
Trích đặc san Hoa Ðàm, số 4, chủ đề “Dẫn vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo”,
sắp phát hành tháng 4, 2017
Chủ trương và thực hiện: Hoa Ðàm Group
Kết tập: Tâm Thường Ðịnh Bạch Xuân Phẻ, Nguyên Túc Nguyễn Sung
Quảng Pháp Trần Minh Triết
Tên thật là Hoàng Long, sinh ngày 21/01/1980, tại Đà Lạt. Nguyên quán Quảng Bình.
—Từ năm 1997 đến 2002, học Khoa ngữ văn và Khoa Đông phương học, chuyên ngành Nhật Bản học, tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Sài Gòn.
—Từ năm 2003 đến 2005 học Cao học, chuyên ngành văn hóa học, tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Sài Gòn.
—Từ năm 2003 đến nay, dạy Nhật ngữ tại trường Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai và Trung tâm Ngoại ngữ Nguyễn Thái Bình.
Đã cộng tác với các tạp chí hải ngoại: Tiền Vệ, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ.
I. Thiền (Zen 禅) là gì?
Thiền Tông là một trong mười tông phái của Phật Giáo được Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Hoa. Tông chỉ của Thiền có thể nói ngắn gọn là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” (不立文字, 教外別傳,直指人心,見性成佛) có nghĩa “không dựa vào văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nhắm thẳng nhân tâm, thấy tính thành Phật”
Vì không nương vào văn tự nên phải “dĩ tâm truyền tâm”, chỉ dựa vào trực giác, qua tọa Thiền hay tham chiếu công án mà tìm kiếm giác ngộ. Thiền sư Suzuki đã định nghĩa Thiền là “nghệ thuật trừng tâm và khai phóng nhân sinh”.
Nói đến Thiền là phải nói đến “giác ngộ” (satori 悟り). “Ngộ” là gì? Trong “Thiền luận”, Suzuki đã giải thích như sau:
“Cái có một nhỡn quang mới ấy trong việc xử kỷ tiếp vật trong đời thường gọi là NGỘ, và theo người Nhật là Satori. Nội dung của sự Giác Ngộ ấy, Phật giảng là Pháp -Dharma – cần phải trực nhận (sanditthika), ngoài tất cả giới hạn của thời gian (akalika), tự mình thể nghiệm lấy (ehipassika), rất hiển nhiên (opanayika), và trí giả phải tự chứng tự ngộ lấy cho chính mình (paccattam veditabbo vinnuhi). Nói thế có nghĩa là Pháp phải nhận bằng trực giác, không thể đạt đến bằng biện luận. Phật thường không đáp những câu hỏi siêu hình của các đệ tử phần lớn vì lý do ấy. Hậu quả trực tiếp của kiến giải Giác Ngộ ấy là khích lệ ở con người một ý chí tự do tuyệt đối ở khắp chiều hướng, sự tự do khai phóng vô lượng huyền năng của tâm ngoài tất cả giới hạn chật hẹp của thứ Phật giáo tu viện và kinh viện”
Thiền mang lại cho ta sự tự do tuyệt đối, vượt lên trên mọi tri kiến thông thường, khiến ta nhảy thẳng vào thực tại sống động ngay bây giờ và ở đây. Vì thế tinh thần Thiền là khai phóng, vượt thoát mọi chướng ngại. Kẻ giác ngộ lúc nào cũng hân hoan tươi mới như thuở sơ đầu, một thứ “anh nhi” của Lão Tử. Nghệ thuật thiền từ đó thăng hoa, bằng những nét mực khoáng đạt gần như của con trẻ mà diễn giả tinh thần tư do vô ngại không sao bắt chước được. Mỗi họa phẩm thiền là một thứ độc sáng. Ta nhìn vào có thể thấy chảy tràn sống động của thực tại huy hoàng.
Cái khoảnh khắc bỗng trực nhận ra mình đã đầy đủ tất cả trong thân này, không cần tìm kiếm đâu xa nữa thật tuyệt diệu. Hạnh phúc là bây giờ và ở đây, trong khoảnh khắc hiện tại này. Chấm dứt tìm cầu mộng tưởng, chấm dứt so sánh hý luận, trong mỗi việc ta làm trong mỗi khoảnh khắc đều là Thiền, đều là Phật. Nó giải phóng ta tất cả những vọng tưởng muộn phiền bao lâu nay tự mình dựng lên. Chuyện về Huệ Khả chặt đứt bàn tay trái dâng lên Đạt Ma sư tổ để cầu tâm an nhưng nhận ra cái tâm chỉ là huyễn hóa là minh chứng hùng hồn cho sự trói buộc của tâm tư thiên kiến. Khi trực nhận ra điều đó, dòng suối nguồn khoái hoạt tự do tuôn chảy như thùng sơn lủng đáy.
Đối với người Nhật Bản Thiền đã trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hóa áp dụng trong cuộc sống, kiến trúc, đặc biệt là trong nghệ thuật. “Thiền là điểm sâu nhất mà người Nhật Bản thẩm thấu được trong sinh hoạt văn hóa, cũng có thể quy nó thành một thứ tâm lý dân tộc”. Quả thật, Thiền đã mang lại cho nghệ thuật Nhật Bản một hơi thở mới. Như thiền sư Suzuki nhận định đó là “tính chất đơn giản, trực chỉ, xả ly táo bạo, dửng dưng, bất cần đời, nội tâm, khinh miệt hình thức, những tác động tự do tâm linh, nhịp thở thần bí của một thiên tài sáng tạo đang để hết tâm trí vào tác phẩm – dù là trong hội họa, trong lối làm vườn, trà đạo, kiếm thuật, vũ đạo hay thi ca”.
II. Phong cách Thiền họa:
Chịu ảnh hưởng của Thiền, nghệ thuật Nhật Bản thời Kamakura (1185 – 1333) và Muromachi (1333-1568) chủ yếu là hội họa dùng mực, không dùng màu với phong cách thấm đượm tính chất lý tưởng chủ quan. Phong cách hội họa thời kỳ này được gọi là thủy mặc họa (suibokuga 水墨画). Những bức tranh đậm đà Thiền vị của các Thiền sư được gọi là Thiền Họa (zennga禅画).
Cọ được làm bằng lông dê hay lông thỏ; mực được làm từ bồ hóng; giấy mỏng, dễ thấm mực. Đặc trưng này khiến nghệ sĩ phải vẽ thật nhanh và dứt khoát, chỉ vẽ những đường nào tuyệt đối cần thiết. Nếu chỉ một phút giây do dự, mực sẽ làm thủng giấy và khi đã vẽ xong thì không thể nào sửa chữa hay bôi xóa được.
Nghệ sĩ thể hiện tinh thần của một sự vật chuyển động trên giấy. Như thế, “mỗi nét bút phải đánh nhịp theo mạch sống của một vật thể sống động”. Những nét mực nhanh dứt khoát nhằm cố gắng bắt lấy tinh thần ngay trong dòng vận động. Một tác phẩm là một thực tại tròn đầy, là chính bản thân nó chứ không phải là cái gì khác. Qua tác phẩm, chúng ta có thể nhận biết được tinh thần của nghệ sĩ. Tinh thần này là độc đáo vô song và không ai có thể bắt chước được.
Phong cách Thiền họa có thể nhận biết được qua các đặc trưng sau:
- Đề tài liên quan đến các giai thoại Thiền như chân dung của Bồ Đề Đạt Ma, Bố Đại…; những pháp khí trong Thiền Tông như trụ trượng, gậy trúc, vòng tròn viên tướng (ensou円相) tượng trưng cho sự rỗng rang vô ngại, trống không nhưng tràn đầy của Phật Pháp hay những câu Thiền cú. Ngoài ra thiên nhiên luôn là đề tài ưa thích của các họa sĩ Thiền sư. Sesshu là bậc thầy về tranh phong cảnh, Hakuin tôn thờ núi Phú Sĩ và gọi là “người yêu”…
Chân dung Bồ Đề Đạt Ma của thiền sư Sengai Gibon
- Phong cách nhất giác (Ikkaku:一角), giảm bút thể: chỉ dùng vài đường vẽ hay nét bút để phác họa hình tượng trên lụa hay giấy. Cha đẻ của phong cách này là họa gia Mã Viễn (1140-1225) đời Nam Tống và được các họa sĩ Nhật tiếp thu vào thời Kamakura và Muromachi. Có thể gọi nó là trường phái tối giản cũng được, vì “nét ngang gợi ý về tính cách bao la của không gian và một vòng tròn là cái vĩnh cửu của thời gian không những vô hạn mà còn sống động” (Suzuki). Với thực tại tròn đầy và thâm sâu không có cách gì diễn tả trọn vẹn ngoài cách tự mình cảm thụ bằng trực giác, người nghệ sĩ Thiền bắt buộc phải dùng những đường nét cơ bản gợi mở cái mênh mông sống động của thực tại cho người thưởng ngoạn. Hơn nữa truyền thống mỹ học Nhật Bản truyền thống luôn thiên về sự giản lược, thu nhỏ, dùng cái tối thiểu để diễn đạt cái tối đa. Như trong Hoa đạo, một cành hoa có thể gợi lên một thiên nhiên rộng lớn thì với Thiền họa một đường ngang cong vút có thể gợi mở cho ta cảnh núi rộng sông dài.
Vòng tròn viên tướng của Thiền Sư Hakuin Ekaku
- Phi đối xứng, tàn khuyết (không hoàn mỹ): Đối xứng chính là chết cứng. Theo Suzuki “đối xứng có thể tạo nên cảm giác trầm trọng trang nghiêm và ưu mỹ nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến tình trạng chồng chất về khái niệm trừu tượng và chủ nghĩa hình thức”, điều mà các Thiền giả rất không ưa. Tự nhiên phơi mở tràn đầy, không thể đóng khung vào trong ngôn ngữ hý luận hay một mô hình nào khác. Bản thân hình tượng là một chỉnh thể hoàn mỹ mà nét mực hay ngôn ngữ vốn bị giới hạn nên chỉ có thể gợi tả mà thôi. Hơn nữa, phong cách phi đối xứng còn cho thấy người Nhật Bản vốn không muốn đề cao bản thân mình vì trạng thái đó làm tổn hại đến cái tự nhiên lưu tồn trong nghệ thuật. Vì thế, các họa sĩ để thường trống phần giữa bức tranh, các kiến trúc sư Nhật thiết kế các công trình phi đối xứng vì “viên mãn chính là tàn khuyết” vậy. Chính vì coi trọng sự không hoàn hảo nên nghệ thuật mới mang tính vận động bất tuyệt của dòng đời. Hơn thế nữa, chẳng phải vì không hoàn hảo nên ta mới có thể luôn luôn tinh tấn, vươn lên cao hơn nữa, thanh tẩy mình bằng cái đẹp tuyệt đối hay sao? Như văn hào Nikos Kazanzakis tửng viết “Ithaca không tồn tại, chỉ có hành trình đi đến Ithaca”. Sự nỗ lực quan trọng hơn kết quả và quá trình quan trọng hơn đích đến. Không phải ta đạt được gì mà con người ta trở thành mới chính là điều đáng nói. Cho nên sự không hoàn hảo mới chính là hoàn hảo vậy.
