
Đại gia ở Sāvatthi (Xá-vệ), nổi tiếng do lòng cúng dường rất rộng rãi. Ông gặp Đức Phật lần đầu tiên ở Rājagaha (Vương Xá), một năm sau ngày Thành Đạo (Vin.ii.154ff; SA.i.240ff, vv.). Ông đến Rājagaha vì công việc làm ăn.
Anh vợ ông cũng là một đại gia ở Rājagaha. Lúc đến nhà thăm anh, ông ngạc nhin thấy anh sửa soạn thức ăn cúng dường Đức Phật và chư Tăng; bữa cơm linh đình đến nỗi ông tưởng chừng như anh ông có tiệc cưới hoặc để chiêu đãi nhà vua. Khi biết ra lý do, ông rất mong được yết kiến Đức Phật, và sáng sớm hôm sau ông được gặp Ngài (Vin.ii.155-6). Vì quá nôn nao với cuộc diện kiến, đêm trước đó ông thức giấc ba lần. Sáng sớm hôm sau ông lên đường đến Sītavana, một khu rừng gần thành Vương Xá, nơi Phật đang lưu trú. Trời còn tối nhưng ông vẫn đi được nhờ có Sīvaka, một dạ-xoa tốt bụng đưa đường với nhiều lời khuyến khích. Hơn nữa, lòng mộ đạo thành khẩn của ông đã làm bóng đêm tan biến.
Lúc đến nơi, Anāthapiṇḍika thấy Đức Phật đang đi thiền kinh hành tới lui trong không khí dịu mát của ban mai. Đức Phật gọi ông đến và Ngài tuần tự thuyết về bố thí, về giới cấm, về cõi trời, về sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, về sự lợi ích của việc xuất ly, và về Bốn Sự Thật cao quý. Sau khi nghe xong, Anāthapiṇḍika liền ngộ đạo và đắc quả Dự lưu. Ông mời thỉnh mời Ngài đến thọ trai ngày hôm sau và ông tự tay dâng mọi vật thực, dù rằng người anh đại gia, ông Thị trưởng thành phố Rājagaha và vua Bình-sa đều muốn được đóng góp. Sau buổi trai thực mà ông tự tay cúng dường, ông thỉnh mời Đức Phật đến ngụ Sāvatthi trong mùa mưa sắp tới. Ngài nhận lời và nói rằng: “Các bậc Như Lai đều vui thú với sự cô độc.” “Thưa Thế Tôn, con hiểu, con hiểu,” ông thưa với Đức Phật.
Lúc xong công việc ở Rājagaha, Anāthapiṇḍika trở về Sāvatthi. Ra về, ông dặn dò bạn bè và người thân chuẩn bị chỗ ở, công viên, nhà nghỉ, vật thực dọc theo đường về Sāvatthi để đón rước Phật. Biết ý Phật khi Ngài chấp nhận lời mời, Anāthapiṇḍika tìm một nơi tĩnh mịch gần Sāvatthi, chỗ mà Đức Phật và chư tăng có thể nghỉ lại, và thấy vườn Jetakumāra thích hợp nhất. Ông mua vườn nầy với giá rất đắt và xây tinh xá Jetavanārāma nổi tiếng ở đó. Vì việc làm nầy và nhiều thiện sự cúng dường khác dành cho Phật sự, ông Anāthapiṇḍika được ngợi khen là người nam cư sĩ tối thượng về bố thí (A.i.25).
Gia chủ Anāthapiṇḍika có tên riêng là Sudatta, nhưng luôn luôn được mọi người gọi là Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc, người cứu giúp kẻ bần cùng, AA.i.208; MA.i.50) vì tính hào phóng của ông; nhưng ông rất hoan hỷ khi Đức Phật gọi tên riêng của ông (Vin.ii.156). Ông trả 18 crores (180 triệu đồng vàng) để mua Jetavana, một số tiền tương tự để xây tịnh xá, và 180 triệu nữa để làm lễ cúng dường. Mỗi ngày, ông cúng dường thức ăn đến ăn 100 tỳ-khưu tại nhà, cộng thêm khách, dân làng, người tàn tật, vv. Năm trăm chỗ ngồi lúc nào cũng được dành sẵn cho khách vãng lai (AA.i.208-9).
Cha của Anāthapiṇḍika là đại gia Sumana. Ông có em trai tên là Subhūti. Phu nhân của Anāthapiṇḍika là bà Puññalakkhanā (J.ii.410; J.iii.435). Ông bà có một con trai là Kāla và ba con gái, Mahā-Subhaddā, Cūla-Subhaddā và Sumanā. Con dâu của ông có tên là Sujātā, con gái của Dhanañjaya và là em gái út của bà Visākhā. Cô con dâu nầy rất kiêu ngạo và đối xử tệ với kẻ ăn người ở (J.ii.347). Về sau, cô được Đức Phật giáo hóa và trở nên người tử tế (A.iv.91f.; J.ii.347f, J.269).
Dù được cha khuyến khích, con trai ông, Kāla, không mấy mộ đạo. Chàng được cha hứa cho một ngàn đồng vàng nếu chịu đi nghe Đức Phật nói pháp và học thuộc một câu kinh. Chàng đến nghe Phật thuyết nhưng không thể nhớ thuộc câu nào cho đến khi bài kinh chấm dứt (theo ý muốn của Phật). Sau đó, chàng đắc Sơ quả và đi theo Ngài cùng một số tỳ-khưu về nhà của cha. Tại đây, chàng được mọi người trong gia đình thưởng tiền nhưng chàng bây giờ từ chối không nhận. Phật giảng lý do tại sao như thế (DhA. iii. 189 ff).
Ba người con gái lại rất sùng đạo và luôn luôn giúp cha trong việc hộ độ chư tăng. Hai người con đầu đắc quả Dự lưu, lập gia đình và ở bên chồng. Còn Sumanā đắc quả Nhất lai và sống độc thân. Sau khi chết, bà tái sinh vào cõi trời Đâu-suất (Tusita) (DhA.i.128f).
Chuyện tiền thân Bhadraghaṭa (J.ii.431) có nói đến người cháu của ông Anāthapiṇḍika hoang phí gia tài thừa hưởng giá trị 400 triệu đồng vàng. Được chú cho lần đầu 1000 đồng vàng và lần sau 500 để đi buôn, nhưng người cháu nầy tiêu pha hết. Anāthapiṇḍika còn cho hai bộ quần áo nữa. Hết tiền anh xin thêm nhưng bị chú đuổi ra ra khỏi nhà. Người ta thấy anh nằm chết dọc bên tường rào.
Sách còn kể chuyện tỳ nữ Puṇṇā, một nô lệ trong nhà của Anāthapiṇḍika. Một lần nọ, Đức Phật dự định rời Jetavana đi du hành phương xa. Anāthapiṇḍika và nhiều thí chủ khác xin Đức Phật nán ở lại thêm một thời gian nữa nhưng Đức Phật từ chối. Thấy chủ có vẻ buồn rầu, nàng Puṇṇā đến gặp Đức Phật và bạch với Ngài rằng nàng sẽ xin quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới nếu Ngài bằng lòng hoãn lại chuyến đi. Đức Phật chấp thuận. Nhờ đó, Anāthapiṇḍika nhận nàng làm con nuôi (MA.i.347-8). Về sau, nàng xin xuất gia và đắc quả A-la-hán (Therigāthā, vs.3).
Vì sự quảng đại vị tha, ông Anāthapiṇḍika nghèo dần. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục bố thí dù chỉ có trong tay những hạt thức ăn cho chim hay cho hẩm. Một đêm vị nữ thần tài lộc canh cổng nhà ông xuất hiện báo cho ông biết gia tài ông đã cạn kiệt. Nữ thần còn cho biết mỗi lần Đức Phật hay chư Tăng đến nhà, bà phải rời nơi trú ngụ trên cổng, tạo nhiều bất tiện cho bà và bà trở nên ganh tị. Anāthapiṇḍika không quan tâm đến những điều đó và nói bà nên rời khỏi nhà ông. Nữ thần ra đi với với các con, nhưng không dễ tìm nơi tạm trú nên phải đến hỏi ý nhiều vị trời khác kể cả vua trời Sakka (Đế-thích). Vua Sakka khuyên bà nên tìm cách lấy lại cho Anāthapiṇḍika 180 triệu đồng tiền vàng từ những người còn mắc nợ ông, 180 triệu đồng vàng khác bị giông bão cuốn trôi và hiện nằm dưới đáy biển, luôn cả 180 triệu đồng vàng không có chủ. Bà làm thành công, đến xin sám hối với Đức Phật và được nhận trở lại nhà ông (DhA.iii.10 ff.; J.i.227 ff.).
