
Dưới đây là bản rút gọn những điều chính yếu, cùng nguyên văn 9 Yếu sách, đề ra qua bức thư dài 8 trang đánh máy của Hòa Thượng Thích Huyền Quang gửi nhà cầm quyền Hà Nội từ Quảng Ngãi ngày 25.6.1992. Một bản sao được gửi từ Việt Nam đến Văn Phòng Ủy ban Bảo vệ quyền làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris với lời nhờ cậy phổ biến trong dư luận quốc tế. Sau khi ra tù một thời gian, Hòa Thượng Thích Huyền Quang bị bắt lần thứ hai tại Saigon ngày 25.2.1982 và bị đưa về quản thúc từ 10 năm qua ở Quảng Ngãi, một tỉnh miền Trung cách Saigon 800 cây số.
Ngày 25.6.1992 vừa qua, từ thị trấn Quảng Ngãi nơi bị lưu đày từ 10 năm qua, Hòa thượng Thích Huyền Quang đã gửi một bức thư cùng 9 Yêu sách đến các ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Tối cao Pháp viện và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.
Tám trang thư vạch lại quá trình 41 năm Nhà nước CHXHCNVN kỳ thị và đàn áp Phật giáo:
Khởi đầu với sự vụ Nhà nước giải tán Hội Phật giáo Cứu quốc tại liên khu 5 năm 1951 trong thời gian kháng chiến giành độc lập. Bắt buộc mọi cơ sở và quần chúng Phật giáo phải sáp nhập vào Mặt trận Liên Việt, tiền thân của Mặt trận Tổ quốc ngày nay. Do phản đối việc làm có tính cách gây chia rẽ và phá hoại tình đoàn kết dân tộc ấy, Hòa thượng Thích Huyền Quang đã bị bắt giam từ năm 1952 không lý do, cũng không hề được xét xử. Nhờ Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, , Hòa thượng mới được phóng thích.
Từ biến cố 1975 trở về sau, bức thư cho biết: “Chính quyền thành phố các tỉnh đã bị bắt một số Giáo phẩm cao cấp, trung cấp, v.v… của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) như tôi và chư Tăng Thích Thiện Minh, Thích Thuyền Ấn, Thích Thông Bửu, Thích Trí Giác, v.v… giam tại thành phố và các nơi khác. Với mục đích áp đảo tinh thần chư vị lãnh đạo.”
“Cuối năm 1981, một tổ chức mang tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” được Nhà nước dựng lên tại Hà Nội. Chính quyền đã dùng Giáo hội Nhà nước chụp lên đầu Giáo hội chúng tôi. Tuy Giáo hội Nhà nước này được thông qua một Đại hội, nhưng đại hội đó đã do Nhà nước chỉ đạo, sắp đặt tất cả, chứ không phải một đại hội do chư vị Cao tăng, Tăng Ni, Phật tử bầu lên theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Cho nên chúng tôi khẳng định Giáo hội Nhà nước là một Giáo hội chính trị, thời đại, công cụ cho chế độ hiện tại và đã bỏ rơi quần chúng Phật tử. Một Giáo hội như vậy không đủ tư cách để hưởng sự truyền thừa chính thống của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội ấy chỉ là hậu thân của (các tổ chức trước kia từng được gọi là) “Phật giáo Liên lạc” và “Phật giáo Yêu nước”.