- Cảm giác sabi: Trạng thái cô đơn tuyệt cùng của tiên nghiệm được gọi là “nhàn tịch” (sabiさび 寂). Cảm thức thẩm mỹ này bàng bạc trong nghệ thuật Nhật Bản, nhất là thiền họa và thơ haiku. Căn cốt của khái niệm này chính là việc chấp nhận sự cô độc hiện hữu của con người và cố gắng kiếm tìm cái đẹp ngay trong sự cô độc. Xét cho tận cùng rốt ráo, không ai có thể sống thay cuộc đời của chính mình. Cũng không ai khác chết thay cho mình được cả. Vì thế nương tựa vào chính bản thân mình là chắc chắn nhất. Đạo sư có thể chỉ đường nhưng người đi phải là chính bản thân chúng ta. Cái nghiêm khắc rất mực mà ta thấy ở các thiền sư với sư la hét, đánh đập thậm chí tưởng như lạnh lùng đó thật ra lại chan chứa lòng từ bi. Vì các Ngài không muốn chúng ta mê lầm mãi. Và tự do tự tại là cảnh giới cao nhất của giác ngộ Thiền. Trong mỗi khoảnh khắc của đời sống đều là Phật tính, đều là nghệ thuật. Do đó, khi viết thư pháp hay vẽ tranh, các Thiền sư không nhắm đến các tiêu chuẩn nghệ thuật truyền thống mà nhắm ý chuyển tải tinh thần sống động của giác ngộ. Một kiểu phi nghệ thuật. Những bức tranh Thiền chứa đầy sự tươi mát, từ bi lan tỏa làm cho người xem có được một cảm giác an nhiên thanh thoát nhưng vẫn kỳ đặc dấu ấn cá nhân. Điều đó thật vô song. Những dấu mực (bokuseki – mặc tích 墨跡) và Thiền họa (zenga 禅画)nhằm mục đích giúp “kiến tính” (kensho見性) đã trở thành những kiệt tác nghệ thuật.
III. Các tác giả tiêu biểu:
Trong số những Thiền sư họa sĩ Nhật Bản có những tác phẩm được yêu thích nhất thì thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku 白隠慧鶴1686-1769) và Tiên Nhai Nghĩa Phạm (Sengai Gibon仙厓義梵 1750- 1837) đứng đầu tiên. Tranh và nhất cú của hai Ngài đầy sự tươi mát, hồn nhiên thơ trẻ và đầy tình thương.
Thiền sư Bạch Ẩn có một cuộc đời huyền thoại. Chính Thiền sư góp phần chấn hưng dòng Thiền Lâm Tế và đề ra công án nổi tiếng “tiếng vỗ của một bàn tay” và ba trụ thiền nếu muốn được giác ngộ “đại tín tâm, đại nghi đoàn, đại phấn chí”.
Lúc còn nhỏ, khiếp sợ trước viễn cảnh bị đọa đày nơi địa ngục, sư đã phát nguyện tu hành. Nhưng phải trải qua nhiều gian khổ, thậm chí có lần suýt chết trong lúc tọa Thiền, sư mới giác ngộ. Và sau đó sư bắt đầu công cuộc chấn hưng Thiền phái Lâm Tế, hệ thống hóa lại các công án Thiền và hoằng dương Phật Pháp, trở thành “thầy của các vị thầy” (a Master of Masters) như nhà nghiên cứu John Stevens nhận định.
Khi còn trẻ tuổi, có lần Bạch Ẩn xem được bức thư pháp của thiền sư Ungo Kiyo (1582-1659), sư đã cảm thán rằng “bức thư pháp này là kết quả của sự giác ngộ thật sự, không phải từ học thuật mà có được”. Liền sau đó, sư đốt sạch toàn bộ tác phẩm thư pháp của mình và chuyên tâm tinh tấn tu Thiền. Cho đến tận tuổi sáu mươi sư mới cầm bút lại và thở ra kiệt tác. Trong tác phẩm “Ba trụ Thiền”, tác giả Phillip Kapleau đánh giá “sư là một họa sĩ thiên tài, một nhà thư pháp xuất chúng và một điêu khắc gia tài ba”.
Dưới đây là bức tranh vẽ Đạt Ma sư tổ của Bạch Ẩn với dòng đề từ “trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Bức tranh với những nét bút đậm, đầy đặn, đường nét phân minh, phản ánh sự trong sáng trong tâm người vẽ. Không có một mảy may do dự trong ánh mắt của người đã thấu triệt lẽ giác ngộ. Một Đức Phật sống động. Người ta thường nói một Thiền sư như Bạch Ẩn năm trăm năm mới xuất hiện một lần.