Vào ngày bố-tát (uposatha), cả nhà ông đều giữ bát quan trai giới rất cẩn thận (J.iii.257). Mỗi ngày Anāthapiṇḍika đều đến viếng Đức Phật hai lần, có lúc đi với nhiều người bạn (J.i.95ff.). Lần nào ông cũng đem theo vật thực cúng dường đến các tỳ-khưu trẻ. Ông không bao giờ hỏi Đức Phật điều gì, sợ làm bận rộn Ngài. Ông cũng không muốn Ngài phải nói pháp cho ông nghe để đổi lại sự hào phóng của ông (DhA.i.3). Tuy nhiên Đức Phật tự động nói pháp nhiều lần cho ông. Các bài pháp này, được ghi trong Tăng chi bộ:
- về sự quan trọng có tâm được gìn giữ chu đáo như mái nhà được bảo vệ cẩn thận (A.i.261f);
- về những lợi lạc mà người nhận thức ăn có được (đời sống, sắc đẹp, hạnh phúc, sức lực);
- về bốn bổn phận tạo nên nhiệm vụ của một cư sĩ mộ đạo (gihisāmikiccāni – cúng dường y, thực phẩm, thuốc men, chỗ ở) (S.v.387);
- về bốn điều kiện thành công rất khó đạt (tài sản tạo ra bằng cách chân chánh, lời nói thiện, sống lâu, tái sinh trong hạnh phúc);
- về bốn loại hạnh phúc mà cư sĩ muốn tìm (làm chủ, tài sản, không nợ, không bị chỉ trích)( A.ii.64ff).
- về năm hình thức hoan hỷ do có được tài sản bằng cách chân chính (hoan hỷ cho mình cũng như người thân và bạn mình, có sẵn lúc cần, có khả năng trả thuế và cúng dường cho tôn giáo của mình, cúng dường để được tái sinh hạnh phúc)( A.iii.45-6);
- năm thứ mong cầu khó thành đạt (sống lâu, sắc đẹp, hạnh phúc, tiếng tăm, điều kiện tốt để tái sinh) (A.iii.47-8);
- năm hành động tội lỗi biến người thành bất thiện (phạm ngũ giới) (A.iii.204);
- không nên chỉ thỏa mãn vì có cúng dường đến chư Tăng, thỉnh thoảng cư sĩ phải tập sống hoan hỷ độc cư viễn ly để được thêm năm sự lợi ích trong thời gian ấy: Khổ và ưu liên hệ đến dục, lạc và hỷ liên hệ đến dục, khổ và ưu liên hệ đến bất thiện, lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện, khổ và ưu liên hệ đến thiện (một cảnh cáo nhẹ nhàng dành cho Anāthapiṇḍika) (A.iii.206-7).
Phật thuyết kinh Velāma Sutta để động viên Anāthapiṇḍika lúc ông nghĩ không còn cơ hội cúng dường vật thực quý giá đế chư tỳ-khưu vì đang bị lâm vào cảnh sa sút (A.iv.392ff). Phật dạy điều quan trọng là ở tâm trong, cẩn thận khi bố thí cúng dường. Và bố thí cao thượng nhất là biết giữ giới.
Một dịp khác, Phật kể cho ông nghe sở dĩ bậc Dự lưu có hạnh phúc vì vị ấy không còn sợ hãi nữa: sợ bị sa địa ngục, sống với thú, trong cảnh ngạ quỷ, hay trong những cõi bất hạnh khác; vị ấy chắc chắn sẽ đạt thành chánh quả (A.iv.405f, S.v.387f).
Trong kinh khác, Phật nói với Anāthapiṇḍika rằng không phải phú gia nào cũng biết vui thú một cách chính đáng và hữu ích (A.v.177ff).
