục, tập quán của đất nước này giống như Hướng Đạo đến nước nào họ là SCOUT của nước đó và dân tộc sở tại đều biết SCOUT là gì.
Muốn duy trì lâu dài, chúng ta nên thay đổi danh xưng, “danh có chánh thì ngôn mới thuận”. Vì tự ái dân tộc, tuổi trẻ Hoa Kỳ đâu chịu tham gia vào một tổ chức của Việt Nam. Tại sao chúng ta muốn phát triển thành viên cho người sở tại mà lại không lấy tên là “Gia đình Phật tử Hoa Kỳ”. Ngay các em Oanh Vũ của chúng ta bây giờ chỉ cần 3 thế hệ sau các em cũng thành người Hoa Kỳ mất rồi. Trẻ trung tổ chức là sự trường tồn và phát triển.