Ngoài các bức tranh lấy đề tài Thiền, sư Bạch Ẩn còn rất say mê núi Phú Sĩ và để lại nhiều bức tranh về đề tài này. Sư thậm chí còn gọi núi Phú Sĩ là “người yêu” như lời đề từ trên bức tranh sau chuyến du ngoạn ở Naniwa sau đây:
難波の旅
恋人は雲の上になるおふじさん
晴れて逢うには雪の肌見る
“Hỡi nàng Phú Sĩ người yêu ta ơi, Khi trời trong xanh, ta thấy được làn da tuyết trắng” (Chuyến đi đến Naniwa)
Chúng ta hãy thử so sánh tranh Phú Sĩ của Thiền sư Tiên Nhai Nghĩa Phạm:
Thiền sư Tiên Nhai Nghĩa Phạm (Sengai Gibon仙厓義梵 1750-1837) sinh trưởng trong một gia đình nông thôn ở Gifu. Sư xuất gia năm 11 tuổi, làm tăng hành cước năm 19 tuổi và trở thành đệ tử của Thiền sư Gessen. Sau khi ngộ đạo, sư được cửa đến trụ trì chùa Shofukuji (Thánh Phúc tự) và trở thành trụ trì đời thứ 123. Đến năm 61 tuổi sư giao lại cho đệ tử và lui về ẩn dật ở vùng Kyohaku.
Sau khi ẩn dật sư mới bắt đầu sáng tác nghệ thuật trong sự hòa hợp với thiên nhiên. Người dân trong vùng rất yêu mến sư, hay tìm đến tỉnh cầu sư tặng cho bức tranh hay thư pháp. Có lần nhiều người đến tìm quá sư nhô đầu ra khỏi cửa tạ từ “hôm nay Sengai đi vắng rồi”.
Tranh của sư thể hiện một tâm hồn thuần khiết và tự tại, không kém phần tinh tế. Dưới đây là bức tranh vẽ thần Ebisu, thần phù hộ của những người đánh cá và thương nhân với cần câu và một con cá tráp lớn. Bức tranh thật tươi mát và trang nhã. Những bức tranh rất sâu thẳm nhưng không quá nặng nề như tranh của Thiền sư Bạch Ẩn.
Đề tài yêu thích của sư là vẽ chân dung Bố Đại, cũng chính là hình ảnh của sư. Đây là ba bức tranh được nhiều người yêu thích:
Còn đây là bức chân dung Bố Đại (Hotei) tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa:
Một bức chân dung Bố Đại khác:
Cả hai Thiền sư Bạch Ẩn và Tiên Nhai Nghĩa Phạm đều là những thiền sư, họa gia lỗi lạc. Đặt song song tương chiếu tác phẩm của hai Ngài với nhau chúng ta thấy được những đặc trưng của loại hình thiền họa Nhật Bản: tươi mát, sống động, trong sáng, giàu lòng từ bi của những tâm hồn giác ngộ. Trên hết, tác phẩm của hai Ngài khai sáng cho chúng ta một chân lý về nghệ thuật muôn đời: sáng tạo thực sự phải đến từ suối nguồn tâm linh, không phải chỉ bằng những xảo diệu kỹ thuật. Tinh thần Thiền bàng bạc trong tác phẩm mà chúng ta muốn cảm nhận phải lắng sạch tâm mình, đối diện tự thân trong im lặng tịch mặc. Trong cõi lặng im huyền diệu đó, “trực chỉ nhân tâm” bằng vài nét bút gợi tả cũng đã là quá nhiều.
Sài Gòn, tháng 3/2017
Hoàng Long
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Teitaro Suzuki, Thiền luận (ba quyển Thượng trung hạ), Trúc Thiên và Tuệ Sĩ dịch, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
- John Stevens, Thiền sư Nhật Bản, Bạch Ẩn Thiền Sư, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2005.
- Noritake Tsuda, Sổ tay nghệ thuật Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, 1999.
- Các trang web về tranh Thiền sư Bạch Ẩn và Tiên Nhai Nghĩa Phạm.