Có ít nhất một kinh trả lời Anāthapiṇḍika hỏi về quà biếu và người đáng nhận quà (A.i.62-3). Cũng được biết rằng ông có thỉnh ý Phật về đám cưới của con gái ông là Cūla Subhaddā (DhA.iii.466).
Anāthapiṇḍika qua đời trước Đức Phật. Lúc bị bệnh nặng, ông có cho người đi mời ngài Xá-lợi-phất đến (có lẽ ông không muốn làm bận lòng Phật). Ngài Xá-lợi-phất đến với ngài Ānanda và nói kinh Anthapiṇḍikovda Sutta (M.iii.258f.; S.v.380-7). Ông không còn đau đớn khi ông chú tâm vào đời sống phạm hạnh và những hành động mộ đạo của ông. Sau đó, ông dâng thức ăn đến hai vị Trưởng lão và sau đó ông tắt thở, tái sinh lên cõi trời Đâu-suất. Cùng đêm hôm ấy, ông đến viếng Phật ở Jetavana và nói lời ca tụng Jetavana và ngài Xá-lợi-phất đang trú tại đó, khuyến cáo những người khác nên thực hành theo lời dạy của Phật. Trên thiên giới, ông có tuổi thọ lâu dài như bà Visākhā và vua trời Sakka (DA.iii.740).
Một số sự việc liên quan đến Anāthapiṇḍika được ghi lại trong nhiều chuyện Tiền thân (kinh Bổn sinh) khác nhau. Có lần ông được nhờ điều tra trường hợp của một tỳ-khưu-ni mang thai (J.i.148). Một lần nọ Phật du hành khỏi Jetavana, Anāthapiṇḍika rất buồn vì không còn ai để ông kính vấn an; theo lời đề nghị của Phật, một nhánh của cây Bồ-đề được trồng trước cửa Jetavana (J.iv.229) mà theo truyền thuyết vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Một lần khác, có một bà-la-môn nghe nói đến vận may của Anāthapiṇḍika bèn xin đến gặp để học tìm. Ông ta tìm thấy trên mồng con gà trống trắng của Anāthapiṇḍika. Ông ta xin con gà và Anāthapiṇḍika không ngần ngại biếu ngay. Nhưng cái vận may ấy chợt bay đi khắp nơi, đến đậu trên gối, rồi trên nữ trang, trên cây gậy và sau cùng trên đầu của bà Anāthapiṇḍika. Ước muốn của vị bà-la-môn không được như ý (J.ii.410f).
Anāthapiṇḍika bị người khác toan tính làm hại hai lần. Một lần ông bị dụ uống thứ rượu pha chế. Thoạt tiên ông kinh ngạc về thái độ xấc láo của bọn bất lương, nhưng sau đó ông tìm cách giáo huấn, làm họ sợ và trốn biệt (J.i.268). Lần thứ nhì bọn cướp phục kích ông trên đường về; nhờ nhanh chân ông thoát nạn (J.ii.413).
Mỗi lần đến viếng Đức Phật, Anāthapiṇḍika luôn luôn thuật lại những gì ông nghe thấy và Phật kể những điều tương tự xảy ra trong quá khứ. Các chuyện Tiền thân do Đức Phật thuyết liên quan đến những chuyện đó gồm có: Tiền thân Apaṇṇaka, Khadiraṅgāra, Rohiṇī, Vāruṇī, Puṇṇapāti, Kālakaṇṇi, Akataññū, Verī, Kusaṇāli, Siri, Bhadraghaṭa, Visayha, Hiri, Sirikālakaṇṇī, và Sulasā (xem các chuyện tương ứng trong bộ Jātaka).
Anāthapiṇḍika không những là một thương gia lanh lợi mà còn là một nhà hùng biện nhiệt tình. Tăng chi bộ (A.v.185-9) có ghi câu chuyện ông đến thăm những du sĩ ngoại đạo. Rồi một cuộc tranh luận xảy ra liên quan đến quan điểm của họ và giáo pháp của Phật do ông trình bày. Ông thuyết về vạn pháp do duyên sinh, về ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã làm các du sĩ phải lặng thinh. Khi Đức Phật nghe ông kể lại, Ngài khen ngợi tài tranh luận của ông.
Thời Đức Phật Padumattara, Anāthapiṇḍika là một gia chủ ở Haṃsavatī. Một hôm ông nghe Phật nói đến một đệ tử cư sĩ được xem là người cúng dường hỗ trợ bậc nhất của Ngài. Ông bèn phát tâm ước nguyện sẽ là người cúng dường bậc nhất vào một kiếp sau, và đã thực hiện rất nhiều thiện sự cúng dường trong kiếp đó. Mong ước của ông thành tựu như ý trong kiếp hiện tại. Anāthapiṇḍika đôi khi được gọi là Mahā Anāthapiṇḍika (Đại Cấp Cô Độc) để phân biệt với Cūla Anāthapiṇḍika (Tiểu Cấp Cô Độc).
Anāthapiṇḍika Vagga — Phẩm Cấp Cô Độc (Chương 2) trong Tương ưng Thiên Tử (Devaputta Saṃyutta), Tương ưng bộ. Ghi một số kệ do chư thiên bạch Phật trong nhiều dịp khác nhau; vị trời sau cùng là Anāthapiṇḍika (tái sinh trong cõi trời (S.i.51 ff.)
Anthapiṇḍikovāda Sutta — Do ngài Sāriputta nói cho Anāthapiṇḍika nghe lúc ông hấp hối. Đó là lời động viên ông không nên bám víu vào các pháp thế gian. Sau khi nghe kinh ông khóc lớn vì chưa bao giờ ông được nghe bài thuyết giáo như vậy. Ngay sau đó ông tắt hơi, tái sinh làm vị trời, và đến viếng Phật ở Jetavana (M.iii. 258-263).
Trong kinh, ngài Sāriputta nói rằng thuyết giáo như vậy không thể thuyết cho hàng cư sĩ áo trắng mà chỉ dành cho các tỳ-khưu được được thọ giới nghiêm túc (M.iii. 261). Nhiều người cho rằng lời nói nầy cho thấy học thuyết bí truyền của Đạo Phật. Anāthapiṇḍika yêu cầu những bài kinh như thế nên được nói cho giới cư sĩ nghe vì nhiều người có mắt sáng nhưng bị che mờ.
Anāthapiṇḍika Sutta — Giống như Anthapiṇḍikovda Sutta (như trên), nhưng phần lớn kinh nầy dùng lời an ủi, dũng cảm và khuyến khích do Tôn giả Sāriputta nói cho Anāthapiṇḍika nghe; được biết sau khi nghe kinh ông hết đau đớn. Không thấy đề cập đến lời khuyên không nên bám vào những pháp thế gian hay đến cái chết của Anāthapiṇḍika ngay sau đó. Nhưng có nói đến việc Anāthapiṇḍika mời hai Trưởng lão Ānanda và Sāriputta thọ trai từ thức ăn trong nồi của ông. Hai trưởng lão ra đi sau khi thọ trai xong và cám ơn ông. Ngài Ānanda trình cuộc viếng thăm và giáo giới đến Phật, Ngài tán thán trí tuệ của ngài Sāriputta (S. v. 380-5).
Anāthapiṇḍika Sutta (2) — Giống kinh trên, nhưng ngài Ānanda được xem như người khuyên bảo ông nếu có lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng và có giới đức đầy đủ thì không bao giờ sợ chết và Anāthapiṇḍika nói rằng ông có đầy đủ lòng tin và không có phạm một giới học nào dành cho người tại gia (gihisāmīcakāni sikkhāpadāni) (S.v. 385-7).
Anāthapiṇḍika Sutta (3) — Ghi lại chuyến viếng thăm Đức Phật của Anāthapiṇḍika. Phật nói về thánh đệ tử làm cho tịnh chỉ năm căn sợ hãi, hận thù (pañca-bhayāni verāni, về ngũ giới), thành tựu bốn Dự lưu phần (sotāpattiyaṅgāni, lòng tin Phật, Pháp, Tăng, và giới đức) và thông đạt lý duyên sinh (S.v.387-9).
Anāthapiṇḍika-putta-Kāla Vatthu —Về cuộc nói chuyện của con ông Anāthapiṇḍika là Kāla (DhA. iii. 189-92).