Năm 1976, nhà cầm quyền Hà Nội tiến hành việc thống nhất đất nước. GHPGVNTN cũng tỏ nguyện vọng hiệp nhất khối Phật giáo hai miền Nam Bắc sau thời loạn ly, tranh chấp, để cùng hợp lực phục hồi đạo đức và tái thiết quốc gia. Do đó, đã cử Hòa thượng Thích Đôn Hậu thay mặt Giáo hội đến gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, xin phép cho Giáo hội được vận động tổ chức cuộc thống nhất Phật giáo. Nhưng ông Nguyễn Văn Hiếu đã từ chối với lý do: “Thống nhất Phật giáo thì tốt, nhưng thống nhất Phật giáo cách mạng, chứ thống nhất làm gì với Phật giáo phản động!” “Phật giáo phản động” nói đây, ông Hiếu ám chỉ “Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất”. Cho nên, một thời gian sau cuộc gặp gỡ, chính quyền cộng sản mở đầu hàng loạt cuộc bắt bớ Tăng Ni, Phật tử, đập phá tượng Phật, dẹp bỏ chùa chiền, chiếm dụng các cơ sở đại học, giáo dục, văn hóa, xã hội, từ thiện của Giáo hội Phật giáo trên toàn quốc. Bức thư thông báo:
“Sau khi nước nhà thống nhất (1976) các cấp chính quyền đã tịch thu chùa lớn, chùa nhỏ, tịch thu ruộng chùa dù có một sào, không cho chùa nuôi Tăng chúng kế thừa, không trường giới, trường giảng, trường học, v.v…” Riêng bản thân Hòa thượng thì: “Từ ngày có chế độ Cộng sản trên đất nước Việt nam, cũng từ ngày đó, tôi mất hết tự do cho đến ngày hôm nay”.
Trước hiện trạng phi pháp ấy, Hòa thượng Thích Huyền Quang phải tự khẳng định tính cách chính pháp truyền thống, và pháp lý của GHPGVNTN như sau: “Pháp lý của Giáo hội chúng tôi là lịch sử 2000 năm truyền giáo theo bước tiến mở nước, dựng nước của dân tộc Việt Nam. Địa vị của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất là 80% dân số Phật tử”.
Kết thúc bức thư, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đưa ra 9 Yếu sách đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội:
1. “Trả lại cho Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất quyền sinh hoạt bình thường trong pháp luật nhà nước, như trước năm 1975.
2. Nhà nước phải chịu trách nhiệm và trả lời:
a. Về cái chết của Hòa thượng Thích Thiện Minh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo tại Nhà công an thành phố Hồ Chí Minh năm 1978;
b. Về vụ 12 Tăng Ni Phật giáo tự thiêu ngày 2.11.1975 tại Thiền Viện Dược Sư ở Cần Thơ;
c. Về các chùa chiền và tượng Phật bị dẹp bỏ để xây cơ sở khác lên.
3. Trả tự do cho tất cả Tăng Ni, Phật tử, các nhà văn, nhà báo, các nhà chính trị, v.v… đã bị giam giữ lâu ngày không xét xử, hoặc xét xử bất công. Tôn trọng tự do tôn giáo và quyền làm người của những ai đã bị tước đoạt, trong đó có tôi và chư vị Thích Quảng Độ, Thích Đức Nhuận, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) v.v… và các Tu sĩ các tôn giáo khác.
4. Trả lại tất cả tự viện, các cơ sở văn hóa, từ thiện v.v… của Giáo hội chúng tôi, từ trung ương đến địa phương, đã bị Nhà nước và Giáo hội do Nhà nước dựng lên chiếm dụng phi pháp hơn 11 năm qua. Kể cả các tự viện ở Miền Bắc bị Nhà nước chiếm dụng sau 1945.
5. Phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội chúng tôi với các chi bộ Phật giáo Hải ngoại như trước năm 1975.
6. Yêu cầu Nhà nước đưa nội vụ tôi từ năm 1945 đến 1992 ra xét xử trước pháp luật. Không thể nhốt tôi mãi mà không xét xử.
7. Minh bạch hóa việc giam giữ các tu sĩ Phật giáo, trong đó có tôi, để trả lại hơn 20.000 lá thư của các tổ chức Nhân quyền, Dân chủ từ Âu, Mỹ, Úc, Á, gửi đến Hà Nội trong thời gian qua.
8. Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất sẵn sàng góp sức mình trong việc xây dựng đất nước theo truyền thống dân tộc. Nhưng không thể thực hiện việc này dưới sự điều khiển của một chế độ còn xem tôn giáo là kẻ thù, và thường xuyên nhúng tay can thiệp, kiểm soát nội bộ tôn giáo.
9. Tôi nguyện sẽ hiến thân này cho Đạo pháp và Dân tộc, khi thấy rằng sự khổ nhục đã đến lúc không cho phép tôi chịu đựng hơn nữa.
Quảng Ngãi, ngày 25.6.1992
Hòa thượng Thích Huyền Quang
Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN